Thứ Bảy, 26 Tháng Năm, 2012

Tìm hiểu Lịch mùa Giáng Sinh

Là người Việt sống ở trời Âu, năm nào chúng ta dù giáo hay lương, dù mới hay cũ, dù giàu hay nghèo cũng nô nức ăn Noel như người dân địa phương, nào gửi thiệp Giáng Sinh, đi lễ nửa đêm, ăn Réveillon nhưng ít ai am hiểu thế nào là Mùa Giáng Sinh Thời gian bao lâu theo tập quán của Âu Mỹ. Sau đây chúng tôi xin tóm lượt đại cương lịch Mùa Giáng Sinh để quý vị tường lãm :

     Lễ Giáng Sinh kéo dài 12 ngày là lúc mà Mùa Đông dài thườn thượt đạt tới cao điểm của nó đúng ra là ngày 21 tháng chạp dương lịch Ta gọi là Đông chí Tây kêu là Solstice d’hiver, tức là ngày ngắn nhất trong năm (Đông chí). Mặc dù các người theo đạo Thiên Chúa (Công giáo, Tin lành, Chính thống giáo) không đồng nhất quan điểm về các phần chi tiết nhưng các biến cố chính của Lịch Mùa Giáng Sinh được diễn tiến như sau :

     - Ngày 11 tháng 11 dương lịch : Lễ Thánh Martin. Ông Thánh Mạc ti nô là Giám mục thành Tours (Pháp) vào năm 371 nổi danh qua việc ông chia sẻ áo ấm cho người nghèo và là người mở mang đạo Chúa ở đất Gaule. Thời điểm này cũng là lúc giáo hội sắp cử hành 4 ngày chúa nhật Mùa Vọng (dimanche de l’avent) chuẩn bị đón Chúa Hài Đồng vào lúc nửa đêm áp lễ Noel.

     - Ngày 6 tháng 12 dương lịch : là ngày lễ Thánh NICOLAS. Ông lão này (Saint Nicolas) đến để dọn đường cho thầy mình. Ở Âu Châu, nói theo tập quán, đó là ngày mà Thánh Nicolas đến viếng từng nhà, tặng quà cho các trẻ con có hạnh kiểm tốt. Tại vài nơi người ta còn nói ông mang cây Sapin (cây thông Giáng Sinh) tới cho. Trong thời gian từ ngày đó đến ngày lễ Noel, các con trẻ tập trung lại trong các đô thị, tay cầm cây roi coi như là đem lại sự may mắn quất các người lớn và ngược lại đám con nít nhận được quà.

     - Ngày 24.12 dương lịch là ngày áp lễ Sinh nhật (Giáng Sinh).

     - Ngày 25.12 dương lịch là ngày lễ Chúa Giáng Sinh (Noel hay Chritmas).

     - Ngày 28.12 dương lịch là ngày lễ các Thánh Anh Hài Tử  Đạo (Fête des saints innocents). Để tưởng niệm các em bé trai bị hung thần Hêrôđê (Roi des juifs) sát hại nhưng mưu không thành vì Chúa Giêsu không có ở đó.

     - Ngày 01 tháng giêng dương lịch là ngày Tết Dương Lịch hay ngày đầu năm (Jour de l’an)

     - Ngày 06 tháng giêng dương lịch là ngày lễ Chúa Hiển Linh còn gọi là lễ Ba Vua tức là ngày mà Ba Vua đến thờ lạy Chúa Hài Đồng nơi máng cỏ hang lừa được coi là ngày Chúa Giêsu bắt đầu thiên sứ của mình. Với thời điểm này coi như chấm dứt mười hai ngày lễ Giáng Sinh (Les douze jours de Noel) và cây thông cũng được dẹp đi.

     - Ngày 02 Tháng 02 dương lịch là ngày lễ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh còn gọi là ngày lễ Nến (La chandeleur). Hôm nay người ta tháo gỡ hết các giây thảo long và đốt thật nhiều đèn cầy trong nhà để thiêu ma quỷ cho hết coi như đuổi tà. Đông Tây gặp nhau ở chỗ này chăng ?

     Tới đây chúng tôi xin mở ngoạc để nói sơ qua về cách trừ tà đuổi quỷ hay nói cách khác về việc tin dị đoan hay sự mê tín của người Tây phương.

     Người da trắng cũng tin có ma quỷ... Đặc biệt vào mùa Đông giá rét thì chúng nó vào nhà mình trốn đâu đó thường là một góc một xó tối tăm không ánh sáng. Người Âu nói  chung mà hai giống dân ở gần ta nhất là người Pháp, người Đức tin rằng cây cối gì mùa Đông mà còn lá xanh là có năng lực đuổi quỷ : sau khi gặt hái xong, lúa thóc vào bồ thì mùa Đông nó lù lù tới, đuổi cái mùa Hè cây cỏ xanh tươi đi, ban đêm thì trời lạnh lẽo sáng ngủ dậy thấy cảnh vật phủ một lớp sương trắng xóa như ren. Đó là lúc tuyết theo gió phương Bắc thổi về cùng với lũ giặc hung dữ của Thần ODIN.

     Chỉ có rừng hay cây cỏ xanh tươi của mùa Hè mới ngăn cản nổi. Vì vậy họ coi cây gì mà mùa đông lá còn xanh như cây ô rô (Houx), cây đỗ tùng (Générier), cây nguyệt quế (Laurier), cây trường xuân (Lierre), cây thông (Sapin, pin, épicéa) tức những cây có lá trường cửu, có thể chống lại các mụ phù thủy và ma quỷ. Nay ta hiểu tại sao vào dịp Noel người ta bày bán cây thông và các chùm nhánh cây houx. Có nơi còn bán thêm nhánh cây chùm gởi nữa, rằng nó đem cái hên vào nhà... Họ còn nói rằng gai cây houx nó làm vướng áo vướng quần nên bắt và giữ lại được các mụ phù thủy còn khói của cây génévrier đuổi được ma quỷ. Ở vùng Tyrol, chẳng hạn dân trong thành xông khói nhà họ để đuổi tà ma còn dân nhà quê thì lấy chà chôm đốt dụi tro để lúc nào cũng có lửa than trong nhà. Họ để một chén nước thánh (eau bénite) ở mỗi một góc phòng ngủ, trong máng cho bò ăn, ở những khoảnh đất đập lúa. Mỗi con thú đều được ban phép lành kể cả giường ngủ và cửa phòng của các thiếu nữ. Đi một vòng khắp nhà, ông chủ nhà lập đi lập lại : Bao nhiêu may mắn xin vào đây, bao nhiêu hoạn nạn xin đi ra dùm. Sau hết cả nhà đứng thành một vòng tròn và mỗi người được gia chủ ban phép lành bằng khói.

     Tất cả dân vùng Bắc Au đều tỏ lòng sùng kính cái màu xanh của rừng cây cho là trường cửu (Feuillage persistant). Ông John Strow hồi thế kỷ thứ 17, trong bài The survey of London đã viết như sau : Để chuẩn bị đón Noel nhà nào, họ đạo nào cũng treo một nhánh cây houx, cây lierre, cây laurier hay bất cứ cây nào khác mà lá còn xanh (trong mùa Đông). Các con đường và các trụ đèn cũng trang trí như vậy. Sắc xanh tươi của cây cỏ, khói hương, cành nhánh tươi xanh và ánh sáng chưa phải là vũ khí hữu hiệu nhất để đuổi quỷ trừ tà mà còn tiếng động nữa: nào tiếng la hét, trống kèn, chuông nhà thờ và cả tiếng nổ của súng đại bác trong ngày đầu năm nữa. Trong thời gian mười hai ngày Giáng Sinh (hay 12 đêm theo người Đức) người ta còn cữ làm những công việc khó khăn, sợ rằng yêu quái xen vào phá đám, làm hỏng việc. Người ta cữ ăn đậu, cả hai thứ petit pois và haricot. Dị đoan thật!

     Có người nói rằng nên quét nhà mỗi ngày một lần và như vậy là quét bọn phủ thủy ra và hơn thế nữa mỗi ngày xài một cây chổi mới càng hiệu nghiệm hơn. Ở Rôma hay ở Babylone người ta nói rằng 12 ngày đó (les douze jours de Noel) giúp ta tiên đoán cái gì sẽ xẩy ra trong 12 tháng của năm mới vì rằng mỗi ngày trong 12 ngày đó là tiêu biểu cho mỗi tháng trong 12 tháng. Vậy muốn biết thời tiết như thế nào cho vụ mùa sắp tới người ta phải quan sát mặt trời, gió, mưa và tuyết đủ 12 lần. Người ta còn có thể đoán biết vận mạng của mình trong năm mới bằng cách quan sát các nghi thức huyền bí đặc biệt. Ngoài ra chịu đánh đòn bằng cây roi kết bằng các nhánh cây sẽ gặp được may mắn. Chính vì vậy mà đối với người dân Tư lạp phu (Slaves) và người Đức, đó là lúc thích hợp nhất để con trẻ trong xóm đến nhà hát cho nghe những bài hát chúc lành đồng thời quất cho vài cú bằng cây roi làm bằng cành nhánh đó và ngược lại đám con nít nhận được quà của người lớn.

     Vì lý do gì mà con quỷ mùa Đông nó sợ cây xanh lá xanh? Dễ hiểu thôi : màu xanh tượng trưng hay biểu hiệu mùa Hè và sự sống; mùa Đông phá hủy hết những công trình mà mùa Hè đã xây dựng trừ những cây cối có lá trường cửu với màu xanh không thay đổi. Nơi nào có sự hiện diện cây xanh lá xanh là chỗ đó không sợ mùa Đông và làm cho ma quỷ khiếp sợ hay nói cách khác cây xanh lá xanh là kẻ thù truyền kiếp của ma quỷ.

     Biết rằng Noel (Christ Mass biến thành Christmas) kéo dài đúng 12 ngày nhưng quyền lực của ma quỷ mùa Đông còn tồn tại đến ngày Lễ Nến (La chandeleur) tức là ngày 02 tháng hai D.L. Bắt đầu từ thời điểm này, ngày bắt đầu dài ra và mặt trời cũng chiếu sáng lâu hơn. Mùa Đông đã giúp cho lũ quỷ vào trú ẩn trong nhà mà chỉ đẩy chúng nó ra xa được nhờ có đèn (ánh sáng), cây xanh (cây thông và cây houx) hay là khói (lửa, than hồng). Bây giờ mùa Xuân đã ló dạng thì cái đám ở đậu mùa Đông đó phải lo cút đi kẻo ở lâu làm cây cỏ khó đâm chồi nẩy được. Chính vì vậy mà vào ngày Lễ Nến người ta đốt thật nhiều đèn cầy để thiêu đốt cho hết ma quỷ còn sót trong nhà, lại có nơi người ta đi kiệu từng hàng dài ngoài đường tay cầm nến, đèn, đuốc gì cũng được miễn có ánh sáng. Thế mới biết là Tây cũng sợ ma!

Strasbourg, LỄ GIÁNG SINH 2002.

Nguyễn Đức Hòa

 

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art