Nguyễn Đình Lang
Ngày ấy tức hai mươi bảy năm về trước, tôi có sống ở vương quốc Maroc ba năm. Lần này, tôi trở lại không phải dưới danh nghĩa nhân viên ngoại giao mà với tư cách khách du lịch. Trong suốt thời gian ấy (1972-1975) tôi có mấy nhận xét như sau :
1. Khi ra đi.
Maroc mới thâu hồi độc lập trên tay người Pháp (2.3.1956) nên cách làm việc về hành chánh cũng như ngoại giao gần giống Sàigon ta ở những năm 1946-1955 đặc biệt là bị đô hộ có hơn 40 năm (1912-1956) nhưng ảnh hưởng của Pháp còn sâu đậm mà cái đập vào mắt ta nhất là từ thành thị đến thôn quê người dân đa số đều nói được tiếng Pháp.
- Vua Maroc tức hoàng đế HASSAN II rất có cảm tình với Việt Nam Cộng Hòa nhất là sau cuộc viếng thăm xứ này của ông bà Cố vấn Ngô Đình Nhu mà có lần tôi viết : "sắc đẹp của bà Nhu có lẽ đã hớp hồn ông vua trẻ nầy" (1). Người Việt sống ở đây rất được trọng dụng chẳng hạn như ông Linh được vua tuyển vào Cung làm nhiếp ảnh riêng cho Nhà vua hay ông Võ Toản được giao trọng trách xây dựng lăng tẩm của tiên đế là vua Mohamed V. Nên biết sau này năm 1999, vua Hassan II băng hà cũng được an táng ở đây và cả hoàng tử Abdallah em của vua nữa. Đó là chưa nói tới môt số trí thức người Việt khác như bác sĩ, nha sĩ, kỹ sư hay giáo sư được hành nghề dễ dàng ở các thành phố lớn như Rabat, Casablanca, Marrakech hoặc Oujda, Tanger, Agadir.
- Có một làng Việt nam được thành lập ở Kénitra. Có bạn hỏi làm gì có chuyện đó. Vậy mà có ! Số là khi còn chiến tranh giữa Việt minh và Pháp (1946-1954) có một số binh lính người Bắc Phi như Algérien, Tunisien, Marocain và cả lính Sénégalais nữa, có lẽ vì sợ hy sinh uổng mạng hay vì nghe lời tuyên truyền đường mật của Việt minh nên đã đào ngũ chạy ra vùng họ kiểm soát ở Bắc Việt. Để cầm chưn số lính đào ngũ này, Việt minh đã bắt một số thiếu nữ nhận lấy họ làm chồng. Dù bị ép uổng nhưng lửa gần rơm hơn nữa đàn bà Việt lại mắn đẻ nên gia đình nào cũng dăm ba đứa con, còn anh lính Maroc kia đã trở thành người đàn ông Việt bất đắc dĩ : sau hơn hai mươi năm sống bên đó, họ nói tiếng Việt như người Việt, họ ăn mặc như người Việt thậm chí có vài thói quen ăn uống như người Việt nam ta. Âm mưu của Việt minh thâm độc thật mà âu đó cũng là một đặc điểm của cuộc chiến 1945-1954. Sau ngày ký hiệp định Genève (1954) có vụ trao trả tù binh nhưng họ không phải ở diện tù binh mà là hàng binh hay đào binh nên Việt minh không trao trả họ cho Pháp mà cho họ hồi hương thẳng về xứ Maroc. Vì vua Maroc không có lập bang giao với Cộng sản Việt nam khác với Algérie là nước thân cộng có trao đổi Đại sứ nên mãi đến năm 1970 Maroc mới chịu lãnh người của họ về trên dưới hơn 200 người lớn nhỏ. Không biết để họ ở đâu bây giờ vì khó mà cho họ ở chung với người dân địa phương vì ngôn ngữ bất đồng, phong tục tập quán cũng khác nên vua Hassan II đành cho họ ở riêng biệt bằng cách lấy một trang trại của người Pháp để lại sau ngày Maroc độc lập cho họ ở. Nên biết thêm là trong thời kỳ đô hộ, người Pháp đã mở mang vùng Kénitra nầy bằng cách dẫn thủy nhập điền để đưa nước tới trồng lúa theo kiểu đồn điền Gressier ở miền Tây Nam Kỳ ngày trước. Ai qua vùng Kénitra bây giờ cũng thấy các máng nước đúc bằng ciment có đường kính thật lớn chạy dài hàng chục cây số để dùng lấy nước đưa về đây trồng lúa. Các ông Maroc nầy đã học được cách làm ruộng ở Việt nam lại được các bà vợ là con gái Việt chìu chồng nuôi con có tiếng chắc là hạnh phúc lắm với sự tự do đang có ngày nay.
Cũng nên biết thêm do người Việt sống nhiều năm ở đây kể lại là phụ vương vua Hassan II tức là vua Mahamed V cũng là ông nội của đương kim quốc vương Mohamed VI đã dành cho vua Bảo Đại nước ta một ngôi biệt thự ở tại thủ đô Rabat để tới nghỉ mát lúc nào cũng được. Phải chăng vì ở cùng một hoàn cảnh hai nước cùng bị Pháp đô hộ mà chưa bị dẹp bỏ ngai vàng nên dễ thông cảm và quí mến nhau. Trước khi trao trả độc lập cho Maroc (1956), vua Mohamed V đã bị Pháp đày qua đảo Madagascar 2 năm liền nhưng vì dân chúng phản đối dữ dội nên Pháp phải nhượng bộ mà đặt vua Mohamed V trở lại lên ngôi thuộc dòng Alaouites trị vì xứ nầy từ thế kỷ thứ 17 tức là hơn 400 năm nay rồi.
- Một cuộc tranh chấp buồn cười đáng ghi nhớ giữa Hoa kỳ và Liên sô : số là để tranh dành ảnh hưởng chính trị và kinh tế ở một xứ nhược tiểu kém mở mang như Maroc, Liên sô cho xây cất một Tòa Đại sứ thật lớn trên một thửa đất thật rộng lớn gấp đôi Tòa Đại sứ Mỹ có lẽ để làm bàn đạp gởi gián điệp đi khắp Bắc Phi và Phi châu đen nhưng phía Hoa kỳ cũng không chịu thua, chọn một ngọn đồi để xây cất Tòa Đại sứ nên cờ Mỹ bay phất phới thật là cao và có vẻ rất là ngạo nghễ. Chưa hết, Liên sô không chịu thua lại còn muốn chơi trội hơn nữa là khác có lẽ để mua chuộc dân bản xứ đã đặt mua cam của Maroc với giá cao gấp đôi giá thị trường xuất cảng. Ai cũng biết Maroc trồng rất nhiều cam nên chổ nào cũng thấy cam trồng dọc theo lề đường như Sàigon trồng me, hay có những vườn cam mênh mông có từ thời Pháp, cho nên Maroc có dư thừa cam để xuất cảng mà cũng đang tìm thị trường. Mỹ đâu có chịu thua, biết dân Maroc tiêu thụ rất nhiều đường cát, đường thẻ để uống trà nên viện trợ cho Maroc có ngoại tệ để mua đường bán rẻ cho dân. Chưa hết Trung Cộng cũng nhảy vô ăn có bằng cách bán trà với giá thật rẻ vì biết dân Maroc uống trà tối ngá và quanh năm với thâm ý mua chuộc họ thôi. Từ thành thị đến thôn quê chổ nào cũng thấy bán trà "China green tea".
- Còn một biến cố quan trọng khác đáng ghi nhớ là hồi năm 1975 có cuộc hành quân dành dân lấn đất mà Maroc gọi là "La Marche Verte". Số là lúc bấy giờ xứ Espagne có lịch trình rút lui khỏi vùng đất gọi là Sahara occidental nhưng chưa biết phải trao cho ai, vì lúc đó có 3 nước là Algérie, Mauritanie và Maroc cùng tranh chấp nói là đất của cha ông mình nhưng Maroc nhanh chân hơn bèn xua dân kéo tới chiếm lấy để coi như chuyện đã rồi trước mắt quốc tế. Algérie đâu có chịu thua bèn xúi dân địa phương (saharaoui) đứng lên thành lập Phong trào hay Mặt trận Polisario để chống lại quân và dân Maroc đòi độc lập. Thế là có cuộc xung đột đổ máu giữa quân du kích Polisario và lnh của nhà vua Hssan II cho tới nay vẫn chưa ngã ngũ. Liên Hiệp Quốc muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để định đoạt số phận vùng đất nầy, nhưng Maroc vẫn kiếm cách trì hoãn. Sở dĩ nơi đây bị cả 3 nước nói trên dành giựt là vì có nhiều khoáng sản đặc biệt là Phosphate.
Sau hết cũng nên nhắc lại là trong suốt 38 năm trị vì (1961-1999), vua Hassan II bị mưu sát 2 lần nhửng cả hai lần đều thoát hiểm : lần thứ nhất năm 1971 ở Skirat làm chết oan ông Đại sứ Bỉ quốc, có mặt ông Đại sứ Hoàng Thúc Đàm trong buổi dạ yến này, và lần thứ hai năm 1972 khi vua Hassan II đi công du bên Pháp trở về thì bị hai máy bay khu trục của bọn phản loạn chận bắn trên không một lần và dưới đất một lần khi máy bay nhà Vua đáp xuống phi trường Rabat lúc đó tôi từ Sàigon mới vừa qua tới nhận việc. Phải chăng ông vua này có mạng "chánh vì vương" !
2. Ngày trở lại.
Đã lâu lắm rồi tôi vẫn ao ước có ngày trở lại thăm Maroc và nay thì mộng đã thành : ghi tên theo một tổ chức du lịch (voyage organisé), tôi có dịp trở lại thăm vương quốc này sau 27 năm xa cách. Đây là một chuyến đi 8 ngày với chương trình đi viếng các đô thị lớn mệnh danh là đế đô (circuit des villes impériales). Lấy công tâm mà nói với 8 ngày này tôi được đi coi nhiều nơi lại được người hướng dẫn giải thích tường tận lai lịch từng nơi (đền, đài, di tích...) nên tôi biết (được nhiều chuyện hơn ba năm sống ở Maroc chỉ chăm chú làm việc (1972-1975). Nhận xét đầu tiên của tôi là có sự phát triển rõ rệt dưới trào vua Hassan II về mọi mặt. Riêng ở thành phố Marrakech ngày nay đường xá đã được trùng tu hay mở rộng, cây cối bên lề (cam, olive, palmier...) được săn sóc tưới nước đầy đủ nên xanh tốt ; còn các hôtel thì mọc lên như nấm lại thuộc loại lớn loại sang có lẽ để lôi cuốn khách du lịch. Có một thời Marrakech được chọn làm kinh đô (1062) nhưng sau đó phải nhường chổ cho Fès rồi Meknès rồi Rabat. Vì vậy bốn thành phố này có tên là đế đô. Đến Marrakech thì phải đi coi công trường "Place Jemâa el Fna", đền thờ Koutoubia và lâu đài "Le Palais de la Bahia".
Công trường Jemâa el Fna có một sinh hoạt đặc biệt đến nổi UNESCO vừa mới vếp hạng là "Patrimoine oral universel ". Quả thật, chổ này hết sức náo nhiệt vào buổi chiều và buổi tối (ăn nhậu, trò xiếc sơn đông mãi võ, thổi sáo rắn múa, thầy thuốc vườn, thầy nhổ răng tại chổ, người ngồi kể chuyện đời xưa, các mụ vẽ tay vẽ chân bằng mực henné...) Đặc biệt có hàng chục xe đẩy bán nước cam vắt vừa uống vừa bổ dưỡng vừa đã khát. Công trường này được coi là có tiếng nhất thế giới. Sau đó là ngôi đền Koutoubia mà cái tháp cao 77 thước được nổi danh ở các xứ Ả Rập không thua gì Tháp Effel ở Paris. Unesco cũng đã xếp hạng "mosquée" này được xây từ thế kỷ thứ 12.
Còn một lâu đài nữa cũng nên tới coi là "Le Palais de la Bahia" có nghĩa là lâu đaiu "người đẹp" được xây cất gần đây hơn ở thế kỷ thứ 19. Sự tích lâu đài này như sau : có một ông lãnh chúa (vizir) tên là Ba Ahmed hùng mạnh vừa giàu tiền vừa giàu tình ; ông ta có 4 người vợ chính thức và 24 thê thiếp. Để chứa hết số người này nên ta không lấy làm lạ tại sao lâu đài này lớn thế. Nói về "harem " này, ông chủ nhà rất mực thước : các bà vợ chánh không được ra khỏi nhà các thê thiếp chỉ được ra ngòai buổi sáng mà thôi ai có việc gì lắm thì cũng phải về trước khi trời tối. vào dịp các lễ tiết, để các bà vợ của ông lãnh chúa này nhảy múa tránh sự dòm ngó của phàm nhân tục tử, người ta chỉ đưa vào đây đàn và hát các nhạc sĩ mù... Đâu có thua gì vua Tàu nhỉ ! Thời Pháp đô hộ, ông toàn quyền là tướng Lyautey lấy điện Bahia này làm tư dinh sau khi cho làm thêm lò sưởi, ống khói và gắn điện. Ngoài Marrakech tới các thành phố đế đô khác thì cũng thấy có hai khu phố một khu phố cổ gọi là Médina với chợ Souk và khu phố mới do Tây cất về sau gọi là "la ville nouvelle". Riêng tại Casablanca thì ta thấy có một kiến trúc mới rất vĩ đại là đền thờ Hồi Giáo "mosquée Hassan II " mới xây cất và khánh thành năm 1993, được coi là lớn thứ nhì sau La Mecque. Tháp cao 200m và bên trong chứa tới 20.000 tín đồ, còn sân bên ngoài chứa được 80.000 người.
Để chấm dứt bài này, tôi xin nêu lên vài con số và đặc điểm :
Tên chánh thức : vương quốc Maroc
Diện tích : 458.730 Km2 ; nếu tính thêm Sahara occidental : 711.000 Km2
Dân số : 27.377.000 người
Tiền tệ : Dirham (1 euro ăn 10 Dirham)
Một đặc điểm đáng ghi nhận, ở mỗi khách sạn có dán một tờ thông tư của Bộ Nội Vụ nhắc về giá biểu cho mướn phòng : bớt 25% cho người dân bản xứ (Marocain) ; bớt 50% cho quân nhân và cựu kháng chiến quân. Như vậy du khách ngoại quốc phải trả đủ 100%.
Cước phí gửi thư đi Pháp : 6 DH
Giá biểu mướn Guide nửa ngày : 120 DH ; trọn ngày : 150 DH
Xe taxi chia làm 2 loại : petit taxi và grand taxi (đi trong và ngoài thành phố)
Cước chú : (1) xem Nhịp Cầu số 90 tháng 10 năm 1999 : Hoàng đế băng hà
Strasbourg ngày 15.1.2002