Thứ Bảy, 26 Tháng Năm, 2012

Hồi ký : chuyến viếng thăm tu viện Nevers dịp bách chu niên (1879 - 1979)

Thứ Bảy 17/2/1979: trời mùa Đông, tuyết rơi khắp mặt đường. Cái tuyết thứ tư của gia đình tôi trên đất Pháp. Mặc dầu tuyết rơi, tôi cũng sửa soạn đem cả gia đình đi Nevers dự Lễ Kỷ Niệm Bách Chu Niên thánh nữ Bernadette qua đời tại NEVERS.  Tu viện cách tỉnh chúng tôi ở có trên 100 cây số, nhưng mới qua Pháp và chưa lần nào lái xe đem gia đình đi xa đến thế, nên tôi cũng ái ngại, nhất là khi người con gái đầu lòng chỉ mới có 7 tuổi..!

       Bernadette Nevers

        Khi em sinh ra ở tận trời Nam, tôi đã không ngần ngại đặt cho em tên thánh rửa tội là... Bernadette để hướng cuộc đời của em về Chị thánh Bổn mạng xa xôi. Đó là dấu chứng tỏ lòng tôi mộ mến thánh nữ, tuy bấy giờ tôi chưa được biết rõ ràng về thân thế và nếp sống tu hành của Chị.

            Thế rồi, chuyến đi cũng đến nơi an toàn, tuy không dám lái nhanh, gặp nhiều khúc quanh co trơn trượt.

            Đến nơi, chúng tôi được các nữ tu đón tiếp nồng hậu và ân cần hướng dẫn viếng thăm tu viện, các nơi chốn ghi dấu đời sống 13 năm tu Dòng của Bernadette. Nào là cái dù cũ kỹ và một khăn gói cầm tay lúc Chị đặt chân lần đầu vào Tu viện, nào là áo an-ba thêu lúc ở Nhà Tập, bút tích ghi lại những lần thấy Đức Mẹ hiện ra. Nhất là Phòng thuốc có chiếc ghế dựa, nơi Chị thánh trút hơi thở cuối cùng. Chỗ giường bệnh trong Phòng thuốc, xưa kia Chị qua những tháng ngày đau ốm, nay được thay vào đó là cái Bàn thờ dâng kính Đức Mẹ.

            Dĩ nhiên chúng tôi còn được hướng dẫn xuống Nhà thờ để viếng thăm Xác thánh nữ vẫn còn nguyên vẹn, được đặt trong Hòm kính để trước bàn thờ Đức Trinh Nữ. Vị nữ tu hướng dẫn đã khoác vào cổ người con gái đầu lòng chúng tôi một tràng hạt gọi là « chút quà » kỷ niệm của thánh Bổn mạng! Nhưng lúc đó, em còn nhỏ, chưa hiểu được ân huệ lớn lao của món quà thiêng liêng ấy!

            Chúng tôi rời Nhà thờ, ra sân viếng hang đá Đức mẹ, xây họa theo hang đá Lộ Đức, năm năm sau khi thánh nữ qua đời. Các chi tiết về thánh tượng Trinh Nữ, có người nói, đều dựa vào lời Bernadette thuật lại tỉ mỉ để nét mặt tượng phảng phất hình dáng Đức Mẹ hiện ra hơn là pho tượng chính thức ở Lộ Đức.

            Thời gian viếng thăm tuy ngắn ngủi, chỉ hai ngày, nhưng cuộc viếng thăm lần đầu tiên này đã đánh động tôi rất nhiều. Tôi đã phải tỏ bày tâm tư cảm nghĩ sâu đậm của chuyến viếng thăm trong lá thư gửi cho Mẹ Bề trên tu viện một tuần lễ sau đó.

            Bernadette chăn cừu được thấy Đức mẹ hiện ra. Bernadette tên thánh rửa tội của người con đầu lòng. Bernadette mà có người tín hữu VN nào lại không ước mơ được chiêm ngắm dung mạo thánh thiện... thì nay, thời cuộc đảo lộn chiến chinh đất nước 75 lại đã đẩy đưa chúng tôi qua trời Tây, đến được tận nơi, quỳ chiêm ngắm và cầu nguyện trước Xác thánh nữ! Thật là một hồng ân to lớn!

            Bernadette Lộ Đức

          Niềm xúc động ở Nevers chưa lắng dịu sau chuyến viếng thăm, hình ảnh của Thánh nữ chưa phai mờ khỏi tâm trí, thì sáu tháng sau, vào mùa hè oi bức, tôi lại có dịp lái xe đem cả gia đình lên đường đi xa một lần nữa. Lần này thì phải vượt gần 900 cây số để hành hương LỘ ĐỨC, mừng Lễ Đức Mẹ lên trời tại đất thiêng, nơi khai sinh Ơn gọi của cô bé Bernadette.

            Tại đây, trong suốt tuần lễ lưu trú, chúng tôi có dịp gặp lại « Bernadette » tại Vương cung thánh đường nguy nga lộng lẫy, xây cất ngay trên động Massabielle, thể theo lời yêu cầu của Mẹ nhắn gửi Bernadette đã 120 năm qua. Bấy giờ em đang ngồi giữa rừng thông lúc đi lượm củi, không gió thổi, không cây đưa, nhưng em đã nghe như có luồng gió làm gợn sóng con sông Gave nhẹ chảy dưới chân !Giờ đây, con sông Gave vẫn chảy đều, nhưng giòng suối Bernadette khơi lên còn chảy xiết mạnh hơn nữa, để muôn người được múc lấy, « uống và rửa mặt », hoặc được dìm mình tỏ lòng cải hối, xây đắp một đời sống mới!

            Ngoài ra, chúng tôi còn được viếng thăm nơi chôn dau cắt rốn của Thánh nữ, vì người sinh trưởng ở Lộ Đức, căn phòng của gia đình với các đồ dùng thô sơ, nghèo nàn, một gian nhà quá ư chật hẹp, xưa là nhà tù cũ ẩm ướt tăm tối, hôi hám. Bấy giờ cả gia đình phải chui rúc sống qua ngày, vì không còn tìm được nơi nào để nương náu sau khi bị khánh tận.

            Chúng tôi cũng bắt gặp được những đồ dùng rất thô sơ của Bernadette tại ngục thất: xâu chuỗi tầm thường mà Bernadette đã lần với Mẹ Maria, khăn dài phủ đầu và đôi guốc thô kệch để băng rừng lội suối kiếm củi để về đem bán đổi lấy năm ba xu nuôi sống thêm cho gia đình!

            Nói tắt, chúng tôi có thể đi lại những bước đi của Bernadette từ nôi hèn, qua lúc thiếu thời, đến khi vào Dòng và sau khi chết!

            Hai cuộc viếng thăm dồn dập với bao nhiêu kỷ niệm sống động như thế đã làm cho tôi cảm thấy Bernadette như gần chúng ta qúa, ở tầm tay ta quá, đến nỗi chúng ta như « cầm » được người, « đụng » đến người như ngày xưa dân chúng vây quanh người. Vì người còn « sống » đó qua các vật dụng thô sơ, tầm thường, nơi ăn chốn ở nghèo hèn như chúng ta.Nếu không nói, người còn nghèo hơn chúng ta, còn khổ cực hơn chúng ta. Phải chăng người muốn vạch cho chúng ta một hướng đi, lưu lại cho chúng ta một tín thư, một lẽ sống!

          Ta sinh ra nghèo hèn ư? Ta thiếu ăn thiếu mặc từ bé ư? Ta không nhà cửa, lại hay đau ốm, bệnh tật ư? Ta bị tù đày, bị khinh chê ư?Ta cảm thấy đời ta vô dụng ư? Ta phải xa cha lìa mẹ sớm ư? Ta phải mồ côi ư? Nói tóm: đời ta gặp toàn đau khổ ư? Thì Bernadette cũng đã trải qua những trạng huống ấy, cũng đã phải bước lên con đường tủi hờn ấy, có khi còn sâu đậm hơn nữa?

            Cuộc đời niên thiếu ở với mẹ cha đã quá cực khổ vì gia đình quá nghèo. Lúc ở trong Dòng là những chuỗi ngày dài qua trong đau ốm vì bị ho suyễn hành hạ, hay cuối đời tu hành, bị đầu gối lỡ loét đau nhức đến tận xương. Và đau triền miên như thế, cho đến hơi thở cuối cùng.Ngoài khổ đau phần xác khi ở trong Dòng, Bernadette còn một khổ đau khác, không kém trầm trọng là nhớ nhà và nhớ quê.

            Nhớ nhiều đến Lộ Đức, nơi chôn dau cắt rốn, với đồi núi xanh tươi, với con suối chảy lách tách ngang nhà máy thân sinh. Nhớ những tháng ngày thơ ngây, rong ruỗi với chúng bạn trong rừng thông để lượm củi và xương khô đem về bán đổi, mua lấy vài ổ bánh mì...

            Nhớ động Massabielle, nơi Bernadette đã sống bao giờ phút ngây ngất trước nụ cười hiền hòa, tiếng nói quá êm dịu của người Mẹ thiên thai. Nhớ căn phòng thân yêu, tuy là « nhà tù » cũ, tối tăm, hôi hám mà sáu mạng người và ghế, tủ giường mộc mạc chen chúc trong căn phòng mười ba thước vuông... nhưng gia đạo yên vui đầm ấm!

            Nhớ đến nỗi đôi mắt tinh tuyền phải ứa lệ mỗi khi đọc thư nhà gửi đến.Nhớ đến nỗi,phải tự ủi an tâm hồn qua những lời thở than với Đức mẹ Suối nước, bức tượng thấp và nhỏ xinh đặt ở góc vườn Tu viện, mà mỗi chiều người được phép ra đó kính viếng...

            Nhớ đến nỗi về sau, Chị đã thú nhận: rời quê quán là một sự hy sinh lớn lao nhất, nếu không nói là sự hy sinh lớn lao nhất của đời chị !

            Nhưng mặc dầu giữa khổ đau trong ngoài, người nữ-tu trẻ tuổi đã có tâm hồn đầy nghị lực và có căn bản đạo đức từ nhỏ. Trong buổi kinh tối đọc chung với gia đình, lời kinh hòa tan trong ánh chiều tà khuất sau rặng núi Espéluges là lúc tâm hồn em kết hiệp với tình yêu Mẹ Maria và Giêsu chí thánh, là nguồn ủi an và sức mạnh đỡ nâng trong cuộc sống cơ cực. Lời kinh của kẻ nghèo chân thật, thiết tha và đầy lòng cậy trông, phó thác biết bao !

            Vì thế, Bernadette đã không để cho thánh giá cuộc sống đè nặng tâm tư, để chỉ ngồi khóc cho số phận, cho số mệnh hẩm hiu... trái lai Chị đã biết lấy can đảm và sức mạnh đức tin để lướt thắng mà... sống cuộc đời tận hiến cho đầy đủ, vẹn toàn mà nên thánh!

             Chị hằng suy niệm lời Mẹ Maria đã nói với chị: Mẹ không hứa là con sẽ được hạnh phúc ở đời này, mà ở đời sau! Cho nên Bernadette đã nên thánh, và thánh lớn, không phải vì đã thấy Đức Mẹ hiện ra cho bằng Chị đã biết nhận định mọi việc vui buồn, - nhất là buồn đau - xảy ra trong đời sống, là do Chúa ban phép.Và khi Chúa đã ban phép cho xảy ra, thì Chị vẫn giữ được bình an trong tâm hồn.

        Thiết tưởng đó là mẫu gương Bernadette để lại, đó là lý do tại sao người còn « sống » ở NEVERS, ở LỘ ĐỨC... như là niềm khích lệ, sức đỡ nâng và ánh sáng soi lối cho những ai, - nếu không là chúng ta hết thảy -, sau khi đã bắt gặp người trong cuộc sống trần thế, laị muốn cất bước theo người trên con đường siêu nhiên.

St-Florentin Tháng Hai 1979

 

Thư gửi Mẹ Bề trên Tu Viện Nevers

St-Florentin Février 1979

            Thưa Mẹ Bề Trên,

            Thế là đã một tuần qua, kể từ ngày gia đình chúng tôi giã từ ngôi tu viện St-Gildard trong luyến tiếc, nơi mà thánh nữ Bernadette vẫn còn hiện diện... Thú thực rằng, sau khi trở về nhà, không một phút nào, chúng tôi lại không nghĩ đến thánh nữ. Chúng tôi ao ước được có dịp trở lại viếng thăm, nếu đường đi không đến nỗi quá xa đối với chúng tôi.

            Tuần vừa qua, trong dịp ghé lại hai ngày, vì thời gian eo hẹp, chúng tôi đã phải viếng thăm, một cách vội vàng, tu viện, gian phòng lưu giữ các kỷ vật,và nơi chốn mà xưa kia thánh nữ đã sống. Điều đánh động chúng tôi hơn cả về cuộc sống đó: sự nghèo nàn. Nghèo trong tinh-thần và về vật chất. 

            Riêng tôi, đã đứng lâu giờ để nhìn ngắm chiếc dù cũ kỹ và khăn gói cầm tay đựng áo quần của Bernadette mang từ Lộ Đức. Đó phải chăng là tất cả hành lý của người khi người bước vào cổng viện tu, người mà trước kia đã được diễm phúc thấy Đức Mẹ!

            Thưa Mẹ Bề Trên

            Không ai còn có thể nghèo hơn thế nữa. Ai trong chúng ta, khi vào Dòng tu, áo quần đồ đạc mang theo há lại không nhiều hơn thế. Nếu không nói, có người còn đem theo cả một vali dày cộm! Vật lưu niệm thứ hai đánh động tôi hơn cả là đôi guốc nhỏ bé và thô kệch, vì ta không tìm đâu ra đôi guốc nào thô kệch hơn, nặng nề hơn nữa! Chắc là đôi guốc do Nhà Dòng cung cấp mà Bernadette đã vui vẻ đón nhận với tất cả sự trìu mến !

            Đối với Chị, vào đời tu Dòng, dùng các đồ vật do Nhà Dòng cung cấp, đó là tự nhiên. Chị không nghĩ gì hơn, đòi hỏi gì hơn. Nhưng dưới con mắt một phụ nữ tân tiến ngày nay, ưa xa xỉ, tiện nghi-nếu không muốn nói ưa dư thừa-, thì họ cho việc dùng đôi guốc thô kệch kia là quá nghèo nàn và... « quê » hết chỗ nói!

            Tôi nhớ đến phương châm của một Giám tâp một Dòng tu kia, thường nhắc đi nhắc lại với các tâp sinh: đừng « dính »! Phải, đừng dính với của cải trần tục, để lòng trí được thảnh thơi bay về với Chúa. Thánh An-Phong, giám mục tiến sĩ Hội thánh, cũng đã nhắc đến nhiều lần trong cuốn sách thiêng liêng người viết cho hàng tu sĩ: « Chân con chim bị buộc một sợi giây nhỏ, hay một sợi giây to, thì nó cũng không bay thoát lên trời cao được! »

            Dĩ nhiên Chị thánh đã sống nghèo, ẩn dật theo tinh thần Phúc Âm. Chị đã nói: « Tôi đến đây để ẩn mình: » Ẩn dật lúc sống, Chị cũng còn «ẩn dật » sau lúc chết, dù là cái chết của đấng thánh và thánh lớn. Tu viện NEVERS, nơi Chị trút hơi thở cuối cùng. có Xác thánh Chị an nghỉ - vẫn còn nguyên vẹn sau hơn 100 năm -,đã trở nên Trung tâm Hành hương. Nhưng các hội đoàn hay cá nhân đến hành hương đông đúc thế nào?

            Thì cứ xem ngày Lễ Bách Chu Niên của Chị vừa qua (16/4/1879-1979), có thu hút bao nhiêu người đến Nevers như ta thường thấy cảnh tấp nập lữ hành đến kính viếng một vài thánh nữ khác, hay tại Trung tâm thánh mẫu Lộ Đức? Hình như Bernadette chỉ là người đưa tín thư Lộ Đức đến cho ta. Bernadette phải ẩn mình để Đấng ban bố Tín thư, được đề cao, ca ngợi, tôn sùng. Bernadette nhường bước cho Mẹ Maria để Người được muôn người tôn kính...

            Nhưng chính cái đơn sơ, cái đời sống ẩn dật đó, chọn lui vào bóng tối của một tâm hồn cao cả, đầy hy sinh đau khổ suốt đời để cứu các linh hồn tội lỗi... với bao can đảm, đầy đức tin, đức mến nồng nàn... đã làm cho tôi suy tư khi nghĩ đến cuộc đời trần thế. Ai nấy dành dật làm chuyện mới lạ, thích ăn trên ngồi trốc, cai quản hơn lụy phục, thống trị hơn phục vụ!

          Thú thực với Mẹ là buổi sáng lễ Chúa nhật dịp Bách Chu Niên vừa qua (18/2/79), do Cha Tuyên Úy Tu viện cử hành tại nhà Nguyện của Dòng, nơi thi hài của thánh nữ vẫn còn nguyên vẹn trong Hòm Kính, đã đánh đông tôi hơn là khi dự lễ đại trào do ĐGM Ernoult chủ tế với hai GM đồng tế, tại Thánh Đường Saint-Cyr trong tỉnh. Trong bài giảng của Cha Tuyên úy, có lời đã làm tôi suy nghĩ: « Bernadette đã làm trọn vẹn những gì Chị phải làm! » Làm trọn vẹn, phải chăng là làm việc cho đẹp ý Chúa và cứu các linh hồn mà thôi !

            Thưa Mẹ Bề Trên,

           Tôi đã quá dài giòng, xin Mẹ miễn thứ, nhất là tôi dám « múa rìu qua mắt thợ ». Mẹ hằng có thánh nữ Bernadette trước mắt, trong đời sống. Thực ra tôi chỉ muốn bộc lộ tất cả tâm tư, niềm xúc động của tôi, sau khi viếng thăm tu viện và nguyện cầu trước Hòm Kính thánh nữ! Tôi xin có lời cám ơn Mẹ đã đón tiếp nồng hậu gia đình tôi, cám ơn các Nữ tu đã vui vẻ, nhã nhặn-nhất là nữ tu Geneviève-, cắt nghĩa, giảng giải về thời xa xưa của thánh nữ tại các nơi đó.

            Niềm mong ước cuối cùng của tôi là được sớm trở lại viếng thăm (1). Xin thánh nữ Bernadette ban ơn cho Dòng thánh để tín thư của Bernadette được cả thế giới đón nhận và thi hành: « Cầu nguyện cho kẻ có tội trở lại »

            Xin kính chào Mẹ.

(1) Tôi đã trở lại viếng thăm năm 1993 và 1995 (Xem Hồi ký Nevers 1995, trang 283)

Thư mẹ Bề Trên Tu Viện NEVERS trả lời

Tu Viện Nevers 34 Rue St-Gildard Nevers        

            Gần một tháng sau, tôi nhận được thư trả lời của Mẹ Bề trên Nevers, viết ngày 26 Tháng Ba 1979.

            Mẹ cho biết việc trả lời có phần chậm trễ vì Mẹ bận nhiều việc. Và Mẹ chỉ có vài lời ngắn ngủi thôi. Mẹ cho chúng tôi biết là Mẹ luôn sẵn sàng đón nhận chúng tôi khi có dịp trở lại viếng thăm và xin tôi chuyển lời Mẹ hỏi thăm gia đình tôi. Cuối thư Mẹ yêu cầu chúng tôi tin rằng Mẹ sẽ cầu nguyện cho gia đình chúng tôi trước Hòm kính thánh nữ Bernadette.

Ký tên: Soeur Elisabeth E.

Hồi Ký: NEVERS 1995: MỘT NGÀY PHỤC SINH SỐNG LẠI

            Chúa nhật 16 tháng Tư 1995 là ngày lễ Phục Sinh và cũng là ngày kỷ niệm thánh nữ Bernadette Soubirous qua đời tại tu viện St-Gildard ở Nevers. Nhân dịp này, tôi đã lên đường đến dự lễ tại ngôi Nhà thờ của Dòng, hiện có đặt Hòm kính đựng xác thánh nữ còn nguyên vẹn.

            Tôi đã dậy từ 6 giờ sáng để sửa soạn lên đường cho kịp lễ 10 giờ, vì tôi ở xa đến 150 cây số.Trời đang độ Xuân, nên ban sáng mát mẻ, không khí trong lành, đường sá vắng vẻ, ít xe cộ. Có lẽ nhiều người đã chọn hướng khác để đi nghỉ hè, vì cũng là vào những ngày nghỉ lễ dài hạn. Cảnh vật dọc đường, nhiều đoạn thực ngoạn mục. Cây cối đâm chồi nẩy lộc, cành lá phơi bày một màu xanh lam trông rất dịu dàng và đầy thơ mộng.Cỏ cây, sau những tháng ngày băng giá, âm-u rét mướt, rụng lá, trơ cành..., nay nhân dịp Xuân về, đã nẩy mầm, tìm lại được sức sống mới, đầy nhựa sống để kéo dài qua mùa hạ nóng bức.

            Lái xe chạy bon bon giữa khung cảnh thiên nhiên tươi thắm ấy, tôi không khỏi nghĩ đến quang cảnh tâm hồn tôi không thể để chìm mãi trong mùa đông giá buốt của cuộc sống thiêng liêng, không thể cứ ủ-rũ, co-rét trên con đường nhân đức mà không vươn mình lên, đâm chồi nẩy lộc, tìm một sức sống mới, cho tâm linh. Tự ý ra đi những hơn 100 cây số dài, vào lúc nhiều người đang ngon giấc, ra đi với cả tâm hồn đầy vui tươi, há chẳng phải là đáp tiếng mời gọi của Chị thánh Bernadette, nhờ ơn Chị thánh cầu bàu? Một vị thánh mà tôi rất mộ mến, ngày đêm cố gắng tìm hiểu thêm cuộc sống ẩn dật, nhưng vô cùng mãnh liệt, đầy hy sinh cao độ trên con đường tiến đức phi thường.

ĐẤT THIÊNG

            Khi chiếc xe tiến vào nội địa Nevers, lòng tôi hồi hộp và cảm động vô tả. Thực tôi không hiểu được lý do, vì đây không phải là lần đầu tôi đến viếng thăm Chị thánh, mà là lần thứ ba. Lần thứ nhất tôi đến với cả gia đình vào ngày 16/4/1979, để mừng Lễ Kỷ niệm Bách Chu Niên thánh nữ qua đời (1879-1979), tại tu viện St-Gildard (1). Và lần thứ hai, vào dịp lễ Thăng Thiên 1993, tôi đến với người bạn từ Mỹ sang chơi.

             Hai lần đó, tôi đâu có cảm nghiệm như thế. Lần thứ ba này, tôi có cảm tưởng như vào Đất hứa, như vào linh địa Lộ-Đức, vì thực ra thánh nữ Bernadette chẳng phải là gạch nối giữa Lộ-Đức và Nevers sao ? Một nơi là ơn gọi nẩy sinh, một nơi là sứ mạng lãnh nhận từ Mẹ thiên thai. Tôi nghĩ rằng dân tình nơi đây không biết họ có cảm thấy hạnh phúc được ở trên cùng mảnh đất với thánh nữ, với con người đã được thấy Mẹ Maria tuyệt vời, và chuyện trò cùng Nữ Vương thiên đàng không? Họ có cảm thấy họ được hạnh phúc sống gần Nơi chốn đang chứa đựng con người một vị thánh, một vị thánh lớn, đã sống trong cùng một tỉnh với họ, cũng thở một làn gió như họ, hô hấp bầu không-khí dưới khung trời che phủ họ, trong vòng 13 năm không?

-----------------------------

(1) Xem bài Chuyến viếng thăm Nevers 1975.

            Họ phải chăng là con cháu của những người, cách đây hơn 100 năm, đã được nghe chuông tu viện St-Gildard đổ hồi báo tin Bernadette qua đời chiều Thứ tư lễ Phục Sinh năm 1879, lúc 3g15 phút ? Và họ đã kéo nhau đến kính viếng xác Chị thánh, nhìn cho được tận mắt con người bấy lâu đến để ẩn mình, không muốn được gọi ra Nhà khách, dù là để tiếp bậc vương giả hay phẩm trật cao cấp trong Hội Thánh! Mà dân chúng kéo đến dự tang lễ đông đến nỗi Nhà Dòng phải cho để xác thánh nữ thêm một ngày mới chôn cất. 

            Phải, ai nấy đều cho đó là xác thánh, nên các tiệm bán ảnh đạo đức trong tỉnh đã bị dân chúng ùa vào mua hết để đem tới đụng vào xác thánh. Nhiều người không mua kịp, chỉ còn biết đem đồ nghề thêu may của mình như con đê, cái kéo, giỏ khâu... chạm vào xác thánh. Có những bà già, không được may mắn biết tin Chị thánh qua đời hôm ấy, về sau đã phải thốt lên: « Đáng lý ra, người ta phải dán giấy khắp phố phường báo tin Bernadette qua đời mới phải ! »

            Đúng 9 giờ thì xe tôi đến Parking trước cổng tu viện. Trời trở rét, gió thổi nhiều làm tôi liên tưởng đến ngày đầu tiên tôi đến kính viếng Chị thánh dịp Bách Chu Niên. Hôm ấy là tháng Hai lạnh buốt và sân tu viện phủ đầy tuyết trắng. Đứa con gái đầu lòng của tôi, mới có 7 tuổi, vui đùa với tuyết phủ quanh tượng thánh nữ, Bổn mạng của em, được xây giữa sân.

NIỀM VUI CHIA SẺ

            Giờ đây, lúc vào trong sân tu viện, tôi nghĩ rằng có lẽ hôm nay chỉ có một mình tôi là khách từ xa đến dự lễ Phục Sinh.  Nhà Dòng sẽ vắng vẻ, không thấy lấy một bóng người, nhất là lúc thời tiết rét run thế này. Nào ngờ, một nhóm người Á-Đông đang cùng nhau tập họp để vào dãy ghế trước hang đá Đức mẹ Lộ Đức, được xây cất sát tường tu viện. Không biết họ thuộc quốc gia nào, chỉ biết cha Tuyên Uý nhóm của họ cử hành thánh lễ bằng tiếng Anh.

            Thấy còn giờ, tôi đi thẳng vào phòng khách xin ghi tên để được dùng cơm trưa tại tu viện để có giờ đọc kinh suy gẫm hơn ra phố dùng cơm. Một bữa ăn trưa đầy đủ cá hay thịt, bánh mì, rượu vang, pho-mát và tráng miệng, nhưng giá cả phải chăng. Sau đó, tôi đi băng qua sân để vào nhà thờ đọc kinh, dự lễ. Tôi đã bắt gặp tượng Chị thánh xây trên bục xi măng cao quá đầu người, ngự giữa vườn hoa.

            Chị đứng thẳng, tay chắp lại, mặt ngẫng lên trời, như kêu mời những kẻ hành hương hãy đặt lòng tin tưởng nơi Mẹ thiên thai, như lời Chị đã nói trong thư gửi cho một người bạn gái: « ôi thật êm dịu biết bao khi đặt tin tưởng nơi Mẹ Maria hiền dịu... Không bao giờ ta kêu cầu Người mà vô ích. Mẹ không bao giờ giả điếc làm ngơ trước lời cầu đầy tin cậy và đầy trìu mến của ta ! ».

            Vì chính Chị thánh, lúc còn sống, cũng đã can đảm nhận là mình yếu đuối và đã trông cậy nơi Mẹ Maria đỡ nâng. Chị đã viết : « Lạy Mẹ Maria nhân ái, con không đủ sức tiến bước. Con còn nhiều khiếm khuyết, nhất là về đường siêu nhiên. Xin Mẹ thương con, làm cho con một ngày kia được lên trời ở bên cạnh Mẹ! »

            Nhà thờ rộng lớn thế mà vào gần giờ hành lễ, đã đầy chật tín hữu. Những kẻ đến sau, hầu như không tìm được một chỗ trống. Ban Hội đồng giáo xứ, tay đeo phù hiệu có hình thánh giá, gìn giữ trật tự và hướng dẫn những ai đến chậm, đi tìm chỗ ngồi.

             Người ta đã phải ngồi sít lại như để cùng chia sẻ niềm hân hoan được có mặt trong giờ thánh lễ đặc biệt này. Dầu người đông đến thế, nhưng nhà thờ im lặng, trang nghiêm, ca hát nhịp nhàng và thánh lễ diễn tiến trong bầu khí vô cùng sốt sắng. Trên bàn thờ, vị chủ tế xông hương, mùi hương thơm dịu tỏa ra như muốn quấn lấy từng người và hướng lòng họ lên trời cao. Thật phù hợp với bài thánh thư của thánh Bảo Lộc gửi cho tín hữu thành Cô-lốt-xiên đọc lên hôm ấy: « Anh em thân mến, anh em đã sống lại với đức Kitô. Anh em hãy tìm những thực tại cao cả... chứ đừng tìm những thực tại dưới đất... »  (Col:3:1)

            Lời thánh thư đã làm cho tôi nhớ lại lời Chị thánh ghi trong cuốn Sổ Tay của mình: « Người công chính không sợ thân xác phải tan rã, vì một ngày kia nó sẽ sống lại hiển vinh và tràn ngập ánh sáng khởi hoàn ». Cho nên, Chị thánh đã quyết định: « (...) Tôi phải trở nên một vị thánh lớn. Chúa Giêsu, Bạn lòng tôi, đã muốn như thế. Tôi buộc lòng phải sống cho phù hợp với ơn gọi tôi là kẻ tu hành ».

ĐỀN THỜ SỐNG ĐỘNG

            Sau phần Phúc Am, vị chủ tế, tuy đã có tuổi, nhưng giọng còn sang sảng và rõ ràng, giảng vang khắp nhà thờ. Người nhắc đến mầu nhiệm lớn lao là Phục Sinh; nhưng « Phục sinh không chỉ là ngày lễ như hôm nay, mà mỗi ngày Chúa nhật phải là lễ Phục Sinh đối với người tín hữu. »

             Phải, ngài nói đúng, nhưng tôi có phần hơi tiếc là ngài không nói đến thánh nữ Bernadette, nhắc hôm nay là ngày Chị thánh qua đời. (Và có lẽ cũng vì vậy mà tín hữu đến chật nhà thờ hơn ngày Chúa Nhật thường trong năm). Thực ra, Bernadette khi còn ở dương thế, đã sống mầu nhiệm Phục Sinh rất đầy đủ, sống với ý tưởng sống lại hiển vinh ngày sau trên trời, bên cạnh Mẹ Maria như đã nói đến. Đến phần rước lễ, người lên rước lễ rất đông. Điều đó dễ hiểu: Phục sinh mà lại! Nhưng riêng tôi, lúc nghĩ đến giây phút lên rước lễ, sao tôi lại cảm thấy tâm hồn xúc động khác thường, vì đâu phải lên rước lễ lần đầu!

            Tôi nhớ đến ngày Chị thánh dọn tâm hồn để rước lễ lần đầu, được rước Giêsu mà lòng chị hằng khao khát, nếu không nói là quá mong đợi.Đời sống chăn cừu ở Bartrès không phải là điều Bernadette ham thích, hay không khỏi ái ngại, vì phải xa nhà, xa cha, xa mẹ... nhưng bấy giờ em hăm hở đi, vì người ta hứa với em: lên chăn cừu cho người vú tại đó, em sẽ được đi học bổn. Học giáo lý dọn lòng chịu lễ! Đối với một tâm hồn trong trắng, hướng toàn cuộc sống cho tình yêu Giêsu và Maria, thì còn gì khao khát hơn là được rước lấy chính Mình Thánh Chúa.

            Khi người em trai út của Chị sắp được chịu lễ lần đầu, Chị đã viết thư khuyên em là Pierre mà chị âu yếm gọi là « mon petit Pierre », tạm dịch là « em Phêrô cưng của chị »: « Chị rất sung sướng được tin em sắp được hạnh phúc chịu lễ lần đầu vào ngày mồng 9 Tháng Sáu. Dĩ nhiên, không cần phải nói với em cưng của Chị là từ nay, lòng trí, tâm hồn em phải lo nghĩ đến một điều là làm cho tâm hồn em trở nên Nhà của Chúa... »

            Tôi không dám mơ ước được « đồng hóa » với Phêrô cưng của Chị thánh, tuy cùng thánh Bổn mạng, để lãnh nhận lời nhắn nhủ đó; nhưng tôi không khỏi suy nghĩ về lời nói đó, và cố gắng đem thi hành lời Chị cả khuyên nhủ!

MÔI GIỚI SỐNG ĐỘNG

            Lễ xong, ai nấy ra về. Một số người dừng lại nơi gian bên phải bàn thờ, chỗ có đặt Hòm thánh lồng kính đựng xác thánh nữ. Ai nấy chìm trong lời cầu nguyện, nhìn ngắm con người suốt đời sống cho Ngày Phục-sinh trên trời, bên cạnh người Mẹ thiên thai mà người đã được diễm phúc thấy từ lúc còn ở dưới đất. Chị thánh được đặt nằm ngay ngắn, mặc y-phục của Dòng, tay chắp lại trong tư-thế nguyện cầu, có cỗ tràng hạt quấn lại đôi tay. Tiếc một điều là Hòm thánh được đặt vào phía trong, thoát khỏi tầm tay kẻ hành hương, điều rất dễ hiểu, vì nếu không, ai cũng muốn sờ vào hay hôn kính, thì sơn son thếp vàng mấy cũng bay màu sắc... Vả lại, chị thánh cũng không muốn ta « dừng » lại nơi chính mình. Chị thánh là môi giới dẫn ta đến Mẹ Maria, như Mẹ Maria dẫn ta đến đức Giêsu vậy. Ta nói được « Ad Mariam per Bernadettam. »

            Chị muốn chu toàn làm sứ mạng môi giới đó, nên Chị « mời » chúng ta ra viếng hang đá Lộ Đức được thiết lập ngay trong sân tu viện St-Gildard. Điều đáng lưu ý là phía dưới tượng Đức Mẹ, có một tấm đá nhỏ bằng cẩm thạch, trên đó người ta gắn một hòn đá (bằng nắm tay) màu xanh đen, lấy ở hang đá Lộ Đức để « nối kết »hai Hang đá lại với nhau, tuy xa cách ngàn dặm. Khách hành hương có thể tha hồ sờ đến, tỏ lòng tôn kính, vì viên đá được gắn ở tầm tay. Nếu bạn không đến gần,chú ý, sẽ không nhận thấy chi tiết quý hóa này.

CÙNG MỘT NIỀM TIN YÊU

            Đúng 12 giờ trưa, tôi vào Nhà cơm dành cho khách hành hương. Nhà cơm to lớn, rộng rãi thoáng khí, vì có nhiều cửa sổ mở rộng ra. Ngoài những dãy bàn dài có ghế ngồi dành cho các nhóm hành hương tập thể, còn có một cái bàn nhỏ, có bốn hay sáu ghế, dành cho những kẻ hành hương lẻ tẻ, không theo nhóm nào. Và nơi đây, tôi ngồi ăn cơm với bốn người khác, trong đó có hai người từ Tô-cách-lan (Ecosse) đến. Người con trai độ 22 tuổi và người con gái độ 20 tuổi. Anh ta nói tiếng Pháp được một ít, tạm đủ để đối đáp một vài câu thông thường mà tôi muốn hỏi anh:

            - Anh chị đi với phái đoàn?

            - Không, chúng tôi chỉ có hai người. Tôi và em gái tôi đến từ Tô-cách-lan.

            - Anh đi phi cơ thẳng đến đây?

            - Không, chúng tôi đi đến Paris rồi từ Paris đi xe lửa xuống đây.

            - Anh đến đây lần đầu?

            - Không, tôi đến đây lần thứ ba.

            Tôi rất ngạc nhiên khi thấy họ đến đây nhiều lần rồi. Nghe thế, tôi cảm thấy tự hổ thẹn, vì bấy lâu tưởng chỉ có mình mới có lòng sùng kính thánh nữ Bernadette, chỉ có mình mới nhớ hôm nay là ngày Chị thánh qua đời (16 tháng Tư) để xách xe chạy hơn 100 cây số, đến dự lễ. Thế mới biết là ảnh hưởng của Chị thánh đã lan tràn khắp nơi, cuộc đời ẩn-đật của Người, sau khi qua đời, đã được mọi người biết đến, đã có tầm vóc quốc tế. Vì một số rất đông, đã không quản ngại đường xa, để tìm về Nevers.

            Tiếc là không đủ thì giờ, để hỏi anh bởi đâu anh có lòng sùng kính thánh nữ đến thế. Đường lối thiêng liêng nào của Chị thánh đã gieo ảnh hưởng sâu đậm nơi tâm hồn anh... Nhưng tôi cũng hỏi thêm một vài câu, gọi là trao đổi trong khi dùng cơm tại một nơi Chị thánh đã sống 13 năm trời, một nơi đã làm cho chúng tôi, kẻ Đông, người Tây, gặp nhau trong tình yêu của cùng một vị thánh:

            - Tại sao anh đến dự lễ nơi đây?

            - Tôi viết thư xin Mẹ Bề trên tu viện cho chúng tôi ghé lại đây hai ngày, nhân dịp ngày kỷ niệm chị thánh qua đời.

            - Anh cũng nhớ đến ngày 16 tháng Tư là ngày thánh nữ qua đời. Như thế, chắc anh đọc nhiều về tiểu sử của Bernadette, hay anh có ra sách vở gì bên đó không?

            - Không, tôi chỉ viết các bài rồi đăng lên báo ở nước tôi thôi.

            Tôi cũng định nói là cũng như anh, tôi có viết về thánh nữ Bernadette và đăng lên các báo chí CG Việt Nam bên này. Nhưng rồi tôi nghĩ là không cần thiết lắm.

            Sau khi uống cạn cốc rượu đỏ, trước khi vào món tráng miệng, tôi cũng còn không « buông tha » anh, nên hỏi thêm để tìm hiểu về lòng sùng kính của anh:

            - Anh làm gì bên đó?

            - Tôi làm y-tá ở Nhà thương. Còn em gái tôi, làm thư Ký Văn phòng, cũng một chỗ.

            Em gái hay bạn gái... tôi định hỏi lại, nhưng rồi tôi không nói gì nữa, vì ngồi vào bữa, còn phải ăn uống nữa chứ. Dẫu vậy, tôi cũng đã « phỏng vấn » anh ta quá nhiều rồi. Không biết anh ta có giờ để ăn và nhai vì tôi không? Khi thấy anh ta cho biết là làm y-tá, tôi tự nghĩ có lẽ anh ta thuộc vào nhóm người tình nguyện phục vụ bệnh nhân ở Lộ Đức vào dịp hè, hay trong các chuyến hành hương của kẻ đau ốm đến Lộ Đức.Và cũng vì từng hoạt động ở Lộ Đức, nên anh không xa lạ gì với « Sứ giả cuả Đức Mẹ Lộ Đức » là Bernadette. Cũng như khi ai mộ mến và năng lui tới Nevers, thì năng lui tới Lộ Đức vậy. Sau bữa cơm, tôi vào Nhà thờ cầu nguyện, bày tỏ niềm hân hoan được tới đây trong ngày kỷ niệm Chị thánh qua đời. Lúc ấy, khoảng hai ba giờ trưa, giờ nói chung ít người đi viếng nhà thờ; thế mà nơi đây, trước Hòm kính đựng xác thánh nữ luôn có người đến cầu nguyện. Không những người Tô-cách-lan mà nhiều người khác, đến từ nhiều phương trời.

            Trên cuốn Sổ lớn được mở ra, đặt nơi chỗ cửa ra vào Nhà thờ, để khách hành hương ghi lời xin ơn, tạ ơn..., tôi thấy bao lời cầu xin của nhiều nước trên thế giới: Nhật bản, Chí- lợi, Anh Mỹ, đặc biệt là những người đến từ xứ cựu Nam-Tư (Yougoslavie) bấy giờ đang chìm trong khói lửa. Tôi cũng thấy có những lời cầu xin tha thiết của những người đồng hương, cầu cho Đất nước Việt Nam và tuổi trẻ...

            Có người đi bộ hành hương Saint Jacques de Compostelle bên Tây ban Nha, dừng chân đôi ngày lấy lại sức khỏe hồn xác (gót chân sưng vù); có người tìm được sức đỡ nâng trên con đường đi cấm phòng theo nhóm người Bỉ; có kẻ già nua ở lại hai ba ngày, tìm lại nguồn lực để đi tiếp cuộc đời còn lại... Có những câu hỏi rất dễ thương của cô gái nhỏ thơ ngây đi theo bố... (Tôi xin tạm dịch những câu ghi chép trích nguyên văn bằng tiếng Pháp) :

             - « Plus de force et de courage, voilà ce que j’emporte pour poursuivre « la route »,après ce temps auprès de Bernadette » (Tôi đã tìm được thêm sức mạnh và can đảm, để đi tiếp « chặng đường »của tôi, đó là những gì tôi đạt được, sau khi ghé lại viếng thánh nữ Bernadette)

            - «Sainte Bernadette nous a été bien proche. « La marche sur ses pas » a été une grande grâce pour tous... Nevers a été une préparation magnifique pour la retraite... (Thánh nữ Bernadette thật gần gũi chúng tôi. Đọc « Bước theo chân Bernadette » quả là một sự dọn dẹp tâm hồn đặc biệt để lo việc tĩnh tâm với nhóm ).

            - « Pour cheminer spirituellement sur cette route tortueuse, épineuse je me sens plus forte et plus sereine depuis que j’ai connu Nevers » (Để cất bước thiêng liêng trên con đường ngoằn ngoèo, gai góc ấy,tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn và bình tĩnh hơn từ ngày tôi biết được Nevers »)

            - Bernadette, elle est si fragile, si vulnérable et en même temps si forte, si vigoureuse ». (Bernadette mỏng dòn thế, yếu đuối thế mà đồng thời mạnh mẽ thay, vững chắc thay!)

            - « Je sais comme halte auprès de Sainte Bernadette a été importante pour la poursuite de mon voyage. C’est en priant à vos côtés que j’ai trouvé la force et la confiance qui m’ont permis de marcher le plus souvent avec joie,jusqu’à Santiago de Compostelle... (Tôi biết rằng dừng chân cầu nguyện trước xác thánh Bernadette là điều quan trọng cho chuyến hành hương của tôi. Chính nhờ cầu nguyện cùng thánh nữ mà tôi tìm được sức mạnh và niềm tin giúp tôi tiếp tục lên đường với niềm vui luôn, cho đến Santiago de Compostelle (tại Tây ban nha)... »

            Còn nhiều nữa, nhưng tôi xin kết thúc bằng lời cô gái nhỏ nói một cách thơ ngây :

            « Bernadette, je suis très étonnée de te voir si petite,mais mon papa m’a dit que ce n’est pas la taille qui fait la valeur,mais que c’est ton coeur, il est très grand » (Thánh nữ Bernadette ơi, em ngạc nhiên khi thấy Chị thánh nhỏ người quá, nhưng bố của em nói giá trị không ở nơi bề cao, nhưng chính nơi con tim (tấm lòng) của Chị, nó rất to lớn »

             Nhiều người còn quỳ lâu giờ trên nền gạch trước Hòm thánh để cầu nguyện. Có người lại phải ngồi hẳn xuống sàn gạch, bồng con dại trên tay... khẩn cầu. Họ cầu xin gì, nếu chẳng phải là cho gia đạo yên vui, bầu khí gia đình đạo đức như cảnh gia đình François thưở xưa ở « nhà tù », tuy nghèo đói nhưng luôn hiệp nhất trong tiếng kinh chiều hôm... Họ cầu xin gì, nếu chẳng phải cho thế giới bớt tàn sát lẫn nhau, cho những thủ phạm của các vụ diệt chủng phải bị đem ra trước Tòa án quốc tế để chịu tội, lãnh án, cho nhân phẩm con người, nhất là người phụ nữ, được tôn trọng.

          Tôi sực nhớ đến dịp tôi đem anh bạn từ Mỹ qua chơi năm 1993, xuống viếng thăm thánh nữ Bernadette ở Nevers. Về lại Mỹ, anh ta đã « gói ghém « tâm tình cảm nghĩ của mình trong lá thư gởi cho tôi sau đó:

            Rochester...

            « (...) Vì là chuyến viếng tu viện Nevers lần đầu, nên tôi mãi « sửng sốt » lo ngắm ngôi nhà đồ sộ và lắng nghe anh kể một vài sự tích về Bernadette ở tu viện này » 

            - Bernadette không ưa thích khi đi ngang qua những dãy cây táo (pomme) trồng trong vườn Nhà Dòng Nevers, vì nó gợi lại cho Chị hình ảnh bất tuân của Adam và Eva! Bernadette thường mỗi chiều ra cầu nguyện nơi hang đá nhỏ có đặt tượng Đức Mẹ Suối Nước, ở góc vườn tu viện Nevers. Chị nói bức tượng nhỏ này có cái gì phảng phất nét mặt Đức mẹ hiện ra hơn là pho tượng cứng nhắc đặt ở Lộ Đức »

            (...) Khi vào trong thánh đường, vì bầu khí quá yên lặng,trang nghiêm nơi đây, nhìn thấy rất nhiều người đăm chiêu cầu nguyện, âm thầm đọc kinh lần hạt..., rồi chứng kiến xác thánh nữ còn toàn vẹn nằm dài trong hòm kính, tự dưng tôi thấy bé nhỏ, yếu đuối...

            Có lẽ là thế. Vì đây là lần đầu tiên trong đời, tôi mới có diễm phúc nhìn Xác thánh nguyên vẹn! Có đều tôi nhớ rõ là lúc ra gần đến cửa Nhà thờ, anh có nhắc tôi muốn viết gì thì viết vào quyển Sổ lớn tu viện đặt trên bàn, có cây bút để bên. Tôi vội vàng cầm bút lên, bỗng dưng cảm xúc dâng mạnh, tôi họa bốn câu thơ ghi vào cuốn Sổ lớn:

Tôi từ xứ Mỹ xa xôi đến,

            Mang kiếp tha hương, một phận hàn!

            Quỳ đây, mãi ngắm dung nhan thánh,

            Quên cả cầu xin Thánh một Ơn!!!

(Hoàng Sơn )

            (...) Tiếc quá! và biết đến bao giờ mới có dịp trở lại tu viện viếng xác thánh nữ Bernadette để cầu xin ơn thiêng liêng cho đời sống Đức Tin của mình! »

            MỘT ƯỚC MƠ

            Trước khi ra về, tôi tạt vào Gian phòng bán sách ảnh đạo của tu viện để mua thêm một ít sách, vài ảnh tượng... Tôi chú ý đến cuốn tiếng Pháp La Vie de Bernadette, cuốn sách Bách Chu Niên, đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Bồ... bày bán nơi đây, (về sau còn được dịch ra tiếng Triều Tiên) làm cho tôi nghĩ đến bản dịch ra tiếng Việt của tôi. Bản đó đã đăng nhiều năm trên một tờ báo CG, hiện vẫn còn « ngon giấc » trong hộc tủ. Tôi cầu xin Chị thánh cho tôi gặp được một nhà hảo tâm, giúp tài chánh cho bản dịch đó được sớm in thành sách...

Chiều đã xuống dần, một màn mây đục đang bao trùm cảnh vật, và mưa đã bắt đầu rơi lấm tấm. Nhưng tôi còn muốn nấn ná thêm để cầu nguyện cùng Chị thánh trong ngày Đại lễ này. Dẫu vậy, tôi đành giã từ tu viện St-Gildard, hẹn với lòng sẽ còn ngày trở lại. Tôi cũng tự an ủi là đã qua một ngày khá đầy đủ để tìm lại sức thiêng. Vì thực ra, tôi ra về, nhưng lòng trí, tâm tư và lơì nguyện đặc biệt hôm ấy, tôi vẫn mang trong tâm khảm!

            Tôi ra về mang theo hình ảnh Chị thánh sâu đậm hơn bao giờ! Thật là một ngày sống lại với thánh nữ BERNADETTE !

Phục Sinh 95

Phan Hữu Lộc. 

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art