Thứ Bảy, 26 Tháng Năm, 2012

Lộ Đức, bạn nghĩ sao ?

Nhân dịp chuẩn bị mừng 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, chúng tôi xin cống hiến bạn đọc một trong những người được ông Dominique CHIVOT phỏng vấn đăng trong cuốn ET LOURDES, POUR VOUS ?

     Mong rằng các tang chứng sống động sẽ giúp chúng ta yêu mến Đức Mẹ Lộ Đức và tôn kính thánh nữ Bernadette hơn !

     Ông Denis TILLINAC sinh ra năm 1947 tại Paris, là một Nhà văn và Nhà xuất bản, nên ông đã viết nhiều cuốn sách về Chúa, đã phụ trách nhiều tờ báo trong đó có tờ Famille chrétienne mà chắc nhiều người Việt đã biết, đã đọc vì ta thường thấy có một vài số mới cũ để trên  bàn báo chí tài liệu ở nhà thờ. Sau đây là cuộc phỏng vấn và câu trả lời.

Anh đến Lộ Đức dịp nào ?

    Tôi không nhớ là khi còn nhỏ, tôi có đi Lộ Đức không, mặc dù tôi được giáo dục theo công giáo. Trên lò sưởi nhà tôi, có một bức tượng Đức Mẹ nho nhỏ  bằng dạ quang, ban đêm tỏa sáng. Bấy giờ tôi có lòng mộ mến như một trẻ thơ đối với Bernadette Soubírous... Cô bé chăn cừu nhỏ bé phản chiếu đời sống thôn dã làm cho tôi có cảm tưởng phép lạ có thể xảy ra nơi đó nữa. Tôi phải đến Lộ Đức lần đầu, khi là sinh viên và đi « quá giang », và lúc ba mươi tuổi, tôi bắt đầu bênh vực  lòng đạo đức thơ ngây  đó.

     Cảm tưởng nào mạnh nhất lúc đó ?

     Tôi cho đó là thành phố (Lộ Đức) khủng khiếp, đầy dẫy tiệm bán ảnh tượng, nhà thờ thì không đẹp mấy, lại có núi rừng nâng lên cao phía sau. Theo nguyên tắc, tôi không thích đám đông cho lắm, nhưng thấy rằng người Tây, người Ý, người Tây ban nha… đủ thành phần đến nơi đó  như tôi, làm tôi cũng yên lòng. Người ta cảm thấy được che chở, bị thu hút ngay bởi một đức tin có thể làm cho phát xuất một cái gì như suối tuôn ra từ núi non... Và tôi bị xúc động khi thấy những bệnh nhân, vì tôi luôn có chút ái ngại trứơc tật bệnh. Nhưng họ quên ngay tình trạng của họ, giống như khi ta đi vào nhà thương, ta cảm thấy có một niềm hy vọng.

     Cũng như mọi ngừơi, tôi nối đuôi theo đoàn người tiến đến Hang đá, nơi gọi là có phép lạ xảy ra. Tôi cảm thấy khó chịu khi thấy các kẻ  buôn bán tượng ảnh. Mua bán tượng ảnh đối với tôi luôn là chuyện bực mình, nhưng ngày nay tôi dễ chấp nhận chuyện đi Lộ Đức để mua xâu chuổi đem về.

     Lần cuối cùng tôi đến đó, cách đây hai hay ba năm rồi, tâm hồn tôi lại bị xâm chiếm ngay, và kẻ đau ốm không làm tôi cảm thấy khó chịu nữa. Tôi nói rằng sẽ có ngày tôi sẽ hành hương theo địa phận tổ chức, vì tôi cảm thấy dễ chịu khi ở giữa những kẻ đó, nhất là khi ấy tôi vừa đi mổ xong.

      Anh cho Lộ Đức nổi tiếng vì sao ?

     Vì cô bé chăn cừu và tính cách đơn sơ của cô em. Chị Têrêxa nhỏ là một nữ tu cho nên có điều khác một chút. Thánh nữ có hiểu biết về thần học, nên có điều đòi hỏi lương tâm và trí thức của ta. Còn ở Lộ Đức, sự việc tự phát. Đây là một người nữ nhỏ bé mà bất cứ nguời nữ nào cũng đồng hóa chính mình được và bởi đó, bất kể nguời đàn ông nào cũng có thể cảm động. Ngựơc với Têrêxa, Bernadette không làm việc hãm mình nào riêng biệt. Lộ Đức làm cho người ta có cảm nhận trong lòng là một phép lạ có thể xảy ra cho bất cứ ai. Hang đá là một chốn nguyện cầu, một nơi đến xin sự chở che...

     Theo anh, nguời ta đến Lộ Đức  thực sự để làm gì ?

     Hy vọng. Một sự chắc chắn mà không lùi bứơc trứơc lý trí, kể cả lý trí của những người đó. Tất cả những người đó vui vẻ, tuy rằng họ bị què chân cụt tay… Ta cảm thấy với họ, cái hình thức hạnh phúc vượt trên các khốn khổ. Trong trường hợp bi đát của họ, ta nghĩ đến việc chia sẻ cùng một niềm vui, sự hy vọng ở trong các kẻ đau ốm cũng như trong các kẻ khác. Nhiều người trong họ tìm lại được đức tin.

      Anh có bén nhậy về phép lạ không ?

      Tôi cũng có thời kỳ nghi ngờ : có nên tin vào phép lạ không ? Người ta luôn lo sợ rằng Giáo hội bị nhạo cười vì thực ra bệnh nhân lành bệnh vì đã gặp thầy gặp thuốc. Ta hãy nhớ lại những chuyện Giáo hội công kích sai lầm xưa như vụ Galilée thế kỷ XVII… Nhưng nơi đó  đặc biệt làm cho tôi luôn cảm thấy dễ chịu. Đức tin trưởng thành của tôi  làm cho tôi bị cám dỗ nghi ngờ, trong khi ở đó, tôi tin như một đứa trẻ.

     Còn về việc tôn kính Đức Mẹ ?

     Có, nhiều lắm. Tất cả những gì liên hệ với nữ tính, kể cả trong văn chương và nghệ thuật từ thế kỷ thứ V ở Đông phương và thế kỷ XI,XII ở Tây phương, đều hoàn toàn chịu ảnh hưởng bởi lòng tôn sùng đức Trinh nữ là người Mẹ tuyệt đối, nhưng cũng là Đấng che chở ta bởi sự hiền dịu của ngài. Bernadette là một trong những thánh nữ tôi mộ mến; đó là vị thánh của địa danh (une sainte de terroir). Một cô gái chăn cừu nhỏ bé như thế, không thể nói dối được. Vì thế, qua tâm hồn một cô bé trắng trong và đơn sơ đến thế mà Thiên Chúa có thể đạt tới một số đông người .

     Lòng sùng kính Đức Mẹ đem lợi ích gì cho Giáo hội ngày nay ?

     Đức Trinh nữ  đem tới một điều sửa sai trong một Giáo hội được xây đắp với nam giới. Giáo hoàng là nguời nam, các linh mục cũng người nam và là kẻ ban phát bí tích. Người ta nâng cao giá trị của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với nhân loại; tất cả đều nam giới. Lòng tôn sùng Đức Trinh nữ  cứu vãn phần nào cho sự đề cao tuyệt đối về người nam. Phần nữ tính đem đến là phần tình yêu và hiền dịu của tôn giáo, trong khi phái nam, cũng như Thiên Chúa, xét xử theo giới răn của người. Với Đức Trinh nữ, cán cân nghiêng về nam giới được chút thăng bằng.

     Đức Trinh nữ hoàn toàn là phụ nữ (femme), nhưng không hữu tính (sexuée), ngược lại với những khuôn mặt khác như Mađalêna là người phụ nữ  trăm phần trăm với tất cả chiều hướng của nó, kể cả việc hấp dẫn đàn ông. Đức Trinh nữ biểu hiệu cho lòng khao khát sự trong trắng mà người ta bắt gặp trong mọi tôn giáo. Cả khi còn là thiếu nữ,  ta cũng muốn người bao phủ cho ta bởi sự hiền dịu.

     Người vừa là cô thiếu nữ vừa là người mẹ, nhưng người không phải là  đàn bà. Chính Trinh nữ đó đã tỏ hiện cho Bernadette là cô bé cũng không phải là đàn bà. (Elle est jeune fille et mère à la fois, mais elle n’est pas femme. C’est cette Vierge qui s’adrese à Bernadette qui n’est pas femme non plus. Id, p.208)

     Tôi xin thêm : Có lẽ cũng vì thế mà Bernadette đã gọi Đấng hiện ra là « aquéro », theo thổ ngữ là « cela » (không xác định), chứ không nói là « một Bà » chẳng hạn. Kỳ diệu thay !!!

 Phan Hữu Lộc 

Bài viết khác