Thứ Sáu, 15 Tháng Sáu, 2012

Thà Đừa Pathuồng hay Tôi vượt biên

Đến ngày giờ hẹn, tức là 9 giờ sáng ngày 20 Tháng Sáu 1975, gia đình tôi đến bản doanh của anh N., tức là nhà ông bà H., một gia đình đạo đức dân Tây, nằm trên  con đường  Samsenthai, không xa chùa Simuong .    

     Ngày giờ G đã điểm

    Mặt trời đã lên cao. Cảnh vật và cuộc sống của Vạn Tượng vẫn tấp nập như mọi ngày, nên việc chúng tôi chuẩn bị lên đường cũng không ai hay. Chúng tôi đã bán tống bán tháo những đồ đạc cồng kềnh như máy may, bàn ghế - bộ bàn sáu  ghế gỗ tốt,  rất đẹp mà biết bao học trò Lào,Việt của tôi đến học thêm  tại nhà -, để gom  góp tiền lên đường. Việc cuối cùng trước khi ra đi là chúng tôi lên Nhà thờ Đức Bà Phone Xay gửi gắm chuyến đi cho Đức Mẹ và luôn tiện « gửi » lại cho Mẹ, cây Noel bằng plastic cao và đẹp, - mà thân cây cũng như những cành lá đều có thể  tháo rời bỏ vào một cái hộp, - vừa mua vào dịp Giáng sinh vừa qua tại tiệm Ấn Độ ngoài phố. (Về sau qua Pháp, muốn tìm loại cây Noel tháo ráp này để mua mà không hề thấy )

     Tôi còn nhớ rõ là tôi đã ái ngại khi đi vào con đường đất đỏ dẫn tới nhà ông H... Tôi nhẹ nhàng bước qua cái rãnh tý hon đào ngang qua miếng đất trước nhà, rụt rè đẩy cánh cửa lớn nhà ông ta đang hé mở như đợi chờ... Tôi sẽ gặp những ai cùng đi chuyến này với tôi, toàn những ngươì quen, hay lại là những người không quen biết? Có gì nguy hiểm cho chuyến vượt biên thầm lặng này không? Trăm ngàn câu hỏi dồn dập trong đầu?!

     Lúc đẩy cánh cửa bước vào, may thay, tôi gặp toàn là những người quen. Gia đình Anh Dũng R. và hai gia đình nữa là gia đình cô Th. L và cô H. cựu nhân viên Sứ quán VNCH. Họ là những người chuẩn bị đi Mỹ. Chỉ có gia đình chúng tôi là chọn đi Pháp, vì còn gì thích hợp hơn cho tôi là người có văn bằng Pháp, bấy giờ là giáo sư Pháp văn cho tư thục…, mặc dầu chưa đựơc cấp visa.

     Trong nhà hơi tối một tí, và ai nấy đều ít lời, nói thì nói nhỏ tiếng, nhưng ai nấy trầm tĩnh. Vợ chồng ông H. thực tốt bụng, không sợ gì liên lụy. Tôi đặt đồ đạc xuống, đứng chờ tin tức và giờ khởi hành. Tôi đưa mắt nhìn lên tường trong nhà, thấy có treo hình Tổng thống Pháp bấy giờ là ông Valéry Giscard d’Estaing chụp trên nền cờ tam tài. Bức hình chính thức của Tổng thống được treo khắp nơi công sở trong nước Pháp. Tôi đâu có ngờ là Tổng Thống Giscard có mặt hôm ấy, nhìn chúng tôi sửa soạn lên đường sang Pháp, vì bấy giờ, tại trời Âu, ông đã ra lệnh cho các tỉnh trưởng phải tích cực đón người Đông Dương cũ sẽ đến Pháp với tư cách là di cư.     

     Tờ báo Le Monde ,ở Pháp, đã loan tin đó trong số ra ngày 17/10/1975 (tạm dịch ) : « ... Ông Jean Sainteny, cựu bộ trưởng và cựu Cao ủy Đông dương tại Hànội đã nhắc lại là Tổng thống Giscard đã nhiều lần tuyên bố là nước Pháp có thể đón nhận những người Đông Dương cũ muốn di cư vào nước Pháp. Ông Sainteny còn cho biết một cách chính xác là Ủy Ban Quốc gia Tương Trợ Pháp Việt (Comité Nationale d’Entraide Franco-Viêtnamienne) đã được chính quyền thành lập chỉ vì lý do nhân đạo... ».    

     MỘT TIN SÉT ĐÁNH

     Vợ chồng ông H. khoãn đãi chúng tôi bữa cơm trưa, trước khi lên đường. Anh N., hướng dẫn viên, cũng ăn với chúng tôi. Trong khi mọi người đang ngồi vui vẻ ăn uống, thì R. và một người con của ông H. đi bến Thà Đừa xem tình hình sáng sớm, vì chúng tôi sẽ phải xuống bến đó để qua sông, bấy giờ trở về cho hay:     

     - Thà Đừa « pa-thuồng ». Ai Noọng canh gác đầy đường. Biểu tình để chống Chậu Nai, Chậu Mường, Sĩ quan cảnh sát Thà Đừa bấy lâu dễ dàng để cho người ta tự do vượt biên, và cho phép thuyền nhỏ đưa người sang sông qua Thái Lan ».

     Thật chưa bao giờ thấy dân xứ Lào lại biểu tình, nhất là dân ở Thà Đừa lại xuống đường phản đối việc đưa người sang sông, vì đó là nguồn mạch sinh sống của họ...     

     Người con ông H. lại tố thêm:    

     - Chính mắt tôi trông thấy nước sông Mékong dâng cao, thuyền con bị dẹp hết, chỉ độc có một chiếc cao lêu nghêu trông dễ sợ! »    

     Mọi người ngưng đũa, ngao ngán, lo âu. Anh N. dáng trầm ngâm suy nghĩ, ăn vội cho xong hai ba múi sầu riêng, rồi hỏi người con của ông H. vừa đưa  tin sét đánh ấy:    

     - Thế tụi nó có soát kỹ hơn mọi ngày không?    

     - Soát kỹ lắm, xem từng giấy tờ, kể cả những người có Thông hành đi chính thức.    

     Nghe thế, anh N. cũng hơi ngán, anh để lại cái cặp da tôi gửi cho anh, trong đó tôi đựng giấy tờ riêng, bằng cấp... của tôi. Anh chỉ xách cái cặp da nhỏ của anh trong đó có hơn 10 Thông Hành của những người vượt biên hôm đó, rồi đi Thà Đừa một mình. Thế là chết tôi rồi, trong cặp của anh N. có hai Thông Hành của gia đình tôi, làm sao anh đi lọt được. Lỡ ra Pathet Lao soát cái cặp da đó, thì thực là trời sụp đổ trên đầu chúng tôi!    

     Gần chục người đang đợi chờ ra đi hôm đó đều ngao ngán. Thất vọng thay và xui xẻo. Người ta đi cả mấy tháng nay không sao, chưa lần nào có biểu tình tại đó cả. Kể cả lần mới đây, ông M. (xóm Simuong) định lừa gạt gia đình chúng tôi lấy tiền rồi ra đi một mình, cũng đã đi thoát được. Nay đến lượt mình thì lại cấm vượt biên bằng ghe nhỏ! Làm sao bây giờ: mọi sự, mọi người đã được sắp sẵn, ngày giờ đã định, không thể thay đổi qua ngày khác được. Ai nấy đã  bán nhà, hay trả nhà thuê lại cho chủ, có kẻ có con chó cũng đem đi cho. Còn valy rương hòm thì đã gởi gắm cho người Lào, người Thái quen biết đem qua sông hôm trước giùm cho rồi, để khi qua thì đến lấy.     Nói tóm, bấy giờ việc lên đường không thể trì hoãn được, chứ đừng nói đến việc chờ hôm sau. Vì bấy giờ không ai trong nhóm còn có thể ở lại Vạn Tượng để ngủ lại một đêm nữa, vì không nhà, không giường, không chiếu, không đồ đạc gì nữa. Nhưng không có đò nhỏ để sang sông thì làm  sao?    

     RÃ RỜI    

     Chính thức mà nói thì chính quyền mới tại Ai Lao đã cấm người Việt, Tàu và Ấn độ vượt biên giới, nhưng trong thực tế, Cảnh sát Thà Đừa vẫn như làm ngơ, vẫn còn cách để sang sông, vẫn còn phương tiện vượt tuyến. Vì một khi hàng ngàn người ra đi đã phải để lại nhà cửa ruộng vườn thì những tài sản đó sẽ thuộc về tay ai ?    

     Lính Pathet Lào kiểm soát các trục giao thông dẫn tới Thà Đừa, nhưng chỉ khám xét một cách sơ sài như tôi sẽ nói về sau. Nên vì thế, việc sang sông bằng những con đò nhỏ vẫn thường xuyên và dễ dàng. Vì thế, hàng ngày trung bình có đến 100 người sang sông bằng ghe nhỏ, các em lái đò người Lào vẫn đón khách mỗi lần có những chiếc tắc xi xuống Thà Đừa Nhưng giờ đây, những con ghe nhỏ đó đã bị cấm chở người sang sông thì có lẽ hết đường vượt biên.      

     Khi anh N. đi rồi, thì mọi người thất vọng. Mỗi người tản mác một nơi, họ đi đâu tôi cũng không rõ. Còn tôi, tôi sẽ làm gì, tôi cũng không biết. Gian nhà nơi hò hẹn, trong khoảnh khắc đã trở nên trống vắng. Quá căng thẳng và hết hi vọng, tôi đành lên gác nằm suy nghĩ. Nhưng vì quá lo âu, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Có lẽ trong giấc ngủ tôi sẽ đươc thiên thần báo mộng, vạch đường chỉ nẻo như Ba Vua xưa, chứ tôi hết phương thế... Bỗng có người lay tôi dậy. Tôi mở mắt thì thấy nhà tôi ngồi bên cạnh và nói như tiên báo:    

     - Này, dậy mà đi xuống Thà Đừa xem sao, người ta đi hết rồi. Có người lại trở về, và rủ nhau âm thầm đi hết rồi!    

     Nghe thế, tôi bật ngừoi dậy như lò xo, tưởng rằng mọi người đã ngồi trên ghe nhỏ và đang sang sông, bỏ rơi mình rồi. Tôi dụi mắt và chạy ngay ra đường gọi một chiếc tắc xi. Tôi không mang theo hành lý gì cả, kể cả cái cặp da nhỏ của tôi mà  anh N. để lại. Nhà tôi muốn đem đồ nhiều hơn, nhưng tôi khuyên chỉ nên đem cái giỏ mây trong đó có đựng cái thermos nước nóng và chai sữa cho Alph., đứa con trai nhỏ của tôi thôi. Làm như hai người đi hóng gió Thà Đừa ăn xụm, chứ không vượt biên vượt sông gì. (Giờ đây, sau hơn 30 năm, tôi vẫn còn giữ cái thermos « lịch sử » đó tại nhà).    

     Ngồi trong tắc xi dẫn xuống Thà Đừa mà tôi cứ lo sợ anh tài xế biết được ý định của chúng tôi, rồi đi tố cáo thì nguy. Nhưng rồi chiếc tắc xi đang ngon trớn khi đi vào vùng Thà Đừa thì từ từ ngừng lại trước trạm kiểm soát ngay bên vệ đường. Tôi đâm lo, không biết phải trả lời làm sao, nếu bị hỏi là đi đâu? Tên lính Pathet Lào còn rất trẻ, tay cầm súng AK, ghé sát vào chỗ hành khách ngồi và hỏi, bằng tiếng Lào:    

     - Bặt pa chầm tua đâu ?     

     Tôi nín thở, không nói không rằng, móc túi đưa Bặt ra. Tên lính cầm coi lấy lệ, vì thực ra nó chả biết gì, nhìn tới nhìn lui, rồi ra lệnh cho xe đi. Tôi hú hồn. Cái « Bặt » lịch  sử đó, hiện giờ tôi vẫn còn giữ như một kỷ vật!     Khi xe đến  Thà Đừa, tôi trả tiền xe, rồi chúng tôi xuống xe.    

     THÀ ĐỪA    

     Thà Đừa là một bến đoan nằm đối diện với tỉnh bên kia sông là NONG KHAI, cửa ngỏ của Thái Lan  để chuyên chở hàng hóa qua xứ Lào, vì Ai Lao không có cửa biển. Nhưng bến Thà Đừa đây chỉ dành cho những người có Thông Hành chính thức qua lại, vì tuy cấm Việt, Tàu, Ấn vượt biên, nhưng biên giới Laò Thái vẫn mở  cửa.    

     Bến đoan Thà Đừa có hai dãy nhà sàn dài, mái lợp tôn , không có một cửa lớn cửa sổ nào, mở toang cho gió lộng. Các cô gái Lào ngồi bán đồ giải khát, trái cây như nước dừa tươi, nhãn,  toàn những thức ăn nước uống nổi tiếng... Nhất là có món ăn đặc biệt của xứ Lào là « tằm mạc hùng » mà ta gọi nôm na là xụm! Tằm mạc hùng tiếng Lào, có nghĩa là đâm đu đủ. Vì thế, có người gọi là Gỏi đu đủ! Xụm Thà Đừa nổi tiếng là ngon, nhưng giờ đây, còn ai nghĩ đến hương vị, vừa nồng vừa cay, vừa ngon của nó nữa! Giữa hai dãy nhà sàn dài đó là cầu thang dẫn xuống bến đò nằm sát giòng sông, nhất là vào mùa nước cạn, cầu thang dài có đến 100 bậc...    

     Nhưng điều tôi hết sức ngạc nhiên hơn cả là khi đặt chân trên đất Thà Đừa, thì tôi không thấy tình hình xáo trộn gì cả, không thấy đoàn ngừơi biểu tình, hò reo như đã nghe nói  trước khi xuống đây? Nếu tôi không được biết là sáng nay có biểu tình tại đây, và các ghe nhỏ bị dẹp bỏ, thì tôi không chút lo âu gì, yên tâm tìm ghe nhỏ mà đi. Nhưng vì được tin sáng nay, nên tôi rất thận trọng, từ từ đi vào trong gian nhà, kiếm một bàn mà ngồi vừa giải khát vừa xem tình hình. Bỗng một chiếc xe nhà vừa đến Thà Đừa, và người xuống xe không ai khác là ông Duy N.,chủ ngôi trường của tôi vừa điều khiển năm ấy. Ông thấy tôi, nhưng làm như không thấy gì, đi thẳng vào trong nhà, đến  ngồi một bàn không xa chúng tôi. Còn bà vợ lái xe đi tiếp xuôi theo bờ sông. Tôi chú ý thấy trong xe có bà mẹ của bà ta. Hai vợ chồng là người Việt dân Lào, có thể qua sông dễ dàng. Nhưng bà mẹ già, có lẽ là quốc tịch Việt, nên hai ông bà đang  tìm đường cho bà cụ sang sông, nên mới đem đi xuống xa hơn nữa chăng.   

     Tôi vẫn ngồi yên, uống nước dừa vừa quan sát mấy ông Quan thuế đang ngồi nói chuyện với nhau một cách thản nhiên. Bỗng tôi thấy mấy đứa nhỏ người Lào đến gần mấy ông đó xin xỏ cho ghe nhỏ sang sông. Tôi nghe rõ ông ta đáp bằng tiếng Lào : « Không được, lệnh cấm 24 giờ. Ghe nhỏ không được đi! »    

     Nghe thế, tôi hoàn toàn thất vọng, nghĩ bụng là lệnh cấm kia như là để cấm chính mình. Tôi thầm nghĩ là chỉ còn một con đường là... trở về lại Vạn Tượng, chứ không lẽ ngồi nhìn sông ! Tôi nhìn ra giòng CỬU LONG GIANG, lòng sông rộng, nước đục ngầu, tức bực cuồn cuộn chảy như tâm hồn bồi hồi đau đớn của tôi bấy giờ. Tôi nhìn qua bên kia bờ là bến NONG KHAI, là đất THÁI  LAN. Thái lan, theo tiếng địa phương, có nghĩa là « đất tự do », có làn khí tự do, ít nữa so với AI LAO bấy giờ.    

     NGƯỢC  GIÒNG    

    Nghĩ cuộc đời cũng nực cười... Giòng sông đó, con đò kia, bến Nong Khai nọ, bến Thà Đừa đây, mọi sự vật vẫn như cũ, như ngày xưa. Nhưng nơi đâu là Tự Do, nơi đâu là Ngục Tù. Hay đúng hơn, giòng sông cảnh vật là những vật vô tri vô giác, vẫn là tạo vật của Thiên Chúa tình yêu và tự do, chúng vô tội, chúng vẫn trong trắng, đầy vẻ yêu kiều. Có Ngục tù, có Hận thù hay có Tự do, có Tình yêu hay không là do con người làm ra, gây nên, gieo rắc trên chúng, biến đổi chúng, thay trắng hóa đen cho chúng...    

     Vì tôi nhớ lại 25 năm  về trước, đối với tôi, THÁI LAN, nói được, là Ngục tù, là Nghẹt Thở, là Tăm Tối... vì tôi đang kéo lê cuộc đời di cư vất vả trên đất Thái, khi tôi chưa tròn 20 tuổi... Sau ba năm ở Thái, tôi đã phải sang sông, trở về lại AI LAO bấy giờ lại đang thanh bình, yên ổn... vì anh  tôi  đã trở về trước cho biết.    

     Bấy giờ chúng tôi rời Bangkok đến Nongkhai (để về Vạn Tượng) thì trời đã xế chiều. Trong khi chưa biết nhà dì Th. của chúng tôi ở đâu để ghé đêm, thì dì đã cho em Th. ra đón chúng tôi ở nhà ga. May mắn cho chúng tôi khỏi lạc bước. Nhà của dì là nhà sàn, lại nằm sát mé sông Mékong, nên tiện đường xuống sông hôm sau. Chúng tôi cho người đi trình diện chính quyền địa phương giấy phép của chính phủ Thái cho hồi hương, và báo tin cho họ biết chúng tôi sẽ sang sông rât sớm hôm sau. Nhưng đêm hôm đó, chúng tôi đâu có ngủ được, phần thì đang phập phồng trước giờ ra đi, phần thì  tiếng chó sủa rất nhiều quanh nhà của dì như có ai rình rập...    

     Thế rồi, sự gì phải đến đã đến : đúng hai giờ sáng, trời còn tối, 4 gia đình chúng tôi, tay cầm đèn pin, tay xách đồ đoàn, mạnh dạn xuống ghe đã đợi sẵn dứơi bến. Đồ đoàn đâu mà lắm thế. Tất cả chồng chất lên năm chiếc ghe nhỏ, bập bềnh chèo trôi giữa giòng sông vào mùa nước dâng cao nhất. Vì trời còn tối, nên chúng tôi cũng không trông thấy những thân cây to lớn người ta chặt từ Luangprabang thả trôi nước xuôi về miền Nam khi chúng gần như va chạm vào những con thuyền nhỏ bé của chúng tôi. Chỉ một chút rủi ro là ghe đã lật chìm... Có lẽ Chúa Quan Phòng còn thương giúp đỡ chúng tôi...    

     Khi hừng đông chưa ló dạng, thì ghe thuyền chúng tôi đã cặp bến Thà Đừa. Đó là ngày 24 Tháng Tám 19..., đúng một tuần trước ngày Sinh nhật của tôi. Chúng tôi nhìn nhau, nở nụ cười khoan khoái, tuy ai nấy vất vả. THÀ ĐỪA: cửa ngõ của đời sống tự do, thanh bình chào đón, sau ba năm xa cách!          Thì giờ đây, tháng sáu 75, tôi lại phải vượt sông Mékong, từ giã AI LAO để trở lại đất THÁI, tìm Tự do. Có khác chăng là xưa kia, cuộc sống chết chỉ liên hệ có mình tôi, nhưng giờ đây, sự sống chết còn liên hệ cho gia đình bé nhỏ của tôi. Có điều khác nữa, là xưa kia tôi vượt biên ban đêm, thì nay tội lại vượt trở lại ban ngày. Ban đêm nguy hiểm nhưng không thấy cây trôi về (bớt sợ), nay ban ngày thì lại có thể bị bắt chận lại, bị làm mồi cho những họng súng nhả đạn của lính canh phòng biên giới, hoặc bị sóng vỗ mạnh vào thuyền do những chiếc canô to lớn chạy qua chạy về liên miên... làm ghe nhỏ có thể chìm đắm.    

     CON THUYỀN ĐỊNH MỆNH    

     Ngồi yên trên bến Tha Đừa nhìn lòng sông rộng, nhìn người qua lại, nhìn chiếc ca-nô qua về để đưa hành khách qua bên kia  một cách chính thức. Canô cắm cờ Thái Lan, và hành  khách phần đông là đàn bà người Lào. Họ qua về như ta đi chợ, vì bên Thái đồ đạc nhiều hơn ở Ai lao. Cứ độ 20 phút là có một chiếc ca nô cặp bến. Hành khách người Lào uể oải ra khỏi ca nô, leo những bực thang dài và cao, lên bến. Trên bờ, lính Pathet Lào, vai mang súng, đi tới đi lui canh gác một cách sơ sài. Nhưng sự hiện diện của họ, tuy lõng lẽo, nhưng cũng đáng sợ, không biết họ sẽ phản ứng thế nào khi mình xuống sông!     Bỗng tôi nhìn thấy trong số người đi xuống ca nô lúc ấy, để sang Thái Lan lại có một  người Việt gầy gầy, dáng dấp giống như vợ của anh V.T.V, một người dạy học với tôi, nhà ở trên Chùa. Chị ta đang xách một cải giỏ nhỏ, từ tốn đi xuống ca-nô như một kẻ có giấy tờ chính thức, không chút gì tỏ ra bối rối. Cảnh tượng ấy như kích thích tôi, làm tôi tự nghĩ:  « tại sao họ cũng bị cấm vượt  biên như mình mà họ « ra đi » một cách quả cảm đến thế? Họ đi được, sao mình lại không dám xuống mà đi? »

     Không lâu sau đó, thì nhà tôi lại vô tình dẫn hai đứa con nhỏ ra ngồi ngay nơi bực thang đầu tiên, trước Trạm Quan thuế, nhìn xuống lòng sông, như đợi ca nô, không cảm thấy chút lo âu gì. Khi chiếc ca nô kia, sau khi đã đưa khách sang Nongkhai, đang ì ạch quay trở về để đón khách sang sông như lần trước, thì  cũng vừa lúc tôi thấy tên lính Pathet Lào canh giữ cầu thang, quay lưng lại và đi vào trong bót. Tôi liền đưa tay ra hiệu cho nhà tôi như bảo « xuống đi ». Không biết nhà tôi có thấy tôi làm dấu hiệu gì không, lại dẫn hai đứa con đi thẳng xuống bến. Dẫu sao đi nữa, thì tôi không thể trì hoãn được. Tôi nghĩ bụng: đây là con thuyền định mệnh ! sống chết cũng là giây phút này. Tôi đành phải  đi theo, ra cầu thang, tiến xuống bến như người có thông hành hợp lệ.    

     Thế là « định mệnh » đã dun dũi. Nhà tôi không thấy hiểm nguy, tưởng rằng ai ai cũng có thể xuống ca nô đi được; còn tôi , thấy biết hiểm nguy của sự liều mạng, nhưng buộc lòng phải đi theo. Vì sau này hỏi lại thì nhà tôi cho biết không thấy dấu hiệu gì của tôi, nhưng thấy canô đến thì cứ xuống đi thôi. Sự hiểu lầm « cứu rỗi » ấy đáng giá ngàn vàng lúc ấy. Thật là Thiên ý!    

     Dẫu vậy, vì ý thức hiểm nguy, nên khi tôi lần bước từng bậc một xuống thang dẫn đến ca nô thì cứ mỗi bậc thang, tôi lại chờ đợi tiếng súng nổ vang sau lưng tôi do tên lính canh giữ biên giới, sau khi nó trở ra, thấy tôi đang từ từ xuống thang.    

     Tôi chưa kịp đến bực thang cuối cùng, thì nhà tôi đã ẵm đứa con trai nhỏ Alph. vào trong ca nô, còn cô con gái đầu Bern. đang đứng trên bực cuối cùng chờ mẹ ẵm vào. Thấy thế, tôi nhanh chân đến ẵm con vào canô. Chỉ còn vừa đúng một chỗ ngồi. Tôi đưa cho anh tài 200 bạt như thầm bảo cho anh hãy mau mau nổ máy ra khơi... Bước vào ca nô rồi, tôi lại hồi hộp khôn tả ! Nếu gặp người Việt quen biết mình ! Lỡ ra, lính Pathet lào xuống soát canô, hỏi giấy tờ trước khi cho ca nô đi ? Trăm ngàn câu hỏi ghê sợ lúc ấy. Nếu, nếu...

     Tôi chỉ còn biết nắm lấy tay đứa con gái nhỏ và miệng thầm đọc kinh, chứ không dám nhìn hành khách nào trong ca-nô cả, hay ngoái nhìn lên bờ. Anh lái tàu, như đoán được ý tôi, ngay sau khi tôi vào lòng canô (tôi là người hành khách cuối cùng của chuyến ấy), anh ta cho nổ máy ngay, chứ không nói gì với ai, hay thu tiền đò của hành khách trước khi đi.    

     Và chỉ một phút sau, chiếc canô trở mình, rồi từ từ trườn trên giòng sông đục ngầu như muốn trình diện với chính quyền quan thuế của Vạn Tượng là không có một hành khách người Việt nào, trước khi mở hết tốc độ cho tiến nhanh và rẽ sang tay trái để trực chỉ NONG KHAI mà đem gia đình tôi thoát nạn, đến bến Tư Do.    

     Năm phút sau, chiếc ca nô đang vờn giữa lòng sông rộng, gió lộng tứ bề, tôi mới thở ra nhẹ nhỏm và biết rằng : Mình đã thoát! Cả cuộc đời sau này của gia đinh bé nhỏ của tôi đều tùy thuộc vào giây phút ngắn ngủi đó. Một lần nữa, tôi ngẩng lên Trời, dâng lời tạ ơn!    

     Ngồi trong lòng ca nô, nhìn làn nước xoáy mạnh quanh mạn thuyền, nghĩ lại thì rủi hóa may. Rủi vì vượt biên vào ngày cấm đi ghe nhỏ, nhưng may vì nhờ thế mà nhà tôi vô tình làm cho cả nhà xuống được chiếc canô đi theo lối chính thức, an toàn hơn. Chứ nếu đi ghe nhỏ, thì quá lộ liễu, trống trải dễ sợ vì chỉ có một mình mình, lo âu cả trên bờ dưới nước. Ghe nhỏ có thể tròng trành vì sóng dữ dội do ca nô qua lại liên miên gây nên. Lính trên bờ cũng có thể nổ súng khi thấy thuyền con ra khơi, như mấy tháng về sau, lệnh cấm vượt biên ban hành., chưa kể là có khi còn bị tiền thuê đò sang sông đắt như cắt cổ.    

     Chiếc ca nô bấy giờ đang xả hết tốc lực và quay lưng lại cho thành phố Vạn Tượng, nơi tôi mới trở lại sống yên ổn  hạnh phúc với gia đình bé nhỏ của tôi mới có 4 năm trời!    

     CẢM TẠ    

     Bốn năm trời (1971-1975) với biết bao kỷ niệm vui buồn, bao lần xây mộng ước, cũng như bao lần tan vỡ mộng xuất dương. Giờ đây chỉ thu gọn vào giây phút sống chết ngắn ngủi, trong lòng một chiếc ca nô máy đang ì ạch rẽ sóng, cố gắng thu ngắn sông dài rộng để đưa gia đình tôi đến một nơi có làn gió tự do hơn.    

     Tôi cũng có phần  nối tiếc những ngày xưa, những gì mất mát  phải để lại đằng sau lưng, nhất là thương người mẹ già nằm lại cô quạnh một mình tại nghĩa trang C.G mà không biết có ai trùng tu ngôi mộ sau này, mặc dầu mộ đã được xây cất cẩn thận.    

     Tôi đã cố gắng chu toàn bổn phận trong nhiệm vụ điều khiển ngôi trường A.Vith. mà tôi vừa nhậm chức Giám đốc niên học ấy, đã cố gắng dìu dắt ngôi trường cho hết niên học một cách tốt đẹp, giữa lúc thời cuộc đảo điên... Có điều tiếc là  trước khi ra đi, tiền lương tháng dạy học chưa đươc cầm trong tay...    

     Nếu có những người thiếu sòng phẵng với tôi về tiền bạc, hay muốn lường gạt tôi, đòi tiền ứng trước của tôi để vào sổ gia đình của họ để lên đường như ông M. ở xóm Simuong đã nói, thì tôi lại được nhiều người có lòng tốt muốn giúp đỡ tôi để điền tên tôi vào sổ gia đình của họ để lên đường, không tính hơn thiệt như cô Thái L, như bà vợ ông Kế Tổ Trưởng, như cô Liên, một người thật chất phác hiền lành... (Hơn 20 năm sau khi qua Pháp, cô Liên có phôn cho tôi từ Belgique. Tôi thực cảm động)    

     Nói tóm, chỉ 5, hay 10 phút ngồi giữa lòng ca-nô hôm ấy mà lòng trí tôi đã sống lại cả nhiều ngày tháng lo giấy tờ, chạy gặp đủ người quen hay không quen để lo đường đi ngoại quốc, tìm làn khí tự do... Những người ân nhân ấy, tôi sẽ nhắc đến trong bài sau.    

     Tôi ra đi hầu như với hai bàn tay trắng, ngoài một ít tiền lận lưng, nhưng tôi mang theo cả một bầu trời bác ái và tình anh em của những người cùng cảnh ngộ. Tôi nghĩ đến tình huynh đệ giữa những người biết gắn bó, giúp nhau lúc lâm nguy! Còn người còn của, mất người là mất tất cả, dù còn nhà cao, cửa rộng, tiệm vàng khang trang, tiệm buôn sầm uất... Đó là niềm an ủi của chuyến đi hầu như trắng tay, sau 4 năm cố gắng gầy dựng thưở ban đầu, mà một Ơn nhiệm mầu đã đến với gia đình tôi, đã đỡ bước đi cho gia đình bé nhỏ của tôi.    

 

     NONG KHAI, ĐẤT TỰ DO    

     Khi bước lên bến NongKhai gọi là « đờn » theo tiếng Thái, tôi thực nhẹ nhỏm cả người. Tôi ngồi nơi đờn, nhìn xuống giòng sông, chờ đợi. Chờ anh N, lòng tràn ngập niềm vui. Cô con gái đầu lòng của tôi, mới ba tuổi, không hiểu thế sự là gì, đang nhảy đùa vui hồn nhiên trên sàn gỗ của đờn Nongkhai...

     Một lát sau, một người Quan thuế Thái Lan ở  bót gác đi ra, đến gần tôi và hỏi:    

     - Có phải anh đi với anh N. không,           

     - Phải.    

     - Thông hành của gia đình anh ở nơi bót của tôi. Tôi có đủ danh sách của những người đi với anh N. hôm nay.    

     - Anh N. chưa đến sao?    

     - Anh ta hẹn với các anh ở Hotel Suns..    

     Thì ra anh N… đã lo liệu đâu đó cả rồi. Tôi kêu xám lọ để về Hotel anh N thuê cho. Đến nơi, bất ngờ, tôi gặp gia đình cô Thái L và cô H. đã đến trước chúng tôi. Họ đi thế nào mà giỏi thật. Chúng tôi bắt tay nhau, không giấu được niềm vui. Chỉ còn thiếu ba người của gia đình cháu R. và anh N. nữa thôi.    

     Không lâu sau, anh N. đến cùng với gia đình R. Thế là đầy đủ. Anh N còn có lòng tốt mang gói áo quần và cái cặp giấy tờ bằng cấp tôi gởi anh mà anh tạm để lại nơi nhà ông H. Thế là không thiếu gì! Tối đến, chúng tôi ăn cơm tập thể ngoài trời của Khách sạn, bữa cơm đầu tiên trên đất tự do. Ai nấy vui vẻ. Mỗi phần ăn chỉ có 35 bạt, chưa tới 2 đô la. Anh N cho biết sáng mai chúng tôi sẽ đi OUDONE, miền Bắc Thái Lan, đi bằng xe ca anh đã thuê..    

     Tối ấy, khỏi  phải nói, tôi đã ngủ một giấc ngủ say như chưa bao giờ say đến thế!!! 

Phan Hữu Lộc

 

Bài viết khác