Thứ Sáu, 15 Tháng Sáu, 2012

Tôi đi hành hương Đức Mẹ Tà Pao **

Ngày 12 tháng tư 2007, tôi được may mắn tham dự chuyến hành hương riêng tư của một nhóm giáo dân Dalat kính viếng Đức Mẹ Tà Pao. Tôi nói « may mắn », vì sau thời gian đó vài ngày, là tôi phải đáp phi cơ trở về lại hải ngoại. Chuyến hành hương này chỉ ngắn ngủi, nhưng đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm thánh thiêng không hề phai. Xin chia sẻ với bạn đọc.

     TÀ PAO

     Theo tiếng dân tộc K’Ho, Tà Pao, có nghĩa là núi Pao. Đó là một vùng đèo heo hút gió, dân cư thưa thớt, thuộc huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, giáo phận Phan Thiết... nên trong quá khứ ít người biết đến. Mãi đến năm 1959, Giáo hội VN cho dựng 5 thánh tượng Đức Mẹ ở những địa điểm khác nhau từ miền Trung, miền Nam và Cao nguyên Trung phần như để xin Mẹ thiên thai chở che và hộ phù cho con dân nứơc Việt. Trong số đó có thánh tượng được đặt trên núi Tà Pao với độ cao 800 thước ngự trị giữa rừng tre. Ngày 8 tháng 12, 1959, lễ Mẹ Vô Nhiễm, Đức Cha Marcel Piquet, GM địa phận Nha trang làm phép tựơng và khánh thành đài Đức Mẹ một cách long trọng trước đông đảo linh mục, tu sĩ, hàng ngàn giáo dân tham dự. ..

     Qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử Giáo hội quê nhà và tình hình chiến tranh đất nước, thánh tượng Đức Mẹ Tà Pao bị « « mất hút » giữa rừng tre già. Mãi về sau mới được một vài anh em giáo dân bất chấp hiểm nguy, đi tìm thấy trong tình trạng hư hại. Sau khi thánh tượng được sửa chữa lại, GM giáo phận cho đưa trở về vị trí cũ để đoàn con sùng kính tôn vinh Mẹ…

     Mẹ ơi, con về

     Thế rồi, việc đặt lại thánh tựợng Đức Mẹ Tà Pao đã được truyền đi rất nhanh trên mạng, làm cho con cái Mẹ ở hải ngoại cũng nôn nóng mong được về hành hương tôn kính. May mắn thay, trong chuyến về thăm quê năm vừa qua, tôi đã được tham dự cuộc hành hương riêng tư của một nhóm công giáo Đà Lạt đi kính viếng Đức Mẹ Tà Pao.

     Xe của chúng tôi lên đường vào lúc 6 giờ sáng ngày 12 tháng tư, trong khi trời Đà Lạt còn nhiều sư ơ ng mù, cây cối rét run bên lề đường, nhưng nhiều bổn đạo đã có mặt tại Nhà thờ, đó là điều khó thấy bên trời âu. Không trách gì mà các giám mục Pháp khi ghé qua Việt nam đă phải ghi nhận là đời sống đạo của người Việt tại đây thực đáng làm gương cho bổn đạo trời tây !

     Khi ngồi trong xe, tôi biết chuyến đi hôm ấy chỉ có độ 10 người, vì đây nói được là một nhóm có lòng sùng kính đặc biệt về Đức Mẹ Tà Pao. Hầu như ngày 13 tháng nào họ đều rủ nhau đi Tà Pao mà họ nói một cách rất tự nhiên và chân thành : đi viếng Mẹ !

     Một bà ngồi bên cạnh tôi còn cho biết Đức Mẹ Tà Pao đã ban cho bà nhiều ơn huệ. Bà nói lần này, cũng như bao lần trước, bà sẽ lại đựơc « thấy » mặt trời xoay chiếu soi tượng Mẹ, hay tượng Mẹ « quay qua quay lại »… làm tôi « mê mẫn » không biết thực hư ra sao, vì ai cũng đồn là tượng Mẹ Tà Pao làm « phép lạ » ! Tôi chỉ mong cho xe chóng tới để được « hồng ân » đó, nhưng cũng nghĩ rằng người mình gán cho Đức Mẹ làm nhiều « phép lạ » một cách quá dễ dàng chăng !

     Sau khi xe vừa ra khỏi thành phố, chị trưởng nhóm xướng kinh lần hạt để dâng chuyến đi cho Mẹ. Lần hạt xong, mọi ngừơi lại hát vài bài kính Đức Mẹ, những điều mà họ đã quen làm mỗi lần đi hành hương hàng tháng như thế. Tôi không khỏi thầm cảm phục tình con thảo đó.

     Tấp nập kẻ hành hương

     Ra đi từ 6 giờ sáng, đến khoảng gần trưa, xe chúng tôi mới đến Tà Pao, vì khi xe xuống hết đèo Bảo Lộc, chúng tôi có ngừng lại kính viếng thánh tượng Đức Mẹ Bình An được đặt trong một khung cảnh thực nên thơ với rừng tre, suối nước, trang nghiêm, với bàn thờ luôn rực hoa nến .       

     Khi xe vào Tà Pao, điều ngạc nhiên trứơc tiên là nguời hành hương từ đâu đến mà lắm thế. Mặc dầu giữa trưa, trời nắng như thiêu, nhưng xe ca thỉnh thoảng lại chở người hành hương đến với Mẹ. Họ đến từ Vũng tàu, Sàigòn, Gia kiệm , Nha trang hay Đà Lạt như chúng tôi… Tuy đi đường xa vất vả, nhưng đoàn hành hương, khi đến nơi, không quản mệt nhọc, nối đuôi nhau lên viếng Đức Mẹ, không chậm phút giây. May mà ngày nay, không còn cảnh đường lên xuống linh đài, trơn trượt khi trời mưa, vì đường đất đỏ như xưa. Các cha và giáo dân địa phưong và các vùng lân cận đã ra sức khai phá cây cối đất rừng để hoàn thành 450 bực thang đá dẫn lên linh đài....

     Núi rừng thánh thiêng

     Đứng từ trên cao, nơi các tam cấp, nhìn xuống Đồng Kho, ta thấy con sông La Ngà chảy qua làng, uốn khúc theo những dãy vườn hay cây cối với giòng nước đục ngầu làm tôi có cảm tuởng đang đứng trên vùng hang động Mát-xa-biên nhìn xuống con sông Gave nơi Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức một trăm năm mươi năm về trước (1858). Sao mà giống nhau thế, Mẹ hiện ra nơi chốn nói được là heo hút, rừng núi âm u, cảnh vật thinh lặng, chỉ có rặng tre hay núi rừng với gió xì xào thay tiếng xe cộ sầm uất.

      Mẹ không ưa nơi chốn thị thành, nơi phồn hoa đô thị, nơi những dãy nhà lầu cao sang, nơi những đình đám quan cách. Mẹ lại thường chọn những nơi vắng lặng, trên núi cao làm cho con người quên đi ham hố thế trần, gạt bỏ mọi vương vấn trần tục để lên núi với Mẹ cho nhẹ nhàng..

     Lên núi với Mẹ để thở không khí trong lành hồn xác, để nói lên rằng hạnh phúc và đường đi của con cái Mẹ không ở nơi gian trần, nơi nhà cao cửa rộng, nơi tham ô, tranh giành quyền lực để phát sinh những bạo tàn, giết chóc, ức hiếp kẻ yếu thế !

     Suốt đoạn đường lên cấp thang, đó đây những kẻ tàn tật, cụt tay hay cụt chân, mù mắt hay ốm gầy… nằm ngổn ngang hay ngồi lết giữa nắng, ngửa tay xin tiền. Tôi không biết họ ở đâu ra mà nhiều thế ? Sao họ nằm ngồi giữa nắng mà không thấy một ai săn sóc ? Ngày không có đoàn hành hương thì họ ở đâu ? Không lẽ họ đi ăn xin trong làng sao, vì dân chúng ở đây, phần đông xem ra cũng không khá gì, chỉ nhìn các món hàng mà họ đem ra bán mời khách thì cũng là những giỏ xoài, năm bảy trái mít chín, năm bảy con gà, con vịt… toàn những thứ « cây nhà lá vườn ».

     Mẹ nhắc nhở ta thấy cảnh đời khổ đau là thế, những gì Mẹ kêu gọi trước kia tại Fatima vào ngày 13/10/1917, nay vẫn còn là thưc tại, dù đã 90 năm qua, vì đối với Mẹ, thời gian là hiện tại : «Hãy cầu nguyện cho nứơc Nga trở lại, nếu không, nước Nga sẽ gieo kinh hoàng cho thế giới, thuyết vô thần sẽ đầu độc nhân loại, gieo rắc chiến tranh và điêu tàn cho muôn dân … »

     Càng lên cao, gần nơi chốn đặt tượng Đức Mẹ là một cảnh « chen lấn » : người lên núi cũng nhiều mà kẻ xuống núi cũng lắm, bậc thang bề ngang chỉ hai thước, nên ai cũng phải lách mà đi ! Thôi thì đứng đọc kinh chung với nhau và cùng ca hát và chiêm ngưỡng Mẹ từ xa cũng được, vì bấy giờ một ngôi nhà gạch của Trung tâm hành hương đang đựoc xây cất, nên phải tạm rào lại.

     Đèn tắt, tâm tư rực sáng

     Chiều tối đến, tôi thả bộ một vòng trên con đường làng, thấy đâu cũng người là người. Kẻ buôn, ngừơi bán đủ loại, không kể các quán ăn : ảnh tượng Chúa Mẹ, sách đạo, hoa nến, hương đèn, đến những gà, vịt, trái cây, bánh trái… Còn khách hành hương thì ở các nơi chốn họ thuê, đoàn nào theo đoàn nấy, tụ họp đọc kinh lần hạt sốt sắng, mắt hướng lên tượng đài của Mẹ trên núi cao. Hầu hết thuê võng ngủ qua đêm, hay thuê nhà nằm trải chiếu mền trên nền xi măng, nhưng họ vui chịu cảnh ăn ở thô sơ này... Quang cảnh Tà Pao về đêm trông êm dịu và dễ thương hơn ban trưa vì cơn nắng đã xuống, bản làng trở nên nhộn nhịp khác thuờng.Tôi rảo hết một vòng theo con đường chính, rồi dừng lại trên vệ đường, đứng nhìn lên tượng Mẹ trên núi cao cùng với một số người hành hương không quen biết. Hình như ai cũng đang đọc kinh, có ý đợi chờ xem tượng Mẹ có làm « dấu lạ » nào không, như bà ngồi trong xe với tôi đã cho biết.

     Đèn lại sáng

     Điện bị Nhà nước cúp từ trưa nay, vừa được có điện trở lại sau 10 giờ đêm làm cho ai nấy vui mừng khi thấy hết cúp điện. Trong nhà, ngoài đường chiếu sáng trông thực phấn khởi. Hàng chục người cũng đang đứng nhìn ngắm tượng Mẹ trên núi như tôi, cầu nguyện và « chờ đợi » Mẹ ban cho một « dấu lạ ». Ai cũng tin thế, vì hôm nay là ngày lễ của Mẹ, ngày Mẹ thi ân ! Núi rừng chìm trong âm u, chỉ thấy lác đác trên các bậc thang dẫn lên linh đài Mẹ, có chút ánh sáng của những ngọn đèn điện, còn toàn vùng chìm trong bóng tối !

     Dấu lạ tình thương

     Thế rồi, mọi người nhốn nháo, ai nấy đều thấy rõ ràng có ánh sáng chiếu từ tượng Mẹ phát ra, một thứ ánh sáng chiếu như dạ quang nhấp nháy năm ba lần như gây chú ý làm mọi người kêu nhau ra xem. Tôi nói với mấy người đứng cạnh tôi, nhìn xem như tôi : « Có lẽ đó là ánh đèn người ta chụp hình thánh tượng bằng flash, nhưng sao ánh sáng không phát lên một tia chớp như khi chụp hình, mà lại phản chiếu từ thân hình Mẹ ra, và ánh sáng như lân tinh và nhấp nháy hai ba lần ? »

     Thế rồi, ngay sau đó lại có ánh dạ quang tỏa chiếu từ bên hông của Mẹ , tương tự như lần trước. Lần này thì mọi người bàng hoàng lặng thinh theo dõi.Tôi càng dán chặt mắt trông lên thánh tượng trên núi cao…, thì lạ thay, lần này lại có hình lửa đỏ chập chờn trên đầu của thánh tựong nữa làm cho ai nấy, không ai bảo ai, tự nhiên đều vỗ tay tán thưởng, kêu lên vì vui mừng. Tôi cho rằng lần này thì không thể nói lửa cháy đỏ một cách rõ ràng như thế trên đầu thánh tựơng là do ai đó đốt lửa sau lưng tượng Đức Mẹ. Một thời gian sau, ánh sáng hay lửa đều tắt , thánh tựong Mẹ trở lại trạng thái cũ, chìm trong chốn rừng núi tối tăm âm u ,lạnh lẽo như trứoc ! Tôi ngây ngất sung sướng nói cùng mọi ngừoi đứng quanh tôi : Mẹ đã tỏ dấu hiệu không thể chối cãi được nữa !

     Tôi vốn không dễ tin phép lạ, nên điều mắt tôi trông thấy tối hôm đó, tôi không cho là « phép lạ ». Vì tôi biết rằng phép lạ không dễ gì xảy ra và thuộc quyền giám mục sở tại quyết định để tránh những tin tửong vô cớ, có khi do quỷ ma bày ra. Vì thế, tôi gọi đó là một dấu chỉ (un signe) đầy an ủi phấn khởi cho đức tin của tôi , sau khi đã vượt trùng dương về bên Mẹ… Thì cứ xem việc Đức Mẹ Lộ Đức hiện ra đã được Giáo hội công nhận trong 150 năm qua (1858-2008), và trước gần 7.000 người tự khai là mình đã được « phép lạ » từ đầu cho đến nay, thì Giáo hội chỉ công nhận có 67 người hay trường hợp lành bệnh nhờ phép lạ Lộ Đức, sau nhiều năm điều tra rất kỹ lưỡng, có khi hàng chục năm ! Bà Anna SANTANIELLO (Italia) được lành bệnh tim nhờ chuyến đi hành hương Lộ Đức năm 1952, lúc 40 tuổi. Mãi 53 năm sau, (21/9/2005) bà mới được Giáo hội công nhận đó là nhờ phép lạ Lộ Đức. Và bà là ngừoi đứng thứ 67 hiện giờ.

     Sáng hôm sau, đúng ngày 13, chúng tôi đành trở về lại Đalat để rồi ít hôm nữa, tôi phải lên đường về lại hải ngoại. Trên xe ai nấy cũng muốn kể cho nhau nghe nhiều ơn lành Mẹ đã ban cho mình dứơi hình thức này hay hình thức khác. Dẫu sao, chuyến hành hương này của tôi gọi đựơc là thành công. Cám ơn các chị Họ đạo Thánh Tâm Đà Lạt và kính cẩn cám ơn Mẹ Tà Pao !

     Bấy giờ tôi chỉ còn một điều hối tiếc, là đúng ngày đó tháng sau, (13 tháng năm 2007) giáo phận Phan thiết sẽ tổ chức một Đại lễ Tạ Ơn Đức Mẹ Tà Pao long trọng tại đây dưới sự chủ tọa của GM địa phận. Sẽ có hàng ngàn ngừơi khắp nơi về bên Mẹ, nhưng tôi chỉ có thể thông dự từ bên kia đại dương. Tôi tiếc thật, nhưng ở đời ai có thể thực hiện được mọi ước mơ !

     Tà Pao hỡi Mẹ Việt Nam

     Giang sơn khốn khổ, Mẹ tràn tình thương.

     Ngày đêm Mẹ đứng gió sương

     Con về nhớ Mẹ, noi đường Chúa đi !

 

%%%

 

** Bài TÔI HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ TÀ PAO, đã gởi dự thi và trúng GIẢI NHÌ, về bộ môn Văn, do Giáo Phận Phan Thiết tổ chức và làm Giám khảo. Đây là cuộc thi viết về Đức Mẹ Tà Pao (Văn-Thơ -Nhạc–Họa…) kể từ ngày 3-5-2008 đến 13-8-2009 vừa qua để kỷ niệm Năm Thánh Đức Mẹ Tà Pao.

Số người tham dự về bộ môn Văn (nói riêng về bộ môn này)

Trong nuớc:

11 người (Phan Thiết, Nha Trang, Vĩnh Long, Xuân Lộc, ĐCV XuânLộc)

Hải ngoại:

01 người (Mỹ, Pháp, Canada)

Ngày phát giải thuởng :

7-12-2009 tại Trung tâm Hành huơng Tà Pao. 

Phan Hữu Lộc 
 Đà Lạt 12/4/2007

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art