Thứ Bảy, 26 Tháng Năm, 2012

Nhà thờ Fatima

Một trong những ân nhân của ngừơi công giáo Simuong di cư qua Thái Lan ở Trại Fatima Dindaeng, một vài tháng sau khi Saigon thất thủ, phải kể đến Cha Chính xứ lập Trại. Ngài là vị linh mục thuộc dòng O.M.I đã để lại nhiều cảm nghĩ đặc biệt suốt thời gian họ lưu lại đó, trong số ấy có gia đình tôi, trước khi được đi hải ngoại định cư. Sau đây là những điều tôi ghi nhận đựoc trong những ngày sống trong Trại trước khi được lên đường đi Pháp ngày 13/7/1975.

Kính nhờ các cha O.M.I chuyển lời lên ngài thay gia đình chúng tôi.

 

« Thưa quí vị. Xe đã đến Bangkok. Bây giờ là 5g30 sáng (23-6-1975). Hãng chúng tôi hy vọng quí vị hài lòng trong chuyến đi này, và hẹn gặp lại quí vị trong những chuyến tới. Xin kính chào quí vị »

VỀ ĐÂU ?

Tôi ngồi yên trong xe ca và lắng nghe lời cô chiêu đãi người Thái nói. Tiếng nói nhẹ nhàng và cung giọng êm đềm quá làm cho tôi không buồn xuống xe, hay là tôi nghĩ rằng có vội xuống xe đi nữa, thì cũng chưa biết phải đi về đâu. Về đâu trú tạm trong những ngày ghé lại Vọng Các này để tìm cách xin giấy tờ và chiếu khán đi Pháp?

Nhưng rồi, tôi và gia đình cũng phải xuống xe, lấy đồ đạc xuống, thu gọn lại một chỗ nơi bến xe, ngồi đợi. Những hành khách cùng chuyến xe, chỉ một vài phút sau, ai nấy đều kêu tắc xi về nhà, và không mấy ai có nhiều hành lý cồng kềnh như chúng tôi. Chúng tôi ngồi nán lại bên nhau, Thánh tượng Mẹ Fatima tại nhà chưa kêu tắc-xi vội, vì trời còn quá sớm, chưa tới 6 giờ sáng.

Nhưng kêu xe mà đi về đâu? Đâu bà con thân thuộc, đâu bạn bè quen biết? Trước kia, tôi đã ở ba năm ở Bangkok, nhưng giờ đây, tôi thấy như mới đến tỉnh này lần đầu, vì nó rộng lớn và xa lạ.

VỀ NHÀ DÒNG

Dẫu vậy, khi còn ở Vạn Tượng, trước khi quyết định vượt biên, tôi cũng đã nghĩ đến hai nơi có thể tìm đến, khi tới Bangkok. Một là đi đến một Dòng CCT của một Lm người Mỹ mà ngày xưa tôi đã gặp ngài tại Đại Học CG Dalat, khi ngài qua học tiếng Việt. Ngài có nói với sinh viên chúng tôi : «Khi nào các anh có dịp qua Bangkok, thì đến tôi chơi .» Lời nói xã giao xa vời đó, không ngờ lúc này đây mang cả một giá trị cứu cấp. Hai là đến nơi mà người hướng dẫn tôi di cư, đã rỉ tai căn dặn (vì tình anh quý mến tôi) trước khi tôi lên đường : « Nếu khi đến Bangkok, anh không biết đi về đâu xin trú ngụ, thì anh kêu một chiếc tắc xi và nói với họ, bằng tiếng Thái, đưa về « Bột Mẹ Phra FATIMA Dindaeng » (có nghĩa : Giáo xứ Mẹ Fatima ở Dindaeng, ngoại ô Bangkok) thì tài xế nào cũng biết ».

Bấy giờ tôi cân nhắc suy nghĩ hai nơi đến đó, tuy rằng tôi HOÀN TOÀN không biết một tí gì về hai chốn đó. Đi về cha Dòng người Mỹ có thể là điều tốt, yên ổn, chỉ có gia đình tôi thôi, nên chỗ ở rộng rãi. Trong giây phút di cư miễn cưỡng bất ngờ tìm đến ngài, xin ngài cho trú tạm để nộp đơn xin đi Pháp có lẽ ngài không nỡ từ chối !

VỀ TRẠI FATIMA

Hay là đi về Trại Fatima như người hướng dẫn đã căn dặn tôi. Về Trại thì sao cũng rộn ràng, đông đúc nhiều phiền toái, sống chung đụng, biết đâu Trại lại không khỏi có hàng rào kẽm gai, lính canh gác ?

Thú thật lòng tôi hết sức do dự bối rối! Nhưng không hiểu sao, bấy giờ hai tiếng (Bột) MẸ FATIMA vang dội trong lòng tôi như một lời mời đất hứa, một lãnh địa cứu thoát, một nơi trú ngụ an toàn, một bàn tay cứu tinh! Có lẽ vì ngày xưa ở Việt nam, không người tín hữu nào lại không cất cao tiếng hát kêu khẩn Mẹ Fatima qua lời ca bất hủ của cố nhạc sĩ Hải Linh (+1988) Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam :

Trời u ám chiến tranh điêu tàn.

Mẹ hỡi, đưa tay ban phúc bình an

Đưa Việt Nam qua phút nguy nan !

 “Phút nguy nan” đó, bấy giờ là lòng tôi tăm tối như con tàu đang vào đường hầm! Thế rồi, tôi đem cả tâm hồn hướng về Mẹ như Sao Mai dẫn đường. Tôi cầu xin Mẹ đưa tay ban phúc bình an cho gia đình tôi. Tôi không thể hình dung nỗi Trại Fatima như thế nào, nếu có hàng rào kẽm gai đi nữa, thì tôi cũng phó thác cuộc đời và gia đình tôi cho Mẹ. Nếu xin gia nhập Trại có khó khăn ra sao, tôi cũng chỉ biết cậy trông vào Mẹ….

Sau khi đặt hết tin tưởng vào Mẹ, tôi (nhắm mắt) quyết định về TRẠI FATIMA hơn về Nhà Dòng người Mỹ quen biết. (Về sau, tôi có lên thăm Nhà Dòng)

Tôi kêu một chiếc tắc xi vừa đi ngang qua, như chính Mẹ gởi đến. Hỏi nơi đến và giá cả xong, tôi để tài xế chất đồ đạc lên xe, rồi chúng tôi vào chỗ ngồi. Chiếc xe phải “thức dậy sớm” hay sao mà xe chạy được một quãng, thì nó lại rù rì, rồi ngừng hẳn ! Anh tài xuống xe, mở cốp phía sau, lấy cái can đi múc nước hay mua xăng tôi không rõ. Tôi ngồi trong xe, nhìn theo anh đi tìm nước, nghĩ bụng : “Thôi thế là « xui » rồi ! việc vào Trại chắc là không ổn ! Không lẽ mình chọn sai nơi đến. Có hai nơi mà chọn cũng lầm, không khác nào anh chàng ham chơi « xóc đĩa » : chỉ có chẵn và lẻ thế mà đánh mãi không ăn được. » Xe trục trặc phải chăng Đức Mẹ muốn thử thách lòng tin cậy của tôi ?

TÂM HỒN RỘNG MỞ

Thế rồi, chiếc xe tắc xi cũng đem gia đình tôi đến nơi đến chốn mới 7 giờ sáng. Khi chiếc xe tiến vào cổng Trại thì tôi thấy ngay ngôi nhà thờ dâng kính Mẹ Fatima to lớn, ngự giữa sân nhà xứ, chiếm một khoảng đất rất rộng, có nhiều cấp bậc để lên sân nhà thờ. Tôi không mất nhiều thì giờ để nhận ra một vài người công giáo Simuong xưa, bấy giờ đang ngồi « hóng gió » thảnh thơi trên những bực thềm rất cao của nhà thờ. Nhìn cái thềm cao nhiều bực đó, tôi lại nhớ đến cái ngôi nhà thờ của thời thơ ấu tại Savannakhet của quê, mỗi khi ta đứng trên bực thềm cuối cùng, thì gió lộng tứ bề...

Quang cảnh thanh bình của giáo xứ Fatima làm cho tôi yên tâm là đã đến nơi an toàn, không thấy những gì hãi hùng như tôi dự đoán hay âu lo. Không lính gác, không hàng rào giây kẽm ; nhưng là một nhà xứ an bình, sạch sẽ yên tĩnh! Tôi đã thầm cám ơn Đức Mẹ Fatima đã hướng dẫn tôi trong sự chọn lựa. Tôi trả tiền xe, lấy đồ đạc xuống, xếp gọn một chỗ, rồi hồi hộp vào trình diện cha xứ.

Cha Xứ Fatima là người cao và gầy, hơi nghiêm nghị, ít cười ít nói, trái hẳn với Đức Cha ở Oudone mà chúng tôi gặp hôm trước. Tôi đến gặp Đức Cha để xin ngài cấp cho một Giấy chứng minh chúng tôi là người công giáo để khi đến Trại Fatima gặp được sự dễ dàng hơn chăng. Đức Cha cười vui, đón tiếp chúng tôi, và vào bàn giấy tự tay đánh máy chữ cấp cho chúng tôi giấy giới thiệu đó ngay. Thái độ cởi mở và vui vẻ đó đã làm cho tôi thấy tương phản với thái độ dè dặt và « khô khan » của Cha Xứ Fatima, lúc vừa mới gặp. Tôi có cảm tường như ngài đã phải miễn cưỡng gánh chịu việc tiếp đón đoàn người CG Simuong, chỉ vì cùng dòng với Cha Xứ Thánh Tâm Vạn Tượng, hay ngài đã kinh nghiệm khi thấy nhiều người công giáo kỳ cựu ở Thái không hẳn là những người công giáo « ngoan đạo thờ Chúa », nên dè dặt chăng ...

- Thưa cha xứ,  chúng con là người công giáo di cư từ Vientiane qua. Xin Cha vui lòng cho trú tạm một thời gian để lo nộp đơn xin đi Pháp.

- Các con có giấy tờ gì không?

- Thưa cha, có. Thông hành VNCH, và giấy giới thiệu của Đức cha Oudone.

Sau một vài giây phút suy nghĩ, có lẽ vì thấy chúng tôi có nhiều giấy tờ bảo đảm, ngài gật đầu và bảo tôi đi theo ngài để nhận phòng ở. Tôi nhớ hình như ngài nói tiếng Pháp thì phải, vì sau này, khi cần người thông ngôn tiếng Pháp cho ngừơi trong trại (không biết tiếng Pháp) thì ngài kêu tôi lên làm thông dịch viên.

Gọi là Trại chứ thực ra đây là Nhà xứ của Họ đạo mang tên Fatima. Nhân dịp nghỉ hè, trường học nhà xứ đóng cửa, nên ngài mở phòng học cho người di cư đến trú tạm. Sau đó ngài dẫn tôi xuống phòng học và chỉ định tôi ở chung với gia đình ông Đại H., vì phòng còn rất rộng, mỗi gia đình chiếm lấy một góc phòng, căng mùng mền và trải chiếu mà ngủ. Ngay sau đó, ngài cho người đi mua và đem đến cho chúng tôi mền, mùng, chăn chiếu còn mới, in hệt những người đến trước. Quả thực tôi không thể ngờ được lòng nhân ái của ngài như thế. Phải chăng lòng tin tưởng đặt vào Mẹ Fatima đã được Mẹ thương tận tình cứu giúp.

Về sau, cứ hai ngày một, ngài cho người phát phần gạo cho mỗi gia đình, ai cần thì đến nhận miễn phí. Ngoài ra, mổi gia đình chỉ việc ra phố Dindaeng ngay truớc Trại, bên kia đường, mua một hai cái lò nấu bếp, một cái ấm nấu nước chẳng hạn là đầy đủ…

BA ĐIỀU KIỆN

Cuộc sống hàng ngày của tôi ở Trại Fatima từ đó diễn tiến đều đặn: sáng dậy 7 giờ, điểm tâm, có lúc đi dự lễ lúc không. Vào lối 9 giờ, tôi ra bến xe buýt gần đó lấy vé trực chỉ Tòa Đại sứ Pháp ở Bangkok để lo liệu xin giấy nhập cảnh. Gần trưa về ăn cơm, rồi lại đi tiếp tới chiều về.

Ở sân Tòa Đại Sứ Pháp, bất ngờ tôi gặp lại một số người quen, trước kia ở Vientiane, vì ai cũng phải đến đây xin giấy tờ đi Pháp, hoặc chờ đợi kết quả, một khi đã nộp đơn. Ông Nh. trước làm ở hãng Air France, có hai cô con gái là học trò cũ của tôi ; vợ chồng ông N.Đ, chủ tiệm phở gần nhà thờ mà sáng Chúa nhật tôi hay ghé ăn phở; anh Â., con ông bà L., cũng là học trò cũ của tôi. Có nhiều người chầu chực nơi đây đã nhiều tháng, nhưng đơn vẫn chưa được cứu xét.

Riêng tôi, tuy vừa mới đến, nhưng tôi được may mắn vào tận văn phòng Tòa Lãnh sự Pháp để làm thông ngôn cho gia đình cô Ph., con bà Ph. nguời C.G Simuong, ở Trại Fatima, được kêu lên để bổ túc hồ sơ đã nộp. Vì thế, tôi đã gặp bà thư ký tóc vàng mắt xanh, rất xinh. Bà đã cho biết là trong ba nước Đông Dương thì người Miên được ưu tiên, sau đó đến Lào rồi sau cùng mới đến người Việt, nên giấy tờ đi rất chậm. Vả lại, theo lệnh của chính phủ Pháp thì mỗi ngày chỉ cấp Chiếu khán cho một số nhất định thôi (quota), tuy rằng không phải đơn nộp trước là cứu xét trước, tùy điều kiện mỗi người đáp ứng ít hay nhiều các điều kiện đòi hỏi. Điều kiện đó là:

1. nguời quốc gia (có Thông hành VNCH, dù cũ, chẳng hạn)

2. có văn hóa Pháp ít nhiều (bằng cấp, học lực Pháp)

3. có Chứng chỉ Cư trú tại Pháp, do nguời Pháp cấp chứng nhận. (Certificat d’hébergement).

Trong ba điều kiện, điều kiện tiên quyết (sine qua non) là điều kiện thứ 3. Có đựơc Chứng chỉ này là được ưu tiên cấp chiếu khán. Và đây là điều mà hầu như rất ít người biết. Tôi may mắn đựơc anh Năm, người hướng dẫn giúp tôi lo giấy tờ, đã cho tôi biết riêng, nên tôi đã lo được tại Vientiane, truớc khi đi sang sông. Đó là điều đảm bảo nhất khi vượt biên qua Thái xin giấy tờ đối với những ai đi riêng, không phải là người làm việc cho Mỹ hay làm cho Sứ quán VNCH tại Vientiane.

Vì vậy mà tuy nộp đơn mới có ba tuần lễ, tôi đã được chiếu khán. Hồ sơ tôi đầy đủ cả 3 điều kiện đòi hỏi, nhất là có Chứng Chỉ Cư Trú. Chính gia đình ông Guy Larivière, nguyên quán ở Agen, bấy giờ tòng sự Sở Thuế tại Vientiane, đã vui lòng cấp cho gia đình tôi giấy đó trước khi tôi ra đi, theo lời yêu cầu của gia đình tôi. Chúng tôi thành thật biết ơn.

TRÁI TIM VÀNG

Phải, tôi chỉ sống đúng 21 ngày tại trại Fatima, và chính trong thời gian dài đó mà tôi mới biết được con người đích thực của cha chính xứ trại Fatima. Bên ngoài ngài có vẻ khô khan, ít nói, ít cười, nhưng đã thực sự ẩn chứa cả một « trái tim vàng » !

Trước hết là ngài cho mở cửa lớp học theo số người di cư đến, cho đủ chỗ cho các gia đình ở. Mà càng ngày người di cư C.G Simuong đến càng đông. Không có ngày nào lại không thấy người đến xin vào Trại. Và mỗi gia đình, khi đã đựơc nhận, lại được cấp phát những thứ cần dùng như đã nói. Nhiều ngày, ngài lại phải cho người đi mua thêm các vật dụng ấy, kho chứa mãi cũng không đủ. Nhưng không chỉ người nghèo, người không có ai quen biết ở Bangkok đến xin tá túc, mà cả đến những người có tiền của cũng đến, cũng nhận đồ đạc và gạo cơm cha chính xứ cấp phát. Vì ngoài đồ dùng, ngài còn phát gạo cho mỗi ngày cho mỗi gia đình để mọi người tự do nấu nướng lấy... Vì thế, tôi đã thấy quả thực ngài đã cho « mưa nắng » xuống trên kẻ nghèo cũng như người giàu. Có kẻ còn khôi hài nói: « Vì tôi có tiền, vào Trại sống cho ăn chắc , khỏi sợ cướp giật !»

Hơn nữa, có điều kỳ lạ là có người qua Thái trứơc tôi có đến một hay hai tháng, mà vẫn còn ở đó. Có người chưa đi đựơc vì thiếu giấy tờ còn nhờ người nhà lo liệu gởi qua Thái; nhưng có người được giấy tờ đầy đủ rồi, mua vé rồi nữa, nhưng vẫn “ăn đợi nằm chờ”, vì họ chưa muốn đi ! Quả thực, họ đã bỏ tiền ra mua vé phi cơ đi Pháp, lại đang tìm cách đổi các vé ấy (nào phải ít, gia đình có đến 8,9 nguời) ra thành vé “phi” (free) mới chịu đi. Thực tôi không hiểu họ làm cách nào!

THIẾU KỶ LUẬT

Khi tôi mới đến (25/6/75), Trại chỉ có 5 gia đình. Mới ít người, không cần tổ chức gì cho lắm. Nhưng vào ngày tôi rời Trại đi Pháp, (13/7/75), thì Trại đã có đến 42 gia đình. Mà nếu mỗi gia đình trung bình 4 người, thì tất cả sĩ số lên đến gần 200 người lớn nhỏ. Chỉ trong vòng 21 ngày! Có thể nói đó là con số của một xí nghiệp, hay một Chủng viện. Nhà xứ nuôi từng ấy người không đòi hỏi một xu, thì lấy tiền đâu ra. Mà các gia đình thì nấu ăn ngay trong sân, trên những hỏa lò bằng đất, phơi áo quần tứ tung, cả trên hàng rào giây thép. Nên ngài phải tổ chức cho có quy cũ, ra luật lệ cấm cờ bạc trong trại, cấm ra khỏi trại sau 10 giờ đêm, lập ban trật tự, ban vệ sinh v.v... Biết bao điều lộn xộn cần được ổn định... Ngài phải kêu gọi thêm bổn đạo người Thái đến giúp đỡ, hội CG Tiến Hành địa phương hỗ trợ tiền bạc v.v... Bao nhiêu điều âu lo cho ngài. Mà chúng tôi đâu phải con chiên bổn đạo của ngài.

Nói tóm: ngài đã phải tổ chức Trại cho có quy cũ, cho khuôn viên nhà xứ sạch sẽ, không để người di cư nấu ăn bừa bãi, phơi áo quần ngổn ngang.., những người chỉ biết đón nhận hơn tự tổ chức, góp sức... Vì nhiều nguời chiếm chỗ đặt lò nấu cơm bừa bãi… làm cho khuôn viên nhà xứ thiếu thẫm mỹ..

BÃO LÃNH CON CHIÊN

Nhất là sau khi tôi rời Trại hai ngày, thì nghe nói vào ngày 15/7/75, thì O.N.U ở Bangkok sẽ không giúp đỡ cho ngừơi Việt di cư nữa, mà chỉ giúp đỡ người Miên và Lào. Vì sao? Thực là một điều làm xấu hổ cho người mình. Không ai hiểu vì đâu, nhưng theo chỗ tôi biết - vì tôi được mời làm thông ngôn cho người Việt tại O.N.U Bangkok -, thì các nhân viên O.N.U than phiền là người Việt chen lấn nhau vào cửa phòng làm việc một cách bừa bãi, làm nhiều ngã vào bàn giấy của họ nữa. Người mình đi đâu không quen « nối đuôi » (faire la queue) như ở Pháp chẳng hạn, mà cứ lấn, cứ xô nhau.

Một tin khác là cũng vào ngày nói trên thì mọi người di cư đến Thái phải tập trung vào một Trại do lính Thái canh giữ để dễ bề kiểm soát, vì số người di cư Việt Mên Lào bấy giờ lên quá đông rồi. Vì thế, nghe đâu cha xứ Fatima lại có ý đứng ra « bảo lãnh » cho những người ở Trại của ngài. Nhưng liệu có được không? Điều đó, tôi không rõ, vì tôi đã lên đường.

Dẫu sao đi nữa thì CHA CHÍNH XỨ FATIMA DINDAENG đã làm một công việc bác ái phi thường đầy tình người và người con Chúa. Một nghĩa cử rất may mắn cho những gia đình không nơi ẩn trú trong những ngày bơ vơ lạc bước trên con đường di cư tại Thái. Mà trong túi hầu bao, không có bao nhiêu !

Ngài quả là vị ÂN NHÂN của những ai đến TRẠI FATIMA, trong đó có gia đình bé nhỏ của tôi... Xin Chúa trả ơn bội hậu cho Ngài!

Giờ đây tôi không biết ngài còn là Cha xứ đó hay đổi đi đâu, hoặc những gì đã xảy đến cho ngài. Dẫu sao đi nữa, đã gần 30 năm qua, lòng biết ơn của tôi vẫn còn mãi trong tâm tư tôi vậy.

Dĩ nhiên tôi cũng không quên được tình thương của MẸ FATIMA đối với gia đình bé nhỏ của tôi trong việc Mẹ đã hướng dẫn và bảo vệ cho gia đình tôi vượt biên may mắn và đi đến thành công hôm nay.

%

Ngày nay, hơn 30 năm qua rồi, mỗi lần tháng Tư « đen » đến, và tháng Hoa trở lại, tôi không khỏi nghĩ đến chuyến Vượt biên ly kỳ may mắn, chuyến Xe đò Oudone-Bangkok giá buốt và Cuốc tắc xi dẫn tôi về trại Fatima Dindaeng đầy tình thương của Mẹ.

Có lẽ vì thế, mà sau khi đến Pháp một thời gian, tôi đã không quên nhờ một gia đình người Bồ đào Nha làm việc cùng sở nơi tôi ở, khi họ về Fatima nghỉ hè, rồi trở qua Pháp, thì « mua » qua cho gia đình tôi một BỨC TƯỢNG MẸ FATIMA chính gốc, nơi Mẹ hiện ra ! Đó là thánh tượng hiện đang ngự trị trên bàn thờ gia đình tôi và trong lòng tôi vậy !

 

Chú thích :(1) Sau khi đến Pháp, trên đường đi hành hương Lộ Đức năm 1979, gia đình chúng tôi có ghé thăm ông bà Guy Larivière ở AGEN. Vợ chồng con cái của ông ta bấy giờ cũng đã từ giã Vientiane về đó.

Khi tôi viết lại những giòng này, thì ông đã đựơc Chúa gọi về đã nhiều năm qua rồi. Cầu xin cho ông đựơc an nghỉ trong tình yêu Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

France, 13/10/2008

Phan Hữu Lộc.

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art