Thứ Bảy, 26 Tháng Năm, 2012

Đầu Xuân Khai Bút

BÁNH CHƯNG, BÁNH DẦY

Sử tích và Ý nghĩa

    XUÂN lại về, làm cho  người con ở xa, tưởng nhớ đến quê hương xứ sở, đến những ngày còn sống dưới mái nhà mẹ cha. Nhớ đến  chiều Ba Mươi Tết, mẹ và chị ngồi gói bánh chưng bánh dầy, la liệt trên chiếc chiếu trải giữa nhà. Vì TẾT đến, không thể thiếu: "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ Nêu cao pháo nổ, bánh chưng xanh!"

     I- SỬ TÍCH

    Tục truyền rằng hoàng tử Lang Liêu, người con thứ 18 của Vua Hùng Vương, nghèo nhất trong các hoàng tử đàn anh,  đã được thần hiện về báo mộng dạy cách  làm hai thứ bánh :  “Con ơi, trên đời không gì quý trọng bằng cơm gạo. Con hãy lấy gạo nếp mà làm  hai thứ bánh. Một bánh hình tròn, tượng trưng cho Trời;  một bánh hình vuông, tượng trưng cho Đất. Trong bánh hình vuông, con hãy cho vào đó một ít nhân. Gói xong, đem nấu chín dâng lên Vua cha, thì không có lễ vật nào sánh kịp được”. Nói xong, vị thần biến mất!         

    Tỉnh dậy, hoàng tử vui mừng và  kể cho gia nhân nghe giấc mộng. Làm bánh hình tròn, thì gia nhân đem vút gạo nếp thật sạch, đem giã thật kỹ, nặn hình mặt trên khum tròn, rồi đem đi nấu thật chín. Còn bánh hình vuông, thì gia nhân đem ngâm gạo nếp suốt đêm trước. Họ dùng khung gỗ đóng góc để gói cho vuông vắn. Còn lá thì họ dùng lá dong là thứ lá mọc nhiều trong vùng. Còn nhân, thì họ lấy đậu vàng, và thêm thịt heo từng miếng mỏng . Gói xong, rồi đem nấu suốt đêm cho thật chín. Đoàn gia nhân làm tận lực ba ngày ba đêm và nấu chín mỗi thứ 100 cái, tiêu biểu cho một Mẹ  trăm con. Xong xuôi đâu đó thì  vừa đúng ngày Lễ Hội.

    Được chọn    

    Quả thực, khi toàn dân  tụ họp mừng Xuân, Vua ăn thử hai thứ bánh do hoàng tử Lang Liêu kính dâng, thì vua lại cho là lễ vật vừa ý mình hơn . Bánh nếp gạo  nấu vừa chín tới, mùi vị của gạo cơm hàng ngày bốc lên, lại  được điểm thêm nhân đậu vàng với thịt heo chín mềm,làm vua cha như gặp lại được món ăn thuần túy của dân tộc... Sau khi biết được hai thứ bánh đó do thần hiện lên mách bảo..., thì  vua cha biết rằng trời đã muốn giúp mình chọn được thái tử tài-ba đức hạnh để truyền ngôi. Vua  truyền rằng: « Từ đây về sau, vào ngày TẾT, dân gian phải làm hai thứ bánh này để ăn mừng, tạ ơn Trời Đất. »

    Vua cha đặt tên bánh hình tròn là Bánh Dầy, còn bánh hình vuông là Bánh Chưng.  Tục lệ ngày Tết , dân gian gói BÁNH CHƯNG, BÁNH DẦY  bắt nguồn từ đó !

    II- Ý NGHĨA             

    Bánh Dầy hình tròn, mặt trên hơi khum tròn , tượng trưng cho Trời, theo quan niêm bình dân.Trong xã hội Việt Nam thời xưa, bánh dầy dùng làm lễ vật tinh khiết để tế trời và tế thần. Chấp nhận Trời là đấng khai sáng vũ trụ, chủ tể trời đất.

    Hợp ý trời      

   Bánh dầy còn là lễ vật khao vọng cho các quan chức. Biếu cặp bánh dầy là người dân khao khát quan chức biết lấy đức-độ, lấy quyền hành mà làm  ích quốc lợi dân, hành động sao cho hợp ý trời, hợp  lòng dân. Một lời nhắc nhở  là  đừng vinh thân phì gia,  đừng  dùng quyền thế  mà áp bức dân lành! Nếu quan chức thiếu đức-độ , thì lễ vật sẽ không còn ý nghĩa, lại  đầy mỉa mai. Nếu chỉ trọng hình thức,mà bỏ thực chất thì cặp bánh dầy sẽ thành như gông cùm đè lên đầu lên cổ người dân. Ca dao tục ngữ đã  cảnh tỉnh và châm biếm: "Con ơi nhớ lấy câu này: Cướp đêm là giặc , Cướp ngày là quan !"

      Ngay thật

    Còn Bánh chưng  thì hình vuông, tượng trưng cho Đất, theo quan niệm bình dân: « trời tròn đất vuông ». Bánh chưng gói lá dong xanh, lúc nấu chín làm cho màu lá xanh in lên nếp trắng tinh thành hình màu  cỏ non. Màu của đồng quê, của lũy tre xanh, của bờ dậu thôn làng. Hình ảnh nói lên cuộc sống nông nghiệp của dân tộc...  

    Bánh chưng gói vuông vức mang  nhiều ý nghĩa. Vuông là thẳng thắn, là  ngay thật, có sao nói vậy, không dối trá lừa đảo.Vuông là dứt khoát, xử lý phân minh, chính trực, đúng luật chứ không thiên vị, không bóp  méo sự thật. Vú cả lấp miệng em!    

    Bánh chưng gói vuông vức  còn nói lên tính cách chững chạc, để đâu còn đó, không lăn qua lăn lại, không chạy vào túi ai! Không còn nan tham nhũng, vơ vét đầy túi, tệ đoan mà thời nào cũng thấy, cũng nhan nhản.Bánh chưng có nhân có nhụy, mềm dẻo, dễ ăn . Màu vàng của đậu nấu chín thu tóm hoa màu đồng nội, mơ ước của người dân lành, sống an vui giữa cảnh trời mây nước, không chiến chinh, bom đạn.Một mùa Xuân không tiếng súng nổ , không cuồng tín giết chóc, không chiếc máy bay rơi, không tiếng khóc nức nở khôn nguôi...

    Hòa an

    Bánh chưng được gói năm ba lớp lá như lòng người mẹ bao bọc lấy người con. Lòng mẹ bao la không hề quản khó nhọc nuôi con, dạy dỗ cho con thành người.Ngày Tết, ngày sum họp gia đình, ăn một miếng bánh chưng là cảm nghĩ về mẹ, sống với mẹ .Anh chị  em đùm bọc lấy nhau, vì cùng một mẹ sinh ra như trăm con nở ra từ một bọc trứng!. Ngày TẾT là ngày  vui  của đại gia đình về sum họp.

    Công bằng xã hội

    Nhưng bánh chưng được cột giây lạt, chia ra làm 9 khung bằng nhau, như muốn nói lên ý tưởng công bằng xã hội, cho việc phân chia ruộng  đất, cho việc tổ chức cai quản xóm làng. Đất đai trời ban cho là của chung, cần phải phân chia cho đồng đều ;  sinh hoạt xã hội cũng phải được ấn định và điều khiển theo công bằng lẻ phải..          

    Cho nên lúc ăn bánh chưng, phải  cắt chia sao cho các phần đều nhau,vừa đẹp mắt, vừa gợi đến biểu tượng công bằng xã hội của bánh chưng. Những cuộc cải cách điền địa của biết bao quốc gia âu ,á thường là  thất bại, gây đổ máu...có lẽ cũng vì không biết đến định luật phân chia công bằng xã hội như hình ảnh bánh chưng !          

    Hoàng  tử Lang Liêu là con người thực tình yêu nước, thương nòi,  đã biết dùng những nguyên liệu của đồng quê đất nước để làm thành Bánh chưng, Bánh dầy. Điều đó chứng tỏ Hoàng tử là con người biết nắm vững giá trị của nền văn hóa , phong tục dân tộc. Thái tử biết khai-triển tài -nguyên quốc gia, biến chế thành những cái hay cái đẹp cho quê  hương, cho dân tộc được giàu mạnh.  Vua cha đã nhận thức một cách thông suốt những điều đó,nên đã truyền ngôi cho hoàng tử Lang Liêu. Vua tin rằng THÁI TỬ LANG LIÊU về sau  sẽ làm cho dân hạnh phúc và đất nước thịnh  vượng!

/////

    Xuân về trên đất Pháp lạnh lẽo, vì tuyết bắt đầu rơi , nhưng khu phố của người Việt ở Pháp là Quận 13  cũng đông người đến mua sắm, thưởng thức Xuân. Các quán ăn, nhất là các tiệm phở bò, phở tái, ... đầy khách hàng. Các bích chương treo  dán dầy tường của ngôi chợ to lớn Quận này nhắc nhở đồng hương đi dự Đại Nhạc Hội mừng Xuân do nhiều đoàn thể quốc gia hay Sinh viên… tổ chức.                    Trong chợ  của người Á đông Quận này, thì không thiếu món quà Tết nào, nhưng điều chắc chắn là không thể thiếu Bánh chưng, Bánh dầy là hai thứ bánh mang hương vị quê hương đến sửơi ấm lòng người con xa nhà, xa « con quốc quốc! »            

    Ước gì  XUÂN NHÂM NGỌ 2002 sẽ đem lại cho  dân tộc Việt Nam được  an cư lạc nghiệp và quê hương giàu mạnh! (trích) Xuân Nhâm Ngọ  France 12/2/2002

//////µ%µ/////

CON RỒNG CHÁU TIÊN

Thông Điệp Dựng Nước

    Giữa thời đại tân tiến và khoa học ngày nay, mà đi nói chuyện huyền sử  CON RỒNG CHÁU TIÊN của dòng giống Bách Việt , có lẽ chỉ làm trò cười cho bình dân thiên hạ. Nếu không, thì có lẽ cũng không gieo được chút âm hưởng nào trong tâm khảm hay cảm nghĩ của con người da vàng máu đỏ, xa quê hương, xứ sở , lúc XUÂN về Tết  đến!        

    Nhìn về trong nước XHCN thì không thấy “ Tiên, Rồng “đâu cả, chỉ thấy “rồng phun nước “ làm ngập lụt, ruộng vườn, lôi cuốn nhà cửa làm cho dân đã khổ, lại càng khổ hơn!. Dân đã nghèo lại nghèo thêm, đã rách Ảnh tác giả. Công viên Chợ Lớn (2004) rưới lại càng thêm đói rách! Trước cảnh “ máu chảy ruột mềm “, những người Việt hải ngoại với cuộc sống đầy đủ, đã không ngần ngại tổ chức những cuộc lạc quyên gửi tiền bạc, vật dụng về để “ một bát khi đói, còn hơn một gói khi no “!  Nhưng nói thế,  không có nghĩa là  ta có thể quên dân Việt vốn là dòng giống Tiên Rồng, theo như tiền nhân đã chọn biểu hiệu cho dân tộc, và lưu truyền lại cho ta.

    Nhân dịp  Xuân sang, nhất là Xuân Mậu Ngọ (Mã đáo thành công!) , ta hãy tạm quên những cảnh hãi hùng của cuộc sống đã xảy ra và đang còn xảy ra kháp nơi... để thử tìm hiểu ý nghĩa thâm sâu , tiềm ẩn trong huyền sử lưu truyền qua muôn thế hệ cho đến ta ngày nay. Âu cũng là làm một việc thiện đầu năm như khi ta lên chùa xin quẻ, hay lên thánh đường cầu nguyện...

    LẠC LONG QUÂN Nước nào cũng chọn một biểu hiệu cho nước mình , ngoài lá cờ quốc gia, như muốn nói lên ước vọng to lớn, nguồn gốc hùng mạnh  của nước mình, làm gương soi sáng cho cả  dân tộc,  phản chiếu tinh anh của giống nòi. Nước Pháp chọn con Gà; nước Mỹ, con Ó ; nước Thụy Sĩ  con Gấu ; Nhật-Bản hãnh diện là con cháu  Thái Dương thần nữ... Còn Việt Nam thì chọn RỒNG  thiêng và TIÊN nữ! RỒNG là con vật linh thiêng đứng đầu Tứ Linh, biểu hiệu cho sức mạnh, cho  người cha,  cho vương quyền, cho tài  ba xuất chúng !

    LẠC LONG QUÂN, từ thời lập quốc, đã đánh đuổi những quái vật yêu-tinh, uy hiếp tâm linh và vây hãm nếp sống của dân gian. Người lấy sức mạnh thần thiêng để chém Mộc Tinh, giải  tỏa và khai thông rừng rú, mở đường cho dân lành đốn gỗ, hạ cây, xây nhà dựng cửa, lập nghiệp. Người lấy lưỡi đòng thép nóng cháy hơn lửa, đâm chết Ngư Tinh, hạ bá quấy nhiễu sông biển, để cho dân chài lưới vững dạ, ra ghe thuyền đánh cá sinh sống. Người lấy phép mầu diệt trừ Hồ Tinh có chín đuôi, ở trong mười hang động , ban đêm ra bắt hiếp dân làng, để từ đó, người dân khỏi phập phồng, lo âu sợ hãi, an vui  trong đời sống dân làng... 

    LẠC LONG QUÂN là hình ảnh người cha hào hùng, tượng trưng cho chí khí nam nhi  bất khuất... Trai hùng nối chí tiền nhân để giữ gìn bờ cõi, chiến đấu bảo vệ giang san, khi đất nước lâm nguy!Trai hùng lại là người quân tử, người có nhân cách, biết sống phải  đạo làm người, có lòng thương gia đình, dòng họ. Trai hùng yêu nước thương nòi, không đem giang sơn cống hiến cho ngoại bang, không chịu sống nhục để cầu vinh. Một tướng lãnh thời xưa “Thà làm Quỉ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc"; cựu Hoàng Đế  Bảo Đại (+) đã “Thà làm Dân một nước (VN ) độc-lập hơn làm Vua một nước nô lệ “... cũng  đã cho thấy bao khí phách của anh hùng liệt sĩ quốc gia!...

    RỒNG  tài ba xuất chúng có thể  biến hóa phi thường, khi cần thì thu mình nhỏ lại, có thể  ẩn náu dưới  làn sóng biển sâu chờ thời cơ, cũng như  lúc thuận tiện, thì  bay bổng lên trời, giang rộng đôi cánh khổng lồ  che phủ cả ánh dương để bảo vệ đất nước.. .

    RỒNG là biểu tượng cho vua, cho vương quyền. Rồng đứng đầu Tứ Linh, là con vật sống giữa nước với trời, giữa trần thế với thiên cung... Rồng vờn mây gọi gió, thống trị vân vũ, cai -quản biển sâu, gầy dựng giang sơn cho con cháu sống an lành, dạy dân cách trồng trọt gieo hoa mầu cũng như biết giữ nghĩa vợ chồng. Khi đành chia biệt,cũng phân chia đồng đều và « có gì thì cũng cho nhau biết, lúc hữu sự ».   

    RỒNG là vương quyền đem con về Thủy Vương, để con cháu đừng quên cội nguồn, đừng quên giang sơn gấm vóc. Rồng là vương quyền vì rồng luôn sẵn sàng ra tay cứu giúp dân mình, khi nguy biến chỉ cần kêu lên « Bố ở đâu? », là Rồng hiện đến, là Vua tôi gặp gỡ, cứu trợ...

      MẸ ÂU CƠ.  Còn TIÊN là Mẹ,tượng-trưng cho hiền dịu, ấp ủ yêu thương, cho vẻ đẹp trời ban, cho trong ngần tinh khiết...

    TIÊN là MẸ ÂU CƠ, giàu lòng trắc ẩn, lại có đủ phép mầu để biến khổ đau của con  cái thành hoan lạc, biến bể khổ cuộc đời thành biển hạnh phúc .Chuyện Tấm Cám, chuyện Cây Khế, chuyện Thạch Sanh...là những chuyện tiên , bụt  hiện ra cứu giúp người dân lành gặp nạn, ta thấy  đầy dẫy trong  văn chương Việt Nam...   

    TIÊN là ước mơ cao quí hơn hết của người đời, vì tiên gợi đến bồng lai tiên cảnh, đến  trường sinh bất tử,điều khát vọng bậc nhất của con người! Đẹp như Tiên, sướng như Tiên, đó là đầu câu môi lưỡi của người đời, là thu tóm bản chất của Tiên. Được như thế, người đời không còn gì ước mơ hơn nữa!

    TIÊN là tinh khiết, nhẹ nhàng uyển chuyển. Bao nhiêu mơ ước vẫn-đục, bao khát khao dục vọng đê hèn, bao tham sân si.., bảy mối tội đầu của người đời  không hề len lỏi được vào đời sống của Tiên Nữ. Nếp sống của Tiên, của  hồn Tiên cũng như của kẻ tu Tiên... lúc nào cũng thanh thản, rung động theo tiếng mõ tụng kinh, theo làn hương trầm nhẹ tỏa bay khi chiều tan theo tiếng chuông ngân vang của giáo đường vọng lại; thoảng nhẹ và trong sáng như tiếng sáo chiều của  mục đồng !

    TIÊN có ngoại hình hấp dẫn tuyệt vời, làm người đời say đắm,nhưng không  phải thứ đắm đuối dục tình , lăng loàn đưa con người xuống vực sâu đê hèn, tội lỗi. Nhưng lại thứ đắm đuối say mê tiên-giới ,ngây-ngất lâng-lâng đưa hồn lên như Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai , như những dòng suối trong mát của vườn địa đàng mà con người đã  đánh mất từ thuở ban sơ !

    TIÊN đẹp lộng lẫy,không nhờ lòe loẹt, phấn trết son tô , hay nhờ khoác vào mình những xiêm y thời trang kim tuyến đắt tiền của những con người kiểu mẫu với bước đi uốn éo, khêu gợi. Không phải cái đẹp lố lăng, hở hang, hầu như thoát y, cái đẹp mà ngày nay người ta chạy theo đua đòi, cổ võ săn đón, chào mời, trọng vì..., mà là cái đẹp mỹ miều tự nhiên, cái đẹp trời ban, chỉ dành cho người có tâm hồn thanh cao, trong sáng, có tầm mắt không vẫn-đục mới khám phá ra được.

    TƯƠNG GIAO

    Thần thoại Rồng Tiên chủ yếu  xây dựng con người, xã hội và đề cao dân tộc với niềm tự hào thuộc về một dòng giống Lạc Việt phi thường, có sức quật cường của trai hùng, cùng với sự hiền dịu của nhi nữ. Có dòng máu khí phách của LẠC LONG QUÂN cùng với phép mầu nét đẹp của Mẹ Tiên AU CƠ  Đó là hai  động lực  nền tảng để khai triển đời sống  vật chất  và tinh thần.

    Vì con người có xác có hồn, sống thành xã hội, cho nên phải lo phát triển kinh tế để nuôi dưỡng đời sống vật  chất cho đầy đủ. Phát triển  kinh tế dồi dào để toàn dân cùng hưởng, chứ không phải chỉ một số làm giàu, bóc lột dân nghèo. Phát triển kinh tế theo căn bản tự do, chứ không phải theo kinh tế chỉ huy độc quyền độc đoán, chỉ làm giàu cho thiểu số ! Nhưng đồng thời cũng  phải phát triển về tinh thần, bởi cơ quan giáo dục, để khai tâm, mở mang trí óc, rèn luyện tâm linh, đạo đức thì con người mới toàn vẹn, xã hội mới có quân bình và đất nước mới thịnh vượng. Một tấm thân lực lưỡng trong một tâm hồn lành mạnh! (Mens sana in co pore sano )

    Bao nhiêu bài học của cha ông đã để lại qua ca dao, tục ngữ, thành-ngữ đã nói lên cái thế quân bình bổ-sung  của kinh- tế và giáo-dục,của việc đào luyện lương tâm mà người Mẹ chiếm một vị trí quan trọng. Phát triển giáo dục không có nghĩa là nhồi sọ, đem chủ thuyết ngoại lai giáng trên đầu trên cổ toàn dân, đem văn chương quái gở thay thế văn chương tốt đẹp bình dân, có từ ngàn xưa. Trái lại biết phát huy và khai thác những  kho tàng giàu có của luân thường đạo lý, của tôn giáo thánh thiêng và văn chương cổ điển truyền thống dân tộc!..

    Phúc đức tại mẫu. Lá lành đùm lá rách. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ.Nhiễu điều phủ lấy giá gương... Chị ngã em nâng... Đó phải chăng  là những truyền thống sáng giá tiềm ẩn trong lòng dân tộc, qua chuyện Rồng Tiên, qua lòng trắc ẩn của Mẹ Âu Cơ. Dù muốn dù không, người dân Việt, qua muôn thế hệ, vẫn còn nhớ nằm lòng những câu ca dao, thành ngữ được nghe, được học từ bé, khi còn trong nôi mẹ, khi cắp sách đến trường.  Dạy con dạy thuở còn thơ ! Những cái hay cái đẹp mà ngày nay, sống giữa xã hội tây phương, nhiều gia đình đã cảm thấy băn khoăn, đau khổ vì khó mà  lưu truyền lại cái hay cái đẹp ấy cho con cháu!!!

    Cha là Rồng, mẹ là Tiên. Rồng Tiên kếp hợp sinh MỘT bọc TRĂM trứng; nhưng Rồng mạng Thủy, Tiên mạng Hỏa , cha phải đem 50 con xuống biển, mẹ đem 50 con lên núi... Nước/ Lửa, Biển/ Núi, Rồng/ Tiên... khắc nhau, tương phản, nhưng lại là đối xứng, là tương giao, như mảnh đất chữ S hai đầu hai gánh nối thành Sơn Hà, như trời với đất nối kết, như âm với dương, như giao thừa cũ với mới.... Những yếu -tố- cặp-đôi ấy làm cho dân tộc ta biết hòa hợp để « thuận vợ thuận chồng tát cạn biển Đông », như lúc Giao Thừa con cái đón rước ông bà quá cố trở về tụ họp với con cái còn sống,  như mưa rào làm ướt đất, nhưng lại làm cho cỏ cây xanh tươi, như con cháu Rồng Tiên, người  trong nước kẻ hải ngoại,  xa cách ngàn trùng, nhưng lòng hằng gắn bó, cùng rung một nhịp điệu yêu thương, cứu giúp...

    Nói tóm người xưa gói ghém bài học thâm sâu , đầy Nhân Nghĩa Lễ Tín để xây đắp con người, xã hội và dân tộc qua bí ẩn của câu chuyện huyền sử RỒNG TIÊN .

/////

 Trời Paris rét mướt lúc Xuân về làm cho lòng người tha hương thêm sầu viễn xứ. Nhưng khi nâng chén trà Xuân nóng trong lòng bàn tay, ta cảm thấy ấm lòng khi nghĩ đến tiền nhân  đã  khôn khéo chọn RỒNG TIÊN làm biểu tượng cho quốc gia, cho đất Việt. Tiền nhân đã biết gói ghém những tư tưởng giữ nước, dựng nước, xây dựng đất nước...qua huyền sử Rồng Tiên như là một Thông Điệp đầu xuân  gửi đến cho con cháu để muôn đời con cháu suy tư, tưởng nhơ’, và đem thi hành.           

    Đó phải chăng cũng là bí quyết để VIỆT NAM sống sót, khỏi bị tiêu diệt như các nước Bách Việt bị đồng hóa bởi nước láng giềng tham lam « vĩ đại! » 

(trích ) Xuân Nhâm Ngọ 2002

Paris  27 năm viễn xứ

Phan Hữu Lộc.

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art