Thứ Sáu, 15 Tháng Sáu, 2012

Cây Tía Tô

BÀN TAY XANH

            Nhưng trong nhà thì chưng bày nhiều cây cảnh. Anh bạn có khiếu trồng trọt hay sao mà trong nhà không những có nhiều cây cảnh tươi đẹp, mà nơi cầu thang lên xuống còn có cả những chậu hoa lan mùi thơm dịu « uốn khúc » theo nhịp bước lên xuống! Tôi khen ông bạn có « bàn tay xanh » (main verte), nói theo kiểu của pha-lang-sa...

            Ở nơi ban-công sau nhà lại có đủ loại rau của quê hương, trồng trong những chậu đất hay loại người ta dùng để bán cá, như rau mồng tơi, sả, tía tô... thứ rau mà bấy lâu tôi đi tìm để trồng, vì ở nhà hay nấu nó với cà bung! Ôi thơm thật là thơm!

            Anh bạn tôi là người đại lượng, nên đã đãi tôi những món ăn quê hương và của nước Đức, rồi sau khi đã được « chén thù chén tạc », tôi lại được ông bạn tặng cho, khi ra về, một cây tía tô tốt tươi, đang thời kỳ mơn mởn lên hoa nụ, như cô gái đang tuổi dậy thì...

            Tôi đã mệt nhọc biết bao khi phải đèo « cô gái dậy thì » đó về xe lửa đến Pháp, rồi phải «cưng như cưng trứng và hứng như hứng hoa », khi phải chen chúc lên xuống Métro để hoa khỏi bị dập nát... Cuối cùng ngồi thở nhẹ nhỏm trên chiếc xe lửa đem tôi và « cô gái mơn mởn » về nhà cách Paris hơn 150 cáy số về phía Nam.

TÍA TÔ VƯƠN CÀNH

            Nhưng như « gái có công, chồng không phụ », tôi đem về nhà trồng trong mảnh vườn nhỏ của tôi để rồi ngày ngày ra nhìn ngắm nó vươn cao theo chiều gió và nắng mưa... Được phân bón và gió mưa thuận chiều hay sao mà cây tía tô lớn mạnh và đã cho tôi nhiều nhánh, nhiều lá và nhiều hạt. Mỗi ngày ra nhìn ngắm nó lớn lên, phe phẩy theo chiều gió như chào đón tôi. Tôi càng ngắt vào ăn, nó càng lớn mạnh, đâm cành thêm lá. Tôi yên trí và nghĩ rằng từ đây không còn bận tâm đến việc đi tìm mua tía-tô về mà ăn nữa. Vì trước kia, muốn có tía tô, tôi phải vác xe chạy gần 100 cây số khứ hồi mới có tiệm người Việt bán rau của người mình!

VÀO ĐÔNG HÉO HẮT

            Nhưng ở đời ,đâu chỉ có mùa hè nắng ấm để cây tía tô tốt đẹp mãi. Thu qua thì Đông tới. Rồi khi lá vàng tả-tơi trên đường phố, cuốn bay theo chiều gió lúc chiếc xe hơi chạy ngang qua, hoặc cây cao trong vườn trơ trụi lá, giơ cành, thì hết mùa hạ ấm áp, và đến mùa đông lạnh giá. Cây tía tô không chịu được cảnh đông giá, nó héo tàn và co quắp lẩy bẩy rét run như một số người không gia cư (SDF) ngủ đầu đường, mỗi khi gió đông về và tuyết phủ xuống trên những dinh thự hay trên làng mạc!!! Cảnh vât đẹp tươi mùa hè, nhường bước cho một lớp tuyết trắng xóa trên cỏ cây vạn vật...

XUÂN VỀ NẮNG ẤM

            Nhưng rồi, mùa Xuân lại trở lại và cỏ cây bừng dậy. Những lớp tuyết trắng xóa đã nhường cho những mầm non chớm nở... Nhưng cây tía tô của tôi vẫn bị vùi dập dưới sức ép lạnh của mùa đông, làm sao nó đủ sức chịu đựng, khi nó chỉ là cây sậy theo đúng nghĩa của nó! Mảnh vườn nhỏ bé của tôi, nay không còn gì nữa, không còn bóng dáng cây tía tô nào nữa!

            Tôi buồn khi thấy bao nhiêu niềm vui nó đã đem đến cho tôi, cho những bữa ăn đượm mùi vị quê hương, Nó gợi cho tôi bao kỷ niệm ở quê nhà, ở những bữa cơm gia đình xa xưa với mẹ cha anh em thưở còn đầu xanh cắp sách đến trường. Tía tô có một màu sắc không ai quên được, màu tía, gần như màu tím của áo mũ giám mục, và nó có một hương vị làm ta như say sưa khó quên. Hay như áo màu tím đặc biệt của cáccô gái Sông Hương, Núi Ngự.    

Thế mà giờ đây, nó đành im hơi lặng tiếng! Tôi buồn, nhưng cho rằng, nó cũng theo luật trời đất mà sống rồi chết... Nhưng tôi nghĩ đến cảm tình của ông bạn bên Đức chịu khó gói ghém cho tôi cây tía-tô để tôi mang về. Tôi nghĩ đến công mình chiều chuộng nó, « rủ rê » nó về như các bà hiếm muộn đi viếng Chùa Hương cầu tự, sau khi xoa đầu các thạch nhũ giống đầu em bé, lại muốn « dẫn » các em bé bằng đá của động về với mình!

            Thế rồi, tôi không còn hứng thú gì để ra vườn ngắm cảnh nữa!

            Nhưng bỗng một hôm kia, có chị Yvette từ Agen tạt đến chơi và tặng cho tôi cây bông hồng gọi là để kỷ niệm những năm cùng sống ở Vientiane, và lần đầu gặp lại nhau sau khi di tản qua Pháp. Vì sau khi qua Pháp năm 75, chúng tôi mỗi người mỗi hoàn cảnh và không còn ai biết ai ở đâu. Cũng nên nói ở đây là hai vợ chồng chị Yvette là một trong những ân nhân giúp tôi vượt biên qua Thái Lan để đi Pháp.

            Tôi đem cây bông hồng ra vườn, kiếm một chỗ tốt nhất để trồng, cũng là chỗ đát tôi trồng cây tía tô ngày xưa, thì ngạc nhiên thay, những cây tía tô nhỏ xíu ở đâu mà lại xuất đầu lộ diện ngay trước cặp mắt ngỡ ngàng của tôi. Phải, tía tô thật, chứ không phải tôi mơ!. Thì ra phải một thờì gian lâu, cây tía tô mới có sức vươn lên được, chứ nó không chết hẳn!

            Thế mới biết, cây tía tô tàn rụi trong mùa đông, nhưng nó không chết, hạt của nó tung bay theo gió lúc mùa hè đã im lìm nằm ngủ yên nhiều ngày tháng trong lòng đất, âm thầm mọc rễ, lấy lại sức sống tiềm ẩn trong nó để từ từ vươn lên. Ban đầu chỉ bằng que tăm, nhưng rồi sẽ lớn dần lên khi nắng ấm trở lại. Thì ra lời ông bạn nói với tôi là đúng, mà trước đó tôi nghi ngờ: nó sẽ mọc ra nhiều như cánh đồng, nó sẽ tàn rụi mùa Đông, nhưng rồi nó không chết,nó sẽ mọc lại...

MẦM HẠT GIỐNG THIÊNG

            Nó sẽ mọc lên lại vì nó có sức sống tiềm ẩn trong hạt tía tô khi rơi rụng xuống, Nghĩ đến điều đó làm tôi không khỏi liên tưởng đến lời Phúc Âm : Hạt giống phải rơi xuống đất, phải mục nát ra mới sinh hoa trái. Hạt giống mục nát, nhưng sinh ra hoa trái vì chúng có sự sống tiềm ẩn bên trong. Còn con người, khi nằm xuống, mục nát, nhưng cũng sẽ sống dậy và sống mạnh mẽ, trường tồn vì hạt giống bên trong là linh thiêng, là bất tử.

            Niềm đau buồn khi con người nằm xuống, khi thân nhân ra đi, nhưng ta hãy nghĩ đến sự sống lại của người mình quý mến, của người mình thương.Cái chết của họ cũng chỉ là như hạt cây tía tô có ngủ im lìm dưới lớp tuyết phủ, dưới lớp đất dày, sẽ chờ Mùa Xuân thiên thai để vươn lên, sống lại và bền vững hơn cây tía tô, vì con người được thông dự vào sự sống của chính Sự Sống!

7/10/2008

Phan Hữu Lộc

Bài viết khác