Thứ Sáu, 15 Tháng Sáu, 2012

Mất một lần, hai quê

LỜI NÓI ĐẦU

     Suốt 33 năm lánh nạn yên ổn làm ăn tại Pháp (1975-2008), nuôi con cái khôn lớn,học hành đỗ đạt, có nhà cửa sự nghiệp..., nhưng lòng trí tôi luôn hướng về QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM yêu dấu. Nơi đây, tôi đã sống hơn 15 năm trời, trong đời sinh viên, đã được hấp thụ nền văn hóa dân tộc, văn hóa la-hy, cũng như đã được vun trồng Chí hứơng tông đồ trong niềm Tin yêu của Mẹ Giáo Hội. Tôi cũng đã được chiêm ngắm và viếng thăm vẻ đẹp của non sông đất nứoc lúc thanh bình, cũng như đã khắc khoải khi Đất Nước rền vang tiếng súng.    

     Dẫu vậy, tôi cũng không quên đến QUÊ HƯƠNG thứ hai là AI LAO, nơi cha mẹ tôi, từ quê cha đất tổ, đến lập nghiệp lâu đời... Vì thế, cũng là nơi anh chị em chúng tôi được sinh ra,lớn lên, học hành, vui sống hồn nhiên với gia đình, nhà thờ, xóm làng, sân bóng, rồi về sau, trở lại lập nghiệp...

     Cho nên khi tiếng súng miền Nam nước Việt nổ tung vào ngày 30 Tháng Tư 1975 đã làm cho tôi MẤT MỘT LẦN HAI QUÊ, tôi đành rời bỏ Ai Lao qua Thái để tìm đường đi Pháp, buộc lòng xa lìa người mẹ già bấy giờ đang an nghỉ giấc ngàn thu tại nghĩa trang CG Vạn Tượng. Người nghỉ yên trong lòng đất xưa kia người đến làm ăn sinh sống, gầy dựng tương lai cho chúng tôi....

         Cũng như hàng vạn người đồng hương, trong những thập niên đầu, (1975-85) tôi đành kéo lê cuộc đời di cư tại xứ người, một cuộc đời di cư trải dài đầy gai góc và tràn nhớ thương... Nhớ đến những người thân yêu còn kẹt lại quê huơng đất nứơc, những cô em gái hay bà già lầm than vất vả kiếm miếng ăn từng bữa… Nhớ đến những kẻ gia tài khánh tận vì chính thể đổi thay, của cải bị tứớc đoạt, bị đẩy lên vùng kinh tế mới, hoặc phải sống như những kẻ không nhà cửa. Nhớ đến những em bé bỏ học, thất thểu kiếm tiền độ nhật, ngủ vơ-vất trên lề đường, xó chợ ...Nhớ đến những giáo đường im tiếng cầu kinh, những tháp chuông lặng tiếng chuông ngân, vì vắng kẻ chăn… Nhớ đến nhất là những kẻ bị tù đày, đớn đau chỉ vì nặng lòng yêu nứơc, chiến đấu cho Tự DO xứ sở !

Qua nhiều bức thư nhận được từ Quê hương bấy giờ, tâm tư tôi đã chao động đến nỗi nhiều khi thức trắng đêm...

         Để bù vào chỗ thiếu hụt tình người thân thương và tình yêu Giang sơn Việt Nam gấm vóc hay Quê hương Ai Lao, đã bị rơi vào chế độ vô thần, cũng như để gợi lên những tâm-tư khắc-khoải, nhớ « nước đau lòng con quốc », tôi thường ghi lên trang giấy những cảm nghĩ, những kỷ niệm vui buồn. Tôi cũng nói lên những tâm tư chua xót qua chuyến di cư, hay những biến cố xảy đến trên đất người có liên quan đến Quê hương dân tộc hay Giáo Hội ...để gửi đăng lên báo chí CG việt ngữ ở hải ngoại, đặc biệt là các tờ báo ở Pháp, Đức. Riêng tờ báo sau hết, tôi không ngờ về sau, đựợc Ban Chủ Biên đề cử làm Chủ bút, tôi cũng đã lập ra Mục Vui Buồn để độc giả đựoc có diễn đàn mà viết trao đổi những kỷ niệm vui buồn cũ mới, trước và sau 75 !

     Nay trong thời gian hưu trí, có thời giờ để « cảo thơm lần giở trước đèn », nhất là mới đây có dịp trở lại Hành hương Thánh địa LAVANG mừng 200 năm Mẹ hiện ra, thăm ngôi mộ thân sinh và bà con tại quê làng, cũng như mừng lễ Giáng Sinh tại Dalat , Tết nguyên Đán ở Saigon và Hành hương Linh địa TÀ PAO …tôi đã ghi lại biết bao tâm tư vui buồn lẫn lộn trong các dịp đặc biệt đó.

Đúc kết lại một số bài đã viết hàng chục năm về trước, và vài năm mới đây, để làm thành một Tập sách để tặng bạn đọc như món Quà nhỏ bé của người con đối với đại gia đình, luôn yêu Quê hương, mến Dân tộc và nặng lòng với Giáo hội...

France, Juin 2008

 

NGÀY 30 THÁNG TƯ 75  TẠI VẠN TƯỢNG

     Có nhiều kỷ niệm mau tàn phai, vì không gieo ảnh hưởng gì trong tâm khảm. Có lắm kỷ niệm hằng khắc sâu trong ký-ức, vì đã chi phối toàn diện cuộc sống.

     Tôi muốn nói đến những kỷ niệm vào phút đầu của ngày mất nước tại Vạn Tượng, kinh-đô Ai Lao, quê hương thứ hai của tôi : ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Ngày chấm dứt một cách bi-đát cuộc sống đã ổn định tại xứ « Vạn Voi » của hàng chục ngàn Việt kiều tại Lào. Một biến cố đã xô đẩy Việt kiều Ai Lao vào cuộc sống đầy sóng gió, chìm nổi, như con thuyền định mệnh bập bồng của quốc gia bấy giờ.

 

     SAIGON MẤT RỒI

    Tôi đang ngồi ăn cơm tại nhà, sau khi đi dạy học trở về. Ngôi trường tôi điều khiển niên khóa 1974-75, cách Vạn Tượng lối 5 cây số về phía Nam. Sĩ số là 500, hầu hết là học sinh bản xứ.

     Bất ngờ, mấy người Lào ở cùng xóm đến cho hay: « Ở trước Sứ quán VNCH, người Việt đang gây gỗ cãi nhau to tiếng... ». Toà Đại Sứ VNCH tọa lạc cách chỗ chúng tôi ở khoảng 100 thước, trên con đường chính của vùng Nongbone. Nghe thế, tôi ngừng đũa, nghĩ bụng: « Hễ đâu có người mình là có cãi nhau, gây nhau, làm gương xấu cho người Lào cười chê... ». Ý nghĩ chua xót về tình đồng hương chỉ thoáng qua, nên tôi vui vẻ ăn cơm tiếp. Bỗng một chiếc xe rít mạnh trước cửa nhà. Một ông bạn nhảy vội xuống xe, hớt hãi chạy vào cho hay: « Sàigòn mất rồi, người ta đang bao vây Tòa Đại Sứ VNCH ! ».

     Tôi bàng hoàng, đôi đũa rời khỏi tay, miệng không nói nên lời. Thực hơn sét đánh ngang tai. Một người đưa tin, còn có thể nghi ngờ. Hai người đưa cùng một tin, khó mà chối cãi. Tôi đang đứng trước một thực tại phủ phàng, muốn khước từ cũng không được. Vẫn biết miền Nam VN bấy lâu chao động, miền Thượng Du bỏ ngỏ, miền Trung rút lui vội vàng, lôi kéo hàng ngàn người di cư vào Nam một cách đau đớn. Nhưng lại có tin đoàn quân thiện chiến của Vùng IV chiến thuật sẽ kéo về thủ đô trấn giữ. Nào ngờ SAIGÒN mất vội như cô dâu bị cướp giật đêm tân hôn!

     Ông bạn tôi bắt tay từ giã, vội lên xe, phóng nhanh như để trút bớt sầu đau. Còn tôi, bỏ dở bữa cơm, vội vàng đi tới trước Tòa Đại Sứ VNCH xem tình hình.

     Trước Sứ Quán, bên kia lề đường có lối 10 việt kiều quốc gia đang tụ tập. Hầu hết là thanh niên. Không hiểu sao mà họ có mặt sớm đến thế. Tôi đứng vào với họ, và bình thản quan sát sự tình. Nhóm thanh niên quốc gia này, không đè nén được cơn tức giận khi thấy nhóm người thân Bắc Việt đang đứng bao vây trước cổng Sứ Quán. Vì thực ra, nhóm sau này, khoảng 20 người, đang đứng sát cổng ra vào. Họ được Tòa Đại Sứ Hànội tại Ai Lao điều động đến chiếm Sứ Quán VNCH, mà bấy giờ họ gọi là « Nhà của Nhân Dân ». Mình trần, tay gậy, miệng hò hét..., họ đòi vào đập phá Tòa Đại Sứ. Nhưng quân lính Pathet Lào (Lào Cộng) canh gác một cách cẩn mật.

 

     ĐÂU CỜ VÀNG THÂN YÊU ?

    Tôi lặng người, đứng nhìn quanh cảnh Tòa Đại Sứ VNCH. Đó là cái vi-la nhỏ xinh của một người Việt dân Lào, ở cách đó có mấy căn nhà. Sứ quán ẩn dưới những hàng me già, xung quanh có những hàng thông cao vút bao vây... làm cho ngôi nhà trông có vẻ buồn bạn, hầu như cô quạnh. Bấy giờ, Sứ quán lại trống vắng và cô quạnh hơn.

     Trong Sứ Quán chỉ còn lại một số nhân viên túc trực để cho các bạn đồng nghiệp đốt tài liệu... Một làn khói đen bốc lên cao, nhẹ tỏa dần giữa trưa nắng oi bức, như hình ảnh Quê-hương đang bị mờ nhòa, như trang sử oai hùng của dân tộc đang tan dần ra mây khói. Có lẽ nhân viên đang đốt tài liệu ở hồ tắm (khô cạn) nằm trong sân, phía sau Sứ Quán. Một cảnh sát Lào gốc Việt, tay thủ súng đứng canh gác cho việc đốt tài liệu được tiến hành trọn vẹn. Ông chủ nhà chạy tới chạy lui trong sân Sứ quán, sợ lửa bốc cháy nhà ông cho thuê, hoặc lửa bốc sang nhà ông ở gần bên cạnh.

         Các cửa lớn, cửa sổ phía trước của Sứ Quán đều có những thanh gỗ đóng chặt từ phía ngoài, tang chứng cho một thời đại vàng son đã cáo-chung. Cờ vàng ba sọc đỏ ở cột cờ trong sân, không còn hãnh diện tung bay theo chiều gió như cách đây mấy tiếng đồng hồ.  Tấm bảng lớn, sơn son thếp vàng, ghi rõ giòng chữ TÒA ĐẠI SỨ VIỆT NAM CỌNG HÒA TẠI AI-LAO cũng đã tháo gỡ xuống tự lúc nào. Chỉ còn hai cột đứng thẳng lên trời, lẻ loi, bẻ bàng như số phận điêu đứng của hàng ngàn Việt kiều quốc gia vong quốc, vắng lãnh tụ, như « rắn mất đầu ». Hàng thông trước tòa nhà đứng lặng, không buồn lay. Bất ngờ, chúng được biến thành những « nhân chứng » miễn cưỡng, đau thương, cho việc thay ngôi đổi chủ, cho thế sự bể dâu, dâu bể.

     Trong gió thoảng, quốc hồn, quốc túy của Giang Sơn, Đất Nước, của các Anh hùng tử sĩ như đang phảng phất kêu gào uất hận.

     13giờ. Một số việt kiều quốc gia trong tỉnh kéo tới Sứ Quán VNCH. Họ đến để theo dõi tình hình tại chỗ...

     14giờ. Tin SAIGÒN THẤT THỦ hầu như cả tỉnh đều biết. Ai cũng theo dõi rađiô để biết biến chuyển tại quê nhà qua từng phút giây. Âu lo chen lẫn hy vọng, hi vọng vận mệnh dân tộc sẽ được cứu vãn vào phút chót, do các lực lượng còn trung thành với chế độ VNCH.

     14g30. Một chiếc xe GMC của chính phủ Liên hiệp Ai Lao (thân Cộng) chạy ngang Sứ Quán và rãi truyền đơn. Truyền đơn bay như bươm bướm, rơi rớt xuống cả mặt đường Nongbone.Tôi uể oải đưa tay bắt chận một tờ đang lã chã rơi, đoán biết được nội dung khủng khiếp. Tôi không đọc, nhưng cũng đoán biết nội dung thảm thương, nghẹn ngào đến rơi lệ.

     15g00. Một chiếc xe Ngoại giao đoàn của Bắc Việt đến trước Sứ Quán VNCH và hai nhân viên đi thẳng vào Sứ Quán như có hẹn trước. Lính Pathet Lào không cản ngăn. Họ đến để tiếp thu Sứ Quán, qua sự « bàn giao » giữa đôi bên ? Không ai biết được bên trong Sứ Quán, sự bàn giao hay tiếp thu xảy ra thế nào. Và bấy giờ, ai là người đại diện cho phía VNCH? Có lẽ là ông Đệ Nhất. Vì trước đó, tôi đã thấy ông ta trong sân Sứ Quán. Tôi không biết ông từ đâu đến, nhưng có điều chắc là ông có thể vượt biên dễ dàng như các nhân viên, nhưng ông đã ở lại Sứ Quán để chu toàn « nghĩa vụ » lần chót, tuy là nghĩa vụ của kẻ bại trận!

     Về sau, các Câu lạc Bộ của Phường, Khu Xóm của VNCH cũng bị những người thân Bắc Việt chiếm hữu. Họ viện cớ đó là tài sản của nhân dân. Nhưng kỳ thực, các nơi đó là do tiền bạc của dân chúng trong Khu Xóm gầy dựng nên, làm chỗ cho con em học chữ quốc ngữ, sống xa quê hương đừng quên cội nguồn. Các xe buýt của các hãng tư nhân, hay của ngoại quốc cũng được « trưng dụng » chuyên chở miễn phí, cho nhân dân trong tỉnh, chỉ mấy ngày đầu cách mạng...

     Thế là hết !. Sự bàn giao đã kết thúc từ lâu. Số phận của Việt kiều quốc gia đã được ấn Mọi người lần lượt tản mác..., uể oải cất bước về lại nhà.

     Tối đến, tôi một mình đi tạt ngang Sứ quán VNCH cũ xem tình hình. Bên trong im lìm. Không tiếng ca hát nhảy múa. Trái lại tối om. Không đèn điện, chỉ lờ mờ ánh đèn dầu hoặc sáp nến. Điện bị cúp hay bị phá hủy, hư hỏng. Một vài người đang ngồi trước nhà, dưới mái hiên, chuyện trò, gợi lại những ngày chiến đấu xa xưa… Họ sung sứong vì nghĩ rằng cách mạng đã thành công, mọi người, nhất là các kẻ có công với cách mạng sẽ được ưu đãi, một đời sống tốt đẹp hơn. Nhưng thưc tế về sau mọi người có được như họ nghĩ không ?

 

     ...CHỈ CÒN MỘT LỐI ĐI

     Trong khi đó thì hầu hết gia đình việt kiều quốc gia lại thức trắng đêm, bàn bạc, tìm kiếm đường ra đi. Nhưng ra đi như thế nào, khi nào, cách nào... đó còn là bài toán điên đầu, chưa dễ gì tìm ra đáp số !

     Có gia đình việt kiều, ngược lại, không chịu ra đi, hoặc chuẩn bị ra đi một cách diệu kỳ ? Họ bỏ tiền ra mua hết những đồ đạc việt kiều ra đi phải bán tống bán tháo, đem về chất đầy nhà. Ta thấy nào tivi, tủ lạnh, bàn ghế, bếp ga, quạt máy... Thấy thế, ta tưởng họ sẽ « ăn đời ở kiếp » tại Ai lao thêm nữa, làm ăn với chính thể mới, trong khi họ biết rằng trong khi Pathet Lào lên ngôi, cộng sản chiếm chính quyền, thì họ khó mà giữ được những đồ đạc của « đế quốc » như thế.

     Nhưng thực ra, đó chỉ là con bài « pôke » thôi. Trong khi chưa tìm được con đường thuận tiện ra đi, hay người hướng dẫn qua sông, dại gì mà ngồi than khóc. Buôn đi bán lại những đồ đạc có giá kia, sẽ có một số tiền lời kếch xù, làm tiền lận lưng hòng khi ra đi. Đô la có lên cao mấy, họ cũng có thể đổi tiền được và thuê người đưa sang sông, lúc vượt biên .

     Ai đâu có ngờ ngày 30/4/75 lại là ngày chấm dứt mối duyên tình của hàng vạn Việt kiều đối với Ai lao, nhất là với Vạn Tượng mà cuộc sống ổn định đã hàng bao thế hệ !

         VẠN TƯỢNG bấy giờ còn gì để lôi kéo, để bám víu. Cả đến những cô gái Lào dịu dàng, uyển chuyển, nối tiếng xinh đẹp nhất Á Châu, (photo) trong bối cảnh đau thương đó, cũng không còn gì để quyến rũ. Không bao gìơ Vạn Tượng lại tiêu điều, buồn thảm đến thế!

    Con đường Lán Xạng với Cổng Đài Chiến Sĩ đồ sộ nguy nga xây theo hình dáng Champs Élysées không còn vẽ oai hùng như xưa, đứng sững như lạnh ngắt… Lycée de Vientiane, trung học lớn nhất tỉnh, xây cất mấy tầng lầu theo kiểu tân kỳ, chễm chệ trên đồi cao, nhìn xuống đại lộ Lán Xạng nối dài. Nơi đào luyện hơn 1500 học sinh nam nữ học sinh Lào, Pháp, Việt..., nay cũng vắng vẽ đìu hiu.

 Đặc biệt là ngôi trường Lyceum S. tư thục

Mời chào dịp Phát thửong Lycée Lào 1970   nổi tiếng, mới cất được vài năm, hai lầu dài rộng, khang trang gần vùng Thạt Luống, nơi tôi đứng trong Ban Giáo sư đầu tiên, thu gồm bao học sinh ưu tú Lào, Việt,nay không còn là nơi tấp nập xe hơi phụ huynh đưa đón con đi và về ...Còn U.S.A.I.D (cơ quan viện trợ Mỹ tại Ai Lao,) trứơc kia nhộn nhịp kẻ ra người vào mua bán hàng hóa của Mỹ nhập vào, nuôi sống bao gia đình nhân viên Lào Việt và nguồn viện trợ cho chính phủ hoàng gia Ai Lao, nay chỉ còn đỗ vỡ, dân chúng Lào thân Cộng kéo nhau lên đập phá, vất giấy tờ bàn ghế bừa bãi ra sân. Trên tường đầy khẩu hiệu hận thù kẻ xưa kia nuôi sống mình : Us go home ! Còn Giáo đường Thánh Tâm bấy giờ thì ngày Chúa nhật do Cha Giám đốc Trường Hy Vọng cử hành thánh lễ trong khi giáo dân tham dự thưa thớt hẳn, khác với trứoc kia, bổn đạo chật ních, phải đứng cả ra ngoài sân. Giáo dân đi lễ mà mấy ai cầm trí được, vì tâm hồn chỉ nghĩ đến giờ phút ra đi để bảo tồn đức tin. Chúa Mẹ chắc cũng tha thứ cho họ về việc chia trí đó. Xong lễ, bổn đạo gặp nhau cách vội vã, chỉ nói với nhau có một câu chứng tỏ ngỡ ngàng : « Chưa đi à ? »

     Riêng người Lào, xưa nay ít khi nghĩ đến rời khỏi nứơc khi giặc đến, như dịp các tướng lãnh hữu phái đảo chánh (tướng Phoumi, tướng Koong Lê…), chỉ cần khãn gói về bạn làng một hai ngày rồi trở lại thôi. Nhưng nay họ lại nghĩ đến việc ra đi như người Việt, ngưới Ấn, nguời Tàu… thì đủ rõ họ hiểu tai họa của cộng sản lên cầm quyền thì không còn con đường nào hơn. Và họ có lý khi các trại tù cải tạo được thiết lập về sau, lúc Pathet Lào lên cầm quyền, cầm tù Vua, đổi Vương quốc Ai Lao thành Chánh phủ nhân dân Lào !

     Ngày 30 Tháng Tư 1975 đến không những đối với Việt kiều, mà còn đến với kiều dân Tàu, Ấn và cả dân Lào quốc gia, đặc biệt tại Vạn Tượng, thực phủ phàng, cấp bách, thúc giục mọi người RA ĐI .

     RA ĐI để bảo tồn TỰ DO và Tín Ngưỡng, mặc dầu với bao luyến tiếc đau thương, nhất là để lại những người thân yêu an nghỉ trong lòng Quê hương thứ hai!

      Khăn thô khóc Mẹ xế chiều

     Tưởng chừng gan ruột trăm điều tả tơi !                          

                    (Trích Hồi Ký 1978)

Phan Hữu Lộc

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art