Thứ Sáu, 15 Tháng Sáu, 2012

Thái Lan gía buốt

Sau khi ở lại Udon một ngày tại khách sạn cùng với nhóm bạn bè, bà con sẽ đi Mỹ, gia đình tôi mua vé xe lửa để đi Bangkok, vì phải vào thủ đô mới có thể lo nộp đơn xin đi Pháp được. Tuy chưa biết chắc chắn là có thể xin Chiếu khán nhập cảnh vào Pháp có dễ dàng không. Nhưng mọi sự đều phó dâng cho Chúa Quan phòng.

      CÔ QUẠNH

     Hôm đó là ngày 22.6.1975 và chuyến xe ca khởi hành từ Oudon mang tên « Lột thùa KBX 407 »(Xe suốt). Xe ca có gắn máy lạnh,vì trời bên Thái nóng nực. Chúng tôi tạm biệt bà con còn nán lại khách sạn chờ ngày giờ đi Hoa kỳ, vì chỉ riêng gia đình tôi là nuôi mộng đi Pháp mà thôi, vì lẽ gì thì như đã nói.

        Hành khách trên xe ca tối hôm ấy cũng không đông lắm, cho nên tuy mua hai vé người lớn,nhưng tôi vẫn có thể dùng thêm hai ghế  trống cho con nhỏ tôi nằm duỗi chân  ngủ vì đường xa. Khí lạnh tỏa ra trong xe làm tôi phải lấy thêm mền, do hãng cung cấp để đắp bớt lạnh...

        Trước khi khởi hành, tiếng cô chiêu đãi người Thái đã nhẹ nhàng loan báo : « Xin kính chào quí vị. Chặng đường Oudon-Bangkok dài trên 500 cây số. Xe sẽ khởi hành lúc 9g30 tối hôm nay, sẽ đến Bangkok hôm sau, lúc 5-6 giờ sáng.Trên đường đi, xe sẽ dừng lại Korat và quý vị sẽ được mời dùng bữa… »

        Bấy giờ tôi ngồi thu mình trong chăn ấm, nhìn qua khung cửa sổ xe. Chiếc xe, trong đêm tối lạnh lùng, nuốt những chặng đường dài hun hút, băng rừng, leo đèo, vượt đồi. May mà vào mùa có trăng sáng, cảnh vật âm u của cảnh rừng thiêng nước độc dọc đường cũng như được sưỡi ấm đôi chút. Thỉnh thoảng, xe lại băng qua những làng mạc hẻo lánh, xa thị thành, nên chỉ thấy le lói ánh đèn dầu như tuơng lai mịt mờ của con người di cư.

        Đây nói được là chặng đường di cư thục sự đầu tiên của gia đình tôi,vì từ giờ phút này, tôi ra đi một mình với gia đình, tách hẳn với chị em, bà con, bạn hữu đồng hương để chen lấn với đám người hoàn toàn xa lạ. Tôi phải, rồi đây, đương đầu với cuộc sống giữa đám người xa lạ ấy để nuôi gia đình và hai đứa con còn quá thơ dại. Dù muốn dù không, rồi đây, chiếc xe êm đẹp và duyên dáng này sẽ đưa chúng tôi đến một chân trời lạ, đất lạ, những người lạ.

        Xưa kia, khi còn phải ở lại thêm hai tháng ở Vạn Tượng, sau khi Sàigòn thất thủ, để tiếp tục điều khiển ngôi trường Trung học Aroun Vithaya cho đến hết hè mới lo việc ra đi được, tôi đã nghĩ đến giờ phút cô quạnh này, nhưng tôi không thể ngờ đến hoàn cảnh quá trống trải đến thế. Thật sự giờ đây, trên xe chỉ có gia đình bé nhỏ chúng tôi là nguời Việt, còn lại, tất cả xe, là người  ngoại quốc,nói đúng hơn, toàn nguời  Thái.

        Gia đình tôi, chỉ có một mình, một mình mình nói, một mình mình nghe. Tiếng nói quê hương nói lên hôm ấy là thứ ngôn ngữ chỉ có tôi và gia đình tôi hiểu với nhau. Tiếng nói quê hương như lạc lõng giữa đêm khuya, gió lạnh. Sự cô quạnh, lẻ loi, cộng thêm với cái rét nhân tạo tỏa ra trong xe, càng làm thêm tê tái.

        KORAT NGỔN NGANG

        Xe đang ngon trớn, bỗng bớt tốc độ rồi rẽ vào một tiệm xăng sáng chói : « Xin kính chào quí vị, xe sẽ ngừng tại đây Korat trong nửa tiếng đồng hồ, và xin quí vị xuống xe vào dùng bữa… ». Tôi nhìn đồng hồ tay : 2 giờ sáng ! Hai đứa con nhỏ của tôi đã ngủ thiếp đi từ bao giờ, tôi ái ngại phá giấc ngủ của trẻ thơ, nhưng tôi đành phải đánh thức chúng dậy. Chúng đâu có hiểu đây là chuyến di cư có một không hai trong lịch sử dân Việt nói chung và gia đình nói riêng. Đây là chuyến ra đi vì bạo tàn đang thống trị Quê hương, Dân tộc.

        Mỗi người chúng tôi ẵm mỗi đứa con xuống xe, và vào gian phòng của hãng dùng bữa như mọi hành khách. Gian phòng thật rộng, ánh đèn nêông bắt trên trần nhà sáng chói,có bàn ghế hẳn hoi và trên bàn, bày biện cho mỗi hành khách một chén cháo thịt.

        Nhưng tôi còn lòng dạ nào để ăn với uống : phần thì đã quá khuya khoắt, phần thì tâm trí đang ngổn ngang, không biết khi đến Bangkok, đi đâu, về đâu, cuộc sống sẽ ra sao,  và giấy tờ xin đi Pháp có đựoc dễ dàng và nhanh chóng không; phần nữa thì bát cháo thịt nấu quá tệ : cháo đi đường cháo, thịt đi đường thịt. Nhưng tôi cũng gắng múc vài muỗng cháo cho hai đứa con ăn cho chúng đỡ đói. Đây là lần đầu tiên tôi đi xe mà không buồn trông giờ đến.

        Tôi lơ đãng ngồi nhìn hành khách trong phòng, hình như họ cũng ăn uống lấy lệ, vì có lẽ họ nghĩ rằng chỉ còn ba bốn tiếng đồng hồ nữa là họ đến Bangkok, họ sẽ trở về với gia đình ấm êm, cha mẹ, vợ con có lẽ còn thức để chờ đợi họ, hoặc có khi đem xe ra vui vẻ đón họ ở ga.

        CHUYẾN DI CƯ VĨ ĐẠI

        Ăn xong, mọi nguời lại lên xe, chiếc xe ca băng giá vì sương đêm rơi xuống ướt đẵm, nổ máy rồi từ từ lăn bánh lên đường. Đã ba giờ sáng nên Korat ngủ im lìm dưới ánh đèn đường, phố vắng bóng xe cộ và im tiếng… Xe  lượn vào phố như để đón thêm khách, hay những khách đã hẹn truớc.

        Xe ca ngừng lại trước một khách sạn trực ngày đêm.Một vài người từ trong khách sạn, tay xách cặp da, vội vàng lên xe. Có lẽ họ cũng là người di cư như chúng tôi và từ Ai Lao qua, vì tôi chớt thấy trong khách sạn có hai chiếc xe hơi : môt chiếc là Volwagen, một chiếc là Mercedes  hai loại xe rất thịnh hành tại Vạn Tượng bấy giờ. Tôi chú ý đến bảng số, thấy VT 3294 và CD 119 tức là bảng số của Vientiane và xe của ngoại giao đoàn. VNCH thất thủ ảnh huởng không riêng gì người Việt mà cả đến bao người ngoại quốc ham chuộng tự do nữa. Có ông chủ tiệm  vải ngoài Chợ Sáng tâm sự với tôi : « Tôi vừa mua biết bao hàng vải từ Bombay qua, nay lỗ vốn biết bao! »

      Thật vậy, việc Sàigòn thất thủ hôm 30.4.1975 đã lôi cuốn làn sóng di cư vĩ đại tại Vạn Tượng. Tôi nhớ rõ là vài ngày sau khi Sàigòn thất thủ, chiều chiều, sau khi đi dạy học về, tôi thừong ghé nhà bà chị tôi ở Thạt Kháo, hai chị  em bắc ghế ngồi trứơc cửa nói chuyện  và nhìn thấy biết bao xe cộ chở đồ đoàn  ngừoi Việt hay Lào xuống Thà Đừa tìm đường qua Thái Lan. Người ta tính bấy giờ mỗi ngày có đến 100 nguời vựơt sông bằng đò qua ngã Thà Đừa. Bấy giờ còn phải qua sông bằng đò hay cà-nô máy. Mãi gần 20 năm sau, mới có cây Cầu Hữu Nghị  (Mittaphap) được  xây cất bắc ngang hai nước Thái- Lào và Khánh  thành vào ngày 8/4/1994, do chính phủ Úc viện trợ.

        Đó là chuyến di cư vĩ đại nhất từ trước tới nay tại Ai Lao nói chung và Vạn Tượng nói riêng, gồm Việt, Lào, Tàu, Ấn. Đồ đoàn đâu mà chở qua sông mỗi ngày lắm thế : nào bàn ghế, bếp ga, tủ lạnh…, và cả  những chiễc xe hơi nữa. Theo người Thái cho biết thì xe hơi của Vạn tượng đưa qua Thái bán giá rất rẻ, nhưng còn hơn để lại Vạn Tượng thì chỉ là « mất không ! » 

        Bỗng có tiếng cô chiêu đãi loan báo trong mỉcô trong xe làm tôi quay về thực tại : « Thưa quí vị. Xe đã đến Bangkok. Bây giờ là 5g30 sáng (23-6-1975). Hãng chúng tôi hy vọng quí vị hài lòng trong chuyến đi này, và hẹn gặp lại quí vị trong những chuyến tới. Xin kính chào quí vị  ‘Khóp chay mạc’ !… »

 Một chặng đừong di cư của tôi tạm chấm dứt, nhường lại cho một chặng đường dài khác, có khi còn cam go hơn. Nhưng le dé est jeté !  

Phan Hữu Lộc

 

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art