Thứ Sáu, 15 Tháng Sáu, 2012

Nhân chứng Jêhôva: những điều cần biết

Mấy lâu nay, báo chí, truyền hình nói đến những tai hại của các Giáo Phái (les Sectes), cũng như tòa án đã phạt những giáo phái đã gây tang tóc cho môn đệ của họ. Vì thế, NHÂN CHỨNG JÊHÔVA (NCJ) đã ra một Tờ Quảng Cáo bỏ vào Hộp Thư các tư nhân để « thanh minh thanh nga » rằng họ không phải là một giáo phái, mà lại là một đạo chính cống... Tờ quảng cáo của họ : « NHÂN CHỨNG JÊHÔVA : Những điều bạn cần biết. » 
            Những điều cần biết, theo họ, là 12 điều thu tóm về Đời Sống, Cách Thức và Vai Trò của Giáo phái trong xã hội. Để khỏi quá dài, tôi chỉ xin trích dẫn 3 Điều để tìm hiểu cùng bạn đọc. Vì thật ra có gia đình công giáo nào, một hôm nào đó, lại không thấy một ông một bà, ăn mặc sạch sẽ, ăn nói rất lịch sự, không ngần ngại gỏ cửa nhà bạn và đem « tin mừng » đến cho bạn : Sắp đến ngày tận thế rồi, chỉ những ai theo Jêhôva mới được cứu thoát, vì cả thế giới chỉ có 144.000 người thôi!... 
            Và để trả lời 3 Điều trích dẫn trong Tờ Quảng cáo nói trên, thiết tưởng không gì hùng hồn và chính xác hơn là dựa vào những tang chứng của những người trước kia đã theo họ và về sau đã gặp tai họa hay chết chóc... Tang chứng này lấy trong tập Sélection số Tháng Décembre 1996 (trang 37-48). 
            Điều 1: NCJ KHÔNG PHẢI LÀ MỘT GIÁO PHÁI, MÀ LÀ MỘT TÔN GIÁO. 
           Đó là một lời họ quả quyết suông, không thấy có những điều chứng minh. Vậy ta hãy tự hỏi: thế nào là một GIÁO PHÁI? Và NCJ có phải là giáo phái không ? 
            Ủy Ban điều tra HạViện 1996 đã định nghĩa: « ...Ngày nay, Giáo Phái là một nhóm người do một hay nhiều « gu-ru » điều khiển, có khả năng bắt ép đồ đệ, biệt lập họ với thế giới, đưa họ sống ngoài vòng xã hội, bằng những phương pháp « hoán não » mà theo nhà tâm phân Jean-Marie Abgrall, được « nuôi dưỡng bởi những kỷ thuật tân tiến nhất về thuyết phục, giao-cảm và có tổ chức...Khai thác trước những lo âu của con người thời nay, các giáo phái làm cho môn đệ có ảo tưởng là họ có thể trở nên người hùng, đầy hiểu biết, tiến đến tình trạng siêu nhân nữa. ». 
            « ... Cựu Bộ trưởng Tư-pháp, Jacques Toubon, trong thông cáo ra ngày 29/2/96 gửi cho các biện lý, đã nói lên một hay nhiều tiêu chuẩn để biết thế nào là một giáo phái. Nhìn quả thì biết cây: 
- gây khủng hoãng tinh-thần 
- đòi tiền bạc thái quá. 
- cắt đứt với môi trường gốc của mình 
- giảng dạy chống xã hội 
- đoàn ngũ hóa trẻ em                
- hay bị kiện tụng ở tòa án ». 
..... 
            Họ cho họ là một tôn giáo được thiết lập trên thế giới, nhưng Uỷ Ban điều tra Hạ viện, do Nghị sĩ Alain Gest làm Trưởng Ban, đã liệt kê NCJ vào số những Giáo Phái thực thụ cũng như 172 Giáo phái khác được liệt kê trong năm 1996 tại nước Pháp. Trong số đó, NCJ có đến 130.000 hội viên, là thành phần lớn hơn cả. Lớn về nhân số, và cả về của cải ! 
            Còn nói về tiêu chuẩn để biết Giáo Phái do cựu Bộ Trưởng Jacques Toubon đưa ra, ta hãy lấy hai tiêu chuẩn: 
            1. gây khủng hoãng tinh thần: 
            Ông Frédéric Marcou hỏi ông Pierre, người đã theo NCJ với vợ con đã nhiều năm: 
            - Làm sao trở nên một NCJ ngoan đạo ? 
            - Trước hết, ông Pierre đáp, phải phục vụ Jêhôva như Người đòi hỏi chúng ta, nghĩa là không được hút thuốc, không được sống vợ chồng mà không cưới hỏi, không được nghe bất cứ loại nhạc nào, coi bất cứ phim nào, phải từ chối việc sang máu, không đi bầu cử, không được mừng lễ Noël, đó là lễ ngoại giáo... 
            Nhưng ông Pierre chưa cho biết thêm là: phải đi giảng đạo từng nhà, tổng kê các giờ đi từng nhà đó với Chủ tịch Hội. Nếu ít giờ đi như thế trong tháng, thì sẽ bị khiển trách, ít đi hội họp sẽ bị khai trừ như trường hợp ông Jacques P. đã bị tòa án nội bộ trục xuất. Trường hợp bị trục xuất như thế, không hội viên nào được giao tiếp, kể cả người nhà nữa, nếu không muốn chính mình cũng bị đuổi như thế. 
            Thì đây những tang chứng khác cho ta biết thêm những điều vừa nói: 
            Bà Rosa da Silva cho biết: « Năm 1983, chồng tôi bỗng nhiên theo NCJ. Trước kia vui vẻ bao nhiêu, nay lầm lì bấy nhiêu. Khi người bố chết, anh không vào nhà thờ khiêng quan tài của cha với anh em mình. Ba lần trong tuần lễ, anh vùi đầu trong Nhà họp NCJ cho tới 10 giờ đêm. Ngày cuối tuần, anh đi giảng đạo từng nhà. Chúng tôi là đạo dòng, thế mà anh lại chống việc đứa con gái đầu lòng Rước lễ trọng thể, rồi còn vất giây chuyền thánh giá bằng vàng vào xọt rác... » 
              2. đòi đóng góp tiền bạc thái quá: 
            Ông Vincent Bonnier thuật lại : « Tôi có hai người con gái nhỏ rất dễ thương, và người vợ rất duyên dáng. Gia đình tôi ở Avignon, nhưng vào năm 1990-91, vợ tôi bỗng dưng theo NCJ. Tôi không nói gì, chỉ xin một điều là bà đừng đem hai đứa con nhỏ theo. Bà ta hứa là không, nhưng rồi về sau bà ta còn muốn tất cả bố con tôi đi lễ ngày Chúa nhật ở NCJ nữa. Tôi không đồng ý; thế là vợ chồng cải vã, gây gỗ. Bà còn tuyên bố là các ngày lễ Noël, Phục sinh và các ngày lễ mừng sinh nhật của con cái đều là tà-đạo, bạn bè của tôi là ở dưới quyền của Satan… Rồi chiều Chúa Nhật, bà đi giảng đạo từng nhà. Đến tháng Hai 1992, tôi nhận thấy bà chuyển ngân quỹ gia đình qua một ngân quỹ khác. Rồi trước ngày hai vợ chồng ra Nhà băng để nói chuyện tiền bạc đó, bà ta bỏ nhà trốn đi, đem theo hai đứa con nhỏ và để lại mấy chữ trong đó có địa chỉ luật sư của bà ta... » 
            Dẫu vậy, khi ta nói đến tiền bạc, NCJ cho rằng họ không bắt ép ai, đó chỉ là của dâng cúng. Nhưng kỳ thực, việc đóng góp tiền bạc tổ chức quy-mô: dâng cúng nữ trang, vàng bạc, nhà cửa, ngân quỹ gia đình như nói ở trên... Chưa kể mỗi người đi giảng đạo trước mỗi nhà đều mang theo Nội san Tháp Canh để biếu (nhưng ông bà có thể trả tiền, nếu muốn) như trường hợp cô Jeannine, vợ của ông Mario đã bỏ học lớp anh-văn để đi giữ điện thoại nửa buổi để nửa buổi đi bán báo cho NCJ. Mỗi cuốn chỉ năm ba đồng, nhưng in đến 14 triệu cuốn trên thế giới, nên đã thu vào đến 60 triệu mỗi năm. Chưa kể chính người cầm đi bán, trước khi đi, đã phải bỏ tiền túi ra mua một số... Rồi lúc đi bán về, lại bỏ tiền bán được vào ống. Còn tờ Hãy Thức Dậy in 12 triệu cuốn mỗi tháng, cũng thu vào được 50 triệu đồng. Ở Pháp, nguồn tài chánh của họ lên đến 345 triệu francs. Hơn 300 môn đệ làm việc không công cho nhà in của họ ở Louviers (Eure). Mỗi tháng chỉ được 600 francs. Hội không khai báo với Sécurité Sociale, không đóng tiền Hưu... 
            Bị nhà báo chất vấn về điều đó, họ trả lời: « Những môn đệ làm việc đó không vì lợi, mà chỉ vì tận tâm phục vụ. Không ai trong chúng tôi lợi dụng tôn giáo để làm giàu ». 
             Nhà báo lại đặt vấn đề, và họ đã đáp lại: 
            - Rồi khi những người đó đau ốm, không có bảo hiểm xã hội thì sao? 
            - Thì Hội hoàn toàn bảo đảm tiền thuốc men. 
Như thế là hoàn toàn tùy thuộc vào Hội! Không ai làm giàu vì lợi dụng tôn giáo, nhưng đất đai ruộng vườn của họ lên đến 103 mẫu tây, trị giá 13 triệu francs. 
            Điều thứ 9: NCJ RẤT TÔN TRỌNG ĐỊNH CHẾ GIA ĐÌNH. 
            Họ còn thêm: « NCJ dạy vợ chồng phải biết trung tín, dạy dỗ con cái với tình yêu thương. Vợ chồng không vì khác tôn giáo mà bỏ nhau. Bằng chứng là có 15.000 cặp vợ chồng ở Pháp mà một trong hai theo NCJ, vẫn sống êm đẹp... » Nhưng trong thực tế ta thấy gì? Những gia đình trước kia đã theo NCJ cho ta thấy thảm trạng gia đình họ sau khi một trong hai đã theo NCJ. 
            Ông Vincent Bonnier kể ở trên, cho biết: « Sau khi vợ tôi bỏ nhà ra đi, lại đòi ly thân, rồi đem con cái đi; thì hôm sau cảnh sát đến nhà tôi nói là vợ tôi ra bót kiện là tôi đánh đập bà ta. Vợ tôi còn tố cáo là tôi đã mò mẫm đứa con gái còn nhỏ tuổi. Làm sao vợ tôi lại có những lời dối trá thấp hèn đến thế! » 
            Còn bà Rosa da Silva thì cũng cho biết thêm. Bà nói « Tôi đi kiện chồng tôi dụ dỗ con cái còn vị thành niên đi theo NCJ. Tòa cấm chồng tôi không được đưa chúng đi NCJ. Nhưng anh ta vẫn làm. Rồi đến tháng Năm 1989, chồng tôi xin ly thân (in hệt trường hợp ông Vincent Bonnier, cũng một khuôn). 
             Đầu tháng Giêng năm sau, tòa cho tôi được quyền giữ hai đứa nhỏ, và bắt chồng tôi phải rời mái gia đình. Đến tháng Năm 1991, trong khi tòa sắp tuyên bố cho ly dị, thì anh ta trở về, xin được sống chung lại. Tôi ra một điều kiện là anh ta không được đề cập đến chuyện NCJ ở trong nhà.Anh ta bằng lòng. Nhưng rồi anh ta bị đau phổi đến nỗi phải mổ để ghép tủy mới sống đươc.Nhưng anh ta từ chối không chịu sang máu vì NCJ bắt buộc. Tôi van nài mãi cũng không được. Anh ta đưa giấy từ chối việc sang máu trước khi được đưa vào Nhà thương. Và ngày đêm đều có hai NCJ canh bên giường chồng tôi ở bệnh viện.Họ không lấy gì làm ngượng nghịu làm tôi không thể chịu được. 
            Nhưng rồi một hôm, NCJ cho biết là họ tìm được ở Paris một bác sĩ mổ xẻ mà không cần phải sang máu và họ đòi đem chồng tôi lên ngay Paris. Tôi không tin được, nhưng cũng hy vọng vào « phép lạ » vì chồng tôi quá yếu sức. 
            Rồi ngày hôm sau, tôi điện thoại đến Nhà thương hỏi xem khi nào Xe Hồng thập tự chở chồng tôi lên Paris, thì được tin là anh ta ...đã chết rồi ! Khi đưa đám, có đến hàng trăm người của họ đi đưa. Tôi không muốn nhận môt lời chia buồn nào của họ, thế mà cũng có người tìm cách đến gần tôi và nói: « Chồng bà chết lương tâm bằng an. Ông chết làm đẹp lòng cho Giêhôva! ». 
            Và bà ta kết luận: « Nếu vào một dịp khác, thì tôi tát cho ông ta một cái rồi! ». 
            Điều 11: TẠI SAO NCJ Đi GÕ CƯẢ TỪNG NHÀ ? 
Họ tự trả lời:« Để tuân theo lệnh Chúa Giêsu. Họ tin Nước Trời và đi loan báo ». Rồi họ trích lời thánh Mátthêu 28,19 để dẫn chứng. Nhưng thực ra thánh Mátthêu nói gì trong đoạn đó. Thánh sử viết: « Chúa Giêsu nói : Các con hãy đi khắp dân tộc, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Các con hãy dạy họ giữ tất cả các điều Ta giảng dạy ». 
            Như thế, Chúa Giêsu đâu có nói phải đi từng nhà, bỏ giờ làm việc để đi giảng dạy, rồi về lại phải trình lên cấp trên kiểm tra, cọng sổ xem được ít nhiều ! Vì thực ra đã có nhiều môn đệ NCJ đã thay việc làm cho có thì giờ rảnh đi giảng đạo từng nhà. Nếu không hội đủ giờ phải có , họ sẽ bị khiển trách và đi tới chỗ bị khai trừ như tang chứng sau đây: 
            Bà Monique Guillian thuật lại : « Laurent con tôi, một hôm kia bị môt người bạn dẫn vào NCJ. Rồi sau đó, nó đi giảng đạo từng nhà. Thấy lạ, tôi hỏi nó thì nó trả lời : Đó là nghề cao đẹp nhất thế giới. 
            Đến tháng Bảy 1991, nó cho tôi biết là nó sẽ bỏ nghề mộc để đi kiếm việc khác, ít bận rộn hơn, vì NCJ nói là nghề mộc chiếm nhiều thì giờ quá. Nó đưa cho tôi xem một cái bàn nhỏ nó làm lén không cho NCJ biết, vì họ cho đó là những giờ vô ích. Một người NCJ ngoan đạo, theo họ, là người phải học hỏi Kinh Thánh mỗi ngày, một tuần đi họp ba lần, và ngày Chúa Nhật đi từng nhà giảng đạo. Con tôi nói là nó bị bắt ép dữ quá... 
            Nhưng rồi nó kiếm được môt việc khác thật, nhưng lại thuê nhà ở gần trụ sở NCJ. Dẫu vậy nó vẫn còn liên lạc với chúng tôi. Nhưng rồi ngày đêm nó lại vùi đầu trong sách NCJ, và bị họ thúc giục phải rời bỏ liên lạc với gia đình. Một thời gian trước Noël, nó điện thoại về trong sở bố nó và nói : Ba ơi, con thương ba lắm, bất chấp những gì sẽ xảy ra. ». 
            Sự xảy ra đó là ngày 10/1/1992, anh Laurent bất ngờ trở về nhà và cho người em biết là anh bị NCJ trục xuất. Rồi vào lúc 2g30 chiều, anh ta tự sát ở một cánh rừng nhỏ. Về sau cha mẹ anh ta đi kiện cho rằng anh ta là « nạn nhân bị khủng hoãng tinh thần vì NCJ »; nhưng Tòa lại cho đó không có bằng cớ gì rõ rệt!!!. 
Thiết tưởng những tang chứng trích dẫn trên kia cũng đủ hùng-hồn nói lên NCJ quả đã gieo biết bao đau thương cho cá nhân, cho gia đình và cho xã hội. Học hỏi thấu đáo về giáo phái đó quả là một điều cần thiết để tránh những lầm lẫn của những người đã đi trước vào con đường mà họ không ngờ. Những đau thương họ nói lên với nước mắt cũng không ngoài việc muốn gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh... cho những ai còn sống trong huyền ảo! 
  
              CON NHỆN CHĂNG TƠ 
« Buồn trông con nhện chăng tơ 
Nhện ơi, nhện hỡi nhện chờ mối ai? » 
(Q.V.G.K.T) 
             Giữa hai nhánh cây, hai ngọn cỏ, con nhện tinh-quái đã giăng những sợi tơ mành óng-ả, hầu như vô hình, nhưng chắc chắn ...để rình bắt con mồi vô tình sa lọt lưới. Và mồi càng dẫy dụa để hòng thoát thân, lại càng vướng mắc thêm, càng bị siết-chặt cho đến khi con nhện-chủ-nhân-ông bò ra chích nọc độc, hút máu, kết-liễu cuộc đời kẻ sa cơ. 
            Hình ảnh u buồn đó gợi cho tôi đến vấn-đề GIÁO PHÁI nói chung, (Témoins de Jéhovah, Scientologie, Mandarom, Moon, Krishna, Instinctothérapie...) và những kẻ bị sa cơ nam phụ lão ấu vô tình, ngay thật bị vướng vào các « màng lưới » giăng một cách tinh vi. Họ bị mắc, giữ và khai thác một cách khoa học và tinh vi ! Những nạn nhân đó, có muốn « vẫy vùng » để thoát khỏi áp lực ghê gớm của họ, cũng không thể được. Mà nếu có thoát được đi nữa có mấy người, thì cũng đã trầy da tróc vảy, có khi còn phải bỏ mạng nữa. 
            Nhưng ta tự hỏi: TẠI SAO NGƯỜI TA LẠI THEO GIÁO PHÁI ? GIÁO PHÁI LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHIÊU MỘ, BẮT GIỮ VÀ KHAI THÁC ĐỒ ĐỆ ? 
             Thiết tưởng không gì hơn là dựa vào tang chứng của những người trước kia đã trót theo họ, để tìm hiểu và nhận định.
  
            I. TẠI SAO NGƯỜI TA THEO GIÁO-PHÁI ? 
            Người ta theo giáo phái có lẽ vì lầm lỡ, hơn là thực tình xin theo như người ta hăng hái ghi tên gia nhập một Hội đoàn... Người ta đã vô tình rơi vào màng lưới của giáo phái, gặp tổ chức của họ một cách rất bất ngờ, dưới trăm hình thức khác nhau. Có khi chính mình cũng không biết. Các giáo phái đã khôn khéo ẩn nấp dưới hai danh-từ rất kêu và dị nghĩa : tôn giáo và y khoa. Một người bạn giới thiệu, người vợ hay chồng dẫn đi, vì tò mò hay vì quá tự tin ở mình, ở đức tin của mình, có khi vì đau ốm chạy đến tìm « thuốc tiên » chữa bệnh,theo lời rêu rao của họ (sctintothérapie). Có khi trả lời một tờ quảng cáo xem ra vô tội dán nơi tường của gian phòng mình đến giải trí, tập thể dục..., hay đăng trong tờ báo, hoặc bỏ vào hộp thư tại tư gia... Nói tóm, không có một hình thức nào rõ rệt, chính xác làm kiểu mẫu để ta chuẩn bị hay đề phòng trước. 
            Bà X. cho biết: « Bước đầu tôi đến với NHÂN CHỨNG JÊHÔVA (NCJ), là một hôm kia, tự nhiên tôi đẩy cửa bước vào một căn nhà có máy camêra kiểm soát, nằm trên lầu của một siêu-thị ở công-trường Stalingrad tại Paris... Bầu khí êm-ả và dễ chịu ở nơi đó tương-phản một cách kỳ lạ với quang cảnh náo nhiệt và bẩn thỉu của bên ngoài mà tôi vưà từ giã. (Sélection ,Décembre 1996, trang 38) 
            Một buổi chiều trời nắng đẹp trên con đường Grande Rue ở Lille, cô Sylvie, đi bách bộ, ngắm nhìn các cửa tiệm. Một chàng trai, ăn mặc đơn sơ, tóc húi ngắn, thắt cà vạt, nụ cười hơi ngượng nơi mép, tiến đến chào hỏi cô ta. Chàng ăn nói có duyên và đề cập đến trăm thứ chuyện như có sẵn câu trả lời cho những thắc mắc mà ta không biết hỏi ai. Cuối cùng anh ta cho biết mình là kẻ đi truyền đạo. Sylvie, vốn là người công giáo sốt sắng, nên đã chấp nhận đến dự một buổi nói chuyện về « Những giới răn của Chúa ». Sau đó, cô ta lấy một ngày week-end để đi theo nhóm họ. Rồi sau nữa, cô ta quyết định theo một khóa tu-nghiệp một tuần lễ, rồi đến khóa thứ hai dài đến ba tuần lễ. 
            Về sau, cô ta dần dần thay đổi thói quen ngày xưa, và trở nên kém dễ chịu, ít có giờ rảnh và tâm trí để đâu đâu. Bà dì lo ngại,vấn hỏi, thì cô ta trả lời: « Cháu quyết định đi theo một đạo liên kết mọi người có đạo ». Cuối cùng, cô ta cắt đứt liên lạc với bà con và vào ở trong cộng đoàn của nhóm giáo phái Moon đó. » (Dans le Sectret des Sectes, Jacques Cotta, trang 47) 
            Jacques Cotta và Pascal Martin, hai phóng viên Antenne 2, sau nhiều tháng điều tra về các giáo phái để đưa lên mục Envoyé spécial, đã nhận định: « Không có ai là không thể bị lọt lưới. Chỉ một vài phút thôi, giáo phái đã có thể gài bẫy bất kỳ người nào. Một số đông người theo họ đâu phải là những người mộ đạo, hoặc những người ngớ ngẩn, những kẻ sống ngoài lề xã hội. Mà còn có cả đến những giáo sư, bác sĩ, công-chức, kẻ thất nghiệp và những chủ hãng nữa. » (Dans le Secret des Sectes, trg10). 
            Ta còn có thể trưng dẫn trăm ngàn trường hợp tương tợ khác nữa. 
            
11/ GIÁO PHÁI LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHIÊU-MỘ, BẮT GIỮ VÀ KHAI THÁC ĐỒ ĐỆ ? 
            Phương pháp họ dùng thì rất nhiều, khác nhau, tùy mỗi giáo phái và tùy hạng người đến với họ. Nhưng ta có thể nói đến một vài kiểu cách điển hình sau đây: 
              
               A) CHIÊU MỘ 

            a/ Đòn tâm-lý: Đón tiếp rất nồng hậu. Một nụ cười, một cử chỉ ưu-ái. Một chàng trai trẻ tuổi niềm nở chào hỏi làm cho các bà, các cô thấy mình tăng thêm giá trị, như trường hợp cô Sylvie vừa nói. Nhất là những người đàn bà tìm đến với giáo phái thường là những người thiếu tình người, trong gia đạo có thiếu một điều gì như chồng hay đi làm xa, vắng nhà..., chẳng hạn như trường hợp vợ ông Vincent Bonnier. Bấy giờ ông làm đại diện thương mãi cho một xưởng bán đồ điện, nên ông hay vắng nhà. Một cô trước kia theo giáo phái đã nhận định: « tôi thấy tôi có giá trị hẳn lên lúc được đón tiếp như thế ». 
            Thời đại ngày nay, mặc ai nấy sống, không ai còn biết đến người bên cạnh. Cuộc sống vội vã, phương tiện di chuyển khó khăn, xa xôi, ai cũng giữ im lặng lo đi cho chóng và về nhà cho mau. Không còn giờ để nói với người bên cạnh. Trong gia đình, mỗi người mỗi công việc, có khi đi làm giờ giấc khác nhau, nên cũng ít gặp nhau, ít trò chuyện cùng con cái... Tivi lọt vào gia đình cũng là một yếu tố cho vợ chồng con cái bớt dip trò chuyện với nhau. Vì thế, khi bước vào Giáo phái, việc đầu tiên là thấy bầu khí khác hẳn: được chào mời, tiếp đón xem ra chân thành và đầy kính trọng. Thế là bạn cảm thấy mình trở nên một con ngừơi quan trọng trước mắt kẻ đón tiếp, ăn mặc bảnh bao, với cử chỉ hào hoa phong nhã. Điều nầy, nữ giới rất ưa thích, và cũng là nhược-điểm của các cô, các bà. Người đàn bà nào cũng muốn có một người chồng « ga-lăng », nhưng có mấy đức lang quân được mãi như thế! 
            Khi bước vào bên trong NCJ, bà X. cho biết: « người ta bắt tay tôi. Tôi có cảm tưởng người ta lầm tôi với một người khác! Một người trẻ tuổi mạnh dạn tiến về phía tôi. Tôi biết đó là một người có trách nhiệm trong Hội. Anh ta dẫn tôi vào những hàng ghế bọc đệm và hướng về một cái bàn để trên bục. Rồi anh ta ngồi xuống ghế bên cạnh tôi. Xung quanh tôi, nhiều người Antillais, Africains, những người thuộc hạng bình dân, ăn mặc hẳn hoi và váy đầm dài. » ( id,trang 38) 
            Đón tiếp nồng hậu, đặt bạn vào một gian phòng lộng lẫy sang trọng, uy nghiêm, gian phòng đầy ngập những môn đệ khác, ăn mặc bảnh bao, trang nghiêm... thì làm sao bạn có thể nghi ngờ lòng chân thành của những người đó. Khi nghe lời giảng dạy của cán bộ trên bục cao, bạn không thể ngờ được là họ sẽ vơ vét tiền bạc của bạn. Lời lẽ của họ xem ra cũng chỉ nhắm một mục đích đem hạnh phúc đến cho bạn ! Bạn sẽ được cứu thoát khỏi trầm luân, nhờ sự che chở , không phải của Phật Bà hay Đức Mẹ, mà của Jêhôva, là Gu-ru Nhật, Corée, hay An độ... Nhà cửa sang trọng kia, chưng bày tốn kém thế, mà họ không có tiền hay sao? Nếu mình có phải đóng góp thì chẳng qua mình đóng phần phí tổn cho những giờ học tập của mình, cho mình thăng tiến hay để mua sách báo... « Có người có ta », ta thường hay nói thế. Không lẽ những người ngồi ngay ngắn trong rạp lại là những con mồi thiêu thân cả sao? Thế là bạn đã bị chinh phục rồi đó. 
            Có khi họ đón tiếp bạn (!) bằng một cuộc Trắc nghiệm miễn phí do Giáo phái quảng cáo, chiêu mời. Hoặc bạn điền tại chỗ, hoặc bạn làm tại nhà rồi đem tới. Trắc nghiệm miễn phí để biết con người mình, bản ngã mình, biết chỗ mạnh chỗ yếu của mình, ai lại không muốn. Một loại lấy « Tử vi » mà nhiều người rất ưa thích. Vả lại làm miễn phí thì có mất mát gì đâu? 
            Nhưng rồi bạn thấy có những câu hỏi bạn ngần ngừ không muốn trả lời, vì đụng chạm quá sâu vào con người của bạn, vào lương tâm của bạn, vào đời tư của bạn... Thì bạn sẽ được nghe nói tương-tự : « Phải trả lời tất cả mọi câu hỏi, nếu không việc trắc nghiệm không đầy đủ. ». Thế là bạn cũng « nhắm mắt » viết ra! Vô tình, bạn đã để lại nơi Giáo phái đó một tờ lý lịch đầy đủ hơn cả ở Cảnh sát cuộc. Đó là bằng cớ về sau họ sẽ đem ra « khai thác », nếu bạn muốn bỏ họ... Thì ta hãy đọc qua một số câu hỏi trắc nghiệm của Giáo phái LA SCIENTOLOGIE gọi là Formulaire de Johannesburg, được tu bổ lại vào năm 1980 thì đủ rõ: 
             ...5. Có bao giờ bạn bắt chước chữ ký của ai không? 
             9. Có bao giờ bạn bị tù không? 
            10. Có lần nào bạn đã say khướt không? 
            12. Bạn có lần nào « ăn trộm » không? 
            16. Có lần nào bạn làm chứng gian ở tòa án không? 
            17. Có lần nào bạn dính líu với các phim khiêu dâm? 
            19. Bạn có lần nào hút cần sa không? 
            21. Bạn có lần nào dính líu với các hàng hóa ăn cắp không? 
            23. Bạn có lần nào hiếp dâm ai không? 
            24. Bạn có lần nào dính dấp vào việc phá thai không? 
            26. Bạn có lần nào ngoại tình không?. 
(Le Grand Décervelage, BERNARD FILLAIRE, trang 38). 
            Ông Didier Lerouge, trót theo giáo phái La Scientologie, thú nhận: « Tôi đã khai hết với họ về đời tôi, nên thật khó mà sống, khó nhất. Những lời bạn khai một cách chân thành đó, họ sẽ dùng để quay lại trừng phạt bạn. Bạn đã bộc lộ hết, kể cả những ảo tưởng của bạn, và chỉ có Trời biết là nó bậy bạ thế nào. Rồi sau đó, Giáo phái sẽ dùng để hại bạn » (Le Grand décervelage, trg 39). 
            Cho dù bạn không khai hết những cảm nghĩ và đời sống của bạn qua Bản trắc nghiệm lần đầu tiên đó thì về sau, bạn cũng tìm mọi cách để khai hết những tư tưởng thầm kín và hành động đã qua của bạn ở những lần trắc nghiệm về sau. Vì Giáo phái sẽ dùng hết mọi cách để lột trần hết cuộc đời của bạn. Chưa kể là qua mỗi khóa trắc nghiệm, bạn sẽ phải trả một số tiền rất cao để tự thú lỗi của đời mình! 
            Didier Lerouge đã thú nhận: « (...) ông ta (cán bộ La Scientologie) tiếp tục nói về đời sống của tôi, cho biết đây là lúc phải bắt đầu làm một việc gì, sau khi đã phóng đại về hoàn cảnh đáng thương của tôi lúc ấy. Tôi cảm thấy mình đã bị kẹp giữa hai gọng kìm, nên tôi lại khóc tiếp cho đến khi ông ta đưa cho tôi một tờ biên lai có tên tuổi tôi để gọi là giải quyết tình trạng rối loạn tình cảm của tôi. Tôi sẽ qua một khóa học trị giá 5000 francs. Tôi chỉ cần ký lên những hàng chấm nhỏ họ ghi sẵn. Tôi lấy chéquier ra ký số tiền 5000 francs để ngay tối ấy, lúc 9giờ25, theo một khóa học để giúp tôi, một lần dứt khoát, được hạnh phúc... ». Đó là bước đầu cho sự bại sản, và bại tâm thần! 
            Trong khi những kẻ đến với giáo phái thì một phần chân thật, một phần thiếu kinh nghiệm, thì những cán bộ của Giáo phái lại là những người đã được huấn luyện đầy đủ về đường lối hoạt động có khoa học của Giáo phái, như Bernard Fillaire cho biết: 
            « Dĩ nhiên, bạn không biết họ là một người bán hàng tài tình, đã theo những khóa học-tập dữ dội để bán những công việc của Giáo phái (đây là La Scientologie), một người chuyên viên về tiếp-tân và thông cảm hoàn cảnh của bạn. Anh ta đã đọc một cách kỹ lưỡng luật lệ của nhà lãnh tụ giáo phái về nghệ thuật truyền bá. Làm sao để « tiếp đón » một người, làm sao để « điều khiển » anh ta, nghĩa là kiểm soát đươc những sự công kích, tất cả những sự đối nghịch với mình hay với Giáo phái; làm sao « giúp đỡ » họ, nghĩa là khám phá ra những sự « đỗ vỡ » của nó (điều làm cuộc đời nó tiêu tan). Sau hết, làm cho nó hiểu là La Scientologie có thể hàn gắn những đỗ vỡ của nó, nghĩa là có thể giúp đỡ nó (Le Grand Décervelage; Bernard Fillaire, trang 16). 
            c/ Dàn cảnh bí hiểm: Khi anh François tiến vào salông của ông Jean-Paul Appel, người sáng lập giáo phái IzoZen, do cô bạn Christine rủ anh ta đi, anh ta thấy trước tiên là một cái bàn tròn trên đó có một cái mái vòm (un dôme) bằng kiếng phản chiếu những ánh sáng trắng một cách huyền ảo. Xung quanh đó, các đồ đệ ăn mặc đủ màu, trắng, xanh, vàng. Đàn ông thì râu đánh kết lại như chủ, đàn bà thì mặt tái nhạt và có vẻ khép nép. Tất cả đều đeo một miếng thủy tinh nhỏ màu lam được chủ ghi mật hiệu để trừ những sự chấn động ...Tất cả đều chìm trong bầu khí nhẹ nhàng, với mùi hương nhang... 
            Anh François cảm thấy mình nặng nề, thô lỗ, xa lạ với những gì mình thấy trước mắt. Nhưng không phải vì vậy mà anh ta muốn bỏ đi ra. Anh ta lại muốn tìm hiểu, muốn chia xẻ những bí mật của những người đang đứng vây quanh anh ta. Hai người đàn ông tiến đến. Một trong hai mặc một bộ áo quần dính liền như phi công, màu vàng óng ánh. Còn mặt mày hai ngừơi thì trát phấn, râu đánh kết lại: những con người ái -nam ái -nữ như từ một hành-tinh xa lạ mà đến. Họ nở nụ cười chào đón anh ta, và nói bằng một giọng rất nhẹ và đều đều. Họ tội nghiệp cho anh ta: « Thương cho anh phát ra những chấn động xấu xa. Anh đầy những lớp dày đặc dưới sâu, anh nặng nề quá. Trong lòng bẩn quá. Và nếu anh nghĩ tơí việc tẩy uế các điều đó ? 
            ... Hết trò rồi đến thầy. Môn đệ có đến 60, 80 vây quanh Jean-Paul Appel. Một cộng tác viên của Appel điều khiển buổi nguyện gẫm. Phải thở rất nhanh và mắt nhắm tia sáng ở giữa. Christine nhập vào nhóm. François cũng chột dạ tiến đến gần cô bạn gái. François cảm thấy bực bội nhưng lại bị mê- hoặc. Vả lại, lúc đó thì anh ta đâu có mất gì mà không thử làm theo, và nguyện gẫm một chút thì đâu có thiệt hại gì cho ai . 
            Rồi sau đó, Appel tiến đến anh ta, lấy tay sờ François và bảo anh ta đứng lên. François bấy giờ cũng không biết mình ở đâu nữa. Nhưng rồi, François cũng định hồn được và quay lại nói với Jean-Paul Appel: « Tôi rất tiếc, tôi phải đi gấp cho kịp Métro ». Nói xong, anh ta bỏ chạy. Nhưng một tháng sau, anh ta trở lại và rơi vào « mành tơ » của Jean-Paul Appel. Anh ta sẽ qua một cuộc thí nghiệm dứt khoát cho đời anh ta : anh ta trở nên đồ đệ của phái Izo-Zen... » ( Dans le Secret des Sectes, trang 16). 
            Trường hợp sau đây, có lẽ còn bi đát hơn. Bác sĩ D. đã kéo cả vợ (cũng là bác sĩ như mình) và con theo giáo phái La Scientologie. Ông thuật lai rất dài dòng như một lời hối hận khôn nguôi: 
            « Thực sự tôi đã bị tẩy nảo một cách có phương pháp, và nói được, một cách khoa-học. Và điều tệ nhất, là tôi lại đồng ý. Tôi không thể gợi lại kinh-nghiệm đó mà không cảm thấy một sự nhờm tởm ghê gớm. Việc tôi phải viết lên giấy để xét mình làm cho tôi chưa bao giờ cảm thấy là tâm lý con ngừơi bị xâm phạm một cách sâu xa đến thế, mà tôi đã phải chịu. Tôi đã phải tự hỏi và còn tự hỏi mãi nữa, là làm sao một người sống hội nhập với xã hội như tôi, bảo vệ sự tự do lương tâm, đọc rất nhiều sách, đầy tính tốt tính xấu, hoàn toàn nhàm chán tất cả mọi hình thức độc tài, lại rớt sâu xuống hố như thế... » (Dans le Secret des Sectes, trang 17). 
            
              B/ BẮT GIỮ 

            *) Làm cho đồ đệ kiệt sức về thể lý: Giáo phái làm cho những theo họ phải kiệt sức, bằng cách để cho thiếu ăn, thiếu ngủ. 
            Một con người khỏe mạnh, dồi dào sức khỏe thì khó mà bắt ép họ làm những việc theo ý muốn của mình, nếu họ không chịu. Nhưng một khi bạn bị giam đói, bị bớt phần ăn, bụng luôn đói cào, thì tinh thần bớt minh mẫn, trí óc không lo nghĩ gì hơn là kiếm miếng ăn, nước uống. Ai nói gì cũng nghe, ai bảo làm gì cũng làm, miễn là có miếng ăn, được bát nước uống cho đỡ đói, đỡ khát... 
            Đây không phải là phương-cách để thống trị riêng biệt của giáo phái, mà các nhà độc tài chính trị đối xử với các kẻ đối lập của mình bị giam giữ trong các trại tù, tại tập trung đều áp dụng chính sách này. Cho họ những khẩu phẩn vừa để cho khỏi chết đói! 
            Thiếu ăn, thiếu ngủ, đồ đệ không còn đủ sức chống chọi trước những áp bức, thủ đoạn phương pháp tẩy não của các gu-ru. Nhiều đồ đệ nói là mệt đến nỗi không đủ sức đọc và hiểu nổi một trang báo. 
            Đối với La Scientologie thì đồ đệ nhịn ăn uống, qua những phương pháp tẩy rửa thân xác bằng cách vào phòng tắm hơi mỗi ngày năm lần làm cho ngưới đó kiệt sức, mất dần khả năng phản ứng và suy nghĩ. 
            Ta hãy tạm lấy trường hợp các trẻ em của giáo phái Krishna tại Château ở Oublaisse, gần tỉnh Blois. Một trường học không thuộc quyền Bộ giáo dục kiểm soát về khoa sư phạm. Trẻ em thì ở trong những ba-rắc bằng gỗ: hè thì nóng, đông thì lạnh lẽo! Phòng ngủ thì 10 đứa một phòng, ngủ trên giường đôi bằng sắt. Tên tuổi thì được đổi ra tên Ấn độ như Ravi, Chaki... Đầu thì cạo trọc, để chỏm sau gáy, ăn mặc theo kiểu Ấn độ. Con gái hai ba tuổi đã được đánh son trát phấn như một người đàn bà. Phần đông đã bị tách rời với cha mẹ, và tách khỏi xã hội bên ngoài. Chúng phải theo một kỷ luật sắt và luôn sợ hình phạt rất nặng nề... 
            *) kiệt sức tinh thần: 
            - Bị nhồi sọ. Nhồi sọ theo lý thuyết của giáo phái, theo từng gu-ru. Không có nơi nào giống nơi nào, nhưng tựu trung cũng là theo chương trình tư tưởng của gu ru, bày vẽ ra. Mà càng lạ lùng, điên đảo, ngược đời lại càng dễ lôi cuốn đồ đệ, vì nếu giống như ngoài đời thì vào giáo phái mà làm gì. Vả lại, đâu đâu cũng cho là trong giáo phái mới là thiên đàng, mới là nơi được cứu rỗi, là tốt, ngoài địa hạt của giáo phái mình đang sống là xấu, là satăng, là « chấn động » tai hại, là hư mất... Cho nên các bà mẹ phải đem con vào chịu giáo huấn theo giáo phái để mẹ cứu được con, bà vợ phải có nhiệm vụ kéo chồng vào giáo phái. Nếu không nói được, khuyên được, thì chuyển tiền gia đình vào quỹ giáo phái, rồi bịa đặt những chuyện tầy trời, gán tội cho chồng để đòi ly dị... Nếu phải ra tòa, giáo phái sẽ cho người ra bênh vực, bỏ tiền thuê thầy kiện cho. NCJ cố tình kéo dài các vụ kiện để kẻ thưa kiện thiếu hụt tiền bạc hay không đủ thời gian đeo đuổi. Sống tách biệt với thế giới bên ngoài, sống hoàn toàn chìm đắm trong nhãn quan của gu-ru, của giáo phái, của luật lệ. Mà luật lệ rất khắt khe, tổ chức như ở quân đội, có cấp bậc để kiểm soát, gò ép làm cho đồ đệ không dám đi ngoài lề lối chung. 
            Tách rời gia đình là một điều kiện căn bản đối với giáo phái, vì cô lập hoàn toàn đồ đệ với thế giới bên ngoài, để người đó chỉ còn thuộc về giáo phái. Giáo phái mới là gia đình thực sự, gu ru là cha là mẹ đồ đệ, nên có giáo phái đổi tên đồ đệ ra một tên khác, như Krishna vừa thấy, đến nỗi sau này ta muốn gặp anh Daniel, ông Louis, bà Catherine, cô Agnès chẳng hạn thì họ cho biết là họ không có những ngươi tên như thế. Một thứ tên mới như lúc vào lính lê-dương hay khi vào viện tu. Đã thuộc về gia đình gu-ru, nên những đồ đệ rất sợ bị khai trừ ra khỏi giáo phái, một sự lỗi lầm gì theo luật của họ như còn liên lạc với gia đình, không làm đủ giờ đi giảng đạo từng nhà, không làm việc đem tiền về cho đầy đủ..., thì đồ đệ bị khai trừ đó không được tiếp xúc với anh em trong giáo phái, kể cả vợ hay chồng cùng giáo phái. Bị cô lập hoàn toàn. Lúc đó, anh ta, cô ta, bà ta đi về đâu ? Gia đình đã ly tán, từ chối , bỏ hết rồi, tiền không có, cảnh sát cũng không thưa gửi gì được, lý lịch đã khai hết nơi giáo phái từ đầu, họ nắm hết những lời khai chân thành dại dột rồi, sẽ dùng đó để bắt ép mình... Chỉ còn một cách: đái công chuộc tội, hay trốn thoát ra khỏi giaó phái để rồi về kiện thưa, hoặc ...tự sát, tự tử như trường hợp nhiều người đã xảy ra. 
            Hội khai trừ dưới danh nghĩa rất kêu : « làm mất tiếng tốt cho cả một cộng đoàn », hoặc « một con sâu làm rầu nồi canh ». Còn ai dám liên lạc bênh vực người đó. Có khi dùng thủ đoạn quay vidéo lúc kẻ đó bị trừng phạt, để rồi sau khi trở về bình thường, cho kẻ đó xem lại lúc mình phạm lỗi. 
            Vì thế, ta thấy một khi người nào lọt vào giáo phái thì cha mẹ rất khó lòng đến gặp được, rất khó lòng liên lạc, ngay cả đến chính quyền cũng không làm gì hơn, vì tất cả ẩn nấp dươi danh từ: « trưởng thành » , muốn làm gì thì cha mẹ không được ngăn cản.! 
            Cắt đứt với gia đình, lại còn cắt đứt với nhưng tập tục của xã hội nữa. người theo giáo phái như giáo phái NCJ chẳng hạn thì từ chối việc sang máu, không tổ chức những lễ mừng Sinh nhật, Noel... cho đó là những lễ của ngoại giáo. Ông Vincent Bonnier cho biết, khi đi ngang qua một nghĩa trang công giáo, người con gái nhỏ tuổi của ông ta, vì bị giáo phái đầu độc, đã kêu lên: « Đó là những cây thánh giá của tà-đạo ». 
            Nếu đến tuổi động viên, đồ đệ của NCJ chống việc tòng quân, không chịu cầm súng. Nếu có phải vào tù, họ sẵn sàng và còn vui sướng được ở gần nhau, vì họ yêu cầu được giam chung. 
Có nơi thì khi làm việc lại phải giữ yên lặng gọi là để chăm chú vào công việc, nhưng kỳ thực để tránh sự trao đổi ý kiến mà bày vẽ tư tưởng trốn thoát, để khỏi suy nghĩ đến đời sống bị giam cầm của mình. Vì thế, họ phải hoạt động tập thể, múa hát liên miên, nếu không thì miệng phải lẩm bẩm kinh kệ. Giờ giấc thì đã được ấn định rõ. Không báo chí, không ai được đến thăm. 
Luật lệ trong giáo phái rất khắt khe, tổ chức như trong quân đội có cấp bậc trên dưới. Cấp dưới phải gắng lên cấp trên và tiến dần lến đến cấp cao nhất là Gu ru. Kỷ luật sắt để dễ sai khiến, điều khiển, vừa làm mồi cho đồ đệ thấy phải cố gắng lên để lên chức, lên ngạch . Càng lên ngạch bao nhiêu càng gần được gu-ru bấy nhiêu. Gần gu ru là như gần Thiên Chúa, vì gu ru là con người toàn thiện toàn năng toàn tài, thông biết mọi sự. Con người của gu ru luôn được thần tượng hóa, mờ ảo, khó hiểu. Không ai hiểu rõ gu ru thế nào, ra sao. Có gu ru cho rằng mình được Trời giao cho một sứ mạng cứu nhân độ thế, có khi là đức Thích Ca đầu thai, có khi là hịên thân của Đức Maria có sứ mạng dẫn dắc đồ đệ về nơi tốt đẹp. Đó là cạm bẫy gài các cô, các bà. Có nhiều bà theo giáo phái lại còn đem dâng hiến đứa con gái của mình cho gu-ru nữa.! Thật là cả một bức tranh đen tối, đau lòng!. Nhiều ngươi con gái đã sống trong địa ngục đó nhiều năm, sau này giác ngộ mới có đủ can đảm đưa gu-ru ra tòa vì tội bị cưỡng hiếp trong nhiều năm. 
            Vợ chồng vào giáo phái cũng không được chung sống với nhau, nhưng phải chia ra, mội ngưỡi đi theo một kẻ do gu-ru chỉ định. Nếu không, sẽ chịu hình phạt là đi ngược lại chủ trương... 
            - Bóp méo Kinh Thánh: Đây là điều tai hại và ác độc hơn cả. Dùng Lời Chúa để đánh lạc hướng đồ đệ, để chứng minh giáo phái mình là đạo thật. Dựa vào Khải Huyền nói có 144.000 người được ghi dấu ấn Con chiên trên trán để cho rằng chỉ có đồ đệ của mình mới được cứu thoát, thì thực làm một điều quá lộ liễu. Vì đoạn Khải huyền đó, ai đọc cho hết sẽ thấy thánh sử nói rõ ra là có hàng hà sa số người được cứu rỗi, gồm đủ mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ, mọi bộ lạc...Xem Khải Huyền,7,4-9. 
             Cũng như ông Guy-Claude Burger sáng lập Giáo phái loại « Ông Đạo Dừa Việt Nam » (mà tòa án vừa tống giam vào tháng Bảy 97 vừa qua, vì tội xúc phạm về tính dục của trẻ vị thành niên). Ông đã thêm thắt vào Kinh Thánh để chứng minh lý thuyết đồi tệ luân lý của mình.... 
            3/Khai thác: giờ đây ta nói đến việc các giáo phái khai thác đồ đệ bằng việc làm và luật lệ bày vẽ ra. Một trong những mục đích của giáo phái là việc kinh tài, làm giàu cho gu-ru. Đó là điểm lạ lùng, nhưng thực là thế. Sau khi tiếp xúc với giáo phái, việc đầu tiên bạn muốn làm: trắc nghiệm, dự buổi nói chuyện, tu nghiệp..., chữa bệnh... đều là phải bỏ tiền ra ngay lúc đó. Mà không phài ít như ta sẽ thấy. Không phải năm ba trăm. Không: 5000 F cho trắc nghiệm lần đầu.Về sau sẽ lên dần cho đến khi ...bại sản! 
            Trả tiền để theo các khóa tu nghiệp, bạn còn phải đem ngân quỹ gia đình cho họ nữa. Vì sao, vì có khi là tận thế sắp đến,theo NCJ. Họ tiên đoán nhiều lần về ngày tận thế, nhưng hoàn toàn sai, rồi lại được gia hạn cho những năm khác... 
            - về tình dục: họ phá hủy đời sống vợ chồng, để tự do chế ngự tình dục của đồ đệ. Một cách để dễ sai khiến, có khi để thỏa tính khát vọng tình dục của gu-ru. Nhất là về đời sống tình dục, mỗi giáo phái lại khác nhau, có khi trong cùng giáo phái, như giáo phái do Moise David làm đầu não, nay thì cao rao tự do làm tình thả dàn, mai lại bắt phải tiết dục. Nhưng có điều lạ là không một người đồ đệ nào phản đối. (còn sức đâu để phản đối như đã nói) 
             Có giáo phái lại tổ chức làm tình từng cặp theo gu-ru chỉ định, một cách công khai, trước mặt nhau và trước mặt gu-ru trong một buổi lễ. Đó là lý thuyết của Jean Paul Appel. Trước đoàn môn đệ trần truồng, chỉ mình ông ta là vẫn mặc áo quần, ông ra lệnh cho đồ đệ: « Các người ôm nhau, vuốt ve nhau khắp nơi, và hiệp thông với tôi một cách mãnh liệt... Nhưng các ngươi không được cảm thấy khoái lạc. Không một ai được hưởng thú vui đó. Các người phải biến thú vui xác thịt ra sức mạnh tinh thần ». Thế rồi, trong khi nam nữ thi hành lệnh truyền và đang « hồn lên mấy tầng mây », thì có tiếng kêu thất thanh vang dội cả gian phòng: « Tôi bị sức lực của sự dữ xâm chiếm con người tôi... ». Jean-Paul Appel hiểu đó là tiếng kêu thét về điều gì, nên rống lên hỏi người con gái vừa la hét đó: « Nó có xuất tinh không? ». Người đàn ông khóc lóc, sợ hãi, thú nhận: « Tôi không cầm giữ được ». Còn người con gái kia thì nước mắt chảy ròng ròng. Appel tức giận, ra lệnh cho mọi người ngừng ngay « trò con heo » đó, và phải mặc áo quần vào… Vì luân lý của Appel cấm đàn ông khi làm tình không được... xuất tinh. Điều cấm kỵ phi lý và trái ngược bản tính tự nhiên con người, làm cho người ta nghĩ có lẽ là chính vị lãnh tụ « bất lực », không làm ăn gì được với nữ giới. Nên đã lấy cái nhược điểm của mình làm một lợi thế để bắt ép đồ đệ, để chứng minh mình có nghị lực để chế ngự được việc đó. Những người không tự chủ được trong việc ấy khi làm tình, bị liệt vào hạng người hạ đẳng trong giáo phái !. 
            Còn gu-ru Guy-Claude Burger, sáng lập giáo phái Instinctothérapie, vừa mới được Nhà tù Melun chiếu cố về tội hãm hiếp trẻ vị thành niên, thì lại chủ trương làm tình tay ba, trong đó có cả những trẻ nít chỉ mới hai hay ba tuổi!. Anh ta tuyên bố: « Tình yêu mà đứa trẻ cần thiết là một điều như ảo thuật mà trong đó không thể loại bỏ thân xác ». Jean Kicin, người Lục xâm Bảo, qua Pháp tìm đến Burger để chưã bệnh theo phương pháp lừa bịp của giáo phái đó, đã vỡ mộng và rêu rao cho chính quyền và dân chúng làng Soisy, gần tỉnh Provins, nơi giáo phái có một lâu đài làm trụ sở, được biết bộ mặt lường gạt của Burger. Ông ta nói: « Tôi thấy nhiều trẻ em trong làng đến (château) làm việc với chúng tôi để được một vài trái cây, đã bị nó rờ đít, và hôn hít nơi miệng… Burger lại cỗ võ việc làm tình với trẻ em. Người ta chỉ nói đến việc làm tình tay ba, đồng tình luyến ái, lắp đít và giới tính của trẻ em. Ở đó, một người lớn làm thành một cặp với một đứa con nít, dù còn rất nhỏ. Tôi đã thấy nhiều cặp như sau: em Léa, 5 tuổi, làm cặp với anh Jean-Jacques G.; em Nicolas, 2 tuổi, với Stèfan W. (...) Ở đó có em Sarah, sống tại château từ lúc 14 tuổi đã trở nên một con búp bê cho người ta làm tình, mặc dầu em không muốn. Tôi phản đối việc ấy. Chúng nó hăm dọa tôi. Tôi rời bỏ château vào tháng Chạp 1995 và đi ra cảnh sát tố cáo họ về tội làm việc chợ đen, lừa đảo, làm cho tuổi vị thành niên sa đọa và dọa giết người » 
Để kết luận: Ta thấy GIÁO PHÁI, nói chung, đều là những tổ chức rất có quy cũ, chặt chẽ, có hệ thống và có phương sách rất khoa học để chiêu mộ, điều khiển những kẻ theo mình hành động như máy, tuân phục mà không kêu ca, tin tưởng tuyệt đối ở lời gu-ru giảng dạy, những lời dạy điên rồ nhất, nguy-hại nhất. 
            Nhờ một vài người trước kia trót theo họ, có khi hiến trọn tuổi xuân và trinh tiết cho lòng dục vọng của họ, đã có can đảm đem họ ra tòa kiện thưa... làm cho xã hội mới thấy nguy hại đó mà có phản ứng mãnh kiệt... 
                        
            Riêng đối với người tín hữu, nói chung, muốn khỏi sa vào màng lưới của GIÁO PHÁI thì tốt hơn hết là mỗi khi họ đến gỏ cửa, thì lịch sự mà từ chối là hay hơn cả. Từ chối như thế, là vì mình không muốn đối chất, chứ không phải vì mình yếu lý. Không muốn đối chất, chỉ vì không có đối thoại với những người chỉ suy tư một chiều, dựa vào Kinh Thánh đã sửa chữa theo ý họ, thiếu nền tảng khách quan. 
            Đối với những kẻ làm cha mẹ thì nên thận trọng để tâm đến con em mình. Trong nhà, hễ thấy đứa con nào bỗng nhiên thay đổi tính tình, trở nên lầm lì ít nói, hay thấy có một dấu hiệu gì khác thường làm cho nó có vẻ như ủ rủ, suy nghĩ, sống tách biệt... thì nên lựa lời mà hỏi han để tìm ra nguyên do. Nơi đây đúng là lúc phải áp dụng châm ngôn : « Phòng bệnh thì hơn chữa bệnh ». Vì khi mắc phải « bệnh giáo phái », thì không biết phải lấy thuốc gì chữa trị!

Phan Hữu Lộc

Bài viết khác

Kiếng đeo mắt: Một ổ vi trùng!

Kiếng đeo mắt: Một ổ vi trùng!

14/10/2024

Những người phải mang kiếng, dù là kiếng đeo hay kiếng áp tròng đều cần phải cẩn thận hơn trong việc bảo vệ sức khỏe “cửa sổ tâm hồn” của mình.

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art