Thứ Sáu, 15 Tháng Sáu, 2012

Chuyện thằng Bờm

Thằng Bờm có cái quạt mo,

Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu.

Bờm rằng : Bờm chẳng lấy trâu,

Phú Ông xin đổi ao sâu cá mè.

Bờm rằng : Bờm chẳng lấy mè,

Phú Ông xin đổi một bè gỗ lim.

Bờm rằng : Bờm chẳng lấy lim,

Phú Ông xin đổi đôi chim đồi mồi.

Bờm rằng : Bờm chẳng lấy mồi,

Phú Ông xin đổi nắm xôi. Bờm cười.

(Ca dao Việt nam)

Bài ca dao này đối với những người lớn tuổi là bài đã đọc, đã học thời còn ở Tiểu học, cách đây không biết mấy chục năm rồi. Và có lẽ thường cho đó là bài thơ lục bát có tính cách « trẻ con » nói đến chuyện Thằng Bờm có cái quạt mo , nhưng  Phú ông  đòi đổi trăm thứ tốt đẹp không lấy, lại chọn nắm xôi !

Nhưng quả thực, bài thơ bất hủ này của tiền nhân để lại cho con cháu há không  chứa đựng một tín thư nào sao, cũng như biết bao câu chuyện xem ra trẻ con hay dã sử, ngụ ngôn như chuyện Rồng Tiên, Sơn tinh Thủy tinh, chuyện Thánh Gióng, Tấm Cám...

Đó là điều ta thử tìm hiểu nghĩa thâm sâu ẩn chứa trong  bài thơ ca dao này,   vì thiết tưởng bài học nó  cũng còn thích hợp cho thời nay.

Đối thoại bình đẳng

Thứ nhất đây là một trong những bài ca dao Việt nam không nói đến tình yêu, tình nam nữ, vì thường đại đa số ca dao đều nói đến chuyện ái tình, đến lời tỏ tình của hai phái, chuyện nhớ nhung, phân ly, chờ đợi . . .

Tình anh như nước dâng cao

            Tình em như giải lụa đào tẩm hương.

            Thương em vô giá quá chừng

            Trèo non quên mệt, ngậm gừng quên cay .

Bài thơ THẰNG BỜM, trái lại, là một cuộc đối thoại nhẹ nhàng, tươi vui, trong sáng giữa hai người  thuộc hai giai cấp thường là đối lập nhau trong xã hội thời xưa và cả thời nay : giàu /nghèo ; quyền thế/dân quê.

Thằng Bờm :  giai cấp người nghèo, nhỏ tuổi.

Phú Ông :  giai cấp người giàu, lớn tuổi,quyền thế..

Hai giai cấp thường đối lập nhau trong xã hội, xưa cũng như nay, nhưng biết trao đổi, đối thoại bình đẳng, song phương, tôn trọng lẫn nhau, chứ không tranh chấp, bắt nạt, chèn ép , nhiều khi đi đến cảnh « đầu rơi máu đổ ! » Đó là dấu chỉ của một xã hội hài hòa, thanh bình, dân chủ thực sự, biết tôn trọng lẫn nhau.

Phú Ông  không vì giàu sang,quyền thế mà bắt ép người nghèo hèn, người lớn bắt nạt trẻ con, muốn có được tiện nghi mát mẻ như cái quạt  phẩy, thì trao đổi một cách chân tình.

Thằng Bờm không vì nghèo mà tự ti mặc cảm, vì nhỏ bé mà sợ hãi, luồn cúi ,  nhưng ý thức đến giá trị của vật mình có, tuy nhỏ nhoi, đến nhân phẩm của mình, biết tự trọng.

Hai bên trao đổi, tôn trọng ý kiến của nhau, tìm hiểu  nhu cầu của nhau, tuy địa vị có khác.

Vì thế : Phú Ông giàu có, hơn tuổi : chủ vị  câu tám. Thằng Bờm nghèo khó, ít tuổi,  làm chủ ngữ câu sáu.

Trong thể thức lục bát, mỗi người làm chủ một câu, thay phiên nhau phát biểu, không cướp lời nhau, không át giọng nhau. Người nói trước, kẻ nói sau. Một điều mà ngày nay, trong các cuộc tranh luận giữa những nhà  trí thức, như các dân biểu ở vài nước âu châu  chẳng hạn, ta cũng  thường thấy có những cuộc  tranh luận thiếu trật tự, ồn ào , lấn át tiếng của nhau , có khi đập bàn, đập ghế ! Có nhiều  nước, dân biểu còn đối thoại bằng « tay chân » !

Không lạm quyền

Trong chuyện Thằng Bờm, mỗi bên tự do phát biểu ý kiến của mình, đề nghị điều mình muốn, và chấp nhận hay không, không ép buộc, không lấy quyền hành để cướp giựt.

Phú Ông  giàu có, chức quyền cần gì phải trao đổi với Thằng Bờm, có thể  hét một tiếng , cho công an cảnh sát bắt nó đi , vất vào tù là xong ! Nhưng  Phú Ông  không làm thế , chứng minh là người có quyền, những không lạm quyền !!!

Kết thúc đàm phán, hai bên đồng ý trong tự do trao đổi để đi đến một kết luận thỏa đáng, thì hai người cùng làm chủ câu kết. « Phú Ông xin đổi nắm xôi. Bờm cười !»   tài tình và tuyệt diệu là thế !

Đây là hình ảnh một xã hội hài hòa, biết tôn trọng tha nhân trong lời nói, việc làm, biết tự trọng và trọng đối phương. Không « mày tao », không phách lối, không dọa nạt, không cướp giựt, cũng như không khúm núm, không sợ hãi, không hối lộ (làm gì có tham nhũng quốc nạn để mà diệt ! ) . Tôn trọng nhau từ đầu tới cuối suốt cuộc đối thoại.

Thằng Bờm nhỏ  tuổi thì lễ độ : Bờm rằng. . .

            Phú Ông  lớn tuổi thì lịch sự : Xin đổi. . .

Trong cuộc giao tế xã hội, muốn được hài hòa trong cuộc đối thoại, thì cần nhận chân rõ nhu cầu của con người là ai cũng  muốn người khác nhìn nhận « cái tôi »  của mình, tôn trọng giá trị  đồ vật của mình và ý muốn sống chung,  thông cảm với mọi người !

Thái độ tương thân tương kính đó , rất hiếm thấy giưã thời kỳ phong kiến ngày xưa mà Quan huyện tác oai tác quái.  Và đó là  bài học tiền nhân để lại  về cách xử thế cho xã hội bình đẳng và dân chủ ngày nay !

- Đừng trọng giàu,khinh nghèo !

            - Đừng cậy quyền thế bóc lột dân quê chất phát.

            - Đừng ỷ quyền mà tước đoạt tài sản  ruộng vườn  người thấp cổ bé họng.

            - Đừng gieo  ác nghiệp để khỏi gặt hái ác quả !

Thằng Bờm tôn trọng Phú ông vì tuổi tác, địa vị , vì  nhu cầu chính đáng và có ý  kiến trao đổi sòng phẳng.

Phú Ông tôn trọng Thằng Bờm vì Bờm cũng là người, có giá trị con người, dù bên ngoài có vẻ khờ khạo, ngơ ngác như nai vàng lạc mẹ !

 Phú Ông còn tôn trọng cả cái quạt mo của Thằng Bờm vì đó là tài sản duy nhất của nó có trong tay , tuy rằng đối với Phú ông, cái quạt mo đó có nghĩa lý gì ! Đáng giá bao nhiêu lắm !!! Cần gì phải đem trâu bò để đổi lấy mà còn bị từ chối !

Trọng tài sản của dân

Cuộc tiếp xúc êm đẹp này trong xã hội nhỏ bé  là hình ảnh thu gọn mà tiền nhân muốn gói ghém để nói cho ta thấy hình ảnh to lớn là quốc gia, là dân tộc , là cuộc đối thoại bình đẳng xã hội toàn quốc,  giữa  chính quyền  với người dân, và giữa người dân với nhau. Quan niệm nhân sinh dân chủ , chủ nghĩa công bằng xã hội đã  tiềm ẩn trong lời giáo huấn, cảnh tỉnh của cha ông qua những câu ca dao, tục ngữ, chuyện cổ tích  hay dã sử của tiền nhân, chứ không phải do ngoại bang nhập vào, không cần mượn tư tưởng  cách mạng của bất cứ nước nào để áp đặt trên quê hương !

Ngày nay ta còn thấy đầy dẫy những gì trên báo chí , trên màn ảnh thời sự ta thường đọc , thường xem ? Cảnh người giàu bóc lột kẻ nghèo, người có quyền thế lấn đất, chiếm nhà  của dân , bất chấp luật lệ, hay nhân danh luật pháp !!!

 Bài ca dao THẰNG BỜM bề ngoài có vẻ trẻ con, dại khờ, nhưng bên trong chứa đựng nguyên tắc chủ yếu cho một xã hội  công bằng : đem niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người !

Để được cái quạt, (tượng trưng cho ước vọng của con người, chứ không phải chỉ theo nghĩa đen) , Phú Ông không dùng sức mạnh bắt nạt, chèn ép để cướp lấy ! Không dùng lời dụ dỗ để xin cái quạt ! Không dùng mánh khóe « mượn đỡ » một vài tháng, vài năm rồi đến kỳ hạn thì lờ luôn. Có đòi , có khiếu nại,   thì  viện cớ này kia để  dọa nạt bỏ tù, bắt giam !

Bờm cũng thế, không vì nghèo mà ham  ba bò chín trâu, trăm  ao cá, (tượng trưng của cải của người khác ) mà mắt sáng lên , mà chụp giựt. Bờm không quảng cáo ầm ỹ giá trị đồ vật của mình, vì Bờm biết giá trị hàng của mình,  không phải hàng gỉa, cóp hàng chính hiệu, sẽ đổi lấy cái tương xứng trong công bằng giao hoán , bằng lòng khi thấy vật hay điều mình ưng ý mới thôi.

Hạnh phúc  nơi bạc tiền ?

Bài ca dao cho thấy hạnh phúc con ngươì không ở nơi bạc tiền, (nhất là tiền thu hoạch bất công) , nơi của cải vật chất (nhà lầu, xe hơi, nông trại , nhất là của phi nghĩa. . .), vì Phú Ông có đủ thứ  ( trâu bò, ao  cá , bè gỗ lim . . ) nhưng lại thích cái quạt mo, đồ vật mà người khác cho là vô nghĩa !

Thằng Bờm được Phú Ông đề nghị đổi đủ thứ, tốt đẹp, giàu sang, sung túc tượng trưng qua những ao cá, bè gỗ lim. . . , nhưng  lại chọn  cái nắm xôi !

Nắm xôi đây thiết tưởng là điều tượng trưng, vì thực ra nếu ham một nắm xôi thì Bờm sao không lấy bò trâu, gỗ lim về đem bán mua không những được một nắm xôi, mà còn có thể  mua « cô ả  bán xôi » nữa ! Vì thế, tiền nhân muốn nói đến ý nghĩa thâm sâu mà nắm xôi là tượng trưng.

Tiền nhân nói thế, là để nhắn gửi kẻ có quyền thế, cai trị dân, phải nghĩ đến phục vụ xã hội, nhân quần  cho dân được ấm no . Nắm xôi và quạt mo là biểu hiêụ cho CƠM ÁO và TIỆN NGHI trong đời sống, trước khi nói đến tổ chức giải trí, tiêu khiển « văn nghệ,  văn gừng » nhà lầu ô tô là những « xa xỉ phẩm », có khi lại là những « cả vú lấp miệng em !!! »

Chuyện Thằng Bờm đọc trong tinh thần đó, không còn là bài ca dao trẻ con như ta lầm tưởng hay vội vàng gán cho nhãn hiệu đó. Vì thế, giá trị luân lý và chính trị xã hội của nó vẫn còn tiềm ẩn qua các thế hệ, nếu không nói nhất là ngày nay !!!  Bổn phận ta là phải biết « đãi cát tìm vàng. »

///

Bờm có nắm xôi no bụng. Phú Ông có cái quạt mo tiện nghi …là hình ảnh của một bức tranh xã hội hài hòa. Không có cảnh người bóc lột người, không có cảnh gian tham lừa đảo, không có mánh lới chộp giựt đất đai .  Như thế đâu có xảy ra những chuyện động trời như chuyện đất đai Tòa  Khâm sứ, Tu viện Thái Hà, Nhà thờ Tam tòa , Tu viện Thủ Thiêm, Trường học Loan Lý! Chỉ mới kể những vụ nổi cộm và đất đai công giáo mà thôi.

Chỉ còn nhũng  người tử tế biết điều, luôn luôn tôn trọng công bằng xã hội, và đối thoại bình đẳng để tìm thỏa mãn nhu cầu chính đáng.

Được thế, thì làm gì không thực hiện  được « dân giàu nước vượng », « xã hội công bằng, dân chủ » ! Quốc nạn tham nhũng sẽ tự nó bị tiêu diệt !

Đó thiết tưởng là tín thư của tiền nhân để lại cho con cháu là chúng ta qua triết lý sống và hành động CHUYỆN THẰNG BỜM vậy !

Nhưng đó phải chăng là hiện trạng tại Viêt nam   ngày nay ?

///

PHL 22/9/2009

Phỏng theo ĐôngPhong, Về Nguồn Văn Hóa Cổ truyền VN.

Bài viết khác