Dân Sài Gòn chuộng cà phê đến thế. Tối ngày sáng đêm, bất kể lúc nào dân Sài Gòn cũng có thể uống cà phê. Từ quán cà phê bệt vỉa hè tới những quán sang trọng giá một ly bằng một ngày lương của lao động công nhật, cứ mở cửa là có khách. Ở Sài Gòn, đâu đâu cũng có sự hiện diện của quán cà phê, từ góc hẻm nhỏ đến những đại lộ. Không ai có thể thống kê chính xác có bao nhiêu quán cà phê tại Sài Gòn vì biểu đồ cà phê ở đây chi chít và biến đổi liên tục như một bầu trời sao. Sự tiện dụng của các quán cà phê ở Sài Gòn phổ biến tới mức xuất hiện hầu hết trong cuộc sống đời thường của người dân nơi đây. Đãi khách, bàn công việc, gặp gỡ bạn bè, muốn yên tĩnh chiêm nghiệm bản thân - cuộc đời, muốn thư giãn… đều được thực hiện ở quán cà phê.
Đó có thể là một quán cà phê cầu kỳ sang trọng với máy lạnh, vật dụng trang trí đắt tiền. Hay có khi quán cà phê chỉ là một rổ nhựa chứa vài cái ly cũ kỹ nơi góc cột điện với dăm chiếc ghế thấp dành cho khách ngồi. Mới hôm qua thôi, trên con đường đi làm quen thuộc, bạn còn nhận thấy một quán cà phê đông người thì có thể sáng nay nó đã biến đi không tăm hơi, một sự biến mất để lại chút gì tiếc nuối trong bạn. Và biết đâu khi vừa mở cửa, trước nhà bạn lại là một quán cà phê không mời mà tới! Tại sao cà phê Sài Gòn lại có một sức sống mãnh liệt như thế?
Đọc những chuyện phiếm hằng ngày của mục Cà phê Vỉa Hè tôi lại nhớ ra rằng Sài Gòn không chỉ có các quán cà phê vỉa hè bình dân mà còn có những cà phê vỉa hè…quý tộc, không phải bây giờ mới có mà đã có từ thời Pháp thuộc.
Người ta cho rằng café mang bản sắc văn hóa Pháp. Cách mạng Pháp 1789 manh nha từ những café của kinh đô ánh sáng Paris, nơi giới trí thức thường gặp gỡ trao đổi, tranh luận, truyền bá tư tưởng cách mạng tự do, bình đẳng và tình huynh đệ (liberté, égalité, fraternité). Từ đó café vỉa hè là hình ảnh của Paris và cả nước Pháp. Có thời, người ta phải trưng cầu dân ý có nên dẹp bỏ các quán nầy không, cuối cùng người Paris đồng thuận giữ lại, chỉ thu xếp sao cho không làm cản trở lưu thông và trật tự vệ sinh của các vỉa hè.
Người Pháp chiếm Việt Nam, di thực cây cà phê vào trồng ở nước ta và cũng mang theo thói quen và phong cách uống cà phê kiểu Pháp, nhất là ở Sài Gòn và những vùng thuộc “xứ Nam kỳ thuộc Pháp cũ”. Cho đến bây giờ, cà phê vẫn là thức uống thịnh hành ở khu vực nầy, rồi qua năm tháng lan tỏa khắp nước, mức độ đậm nhạt khác nhau. Ở Sài Gòn chỗ nào cũng có quán cà phê, từ trong hẻm ra phố, từ xóm nghèo đến trung tâm sang trọng, với đủ cách pha chế, đủ loại nguyên liệu và tất nhiên đủ thứ giá cả.
Trước năm 1975, Sài Gòn có những quán quý tộc như La Pagode ở góc Lê Thánh Tôn - Đồng Khởi (Catinat, Tự Do - tên cũ) nay dẹp rồi, Givral ( đường Đồng Khởi, đối diện Nhà hát Thành phố), Brodard; kế đến là mấy quán đường Lê Lợi như Kim Sơn, Thanh Bạch (dẹp rồi), đường Tạ Thu Thâu như Thanh Thế… Nay ở khu vực trung tâm cũng có những “coffee” lộ thiên giá cả… trên trời.
KHI mới chân ướt chân ráo từ Quy Nhơn vào Sài Gòn năm 1965, tôi bắt đầu tập uống cà phê thay nước lạnh, nước trà. Uống riết thành quen, nhất là trong nghề in ấn báo chí, người ta uống ngày ba bốn cữ, mình cũng bắt chước…chơi luôn. Cà phê tôi thường uống là loại bình dân vài đồng một cốc mua ở vỉa hè nào cũng có. Như vậy, có thể nói tôi có thâm niêm gần 50 năm cà phê vỉa hè, chắc chẳng thua ông Tám Xóm Chùa, ông Nobita… ông TuLon của Club Cafeviahe xunau.
Nhưng tôi có lần lỡ chân vào cà phê Kim Sơn đường Lê Lợi, một nơi chỉ dành cho giới quý tộc và suýt bị chủ nhà hàng kêu pulit bắt vì không có đủ tiền trả. Số là, hồi còn học ờ ngoài mình, tôi chơi thân với bốn”thằng” cùng lớp. Một thằng nhảy núi chưa tới năm thì hy sinh. Tôi vào Sài Gòn, hai thằng nối gót theo. Thằng thứ tư đi trung sỹ bộ binh. Nó bị thương nằm Tổng Quân y viện Cộng Hòa.
Ngày nó xuất viện, bốn thằng gặp nhau. Tôi ở Sài Gòn lâu hơn nên “dẫn” tụi nó đi xi-nê permanent Vĩnh Lợi, sau đó kéo qua Kim Sơn uống cà phê. Đó là lần đầu tiên tôi bước chân vào quán nầy vì muốn “dựt le” với tụi bạn khố rách áo ôm.
Bốn thằng bốn cái “phin đen”. Nói dóc đã đời, đến khi tính tiền mới tá hỏa. Tôi thường uống cà phê 3 đồng/ly, vị chi 4 ly là 12 đồng, quán nầy tính có mắc lắm thì cũng 20 đồng, trong khi túi tôi có ba chục. Tôi yên chí lớn” dư sức qua cầu”. Ai dè, liếc cái hóa đơn cậu “bồi” đem ra, tôi xanh mặt: 48 đồng. Tôi kêu gọi mấy đứa góp. Móc hết túi gom lại cũng mới được 38 đồng. Mấy thằng nhìn mặt nhau chỉ còn biết cười như mếu. Tôi cầm hóa đơn lại gặp cô thu ngân năn nỷ cho nợ, chiều đem số thiếu lại trả. Cổ lắc đầu:” Cậu thông cảm, tui đi làm công, không cho mắc nợ được, mà tôi cũng không có tiền cho cậu mượn”.
Bốn thằng tụi tui đang bí như gà nuốt dây thun, lúng túng như gà mắc tóc, thì có một ông cỡ hơn 40 tuổi miệng ngậm ống vố bập bập, tiến lại bàn của tụi tui, kéo ghế ngồi, nói rất lịch sự: ” Xin phép mấy ông bạn trẻ, tôi ngồi cùng bàn được không?”. Bốn đứa nhìn nhau, chả biết phải ứng xử thế nào. Tôi nhận ra ông nầy đã ngồi đọc báo ở bàn bên cạnh từ trước khi chúng tôi vào. Thấy ông ta cầm cả xấp báo có cả tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Mỹ, tôi hơi yên tâm vì trông giống mấy vị cây đa, cây đề trong làng báo mà tôi đã gặp. Tôi rặn mãi mới nói được hai từ, “Mời chú…”.
Té ra nãy giờ ổng nghe hết câu chuyện của bốn thằng giang hồ vặt tụi tôi, ổng hỏi thăm công việc, học hành của từng đứa, rồi nói.” Xin phép mấy ông bạn trẻ cho ‘Moi’ trả chầu cà phê nầy nhé” (‘Moi’ là tiếng Pháp có nghĩa tớ, mình dùng cho ngôi thứ nhất số ít để tỏ thân mật). Nói xong, chẳng cần sự đồng ý của tụi tôi, ổng lấy tờ hóa đơn, ngoắt tay bồi bàn lại, mở ví ra trả, xong ổng đứng dậy, bảo “các cậu cứ trò chuyện… cho đến chiều nhé”. Bốn cái miệng của tụi tui chưa kịp nói cảm ơn ổng đã bắt tay “ô - voa”. Tôi đưa mớ tiền gom góp đang cầm cho ổng, nhưng ổng khoát tay, rồi biến mất trong dòng người “bát phố” Lê Lợi.
Gần nửa thế kỷ rồi tôi vẫn nhớ nghĩa cử của một người Sài Gòn “điệu nghệ” - một đàn anh “chịu chơi”, một… vị bồ tát.