Chủ Nhật, 17 Tháng Sáu, 2012

Chết : nhịp cầu giữa hai sự sống

Có ba quỷ đang chuẩn bị cho cuộc hành trình xuống trần gian để cám dỗ người ta đừng theo Chúa. Trước khi lên đường, ba quỷ phải trình bày chiến thuật mình sẽ áp dụng cho quỉ trưởng nghe.

Quỉ thứ nhất nói:

- Thưa quỉ trưởng, tôi sẽ dùng một chiến thuật gọi là thử xem có thật không. Tôi sẽ nói với loài người rằng: Không có Thiên Chúa đâu, quí vị cứ vui vẻ và hưởng thụ đi!

Nghe xong quỉ trưởng gật gù đồng ý và sau đó quay sang quỉ thứ hai hỏi:

- Bạn thì sao? Dùng chiến thuật nào?

- Thưa quỉ trưởng, em nghĩ rằng, người ta sợ nhất là phải rơi vào hỏa ngục, nên chiến thuật của em sẽ hiện đại hơn. Em sẽ cám dỗ cho mọi người thấy rằng: Cứ hưởng thụ đi, không có hỏa ngục đâu mà sợ!

Một lần nữa quỉ trưởng hài lòng với những dự tính của đàn em mình. Thế rồi quỉ trưởng đưa mắt dò hỏi quỉ thứ ba.

Quỉ thứ ba từ tốn thưa:

- Em nghĩ rằng vấn đề của thời đại này là người ta ham thích hưởng thụ, nhưng kẹt là họ không có đủ thì giờ để hưởng thụ. Nếu em cám dỗ để họ quên đi, quên rằng sự chết của họ đến một cách bất ngờ, thì em sẽ thành công. Em sẽ dùng một chiến thuật thực tế hơn, và sẽ dụ họ rằng: Quí vị ơi, đừng nghĩ gì cả, cứ tự do hưởng thụ đi, không có chi mà vội.

Bạn thân mến, có khi nào bạn có tư tưởng như trên khi nghĩ đến chính cái chết của mình? Chết là hết chuyện. Đó là câu nói thông thường của những ai không tin có đời sau. Nhưng đối với người Kitô hữu, chết chỉ là sự bắt đầu của một câu chuyện kỳ thú. Một câu chuyện đời. Một đời sống sẽ không còn bóng dáng của sự chết.

Nếu chưa bao giờ nghĩ đến cái chết của mình, đề nghị bạn nên bắt đầu đi. Nghĩ về sự chết không phải là sinh hoạt của những kẻ chán đời, nhưng là sự khôn ngoan của những ai biết nhìn xa hiểu rộng. Nghĩ đến sự chết, thực sự là hành động của một kẻ yêu đời. Nghĩ đến sự chết để thấy rằng tất cả những gì trên đời này rồi cũng theo cái thân xác đi đến chỗ mục nát. Tất cả sẽ mất đi, kể cả những kho tàng vĩ đại nhất, những người tình cuồng nhiệt nhất. Phải, tất cả và tất cả. Khi tôi chết là tôi phải từ giã tất cả để ra đi, và cái oan nghiệt là không biết khi nào tôi sẽ chết. Có thể ngay sau khi đọc những dòng chữ này, có thể là ngày mai, có thể là một năm hay vài chục năm nữa. Chính Chúa Kitô đã minh xác điều này trong Phúc Âm: Các con phải sẵn sàng, vì không biết giờ nào Con Người sẽ đến (Lk 12:40). Nếu không cẩn thận, bạn và tôi dễ dàng rơi vào lưới cám dỗ của một xã hội trọng tiện nghi và hưởng thụ.

Đối với người Kitô hữu, hình ảnh chết phải là một hình ảnh đẹp, một hình ảnh thân quen của một tâm hồn bình an, sẵn sàng để thưa với Đấng tạo dựng nên mình rằng: Lạy Chúa, con đã nhận và đã làm lợi thêm những nén bạc Chúa trao ban. Giờ đây, con sẵn sàng và vui sướng để diện kiến Chúa.

Về với Chúa không phải là một chuyện tình cờ hay ngẫu nhiên. Về với Chúa không khác gì hình ảnh của một người làm vườn hái đi một bông hoa trong vườn của họ. Vườn hoa nhân loại là của Chúa, và Ngài có quyền hái bất cứ bông hoa nào, vào bất cứ thời điểm nào Ngài muốn. Khi những người thân của chúng ta ra đi cách đột ngột, đó là lúc chúng ta ngỡ ngàng khi thiếu đi một bông hoa đẹp trong mảnh vườn Chúa trao cho mình chăm sóc. Nếu hỏi Chúa về sự mất mát này thì chúng ta sẽ nghe Chúa trả lời rằng: Phải, Cha hái đó, chính Cha hái bông hoa đó cho Cha.

Chúng ta phải làm gì để chuẩn bị cho cái ngày Chúa hái trộm hoa? Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta những chân lý sống để làm đẹp cho mỗi bông hoa của Ngài. Những bông hoa phải đẹp để chủ vườn vui mắt, để chủ vườn có thể hái bất cứ lúc nào. Chúa Kitô đã để lại những cách thức chăm sóc hoa trong kho tàng Thánh Kinh. Cứ tìm trong đó, chúng ta sẽ khám phá ra phân bón cho tất cả mọi loại hoa, những câu trả lời cho tất cả mọi khúc mắc trong cuộc đời. Chúa Kitô đã đến, Ngài đã sống, đã chết và đã Phục Sinh. Những bông hoa của Ngài cũng phải dám sống, dám chết để được phục sinh với Ngài. Hãy trung thành với Giáo Hội, hãy sống Phúc Âm, bông hoa của chúng ta sẽ triển nở trong sự thật là chính Chúa.

Sự thật là gì? Nếu ai cũng bảo rằng mình đúng thì đâu là sự thật. Đúng vậy, mỗi người chúng ta chỉ hiểu được một phần của sự thật, chỉ mình Thiên Chúa mới có tất cả sự thật. Đến với sự thật, chúng ta mới có được sự nâng đỡ và thông cảm cho những ai sống trong ảo tưởng. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta, không phải khỏi cái ngục tù mà nhân loại xây cất, nhưng khỏi cái ngục tù cắn rứt của lương tâm. Sống sự thật đôi khi sẽ làm cho chúng ta bị vu khống và bắt bớ, nhưng hãy sống lời khuyên của Phúc Âm: Đừng sợ người tiêu diệt thân xác bạn, hãy sợ Người có quyền tiêu diệt cả xác lẫn hồn (Mt 10:28).

Một yếu tố khác liên quan đến sự chết là việc lập công đền tội. Nhiều người nghĩ rằng, nếu chết sớm thì không có dịp lập công đền tội ở đời này. Nếu không phạm tội thì đâu cần đền, mà nếu có là con người yếu đuối thì lòng từ bi của Thiên Chúa sẽ không thua chúng ta đâu. Hãy sống theo suy nghĩ của danh nhân Albert Hubbard: Thiên Chúa không tìm những huy chương hay bằng cấp chúng ta đạt được, nhưng Ngài đếm những vết sẹo trong cuộc đời của chúng ta.”

Đối với Chúa, quá khứ không quan trọng, vì tình yêu sẽ làm Ngài quên đi tất cả những lỗi lầm. Tương lai chúng ta nằm trong tay Chúa và chúng ta chỉ có thể làm chủ giây phút hiện tại. Điều đáng lưu tâm là không biết được lúc nào chúng ta sẽ mất cái giây phút hiện tại đó.

Ai trong chúng ta cũng chỉ có 60 giây trong một phút và 24 tiếng trong một ngày. Hiện tại được ban phát đồng đều cho hết mọi người. Mỗi người được tự do sử dụng giây phút đó tùy theo những đam mê và lựa chọn cá nhân. Bạn sẽ sử dụng giây phút của bạn như thế nào?

Đa số chúng ta đều muốn lên thiên đàng, nhưng lại không mấy người sẵn sàng về gặp Chúa! Đây là cái mâu thuẫn hay là sự tham lam của con người? Nếu ai trong chúng ta có cơ hội sang Roma bắt tay Đức Giáo Hoàng thì chắc vui lắm. Nếu có được một tấm hình nữa thì tuyệt, vì nó sẽ được treo trên tường để nói lên niềm hãnh diện to lớn kia. Chúng ta thử hình dung ra ngày diện kiến Thiên Chúa của tình thương? Chúng ta thử tưởng tượng ra niềm sung sướng tột đỉnh đó? Mấy ai trong chúng mình mong ước cho giây phút hội ngộ nơi quê thật mau tới?

Để gặp được Ngài chúng ta phải bước qua cái cầu của sự chết. Để yêu được sự chết chúng ta phải biết sống, và để sống đích thực, chúng ta đừng quên làm quen với cái chết của chính mình. Mỗi lần đi dự đám tang của người thân, bạn hãy thử đặt mình trong chiếc quan tài trước mặt, để kiểm chứng những suy nghĩ của mình, những cảm nghiệm của mình, và để nhìn lại xem mình cần thay đổi những gì trong hiện tại.

Chết là gì? Phải chăng chết là một thực tại duy nhất mà con người chỉ trải qua có một lần, trải qua cho chính mình mà không thể giải thích cái kinh nghiệm cho những người còn sống. Thường thì người đời coi cái chết là hết chuyện. Điều ấy thật đúng với những người không tín ngưỡng. Sự chết thực sự là giai đoạn cuối của đời họ. Vì vậy mà người ta sống hưởng thụ và tranh giành những gì mà họ cho là tốt đẹp nhất của cõi đời, để rồi cuối cùng họ cũng phải đối diện với cái chết. Còn đối với người Kitô hữu thì sao? Chúng ta nghĩ gì về cái chết? Hay chúng ta cũng bị lôi cuốn với dòng đời và không còn đủ giờ để nghĩ đến sự chết! Nhưng tại sao lại phải nghĩ đến cái chết? Suy tư về sự chết để biết rằng, đối với những người theo Chúa Kitô, chết không phải là hết, nhưng là một sự khởi đầu cho cuộc sống mới. John Milton viết: Sự chết là cái chìa khóa bằng vàng để mở được cánh cửa của lâu đài vĩnh cửu. Và nếu sự chết không phải là đoạn kết thì tôi cần phải biết gì về cái chết?

Suy về sự chết giúp tôi sống trọn vẹn hơn giây phút hiện tại. Không ai trong chúng ta biết được ngày giờ mình sẽ chết. Một câu danh ngôn khác giúp tôi ý thức về sống giây phút hiện tại: Khi học hỏi, bạn hãy học như thể bạn sẽ sống muôn đời, nhưng bạn hãy sống như thể ngày mai là ngày cuối cùng của đời bạn.”

Tôi vẫn thường đặt vấn đề cho mình: sau khi tôi chết rồi, tôi muốn người ta nghĩ gì về tôi? Điều này không phải vì tôi thích những lời khen tặng sau cái chết. Chết rồi, nằm bất động trong quan tài thì dù cả thế giới có khóc tôi, tôi cũng chẳng được chút rung cảm nào, huống chi là năm bảy chục người tụ họp lại để tuyên dương công trạng của tôi. Chết rồi thì dù người ta có chôn tôi giữa một rừng hoa hồng thì tôi cũng không còn thưởng thức được, nói gì đến một vài vòng hoa tiễn đưa tôi. Nhắm mắt lần cuối cùng rồi thì dù có cả biển nhạc của những giàn đại hòa tấu đưa tiễn, tôi cũng không đê mê được, thì nói chi đến một vài bản nhạc, một vài bài thơ soạn riêng cho tôi. Tôi thường nghĩ, tại sao quí mến tôi, bạn không đến thăm tôi lúc còn sống, lúc tôi thực sự cần đến tình bạn? Tại sao bạn không tặng hoa cho tôi, hát cho tôi nghe lúc tôi còn giác quan để thưởng thức. Phải chăng những tổ chức rầm rộ và xa xỉ bên ngoài khi một người nằm xuống là để an ủi những kẻ còn sống, là để che lấp những quên sót, những tệ bạc đối với người đã chết. Chết là hết, hết có dịp lập công, vì đối diện trước cái chết là lúc tôi phải ra trước mặt Đấng đã tạo dựng nên tôi để tính sổ với Ngài. Một mình tôi với Ngài. Đó là lý do tại sao tôi hay nghĩ đến cái chết.

Có nhiều người nghĩ rằng sự chết giải thoát con người khỏi những đau khổ và bất công ở trần gian. Mặc dầu vậy tại sao con người vẫn sợ chết? Phải chăng họ thà sống với những đau khổ và tuyệt vọng còn hơn là mất đi những tiện nghi và thú vui của đời này. Cái chết giải phóng con người khỏi tất cả mọi ràng buộc trên trần gian, nhưng nhất là giải phóng con người khỏi vòng tội lỗi. Mang thân phận con người là mang lấy cái yếu đuối. Có yếu đuối là có tội lỗi. Robert Gleason viết: Đối với những người Kitô hữu, sự chết không làm gián đoạn một điều gì, sự chết không tiêu hủy một điều gì, nhưng sự chết giải phóng con người, không phải khỏi cái thân xác, nhưng giải phóng khỏi một đế quốc tội lỗi. Những ai tin tưởng vào Chúa Kitô sẽ nghĩ rằng sự chết giải thoát họ khỏi đau khổ, bệnh tật, lo âu, gian dối và tội lỗi. Trên ngôi mộ của Martin Luther King Jr. có ghi những dòng chữ như sau: Tạ ơn Chúa toàn năng, sau cùng con đã được giải thoát.

Tôi nhớ ngày xưa vẫn thường vênh vang rằng mình không sợ chết, và các bậc đàn chị nói với tôi rằng, ai không sợ chết là người đó chưa biết chết là gì. Có lẽ đúng, tôi sẽ không bao giờ biết chết là gì cho đến khi tôi chết. Tôi không yêu cái chết, nhưng tôi cũng không sợ chết. Có sợ chăng là sợ cái giây phút đối diện với Đấng Tình Yêu, để thấy rằng Ngài yêu quá nhiều mà tôi yêu quá ít. Suy nghĩ về sự chết giúp tôi sống trong thực tại yêu thương. Nơi đâu có yêu thương chân chính là nơi đó không thể in những dấu chân tội lỗi. Đó là lý do tôi thích suy về sự chết.

Đón nhận cái chết là đón nhận một thực tại vĩnh cửu hơn. Không biết có cần phải là một người khó tính để nhìn ra vấn đề này? Cuộc đời này đem đến cho con người rất nhiều điều đẹp đẽ, nhưng đó chỉ là những cái đẹp hời hợt, nông cạn, nay còn mai mất. California tháng Mười vừa qua đã có dịp suy nghĩ về cái đẹp tạm bợ của trần gian khi những cơn gió nóng Santa Ana hợp lực cùng với sức mạnh của lửa và sự thiếu sót của con người đã nuốt đi hằng trăm căn nhà của những người dân vô tội. Chắc hẳn không ai ngờ chỉ trong phút giây, những căn nhà bạc triệu có thể biến thành tro bụi, những nhà triệu phú có thể trở thành vô gia cư.

Vật chất giả tạm đã đành, mà ngay cả tình cảm con người cũng đầy dẫy những giả tạm. Người lừa dối người, người vu khống người, người trả thù người. Cũng vì con người không biết giá trị của sự chết và vương quốc vĩnh cửu bên kia cái chết.

Suy nghĩ về sự chết giúp tôi yêu đời nhưng không tôn thờ những gì thuộc về đời, yêu người nhưng không để những tham sân si của người đời làm tôi mù quáng. Tôi tin rằng sự chết không phải là một thất bại, nhưng là một chiến thắng. Người tôi phục, tôi yêu đã chết và đã vinh thắng. Người mãi mãi sống trong đời để dạy cho tôi biết đánh đổi cuộc sống trần gian này để đạt được cuộc sống thiên quốc. Đó là lý do tôi thích suy về sự chết.

Để đến được cái chết sau cùng, tôi cũng sẽ phải trải qua rất nhiều cái chết nho nhỏ trong cuộc đời. Những tủi nhục và đau khổ thân xác, bị đọa đày tù tội là một lần tôi chết. Một người thân của tôi lìa đời là một lần tôi thực tập chết. Bị xử đãi tệ bạc và vu khống cáo gian là một lần tôi chết. Mỗi một nỗi chết nho nhỏ trong cuộc đời chuẩn bị cho tôi đến với cái chết sau cùng của cuộc sống.

Henry Nouwen kể chuyện về một vị giám mục Lutheran trong trại tù của Đức thời đệ nhị thế chiến như sau: Khi vị Giám Mục bị tra tấn dã man để phải khai ra những dịch vụ liên quan đến chính trị, ngài vẫn lặng câm không nói nửa lời. Điều này làm cho viên sĩ quan điều tra rất bực mình, hắn la lớn: Ông không biết rằng tôi có quyền giết ông hay sao? Vị giám mục đưa mắt nhìn viên sĩ quan đang hành hạ mình và đáp : Tôi biết lắm. Ông cứ việc tiếp tục hành hạ tôi đi, vì tôi đã chết rồi.

Henry Ward Beecher nhận định như sau: Trong đời này, điều làm cho chúng ta nên giàu có không phải là những gì chúng ta nhận, nhưng là những gì chúng ta từ bỏ. Chết là một sự từ bỏ cuối cùng. Từ bỏ để được giải thoát, được tự do thực sự. Người ta phỏng vấn cha Anthony De Mello, S.J. như sau: Sau khi cha chết, cha muốn người ta nghĩ về cha như thế nào? Ngài trả lời:

     - Lúc tôi còn trẻ và còn hăng say hoạt động, thì lúc đó, tôi muốn người ta nhớ đến tôi như một vị Thánh. Khi tuổi đời già giặn thêm một chút, thì tôi lại muốn người ta nghĩ về tôi là một con người khôn ngoan. Nhưng bây giờ, tôi cảm thấy tôi không còn bị ràng buộc gì nữa và tôi muốn người ta nghĩ về tôi là một con người tự do thực sự.

Chết. Sống. Nô lệ. Tự do. Có nhiều cách chết, nhiều lý do để chết. Bạn muốn chết vì ai? Có nhiều cuộc sống, nhiều lý do để sống. Bạn muốn sống cho ai? Có nhiều thứ nô lệ. Bạn làm nô lệ của ai? Và có nhiều loại tự do. Bạn tìm tự do để làm gì?

 

Lạy Chúa,

Đa số người ta muốn lên

Thiên Đàng

nhưng lại ít có ai thích chết

Chúa có thấy điều này mâu thuẫn không?

mà chẳng lạ gì

vì chết thực sự là một mầu nhiệm

không ai có cơ hội

để kể cho người còn sống biết

có những gì sau bức màn chết,

phải chuẩn bị những gì trước khi chết.

Con mong sớm được gặp Chúa,

được gặp sự thật,

được gặp sự sống,

được gặp Người

cho con sự sống.

Nhưng trước khi con chết,

xin hãy dạy cho con biết sống,

con muốn biến đổi để trở thành

một món quà dễ thương

trao về cho Chúa

là Đấng

đã trở nên món quà vô giá

đã trao ban tình yêu vô điều kiện

để cho con được sống

và sống

một cách sung mãn.

Amen. 

     Bản chất của giản dị là kết qủa tự nhiên của tư tưởng sâu sắc. Hazlitt

Thanh Thủy

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art