Dấu chỉ của một tâm hồn bình an:
Sống vui trong giây phút hiện tại.
Không cảm thấy muốn phê bình hay chỉ trích người khác.
Không hay xét đoán chính mình.
Không muốn xen vào chuyện của người khác.
Không thích gây sự xung khắc với người khác.
Không cảm thấy lo lắng.
Hay khen ngợi kẻ khác.
Cảm thấy gần gũi và hòa đồng với tha nhân và thiên nhiên.
Phản ứng bằng nụ cười qua cái nhìn của con mắt tâm hồn.
Để cho sự việc tự nó xảy ra chứ không bắt buộc.
Đón nhận và chia sẻ tình yêu với tha nhân.
Nếu bạn có tất cả hoặc hầu hết những triệu chứng trên đây, xin báo cho bạn biết rằng tình trạng bình an của bạn rất trầm trọng không thể chữa được. Nếu bạn ở gần những ai có những triệu chứng trên, xin hãy mạo hiểm và cố gắng gần họ, vì trạng thái bình an này đang trong thời kỳ truyền nhiễm. (Khuyết danh)
BÌNH AN: MÓN QUÀ TỪ TRỜI CAO
Tin Mừng Thánh Luca cho chúng ta biết về lời chúc tụng của Thiên Thần khi Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương (Lk 2:14). Món quà bình an đến với loài người ngay từ giây phút đầu Thiên Chúa tỏ hiện tình thương qua mầu nhiệm nhập thể, và còn tiếp tục trao ban cho nhân loại qua con người và giáo huấn của Chúa Kitô.
Hai chữ bình an được nhắc đến 39 lần trong Phúc Âm. Bình an là lời chào mở đầu khi Chúa nhập thể (Lk 3:14); là sứ mạng Chúa trao ban cho các Môn đệ: Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy (Mt 10:13); là một lời ủi an cho những ai được chữa lành: Lòng tin của con đã cứu con, con hãy đi bằng an (Lk 8:48); là con đường đưa những ai tin tưởng đến bến bình an: ... soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tối tử thần, dẫn ta bước vào nẻo bình an (Lk 1:79); là chúc thư Chúa Kitô để lại cho Giáo Hội: Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy (Jn 15:27); Chỉ trong Ta các con mới có sự bình an (Jn 16:33), và là lời chào đầu tiên của Chúa Kitô dành cho các môn đệ sau khi Ngài phục sinh: Bình an cho anh em (Lk 24:36). Ngôn sứ Isaiah thì gọi Chúa Kitô là Hoàng Tử của bình an (Is 9:6). Cũng trong sách Isaiah, có câu viết rằng: Hoa trái của người công chính là sự bình an (Is. 32:17).
Ở trong bất cứ địa vị nào, ai trong chúng ta cũng ao ước sống trong bình an. Ai cũng mong muốn tạo được bình an. Elconora Duse, người nữ tài tử nổi tiếng của Pháp, khi đang trên nấc thang danh vọng, trong một buổi phỏng vấn đã được hỏi: Bà đã được tất cả mọi sự giàu có danh vọng ở trần gian này rồi, thì tôi có thể cầu chúc cho bà điều gì được nữa? Người nữ tài tử, với một giọng nhỏ nhẹ khiêm tốn, thốt lên hai chữ: BÌNH AN!
Bình an là món quà Thiên Chúa ban cho nhân loại, còn nhân loại có thể tặng lại Ngài món quà gì? Khi nhân loại trao tặng quà cho nhau, trước tiên người ta phải có tiền để mua sắm. Ngược lại, trao tặng quà cho Thiên Chúa con người phải biết loại bỏ. Ông Petrarch nhận định rằng ở trong mỗi người chúng ta đều có năm kẻ thù của sự bình an, đó là sự ích kỷ, tham vọng, ghen hờn, giận dữ và kiêu ngạo. Chỉ khi nào loại bỏ được chúng, ta mới chắc chắn hưởng được sự bình an vĩnh cửu. Chỉ khi nào loại bỏ được những kẻ thù của sự bình an này, chúng ta mới biến chúng thành những món quà Thiên Chúa ưa thích.
BÌNH AN VÀ SỰ TĨNH LẶNG NỘI TÂM
Bình an có thể ví như mặt nước hồ trong trạng thái thật phẳng lặng. Chỉ có mặt nước trầm lặng mới phản chiếu được cái đẹp chân chính của bầu trời. Chính trong sự tĩnh lặng đó, ta mới tìm thấy được hình ảnh thật của chính mình, một hình ảnh không bị méo mó, không bị thay hình đổi dạng, từ đó ta sẽ có bình an.
Nói lời bình an thì dễ, trao nhau những cử chỉ bình an cũng không khó lắm, nhưng cảm nghiệm được sự bình an là kết quả của một cuộc kiếm tìm đầy thử thách. Chúa Kitô đã từng phải rời bỏ đám đông, lên núi một mình, để tìm về với thinh lặng của nội tâm. Đa số chúng ta đang sống trong một thực tại ồn ào và hỗn tạp, với những căng thẳng và dồn ép của một xã hội văn minh đặt trọng tâm vào vật chất và ngại ngùng khi phải lặng thinh. Sự thinh lặng bên trong và bên ngoài sẽ giúp chúng ta tìm thấy bình an, tìm lại bình an hoặc tìm về với bình an.
Qua nếp sống của chính Ngài, Chúa Kitô thách đố chúng ta dám bỏ ra một khoảng thời gian nào đó trong ngày, trong tuần, trong tháng, và trong năm để tĩnh tâm, để hồi tâm, để dọn căn nhà nội tâm xứng đáng cho Chúa ngự. Bạn hãy thử đi, sự thinh lặng thẳm sâu trong cung lòng sẽ giúp chúng ta lắng nghe được chính mình, nhìn thấy được con người thật của mình. Chỉ chính trong sự biết mình sâu xa đó, chúng ta mới hiểu được thế nào là bình an.
BÌNH AN VÀ SỰ GẶP GỠ CHÚA
Nếu bình an đến từ Thiên Chúa, thì bình an cũng chỉ tìm được qua những buổi gặp gỡ Chúa. Chính Chúa Kitô đã khẳng định: ... Không ai đến được với Thiên Chúa Cha nếu không qua Thầy (Jn 14:6).
Đối với tất cả những đau khổ và thử thách trong cuộc sống, nếu chúng ta biết đặt chúng giữa sự hiện diện của Chúa, chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng không có vấn đề nào không giải quyết được. Emmanuel Thiên Chúa ở với ta. Bình an là khi ta cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống, đặc biệt là sự hiện diện của Chúa giữa những đau thương và thử thách của cuộc đời. Ơn Cha đủ cho con (2 Cor 12:9).
Chúa chỉ cần chúng ta cố gắng và thật sự muốn nên tốt, và Ngài sẽ làm tất cả. Muốn gặp được Chúa trên con đường thánh thiện, chúng ta cần có một mối thân tình với Chúa. Chúng ta cần dành giờ cho Chúa như một người bạn thân dành giờ cho một người bạn thân. Bình an là phần thưởng cho những ai, sau một cuộc tìm kiếm vất vả, có thể nói được rằng: Tôi đã tìm được một người bạn thân trong đời, người đó tên là Giêsu Kitô.
BÌNH AN KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ KHÔNG CÓ KẺ THÙ
Chúng ta đọc Phúc Âm, chúng ta cầu nguyện với Chúa qua Thánh Kinh không biết bao nhiêu lần, chúng ta đọc kinh Lạy Cha cũng trên dưới mấy trăm ngàn lần trong đời, nhưng có thể chúng ta chưa hiểu thấu những đòi hỏi của Chúa.
Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Mỗi khi gặp nạn trong đời, chúng ta mới thấy mình xa vời giáo huấn của Chúa. Qua Kinh Lạy Cha, Chúa không dặn chúng ta đừng bao giờ có kẻ thù, nhưng Chúa dạy hãy yêu thương kẻ thù. Qua chân lý này, Chúa như thầm nhắn với chúng ta rằng: có kẻ thù trong cuộc sống là một thực tại không tránh được. Biết bao nhiêu lần chúng ta được người khen kẻ mến, và chúng ta coi đó như là một sự thường tình, thế nhưng chỉ cần có một người nào đó bất đồng ý kiến với ta là đời ta có thêm một kẻ thù. Trong cuộc đời, chúng ta không thể định đoạt được bao nhiêu người thương và bao nhiêu người ghét chúng ta, duy có một điều mà chúng ta có thể nắm vững vấn đề là chúng ta có khả năng để yêu thương được bao nhiêu người và ghét bao nhiêu người.
Trong giây phút chúng ta đối diện với Đấng Tình Yêu, Ngài cũng chỉ xét xử dựa trên dữ kiện tình yêu để hỏi chúng ta rằng: Con thương bao nhiêu người? Con ghét bao nhiêu người? Ngài sẽ không hỏi rằng: Con được bao nhiêu người thương mến? Con bị bao nhiêu người chống đối? Ai dám nhận rằng Thiên Chúa thiên vị và không công bằng? Tất cả những tâm địa tốt và xấu sẽ được công minh trước con mắt đầy thương xót của Chúa. Nếu chúng ta bị bách hại nhân danh Chúa thì đó là một hồng ân.
Bạn ơi, chỉ khi nào chúng ta yêu thương kẻ không yêu thương mình thì đó mới là môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Trong những trận chiến giữa các quốc gia, đã có biết bao nhiêu người lính vô tội đã chấp nhận thương tích để đem lại chiến thắng và an bình cho dân tộc của họ. Cũng vậy, để đạt được sự bình an nội tâm, chúng ta cũng phải can đảm chấp nhận những vết thương lòng do chính chúng ta hoặc do những người chung quanh ta, hay có khi do chính những người thân yêu của chúng ta gây ra. Yêu thương thực sự và yêu thương vô điều kiện sẽ bảo đảm cho chúng ta sự bình an thật, sự bình an của một tâm hồn can đảm thắng vượt những đau thương hay thất bại trong cuộc sống, đã kiên trì chờ đợi để những vết thương nội tâm được chữa lành.
BÌNH AN VÀ SỰ THA THỨ
Muốn tìm thấy hay tìm lại sự bình an, bạn hãy tha thứ! Nhưng bạn sẽ nói rằng: đối phương làm những chuyện không thể chấp nhận và không thể tha thứ được!!! Không sao, bạn cứ giữ lấy những hận thù đó trong tâm hồn vì tha thứ phải là một sự lựa chọn chứ không thể mua chuộc hay ép buộc được. Chọn không tha thứ là chọn sống không có bình an. Chọn không tha thứ là từ chối một thứ hạnh phúc đích thực Chúa Kitô hứa ban cho con người. Hãy thông cảm với tha nhân như Thiên Chúa từ nhân đã, đang và sẽ còn phải thông cảm với những yếu đuối và bất toàn của bạn. Chọn không tha thứ là gián tiếp nói rằng tôi là người không có tội và không bao giờ cần sự tha thứ. Tất cả mọi trận chiến đều bắt đầu từ trong tâm địa của con người. Chọn không tha thứ là chọn sống trong lo sợ và bất ổn của cuộc chiến nội tâm, cuộc chiến đấu giữa cái tôi kiêu căng và lời mời gọi nên thánh của Chúa Kitô. Khi bạn chọn sự tha thứ là bạn an bình nói với cái tôi của mình rằng: Ta đã thắng, và xin nhớ rằng mi không phải là cái rốn của vũ trụ. Ta chọn tha nhân chứ không chọn mi! Cái tôi kiêu căng là kẻ thù số một của những tâm hồn đi tìm sự an bình. Kẻ thù của sự tha thứ thường nằm ngay trong chính nội tâm của chúng ta.
BÌNH AN VÀ SỰ KHIÊM TỐN
Một trong nhiều câu truyện kể về các thánh tu hành trong sa mạc, có câu truyện do Abbot Macarius kể: Một hôm trên con đường về căn chòi của mình, thầy dòng Macarius gặp một quỷ với thái độ rất bất mãn. Thầy gạn hỏi: Chuyện gì vậy?
Quỷ liền đáp: Macarius, thầy biết không, tôi rất khổ tâm khi không thắng được thầy.
Tại sao vậy? Thầy dòng thánh thiện hỏi lại.
Tôi cố gắng làm tất cả những điều thầy làm. Thầy ăn chay tôi cũng nhịn đói được. Thầy tỉnh thức cầu nguyện tôi cũng thức suốt đêm được, nhưng chỉ có một điều duy nhất tôi không làm được như thầy!
Điều gì vậy?
Đó là sự khiêm nhường. Chính vì vậy mà tôi không thắng được thầy. Không qua mặt được thầy, thì tôi cũng không thể cám dỗ được thầy.
Sự khiêm tốn đã đem lại cho thầy dòng Macarius sự bình an. Sống dễ thương với hết mọi người thì bạn sẽ có bình an. Sống đơn sơ không đòi hỏi bạn sẽ cảm nghiệm được bình an. Sống khiêm tốn và chấp nhận cuộc sống thì bạn sẽ thấy bình an. Hãy trao ban cho tha nhân những gì bạn lãnh nhận nhưng không thì sẽ nếm được bình an. Có lẽ thầy dòng Macarius đã nhận ra được năm kẻ thù chính của sự bình an! Bạn có tin rằng trạng thái bình an và tâm tình khiêm tốn là hai đôi bạn thân không? Bạn cứ thử xem và sẽ cảm nghiệm được. Lời của Thánh Phaolô tông đồ thách thức chúng ta:
Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong thần khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô (Phil 2:1-4).
BÌNH AN VÀ SỰ THẬT
Một trong những vụ án của cuối thế kỷ thứ hai mươi được nhiều người theo dõi nhất là vụ án của O.J. Simpson. Một vụ án đã làm cho nhiều người mất ăn mất ngủ và mất cả bình an, chưa kể đến sự mất mát công sức và tiền bạc của dân chúng, cũng chỉ vì một thủ phạm nào đó đã không dám nói lên sự thật, một thủ phạm nào đó đã nghĩ rằng họ có thể dối lòng và giấu Chúa.
Trên trần gian này, người ta có thể lừa dối nhau, nhưng một ngày nào đó tất cả sự thật sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Căn bản của bình an là chính Chúa, và bí quyết của sự bình an là chính sự tin tưởng vào Chúa. Tin rằng không bao giờ Chúa sẽ để cho kẻ lành bị oan uổng. Tin rằng không có một ác ý nào có thể qua mặt được Thiên Chúa. Hãy sống thật với lòng mình để lúc nào chúng ta cũng sẵn sàng khi Thiên Chúa nhắn thần chết đến mời ta trở về quê hương thật.
Đọc đến đây, xin bạn hãy tự hỏi mình một câu: Nếu ngay giây phút này tôi phải chết, tôi có gì phải ân hận không? Có điều gì trong tôi phải biến đổi để tôi sẵn sàng ra đi trong an bình? Nếu bạn là người biết chắc được giờ chết của mình, thì bạn không cần phải bận tâm với những câu hỏi trên.
BÌNH AN VÀ SỰ CHẾT
Trong băng nhạc 50 Năm Đời Vẫn Hát của Khánh Ly, người giới thiệu bài hát đầu tiên là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông nói đến sự quan trọng của việc sống tử tế với nhau bằng một tấm lòng tốt. Theo ông thì nếu không có tấm lòng tốt đó, ông đã không tồn tại cho đến hôm nay. Bài hát kết thúc băng nhạc là bài Những gì đem theo vào cõi chết của Phạm Duy. Bài này có nội dung như sau:
Rồi mai đây tôi sẽ chết, trên đường về nơi cõi hết, tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?
Rồi mai đây, tôi hóa kiếp, trong lòng còn bao luyến tiếc, tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?
Tôi không đem theo với tôi được tiền tài hay danh vọng.
Tôi không đem theo với tôi được gái đẹp hay rượu nồng.
Tôi không đem theo với tôi được lầu vàng hay gác tía.
Tôi không đem theo với tôi mộng giàu sang phú quí.
Tôi xin đem theo với tôi một nụ cười không nghi ngại,
Tôi xin đem theo với tôi đôi mắt trẻ thơ đẹp ngời...
Nếu có được tấm lòng tốt với nhau thì chỉ cần đem tấm lòng đó vào cõi chết là đủ rồi. Cái chết sẽ cướp đi của con người tiền bạc, danh vọng, địa vị, thân xác, nói chung là những gì không vĩnh cửu. Nhưng một tâm hồn tốt thì muôn đời sẽ không bao giờ sợ mất mát trước giờ chết, không bao giờ sợ cái chết và sẽ không bao giờ chết. Tất cả những cái tốt họ đạt được đều dễ dàng mang theo vào cõi chết, vì những điều tốt đó đều đến từ trong tâm hồn, được giữ trong thẳm sâu của tâm hồn và là lương thực nuôi dưỡng tâm hồn bất tử. Người ta thấy ghi khắc trên bia mộ của một người câu sau đây: Những gì tôi đã tiêu dùng thì đã mất; những gì tôi đang có, tôi phải nhường lại cho kẻ khác; chỉ những gì tôi đã cho đi, sẽ mãi mãi là của tôi.
Người bình an là người sống trọn vẹn cho những gì có thể đem theo vào cõi chết. Bạn hãy cùng tôi, chúng ta hãy luôn suy niệm về cái chết của chính mình, bạn sẽ thấy yêu đời hơn trong cuộc sống và bình an hơn khi gần gũi với sự chết.
BÌNH AN VÀ CÔNG LÝ
Chết cho cái tôi ích kỷ, kiêu căng và chết cho chính mình là năng lực sống của những ai đi tìm kiếm công lý và hòa bình cho tha nhân. Chết để biết sống là một mâu thuẫn rất cần thiết cho những ai muốn làm môn đệ của Giêsu Kitô.
Nếu ngày xưa Chúa Kitô đã không làm ngơ trước những bất công của xã hội Do Thái, thì ngày nay người Kitô hữu cũng không thể bình an chứng kiến những bất công đang diễn ra chung quanh xã hội họ đang sống. Cho đến khi nào con người biết đối xử với nhau như chính Thiên Chúa đối xử với con người, thì lúc đó mới có sự bình an thực sự. Bình an là khi ta xử sự với mọi người, không phân biệt tài năng, giai cấp, chủng tộc vv... như ta đối xử với chính Chúa. Mỗi người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, và mọi người đều có quyền được đối xử tốt đẹp ngang nhau. Bình an cá nhân sẽ dẫn chúng ta đến những thao thức kiếm tìm bình an cho cộng đoàn. Sau khi Mẹ Têrêsa Calcutta lãnh giải Nobel Hòa Bình năm 1979, có người phỏng vấn Me như sau:
Đâu là bí quyết thành công của Mẹ? và Mẹ Têrêsa đã trả lời: Trong Phúc Âm, tôi không thấy có đoạn nào Chúa bảo phải thành công mà Chúa chỉ dậy rằng hãy cố gắng. Mẹ đã sống đúng linh đạo đó khi xác quyết rằng:
Thành quả của sự thinh lặng là cầu nguyện,
thành quả của sự cầu nguyện là yêu thương,
thành quả của tình yêu thương là phục vụ,
và thành quả của sự phục vụ là bình an.
Một danh nhân khác cũng có cái nhìn tương tự như Mẹ Têrêsa: Khi tôi ngủ, tôi mơ rằng cuộc đời là niềm vui; Lúc thức dậy, tôi thấy rằng cuộc đời là phục vụ; Khi phục vụ, tôi mới thấy rằng phục vụ là niềm vui. (Tagore).
BÌNH AN VÀ NIỀM VUI
Ai nói rằng mình bình an thực sự mà thiếu vắng niềm vui, quả thực người đó là người nói láo. Thánh Phaolô tông đồ đã không vô tình khi sắp đặt bộ ba tình yêu, niềm vui và bình an bên cạnh nhau (Gal 5:22-23).
Vui đây không phải là cái vui ồn ào nơi những phòng trà hay buổi tiệc. Vui đây là niềm vui sâu thẳm, niềm vui an bình mà chỉ có những ai cảm nghiệm được, mới chia sẻ niềm vui đó cho người khác. Một thứ niềm vui không đòi hỏi, không phê bình chỉ trích, không than thân trách phận. Một thứ niềm vui biết thông cảm, không sợ dấn thân, không tính toán thành công hay thất bại mà chỉ vui vì mình đã sử dụng với trọn vẹn khả năng để làm lợi nén bạc được ban phát. Đây là niềm vui ẩn giấu trong thửa ruộng của nước trời mà người đi tìm phải đánh đổi tất cả để đạt được niềm vui đó.
Vì chưa là thần thánh, nên chúng ta vẫn miệt mài đi tìm sự bình an. Bình an đến rồi bình an lại đi. Tìm được bình an rồi lại mất bình an. Nhưng không vì vậy mà chúng ta ngừng kiếm tìm, vì Chúa là Chúa của sự bình an. Hãy đáp lại tình yêu thương của Chúa để luôn mời gọi sự bình an, để dành chỗ cho bình an trong tâm hồn, để dám lao nhọc cho sự bình an, bình an của tôi, của bạn, của chúng ta. Bình an trong gia đình, nơi học đường, ngoài phố chợ, tại công sở. Bình an cho đất nước của tôi, của chúng ta và bình an bao trùm thế giới.
Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo đã có biết bao anh hùng đã cảm nghiệm được sự bình an thật của Chúa Kitô. Ba phụ nữ trong hàng ngũ môn đệ thánh thiện đó đã để lại cho chúng ta những bí quyết đạt đến sự bình an như sau: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu chọn châm ngôn: Tất cả là hồng ân. Thánh Têrêsa Avila xác quyết rằng tất cả mọi sự trên đời này sẽ qua đi, do đó chỉ một mình Thiên Chúa tồn tại và cần thiết trong đời ta. Mẹ Têrêsa Calcutta thì chủ trương rằng Bác ái phải được ưu tiên trên hết mọi sự.
BÌNH AN
Cha đến cho con sự bình an
Chẳng phải theo mùa của thời gian
Bình an thứ ấy qua nhanh lắm
Ngày tháng trôi đi sẽ héo tàn.
Chẳng phải bình an tự bài ca,
Người nghe sẽ nhung nhớ thiết tha;
Chẳng phải bình an từ thiệp chúc
Lời lẽ văn hoa cũng chóng nhòa.
Cũng chẳng phải là thứ bình an
Từ nơi máng cỏ được trang hoàng
Bình an thứ ấy xa hoa quá
Thực tế nhiều khi rất nghèo nàn.
Cha muốn tặng con, con mến thương
Một thứ bình an thật tầm thường
Bình an từng ngày, trong thân quyến;
Công nhân, tài xế, cậu sinh viên.
Bình an ở giữa những văn phòng,
Nhà bếp, trại cây, với cánh đồng...
Cha đến đem theo bình an đến
Như là quà tặng đượm hương nồng.
Bình an, vì con chấp nhận mình
Nguyên tuyền như đã được tạo sinh.
Bình an khi Cha, con cùng hiểu
Chính con, tâm trí với tính tình.
Bình an khi con tự yêu con
Như Cha yêu với tấm lòng son
Bình an, với chính con hiện tại
Như Cha hiện hữu với nhân gian.
Cha đến đem theo bình an đến
Một thứ bình an chẳng héo tàn.
Bình an, khi sứ mệnh hoàn thành;
Bình an thấm nhập cõi lòng thanh.
Khi chiều đang tới, hoàng hôn xuống
Kết thúc một ngày qua rất nhanh.
Bình an, khi ngày mới sáng dần
Giúp con chịu đựng chẳng ngại ngần.
Bình an khiến con nên vững dạ
Khi vừa thuận thảo với tha nhân;
Bình an cho con niềm cảm xúc
Khi gia đình sống với tình thân.
Thiếu sự bình an, thật uổng công
Cha đến, thì cũng thể như không
Chuyện Cha xuống thế, quên đi được
Và mâu thuẫn thay đêm Giáng sinh!
Thanh Thủy