Chủ Nhật, 17 Tháng Sáu, 2012

Tha thứ đòi hỏi của tình yêu

Nước Trời cũng giống như truyện một ông vua kia muốn đòi các tôi tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng. Y không có gì đền trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con. Bấy giờ tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết. Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ và bảo: Trả nợ cho tao! Bấy giờ người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả cho anh.” Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.

Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ tôn chủ cho đòi y đến và bảo: Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bọn như chính ta đã thương xót ngươi sao? Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ.

Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình. (Mt 18:23-35)

 

Nếu bạn đọc theo dõi những bài viết trước thì không thể không nhận thấy rằng đề tài tha thứ được đề cập đến trong hầu hết mọi bài viết, dưới nhiều đề tài khác nhau. Tha thứ chắc chắn là con đường Chúa Kitô đã đi xưa. Tha thứ là một thực tại không thể thiếu trong đời người môn đệ Kitô. Tha thứ là bảo đảm đưa chúng ta đến sự sống sung mãn trong Thiên Chúa.

Thay vì lập lại chủ đề tha thứ như những bài viết khác, xin mời bạn đọc, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu Kinh Lạy Cha mà Chúa Kitô đã dạy chúng ta để tín xác hơn về đòi hỏi tha thứ của Chúa Kitô. Kinh Lạy Cha cũng có thể được xem như là lời kinh mời gọi sự tha thứ.

Kinh Lạy Cha là lời kinh duy nhất mà Chúa Kitô đã dạy cho các môn đệ và đã trở thành lời kinh của Giáo Hội. Kinh lạy Cha là bản tóm lược tất cả Phúc Âm, và Phúc Âm không gì khác hơn là sự diễn đạt cuộc đời Chúa Kitô dựa trên hai giới răn căn bản là mến Chúa và yêu người.

Kinh Lạy Cha bắt đầu bằng một lời ca ngợi, chúc tụng và thờ lạy, sau đó là bảy lời cầu xin. Ba lời nguyện đầu hướng về Thiên Chúa và vì Thiên Chúa, còn ba lời nguyện sau liên quan đến con người được coi như con đường dẫn đến Thiên Chúa.

Kinh Lạy Cha không những chỉ được xem như lời kinh của Chúa Kitô mà còn là một phương thức cầu nguyện: Qua phép Rửa Tội, người Kitô hữu được tham dự vào cuộc sống Thiên Chúa trong Chúa Kitô.

Kinh Lạy Cha được coi như trung tâm điểm của bộ Thánh Kinh. Thánh Augustinô nhận định: Anh em hãy rảo qua tất cả các lời cầu nguyện trong Thánh Kinh, tôi tin rằng anh em không thể tìm thấy ở đó một điều gì không gồm lại trong lời kinh của Chúa.

Chúa Kitô là thầy dạy cầu nguyện, Ngài cũng là Ngôi Lời Nhập Thể, nên Ngài biết rõ trong trái tim con người của Ngài những nhu cầu của nhân loại, đặc biệt là nhu cầu tha và được tha. Trong tất cả các truyền thống phụng vụ, Kinh của Chúa luôn là thành phần tất yếu của các giờ kinh nhật tụng. Nhưng nhất là nơi ba bí tích của việc gia nhập Kitô giáo: Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể.

 

Lạy Cha!

Chúa Kitô dạy cho chúng ta đến với Thiên Chúa với niềm tin tưởng trọn vẹn, đơn sơ nhưng trung thành, khiêm tốn và vui tươi. Cha ơi! Chúa Kitô dạy chúng ta gọi Thiên Chúa Cha là Cha. Tiếng Abba thân mật này có thể ví như tiếng người con thân thương gọi Bố ơi! Nếu Chúa Kitô dạy chúng ta như thế, thì qua hồng ân đó, chúng ta được nhận làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Đã là nghĩa tử của người Cha đồng hóa mình với tình yêu thì chắc chắn, phận làm con cũng dám tin tưởng rằng mình đáng được yêu thương (Eph 3:12). Lời Kinh Lạy Cha mạc khải cho chúng ta về sự cao sang của Thiên Chúa và thân phận yếu hèn nhưng được Chúa yêu của nhân loại. Chúa Kitô đã khẳng định: Không ai đến với Cha mà lại không qua Thầy (Jn 14:6). Chỉ có tình Cha mới rộng lượng để tha thứ cho con của mình.

Khi gọi tiếng Cha ơi! Bố ơi! trong yêu thương, chúng ta phải làm gì để đền đáp tình yêu đó? Chỉ có một con đường duy nhất là chúng ta phải luôn ước ao đổi mới, để trở nên giống Chúa Kitô, người mà Chúa Cha gọi là con yêu dấu. Thánh Gioan Kim Khẩu nhắc nhở rằng chúng ta không thể cùng lúc gọi Thiên Chúa tốt lành vô cùng là Cha của mình, trong khi tâm địa của mình thì vô nhân đạo và độc ác. Phải có một tâm hồn khiêm nhường và phó thác để trở lại tình trạng trẻ thơ đáng được chúa yêu, vì Chúa chỉ tỏ mình Ngài ra cho những ai bé mọn (Mt 11:25).

 

Cha chúng con

Chúa Kitô dạy chúng ta gọi Chúa Cha là Cha của chúng con chứ không phải là của riêng con. Chúng ta có thể rút ra ba bài học từ điểm này:

Là con cùng một Cha, Kitô hữu không phân biệt giai cấp và không thể có thù ghét và chia rẽ. Tình yêu Thiên Chúa chiếu giãi trên mọi người bằng nhau, không ai kém ai, không ai hơn ai. Ý thức được điều này, chúng ta sẽ sẵn sàng phục vụ cho một Giáo Hội hiệp thông mà Chúa Kitô là trưởng tử. Ý thức được điều này, Kitô hữu không thể sống riêng rẽ và cầu nguyện cho mình mà thôi. Ý thức được chúng ta là một đại gia đình thân thiết, không thể không có sự tha thứ.

Chữ chúng con giúp chúng ta quên đi chủ nghĩa cá nhân. Một chủ nghĩa đang được nhân loại ưa chuộng và có thể được xem là mầm mống cho nhiều sự ích kỷ đưa đến những đổ vỡ đau thương.

Chữ chúng con nhắc nhở chúng ta nhiệm vụ loan truyền Tin Mừng của Chúa đến cho muôn dân. Trước hết Tin Mừng phải được loan truyền cho muôn dân (Mk 13:10).

 

Ở trên Trời

Trời đây không có nghĩa là Thiên Đàng, hay một nơi chốn nào đó. Chữ Trời nói lên uy quyền của Thiên Chúa. Ngài vượt quá tất cả những gì ta có thể quan niệm về sự Thánh Thiện của Ngài.

Trời còn có thể hiểu được là tâm hồn của những người công chính, tâm hồn của những người mang hình ảnh của trời cao. Trời là nhà của Chúa, và vì chúng ta là con, nên trời cũng là nhà của chúng ta. Nhờ vậy chúng ta có được cái cảm giác an bình khi gần gũi những người công chính.  Là công dân của nước Trời, chúng ta phải luôn hướng lòng về trời, vì của bay ở đâu thì lòng bay ở đó (Mt 6:21). Đồng thời chúng ta cũng phải thi hành Hiến Chương của Nước Trời là Tám Mối Phúc Thật Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta. Phúc cho những ai có tấm lòng trong sạch vì họ sẽ được xem thấy Chúa. Tấm lòng trong trắng là tấm lòng tha thứ, quên đi mọi hận thù. Phúc cho ai là sứ giả hoà bình, họ sẽ được gọi là con của Chúa. Sứ giả hòa bình là sứ giả rao giảng và thi hành sự tha thứ.

 

Danh Cha cả sáng

Mỗi khi đọc lời cầu xin này, chúng ta không thể sống bê bối trong tội lỗi được. Vì mỗi lần chúng ta phạm tội, là mỗi lần danh Chúa bị bôi nhọ. Chúng ta hãy ý thức để có một cuộc sống thánh thiện, yêu thương, không vết nhơ trước mặt Chúa. Nếu Chúa Kitô khẳng định Thiên Chúa là tình yêu thì tâm hồn Kitô hữu cũng phải tràn đầy tình yêu.

Chúng ta hãy sống theo lời mời gọi của Thánh Phaolô: Anh em hãy bắt chước tôi, vì tôi bắt chước chúa Kitô (Phil 3:17). Bạn và tôi, chúng ta hãy can đảm để làm rạng danh Chúa như Thánh Phaolô. Chính Chúa Kitô làm gương cho chúng ta trong việc tuyên xưng danh Cha Ngài: Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất. Lạy Cha cả sáng, xin Cha giữ mãi trong danh Cha những kẻ mà Cha đã ban cho con. (Jn 17:4-11). Sống không tha thứ là chúng ta bôi nhọ danh Chúa Kitô, vì Ngài luôn luôn chủ trương yêu thương và tha thứ.

 

Nước Cha trị đến

Chính Thánh Phaolô xác định về nước của Chúa: Nước của Thiên Chúa là nước công chính, an bình và vui vẻ trong Chúa Thánh Thần (Rm 14:17). Thánh Cyril thành Giêrusalem viết: Chỉ những tâm hồn trong sạch mới có thể vững vàng cầu xin rằng Nước Cha trị đến. Phải đã đến học trường thánh Phaolô mới có thể nói: Đừng để tội lỗi thống trị trong thân xác hay chết của chúng ta nữa! (Rm 6:12). Ai giữ mình thanh sạch trong hành vi, trong tư tưởng và trong lời nói, người đó có thể thưa với Thiên Chúa: Nước Cha trị đến! Giữ mình thanh sạch cũng có thể hiểu là trút bỏ khỏi tâm hồn tất cả những ưu tư phiền muộn người khác gây ra cho mình. Trong sạch như tờ giấy trắng đã được tẩy xóa những vết nhơ vô tình cũng như cố ý.

Nghĩ đến nước của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải nghĩ đến ngày chúng ta trở thành công dân đích thực của Nước Trời. Sống tại Hoa Kỳ, chúng ta có thể biết được giai đoạn hoặc điều kiện nào thì có thể trở thành công dân Hoa Kỳ, nhưng đối với công dân Nước Trời, thì hoàn toàn không ai biết ngày đó. Chúng ta cần luôn sẵn sàng tỉnh thức và cầu nguyện. Ý thức này giúp chúng ta sống giây phút hiện tại cho sung mãn để không phải ngỡ ngàng hoặc muộn màng khi Ngài đến gọi.

 

Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời

Phúc Âm Thánh Mát-thêu có sáu lần đề cập đến ý muốn của Thiên Chúa: 6:10; 7:21; 12:50; 18:14; 21:31; 26:42. Chúa Kitô làm gương cho chúng ta trong lãnh vực này: Thầy luôn làm điều đẹp ý Ngài” (Jn 8:29), và trong cơn đau tận cùng tại vườn cây dầu, tuy đau đớn, nhưng Chúa cũng đã thốt lên: Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha (Lk 22:42). Nếu Chúa Kitô đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá, chúng ta lẽ nào lại từ chối vâng theo ý Chúa Cha? Ý của Thiên Chúa luôn muốn cho chúng ta yêu thương nhau chân thật như Chúa đã yêu chúng ta. Yêu thương chân thật chỉ đạt được nếu chúng ta biết tha thứ.

Trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta hơi vội vàng lên án Chúa, nhất là mỗi khi chúng ta gặp những trái ý. Đừng nhìn hiện tại ngay trước mắt, hãy nhìn một quãng đường đã đi qua, để nhận ra bàn tay quan phòng của Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời, để biến buồn thành vui, biến bi quan thành niềm hy vọng trong Thiên Chúa là Đấng toàn năng.

Thánh Gioan Kim Khẩu viết: Anh em hãy xem Chúa Giêsu dạy chúng ta ở khiêm nhường thế nào, đó là bằng cách cho chúng ta thấy rằng nhân đức của chúng ta không chỉ do việc làm của chúng ta, nhưng còn do ân sủng của Thiên Chúa. Ở đây Ngài truyền dạy mỗi tín hữu cầu nguyện, hãy cầu nguyện cho tất cả thế giới. Bởi vì Ngài không nói ý Cha thực hiện ở nơi tôi hoặc nơi bạn, nhưng là trên khắp trái đất, hầu sự sai lầm được bài trừ khỏi trái đất, chân lý được ngự trị, nết xấu bị hủy diệt, nhân đức được trổ hoa, và tất cả trái đất này không khác gì trời cao.

Chỉ có kiên tâm cầu nguyện, chúng ta mới có thể nhận ra đâu là Thánh Ý Thiên Chúa (Rm 12:2; Eph 5:7). Chỉ có sự kiên tâm cầu nguyện chúng ta mới can đảm tha thứ để có được một cuộc sống không khác gì trời cao mà Thánh Gioan Kim Khẩu bàn tới ở trên.

 

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày

Lời cầu xin đây nói lên sự trống rỗng và nghèo nàn của chúng ta. Tất cả những gì ta có là do Chúa ban, không có gì tự mình làm ra. Cả cuộc sống của nhân loại là ơn của Thiên Chúa ban. Do đó người kiêu ngạo là người sống trong ảo tưởng. Người sống trong sự thật là người luôn biết ơn Chúa.

Một khi Thiên Chúa đã ban sự sống cho con người, thì không lẽ nào Ngài lại không ban lương thực để nuôi con cái của Ngài. Sở dĩ chúng ta có sự chênh lệch về tài nguyên là vì nhân loại không biết thương nhau, quá ích kỷ và không dám chia sẻ với anh chị em những gì mình có. Bánh ở đây chúng ta có thể hiểu là tất cả những gì cần thiết cho sự sống toàn diện Thiên Chúa ban cho con người trong Chúa Kitô về phương diện thể lý, tâm linh, kiến thức, xã hội v.v. Đặc biệt là cơm bánh ăn hằng ngày, lời của Chúa nuôi dưỡng tinh thần và Mình Máu Thánh Chúa Kitô, lương thực nuôi linh hồn. Thiếu bánh này là thiếu sự sống trong mình ta.

Hãy tin tưởng và phó thác vì Thiên Chúa luôn ban cho chúng ta lương thực cần thiết và tất cả những của cải xứng hợp về vật chất và tinh thần. Thánh Cypriano nói: Ai có Thiên Chúa thì không thiếu gì hết, miễn là người đó không thiếu bổn phận đối với Thiên Chúa. Thánh Benedicto chủ trương cầu nguyện và làm việc. Bổn phận của chúng ta là cầu nguyện và làm vinh danh Chúa trong mọi sự, điều này trái ngược với đường lối của thế gian, luôn mời gọi chúng ta hãy kiếm cho thật nhiều tiền và hưởng thụ. Một danh nhân đã suy nghĩ như sau về sự quan phòng của Thiên Chúa: “Khi cầu nguyện, bạn hãy cầu nguyện như thể tất cả mọi sự tùy thuộc ở Thiên Chúa, và khi làm việc, bạn hãy làm việc với lòng hăng say như thể mọi sự tùy thuộc ở nơi mình. Cầu nguyện và làm việc là hai người bạn không thể thiếu nhau trong đời.

Lương thực không chỉ là cơm bánh để ăn. Thiết tưởng việc bác ái dễ dàng nhất là cho kẻ đói ăn, chỉ cần chút tiền, chút thời giờ là làm được, không phí tổn nghị lực tinh thần. Chúng ta cần hiểu rộng hơn về chữ nghèo. Có rất nhiều loại nghèo khổ trên đời này mà chúng ta ít nghĩ tới: Đối với một người đang làm tổn thương danh dự của ta, hãy nghĩ rằng họ đang nghèo nhân đức và rộng lượng cho họ sự tha thứ của mình.

Đối với người chưa biết đến lời của Chúa, hãy tìm giờ đem lương thực Lời Chúa đến cho họ. Chúng ta không thể cho nếu mình không có. Điều này đòi hỏi chúng ta phải làm bạn với Thánh Kinh.

Đối với người cô đơn thiếu tình thương, hãy đem tình thương của Chúa Kitô đến an ủi họ, và dĩ nhiên, trước hết chúng ta phải là người cảm nhận được tình thương yêu tuyệt vời đó.

Đối với người nghèo về kiến thức, hãy tha thứ những lý luận sai lầm và ngoan cố của họ. Hãy cầu nguyện cho họ thay vì đấu lý với họ.

Đối với người nghèo Chúa Kitô, hãy nuôi họ bằng gương sáng của chính mình, gương sáng của một Kitô hữu luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô qua bí tích Thánh Thể, để chúng ta hãnh diện vì được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Hằng ngày hiểu theo ngôn ngữ Hy lạp épiousios còn có nghĩa là những gì cần cho cuộc sống, hoặc tất cả những gì cần cho sự sống còn. Ngày hôm nay là ngày của Thiên Chúa, ngày của tiệc Nước Trời, được nếm trước trong Thánh Thể, vì qua Thánh Thể chúng ta nếm trước được Nước Chúa đang đến. Đó là lý do phụng vụ Thánh Thể cần được cử hành mỗi ngày.

 

Xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”

Trong bản Kinh Lạy Cha của Mát-thêu thì dùng chữ món nợ còn Luca thì dùng từ tội lỗi. Là thân phận con người, chúng ta luôn luôn là kẻ mang nợ: nợ người nông phu cấy lúa cho chúng ta ăn, nợ ông đổ rác, nợ bác đóng giầy, nợ em bé bán báo, nợ người phu quét đường. Mặc dầu chúng ta trả tiền cho những dịch vụ trên, nhưng nếu không có ai làm những việc đó, thì thử hỏi cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao? Chấp nhận nợ nần là chấp nhận sống trong một tập thể với tình tương thân tương trợ. Chấp nhận nợ nần là chấp nhận tâm tình biết ơn nhau, là chấp nhận tha những món nợ cho nhau. Hãy biết ơn về những món nợ vật chất cũng như những món nợ tinh thần.

Đây là một lời cầu xin khó nhất mà đa số chúng ta xin một cách vô ý thức. Lời cầu xin này chỉ được nhận lời, với điều kiện chúng ta đáp lại một đòi hỏi trước đã. Chúng ta chỉ được tha một khi mà chúng ta đã tha. Mỗi khi từ chối tha thứ cho anh chị em, đó là lúc lòng của chúng ta khép lại. Sự cứng cỏi của tâm hồn làm cho tình yêu đầy thương xót của Chúa không thể nhập vào được. Tha thứ cho tha nhân là một điều kiện phải chu toàn trước khi hưởng sự tha thứ của Thiên Chúa. Nghĩ đến dụ ngôn người làm vườn nho, chúng ta thường hay lên án cho Chúa là không công bằng. Người làm nhiều cũng như người làm ít, người đến sớm cũng bằng người đến muộn. Ai cũng được trả lương bằng nhau. Chúng ta quên rằng Thiên Chúa là Chúa giầu lòng thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung. Chúa không mắc nợ chúng ta điều gì hết. Ngài có quyền ban phát tùy lòng xót thương của Ngài. Chính chúng ta là những người mắc nợ nhau, những món nợ tha thứ. Qua Kinh Lạy Cha, Chúa Kitô minh chứng một cách mạch lạc tính chất công bằng của Thiên Chúa Cha, điều mà ít có ai nghĩ tới. Chúng ta chỉ đòi hỏi được tha nhưng lại không buộc mình phải tha thứ cho kẻ khác. Tha thứ cho nhau chính là điều kiện Thiên Chúa đòi buộc mỗi người chúng ta.

Tha thứ là một sự đổi mới của tâm hồn, một metanoia mà Chúa Kitô luôn nhắc nhở chúng ta. Không những Chúa đòi buộc chúng ta tha thứ cho nhau mà Chúa còn dạy cho chúng ta dám xin sự tha thứ của kẻ khác. Trong Phúc Âm có rất nhiều bài học Chúa dạy về sự tha thứ:

Thật thế, nếu các con tha cho người ta lỗi phạm của họ, Cha các con trên trời cũng sẽ tha cho các con; nhưng nếu chúng con không tha cho người ta, Cha các con cũng sẽ không tha thứ lỗi lầm các con (Mt 6:14-15).

Nếu các con đến dâng của lễ của mình ở bàn thánh và nếu ở đó con nhớ rằng người anh em của con có cái gì nghịch với con, con hãy để của lễ dâng ở đó trước bàn thánh và đi làm hòa với anh em con trước đã; sau đó hãy đến dâng của lễ của mình (Mt 5:23-24). Cha trên trời cũng sẽ xử với các con như thế, nếu mỗi người trong các con không tha cho anh em mình tự đáy lòng (Mt 18:35).

Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm (Lk 23:34). Một đòi hỏi táo bạo khác của Kitô Giáo là đòi hỏi phải yêu thương và tha thứ cho kẻ thù của mình. Tha thứ là một trong những đỉnh cao của lời cầu nguyện Kitô giáo: hồng ân cầu nguyện chỉ có thể được nhận lãnh bởi những trái tim đập cùng một nhịp với lòng thương xót của Chúa. Sự tha thứ cũng chứng tỏ rằng nơi thế giới của chúng ta, tình thương vẫn mạnh hơn tội lỗi. Anh em đừng mắc nợ ai hết, trừ nợ thương yêu nhau (Rm 13:8).

 

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ.

Thiên Chúa là Cha yêu thương, Ngài không cám dỗ ai hết, Ngài cũng không dẫn ai vào sự cám dỗ, vì chính Chúa Kitô cũng đã bị cám dỗ (Lk 11:2). Thư Thánh Giacôbê nói rõ: Khi bị cám dỗ, đừng có ai nói rằng việc tôi bị cám dỗ là do Thiên Chúa, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ để làm điều ác và cũng không cám dỗ ai (Jas 1:13). Chúng ta cần phân biệt giữa sự cám dỗ và thử thách: Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta phân biệt một bên là sự thử thách cần thiết cho sự tăng trưởng nội tâm, hướng tới một nhân đức đã được thử thách (Rm 5:3-5), và bên kia là sự cám dỗ dẫn tới tội lỗi và sự chết. Thánh Phaolô cam kết: Không một sự cám dỗ nào xẩy đến cho anh em mà vượt quá sức con người. Thiên Chúa trung thành sẽ không để anh em bị cám dỗ quá sức của anh em. Cùng với cơn cám dỗ, Ngài sẽ ban cho anh em phương tiện để thoát khỏi, và ban cho anh em sức mạnh để chịu đựng (1 Cor 10:13). Điều chúng ta cầu xin là đừng để chúng ta xem thường những cơ hội nguy hiểm là dịp cho ta vướng mắc vào vòng tội lỗi.

Nếu nghĩ rằng trường đời là một cuộc chiến đấu, thì chúng ta cần cầu nguyện liên lỉ để dám quyết tâm trước những cám dỗ, để chúng ta đừng đùa giỡn với lửa. Chơi với lửa, sớm muộn sẽ có ngày bị chết cháy. Chúng ta cần cầu xin để ý thức được sự yếu đuối cũng như giới hạn của mình. Sự cầu nguyện sẽ giúp chúng ta được ơn bền đỗ đến cùng. Hãy cầu nguyện và tỉnh thức, kèm theo với ăn chay và hãm mình như Chúa Kitô đã dặn chúng ta, vì ma quỷ sàng chúng con như sàng gạo (Lk 22:31-32).

Đứng trước những thử thách, chúng ta xin ơn đừng bỏ cuộc. Các Thánh khác chúng ta ở chỗ họ đã không bỏ cuộc. Sự cám dỗ nguy hiểm nhất là sự cám dỗ mất niềm tin, cám dỗ nghi ngờ tình thương của Chúa, cám dỗ làm mất hứng khởi trên con đường theo Chúa. Hãy tin tưởng Chúa Kitô luôn ở bên và phù trợ cho chúng ta: Con không xin Cha đưa họ ra khỏi thế gian, nhưng xin giữ họ khỏi kẻ dữ (Jn 17:15).

 

Xin ơn bình an và kiên trì đợi ngày Chúa Kitô trở lại

Tóm lại, qua việc xin bánh hằng ngày, chúng ta xin cho được ơn tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa; xin ơn tha thứ là chúng ta xin cho được đức ái, được tình yêu thương dành cho hết mọi người; không trừ một ai, và xin cho khỏi chước cám dỗ là xin ơn trông cậy vào sức mạnh của Thiên Chúa.

Kinh Lạy Cha kết thúc bằng chữ AMEN: Xin được như vậy. Xin cho danh Cha, nước Cha và ý của Cha được tôn vinh. Xin cho con sức mạnh, tình thương và sự kiên nhẫn chờ đợi ngày Chúa Kitô trở lại trong vinh quang.

 

Lạy Chúa,

Con muốn làm công dân của Nước Trời,

nhưng lại không muốn giữ luật lệ của nước Trời,

nhất là luật yêu thương,

nhất là luật tha thứ

Mỗi khi làm phiền lòng Chúa,

con chỉ mong được Chúa mau tha thứ cho con,

còn khi ai làm phiền lòng con,

khó lòng con tha được.

Có tha, thì cũng mãi không quên.

Xin cho con ý thức rằng

tha nhân là hình ảnh của Chúa,

người nghèo là hiện thân của Chúa

người lừa dối con là con của Chúa

người làm khổ con ở trong đàn chiên của Chúa

người bỏ vạ cáo gian cho con

cũng là phần tử của thân thể Chúa

kẻ thù của con cũng là do Chúa dựng nên.

Nghĩ được như vậy để con tập tha thứ,

tha tất cả,

tha vô điều kiện,

tha ngày hôm nay,

tha mãi mãi.

Xác tín như vậy để con tập yêu thương tất cả,

yêu thương vô điều kiện.

Nhiều lúc con không hiểu nổi

công thức yêu thương của Chúa,

nhiều lúc con không theo nổi

những đòi hỏi có vẻ vô lý của Chúa.

Xin soi sáng tâm địa đen tối của con,

xin đánh động con tim ích kỷ của con

để tim con trở thành tim độ lượng của Chúa.

Amen.

    Những vấn nạn về sự cầu nguyện sẽ biến mất nếu chúng ta thực sự ý thức rằng chúng ta cầu nguyện không phải vì chúng ta thích cầu nguyện, nhưng chúng ta cầu nguyện chỉ vì chúng ta yêu Chúa. Hubert van Zeller

Thanh Thủy

Bài viết khác

Các từ viết tắt Kitô giáo

Các từ viết tắt Kitô giáo

23/11/2024

Trong nghệ thuật cũng như trong các văn bản Kitô giáo, thường xuyên xuất hiện những từ viết tắt bí ẩn. Việc biết ý nghĩa của chúng cho phép chúng ta đi sâu hơn vào sự phong phú của đức tin. Đây là một hướng dẫn ngắn để hiểu những từ viết tắt thường...

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art