Chủ Nhật, 17 Tháng Sáu, 2012

Con đường từ bỏ

Các môn đệ của một nhà hiền triết rất thắc mắc khi thấy thầy mình có một đời sống rất đơn giản, nhưng ông lại không tỏ thái độ lên án những người giầu có muốn theo mình. Đọc được sự thắc mắc của môn sinh, một ngày kia nhà hiền triết trấn an họ: “Giầu nhưng thánh thiện là một điều rất khó, nhưng có thể thực hiện được”.”

Môn đệ đua nhau hỏi: “Làm cách nào để có thể vừa giầu có vừa thánh thiện được thưa Thầy?”

Nhà hiền triết chậm rãi đưa tay chỉ cây tre ngoài sân và nói: “Khi con người có cái nhìn về tiền bạc giống như sự liên hệ giữa cái bóng của cây tre đối với cái sân gạch ngoài kia.”

Dõi theo hướng tay Thầy chỉ, các môn đệ chăm chú theo dõi cái bóng của thân tre, từ từ trải dài và phủ lấp một khoảng sân... không khuấy động một vật gì, dù chỉ là một hạt bụi thật bé nhỏ.

 

Mỗi khi nghĩ đến hai chữ “từ bỏ”, chúng ta thường liên tưởng đến những mất mát về vật chất. Cuộc đàm thoại giữa Chúa Kitô và chàng thanh niên giầu có trong Phúc Âm cũng liên quan đến của cải vật chất. Chàng thưa với Chúa: ”Thưa Thầy, con phải làm gì để được Nước Trời?” Và Chúa đáp: “Nếu muốn nên trọn lành, con hãy về, bán tất cả những gì con có để cho người nghèo, và con sẽ được kho báu trên trời. Sau đó, trở lại và theo Thầy”. Phúc Âm kể rằng chàng thanh niên tỏ thái độ buồn rầu và lặng lẽ bỏ đi, vì chàng có rất nhiều của cải (Mt 19:16-22).

Thật ra, tất cả những mất mát trong đời, dù nhỏ hay lớn, do vô tình hay tự nguyện, về bất cứ phương diện nào, đều đem lại một suy nghĩ, một nỗi buồn hay một sự thất vọng.

Tôi còn nhớ một kỷ niệm khó quên của thời thơ ấu. Ngày đó tôi khoảng độ mười tuổi. Trước khi lên đường trở lại trường học sau một kỳ nghỉ hè thăm gia đình, tôi được chị tôi tặng một tấm hình Chúa Giêsu. Tấm hình Chúa được dán trên một khung gỗ tròn, khi nghiêng bên trái thì Chúa cười, nghiêng bên phải thì nét mặt Chúa trở nên nghiêm khắc. Với lứa tuổi lúc đó, bức hình đối với tôi là cả một kỳ công và tôi xem nó như một báu vật. Báu vật nằm vừa vặn trong túi áo của tôi suốt lộ trình Sàigòn-Đàlạt. Mệt mỏi vì đường xa, nên tôi quên bẵng món quà nhỏ bé kia, cho đến khi bước vào cổng trường. Tìm đâu cũng không thấy tấm hình, và tôi quyết chắc là đã đánh mất nó ở bến xe đò.

Tôi rất buồn và cảm thấy mất mát. Buồn không phải vì tôi đã đánh mất kỷ vật, nhưng vì từ ngày đó, mỗi khi có dịp đi ngang qua bến xe đò, con người tôi bị xáo trộn. Có lúc tôi đã thực sự quan sát mặt đất với hy vọng tìm lại được tấm hình, dù cho chuyện mất mát kia đã xảy ra từ vài tháng trước. Chính cái sự tiếc nuối và lưu luyến kia đã làm cho tôi buồn khổ.

Bây giờ thì tôi lớn hơn rồi, lớn hơn nhiều, khôn hơn một tí, thì cuộc đời lại chồng chất những mất mát to lớn hơn. Những mất mát đòi tôi phải tự nguyện dâng hiến. Không chỉ những mất mát vật chất, nhưng cả những mất mát tinh thần nữa. Từ bỏ vật chất đã khó rồi, từ bỏ về phương diện tinh thần lại càng khó hơn. Từ bỏ một cách dứt khoát, từ bỏ không vấn vương.

Tôi phải từ bỏ những gì? “Con hãy về và bán tất cả!”. Bán cả tên tuổi của tôi hay sao? Phải, tên tuổi là một sự linh thiêng gắn liền con người với cuộc sống của họ, vậy mà có những lúc Chúa đòi buộc tôi dâng hiến. Đó là những khi tôi bị người ta vu khống, bị bỏ vạ cáo gian, bị lợi dụng tên tuổi một cách không ngay chính. Chức vụ, địa vị trong xã hội là do công lao tôi cực nhọc gầy dựng nên, thế mà Chúa dạy tôi phải phục vụ và quên đi những công trạng được tuyên dương. Đó là lúc tôi bị thuyên chuyển từ vị thế này sang vị thế kia, hay người ta chỉ dùng tôi theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”. Từ bỏ danh vọng là từ bỏ tất cả những lời chê, tiếng khen xã hội dành cho tôi.

Đã là môn đệ của Người rồi, thì không có lời khen ngợi nào làm cho tôi phồng lên và không có sự chê bai nào làm cho tôi xẹp xuống. Vì Ngài, với Ngài, bên Ngài và trong Ngài tôi thấy thỏa mãn và no đủ. Tôi phải sống thế nào để khi đối diện với Ngài, Ngài mỉm cười và nói: “Ta cảm nhận những thiện chí của con.” Tin Mừng dạy như vậy đó, nhưng trên thực tế, trong con người ai cũng có một cái “tôi” hẹp hòi và ích kỷ, luôn là chướng ngại trước những lời mời gọi từ bỏ.

Khó khăn nhất là sự từ bỏ chính con người của mình. Thiên Chúa dựng nên con người với cá tính khác biệt nhau. Điều này nói lên sáng kiến tuyệt vời của Đấng Tạo Hóa, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi con người phải đương đầu với nhiều thử thách, khi những cá tính khác biệt này phải làm việc bên nhau, chung sống với nhau. Từ bỏ cá tính khác biệt của tôi để hòa đồng với những người chung quanh nhiều khi là những cuộc tử đạo nho nhỏ. Đường về nhà Cha là đường hẹp, đòi hỏi tôi phải trút bỏ tất cả, để những bước đi của người lữ hành được nhẹ nhàng và thoải mái. Người lữ khách phải thực sự trở nên “trần truồng” và nhỏ bé, như thế mới bước vừa ngõ hẹp.

Tôi nghĩ đến ngày mới lọt lòng mẹ. Hành trang vào đời là tiếng khóc sơ sinh và một tâm hồn như tờ giấy trắng. Chỉ có thế thôi! Không một tấm khăn, không một manh áo, không chức vụ cũng không địa vị, thậm chí tên cũng không có. Thế rồi người thân, người thương bắt đầu đặt tên cho tôi, để rồi từ đó đời tôi gắn liền với cái tên đó. Họ may sắm và mặc cho tôi đủ mọi thứ áo quần, dạy cho tôi đủ mọi thứ trò chơi, tập cho tôi đi vào cuộc sống. Dần dần, không những tôi biết mua sắm cho tôi mà còn biết thu tích nữa.

Với thời gian, tôi học biết để tạo cho mình những an toàn trong cuộc sống, và tôi bắt đầu trở nên giầu có. Trong mớ hành trang của tôi không thiếu một món gì. Đời dạy cho tôi biết tự ái, phải ích kỷ. Đời dạy cho tôi yêu thương nhưng đồng thời cũng dạy cho tôi ghen ghét. Đời tặng tôi những vuốt ve trìu mến nhưng cũng không thiếu những vết thương của thù hận. Những bước chân hành trình của tôi bắt đầu trở nên nặng nề, vì đi đến đâu, tôi cũng phải kéo lê theo sau mớ hành trang đã mua sắm!

Chúa Kitô không đòi tôi phải sống thiếu thốn. “Ta đến để các con được sống và sống sung mãn (Jn 10:10)”. Chúa muốn tôi sống cuộc đời sung mãn không bị ràng buộc, dù sự ràng buộc đó là tiền tài vật chất, danh vọng hay tình cảm của con người. Chúa yêu tâm hồn nào thảnh thơi và không nặng nợ với cuộc đời giả tạm này, một tâm hồn biết tận hưởng những ân huệ Chúa ban để mua sắm và xây dựng một cuộc đời vĩnh viễn mai sau. Đi trên con đường “từ bỏ” là đi con đường Chúa Kitô đã đi.

húa đã từ bỏ những gì? “Cáo có hang, chim có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lk 9:58). Từ địa vị một Thiên Chúa cao sang, Ngài đã mặc lấy thân phận con người yếu hèn, sinh ra nghèo nàn và sống một cuộc đời cũng rất nghèo. Bạn của Ngài cũng là những người nghèo, không nghèo vật chất thì cũng nghèo tinh thần. Thế mà vì sứ mạng, Ngài cũng phải bỏ những người bạn đó sau lưng để lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, Ngài từ bỏ luôn cả mạng sống để dạy cho loài người bài học yêu thương trên Thánh Giá. Ngài đã chết vì yêu, hay nói cách khác, vì yêu nhiều nên Ngài đã phải chết. Chúa Kitô đã từ bỏ tất cả để ôm lấy thập giá, trong khi tôi lại ôm tất cả vào lòng và bỏ quên Thánh Giá. Đã vậy, tôi còn hiên ngang nhận mình là Kitô hữu, là môn đệ của Giêsu Kitô. Ý tưởng này làm cho tôi thật xấu hổ. “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16:24).

Tôi ước mong thực hiện được lời khuyên của Đức Cha Nguyễn văn Thuận trong sách “Đường Hy Vọng” : “Cứ sáu tháng một lần, con hãy lập một thống kê các hoạt động của con, một thống kê các đồ dùng của con, một thống kê các tình cảm của con, xem xét kỹ càng và can đảm gạch bỏ những gì vô ích.”

Chính khi can đảm gạch bỏ là khi tôi không lệ thuộc vào những đồ dùng, những công việc, những tình cảm đó nữa, lúc đó tôi thực sự là người tự do. Tự do để sống, tự do để yêu, tự do để phục vụ. Tiến trình “từ bỏ” giúp tôi sống như Chúa Kitô đã sống, yêu như Chúa Kitô đã yêu, phục vụ như Chúa Kitô đã phục vụ và tìm về với Thiên Chúa Cha như Chúa Kitô với Cha Ngài là một.

 

     Lạy Chúa,

     Từ bỏ nào cũng mất mát.

     Chính Chúa đã làm gương trong sự từ bỏ,

     vì yêu, Chúa đã phải từ giã

     địa vị con Thiên Chúa để làm người.

     Muốn giống Chúa, con cũng phải từ giã

     tâm địa yếu hèn của con người

     để trở nên giống Chúa,

     để mặc lấy tâm tình của Chúa,

     để đi những con đường Chúa đã đi xưa,

     để xứng đáng địa vị con của Chúa.

     Biết là con cần từ bỏ nhiều

     nhưng tính tham lam của con người

     luôn mời mọc con tích trữ.

     Con muốn có thật nhiều tiền,

     nhiều tiện nghi,

     nhiều địa vị,

     nhiều hưởng thụ.

     Càng nhiều những thứ này, con càng xa Chúa

     vì con không thể làm tôi hai chủ được.

     Kho tàng càng quý giá,

     công kiếm tìm càng gian nan

     giá càng đắt.

     Hành trình về nhà Cha tuy cam go

     nhưng người môn đệ

     phải thấy được trong tầm nhìn của mình

     kho báu đích thực mà mình muốn đạt được.

     Để được một điều gì,

     phải mất một điều gì,

     không có gì là cho không, biếu không.”

     Amen.

Thanh Thủy

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art