Ngày kia có một người muốn xâm hình một con sư tử trên lưng của ông ta. Ông đến tiệm và cho người họa sĩ biết ý định của mình. Người họa sĩ liền bắt tay vào việc. Nhưng chỉ sau một vài mũi kim châm từ tay người họa sĩ, ông khách đã bắt đầu rên rỉ:
- Ông định giết tôi hay sao? Làm gì mà đau thế? Ông đang xâm phần nào của con sư tử vậy ?
Người họa sĩ trả lời:
- Tôi chỉ mới bắt đầu bằng cái đuôi thôi.
- Thôi, bỏ cái đuôi đi cũng được. Ông khách nói.
Người họa sĩ tiếp tục vẽ, nhưng chỉ trong giây lát thì ông khách lại kêu la đau đớn:
- Bây giờ ông xâm phần nào của con sư tử thế ?
- Tôi đang vẽ cái tai. Người họa sĩ trả lời.
- Thôi bỏ cái tai đi cũng không sao. Ông khách khẩn khoản.
Người họa sĩ vẽ tiếp nhưng chỉ được vài phút thì ông khách lại hỏi:
- Ông đang vẽ đến đâu rồi ?
- Cái bụng của con sư tử. Người họa sĩ trả lời một cách chán nản.
- Thôi đừng vẽ cái bụng nữa, bỏ đi cũng được, đau lắm!
Nghe vậy, người họa sĩ lên tiếng đề nghị:
- Xâm hình một con sư tử không đuôi, không tai, không bụng thì đâu phải là hình của sư tử. Thôi tôi đề nghị ông xâm hình một con kiến trên lưng đi thì sẽ bớt đau nhiều lắm.
Không thể nói đến Thánh Giá mà không đề cập đến hai chữ hy sinh. Hai chữ hy sinh thường đi đôi với đau khổ. Hy sinh vật chất và hy sinh tinh thần. Đau khổ nơi thân xác và đau khổ trong tâm hồn.
Đóng đinh trên thập giá là một khổ nhục của người Do Thái thời Chúa Kitô, một khổ hình dành cho những tên tử tội nguy hiểm của xã hội. Chúa Kitô, Con Một Thiên Chúa, lại chấp nhận đồng hóa với hình ảnh đau khổ đó. Phải chăng đây là bài học hy sinh Ngài muốn dạy cho chúng ta. Người Kitô hữu theo chân Thầy chí thánh không thể không hy sinh, vì chính Chúa Kitô đã không tránh khỏi những khổ đau trên Thánh Giá.
Hy sinh là gì và tại sao cần phải hy sinh ? Có phải hy sinh nào cũng đưa đến mất mát ? Phải, mất mát theo sự định nghĩa của người đời, nhưng đối với Thiên Chúa, không có hy sinh, là không có sự sống sung mãn vĩnh cửu. Hy sinh phải chăng là một sự đổi chác ? Đúng vậy, trên đời này có nhiều thứ đổi chác. Có sự đổi chác ngây ngô như chuyện thằng Bờm đổi lấy nắm xôi. Có thứ đổi chác cao thượng như tình của người mẹ đánh đổi miếng ăn giấc ngủ của mình để cho con được ăn no mặc ấm. Có thứ đổi chác đầy gian dối giữa những tay buôn bậc đàn anh, đàn chị. Có sự đổi chác đắt giá như trong những chuyến vượt biên tìm tự do đau thương của người Việt Nam, và cũng có cuộc đổi chác phiêu lưu được tường thuật trong Phúc Âm của một người đã dám bán hết sự nghiệp, gia tài của mình để tậu cho được thửa ruộng trong đó có chôn dấu viên ngọc quý (Mt 13:14).
Gia nghiệp của tôi là gì? Ngọc quý của tôi là gì ? Tôi có sẵn lòng để bị mất mát ? Tôi có can đảm để đánh đổi ? Đọc trong Cựu Ước, không có gương hy sinh nào can đảm và cao quý hơn Abraham. Ông đã dám hy sinh người con một yêu dấu trong tuổi già, để giữ được niềm tin yêu ông dành cho Giavê. Cao trọng hơn thế nữa, Giêsu Kitô trong Tân Ước dám dâng hiến chính mạng sống của mình để làm theo thánh ý của Cha. Để đạt được một điều gì khác, ta phải chịu mất mát một điều gì. Không có gì g
Nếu bạn nhìn vào cuộc đời của một số nghệ sĩ tên tuổi, bạn sẽ thấy họ phải hy sinh thật nhiều để đạt tới danh vọng. Không phải một sớm một chiều người nhạc sĩ biểu diễn được những bản nhạc bất hủ; không phải một sớm một chiều người họa sĩ có được những tác phẩm tuyệt vời để triển lãm. Họ đã chiến đấu rất nhiều giờ bên cây đàn, đã cô độc nhiều năm bên giá vẽ. Đó là chưa kể đến những nhà bác học, các nhà thể thao, những vị thánh. Thành công của họ do những chuỗi ngày thử nghiệm, nhiều giờ tập luyện và triệu triệu giây phút phí phạm trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Không thành công nào không đòi hỏi hy sinh.
Có những thành công đòi hỏi sự hy sinh về vật chất, có những kết quả cần đến yếu tố tinh thần, nhiều khi cần cả hai. Có những thứ quỷ chỉ trừ được bằng sự ăn chay hãm mình và cầu nguyện (Mt 17:20). Hai chữ ăn chay ngày nay dường như đã lỗi thời và không còn ý nghĩa, nhất là đối với một xã hội chỉ biết tìm tiện nghi và hưởng thụ. Người có nhiều thì hưởng thụ nhiều, người có ít thì hưởng thụ ít, không mấy ai lấy làm đủ. Càng có thêm, người ta càng muốn thêm, và đôi lúc con người quên rằng hố sâu nội tâm không thể lấp đầy bằng của cải vật chất. Chúa Kitô là gương mẫu hy sinh về cả vật chất lẫn tinh thần.
Nói đến hy sinh về tinh thần thì nhiều vô kể: hy sinh không nói lời đay nghiến với kẻ làm khổ mình, hy sinh để không tự bào chữa trước những bỏ vạ cáo gian, hy sinh xin sự tha thứ cho dù đối phương là người cần được tha thứ. Tha thứ luôn là thứ hy sinh khó thực hiện nhất. Hy sinh là định luật của tình yêu. Không thể có tình yêu đích thực nếu không có sự tha thứ. Những ai đã yêu, dù yêu người hay yêu Chúa đều không thể phủ nhận được yếu tố đau khổ trong tình yêu.
Chúa Kitô đã yêu và đã khổ. Nếu người Kitô hữu chịu khó học nơi Thầy của mình bài học yêu, thì những đau khổ trần gian này sẽ là những nấc thang đưa họ đến gần với Chúa hơn. Là con người, bạn và tôi không tránh khỏi đau khổ. Đau khổ có mặt trong cuộc sống để tôi luyện con người. Khi thấm ý nghĩa sự đau khổ, chúng ta mới ví được tâm trạng của mình như cành nho đang được gọt tỉa và cắt xén. Có gọt tỉa là có mất mát. Có cắt xén là có bị tổn thương. Nhưng nếu không cắt tỉa thì làm sao có được những chùm nho mọng trái ? Đôi lúc người làm vườn phải hy sinh chặt cả một cây nho để cho những cây bên cạnh có chỗ để bành trướng. Đôi lúc phải hy sinh cả một cành nho đang bắt đầu trổ trái, để những cành còn lại kết những trái xanh tốt hơn.
Trong đời sống tâm linh, chúng ta phải luôn luôn chấp nhận được cắt tỉa như số phận của những cây nho để có được nếp sống sung mãn hơn. Ca dao Việt Nam có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”.
Tình yêu chung thủy của vợ chồng hay tình bạn đích thực là kết quả của những hy sinh và thử thách. Hạnh phúc không đến với họ trên những chiếc khay bằng vàng. Hạnh phúc của họ là sự trưởng thành được tôi luyện trong khói lửa.
Nếu không tránh được, tôi phải có những thái độ nào trước những đau khổ ? Có nhiều cách phản ứng. Tôi có thể kêu la ầm ĩ như những con thú bị thương. Tôi có thể hạch sách Chúa tại sao và tại sao? Tại sao lại là tôi mà không là kẻ khác ? Tôi có thể rút lui vào vỏ ốc để dần dần đánh mất niềm tin, buông xuôi đi vào tuyệt vọng. Càng đặt câu hỏi, càng không có câu trả lời. Càng lồng lộn, càng chìm sâu trong thất vọng.
Tôi phải làm gì ? Tôi phải biết rút lui vào tĩnh lặng, kiên nhẫn ngồi dưới chân Thánh Giá, can đảm như người lính bị thương dám nhìn vào mắt Chúa để thưa rằng: Chúa muốn dạy con bài học gì đây ? Sức mạnh của Thánh Giá sẽ giúp tôi chiến đấu với thực tại đau thương trong đời sống. Kiên nhẫn với thời gian sẽ giúp tôi nhận ra sự hiện diện yêu thương của Chúa trước những khổ đau. Chấp nhận chờ đợi, tôi sẽ cảm nghiệm được bàn tay chữa lành của Chúa đang chăm sóc vết thương của tôi. Đứng trước đau khổ, Chúa dặn tôi đừng bỏ cuộc, vì ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu rỗi (Mt 10:22). Chúa không bao giờ gửi thử thách quá sức chịu đựng của chúng ta. Khi Chúa đóng một cánh cửa, thì tại một nơi nào đó, Ngài sẽ mở một cánh cửa sổ khác.
Đứng trước đau khổ, tôi cần học biết để kiên nhẫn chờ đợi. Chờ đợi như những cơn sóng biển dạy tôi chờ đợi. Tôi rất thích biển. Biển và cả những cơn sóng của biển nữa. Cái thú vị nhất của mùa hè là đi tắm biển để được đùa giỡn với sóng. Mỗi khi nhảy sóng về là thân xác tôi nhừ tử như mới bị ăn đòn. Những con sóng bạc đầu nhè nhẹ không đem đến cho tôi thú vị. Tôi chọn những ngọn sóng thật mạnh, để rồi lựa lúc sóng vừa ập xuống là tôi... đối phó. Những con sóng đến một cách chậm rãi như có vẻ sắp đặt trước không làm cho tôi nao núng, chỉ khi nào chúng đến từng đợt một, đến liên tục, đến dồn dập, đến như vũ bão. Những lúc này làm tôi lo sợ và mất thăng bằng. Tôi nghĩ dù cho ai có khỏe đến đâu đi nữa, gặp những ngọn sóng khổng lồ này cũng sẽ bị chới với. Thoạt đầu, vì chưa kinh nghiệm, nên mỗi lần tôi đương đầu với loại sóng dữ tợnnày, tôi thường bị đánh ngã thê thảm, sau này tôi học được một bài học và tìm cách để lặnmỗi khi sóng đến. Tôi tập giấu mình dưới mặt biển để mặc cho những trận sóng dữ tợn đó phủ ngập người tôi, và khi lớp sóng đó qua đi, tôi từ từ trổi lên mặt nước để lấy lại thăng bằng.
Kinh nghiệm nhảy sónggiúp cho tôi biết lặnmỗi khi cảm thấy những khổ đau đang dồn dập xảy đến trong đời tôi. Tôi tập lặn thật sâu trong những vết thương của Chúa Kitô trên Thánh Giá. Chỉ mình Ngài mới thông cảm được niềm đau và chữa lành tâm linh tôi. Tôi lặn trong kiên nhẫn và chờ đợi. Chờ đợi bình minh của sáng Phục Sinh. Kinh nghiệm cũng dạy cho tôi rằng, cơn đau nào dù có khổ mấy đi nữa rồi cũng sẽ qua đi. Thánh Têrêsa Avila quả quyết: Tất cả sẽ qua đi... chỉ mình Thiên Chúa đủ cho tôi. Đau khổ nào cũng mang một ý nghĩa. Tôi có bình tĩnh đủ để tìm ra ý nghĩa của nó hay không ?
Đau khổ không phải là một đề tài để bình luận. Đau khổ là kinh nghiệm sống. Đau khổ là để cảm nghiệm và qua cảm nghiệm đó người ta mới biết sống. Thomas A Kempis, tác giả quyển Gương Chúa Giêsu xác quyết rằng: Những ai biết chấp nhận đau khổ, biết tận hưởng an bình, người đó sẽ chiến thắng chính mình và làm bá chủ thế giới, là bạn với Chúa Kitô và là người thừa tự nước trời. Ai cũng muốn làm bạn với Chúa Kitô, ai cũng muốn là công dân nước Trời, nhưng ít ai dám đón nhận đau khổ.
Trong thế chiến thứ nhất, tại một làng kia, sau khi bị bỏ bom dữ dội, rất nhiều người trong làng bị chết và bị thương. Vì nhà thương đã bị phá hoại, nên người ta đã phải dùng ngôi thánh đường để săn sóc nạn nhân. Trong trường hợp khẩn cấp, bàn thờ được biến thành một bàn mổ. Một trong những nạn nhân là một người lính trẻ. Anh về nhà nghỉ phép mấy ngày và đã gặp nạn. Bác sĩ cho biết chân của anh phải cưa ngay, không thể chờ đợi được. Bác sĩ nói:
- Anh phải rất can đảm để cho chúng tôi giải phẫu. Anh sẽ rất đau đớn, vì từ ngày bệnh viện bị tàn phá, chúng tôi không còn thuốc mê nữa.
Sau một lúc nhìn lên tượng Chúa Kitô trên Thánh Giá treo phía sau bàn thờ, người lính trẻ cương quyết trả lời:
- Tôi sẽ chịu được, chỉ cần bác sĩ cho tôi nằm chỗ nào để tôi có thể nhìn lên Chúa trên Thánh Giá.
Lạy Chúa,
là người Kitô hữu,
con cần phải xâm hình ảnh của Chúa trong tâm hồn,
nhưng lại sợ những nỗi đau kèm theo.
Nếu vì sợ đau khổ
mà từ chối không xâm hình ảnh của Chúa
không biết Chúa có nhận ra con không ?
không biết con có được diện kiến Chúa Cha không ?
nếu bị khước từ Thiên Đàng
chắc sẽ đau khổ lắm!
niềm đau này
sẽ to lớn hơn tất cả những niềm đau
ở thế gian này gom lại.
Nếu phải chọn,
con sẽ chọn con đường nào?
Amen.
Thanh Thủy