Chủ Nhật, 17 Tháng Sáu, 2012

Con đường khiêm tốn

Có một ông chủ đồn điền kia với tính tình khá hách dịch. Một buổi sáng nọ, gặp một người nông phu đang tiến tới, ông liền hỏi:

- Này anh bạn, sao anh không đi đứng thẳng thắn như tôi, mà lại cứ đi với cái lưng cong cong như vậy?

Người nông phu đưa tay ra phía trước chỉ vào những mảnh vườn trồng bắp và trả lời bằng một câu hỏi:

- Vậy ông có thấy những trái bắp trong mảnh vườn trước mặt không?”

- Thấy, rồi sao?

- Ông có nhận thấy không, chỉ những trái bắp nặng trĩu hạt mới cong xuống như thế kia, còn những trái bắp lép thì luôn luôn đứng thẳng.”

Đối với tôi, nhân đức khiêm nhường hay tinh thần khiêm tốn là một điều linh thiêng và cao đẹp. Tôi nghĩ, một người có được tinh thần khiêm tốn là có được tất cả. Tôi đã được vinh dự sống chung với những người bạn thật khiêm nhường. Tôi đã được thọ giáo với những bậc thầy rất khiêm tốn. Tôi đã được nghe những bài giảng thuyết rất tuyệt vời về nhân đức khiêm nhường. Thế mà cuộc sống của tôi mãi mãi là những trận chiến nội tâm mà nhân đức khiêm nhường là lý do để tôi phải chiến đấu.

Bạn cũng như tôi, chúng ta đã từng dở sống dở chết với chiến tranh đau thương của quê hương Việt Nam yêu dấu. Bạn và tôi đã từng theo dõi những sôi bỏng của cuộc chiến miền Trung Đông. Chiến tranh Việt Nam, dù đau thương, nhưng cũng đã chấm dứt. Chiến tranh Trung Đông dù sôi bỏng nhưng cũng đã ngừng. Thế nhưng, những cuộc chiến nội tâm của bạn và tôi vẫn tiếp diễn. Tại sao tôi dám quả quyết như thế? Không biết bạn nghĩ sao, nhưng đối với tôi, tâm hồn khiêm tốn là tâm hồn đã gặp được Chúa. Và khi gặp rồi thì tâm hồn đó luôn vui tươi và an bình.

An bình và niềm vui là dấu chỉ của một người luôn có đời sống thân mật với Thiên Chúa. Tôi không dám nói bạn chưa gặp Chúa. Có thể bạn và tôi đã gặp Ngài, nhưng mối tình chưa sâu đậm đủ để không bao giờ quên. Gặp xong rồi quên để chúng ta lại vất vả bắt đầu đi tìm. Không có mối liên hệ sâu đậm với Ngài nên nội tâm của chúng ta là một sự giằng co liên lỉ giữa hai thái cực. Giữa ánh sáng và bóng tối, giữa niềm vui với nỗi buồn, giữa yêu thương và ghen ghét, giữa tha thứ và oán hờn.

Vì giằng co nên hạnh phúc sẽ nối liền với khổ đau. Yêu đời để rồi chán đời, muốn sống và cũng muốn chết. Thánh Phaolô đã nhận định rõ ràng cuộc chiến nội tâm của mình khi ngài nói: Những gì tôi muốn làm, tôi không làm, những gì tôi không nên làm, tôi lại làm (Rom 7:19). Cuộc chiến của Phaolô cũng là cuộc chiến của mỗi người chúng ta. Một cuộc chiến tôi tạm gọi là cuộc chiến giữa tôi và TÔI.  Tôi đã từng nghe nhiều người nói rằng: Cái TÔI đáng ghét. Tôi không rõ lắm, nhưng có điều tôi chắc chắn là cái TÔI của tôi rất cứng đầu, khỏe mạnh, sống lâu và nổi bật về hai điểm vị kỷ và kiêu hãnh. Tôi nghe nói rằng khi người ta chết được năm phút rồi thì cái TÔI mới chết.

Tu đức học và tâm lý học ngày nay đề cập rất nhiều đến cái TÔI, riêng tôi, tôi rất thích lối viết và tư tưởng của Cha Anthony de Mello, S.J. (ngài đã từ giã cái TÔI của ngài vào mùa hè năm 1987). Ngài thường dùng những câu truyện ngụ ngôn để truyền đạt những tư tưởng của ngài, một đường lối giáo dục của Chúa Kitô xưa. Trong một quyển sách nhan đề: Taking Flight, ngài dành một chương nói về cái TÔI (The Self) trong đó ngài thu lượm và kể lại những câu truyện khiến tôi phải suy nghĩ nhiều.

Có một vị ẩn tu sống tại một vùng sa mạc bên Ai Cập. Một ngày kia, ông quyết định rời túp lều của mình để đi một nơi khác vì ông không thể chịu nổi những cơn cám dỗ đang hành hạ ông. Đang xỏ đôi xăng đan vào chân để chuẩn bị lên đường, bỗng dưng ông nhìn thấy cách ông không xa lắm, một người giống như ông và cũng đang xỏ giầy như ông.

- Ông là ai? vị ẩn tu hỏi người lạ.

- Tôi là cái TÔI của ông, người lạ trả lời;

rồi tiếp:

- Nếu vì tôi mà ông phải rời chốn này, thì tôi báo cho ông biết là cho dù ông có đi đâu chăng nữa, tôi cũng sẽ theo ông.”

Câu truyện cho chúng ta biết rằng những gì chúng ta ao ước cũng như những gì chúng ta trốn tránh đều nằm trong chính nội tâm của mình.

Ngày xưa có một nhà bác học. Ông này có biệt tài làm cho con người của mình biến ra nhiều con người khác, giống đến nỗi không ai có thể phân biệt được ai là người thật, ai là người giả. Một ngày kia ông được tin Thiên Thần sẽ xuống để gọi ông về chầu Chúa. Vì chưa sẵn sàng để chết, ông liền chế thêm ra 12 con người khác của ông để Thiên Thần không biết đâu mà gọi. Quả thật, Thiên Thần không nhận ra ai là người thật và đành tay không về lại thiên đàng. Sau đó không lâu, vì đã có nhiều kinh nghiệm đương đầu với con người, nên Thiên Thần nghĩ ra một kế. Đứng trước 13 con người khác nhau, Thiên Thần nói với nhà bác học:

- Tôi rất khâm phục cái tài chế biến của ông. Tuy nhiên, tôi thấy còn một chi tiết rất nhỏ cần phải sửa đổi cho hoàn hảo hơn.”

Vừa nghe xong, con người thật của nhà bác học vội vàng lên tiếng:

- Đâu? Tôi không tin, thiếu sót ở chỗ nào?

- Ở chỗ này nè!

Vừa nói, Thiên Thần vừa túm cổ nhà bác học thật để về chầu Chúa!

Bạn thấy đó, rõ ràng chỉ cần một tiếng khen hay một lời chê là nhận ra ngay được cái “TÔI” của một người. Cái TÔI của con người rất phức tạp. Nó ao ước nhiều thứ. Ao ước được người ta khen ngợi, được đề cao, được vinh dự, được trọng dụng. Nó ước muốn những gì thoải mái, dễ dãi, và không muốn ai đụng chạm đến những gì của riêng nó, dù là vật chất hay tinh thần. Bạn có biết cái TÔI nó sợ điều gì nhất không? Sợ bị người ta khinh miệt, sợ bị chỉ trích, bị lãng quên, bị đau khổ.

Viết đến đây, tôi chợt nghĩ đến Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô. Những lời kinh đầy ý nghĩa khiêm tốn thiết tưởng người Kitô hữu nào cũng cần dùng làm khí giới để chiến đấu với cái TÔI. Nếu Thánh Phanxicô còn sống, tôi sẽ xin Ngài để đổi tựa đề thành Kinh Khiêm Nhường. Con người khiêm nhường thật sẽ có bình an (Mt. 11:29). Khi một cá nhân bình an, thì gia đình sẽ bình an, cộng đoàn sẽ bình an, quốc gia sẽ bình an và thế giới sẽ có hòa bình. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Một câu nói tuyệt vời nhưng chắc chắn không được cái TÔI ưa thích. Kinh Hòa Bình là một lối diễn giải đời sống khiêm nhường của một tâm hồn.

Khiêm nhường cũng được nói đến bằng nhiều cách khác. Những linh thao của Thánh Ignatio Loyola đề cập đến ba loại khiêm nhường:

Loại khiêm nhường thứ nhất là loại người luôn sống trong sự thật (không dám phạm tội), loại người này không dám làm bất cứ một điều gì sợ mất đi ơn cứu độ và phải xa lìa Thiên Chúa.

Loại khiêm nhường thứ hai là người muốn đáp lại lời Chúa mời gọi họ, bằng cách sống một đường lối duy nhất là luôn luôn tìm thánh ý Chúa.

Loại khiêm nhường thứ ba hoàn hảo hơn hai loại trước: qua hồng ân Chúa ban, con người muốn trở nên giống Chúa Kitô, ước muốn sống khó nghèo để được chia sẻ cái nghèo của Chúa. Ước muốn chịu sỉ nhục để chia sẻ những nỗi khổ nhục của Chúa khi Chúa bị khước từ. Ước muốn được trở nên hèn mọn và trở thành người điên vì Chúa Kitô. Cuộc sống của người này là phản ảnh những kinh nghiệm sống của chính Chúa Kitô.

Cha Vincent Dwyer, OCSO, trong cuốn sách Lift Your Sails nhắc đến hai loại khiêm nhường. Theo các nhà thần bí Anh quốc, chỉ có hai điều cần thiết cho cuộc hành trình về nhà Cha: đó là sự khiêm nhường và tình thương yêu tha nhân. Khiêm nhường được chia làm hai loại: khiêm nhường trọn hảo và khiêm nhường không trọn hảo. Không trọn hảo là khi con người nhìn nhận ra được cái giới hạn của họ, cái giới hạn do tội tổ tông đem đến mà không ai thoát được. Dù thánh thiện đến đâu đi nữa, con người vẫn là những kẻ lữ hành mang đầy thương tích, những vết thương này làm cho họ đau đớn và khó chấp nhận. Dù cho con người có dùng phương pháp nào đi chăng nữa, họ cũng không thoát ly được những lôi cuốn của tội lỗi. Nhưng không vì thế mà con người nản lòng, nhất là đừng bao giờ bỏ cuộc và đừng quá thất vọng về những yếu đuối của mình.

Để có được khiêm nhường trọn hảo, con người phải nhìn nhận và cảm mến được tình yêu thương vô điều kiện của Thiên Chúa. Đứng trước tình yêu vô biên đó, con người khiêm tốn chấp nhận những yếu đuối của mình, tin tưởng rằng trước mặt Thiên Chúa, mỗi người chúng ta đều đẹp và dễ thương như nhau. Tin tưởng rằng Chúa yêu tôi ngay giây phút này, Chúa yêu con người hiện tại của tôi. Và đó là một sự thật.

Người đời bàn về sự khiêm nhường như thế, còn Chúa Kitô thì sao? Ngài đã sống thế nào và đã nói gì về nhân đức này? Chúa Kitô đã đi con đường khiêm tốn để đến với nhân loại. Nếu Chúa nghĩ đến cái TÔI-THIÊN-CHÚA của Ngài, Chúa đã không chấp nhận trở thành và sống cái TÔI-CON-NGƯỜI” giữa thế giới loài người. Rồi trong khi sống như một con người, nếu Chúa Kitô không khiêm nhường, Ngài đã không chọn cách ra mắt quần chúng bằng cử chỉ cúi mình cho Gioan Tẩy giả làm phép rửa; và nhất là Ngài không chọn con đường cứu chuộc nhân loại bằng cách hứng chịu tất cả những bất công, sỉ nhục, đau đớn và cái chết thê thảm trên thập giá. Chúa Kitô chính thức mời gọi chúng ta: Hãy học cùng Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng. (Mt 11:29)

Nhiều lúc tôi đã tự hỏi: tại sao trong muôn vàn nhân đức, Chúa lại chọn khiêm nhường? Tại sao Chúa lại đề cập đến hiền lành và khiêm nhường? Tôi có cảm tưởng như đó là hai môn học khác nhau mà môn hiền lành phải được học trước môn khiêm nhường. Thế rồi, trong một giờ suy nguyện, tôi liên tưởng đến một hình ảnh ngộ nghĩnh như sau:

Nếu bạn có dịp đến một trung tâm cấp cứu của một bệnh viện, hay có thể chính bạn đã là bệnh nhân cần được cấp cứu, bạn sẽ chứng kiến được những cảnh hỗn tạp: bệnh nhân la hét, nhất là trẻ em, dãy dụa vì đau đớn, vì chống đối. Đối với những bệnh nhân out of control như thế, thường bác sĩ chích cho họ một mũi thuốc an thần, để họ từ từ trở nên hiền lành và đi vào một giấc ngủ say, mặc cho bác sĩ chữa trị. Khi bệnh nhân ngủ, là khi bác sĩ chữa trị cho những vết thương được lành.

Tôi liên tưởng đến cuộc sống nội tâm của tôi. Vì làm nô lệ cho cái TÔI ích kỷ và kiêu căng của tôi, nhiều lúc tôi đã bị thương và trở thành dữ tợn. Chỉ khi nào tôi được chữa lành, tôi mới thấy được sự cao quí của một tâm hồn khiêm tốn, tôi mới dám đối diện và đương đầu với cái TÔI của tôi. Nhưng để được chữa lành, tôi phải trở nên hiền lành. Hiền lành qua những ý thức của tôi, hiền lành qua những sửa đổi, hay nói một cách khác, hiền lành bằng những mũi thuốc an thần của vị bác sĩ tối cao. Chỉ có Ngài mới có thể chữa lành những vết thương nội tâm, để tôi trở nên khiêm tốn. Sống noi gương Chúa Kitô là sống trong hiền lành, là khi tôi buông rơi tất cả những mặt nạ che đậy con người thật của tôi. Sống noi gương Chúa Kitô là sống trong khiêm tốn, là khi tôi sống trong sự thật và chấp nhận sự thật.

 

  Lạy Chúa, là Đấng con yêu mến

  là Đấng đang yêu con.

  Ngay giây phút này 

  con cảm thấy mình cần được chữa lành.

  Con ý thức được 

  những kiêu hãnh và dữ tợn trong con.

  Người đời nhìn con, tưởng rằng 

  con ngoan hiền và khiêm tốn,

  con có thể che mắt người đời

  nhưng không dối được lương tâm của con,

  nhất là không dối được Chúa.

  Chỉ mình Chúa thấy được 

  những lúc con kiêu hãnh trong tư tưởng

  những lúc “cái tôi” của con nổi dậy,

  lúc đó, con giận hờn 

  con nói lời chua cay

  con nhìn tha nhân với cặp mắt căm tức,

  tệ hơn nữa là 

  con nuôi dưỡng một tâm địa trả thù.

  Chúa ơi, con cần Chúa

  con muốn được Chúa chích cho một mũi thuốc an thần,

  để con biến đổi,

  để con nên giống Chúa.

  Hành trình về nhà Cha còn dài

  công việc của nước trời còn nhiều

  người môn đệ Kitô không còn giờ 

  cho những tâm địa nhỏ nhen kia.

  Amen.

Thanh Thủy

Bài viết khác

Các từ viết tắt Kitô giáo

Các từ viết tắt Kitô giáo

23/11/2024

Trong nghệ thuật cũng như trong các văn bản Kitô giáo, thường xuyên xuất hiện những từ viết tắt bí ẩn. Việc biết ý nghĩa của chúng cho phép chúng ta đi sâu hơn vào sự phong phú của đức tin. Đây là một hướng dẫn ngắn để hiểu những từ viết tắt thường...

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art