Chủ Nhật, 17 Tháng Sáu, 2012

Con đường tình yêu

Một hôm đang đi dạo trên đường, tôi bước ngang qua cổng một ngôi biệt thự, bên ngoài có đề hàng chữ Căn Nhà của Tình Yêu Tuyệt Hảo. Tôi vội vã bước đi, không dám quay nhìn lại. Xin bạn đừng hỏi tại sao tôi không dám dừng chân để bước vào căn nhà đó.

Sáng hôm sau, khi vừa bước chân ra khỏi nhà, tôi gặp một người ăn xin ở dưới chân đồi. Tôi dừng lại, cho ông ta một chút tiền. Người ăn xin hỏi tôi:

-    Tại sao bạn lại khóc?

-    Tôi đâu có khóc đâu!

-    Bạn không nhỏ lệ bên ngoài, nhưng bạn đang khóc ở trong lòng.

Đúng vậy. Tôi đang khóc trong nội tâm tôi, vì tôi đã không đủ can đảm bước chân vào ngôi biệt thự chiều qua. Bởi vì tôi sợ rằng, khi bước vào, tôi sẽ bắt gặp một cây Thánh Giá.

Khi tôi thú nhận điều này với người hành khất, ông đã trấn an:

- Tôi hiểu bạn lắm. Trước kia tôi vẫn được mệnh danh là Người Sợ Hãi. Tôi hiểu rằng nhiều khi chúng ta không dám bước vào những nơi kỳ ảo, nhưng lại có can đảm bước vào những chỗ CÓ THẬT. Mặt khác, chúng ta có thể đương đầu với những sự kỳ ảo, mà lại không dám đương đầu với những SỰ THẬT. Tại sao bạn không ngồi xuống đây cạnh tôi. Rồi chúng ta sẽ cùng nhau bước vào căn nhà của Tình Yêu Tuyệt Hảo. Không ai để ý đến chúng ta đâu! Họ sẽ nghĩ chúng ta là hai gã ăn xin. Họ sẽ nhìn chúng ta với ánh mắt khinh thường, và cho chúng ta chút tiền của họ.

Tôi nghĩ thầm:

- Xin Chúa chúc lành cho người hành khất.

Khi tôi mời bạn hành trình trên con đường Tình Yêu, bạn đừng mong chờ một bài viết mới lạ hay hấp dẫn về tình yêu. Chắc hẳn bạn đã đọc rất nhiều sách bàn về tình yêu, nghe nhiều bài thuyết giảng về tình yêu, thưởng thức nhiều bài hát ca tụng tình yêu. Tình yêu luôn là đề tài được khai thác trong lãnh vực văn chương, âm nhạc, kịch nghệ, phim ảnh, thế mà con người luôn luôn khắc khoải với rừng yêu”và chới với trong biển tình.

Có phải tại con người không biết yêu?  Không muốn yêu? Yêu lầm? Hay chưa cố gắng đủ trong tình yêu? Phải chăng con người khoắc khoải, chơi vơi, là vì con người chưa hiểu thế nào là một tình yêu chân thật.

Chúa Kitô là Tình Yêu, Phúc Âm viết về Chúa Kitô là Phúc Âm của tình yêu. Chúa Kitô sống là để làm chứng cho tình yêu. Và con đường Tình Yêu Chúa Kitô đi qua là con đường bao gồm tất cả những đoạn đường khác. Vì yêu thương là tin tưởng và phó thác. Yêu thương là từ bỏ chính mình. Yêu thương là dành thì giờ cho người mình yêu. Yêu thương là khiêm tốn không đặt nặng cái tôi của mình. Yêu thương là chấp nhận thập giá của chính mình và của người mình yêu.

KIÊN TRÌ TRONG TÌNH YÊU

Một trong những đòi hỏi của tình yêu đích thực là sự kiên trì chờ đợi. Nếu hầu hết mọi lãnh vực đều cần đến sự kiên trì chờ đợi, thì thiết tưởng ưu tiên chờ đợi phải dành cho lãnh vực tình yêu. Việc học hành đòi hỏi phải kiên nhẫn đợi chờ; thành công trong việc làm cũng đòi hỏi kiên trì thực tập. Cuộc đời của con người là một tiến trình chờ đợi: Chờ đợi trong bụng mẹ để đến ngày khai sinh, chờ đợi trong những tháng đầu của cuộc sống để tập đi, tập nói, tập học và tập làm người. Ngay cả những vấn đề rất nhỏ cũng đòi hỏi sự chờ đợi: chờ đón xe bus, chờ lấy tiền ở nhà băng, chờ để tính tiền trong chợ. Nói tóm lại sống là một sự chờ đợi. Vậy mà khi đến việc quan trọng như tình yêu trong hôn nhân thì ít ai muốn chờ. Yêu nhau sáu tháng nghĩ rằng mình yêu nhau thật lắm rồi nên hối hả làm đám cưới. Yêu nhau sáu năm tưởng là mình biết tất cả con người của đối tượng rồi, nên khi thần tượng sụp đổ mình không biết chờ để cho họ đổi mới. Con người đôi lúc xem tình yêu nhẹ hơn nhiều vấn đề khác trong cuộc sống, trong khi tình yêu phải là nòng cốt cho tất cả mọi sinh hoạt khác của cuộc đời.

Chúa Kitô đã chờ đợi con người trở lại cũng chỉ vì yêu. Biết bao dụ ngôn trong Thánh Kinh nói đến sự kiên trì của Thiên Chúa: Chúa Kitô mục tử đi tìm chiên lạc của mình, Chúa Kitô kiên nhẫn với những môn đệ ngây ngô và thiếu hiểu biết. Hãy học nơi Chúa Kitô sự kiên trì chờ đợi. Chính Ngài sẽ dạy cho chúng ta biết bí quyết của tình yêu đích thực.

TIN VÀ YÊU

Đã có lần nào trong đời bạn nghe Chúa từ chối những lời cầu xin của bạn chưa? Tôi đã nghe rất nhiều lần. Chúa từ chối tôi trong những lúc cay đắng tuyệt vọng nhất. Trong những lúc tôi cảm thấy cần Ngài nhất, những lúc cô đơn dường như bị mọi người chối bỏ, những bước đường cùng không lối thoát. Những lúc mà Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu gọi là Chúa đang ngủ.”

Những lúc đó, tôi thường mang tâm trạng của Thánh Phêrô, hoảng hốt khi thuyền gần chìm trước cơn dông bão. Những lúc đó tôi quên rằng Chúa luôn hiện diện và thì thầm bên tai tôi: Thầy đây, đừng sợ (Mt 14:27). Trong lúc sợ hãi và hoang mang, tôi không nghe được tiếng Ngài đang trấn an tôi. Tôi chỉ tập trung vào việc Ngài không làm cho những sự kiện xảy ra theo điều tôi mong muốn, hay nói cách khác, Chúa không theo chương trình của tôi vạch ra, chương trình mà tôi cho rằng đúng lý nhất. Đây là lúc đức tin tôi lung lay và tình yêu tôi nghi ngại. Vì chưa thực sự yêu Chúa, nên tôi đã không dám hoàn toàn phó thác. Nếu đã yêu Ngài một cách trọn vẹn, thì làm gì còn chỗ cho nghi ngờ và lo sợ. Sợ và yêu là hai yếu tố không đội trời chung. Khi sợ hãi, tôi đánh mất niềm tin. Không tin tưởng thì đâu phải là tình yêu đích thực. Tin-yêu có thể đưa tôi vượt núi đồi, băng qua đại dương để tìm đến lý tưởng và người tôi yêu mến. Lo sợ làm cho tôi hoang mang, ngập ngừng trước những đòi hỏi của tình yêu.

Tin tưởng và phó thác là yếu tố không thể thiếu của một mối tình trọn hảo. Khi yêu ai, tôi tin tưởng vào cách người đó sống, những điều người đó nghĩ, những lời người đó nói, những việc người đó làm. Khi Chúa Kitô mời gọi chúng ta nên giống trẻ thơ, một mặt Ngài mong muốn chúng ta có một tâm hồn đơn sơ, mặt khác Ngài cũng mong muốn, vì là trẻ thơ, chúng ta biết tin vào Thiên Chúa để có thể kết hợp với Ngài trong tình yêu. Thiên Chúa yêu con người, nên đã tin con người, dù Ngài biết rằng một ngày nào đó con người sẽ phản bội. Khi yêu Chúa, tôi đặt để niềm tin nơi Chúa. Cũng thế, khi yêu ai, tôi đặt để niềm tin nơi người ấy, vì nếu không bắt đầu tin là chúng ta còn dành chỗ cho nghi ngờ. Có nghi ngờ là có lo sợ. Có lo sợ là chưa có tình yêu.

Trên đường về nhà Cha, làm sao tránh khỏi những giây phút cô đơn, trống vắng ngập nước mắt của khổ đau. Những lúc Chúa từ chối không cho tôi trọn vẹn với mối tình đầu, những lúc Chúa để cho gia đình tôi tan nát và rách rưới, tài chánh cũng như tinh thần.  Những lúc con cái bỏ nhà đi hoang, vợ chồng đường ai nấy liệu. Điều quan trọng là tôi phải củng cố niềm tin để không bao giờ nghi ngờ sự hiện diện của Chúa trong đời tôi. Có những rủi ro, những bất hạnh, những đau khổ của quá khứ, bây giờ nhìn lại, những điều đó lại là những hồng ân, những bài học quí giá Chúa gửi đến để thao luyện tôi, những nấc thang đưa tôi một bước gần hơn đến đỉnh trọn lành.  Sau cơn mưa, trời lại sáng. Qua Thánh Giá, sẽ tới vinh quang.

TÌNH YÊU VÀ SỰ TỪ BỎ

Từ bỏ ở đây bao gồm cả từ bỏ về vật chất lẫn từ bỏ về tinh thần. Từ bỏ trong tình yêu là từ bỏ cả cá tính của mình để chấp nhận cái cá tính khác biệt của người khác. Bởi thế, nếu thực sự đã yêu, người ta không bắt người khác làm theo ý mình, mà ngược lại, tập làm theo ý người khác. Trong tình yêu, từ bỏ cũng có nghĩa là tha thứ. Tha thứ cho chính mình và tha thứ cho người mình yêu. Yêu nhau mà còn chấp nhất từng chút một là chúng ta không cho tình yêu có cơ hội để triển nở. Nếu muốn yêu thật sự, bạn hãy tập tha thứ. Chỉ có tha thứ mới đem lại bình an cho tâm hồn chúng ta. Và khi bình an rồi, chúng ta mới thực sự bắt đầu yêu. Tha thứ mỗi ngày, mỗi giây phút. Tha thứ cho lần này và tha thứ mãi mãi. Tha thứ cho người ấy cũng như tha thứ cho tất cả mọi người.

 

TÌNH YÊU VÀ ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

Để có được tấm lòng hay tha thứ, chúng ta không thể làm một mình được, mà cần có sự trợ giúp của Thiên Chúa. Là con người, chúng ta có sẵn trong mình bản chất ích kỷ, ghen tương, lo sợ, giận dữ, chiếm đoạt. Để bỏ được những điểm yếu kém trong bản chất đó, chúng ta cần được bàn tay Thiên Chúa dẫn dắt trong cuộc đời. Cầu nguyện là chúng ta tâm sự với Chúa và nhìn nhận rằng chúng ta cần Chúa. Khi chúng ta có tâm tình ấy, Chúa sẽ dạy chúng ta yêu bằng tình yêu của Ngài, một tình yêu vị tha vô điều kiện. Hạnh phúc cho chúng ta là người Kitô hữu, vì đời người Kitô hữu là cuộc đời của tình yêu: yêu Chúa và yêu người. Bởi thế, cầu nguyện luôn bạn nhé, cầu nguyện để biết yêu Chúa và để Chúa dạy cho biết yêu người. Chúng ta thở không ngưng nghỉ, bởi vì hơi thở cần cho sự sống của thân xác. Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn, muốn linh hồn sống lành mạnh, chúng ta cũng cần cầu nguyện không ngưng nghỉ.

YÊU TRONG KHIÊM TỐN

Con người sở dĩ không hạnh phúc là vì luôn sống trong tình trạng tranh chấp và bắt bẻ nhau. Ai cũng cho mình là đúng, tuy chỉ có một sự thật. Học được bài học khiêm nhường của Chúa Kitô, chúng ta sẽ thấy cuộc đời nhẹ nhàng hơn nhiều.

Với tinh thần khiêm tốn, chúng ta sẽ biết nhường nhịn lẫn nhau, không tranh chấp, tranh giành nhau về những vấn đề mau qua, những niềm hạnh phúc giả tạo và dễ tan vỡ. Tâm hồn khiêm tốn đặt mình dưới sự xét xử duy nhất của Thiên Chúa. Đối với những người chung quanh, họ không khoác lên mình chiếc áo thẩm phán, nhưng họ mặc lấy thân phận tôi đòi và là tôi tớ của nhau, phục vụ nhau như chính Chúa Kitô đã sống và chết vì họ. Nhận biết thân phận từ tro bụi, tâm hồn khiêm tốn chỉ còn một thứ quyền: quyền biết yêu thương và làm theo ý Đấng đã dựng nên họ.

YÊU LÀ VÁC THẬP GIÁ

Trong bất cứ tình yêu nào cũng đều có Thánh Giá. Tình yêu càng hoàn hảo, Thánh Giá càng nặng nề và cam go. Không thể bước vào căn nhà của tình yêu tuyệt hảo mà không gặp Thánh Giá. Vấn đề là chúng ta ai cũng muốn có tình yêu tuyệt hảo, nhưng không ai muốn vác thập giá. Vác thập giá của mình, vác thập giá với nhau, và không trở nên gánh nặng cho tha nhân.

Tình yêu không Thánh Giá, tình yêu không hy sinh là thứ tình yêu trong tiểu thuyết và trên ti vi. Cũng vì những ảo tưởng này, nhiều người trong chúng ta khi va chạm với thực tế, đã không chấp nhận hy sinh. Lạy Chúa, xin cho chúng con tinh thần khiêm tốn như người ăn xin kia, can đảm nhìn lên Thánh Giá của Chúa để đón nhận những Thánh Giá trong cuộc đời mình, để mỗi người trong gia đình của chúng con có thể viết những hàng chữ này: Đây là một gia đình có tình yêu tuyệt hảo.

Nếu đau khổ là một kinh nghiệm sống thì tình yêu là một sự chọn lựa để sống. Không phải chỉ chọn một lần, nhưng là chọn nhiều lần, chọn mỗi ngày, chọn trước mỗi hoàn cảnh. Mỗi người chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống. Chúng ta sẽ chọn sống trong đau khổ hay trong hạnh phúc? Chọn biến đổi đau khổ vì yêu hay chọn trốn tránh đau khổ để tình yêu trở nên cằn cỗi? Chúa Kitô đã yêu và đã chết vì yêu trên thập giá. Chúa không đòi hỏi nơi chúng ta cái chết của thân xác, nhưng Chúa muốn chúng ta chết cho những tự ái, hờn căm, tị hiềm, ghen ghét... để những thứ đó trở thành phân bón tốt tươi, làm triể

Bạn thân yêu, đường đời muôn vạn nẻo, xin cầu chúc bạn, người lữ hành trên lộ trình tìm về Nước Trời, chọn đúng những con đường thích đáng để bước đi trong tin yêu và hy vọng.

VÀ... CHÚA TRẢ LỜI KHÔNG

Có một lần tôi đã thưa với Chúa:

Xin cất đi sự kiêu ngạo nơi con.

Chúa trả lời: Không!” Phải tự hiến lòng son

Ngài chẳng tự lấy điều chi cất giữ.

 

Có một lần tôi đã thưa với Chúa:

Xin chữa lành cho cháu bé tật nguyền.

Chúa trả lời: Không! Thần trí vốn vẹn tuyền

Còn thân xác, đó chỉ là giả tạm.

 

Có một lần tôi đã thưa với Chúa:

Xin gia tăng lòng kiên nhẫn nơi con.

Chúa trả lời: Không! Kiên nhẫn được luyện rèn

Bằng đau khổ, bằng gian truân thử thách.

 

Có một lần tôi đã thưa với Chúa:

Xin cho con được hạnh phúc tràn đầy.

Chúa trả lời: Không! Hồng ân Chúa mỗi ngày

Ngài ban tặng sẽ giúp tôi hạnh phúc.

 

Có một lần tôi đã thưa với Chúa:

Xin cất đi những đau khổ muộn phiền.

Chúa trả lời: Không!”Những đau khổ triền miên

Sẽ dẫn tôi đến gần Thầy Chí Thánh.

 

Có một lần tôi ngây thơ hỏi Chúa:

Cha của con có yêu mến con không?

Chúa trả lời: Có! Con Một Người đã giáng trần,

Chết, và ban phúc trường sinh cho ai tin tưởng.

 

Có một lần tôi đã thưa với Chúa:

Giúp con yêu người như Cha đã yêu con.

Chúa mỉm cười: Cha chờ đợi mỏi mòn,

Nay con mới xin điều Cha mong đợi.

 

Lạy Chúa

Mặc dầu sẽ không bao giờ con thích được

những tiếng trả lời không”của Chúa,

chỉ xin cho con bình tĩnh đủ

để nhận định, để hiểu,

để quy hàng ý Chúa và từ bỏ ý riêng của con.

Một mặt thì con tuyên xưng Chúa toàn năng

và thông suốt mọi sự

mặt khác, con nghi ngờ những chương trình

Chúa định cho đời con.

Con muốn Chúa theo chương trình của con,

và khi Chúa không chiều theo ý con

thì con tự nhủ rằng

Chúa không biết yêu thương và không thông cảm.

Chúa ơi, bao giờ con mới thực sự trưởng thành

để bớt đi những mâu thuẫn trong đời

để biết nhìn xa hơn, nhìn như Chúa nhìn

những cái nhìn quan phòng bảo vệ đời con.

Cho con tin Chúa và yêu Chúa,

cho hai chữ tin-yêu trong con

không còn là hai, nhưng là một

để con biết yêu

yêu thực sự

yêu không tính toán

yêu vô điều kiện

yêu không biên giới

yêu không trừ một ai

yêu như Chúa

đã, đang và còn tiếp tục yêu con

mãi mãi, muôn đời.

Amen.

Thanh Thủy

Bài viết khác