Có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong một mảnh đất mầu mỡ. Hạt giống thứ nhất tâm sự: Tôi muốn lớn lên, tôi muốn cho rễ của tôi bén sâu dưới lòng đất, và cho mầm mống của tôi vượt qua cái lớp vỏ cứng cỏi của mặt đất... Tôi muốn phô trương những cái nụ của tôi như những biển ngữ báo hiệu mùa xuân đang tới. Tôi muốn đón nhận sự ấm áp của mặt trời trên mặt tôi và hứng lấy những lời chúc lành của những giọt sương mai trên những cánh hoa của tôi. Thế là hạt giống đó bắt đầu triển nở.
Hạt giống thứ hai nói: Tôi rất lo sợ, nếu rễ của tôi đâm sâu, tôi không biết sẽ gặp phải điều gì dưới lòng đất tối tăm kia. Nếu cố gắng trồi lên trên mặt đất cứng cỏi kia, sợ rằng mầm non của tôi sẽ bị gẫy... Nếu nụ của tôi nở, có thể con ốc sên sẽ đến ăn, và nếu tôi nở hoa, có thể sẽ bị bàn tay của một em bé tinh nghịch nhổ lên khỏi mặt đất. Thôi, tốt hơn hết là tôi chờ cho đến khi nào thật an toàn, tôi mới bắt đầu triển nở. và hạt giống đó tiếp tục chờ. Một chú gà mái đang vô tư bới đất tìm mồi, thấy hạt giống gần đấy, liền mổ một cách nhanh chóng.
Chúa Kitô đã làm người, Ngài đã sinh ra, đã sống và đã triển nở. Chúa Kitô đến để ban cho chúng ta sự sống. Sự sống đó bắt nguồn từ dòng nước nơi giếng rửa tội.
Nhiều người lầm tưởng rằng để trở thành một Kitô hữu, chỉ cần chịu phép Rửa Tội, và đi nhà thờ dự lễ mỗi Chúa Nhật là bảo đảm ơn cứu rỗi. Đời sống Kitô hữu không đơn giản như thế đâu bạn. Hãy quan sát tiến trình của một em bé được sinh ra và lớn lên, dù cho việc sinh nở có đau đớn và cực nhọc, đó cũng mới chỉ là giai đoạn đầu. Công trình nuôi dưỡng cho em bé lớn lên đòi hỏi thời gian và nhiều nghị lực. Cuộc sống nội tâm của chúng ta cũng thế, một khi được tái sinh trong đức tin, cũng cần được nuôi và dưỡng để đạt đến mục đích trọn lành.
Đa số chúng ta không ai là không thích trẻ thơ. Ngoài dáng ngây thơ vô tội, thân xác tí hon tròn trĩnh, dễ thương và mũm mĩm khiến cho ai thấy cũng muốn bế. Đó là chúng ta nói đến các em bé được nuôi dưỡng đầy đủ tại các nước văn minh tiện nghi. Ngược lại, cũng có những em bé cùng lứa tuổi, nhưng không có được cái bề ngoài dễ thương kia, cũng chỉ vì chúng được sinh ra tại các nước nghèo và chậm tiến. Chúng được sinh ra nhưng không được nuôi dưỡng đầy đủ.
Cây cỏ ngoài vườn cũng chia sẻ chung định luật nuôi dưỡng với con người. Cùng trồng một loại hoa mà mảnh vườn được vun tưới thì cỏ hoa tươi thắm hơn; nếu không chăm sóc kỹ lưỡng, thì cây cỏ sẽ héo úa và mảnh đất sẽ khô cằn. Có người mách rằng muốn cho cây tươi tốt thì chúng ta phải chịu khó nói chuyện với chúng, đặt chúng vào những nơi có ánh nắng vừa đủ, nhất là những chỗ có người qua lại, thì cây cành sẽ chóng lớn hơn. Có những người làm vườn đã thí nghiệm cho cà chua trong vườn rau của họ nghe nhạc êm dịu và kết quả là những trái cà chua này phát triển một cách lạ thường. Đó là kết quả của việc nuôi dưỡng.
Tâm hồn chúng ta quý trọng hơn hoa cỏ rất nhiều, chính vì vậy mà chúng cần được nuôi dưỡng cẩn thận hơn. Phép Thánh Tẩy đã tái sinh chúng ta, nhưng chưa đủ để giúp chúng ta lớn lên. Những Thánh Lễ Chúa Nhật tham dự một cách hời hợt theo thói quen không đem lại bổ ích sâu xa cho tâm hồn. Mảnh vườn tâm hồn cần được vun trồng và bồi bổ để tăng triển sức sống nội tâm. Có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc bồi bổ cho linh hồn của mình? Có bao giờ chúng ta vun xới và phân bón cho mảnh đất linh hồn đó? Mỗi người chúng ta có quyền lựa chọn cho mình một đời sống tâm linh cằn cỗi hay một đời sống tâm linh tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa. Linh hồn của chúng ta phải được nuôi bằng gì và phải được dưỡng như thế nào?
Qua việc tham dự Thánh Lễ, chúng ta được nuôi bằng Lời của Chúa và bằng chính Mình và Máu Thánh Chúa. Lời của Chúa không chỉ để nghe, nhưng là để suy niệm và đem ra thực hành. Nghe Lời Chúa, có lẽ nhiều người nghe, đọc Lời Chúa thì có lẽ một số người đọc, nhưng hiểu được lời Chúa và đem ra thực hành trong cuộc sống thì không biết được bao nhiêu người? Đây là lời cảnh cáo của Thiên Chúa: Chúng chỉ thờ Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta (Is 29:13). Bạn và tôi, chúng ta đã thực sự thi hành như Chúa đòi hỏi chưa?
Mình và Máu Thánh Chúa chính là của nuôi chúng ta. Điều này ai trong chúng ta cũng đã từng nghe, từng biết, nhưng có lẽ chúng ta cần nhớ đến và ý thức hơn để không tham dự Thánh Lễ như một cái máy, nhất là khi rước lễ. Nếu ý thức được rằng rước Chúa Kitô là rước lấy chính con người và sứ mạng của Ngài, rước lấy chính tâm tưởng và tình yêu của Ngài, chúng ta sẽ không thể nào vừa rước Chúa vừa hành động ngược lại với những gì Ngài dạy. Nói như thế không có nghĩa khuyên chúng ta không nên rước Chúa vì thấy mình không xứng đáng. Chúa biết chúng ta là con người nên hay sa ngã và dễ quên sót. Chúa chỉ cần chúng ta ý thức và thành thực trở về là Ngài sẵn sàng để thứ tha. Chúa không đếm thành quả chúng ta đạt được. Chúa chỉ đếm bao nhiêu lần ta ngã và bao nhiêu lần ta can đảm bắt đầu lại. Mỗi khi vị chủ tế dâng Mình Thánh lên cao và cộng đồng đáp lại: Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh. Tôi luôn tuyên xưng câu này với tất cả lòng tin, tin rằng chỉ mình Chúa hiểu tôi thực sự và chỉ mình Ngài có thần lực để chữa lành những vết thương của tôi. Nhiều lần xác tín như vậy, tôi đã được toại nguyện.
Được nuôi đầy đủ rồi, bạn nên dưỡng linh hồn bằng những giây phút cầu nguyện thân tình bên Chúa, bằng những lúc thinh lặng trong ngày, những buổi tĩnh tâm cuối tuần, cuối tháng, bằng cách tham dự các Bí Tích, bằng việc học hỏi và chia sẻ qua những lớp giáo lý, Thánh Kinh, tu đức, thần học hay qua việc đọc sách báo. Tôi không thể diễn tả hết được sự phát triển của một tâm hồn khi biết kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô qua việc cầu nguyện. Với ơn của Chúa, mỗi người chúng ta phải tự khám phá ra điều này. Tôi chỉ mời bạn hãy cùng tôi, là người đang chập chững trên con đường nhân đức, nhận thức sự nghèo nàn về tinh thần của mình để tìm đến với Thiên Chúa, để được nuôi dưỡng bằng ân tình tuyệt diệu của Ngài. Thánh Têrêsa Avila nói: Chỉ có một con đường duy nhất dẫn đến Thiên Chúa, đó là sự cầu nguyện. Nếu ai chỉ cho bạn con đường khác, đó là họ đánh lừa bạn.
Phải, con đường dẫn đến Chúa Cha là con đường kết hợp mật thiết với Chúa Kitô. Trong một Thánh Lễ Thêm Sức, Đức Cha chủ tế đặt với các em một câu hỏi như sau:
- Nếu các con chết và lên trước cửa Thiên Đàng, đối diện với Chúa Cha, có Chúa Kitô ngồi bên hữu, Chúa Cha sẽ hỏi các con câu này: Tại sao Cha lại phải cho con vào Thiên Đàng? và nếu trả lời đúng câu này, chắc chắn và bắt buộc Chúa Cha phải cho chúng con vào Thiên Đàng. Vậy đố các con biết phải trả lời như thế nào?
Đợi cho các em suy nghĩ một giây, Đức Cha nói tiếp. Nếu các con trả lời như sau:
- Thưa Chúa Cha, Chúa Cha phải cho con vào Thiên Đàng, vì con là bạn thân của Chúa Kitô. Lúc đó, Chúa Cha sẽ quay sang Chúa Kitô để hỏi:
- Có thật thế không con?
- Chúa Kitô có thể trả lời: Đúng đó Cha, con với người này thân lắm, chúng con thường xuyên tâm sự với nhau. Hoặc Chúa Kitô cũng có thể nói rằng: Con không hề biết người này là ai.
Bạn thân mến, Chúa Kitô chấp nhận bạn hay từ chối bạn, điều đó tùy thuộc vào mối liên hệ mật thiết của bạn với Ngài. Nếu có một người bạn thân, bạn có dành giờ cho người đó không? Bạn có thích đọc thư của người đó viết, hay những gì viết về người đó không? Bạn có thích tâm sự với người đó? Bạn có mời người đó cùng ăn, cùng đi dạo, cùng làm việc không? Bạn có dành thời giờ và nghị lực để nuôi dưỡng tình bạn đó không? Tình của bạn đối với Chúa Kitô cũng cần những yếu tố đó. Chúa Kitô phải có một chỗ đứng quan trọng trong con tim của chúng ta. Chính nơi đó, Ngài sẽ nuôi dưỡng chúng ta nên giống hình ảnh của Ngài.
Lạy Chúa,
Con ăn một ngày ít là ba bữa,
con uống một ngày
không biết bao nhiêu mà kể
và thân xác của con phát triển;
nhưng linh hồn của con
dần dần héo úa.
Đây là dấu con thiếu Chúa,
thiếu chất dinh dưỡng đến từ Chúa,
thiếu Lời của Chúa
thiếu Mình và Máu Thánh Chúa.
Con nhớ lại hình ảnh
của những em bé gầy còm miền Phi Châu.
Linh hồn con cũng vậy,
con tìm đủ mọi lý do
để bào chữa cho những biếng nhác của mình:
con bận học,
con mắc công ăn việc làm,
con phải đi du lịch,
con có con thơ,
con phải làm việc tông đồ,
và còn trăm ngàn lý do khác
cản trở con đến với Chúa.
Người mẹ có khi còn ép con của mình ăn
nhưng Chúa chẳng bao giờ ép con yêu Chúa
Chúa quá trọng tự do của con.
Xin cho con biết sử dụng
sự tự do cho đúng cách.
Xin đừng để cho sự tự do kia
biến thành ngục tù
giam giữ tâm linh cằn cỗi của con
Amen.
Thanh Thủy