Chủ Nhật, 17 Tháng Sáu, 2012

Chúa Kitô : sự sống và tình yêu

  Thiên Chúa Cha đến gõ cửa căn nhà của tôi để tìm chỗ cho con của Người. Tôi nói:

- Ngài có muốn thuê nhà không? Rẻ lắm!

- Ta không muốn thuê, ta chỉ muốn mua thôi, Chúa đáp.

- Tôi không có ý định bán nhà, nhưng Ngài có thể bước vào bên trong để xem qua cho biết.

- Cám ơn bạn, Ta sẽ vào.

- Tôi có thể để Ngài thuê một hoặc hai phòng.

- Ta rất thích căn nhà của bạn. Ta sẽ lấy hai phòng. Ta hy vọng trong tương lai, bạn sẽ nghĩ lại và nhường thêm phòng cho Ta. Ta sẽ chờ vì ta rất thích căn nhà này.

                - Tôi rất muốn nhường thêm phòng cho Ngài, nhưng điều này hơi khó, vì tôi cần một chỗ để ở.

- Ta biết điều đó, Chúa Cha nói. Ta có thể chờ vì Ta rất thích căn nhà này.

- ...Hm! Tôi có thể nhường cho Ngài thêm một phòng nữa, vì tôi cũng không cần nhiều chỗ lắm.

- Cám ơn bạn, Ta sẽ lấy thêm một phòng nữa. Ta rất thích căn nhà này, và thích những gì Ta thấy.

- Tôi rất muốn nhường lại cả căn nhà cho Ngài, nhưng không biết làm điều đó có nên không?

- Bạn cứ suy nghĩ thêm đi. Ta sẽ không mời bạn rời khỏi căn nhà này đâu. Nhà của bạn sẽ là nhà của Ta, và Con Trai Ta sẽ cư ngụ nơi đây. Bạn sẽ trở nên giàu có hơn trước khi bạn bán căn nhà này.

- Tôi không hiểu Ngài muốn nói gì?

- Ta biết, Chúa Cha trả lời, nhưng Ta không thể cắt nghĩa cho bạn được, bạn phải tự khám phá ra điều này. Bạn chỉ có thể khám phá ra chân lý này, khi bạn nhường trọn vẹn căn nhà để Con Trai Ta ngự trị trong đó.

- Điều Ngài nói có vẻ phiêu lưu quá.

- Đúng như vậy, nhưng bạn hãy thử đi.

- Tôi chưa dám. Tôi sẽ báo cho Ngài biết ý định của tôi.

- Ta sẽ chờ. Thiên Chúa Cha trả lời. Vì Ta rất thích căn nhà Ta đã thấy.

Khi nói về mình, Chúa Kitô khẳng định: Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Đối với người Kitô hữu, khi nói đến sự sống, chúng ta dễ liên tưởng đến sự phục sinh. Khi suy niệm về phục sinh, ta không thể không nghĩ đến cái chết, và để đi đến cõi chết, người ta trước tiên phải được sinh ra. Sinh ra là bước đầu của một thực tại sống. Thiết tưởng, đây là thời điểm gần gũi nhất để chúng ta bắt đầu nói chuyện với nhau về sự sống, vì chúng ta đang cùng nhau đón mừng ngày kỷ niệm sinh ra của Chúa Kitô, vị cứu tinh nhân loại. Sinh nhật của Chúa Kitô, con Thiên Chúa, cũng chính là sinh nhật của mầm sống đích thực đầu tiên thể hiện qua thân phận của con người.”

Bình luận về sự sống và sự chết, một người đã có những tư tưởng sau đây: Sinh ra và chết đi là hai vấn đề quan trọng nhất trong cuộc đời con người, thế mà khi sinh ra con người đã không được hỏi ý kiến là muốn sinh ở đâu, trong gia đình nào? Rồi khi con người chưa sẵn sàng ra đi thì thần chết lại đến để con người không có quyền chọn giờ chết và cách chết của mình.

Có lẽ Chúa Kitô khác chúng ta ở điểm này. Ngài đã chọn sinh ra trong thế gian để gần gũi và cảm thông với con người, để nuôi dưỡng và bảo vệ sự sống làm người. Và Ngài đã chọn cái chết để chu toàn Thánh Ý Chúa Cha, để về thông hiệp với Chúa Cha. Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Kitô đã cho nhân loại chính tình yêu của mình thể hiện qua sự sống. Vì thế mùa Giáng Sinh được gọi là Mùa Tình Yêu, mùa để chúng ta tặng nhau sự sống.

Nói đến Giáng Sinh, tôi nhớ đến nhiều kỷ niệm đẹp. Giáng Sinh cũng làm sống lại trong tôi những biến chuyển của tâm hồn. Tôi nhớ nhiều những Giáng Sinh của thời thơ ấu tại khung trời sương mù Đà Lạt. Tôi thích Đà Lạt vì Đà Lạt hiền hòa và giản dị. Bình thường, trời Đà Lạt đã trầm buồn, nhưng cái không khí linh thiêng của mùa Giáng Sinh càng làm cho vùng cao nguyên đó tĩnh lặng, bình an và khiêm cung hơn, thích hợp với tâm trạng của Ngôi Hai xuống thế làm người. Mười hai năm lớn lên ở Đà Lạt là mười hai năm tôi đón chờ Giáng Sinh với tâm tình náo nức của một đứa bé thích nhận quà. Giáng Sinh đối với tuổi thơ của tôi ngày đó có nghĩa là “nhận quà”. Có lẽ đây là tâm trạng chung của tất cả tuổi thơ trên thế giới.

Dịp lễ Giáng Sinh, tôi hớn hở và vui mừng để nhận quà của người thân. Tôi cũng có nghĩ đến Chúa Giêsu Hài Đồng, nghĩ đến tặng quà cho Chúa, nhưng chỉ là những suy nghĩ non nớt chưa bén rễ trong tâm hồn. Thời gian trôi qua, vấn đề nhận quà mất dần đi cái ý nghĩa của nó, đồng thời tôi cũng bắt đầu làm người lớn và bắt đầu phải gói quà để tặng lại người thân. Tặng và cho, cho và nhận gây trong tôi nhiều mâu thuẫn. Lúc tôi muốn nhận là lúc tôi phải cho. Lúc tôi chưa muốn cho là lúc tôi được mời gọi trao tặng. Mâu thuẫn là vì những cho và nhận của tôi hoàn toàn mang ý nghĩa trần thế.

Chúa Kitô đã đến để dạy tôi cho và nhận. Cho đi chính sự sống, và nhận lấy sức sống từ chính Thiên Chúa và tha nhân. Vì thế mà bây giờ Giáng Sinh mang ý nghĩa khác trong tôi. Những món quà vật chất trong mùa Giáng Sinh chỉ là hình thức để diễn tả tình yêu. Chính tình yêu, chính sự sống mới có giá trị thật. Mặc dầu vậy, mỗi lần Giáng Sinh về, tôi vẫn thích gói những món quà nhiều cỡ khác nhau, bằng nhiều mầu giấy khác nhau. Công việc gói quà giúp tôi ý thức rằng chính con người tôi phải là món quà trao tặng cho Thiên Chúa và tha nhân. Nếu làm được, tôi ước muốn gói và tặng cho tất cả mọi người trên mặt đất này một món quà Giáng Sinh, để nói lên lòng tôi ước ao yêu mến mọi người. Dĩ nhiên là niềm mơ ước đó không thể thực hiện được. Có một điều tôi biết sẽ làm được, đó là cho những người tôi gặp gỡ chính sức sống ở trong tôi, sức sống đến từ Thiên Chúa. Muốn được sự sống đó, tôi phải chuẩn bị tâm hồn để Chúa được sinh ra nơi chính tâm hồn của tôi.

Chúa Kitô đã sinh ra nơi trần thế gần hai ngàn năm nay, nhưng nếu Chúa chưa sinh ra trong tâm hồn của mỗi người chúng ta, thì chúng ta chưa đủ điều kiện để mừng sinh nhật của Chúa, mừng ngày kỷ niệm Chúa chọn máng cỏ đơn hèn làm nơi tạm trú, mừng ngày Chúa chọn thân phận làm người để đem đến cho nhân loại sứ điệp tình yêu từ trời cao.

Mừng Sinh Nhật Chúa, bạn hãy nhận máng cỏ như là hình ảnh căn nhà nội tâm của mình. Căn nhà đó có gọn gàng, ngăn nắp và xứng đáng cho vua Trời đến ngự, hay đó là nơi chứa đựng đầy dẫy những hận thù, những đố kỵ, những vu khống, những khoe khoang, ích kỷ và kiêu hãnh? Hãy để Chúa Hài Đồng sinh ra và làm bạn với tâm hồn trẻ thơ trong mỗi người chúng ta. Những tâm hồn bé thơ chỉ biết phó thác, đơn sơ, thật thà và thật sự trống rỗng để không bị ràng buộc bởi bất cứ một điều gì. Hãy để Chúa Hài Đồng sinh ra và lớn lên trong mỗi người chúng ta, để trước sự thánh thiện của Chúa, những mặt nạ đáng ghét của cái “tôi” xấu xa và nham hiểm phải rơi xuống, nhường chỗ cho cái “TÔI” đích thực, luôn sống và đi theo đúng đường lối của Thiên Chúa. Hãy để Chúa Kitô sinh ra trong tôi và hãy để Ngài giúp tôi lớn lên trong đời sống thần linh kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Cha qua đời sống nội tâm và cầu nguyện. Hãy để Chúa Kitô sinh ra và lớn lên trong tôi để Ngài xoa dịu tất cả những nỗi đau thương nội tâm chồng chất qua nhiều biến cố và đã trĩu nặng với thời gian.

Chỉ vì Chúa đã mang thân phận làm người, nên Chúa mới cảm thông được nỗi thống khổ của một con người. Hãy để Chúa Kitô sinh ra và lớn lên trong tôi, để trong những nỗi cùng khốn tột độ, tôi nghe được tiếng Ngài mời gọi tôi trở về. Trở về với tình yêu đích thực của Thiên Chúa sau những chuỗi ngày sa đọa đi hoang, nghe theo những lôi cuốn của trần thế. Hãy để Chúa Kitô sinh ra. Hãy để tâm hồn tôi thật trống rỗng để chất chứa được trọn vẹn con người tuyệt vời của Ngài. Trống rỗng, làm sao để tôi thực sự trở nên trống rỗng? Làm sao để tôi thực sự hết bị ràng buộc? Làm sao để qua công cuộc nhập thể của Thiên Chúa, tôi thoát ly được tình trạng nô lệ luôn xiềng xích tôi trong sự tội.

Hai chữ trống rỗng làm tôi liên tưởng đến những hình ảnh thường được dùng trong những buổi cầu nguyện của mùa Vọng: một cái tổ chim, một cái ly bằng thủy tinh, một ống sáo. Để có chỗ cho trứng chim nở, thì cái tổ chim dù cần phải rỗng ở bên trong. Một cái ly bằng thủy tinh dù có giá trị đến đâu đi nữa, cũng phải trống ở bên trong mới chứa được đầy nước. Một ống sáo dù làm bằng chất liệu quí giá nào đi nữa, thì cũng phải rỗng ở bên trong mới tạo nên âm thanh của nốt nhạc. Con người tôi cũng thế, dù cho tôi có nhan sắc, học thức, hay tài ba lỗi lạc đến đâu đi chăng nữa, căn nhà nội tâm của tôi cũng phải trống rỗng, phải được cởi bỏ khỏi tất cả những ràng buộc - những ràng buộc dưới hình thức vật chất, công việc hay con người - thì mới có đủ chỗ để Thiên Chúa sinh ra, lớn lên và ngự trị trong sâu thẳm cung lòng tôi.

Nếu bạn và tôi cảm nghiệm được thế nào là có thần linh của Thiên Chúa thực sự sống động trong tâm hồn, thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ bằng lòng đánh đổi tất cả để chỉ sống cho Chúa, sống trong Chúa và vì Chúa mà thôi. Chúa đã ban tặng cho chúng ta tất cả. Vấn đề là chúng ta có dám trao tặng lại cho Chúa những gì Ngài đòi hỏi? Chúng ta có dám đánh đổi tình nhân loại để chiếm đoạt tình Thiên Chúa?

 

Lạy Chúa,

Mùa xuân vừa qua

con có dịp theo dõi một chú chim làm tổ

một cái tổ xinh xắn vừa vặn cho hai trái trứng

chuẩn bị chào đời.

Con theo dõi những lo lắng

và săn sóc của chim mẹ

con mường tượng sự yếu đuối

và bất lực của chim con,

rồi con hình dung ra mối liên hệ của con với Chúa.

Chúa mạnh mẽ bao dung,

con bé nhỏ dại khờ.

Mặc dầu bé nhỏ, nhưng con hãnh diện

là con của Thiên Chúa

mặc dầu bé nhỏ con an bình phó thác

vì biết Chúa luôn yêu thương bảo vệ đời con.

Tạo vật giúp con nhìn ra

những kỳ công của Chúa,

Tạo vật nói lên Chúa là chủ của sự sống

và chỉ có những ai biết yêu thương chân thật

mới khám ra sự sống sung mãn.

Xin cho con bắt chước Chúa

yêu thương sự sống

bảo vệ sự sống

phát triển sự sống

Xin dạy cho con biết yêu thương bằng

tình yêu chân thật,

tình yêu quảng đại,

tình yêu tha thứ,

tình yêu không biên giới.

Xin hãy  tập cho con bay

dưới đôi cánh yêu thương của Chúa.

Amen.

Thanh Thủy

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art