Thứ Bảy, 26 Tháng Năm, 2012

Thầy Tôi

 

Trần Minh-Tâm
(Tôi xin được phép thương tặng cho các em, những thế-hệ sinh và lớn lên tại hải-ngoại)

     Tôi giao cái bìa-sách mẫu cho người khách-hàng ngay tại văn-phòng hành-chánh của trường. Ông ta cầm lấy và coi đi, coi lại nhiều lần rồi bắt đầu chê, khen một vài điễm trên hình mẫu mà tôi đã vẽ; trong tâm địa của ông ta chỉ thật-sự muốn bớt đi giá tiền phải trả cho cái bìa sách ở trên tay thôi. Tôi biết câu chuyện giá cả sẽ không được kéo dài vì tôi còn phải trở về lớp học, thứ hai không thể đứng đây giải-thích, kèo-cò thêm xuống vài chục đồng bạc (dù các Thầy có thương đi chăng nữa, vẫn còn các đàn em học lớp dưới dòm ngó), hơn nửa cũng cần có thêm một chúc đỉnh tiền túi cho tuần lễ đó. Suy-nghĩ như thế, tôi dự-định nói "thôi ông muốn trả cái bìa sách này giá bao nhiêu ?"... Thì bổng sau lưng có tiếng nói : "Thôi trả cho nó đi, tụi nó vẽ như vậy là đẹp lắm rồi còn gì nửa"; rồi có một bàn tay từ phía sau đưa tới cầm lấy cái bìa sách của tôi từ trên tay người khách hàng.
     Hoảng-kinh hồn-vía, tôi vội-vàng quay đầu lại coi ai đã nói với người khách hàng như thế, thì thấy Thầy tôi đang cầm cây viết ký tên lên tấm mẫu bìa sách của tôi , rồi đưa trả lại cho người khách hàng và nói "... trả tiền cho tụi nhỏ đi, tôi ký tên rồi đó". Tôi trở về lớp học sau câu nói của Thầy tôi vài phút (vì còn phải đếm tiền chứ, không thiếu một xu). Vậy là tụi tôi có dịp bát phố cuối tuần.
     Có một hôm đang ở trong lớp học, cả đám ngồi chờ Thầy đến để nhận đề tài mới cho giờ Trang-trí; bổng thấy Thầy mình khệ-nệ bưng một tấm bình-phong to tổ-bố đi vào phòng học. Chưa biết ổng muốn cái gì đây?.., thì Thầy tôi nói ngay - "Đây là một tấm bình-phong cho sân-khấu, tụi bây vẽ đi rồi kiếm tiền mà xài, làm cho kỹ nó sẽ lấy điễm cho bài trang-trí ". Tôi nhớ rỏ đó là một tấm bình-phong mà chúng tôi vẽ một nhánh mai già thật đẹp, nhưng những nét phát và cách bố-cục cành mai trên tấm bình-phong này thì chính Thầy tôi hướng dẩn. 
     Rồi ngày giao hàng cũng đến, tôi không biết Thầy tôi giao tấm tranh đó cho khách hàng như thế nào, nhưng chiều đến thì ổng đem tiền về cho chúng tôi. Thế là chúng tôi bàn tính, và cuối tuần mời Thầy và bạn Thầy là ông Nguyễn Thanh-Thu đi ăn cơm Tàu ở Đa-kao một bửa. Tấm tranh và bửa cơm Tàu đả cho thêm vào đầu óc các học trò Thầy một sự tự-tin ... Tôi học bảy năm trong trường Trang-trí, chưa một lần nào tôi nghe Thầy tôi lớn tiếng trong lớp học. Đối với các ông " THẦN " thì Thầy chúng tôi chỉ nói ráng làm việc nhiều hơn, thế thôi. Nhưng!, không phải vì thế mà chúng tôi không sợ Thầy, mà còn sợ nhiều ghê-gớm; cái sợ bắt đầu khi giờ Thầy chúng tôi đi sửa bài, nếu quí-vị biết khi cây viết chì "của ổng" đã bỏ lên trên cái bài vẽ của mình rồi , thì nó ra sao không?. Thưa quí-vị: - Cách tốt nhất là vẽ lại. Do đó, không có một đứa nào dám làm việc cẩu-thả hết, thường-thường thì Thầy tôi chỉ từng người, nói cho biết cái sai, chỉ cách xữ-dụng cây viết chì, cách dùng ánh-sáng bóng-tối v.v.. nhưng tên nào vì thế mà làm biếng làm việc là lãnh ngay ỏõ nét viết chì phong-thần " thì chỉ còn khóc thét ".
     Thật ra, thì câu chuyện "sửa-bài" xảy ra như thế này: "...Trong chương-trình học, chúng tôi có được 12 giờ để thực hiện một bài phỏng-họa (vẽ người, học cơ-thể-học); sau khi bắt đầu bài vẽ phỏng-họa được khoảng 6 giờ, thì Thầy chúng tôi làm một vòng để chỉ và giảng-giải. Đợt thứ nhất, không có một tên học-trò nào chứa đựng trong thân-thể " ... một nhịp tim bất bình-thường cả ..."; sau đó thì không-khí hòa-bình được trở về lớp học trong nụ-cười với những câu-chuyện tiếu-lâm. Nhưng trong khoảng từ giờ thứ 8 cho đến giờ thứ 10 (chúng tôi gọi là giờ thần chết giáng-lâm), lớp học tự nhiên yên-lặng một cách lạ-kỳ, cái không-khí làm việc tự-nhiên trở nên cẩn-trọng; hình như chúng tôi không có một đứa nào muốn ngồi cả..., cái ghế đẩu quen-thuộc hàng ngày, nay bổng nhiên trở thành một vật vô-duyên.
     ... Thầy thì chưa đến, nhưng tại đây đã vào trật-tự, người mẫu thì im-lặng ngồi yên nhìn những bộ mặt "phá trời" đang đăm-chiêu nghiền-ngẫm, tay thì "quậy" lia-lịa cây viết chìá; kẻ thì ngắm-nghía đo tới đo lui, những dự tín cho một sáng chủ-nhật đẹp thật sự đi vào quên-lãng. .. "Cửa phòng mở..", hình dáng của "Ông" Thầy thương-yêu xuất-hiện, cây viết chì quây-quây trên tay và với nụ-cười thường nhật " Ông bắt đầu " dạo một vòng trong căn phòng vẽ, hình như mồ-hôi của chúng tôi bắt đầu tìm lổ chưng-lông để chui ra. 
     " ...Thầy đã chỉ cho em nhiều lần, đã bảo em nhìn thật kỹ đường cong của cánh tay, đường cong của phía lưng, coi lại bộ sọ, bắp thịt chân, bàn tay bàn chân v.v... mà em vẫn để nguyên !.. "hay" ánh sáng như vậy mà em coi được hay sao? Thầy đã chỉ bao nhiêu lần mà em vẫn để yên v.v... "Sau đó, thì quí-vị sẽ thấy một"- nét viết chì đậm đen" chạy dài từ trên đỉnh đầu cho đến gót chân. Đến đây, tôi xin quí-vị một điều thôi, chỉ cho chúng tôi trên thế-gian này có một tiệm nào bán được cục "Gôm" mà có thể lấy được cái nét viết chì này ra khỏi tờ giấy của chúng tôi, thì bao nhiêu tiền chúng tôi cũng mua hết. Chỉ còn 4 giờ nửa là chấm-dứt giờ phỏng-họa này rồi, nếu có năn-nỉ lắm thì "ơn trời" ban thêm nhiều lắm là 2 giờ nửa thôi. Thưa quí-vị, trời không nóng lắm nhưng mồ-hôi của chúng tôi đả bắt đầu đọng-vũng.
     Có những lần tôi đi vào Cục Tâm-Lý Chiến với Thầy tôi, nơi phòng Thầy tôi làm việc. Không lon, không quân-phục, với bộ quần áo thường ngày nhưng ông ấy làm việc và làm việc cả hai nơi trường học và quân-đội; nếu quí-vị ở trong quân-đội thì chắc biết được tên Thầy tôi, vua vẽ hí-họa trên tờ Đặc-san của quân-đội Việt-Nam Cộng-Hòa.
     Chúng tôi không bao giờ quên được những ngày Thầy, trò chúng tôi cùng sống với nhau vào những giờ cuối tuầná; lúc thì ở Lăng-Ông Bà-chiểu, khi thì ngã-lưng trong sở-thú, hay đang thả-hồn nhìn quê-hương mình qua hình dáng của những mái nhà lá, những con rạch đang chảy nhẹ-nhàng qua những chiếc cầu-khỉ nghèo-nàn của quê-hương. Ngắm-nghía những cánh đồng khi lúa trở đòng-đòng, hay chín vàng nằm dưới một bầu trời quang-đãng và nơi xa về phía tận chân-trời bị chận lại bởi hàng cao, hàng dừa đang dẫn linh-hồn chúng ta vào một ngôi làng nho nhỏ v.v.. Chúng tôi đả tập yêu quê-hương qua những hình ảnh nhẹ-nhàng đó, khi cây viết chì được hướng-dẩn bởi tấm-lòng đang ghi chép lại trên một tờ giấy trắng để trở-thành các bài vẽ cảnh thiên-nhiên. Trong bối cảnh đó, Thầy chỉ trò học, những bài vẽ đó trở thành những tấm tranh đầu tay. Để tôi kể cho quí-vị nghe một cảnh như thế này nó đả xảy ra trong tình Thầy trò của chúng tôi .. " -Một lần chúng tôi nhận đề tài vẽ cuối tuần trong Sở-thú Đền-Kỹ-Niệm, ngày thứ Bảy cuối tuần Thầy trò đã ở trong Sở-thú, quây-quần với nhau xung-quanh những bài học, những chi-tiết bố-cục, những ánh-sáng, những hình-thức tạo phối-cảnh và hơn nửa lại có những du-khách đang thưởng-lãm một cuộc triển-lãm không tốn tiền!.. Làm việc cho tới trưa, Thầy trò chúng tôi chọn một bải cỏ đẹp, bóng mát trải dài, cơm tay cầm được bài ra, nước uống, trái cây, và Thầy trò chúng tôi cùng nhau "thả hồn cho bao-tử". Sau khi giải trừ được vấn-nạn của bao-tử thì Thầy một góc cây, trò mỗi đứa cũng một góc cây, trên tay mỗi người cũng một cây cà-rem giống nhau, lời nói, tiếng Thầy cười to, tiếng trò vui-vẽ. Nếu quí-vị có một cái máy chụp hình ở trên tay, hãy chụp ngay cái cảnh thiên-nhiên này và quí-vị sẽ có một tấm tranh tuyệt-vời của một "Gia-đình" đang giải-trí cuối tuần trong bầu không-khí đầm-ấm.
     Rồi thời-gian trôi qua, rời ngôi trường năm 1974 cả đám dự-định trở về thành-lập Hội Cựu Sinh-viên Học-sinh Trường Quốc-gia Trang-trí Mỹ-thuật Gia-định, thì ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến. Những đứa học-trò thì bị dán lên trán mình hàng chữ tốt-nghiệp trường Quốc-gia thì bị đài-ải, vằn-vặt; Thầy thì vào "Trại học-tập" không biết ở nơi đâu? Cho đến đầu năm 1980, tôi và Phạm Quốc-Việt đang đi trên hè phố Lê-Lợi thì gặp lại Thầy tôi tay đang dắt chiếc xe đạp. Cả hai đều hỏi thật nhanh một câu vô-nghĩa nhưng rất tự-nhiên "Thầy vừa được thả về" ? - Ừ-  và nụ cười lại tiếp-tục nở trên môi. Thêm một lần nửa, chúng tôi có được dịp mời Thầy chúng tôi một ly cà-phê trong tình-nghĩa Thầy trò.
     Cơn-lốc đau-thương của lịch-sử Việt-Nam đã đưa chúng tôi rời xa quê-hương, tình Thầy trò, tình bè-bạn mịt-mù. Hôm nay, trên bước đường lưu-lạc, nghe được tin Thầy đã không ngừng-nghỉ vẫn tham-gia sinh-hoạt xã-hội, tiếp-tục giúp đở đốc-thúc các thế-hệ đàn em. Nhân danh cựu đại-diện trưởng trường Quốc-gia Trang-trí Mỹ-thuật Gia-định, thay mặt cho những học-trò vắng mặt ngày hôm nay, chúng em xin kính-chúc Thầy, Cô thật nhiều sức-khỏe, vạn sự như-ý và luôn hy-vọng rằng một ngày gần đây, các học trò của ngôi trường Quốc-gia Trang-trí Mỹ-thuật Gia-định sẽ được phép mời Thầy, Cô Hiếu-Đệ một chén trà “ tạ-ơn, ngay trong lớp học ngày xưa ở trên quê-hương Việt-Nam.

Viết tại Strasbourg, ngày 15 tháng 4 năm 2000
Học trò Trần Minh-Tâm
... Nghe mai nở, vọng lời cha mẹ,
Tiếng trống đồng thôi-thúc lòng con.
Nhưng con Mẹ, hãy còn rảo bước,
Giữa tiếng đì-đùng, Pháo đã reo ... 

Thiên-ân Đức-huệ TRẦN Minh-Tâm

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art