Thứ Bảy, 26 Tháng Năm, 2012

Đường về Đất Mũi

     Về miền Tây 

       Chúng tôi rời Sàigòn khi trời vừa hừng sáng, đồng hồ trên tay tôi chỉ 5 giờ 05. Phải mất hơn 20 phút mới qua được khu đô thị mới Phú mỹ Hưng và lấy xa lộ ven đô đến Bình Chánh, nhập vào quốc lộ 1A thẳng về miền Tây .Qua phà Bình minh Cái Vồn lúc 9 giờ 25, dưới ánh nắng gay gắt, tôi đứng trước mũi phà, hướng tầm nhìn về cây cầu Cần thơ đang thi công, lòng bỗng se lại khi liên tưởng đến thảm trạng xảy ra cách đây hơn một năm, nhịp cầu bên Vĩnh long sập làm cho mấy trăm công nhân chết thê thảm dưới lòng sông Hậu. Những oan hồn đó đang ở đâu ? Có được siêu thoát không ? Hay còn dật dờ trên sông nước ? 
 Chúng tôi ghé qua Cần thơ để thấy tận mắt bao nhiêu thay đổi của bộ mặt Tây đô. Những siêu thị hiện đại chưng bày các mặt hàng đủ loại, những nhà cao tầng ngạo nghễ đứng nhìn ra sông, các trường đại học công và tư thông báo thi tuyển sinh viên vào các phân khoa. Bên cạnh đó là hàng quán, tiệm ăn, nhà hàng, mọc lên như nấm, chen chúc với phố xá đông người. Tuy nhiên dòng xe cộ không ồn ào hỗn độn như ở Sàigòn. Con sông Hậu cũng như ruộng đồng miền Tây không giảm được sức nóng oi ả cứ đeo đuổi theo chúng tôi. Vì đường còn xa, mà tốc độ tối đa chỉ cho phép  80 km giờ nên chúng tôi vội vã rời Tây đô, lên đường đi Sóc trăng. Quốc lộ 1A có nhiều đoạn được nới rộng và được tu bổ khá hoàn chĩnh, nhưng bên cạnh đó cũng có vài nơi còn lồi lõm khó đi. Các xe đò thì chạy bạt mạng, vô tư lấn lằn ranh, lấn đường vượt xe khác. Thỉnh thoảng cũng có cảnh sát giao thông rình bắn tốc độ để phạt các tài xế vô kỷ luật. Nhưng không mấy hiệu quả, vì tệ nạn hối lộ giúp những kẻ  vô kỷ luật càng lộng hành hơn. 
     Đúng 11 giờ 26 phút, chúng tôi ghé Sóc trăng để ăn trưa. Sau đó vội vã rời Sóc trăng lúc 12 giờ 45  đi  Bạc liêu vì  có ý định ghé qua Tắc Sậy, ranh Hộ phòng để viếng mộ Cha Trương bửu Diệp. Lúc 14 giờ 40 dưới ánh  nắng chói chang, chợ Nọc Nạng thuộc thị trấn Hộ phòng còn lác đác người mua, kẻ bán. Nhờ thế chúng tôi tìm mua được mấy bó hoa để dâng lên Chúa và đặt lên mộ Cha. Hơn sáu năm, chúng tôi mới có dịp quay lại Tắc Sậy để viếng mộ Cha và chứng kiến vài thay đổi của nhà Chúa. Ngôi giáo đường cũ đã được thay thế bằng một nhà thờ 2 tầng rất đồ sộ, hiện còn đang xây cất, chưa biết bao giờ mới hoàn thành. Mộ Cha vẫn như xưa. Khói hương nghi ngút hòa lẫn với mùi hoa thơm ngát, vài tín đồ đứng khoanh tay trước mộ, miệng lâm râm khấn nguyện hoặc cầu xin,hoặc tạ ơn. 
      Rời Tắc Sậy, xe vượt 28 cây số đường còn lại và đến thị xã Cà mau lúc 16 giờ. Đoạn đường Sàigòn Cà mau chỉ dài có 358 km, nhưng chúng tôi phải mất một thời gian khá dài . 
      Muốn đến mũi Cà mau, điểm cực Nam của đất nước, chúng tôi còn phải trải qua một đoạn đường 122 km từ thị xã Cà mau đến Đất Mũi. Ai nấy đều mệt nên  phải nghỉ đêm tại khách sạn để lấy sức sáng hôm sau lên đường.  
          
 Mũi Cà mau, điểm tận cùng của đất nước 


Nhờ có liên lạc trước với công ty du lịch Minh Hải,7
 giờ sáng, xe của công ty đến khách sạn đón chúng tôi. Vì đường bộ từ Cà Mau đến huyện Năm Căn khó đi nên họ khuyên chúng tôi nên để xe nhà ở khách sạn và xử dụng xe của công ty có tài xế rành đường đưa đi. 
     Đúng 7 giờ 30, chúng tôi lên đường đi Năm Căn cách thị xã Cà mau 52 km. Chiếc xe 16 chỗ ngồi có hướng dẫn viên đi theo đã giới thiệu với chúng tôi tên của những cây cầu rất ngộ nghĩnh như cầu Cái Rắn, cầu Rau Dừa, cầu Cái Nước. Lúc 8 giờ 20 xe đến phà Đầm Cùng. Một chiếc phà nhỏ chỉ đưa được 2 xe du lịch và hành khách qua sông Bảy Hạp. Rời phà Đầm Cùng, xe phải chao đảo chậm chạp đi qua những cây cầu hư hoặc vài đoạn đường lầy lội. Chúng tôi thích thú đọc từng tên cầu như cầu Cựa Gà, cầu ông U, cầu Lòng Tong, cầu Năm Căn. 
      Theo lời người hướng dẫn kể, khi người Pháp đặt chân đến vùng đất nầy, họ chỉ thấy có năm căn nhà lá của dân địa phương ở để trồng cây đước lấy củi hoặc làm than đước rất nổi tiếng vì giữ nóng lâu. Họ bèn đặt tên Năm Căn cho dễ nhớ. Năm Căn, tuy có nguồn tài nguyên thủy hải sản, có vùng tôm sinh thái, nhưng thị trấn Năm Căn vẫn còn nghèo. 
     Chúng tôi phải xuống xe để tiếp nối đoạn đường thủy từ Năm Căn đến Mũi Cà Mau dài 50 km. 
Lúc 8 giờ 45, người hưóng dẫn đưa chúng tôi xuống ca nô cao tốc đang neo cạnh tượng đài Phan ngọc Hiển. Anh Khánh lái chiếc ca nô hiệu Yamaha  lấy tốc độ trung bình 60 km giờ chẻ sóng  con sông Cửa Lớn, đưa du khách đến cửa biển bên Vịnh Thái lan được người dân nơi đây gọi là Vàm sông Cửa Lớn. Ca nô tắt máy bồng bềnh trên sông cho chúng tôi ngắm Cồn Ngoài và Cồn Trong, nơi phù sa lấn biển cả trăm mét mỗi năm. Các loại cây mắm, cây đước, cây tràm bám giữ lấy đất mới và vươn dài thêm ra theo phù sa bồi đấp. 
     Chiếc ca nô tiếp tục nổ máy quay đầu vào những con rạch chằng chịt thuộc huyện Ngọc Hiễn, xé nước đi xuyên qua các vùng rừng mắm, rừng đước và rừng tràm. Người hướng dẫn giải thích cho chúng tôi biết cây nào là cây mắm, cây nào là cây đước. Người xưa có câu : « Cây mắm đi trước, cây đước đi sau ». Cả hai loại cây đều có công dụng bám đất giữ bùn . Cây mắm cải tạo đất bùn thành đất thịt cho cây đước và cây tràm sống theo. Ngồi trên ca nô lướt sóng, vượt qua rừng cây ngút ngàn, tôi bỗng nhớ đến hai nhà văn miền Nam là Bình nguyên Lộc và Sơn Nam đã đặt chân đến đây thuở còn hoang sơ và viết những tác phẩm độc đáo nói về huơng tràm U Minh, rừng đước Cà Mau hay rừng mắm Đất Mũi « Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ ? » 
      Ca nô đưa chúng tôi qua trạm Kiểm Lâm Cái Đôi rồi đến ấp Kinh đào và chợ Đất Mũi. Nơi đây có hai cây cầu xây bằng bê tông bắt ngang con rạch nối liền hai bờ. Nhà ở cạnh chợ cũng có truyền hình với antenne dĩa. Ngoài ra cũng có chỗ làm đồ gia dụng bằng cây đước như đũa, muỗng ; có chỗ phơi tôm, cá làm khô. Ngày xưa, khi nhắc đến Cà mau thì người dân nghĩ ngay đến câu thơ truyền khẩu  « Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh ». Tôi đã hỏi người dân địa phương thì được biết chỉ có ở vùng sâu và vùng xa mới còn cảnh đó, chứ tại Đất Mũi thì hết rồi. 
     Gần 10 giờ sáng, chiếc ca nô cao tốc cặp vào cầu tàu của Khu Du Lịch Đất Mũi. Du khách có dịp đứng giữa rừng  mắm, rừng đước bạt ngàn ở điểm tận cùng của đất nước,thư thả bước dọc theo bờ biển chạy dài từ Đông sang Tây, hay đặt chân lên mõm đất tiếp giáp Biển Đông  với Vịnh Thái lan, nơi có phù sa bồi đấp mỗi năm vươn dài ra biển hàng trăm mét. Đến đây, con người mới xa được tiếng ồn ào náo nhiệt của đô thị,mới cảm thấy lòng thanh thản khi nghe tiếng chim rộn rã gọi đàn. Chúng tôi viếng sân bay trực thăng, mốc tọa độ quốc gia, bục đá biểu tượng mũi Cà mau rồi leo lên Vọng lâm đài cao 20 mét ngắm nhìn toàn cảnh đất mũi. Khoảng 11 giờ 30, chúng tôi được ăn bữa cơm hải sản trong một nhà hàng thủy tạ vươn ra biển với gió lồng lộng thổi từ ngoài khơi vào. 
     Gần 1 giờ trưa, chúng tôi rời bến Đất Mũi. Chiếc ca nô cao tốc lướt trên mặt nước qua ngõ tắt trở về Năm Căn. Vườn quốc gia Cà mau nằm cạnh bờ sông tiễn đưa du khách quay về với đô thị. Chiếc xe hơi của công ty du lịch Minh Hải chờ chúng tôi ở bến tàu Năm Căn. Xe về đến  thị xã Cà mau lúc 15 giờ 10. 
      Nếu những ai có óc khám phá thì hãy cùng chúng tôi vượt 60 cây số  đi từ thị xã Cà mau đến rừng U Minh Hạ để viếng rừng tràm U Minh, xem một sáng tạo độc đáo của người dân địa phương đưa bè qua đập. Khi du khách đến khu du lịch sinh thái, khách có thể dùng xuồng đi xuyên qua rừng tràm xem tổ ong mật thiên nhiên, vào vườn chim xem tận mắt các loài còng cọc, cò quắm, diệc mốc, diệc lửa, sen ốc.. 
      Ngoài ra, du khách có thể cùng chúng tôi đi ca nô hay vỏ lãi đến thăm Hòn Đá Bạc, nơi đó có di tích dấu chân tiên, bàn tay Phật, chùa Ông, nơi thờ bộ xương cá ông. 
     Nếu du khách muốn đi xa hơn nữa thì cùng chúng tôi dùng vỏ lãi hay ca nô đi Rạch Gốc rồi chuyển sang tàu biển đi Hòn Khoai. Du khách được tắm biển ở Bãi Trước, leo núi lên hải đăng xem phong cảnh Hòn Khoai đứng giữa trời nước mênh mông che chở vùng đất mũi. 

V.L.

(Cám ơn em Thành đã cung cấp cho anh nhiều tư liệu để viết bài nầy)

Bài viết khác