Thứ Bảy, 26 Tháng Năm, 2012

Vài cảm tưởng về tập truyện Bông Tím Lục Bình

     Tôi được tác giả mời phát biểu vài lời nhân dịp ông ra mắt tập truyện “Bông Tím Lục Bình”. Vì không phải là người xa lạ với tác giả từ nhiều năm qua tại cộng đồng người Việt tại Strasbourg, nên tôi vui vẻ nhận lời. Thât vậy, tôi được quen biết tác giả từ thời ông là chủ tịch tiên khởi của Cộng Đoàn Công Giáo Đức Mẹ La Vang. Ngoài ra, tác giả còn là người hăng say đóng góp bài vở cho nguyệt san “Nhịp Cầu”, tiếng nói của người Việt Nam Công giáo tự do vùng Đông Bắc Pháp.

     Tôi nhận lời vì tình nhiều hơn là lý, vì thật ra tôi không là nhà Văn, càng không dám làm lời phê bình một tác phẩm văn chương. Tại Strasbourg có rất nhiều vị có thẩm quyền hơn tôi trong vấn đề này như nhà văn Giáo sư Phạm Việt Tuyền, bác thi sĩ Diễm Châu, Giáo sư Nguyễn Đăng Trúc, bác Trần Trí Thức, bác Nguyễn Đình Lang v.v… Thêm nữa, tôi chưa bao giờ được học văn chương Việt Nam. Tôi mượn lời thi sĩ Hàn Lệ Nhân, Phan Đình Thìn nói lên ý nghĩa đó : “chưa bao giờ về  Sài gòn, chưa bao giờ về Hà Nội, chưa bao giờ thăm xứ Huế, nhưng tôi là người Việt Nam…”. Chỉ đơn giản đấy thôi.

     Tôi chỉ là người thích đọc sách, và lời phát biểu này chỉ mang một góc độ nhìn rất riêng tư, và rất rời rạc…

     Tôi hân hạnh được tác giả gửi cho đọc trước những tác phẩm của ông, trước khi cho đăng lên báo Nhịp Cầu và in thành sách. Cảm nghĩ đầu tiên đến với tôi là ông viết văn theo cung giọng người miền Nam. Như thế, ông có cái gì hao hao giống một nhà văn nổi tiếng người miền Nam trước đây là ông Hồ Biểu Chánh.

     Những nhân vật mang tên nghe đến biết ngay là người dân của miền sông nước Cửu Long : ông Hai Tạo, bà Năm, ông Tư Kiên, cô Hai Duyên…

     Bối cảnh của các câu chuyện hầu hết lấy khung cảnh của miền đồng bằng sông Cửu Long với những tên có thể rất xa lạ với những người đến từ miền Bắc hay miền Trung : Sa Đéc, Trà Vinh, Bến tre, cầu Voi, Mỹ Thạnh, bến Lức, Tân Trụ, chợ Cai tài, chợ Trường An…

     Đọc truyện của ông tôi rất thích thú vì được hiểu biết thêm nhiều điều : có nhiều tác giả đưa vào văn chương, thơ nhạc những loài hoa nổi tiếng như hoa Gạo, hoa Sữa, hoa Đào … Tác giả VL lại đưa vào truyện của ông nhiều hoa của Hoa Đồng Cỏ Nội như bông Súng, hoa Bằng lăng, hoa Sầu đâu tím, hoa Soan tím, hoa điên điển… còn có thêm bụi ôrô, rặng Trâm bầu, ô môi…

Bằng lăng soi bóng ven hồ

Xuân đi, thu đến, bao giờ nở hoa

Hoa ơi có phải vì ta

Mà hoa tím cả trời xa, trời gầ

 

Hò hơ… thân em như thể lục bình

Sóng xô, gío đẩy, lênh đênh giữa dòng

     Đọc tập truyện tôi học được nhiều câu ca dao đượm tình sông nước miền Nam :

Hò hơ… Nước ròng trong ngọn chảy ra.

Mừng anh đi học phương xa mới về.

 

Hò hơ… Mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ.

Cảm thương nàng có mẹ không cha.

 

Ầu ơ, sông dài cá lội biệt tăm,

Phải duyên chồng vợ bao năm em cũng chờ.

 

Trên trăng, dưới nước, em giao ước một lời.

Trăng mờ, nước cạn, không mấy đời phụ anh.

 

Hò hơ…, cây đa tróc góc, thợ mộc đang cưa

Đời đưa ta đi cũng xứng, đứng lại cũng vừa

Tại sao cha với mẹ đi kén lừa sui gia

 

Hò hơ… lầu nào cao bằng lầu ông Chánh

Bánh nào sánh bằng bánh susê

Mẹ bên anh kiếm dâu gia thế

Cha bên em kén rể đông sàng

Lảnh Tố Tâm đơm bộ nút này

Lôi thôi tiếng nói, hai đàng xa nhau

     Đọc VL, thấy ông ca tụng, viết khen các cô gái đồng quê quá sức. Đọc xong 10 truyện, cùng với một số truyện khác chưa in, tôi thấy tác giả đưa hình ảnh các cô gái đồng quê đẹp quá sức : đẹp từ chiếc áo bà ba, qua nét đẹp không son phấn, đẹp tới các tâm hồn đơn sơ, trong sáng… ví dụ như cô Hương trong truyện “Bông Tím Lục Bình”. Ngược lại, đôi khi tác giả khắt khe với các cô gái thị thành, điển hình như các cô con gái nhà giàu như Nga trong “Đoạn kết một cuộc tình” : có học, nhưng ăn chơi và yêu cuồng sống vội…

     Tác giả là một nhà giáo, nên trong truyện của ông phảng phất nét mô phạm : những nhân vật hiền lành, nếu là con trai thường đẹp trai, học giỏi, và dù giàu hay nghèo đều có hiếu; nếu là con gái thường là hiền thục, ngoan ngoãn. Trái lại những nhân vật tượng trưng cho cái xấu đều không có đức hạnh.

Cũng có thể đến từ nghiệp dĩ, nên trong truyện “Một thời áo trắng” có mối tình thơ mộng giữa thầy giáo Trung và cô học trò hiền dịu tên Ngân… câu chuyện cho tôi tưởng nhớ có chút gì đó như truyện “Vòng tay Học Trò” của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng một thời gây xôn xao tại Saigon trước năm 1975. Ở đây VL cho họ kết thúc một cuộc tình rất đẹp…

     Suốt tập truyện, tác giả dường như đưa ra thuyết “ở hiền gặp lành”, nên chuyện của VL thường kết thúc có hậu (người làm phim Mỹ thường gọi Happy ending). Đôi khi tác giả cũng nhẹ tay một chút như trường hợp cô hai Duyên (Phận Bạc) làm những việc không tốt, nên cuối cùng tác giả cho cô đi lấy chồng tít tận mãi bên Đài Loan. Điều này cũng cho thấy tấc giả rất theo sát thời sự bên Việt nam. Cũng trường hợp như trên, hai vợ chồng ông bà Phán, tức là cha mẹ của cô hai Duyên cũng chấm dứt đoạn cuối cuộc đời phần nào có sám hối: “ông bà Phán cũng bán nhà bỏ đi biệt tăm. Có lẽ hai người đưa nhau về Bến tre sống ẩn dật. Họ đã tạo nhân xấu nên cuối cùng phải hái quả đắng. Việc đời vẫn lẩn quẩn trong vòng vay, trả. Buồn vui ví như sóng biển chập chùng không  bao giờ dứt.”

     Tác giả là người Công giáo, nhưng ông có những đoạn viết liên quan đến nhà Phật đọc cũng thích thú lắm như đoạn cuối tập truyện “Bông Tím Lục Bình” : Trước khi vào tỉnh lỵ Trà Vinh, người ta thường thấy rải rác vài ngôi chùa của người Miên được xây cất theo một lối kiến trúc đặc biệt. Phía sau chùa, các sư vãi Khờ me thường trồng cây thốt nốt tỏa cành lá như cánh quạt. Cách xa vài cây số, một ngôi chùa của người Việt có vẻ cổ kính hơn nằm im lìm giữa hai hàng dương. Bên hông chùa là những bụi chuối xanh non, những luống rau lan mới đắp. Một ni cô gầy gò xanh xao ngoài bốn mươi tuổi ngồi chồm hỗm, uể oải cầm chiếc dao cùn chặt những cành dương khô rồi bó thành từng bó nhỏ. Chiều chiều, đến giờ công phu, chú tiểu đầu để chỏm, cầm dùi thúc vào thân chuông, tiếng đại hồng chung ngân vang rồi lan tỏa trong không gian tĩnh lặng. Ở hậu liêu, khói bếp lửa chiều hôm của các ni cô len qua kẽ vách, bay lên từng sợi vào những tàng cây mít sau vườn.

     Hương khom lưng cuốc đất vén lên luống rau lan, đầu miên man suy nghĩ. Hương cứ tưởng rằng đến đây, tâm hồn nàng không còn động nữa, mọi chuyện hồng trần được trút bỏ bên ngoài. Tiếng mõ chuông, lời kinh kệ sẽ giúp Hương lấy lại lòng thanh thản. Đã mấy lần Hương xin sư ông cho nàng được xuống tóc để thí phát quy y, nhưng vị hòa thượng nhìn qua sắc diện của Hương, đoán được lòng nàng còn vọng động thì làm sao tâm được tĩnh mà tu, nên ông khuyên Hương cứ ở lại nương náu nơi cửa thiền, làm công quả, đợi một thời gian thử thách và cũng để hỏi kỹ lại lòng mình.

     Quả đúng, sư ông có lý. Nàng đã chạy trốn nỗi buồn, nhưng buồn cứ đuổi theo, muốn che đậy nỗi khổ, nhưng khổ cứ lan rộng, muốn xóa nhòa dĩ vãng, nhưng dĩ vãng cứ hiện ra. Nhớ lại ngày Hương đi khỏi nhà bà Hai, nàng quá giang xe về Trà Vinh tìm ông bà ngoại. Hỏi thăm lối xóm, Hương mới biết họ đã qua đời từ lâu. Tinh thần hụt hẫng, dằn vặt với số mệnh không may của đời mình, nàng tìm đến chùa nầy, xin nương thân nơi cửa Phật.

     … Giúp các ni cô vài chuyện lặt vặt xong, Hương ra vườn làm công việc của mình. Nàng ngồi nhổ cỏ dại bám trên các luống rau, tai lắng nghe vị hòa thượng giảng bên trong. Giọng trầm ấm, người đang thuyết pháp:

     - Nam mô A Di Đà Phật. Sở dỉ con người còn bận tâm đến hoan hỉ hay sầu muộn là vì trong lòng họ còn chứa chấp cái mầm được, mất. Họ hoan hỉ khi được, và họ sầu muộn khi mất. Vì lẽ đó, thế gian cứ lẩn quẩn trong vòng được, mất, nên hết vui lại buồn, hết buồn lại vui. Nếu hiểu được như thế thì tâm sẽ tịnh, lòng sẽ yên.

     Có tiếng một ni cô gọi Hương sau chùa, nàng nhanh bước đến gặp. Một chập sau, Hương trở lại vườn rau, lắng nghe hoà thượng giảng tiếp:

    - Cuộc đời rất ngắn ngủi, ta đừng nên câu nệ đến việc đã qua hay việc sắp tới. Những gì đã qua thì cứ cho nó qua để lòng được thanh thản, an lạc. Việc sắp tới, không để tâm chờ. Hiện tại tùy duyên kiếp. Nếu giữ được vậy thì lòng trần không còn hệ lụy, nghiệp chướng chẳng còn vương.

    … - Đời có nhiều cái xấu bên cạnh cái tốt. Con người vì tham sân si, ích kỷ nên thường hại nhân, sa vào dây oan nghiệt. Họ không hiểu những tác hại mình gây cho người khác và hậu quả mình sẽ phải lãnh chịu. Họ cứ tô son cho cái tôi của họ là đúng, là tốt đẹp, là hoàn hảo nhất, rồi quên đi khoảng cách giữa cái bề ngoài mà họ phải khoác và cái tôi đích thực của họ bên trong. Bần đạo thiết nghĩ, con người nên tự soi rọi cái tôi của mình để dễ hiệp thông và chia sẻ với kẻ khác. Được vậy, dần dần cái tốt sẽ nhiều hơn cái xấu.

     …  - Cuộc đời quá ngắn ngủi. Mấy chục năm phù du nơi trần thế rồi cũng đi qua như một giấc mơ. Giàu, nghèo, sang, hèn, đẹp, xấu, chỉ là sương khói mong manh. Cái gì rồi cũng phải mất. Đó là định luật vô thường của vũ trụ càn khôn. Vậy ta hãy vui sống với lương tâm ngay lành, sống hạnh phúc với những gì mình có. Hạnh phúc không ở đâu xa, hạnh phúc ở ngay trong lòng mình. Nó bao la lắm mà cũng đơn sơ lắm. Niết bàn tại thế trong tầm tay ta.

     …

     Từ trong chánh điện, vị hòa thượng khả kính thanh thản bước ra vườn, bàn tay gầy lần tràng chuỗi hạt. Bà Hai cùng hai cháu chấp tay vái chào. Sư ông đáp lễ rồi nhìn Hương nhẹ nhàng bảo:

     - Mô Phật, bên trong bần tăng đã nghe qua câu chuyện. Con nên vâng lời bà đây mà quay về với gia đình. Nợ hồng trần con còn vương, đi tu mà để khổ cho những người thân thì làm sao con tu cho được ? Sở dĩ bần tăng chần chừ chưa chấp nhận cho con xuống tóc quy y là cốt để chờ ngày hôm nay. Nó đã đến. Vậy con nên nghe lời bần tăng đi.

     Hương chấp tay nghiêng mình:

     - Dạ con xin vâng lời Sư Ông dạy…

     Tập truyện còn nhiều điều khác nữa, nhưng tôi xin dừng ở đây. Xin cám ơn tác giả đã cho chúng ta được nhiều hình ảnh đẹp, những tư tưởng trân quý.

     Và đây là lần thứ hai Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang tổ chức ra mắt sách của một người thuộc Cộng đoàn. Lần thứ nhất cách đây 13 năm, đó là lần ra mắt cuốn sách “Gương thánh nhân” của bác Hồ Đắc Hóa.

Lê Phú Hải

Bài viết khác

Các từ viết tắt Kitô giáo

Các từ viết tắt Kitô giáo

23/11/2024

Trong nghệ thuật cũng như trong các văn bản Kitô giáo, thường xuyên xuất hiện những từ viết tắt bí ẩn. Việc biết ý nghĩa của chúng cho phép chúng ta đi sâu hơn vào sự phong phú của đức tin. Đây là một hướng dẫn ngắn để hiểu những từ viết tắt thường...

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art