Thứ Năm, 21 Tháng Sáu, 2012

Phận Bạc

Chương một.

 Bé Hồng ra đời vào lúc chiến tranh lan rộng xuống miền Tây Nam Việt. Vùng phù sa hiền hoà với sông bồi đất lở cũng bắt đầu bị tiếng súng dấy động. Lũy tre xanh, lung bông súng, rặng trâm bầu, bờ điên điển, gốc ô môi không còn là những cảnh đẹp tô điểm bức tranh đồng quê mà trái lại chúng biến thành những bẫy rập giết người bằng hầm chông, ổ mìn và lựu đạn. Tiếng gà gáy trưa, tiếng tre già kẽo kẹt, nhịp võng đong đưa thường bị át đi bởi hàng loạt tiếng đại bác nổ inh ỏi như xé không gian.

 Trời vừa sập tối, khi những vạt nắng cuối ngày tắt hẳn, dân làng quanh chợ Trường An vội đóng cửa, then gài. Họ đăm chiêu nhìn qua khe vách đàn đom đóm lập loè trên sông; tai nghe văng vẳng tiếng kêu buồn của bầy nhá nhem từ truông vọng về.

 Bên ngọn đèn dầu leo lét, bà Năm ngồi nhìn cháu ngoại học bài, lòng bỗng nhớ đến con. Phượng, đứa con gái duy nhứt của mình hiện đang làm gì ở chốn thành đô? Phượng có chồng thời chinh chiến. Ái ân chưa trọn vòng tay thì nàng đã vội chít khăn tang khi tuổi chưa đầy mười chín. Chồng chết trận để lại cho Phượng một bào thai năm tháng. Sau khi sinh bé Hồng, Phượng đảm đang tháo vát giúp mẹ bán rau cải quanh chợ Trường An để mẹ con sống qua ngày. Bà Năm nào ngờ khi bé Hồng vừa thôi nôi thì Phượng giao con cho mẹ để nàng rảnh tay lên Sàigòn tìm việc mưu sinh. Vì thương con, thương cháu, bà ưng thuận, lòng chỉ mong sao Phượng có cuộc sống mới khá hơn.

 Sáu năm trôi qua, hai bà cháu sống nhờ vườn rau cải. Sáng sớm, bà Năm len lỏi qua giậu mồng tơi hay lom khom dưới giàn bầu, giàn bí để hái đầy rổ. Còn Hồng thì cắt dấp cá, tía tô, húng lủi, rau răm, ngò, tần ô, hành, hẹ, ớt, cải rổ, cải bẹ xanh cột lại từng bó nhỏ. Rồi thoắt cái, Hồng đã vắt vẻo trên cành cây trước sân nhà để hái khế chua, điều vàng, chuối chát. Xong xuôi, hai bà cháu quảy gánh ra chợ để kịp bán cho dân làng.

 Cỏ ở ngoài đồng không trồng vẫn mọc; đứa bé lem luốc vẫn lớn lên theo thời gian. Và người đàn bà già nua, hiền lành, mộc mạc cả ngày chỉ biết tần tảo mua bán kiếm tiền nuôi cháu. Nhưng đôi vai còm cõi của bà Năm oằn nặng gánh thêm khi bé Hồng bắt đầu ôm cặp đến trường. Cũng nhờ tiền của Phượng gởi về chu cấp nên bà có phương tiện lo sách vở cho cháu. Bỗng một hôm, bà Năm nhận được tin sét đánh:Phượng tử nạn vì bị xe đụng. Bà hối hả dắt cháu lên Sàigòn nhìn mặt con lần cuối rồi nhận lãnh xác Phượng mang về Vĩnh long chôn cất sau nhà.

 Bé Hồng thương ngoại nhiều hơn thương mẹ. Khi thấy ngoại khóc thì Hồng cũng khóc theo chớ Hồng chưa biết thế nào là tình mẫu tử vì mẹ con ít gần nhau.

 Giờ đây, mẹ không còn, ngoại lại già yếu, Hồng cảm nhận mình là trụ cột kiếm sống của hai bà cháu. Bé Hồng được sinh ra để làm người lớn và gánh vác trách nhiệm của người lớn, thứ người lớn mới mười tuổi.

 Khi đứa cháu ngoại học xong tiểu học thì sức bà Năm cũng theo năm tháng yếu dần. Biết mình không còn sống bao lâu, bà tìm đến người em gái để gởi gấm đứa cháu ngoại và giao mảnh vườn của bà cho em canh tác. Ngày Hồng trúng tuyển vào lớp 6 trường trung học Tống phước Hiệp Vĩnh long thì cũng là ngày bà Năm giã biệt cõi đời. Nụ cười mừng vui chưa nở trọn trên môi Hồng thì nước mắt khóc ngoại trào tuôn. Thương cảnh côi cút của đứa bé bất hạnh, hàng xóm, kẻ góp công, người góp của, phụ lo chôn cất bà Năm bên cạnh mộ con.

 Hồng làm theo lời trăn trối của ngoại; bé thu xếp quần áo, sách vở qua làng Tân ngải ở với bà dì. Nào ngờ, sau khi làm chủ được mảnh vườn của chị để lại, bà Sáu trở mặt giẫm lên mọi lời hứa, không cho Hồng tiếp tục học mà ở nhà phụ bà làm ruộng. Hồng đành lặng lẽ vâng lời. Cho đến một hôm, có người quen từ Sàigòn về thăm bà, đồng thời nhờ tìm giùm nguời giúp việc cho một gia đình giàu có ở đô thành. Bà Sáu chụp ngay cơ hội để tống khứ Hồng ra khỏi nhà. Bà buộc Hồng nhận lời. Ngao ngán tình đời và cũng không lưu luyến gì với gia đình bà dì gian xảo, Hồng thu xếp quần áo theo người lạ ra đi khi trời vừa hừng sáng.

 Đứng trên phà Mỹ thuận, Hồng lặng lẽ nhìn về hướng chợ Trường An, nơi tuổi thơ đã gắn bó với rừng dừa xanh, cội me già, bờ so đũa. Gió phe phẩy, sóng nhấp nhô, bông tím lục bình lung linh trên mặt nước Tiền giang đỏ ngầu phù sa. Mái tóc bồng bềnh vuốt ve đôi má ướt lệ. Đời Hồng giờ đây cũng như đám lục bình trôi theo hai con nước lớn ròng. Tiếng đàn lục huyền cầm sầu não qua bài vọng cổ của người hành khất mù gieo vào lòng Hồng nỗi buồn chất ngất.

 Phà cập bến, Hồng xách túi quần áo thẫn thờ lầm lủi theo bà Hai bước lên chiếc xe đò đang đợi khách. Quốc lộ 4 hư hỏng gập ghềnh, thỉnh thoảng xe sụp ổ gà, hành khách bị nhồi bổng lên cao. Gió sớm từ cánh đồng lúa mênh mông ngút ngàn và những con kinh xáng cặp dài theo tỉnh lộ lồng lộng thổi. Chiếc xe đò cũ kỹ vào bến An đông thì mặt trời cũng vừa đứng bóng. Cái nóng oi ả ban trưa hừng hực hắt vào người. Hành khách uể oải xuống xe, tay xách, nách mang ra đi tứ hướng.

- Ê Hồng, mình đi xích lô máy cho mau.

 Tiếng bà Hai dõng dạc kéo Hồng về thực tại. Không háo hức trước cảnh lạ, Hồng bước lên ngồi cạnh bà, ngơ ngác nhìn hai bên đường với đôi mắt đượm buồn.

 

Chương hai.

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ !Thắm thoát, Hồng đã giúp việc cho gia đình ông bà Phán hơn sáu năm rồi. Ông bà chủ có ba người con, một gái, hai trai. Cô hai Duyên đẹp lộng lẫy, nhưng tính tình lẳng lơ, khinh người. Cậu ba Toàn điển trai, học giỏi nên được cha mẹ cưng chìu, còn cậu tư Kiên thì xấu xí, dáng đi khập khễnh bởi chân thấp, chân cao, bị anh chị xem thường. Thời gian dài phục dịch họ, Hồng cảm nhận cách đối xử của từng người với nàng. Cô Hai hách dịch, cậu Ba kiêu căng, riêng chỉ có cậu Tư là nhân hậu, hiền lành.

 Sáu năm sống ở đô thành, Hồng đã gội rửa sạch chất quê. Tuổi thơ đã qua nhường chỗ cho thanh xuân đến mơn man đôi má cô gái dậy thì. Nàng có một dáng dấp dong dỏng cao, thân hình thon thả toát ra một nét đẹp gợi cảm kín đáo. Chiếc áo bà ba đen ôm gọn người Hồng càng làm nổi bật làn da trắng mịn của người con gái khả ái, duyên dáng. Trời ban cho Hồng có một nhan sắc diễm lệ, đã chắc gì là một kho báu của hạnh phúc hay lại là nạn nhân của những ham muốn đê hèn của người đời?

 Nhiều đêm, Hồng trộm nhìn ba cô cậu chủ ngồi học, lòng nàng dằn dặt với số mệnh không may của đời mình; rồi giọt nước mắt tủi thân chảy dài xuống má. Kỷ niệm ngày xa xưa hiện về. Nếu ngoại Hồng còn sống thì giờ đây nàng cũng là một nữ sinh áo trắng trường Tống phước Hiệp Vĩnh long chứ đâu phải dở dang việc học, đem thân làm đầy tớ như hiện tại. Nỗi xúc động ập đến, Hồng nấc lên trong nghẹn ngào.

 Hồng còn nhớ, lúc mới vào nhà này, nàng chỉ được giao cho công việc phụ giúp bà Hai đi chợ, nấu ăn; ngoài ra, Hồng lo quét dọn trước sau. Nhưng sau cuộc đổi đời năm 1975, bà Hai xin nghỉ làm để về quê trông coi đàn cháu, Hồng phải quán xuyến mọi việc trong nhà.

 Một sáng Chúa nhựt, Hồng xách giỏ ra chợ Gò vấp. Vốn cẩn thận, nàng để tiền trong cái bóp nhỏ cầm tay. Khi mua xong mớ rau, Hồng mở bóp lấy tiền; bỗng nhanh như chớp, một tên nhóc giựt chiếc bóp phóng chạy. Hồng hớt hải kêu cứu thì may thay có một thanh niên lẹ làng đuổi theo nắm áo kẻ cắp. Tên móc túi mất thăng bằng, ngả xuống đất nên buông rơi cái bóp. Chàng nhặt lấy rồi quầy quả trở lại tìm cô gái với số tiền còn nguyên vẹn. Hồng mừng rỡ, miệng ấp úng:

- Cám ơn anh. Nếu không có anh chắc khổ thân tôi rồi, biết ăn nói làm sao với bà chủ?

- Cô đừng bận tâm.

 Chàng thanh niên nhìn Hồng suy nghĩ, bỗng chợt nhớ ra:

- Hình như cô ở cùng xóm với tôi.

 Mắt chớp nhanh, Hồng khẽ đáp:

- Tôi cũng thấy anh quen quen.

 Chàng sửng sốt khi nhận ra:

- Đúng rồi, cô giúp việc nhà bà Phán chứ gì?

 Ánh mắt chợt vui, Hồng mỉm cười:

- Dạ phải. Còn anh cũng ở gần nhà thờ?

- Chỉ cách có một dãy phố.

 Đoạn chàng thân mật:

- Thôi cô tiếp tục đi chợ nhé! Tôi phải về trước có việc. A quên, cô tên gì?

- Hồng. Còn anh?

- Tôi tên Tân. Chào cô.

- Chào anh.

 Mua xong các thứ, Hồng xách giỏ quay về khu giáo đường Gò vấp. Khi đi ngang qua căn phố nhỏ, vách ván, mái ngói cũ kỹ, Hồng trông thấy Tân đang lom khom sửa chiếc xe đạp. Nàng lặng lẽ bước nhanh để kịp về lo cơm nước.

 Vào thời điểm 1980, dân chúng nghèo xơ xác. Người có của thì tìm đường vượt biển ra nước ngoài;kẻ không bạc vàng phải ở lại sống bằng khoai sắn, cơm độn mì, bữa đói, bữa no. Bên vệ đường, đủ loại tủ thờ, bàn ghế, được từ nhà mang ra rao bán. Cạnh Lăng Ông Lê văn Duyệt ở chợ Bà Chiểu là nơi mua đi, bán lại quần áo cũ. Trước thảm cảnh ấy,

 Hồng không khỏi ngạc nhiên khi thấy gia đình ông bà Phán vẫn vô tư. Dĩ nhiên họ không sống phè phỡn như xưa kia, nhưng họ cũng không sa sút theo thời cuộc. Cô hai Duyên điềm nhiên lái honda len lỏi trong đám người đi xe đạp. Cậu ba Toàn đến trường bằng vespa mặc dù xăng nhớt phải tìm mua chợ đen. Còn cậu tư Kiên vì bất mãn cha mẹ đối xử thiếu công bằng với con cái nên bỏ nhà đi hoang. Ông bà Phán trước kia thường nặng nhẹ người ăn, kẻ ở, nay đổi thái độ làm ra vẻ thương người. Dù tuổi muời sáu, Hồng cũng loáng thoáng hiểu được trò đời. Biết thân phận mình côi cút, Hồng chỉ làm xong công việc cho qua ngày tháng.

 

Chương ba.

Tân xuất thân từ một đứa trẻ mồ côi được Cô nhi viện Gò vấp dưỡng nuôi. Tính ngoan hiền, cậu bé được linh mục giám đốc nâng đỡ cho Tân ăn học đến tú tài. Rồi miền Nam đổi chủ, Tân cũng đổi đời. Chàng rời Cô nhi viện đi tìm sự sống. Ban đầu, Tân tá túc với người anh họ gần trường Sao Mai. Sáng đạp xe ba bánh chở rau muống cho khách quen, chiều đạp xích lô kiếm thêm tiền độ nhật. Lúc còn đi học, cha Thu dạy triết đã nói một câu mà Tân vẫn nhớ: “Khi con hai mươi tuổi mà không yêu chủ nghĩa xã hội thì con không có con tim. Nhưng đến ba mươi tuổi mà con vẫn còn yêu chủ nghĩa xã hội thì con không có cái đầu”. Vốn là một thanh niên nhiều lý tưởng với tấm lòng thành trong lời ăn tiếng nói và phong cách xử sự đầy ấp tình người, Tân không tin lời cha Thu vì nghĩ rằng một linh mục có cái nhìn phiến diện.

 Tân thường ăn mặc xốc xếch, chiếc áo xanh bỏ ngoài quần tây màu nâu rộng toát ra vẻ quê kệch, khắc khổ. Với tính tình bình dị, khiêm tốn, Tân có một nhân dáng đôn hậu, đằm thắm. Chàng là người cởi mở, chân tình, năng động, đầy nghị lực phấn đấu, nói năng từ tốn mềm mỏng. Mỗi dịp lý luận với cha Thu, Tân có lối trình bày minh bạch, khúc chiết từng vấn đề.

 Dưới mắt Tân, xã hội ngày trước là tổng hợp oan khiên đố kỵ, lê thê oán hận, triền miên thống khổ, dẫy đầy bất công, tràn lan tham nhũng. Lòng Tân mơ ước một cuộc đổi đời để con người sống có ý nghĩa hơn. Nhưng sự nhận xét của Tân không đơn giản như chàng nghĩ. Phải đợi mười năm sống dưới chế độ cộng sản Tân mới thật sự trưởng thành. Chàng hoàn toàn thất vọng khi thấy trước mắt bạo lực vẫn thường xuyên đe dọa con người. Chủ nghĩa mà Tân tôn thờ lại quất xuống thân phận đồng bào những ngọn roi nghiệt ngã.

 Lưỡi hái độc tài rạch đổ máu tự do; chiếc búa chuyên chính vô sản đập tan nền dân chủ. Những lời hứa hẹn biến thành dối trá. Một giai cấp qúy tộc đỏ ra đời. Một tầng lớp tư bản đỏ xuất hiện. Phúc lợi của người dân bị đặc quyền của đảng viên lấn áp, cướp đoạt.

 Nạn tham nhũng cửa quyền bành trướng khắp nước. Giờ đây, Tân mang một tâm trạng chán chường, thất vọng cùng cực. Ngẫm nghĩ, chàng nhận thấy cha Thu có lý khi cho rằng con người thường mơ ước hão để rồi vương vấn hoài niệm buồn. Chàng bỏ các sinh hoạt đoàn, học thi lấy bằng lái xe vận tải để trở thành tài xế xe đò xuôi ngược miền Tây.

 Phải đợi đến cuối thập niên 80, khối cộng sản Đông Âu sụp đổ kéo theo cả Liên sô, thành trì của xã hội chủ nghĩa, chính quyền cộng sản Việt nam mới bắt đầu tỉnh giấc, vội vã mở cửa du nhập kinh tế thị trường. Nhờ các nước tư bản vào đầu tư, dân mới sống thoải mái hơn trước.

 Tân chắt chiu được số tiền, mua căn phố nghèo trong xóm đạo Gò vấp. Năm ba ngày, chàng mới có dịp về thăm nhà vài giờ rồi lại ra đi. Quen cô đơn từ thuở nhỏ. nay với cuộc sống rày đây, mai đó, Tân quên hẵn chuyện vợ con mặc dù chàng gần ba mươi tuổi.

 

Chương bốn.

Một chiều Chúa nhật, lợi dụng ông bà Phán về Bến tre tảo mộ, Hồng có chút thì giờ mang chiếc áo rách vai ra vá. Ngoài trời mây đen vần vũ báo hiệu cơn mưa lớn sắp tới, Hồng đứng lên, định ra sân mang quần áo đang phơi vào thì bỗng phía sau cậu ba Toàn tiến đến ôm eo nàng:

- Em Hồng, sao hôm nay em lãnh đạm với anh thế?

 Hồng thở dài ngao ngán;đôi dòng nước mắt chợt tuôn ra:

- Cậu thừa hiểu rồi, hỏi em thêm làm gì?

 Toàn tìm lời phân trần:

- Anh đâu đồng ý cuộc hôn nhân gượng ép do cha mẹ anh áp đặt.

Ném ánh mắt buồn sâu thẳm, Hồng rưng rưng:

- Nhưng rồi cậu cũng sẽ phụ em để đi lấy vợ.

 Đoạn đưa tay áo chậm nước mắt:

- Em đã biết thân phận mình nên van xin cậu đừng yêu em, cậu không nghe. Giờ đây cái khổ đang trút lên đời em.

 Toàn hôn lên má Hồng vỗ về:

- Để anh tính. Em nên tin nơi anh.

 Hồng lắc đầu chán nản:

- Còn tính gì nữa. Tháng sau đám cưới, cậu theo gia đình bên vợ ra Hà nội lập nghiệp, còn thân em chưa biết sẽ ra sao ?

 Sau phút lưỡng lự, Toàn khẽ hỏi:

- Còn cái bào thai, em định bao giờ làm theo lời anh?

 Hồng nhếch miệng cười mỉa:

- Giết nó à ? Không, em không phá thai đâu.

 Toàn quắc mắt nhìn Hồng:

- Sao em bướng thế?

Hồng sầm nét mặt:

- Em không làm kẻ sát nhân. Cậu đừng xúi vô ích.

 Ngổn ngan với những ý nghĩ chán nản, Hồng bỏ đi ra sân mang quần áo phơi vào còn Toàn thì xụ mặt thở dài lo lắng.

 Nhớ lại thời gian qua, Toàn đã đắm đuối trước sắc đẹp mặn mà, thanh thoát của cô gái dậy thì nên đem lời ngon ngọt tán tỉnh Hồng để rồi cuối cùng Hồng tin lời đường mật của cậu chủ, trao tấm băng trinh cho người tình. Ngày qua ngày, những giây phút ái ân vụng trộm của hai người đưa đến kết quả Hồng mang thai. Toàn hối thúc người yêu phá thai để tránh rắc rối cho cả hai nhưng Hồng cương quyết không nghe. Cô hai Duyên mấy lần bắt gặp Toàn và Hồng âu yếm bên nhau bèn mách cha mẹ. Ông bà Phán tìm mưu kế ly gián bằng cách đi hỏi vợ cho Toàn. Dù biết rằng con trai mình không yêu cô Thắm, trưởng nữ của một đảng viên cao cấp, họ cũng phát họa một tương lai sáng chói để thuyết phục Toàn. Ban đầu Toàn từ chối, nhưng tham vọng quyền lực và bạc tiền làm Toàn chóa mắt, để rồi sau cùng phản bội Hồng bằng lòng cưới Thắm. Bố mẹ cô Thắm cũng tính xa. Biết Toàn là con nhà giàu lại mới đỗ bằng kiến trúc nên hai ông bà nhận lời cầu hôn ngay. Họ còn hứa hẹn sau lễ cưới, Toàn sẽ được gia đình bên vợ đưa ra Hà nội sinh sống để chóng vươn lên.

 Rồi những gì Hồng nghĩ đã đến. Toàn hân hoan lên xe hoa, thuyền tình sang bến khác, trong khi Hồng tựa vách sau hè ôm mặt khóc. Toàn ra đi để lại Hồng nỗi khổ chất ngất. Những cử chỉ bất thường của cô gái mang thai không qua mặt được bà Phán. Bà bèn gọi Hồng vào phòng riêng gạn hỏi. Cuối cùng Hồng thú nhận để rồi chuốc lấy xót xa cay đắng. Họ đuổi người con gái bạc phận ra khỏi nhà không một chút thương hại. Hồng lặng người không biết phải làm gì và đi đâu ?

 Tân đang ngồi thay dầu chiếc xe gắn máy cũ bỗng thấy Hồng thiểu não xách giỏ đi ngang. Chàng tiến ra cổng chào :

- Cô Hồng, sao đi chợ giờ này ?

 Không thấy Hồng trả lời, Tân ngạc nhiên hỏi :

- Cô quên tôi sao ? Tôi là Tân đây.

 Hồng dừng lại ngước nhìn Tân rồi rắm rức khóc :

- Tôi khổ quá anh Tân ơi !

 Tân cuống quít :

- Việc gì thế?Vào nhà kể cho tôi nghe xem tôi có thể giúp cô được gì không ?

 Hồng lặng lẽ nối gót Tân, mắt vẫn đầm đìa lệ. Mời Hồng ngồi xuống ghế, Tân rót trà vào tách nhưng Hồng không uống, cứ ôm mặt nức nở khóc. Tân dịu dàng an ủi :

- Nào, cô có việc gì buồn, hãy nói ra đi cho vơi bớt niềm đau.

 Hồng nghẹn ngào :

- Tôi bị chủ đuổi anh à.

 Tân cười xòa:

- Tưởng chuyện gì trọng đại, chứ mất việc này thì tìm việc khác. Trời sinh voi, sinh cỏ mà cô.

 Biết Tân chưa rõ hết ngọn ngành, Hồng lắc đầu :

- Không đơn giản như anh nói đâu.

 Tân không hiểu, đưa mắt nhìn Hồng.

- Vậy thì sao?

 Hồng nói tiếng được, tiếng mất:

- Tôi bị ông bà Phán đuổi vì đã có thai với con trai họ.

 Tân giật mình sửng sốt:

- Ai ?

 Ánh mắt xa xôi, giọng nói ngậm ngùi, Hồng ấp úng:

- Cậu Toàn.

 Tân ngẩn người:

- Trời ơi, sao cô không suy nghĩ kỹ ?

 Hồng biết Tân thật tình nên kể tiếp:

- Có chứ anh. Nhiều lần tôi van cậu ba đừng yêu tôi vì thân phận tôi nghèo hèn, nhưng cậu ấy cứ dùng lời ngon ngọt hứa hẹn khiến tôi xiêu lòng. Ông bà Phán biết được nên hối hả tìm vợ cho Toàn để phân chia chúng tôi.

- Rồi anh ta đã phụ cô ?

 Hồng gật đầu, nước mắt lại ràn rụa chảy.

 Tân thở dài ngao ngán:

- Nghe nói Toàn theo vợ ra Hà nội sống rồi mà.

 Mắt mờ lệ, Hồng thỏ thẻ:

- Khi cậu Toàn đi rồi, gia đình ông Phán phát hiện tôi có thai nên tống khứ tôi ra khỏi nhà.

 Tân không dằn được cơn tức :

- Đồ khốn nạn. Lấy người ta có thai rồi bỏ ; biết người ta bụng mang dạ chửa mà đuổi.

 Trầm ngâm trong giây lát, Tân nhìn Hồng áy náy :

- Rồi cô định đi về đâu ?

 Hồng lắc đầu vì rối mù trước câu hỏi :

- Tôi không biết nữa anh à ! Định về Vĩnh long nhưng nghĩ lại không còn ai bà con ở dưới. Chắc tôi chết quá anh Tân ơi !

 Tân tìm lời trấn an :

- Đừng nói thế cô Hồng. Tôi đề nghị cô cứ tạm ở đây chờ ngày sinh nở rồi sẽ tính sau. Tôi thường vắng nhà nên không bất tiện cho cô đâu.

 Hồng e ngại.

- Làm sao tôi dám làm phiền anh.

 Giọng nói của Tân dịu dàng bên tai:

- Bọn mình côi cút thì giúp nhau là chuyện thường. Hồng cứ xem tôi như người anh để nương tựa lúc gặp khó khăn. Thôi, cô mang giỏ quần áo vào trong. Tối tôi ngủ ghế bố ngoài này để nhường giường cho cô. Nghe lời người anh cả đi Hồng.

 Hồng cảm động ứa nước mắt:

- Em đội ơn anh.

 Tân lắc đầu cười:

- Lại ơn nghĩa nữa.

 Đoạn chợt nhớ ra, Tân hỏi:

- A, chừng nào Hồng sanh ?

 Hồng cúi mặt ấp úng:

- Độ ba tháng nữa.

 Tân vẫn chưa hết thắc mắc:

- Họ có trả hết tiền công cho Hồng chưa ?

- Dạ có.

 Tân chẫm rãi dặn dò:

- Thế thì nhà còn bao gạo tôi mới mang từ Cần thơ về, Hồng cứ nấu ăn. Trong tủ có mấm lóc, khô cá sặc, Hồng mua thêm mỗi ngày bó rau ăn với mấm, hay nướng khô ăn với cơm. Sáng mai, tôi lái chuyến sớm nên khuya phải ra bến xe miền Tây. Nếu có gì cần, Hồng cứ qua thím Tư bán cà phê mà nhờ; tôi sẽ gởi gấm Hồng cho thím.

 Tân dọn dẹp dụng cụ sửa xe rồi ra sau bếp lấy nồi vo gạo nấu cơm. Chàng lên xe gắn máy chạy ra chợ Gò vấp mua miếng thịt xá xíu đoạn quay về chuẩn bị bữa ăn chiều. Hồng giành làm thay cho Tân. Giây phút bỡ ngỡ ban đầu đi qua. Trong ánh mắt Hồng lóe lên một niềm vui nhỏ. Thấy Tân thật lòng trong lời ăn, tiếng nói nên Hồng xem chàng như anh. Nàng e ấp hỏi:

- Anh Tân làm tài xế xe đò à?

 Tân nhanh nhẩu đáp.

- Phải.

- Lâu chưa anh?

- Ba năm rồi.

- Anh đi tuyến đường nào?

- Sàigòn Cần thơ.

- Vậy anh có đi qua chợ Trường An Vĩnh long không?

- Mỗi ngày.

 Đoạn Tân hỏi lại:

- Hồng có quen ai ở đó à?

- Quê ngoại của em.

- Thế à ! Có dịp, tôi cho Hồng quá giang về thăm bà con.

 Một thoáng buồn hiện ra trên gương mặt khả ái, Hồng lắc đầu :

- Đâu còn ai mà thăm ngoài hai nấm mộ của ngoại và mẹ em.

 Lần đầu tiên, Tân được ăn một bữa cơm đầm ấm nhờ giọng nói của người con gái dịu hiền, đặc biệt đôi mắt ươn ướt dưới hàng mi cong. Cũng lần đầu tiên, Tân nghe được tiếng em vừa thốt ra thật nhẹ nhàng e ấp.

 Ba giờ sáng hôm sau, Tân dậy sớm chuẩn bị lên đường; Hồng cũng thức theo. Nàng bước ra đứng nhìn Tân đẩy xe gắn máy ra cổng rồi khẽ hỏi :

- Chừng nào anh về ?

 Tân quay lại :

- Chiều mai.

 Hồng ấp úng :

- Xuống Cần thơ anh ở đâu ?

 Tân bật cười:

- Thân tôi một mình. Ăn thì có cơm hàng, cháo chợ , ngủ thì thuê ghế bố ở bến xe. Dễ thôi.

 Đoạn Hồng gọi nhỏ:

- Anh Tân.

- Gì đấy Hồng?

- Anh bảo em xem anh như người anh cả, vậy tại sao anh tránh né tiếng anh em? Cứ xưng tôi hoài.

 Tân đội mũ lưỡi trai lên đầu rồi nhìn Hồng:

- Cho anh xin lỗi, tại chưa quen. Thôi đến giờ rồi, anh đi nhé! Nhớ ở nhà có gì cần, chạy qua thímTư.

 Hồng ngoan ngoãn gật đầu.

 Ra khỏi cổng, Tân còn quay lại dặn:

- Em vào đóng cửa ngủ tiếp đi. Đừng buồn nữa mà ảnh hưởng đến bào thai.

 Hồng làm theo lời, gài cửa, tắt đèn lên giường nằm. Nàng không ngờ lúc tứ cố, vô thân, Hồng gặp được người hào hiệp ra tay giúp đỡ. Chắc Trời cao còn thương thân phận côi cút của Hồng. Bên ngoài, cơn mưa xầm xập đổ xuống; những ánh chớp lóe lên trong đêm tăm tối dầy đặc.

 Vài hôm sau, tình cờ thấy Hồng còn ở quanh quẩn trong xóm đạo, bà Phán lo sợ láng giềng biết được việc làm của mẹ con bà nên mướn người dò la xem Hồng ở trọ nhà ai? Thì ra thằng Tân tài xế đứng ra đùm bọc Hồng. Bà câm thù Tân mặc dù chàng thanh niên kia chưa làm gì để bêu xấu gia đình bà.

 Một hôm, nhân dịp từ Hà nội về thăm cha mẹ, Toàn đi ngang nhà Tân, thấy Hồng đứng bên giậu mồng tơi, bụng to gần ngày sanh; Toàn ngoảnh mặt làm ngơ trong khi Hồng đưa mắt nhìn theo người tình cho đến khuất dạng. Trước thái độ bạc bẽo phũ phàng, tình yêu bỗng biến thành thù hận. Hồng nuốt lệ vào lòng, tự trách mình sao không chịu phá thai, đeo mang làm chi giọt máu của kẻ phản bội ?

 Ba ngày sau, Hồng chuyển bụng đẻ trong lúc Tân đang ở Cần thơ chưa về. Thím Tư liền điều độ Hồng đến nhà bảo sanh Từ Dủ. Nhờ Trời nên mẹ tròn con vuông. Rồi hình ảnh Toàn hiện ra khiến Hồng căm hận thêm. Đợi màn đêm buông xuống, Hồng lẻn ra khỏi bịnh viện, bỏ lại trên giường đứa bé mới chào đời. Như kẻ mất hồn, Hồng cúi đầu lầm lũi đi. Đến khi đuối sức, nàng thiểu não ngồi tựa gốc cây thở hổn hển. Một phút bốc đồng, thiếu suy nghĩ, Hồng làm một việc điên rồ. Tình mẫu tử đánh động lương tâm khiến Hồng hối hận ôm mặt khóc. Lòng đau nhói, tim thắt lại, ruột rối như tơ vò, nàng gượng đứng lên, quay lại bịnh viện với con. Nhưng khi bước vào phòng thì đứa bé sơ sinh đã biến mất. Hồng hoảng hốt đi quanh quẩn tìm. Mếu máo hỏi thăm những người chung quanh thì có kẻ trông thấy một gã đàn ông có dáng đi khập khễnh đến ẵm đứa bé ra khỏi phòng. Tuyệt vọng tột cùng, Hồng thúc thích khóc, tự trách mình đã hại con vì dù sao nó cũng là núm ruột của nàng; tại sao Hồng nỡ vứt bỏ đi?

 Đau khổ chất ngất, hối hận dày vò, Hồng không còn muốn sống nữa. Nàng gọi xích lô trở lại Gò vấp. Đến cầu Hang, Hồng xuống xe, đi tới lui bên lan can cầu định chờ xe hỏa đến, nàng sẽ lao đầu xuống tự tử. Vài bạn hàng đi nhóm chợ sớm trông thấy sinh nghi bèn ẩn mình chờ xem hành động của người con gái. Tiếng còi tàu xe xuyên Việt ré vang, Hồng ra giữa cầu, leo qua lan can, chuẩn bị lao xuống. Không chần chừ, ba phụ nữ chạy đến nắm lấy tay Hồng kéo lại làm nàng té ngã trên nền gạch. Họ kêu cứu những người đi đường tiếp sức vì Hồng cố vùng vẫy gào thét. Khi chiếc xe hỏa chui qua khỏi cầu họ mới buông tay Hồng ra thì vừa đúng lúc Tân từ xa cảng miền Tây về đến. Thấy Hồng bơ phờ vật vã khóc than, Tân hoảng hồn vội xuống xe chạy lại dìu nàng về nhà. Có người nhỏ to trách Tân làm chồng tệ bạc nên vợ mới tìm cái chết; còn Tân thì tưởng Hồng sẩy thai vội chán đời tự tử.

 Đến nhà, Hồng nấc lên trong nghẹn ngào tự thú tội mình làm mất con. Nghe hết đầu đuôi, Tân không trách Hồng nông nổi mà còn an ủi hứa hẹn sẽ trở lại bịnh viện dò la tìm con cho Hồng.

 Hôm sau, Hồng lâm bịnh vì bị khủng hoảng tinh thần. Nàng bỏ ăn, biếng uống, nằm mê sảng, miệng luôn gọi con. Thím Tư khuyên giải thế mấy cũng vô ích. Vài ngày sau, từ Cần thơ về, thấy tình trạng của Hồng nguy kịch, Tân bèn đưa nàng vào bịnh viện Gia định điều trị rồi xin nghỉ làm vài hôm để tiện lo cho Hồng.

 Một buổi trưa hè, Tân đang ngồi đọc báo trước hiên nhà bỗng thấy có bóng ai thấp thoáng ngoài cổng rào. Tân bước ra xem và sửng sốt nhận ra cậu tư Kiên, con trai út của bà Phán. Chàng bèn hỏi:

- Anh tìm ai ?

 Kiên hơi lúng túng:

- Có cô Hồng ở nhà không anh ?

 Vốn không cảm tình với cha mẹ Kiên, Tân lạnh lùng sầm mặt:

- Hồng bịnh nặng, đang nằm nhà thương.

 Mắt Kiên sáng lên:

- Thế thì may quá.

 Tân tròn mắt ngó sửng:

- Tại sao lại may ?

 Kiên nhỏ nhẹ đáp:

- Vì tôi chỉ muốn hỏi anh vài điều liên quan đến cô Hồng.

 Tân mở cổng cho Kiên vào nhà. Chàng rót trà mời khách rồi ôn tồn gợi chuyện vì Tân đang sốt ruột muốn nghe:

- Anh cần biết điều gì cứ nói, xin đừng quanh co rào đón.

 Kiên hớp ngụm trà xong bèn vào đề:

- Tại sao cô Hồng bỏ con ?

 Tân trố mắt :

- Sao anh biết chuyện đó ?

 Kiên phì cười :

- Anh chưa trả lời câu hỏi của tôi.

 Tân nghiêm mặt gằn giọng:

- Vì Hồng hận anh Toàn của Kiên và cả ông bà Phán.

 Kiên cau mày ngẫm nghĩ:

- Cô ấy có lý, nhưng tội nghiệp cho đứa bé sơ sinh.

 Tân không muốn tranh cãi:

- Vì một phút bốc đồng, Hồng hành động thiếu suy nghĩ, nhưng sau đó cô hối hận trở lại bịnh viện tìm con thì đứa bé đã biến mất.

 Kiên ngạc nhiên:

- Anh nói sao? Cô ấy có quay lại tìm con à ?

- Phải.

 Kiên sốt ruột giục giã:

- Rồi sao nữa ?

 Tân ngậm ngùi tiếp:

- Không gặp được con, Hồng bị lương tâm cắn rứt nên định nhảy xuống cầu Hang tự tử. Thời may có người trông thấy cứu được, nhưng hôm sau thì Hồng lâm trọng bịnh.

 Tân sực nhớ bèn hỏi lại:

- Anh Kiên cũng chưa trả lời câu hỏi của tôi:

- tại sao anh biết chuyện Hồng bỏ con ?

 Kiên trầm ngâm suy nghĩ rồi thư thả kể:

- Tôi là nhân viên hành chánh trong bịnh viện Từ Dủ. Lúc cô Hồng vào làm thủ tục nhập viện, tôi lánh mặt vì xấu hổ việc anh tôi làm, nhưng âm thầm theo dõi Hồng sanh đẻ ra sao. Tối hôm đó tôi có giờ trực nên định đến thăm mẹ con Hồng; bỗng tôi thấy cô nép mình trong bóng tối, lấm lét nhìn trước sau rồi lảo đảo ra khỏi bịnh viện. Tưởng rằng cô không tiền đóng y phí nên bồng con trốn; tôi liền đến phòng xem thì thấy đứa bé gái còn nằm ngủ say trên giường. Sinh nghi, tôi ngồi đợi. Nhưng ngót một giờ sau chẳng thấy cô trở lại, tôi bồng đứa bé mang về nhà vì đã mãn giờ làm việc, lòng tự nghĩ Hồng vì hận Toàn mà vứt đi giọt máu kỷ niệm.

 Tân nghe qua, mặt rạng rỡ mừng :

- Vậy mục đích anh đến đây là để trả con lại cho Hồng.

Kiên gật gù :

- Tôi muốn biết nếu Hồng quyết định bỏ con thì tôi xin nó để nuôi vì dù sao bé cũng là cháu của tôi. Còn như anh nói, Hồng đã trở lại bịnh viện tìm con mà không gặp rồi quẫn trí định tự tử, tôi xin được gặp Hồng để tạ lỗi và trả con lại cho cô.

 Tân xúc động vồn vã nắm tay Kiên :

- Tôi thành thật cám ơn anh. Trên đời này lại có cây đắng sanh trái ngọt. Tôi biết Hồng đang bị tâm bịnh. Chỉ khi nào tìm gặp được con, cô ấy mới khỏi hẳn. Vậy anh định bao giờ thực hiện kế hoạch ?

 Kiên nghiêm mặt đáp :

- Càng sớm càng tốt.

 Tân cuống quít đề nghị :

- Sáng mai nhé ! Chiều nay, tôi sẽ rước Hồng về vì sợ họ đưa Hồng vào bịnh viện tâm trí. Tôi năn nỉ nhiều lần nên nguời ta chưa chuyển đi.

 Tân siết chặt tay Kiên, thân mật tiễn ra cổng đoạn chàng trở vào nhà đẩy xe gắn máy phóng đi.

 Bịnh viện Gia định gìờ nào cũng nườm nượp người và người. Thân nhân ngồi xổm dưới đất trông ngóng, chờ đợi kín cả hành lang; còn bịnh nhân thì la liệt trong phòng, thiếu người chăm sóc. Phải có tiền đi trước, nhân đạo mới theo sau. Tấm khẩu hiệu mang dòng chữ : ”Lương y như từ mẫu” đã trở thành trơ trẽn trước mắt mọi người.

 Tân đóng bịnh viện phí xong liền đến phòng thu xếp đưa Hồng về. Chưa đầy một tuần mà trông Hồng tiều tụy quá ; Tân cảm thấy tội nghiệp người con gái bạc phần. Chàng dìu Hồng lên taxi rồi ngồi cạnh bên, đưa vai cho Hồng tựa đầu vào. Nàng mặt tái nhợt thều thào nói :

- Chắc em chết quá anh Tân.

 Tân cố trấn an :

- Em đừng nói dại. Vài hôm nữa em sẽ khỏi.

 Hai giọt lệ từ khoé mắt lăn tròn trên đôi má, Hồng nức nở :

- Em sống thêm ngày nào chỉ để làm khổ anh thôi.

 Tân nắm tay Hồng :

- Đã xem nhau như anh em thì Hồng đừng nghĩ quẫn.

 Xe qua khỏi cầu Hang, rẽ trái rồi ngừng trước cổng nhà Tân. Thím Tư trông thấy, bỏ quán chạy sang phụ dìu Hồng vào nhà, miệng lẩm bẩm :

- Tội quá, non ngày, non tháng mà bịnh thế này.

 Đỡ Hồng nằm lên giường xong, Tân ra sau bếp nấu nồi cháo đoạn chạy sang quán thím Tư mua ly sữa nóng mang về ép Hồng uống. Hồng đưa cặp mắt lờ đờ nhìn Tân:

- Anh có tin tức gì về con em không?

 Tân gật đầu:

- Có.

 Hồng không tin:

- Anh dối em.

Tân quả quyết :

- Không, anh nói thật mà. Ngày mai em sẽ rõ. Giờ thì nằm nghỉ đi, em còn yếu lắm.

 Một niềm tin loé lên trong đầu óc khủng hoảng, Hồng sợ tia hy vọng mất đi nên không hỏi nữa. Lây quây sau bếp, Tân nói vọng lên :

- Chiều nay em rán ăn chén cháo thịt. Anh nấu mà không ăn, anh giận cho xem.

 Hồng nghĩ thương Tân. Chuyện oan khiên của người dưng lại gánh vào thân nhưng Tân không tỏ vẻ gì buồn phiền. Hai kẻ mồ côi luôn nương tựa nhau mà sống giữa chợ đời bon chen lừa lọc.

 Đêm nay Hồng trăn trở mãi. Hình ảnh bà ngoại hiện ra gợi nhớ lúc nàng còn bé thơ ở Vĩnh long. Hồng ray rứt nhớ mái nhà tranh lụp xụp có làn khói bếp nấu bữa cơm chiều. Mặc dù thiếu vắng tình mẹ, Hồng còn có ngoại hết mực thương yêu. Còn con nàng thì giờ đây ra sao ? Lương tâm lại dằn vặt, Hồng ràn rụa nước mắt. Giọt lệ thương con và giọt lệ hận đời tiếp nối chảy trên đôi má gầy gò. Sáng hôm sau, Hồng nghe loáng thoáng ngoài cổng tiếng đối đáp giữa Tân và một người đàn ông lạ.

- Chào anh.

- Cô Hồng về rồi hả anh ?

- Dạ chiều hôm qua.

 Đoạn Tân rối rít :

- Anh trao cháu cho tôi bồng kẻo té.

 Linh tính báo cho Hồng biết một điều gì quan trọng, nàng gắng gượng ngồi dậy. Tiếng của Tân vang đều :

- Mời anh ngồi.

- Tôi có thể vào thăm Hồng được chứ?

 Hồng ngạc nhiên tự hỏi người đàn ông nào quen mình mà đến thăm? Tân vồn vã đáp:

-Vâng, mời anh vào trong vì Hồng còn yếu lắm.

 Khi người thanh niên khập khễnh bước vô, Hồng sửng sốt nhận ra cậu tư Kiên:

- Cô Hồng.

- Cậu Tư, lâu quá không gặp Cậu.

 Kiên cảm động nhìn Hồng :

- Tôi mang đến cho cô một báu vật.

 Hồng không hiểu :

- Cậu vẫn hay đùa như thuở nào.

 Kiên mỉm cười:

- Thật đấy. Tôi mang cháu trả lại cho Hồng.

 Như một phép lạ giúp sức, Hồng vịn đầu giường đứng lên:

- Đâu, đâu, con tôi đâu ?

 Cũng vừa lúc Tân bồng đứa bé vào trao cho Hồng.

- Em còn yếu lắm, hãy ngồi xuống nhìn xem có phải con em không ?

 Hồng mất bình tĩnh, ôm lấy đứa bé, trân trối nhìn rồi nức nở khóc:

- Đúng nó rồi anh Tân ơi! Con của em đây mà.

 Đoạn Hồng nhìn sang Kiên dồn dập hỏi:

- Cậu Tư, Cậu tìm thấy con tôi ở đâu ? Tôi xin lạy Cậu để tạ ơn.

 Kiên xua tay nhỏ nhẹ phân trần:

- Đúng ra tôi phải xin lỗi Hồng. Chính tôi đã mang cháu ra khỏi bịnh viện vì tưởng rằng Hồng bỏ con. Nào ngờ, Hồng trở lại tìm cháu thì tôi đã ra về.

 Hồng chợt nhớ ra khi nàng hoảng hốt hỏi thăm người chung quanh, có kẻ trông thấy một gã đàn ông bước chân khập khễnh mang con nàng đi. Tân phụ họa thêm:

- Trưa hôm qua, anh Kiên có đến gặp anh và đã cho biết hết mọi việc. Anh mừng cho em và cháu.

 Tân quay sang Kiên:

- Tôi xin hoàn lại bịnh viện phí cho anh.

 Kiên khoát tay từ chối:

- Không có bao nhiêu, anh đừng bận tâm. Thôi tôi xin kiếu từ vì bổn phận đã hoàn tất.

 Đoạn Kiên nhìn Hồng cười tươi:

- Giờ thì cô hết bịnh rồi chứ? Nên ăn uống tẩm bổ để có sữa cho con bú. Mấy bữa rày cháu chỉ uống sữa hộp.

 Hồng rớm nước mắt ấp úng:

- Một lần nữa, tôi cám ơn Cậu. Tôi phải mạnh để nuôi con tôi.

 Tân siết tay Kiên, tiễn ra cổng rồi quay vào với mẹ con Hồng. Chàng cảm thấy lòng nhẹ nhõm khi Hồng nở được nụ cười trên môi. Tân hớn hở nói:

- Anh chạy ra chợ tìm mua chai sữa với cái núm vú cao su, còn sữa hộp thì thím Tư có sẵn.

 Hồng sung sướng gật đầu:

- Tội nghiệp anh quá!

 Đứa bé tỉnh giấc ngo ngoe cất tiếng khóc. Câu hát ru con đầu tiên được thốt ra khỏi miệng Hồng:

Ầu ơ, Ví dầu cầu ván đóng đinh,

Cầu tre lắt lẻo gập gềnh khó đi.

Khó đi, mẹ dắt con đi.

Con đi trường học, mẹ đi trường đời.

 Thím Tư được Tân báo tin vội chạy sang thăm mẹ con Hồng. Thím ngoẻn cười, miệng móm sọm vì hai hàm răng gần rụng hết. Với ánh mắt xa xôi và giọng nói ngậm ngùi, Hồng cảm động:

- Ơn của Thím và anh Tân biết đến bao giờ con đền đáp được?

 Thím cười khúc khích:

- Ơn nghĩa gì. Thương nhau là qúy rồi.

 

Chương năm.

Dòng thời gian lặng lẽ trôi. Một năm đi qua, cuộc sống cũng trầm lặng điều hòa ê ả. Tân vẫn lái xe đò xuôi ngược miền Tây. Cứ đều đặn hai ngày, chàng quay về Gò vấp chăm sóc mẹ con Hồng, đồng thời mang lương thực mua từ Cần thơ về tiếp tế. Một hôm, Hồng đề nghị với Tân:

- Con Cúc đã một tuổi, anh cho em làm việc gì để phụ anh.

 Tân đắn đo lộ vẻ không đồng ý:

- Một mình anh đủ rồi, vừa lái xe, vừa mang hàng về Sàigòn bán cũng kiếm khá tiền. Em nên để thì giờ lo cho con thì hơn.

 Hồng phân vân:

- Thấy anh vất vả quá, em đâu nỡ ngồi nhìn. Hay là em gom góp tiền công bà Phán trả trước kia để mở quán bán trước nhà cho có đồng ra, đồng vô.

 Tân phì cười:

- Em định bán những gì ?

 Thấy Tân có vẻ xiêu lòng, Hồng hớn hở tiếp:

- Thím Tư bảo em bán rau cải. Cứ mua của bạn hàng trong vườn mang ra rồi mình bán lại kiếm lời.

 Tân đành chìu ý:

- Thì tùy em. Để anh mua cây đóng cho cái sạp trước nhà.

 Hồng sung sướng, mắt sáng lên:

- Anh đồng ý nhé! Em mừng quá.

 Đêm đến, Hồng dỗ con ngủ xong rồi liền ra trước tìm Tân. Mặt trời đã lặn từ lâu nhưng thời tiết vẫn oi nồng. Bên đường, những mái nhà san sát, bình thản đầy vẻ chịu đựng như số phận của người dân lao động. Tân đang ngồi nhìn mông lung bỗng quay lại thấy Hồng.

- Anh Tân. Nàng khẽ gọi.

- Gì đó em?

- Em muốn nói với anh một chuyện.

 Tân cười tủm tỉm:

- Lại buôn bán nữa chứ gì ?

 Hồng lắc đầu:

- Không, quan trọng hơn.

 Tân cau mày :

- Em cứ nói. Anh nghe đây.

 Tình cảm theo thời gian đã nẩy nở giữa hai người nên Hồng muốn biết lòng Tân. Sau phút đắn đo, nàng thỏ thẻ:

- Mẹ con em mang ơn anh quá nặng. Em muốn chúng ta chính thức là vợ chồng để em được quyền lo cho anh chu đáo hơn.

 Tân ngẩn người khi nghe qua, chàng trìu mến nhìn Hồng:

- Như thế này cũng đã chu đáo rồi. Em cứ nghĩ ngợi viển vông hoài.

 Hồng buông tiếng thở dài, đôi dòng nước mắt chợt tuôn ra:

- Hơn một năm sống chung nhà, anh chỉ thương em như đứa em gái thôi sao? Hay là anh cho em không xứng đáng ?

 Tân cuống lên:

- Hồng nghi oan cho anh rồi. Anh cũng có con tim biết rung động chứ đâu phải sắt đá. Nhưng anh sợ...

 Hồng không hiểu ý Tân:

- Anh sợ gì ? Gia đình bà Phán dám làm gì anh ?

 Tân mỉm cười giải thích:

- Anh đâu sợ họ. Anh chỉ sợ một ngày Toàn trở lại. Nếu mình cứ giữ khoảng cách như hiện nay thì lúc đó em dễ quyết định; chứ vì ơn nghĩa mà em trả lại bằng tình thì ngày đó em sẽ khó xử.

 Hồng sầm mặt cãi lại:

- Toàn đã phụ em đi cưới vợ thì làm gì có ngày đó ? Hay là anh có người yêu ? Anh nên nói thật để mẹ con em ra đi cho anh được yên bề.

 Tân nhìn sửng Hồng:

- Nữa, cứ nói nhảm mãi. Anh khuyên em nên chờ một thời gian cho vết thương lòng em lành hẳn và em có thì giờ hỏi kỹ lại mình.

 Giọng nói của Tân vẫn vang đều bên tai Hồng:

- Là con người với trái tim mềm yếu, tình yêu tuy bị sứt mẻ nhưng chưa chấm dứt. Dù cố quên nhưng rốt cuộc cũng chưa thể quên được.

 Hồng nghe lòng se lại. Ngoài trời, trăng lưỡi liềm treo lơ lửng trên ngọn cây đa vằng vặc chiếu xuống mặt đường. Gió hiu hiu thổi, không khí mát dịu dần. Biết Tân còn dè dặt nhưng Hồng đã hiểu được Tân hơn nên nàng miễn cưỡng nghe theo, lòng chỉ mong một dịp nào Tân sẽ cảm nhận Hồng đã thật sự yêu chàng.

 Hai tháng hững hờ đi qua. Quày rau cải của Hồng đắt khách dần. Dân trong xóm khỏi ra chợ đông đúc mà chỉ ghé qua sạp của Hồng để mua vài món. Các bà trồng rau trong vườn thấy Hồng thật thà dễ thương nên mỗi chiều mang hàng ra bán sỉ cho nàng. Ngoài ra, Tân cũng tải thêm khô, mắm từ miền Tây về cho Hồng bán. Nhờ cuộc sống thoải mái nên Hồng trẻ đẹp hơn xưa. Nào ngờ, một hôm đang cho con ăn, Hồng thấy Toàn tự động mở cổng bước vào. Nàng trố mắt nhìn trong khi Toàn nở nụ cười tươi:

- Em Hồng, nhân dịp về Sàigòn, anh ghé thăm em và con.

 Hồng giận run:

- Cậu nói con ai ?

 Toàn xấu hổ nhưng vẫn nói cứng :

- Thì con của chúng ta.

 Hồng gằn giọng:

- Nói mà không biết ngượng miệng. Cậu đã buộc tôi giết nó từ lúc mới tượng hình kia mà.

 Bị bẽ mặt, Toàn cười nhạt phân bua :

- Chuyện cũ, em nhắc lại làm gì.

 Hồng gạt phắt đi :

- Có cũ mới có mới chứ Cậu.

 Toàn cố vớt vát trước thái độ cứng rắn của Hồng:

- Con đâu ? Cho anh nhìn mặt nó một chút.

 Hồng lắc đầu từ chối :

- Nó không phải là con của Cậu.

 Ra vẻ thiểu não, Toàn ngượng ngập :

- Hồng đừng oán giận anh nữa. Anh về đây có ý định đưa mẹ con em ra Hà nội sống với anh.

 Tâm trạng chán chường, Hồng thở dài não nuột:

- Còn mợ ?

 Toàn cố thuyết phục :

- Anh sẽ mua nhà riêng cho em ở với con và chu cấp tiền hàng tháng.

 Hồng mường tượng được thâm ý của người tình xưa :

- Cậu tham lam quá. Muốn tôi ra Bắc làm vợ lẽ Cậu à ? Không, tôi không đồng ý.

 Toàn ngậm bồ hòn làm ngọt :

- Tạm thời thôi, rồi anh sẽ ly dị vợ để chính thức cưới em.

 Cơn phẫn nộ dồn ứ mượn dịp bùng ra:

- Ngày trước cũng vì những lời đường mật của cậu mà tôi mang khổ vào thân; nay cậu lại dùng nó để thuyết phục tôi. Tôi van cậu hãy để mẹ con tôi yên.

 Đoạn Hồng kêu Trời:

- Tại sao những đau khổ bất hạnh chưa chịu buông tha tôi ?

 Toàn bẽn lẽn:

- Nhưng thấy em sống tồi tàn thế này anh chịu không được.

 Hồng lừ mắt:

- Trong sạch lắm chứ, không tồi tàn đâu Cậu à.

 Ánh mắt đưa tình, Toàn gợi nhớ năm xưa:

- Hồng quên hết những kỷ niệm ái ân của chúng mình rồi sao ?

 Hồng lắc đầu ngao ngán:

- Chỉ có Cậu quên chứ tôi làm sao quên được.

 Toàn mừng thầm vì đọc được tư tưởng của Hồng:

- Còn nhớ là còn yêu. Vậy em hãy mang con ra Hà nội sống sung sướng bên anh.

 Hồng bĩu môi cười nhạt:

- Cậu lầm rồi. Tôi nhớ không phải để yêu Cậu mà để hận Cậu.

 Toàn sầm mặt:

- Hay là em đã yêu thằng tài xế xe đò ?

 Hồng bực dọc gay gắt:

- Việc đó có quan hệ gì đến Cậu ?

 Toàn bỗng quát to:

- Có chứ. Nó đoạt em và cướp con anh.

 Hồng lắc đầu trước những lời trơ trẻn của Toàn:

- Không có anh Tân thì mẹ con tôi chết từ lâu rồi.

 Toàn hằn học gắt gỏng:

- Công của nó bao nhiêu ? Tính ra tiền đi, anh trả lại cho.

 Hồng cười khanh khách:

- Các người giàu mở miệng ra chỉ có tiền. Thôi Cậu về đi, kẻo mợ trông thấy càng rắc rối cho tôi.

 Toàn trấn an:

- Em khỏi lo, vợ anh còn ở ngoài Hà nội.

 Đoạn Toàn khinh khỉnh thúc Hồng:

- Anh cho em một ngày để suy nghĩ rồi quyết định. Sáng mai tám giờ, anh sẽ ngồi ngoài xe chờ em và con.

 Nói xong, Toàn bỏ ra về trong khi đầu óc Hồng rối như tơ vò. Tân nép mình sau giậu mồng tơi nghe tất cả. Đợi Toàn đi rồi, chàng mới bước vào nhà trước sự ngơ ngác của Hồng:

- Hôm nay anh nghỉ à ?

 Tân giữ vẻ bình thản:

- Xe hư phải sửa.

 Hồng nhìn Tân lo lắng:

- Toàn mới đến.

 Tân đìềm đạm:

- Anh đã thấy và đã nghe hết câu chuyện.

 Hồng ôm đầu thiểu não:

- Vậy em phải làm sao đây ?

 Động lòng trắc ẩn, Tân an ủi:

- Chỉ có em mới tìm được câu trả lời chính xác nhất.

 Mắt đăm đăm nhìn Hồng, Tân ôn tồn tiếp:

- Chắc em còn nhớ. Trước kia anh đã nói anh sợ cái ngày này. Nay nó đến. Chúng ta chưa có gì ràng buộc khiến em khó xử. Vậy hãy suy nghĩ chính chắn rồi quyết định. Em phải phấn đấu với nội tâm, đừng để bị chao đảo mà đầu hàng nghịch cảnh. Giờ thì anh phải ra Bình chánh trông chừng thợ sửa xe. Trưa mai anh mới về. Nếu em đi theo Toàn thì hãy gởi chià khoá nhà cho thím Tư. Từ đây đến sáng mai, em cần được yên tĩnh để hỏi kỹ lòng mình. Đừng vì chút vướng bận ơn nghĩa mà sau này hối hận.

Tân định đẩy xe ra sân thì Hồng bước đến gần, lay nhẹ vai chàng ấp úng:

- Anh Tân, Em muốn biết lòng anh lần cuối, anh có yêu em không ?

 Bao nhiêu kỷ niệm vui buồn làm rộn ràng con tim thổn thức, Tân khẽ nắm tay Hồng:

- Gần nhau hơn một năm rồi mà em chưa hiểu anh sao?

 Hồng nhíu mày:

- Em chỉ sợ anh xem em như đứa em gái.

 Tân buông tiếng thở dài:

- Anh cố dặn lòng hãy xem em như người em gái để chờ đợi thời gian. Nay thời gian nó đến, anh không còn dối lòng mình nữa. Anh đã yêu em từ lúc em bị giựt bóp ngoài chợ Gò vấp. Anh tự hỏi tiếng sét ái tình hay định mệnh ? Anh không biết, nhưng chỉ cảm nhận mình đã yêu.

 Đôi má ửng hồng, mắt chớp nhanh, nàng ngã đầu vào vai Tân :

- Cám ơn anh. Như thế dễ cho em quyết định.

 Tân lên xe gắn máy:

- Thôi anh đi nhé!

- Dạ.

 Một ngày dài lê thê rồi cũng qua. Đêm đến, Hồng trằn trọc thao thức bên con đang say ngủ. Ngoài trời, cơn mưa lớn như trút nước. Hồng có cảm tưởng những mảnh vụn của trái tim tan vỡ đang bị nước mưa cuốn chảy theo dòng. Kỷ niệm vùng sống lại để gợi thêm nỗi sầu, khơi thêm nỗi khổ. Lương tri thôi thúc, con tim dằn vặt, lòng cứ hỏi lòng bé Cúc nên có người cha ruột như Toàn hay người cha nuôi như Tân? Toàn có thương yêu giọt máu rơi đâu, trái lại Tân hết lòng chăm sóc đứa bé không phải con mình. Rồi Hồng nhớ lại lời Toàn hứa sẽ ly dị vợ để sống với mẹ con nàng. Hồng bối rối trước những mâu thuẫn trong tim. Điều quan trọng Hồng muốn biết là nàng còn vương vấn tình cảm với Toàn không ? Hay Hồng đã thật sự yêu Tân? Thời gian qua, trước sự lo lắng ân cần, chăm sóc chu đáo cùng thái độ mềm mỏng, ăn nói dịu dàng và dung mạo hiền lành của Tân, con tim Hồng đã trao hẳn cho chàng. Hồng so sánh thấy Toàn tuy tốt mã đẹp trai nhưng lòng dạ lang sói còn Tân thì chất phác, thật thà, nhân ái, lòng dạ thẳng ngay. Nhất định Tân xứng đáng làm chồng Hồng. Tất cả phải lui vào dĩ vãng. Trong ánh mắt của Hồng lóe lên một niềm vui. Hạnh phúc sẽ mỉm cười với nàng.

 Đầu thôn tiếng gà đã gáy sáng, Hồng trỗi dậy nấu nước pha sữa cho con đoạn ra sân khóa cổng lại. Đúng tám giờ, một chiếc taxi từ từ ngừng trước nhà Tân. Bầy chó hàng xóm ùa ra sủa. Trẻ con thập thò nhìn qua giậu mồng tơi. Toàn bước xuống xe, tiến đến mở cửa rào nhưng cổng đã khóa. Toàn ơi ới gọi Hồng. Không có tiếng trả lời. Bẽn lẽn, Toàn lên xe ngồi, bảo tài xế bóp còi giục giã liên tục. Bên trong, Hồng nằm võng đong đưa ru con ngủ. Kiên nhẫn đợi đến mười lăm phút, Toàn cũng không thấy bóng Hồng nên tức giận hối tài xế phóng đi mất dạng.

 Vì trăn trở suốt đêm, Hồng mệt mỏi ngủ thiếp theo con lúc nào không hay. Khoảng mười giờ, Tân lái xe gắn máy về đến nhà, thấy cổng khóa, cửa bên trong đóng, lòng đau nhói vì đinh ninh Hồng đã bồng con theo Toàn. Dựng xe bên tường, Tân thiểu não sang quán thím Tư buồn bã hỏi:

- Hồng có gởi chìa khóa nhà cho Thím không ?

 Thím nhìn Tân chưng hửng:

- Cô ấy đi đâu mà gởi?

- Cửa nhà đóng kín mít, Hồng đi theo Toàn ra Hà nội rồi Thím à.

 Thím Tư phì cười:

- Cậu giỡn với tôi hả ?

 Tân bỗng hoang mang:

- Vậy Thím có thấy Toàn đến đón mẹ con Hồng không ?

 Thím gật đầu:

- Có, nhưng gọi mãi không được, cậu ta lên taxi ra đi rồi.

 Tân như người sắp chết đuối nắm được phao, chàng chạy về nhà, nhảy qua cổng hối hả gõ cửa gọi:

- Hồng ơi! Có anh về đây, mở cửa cho anh vào.

 Bên trong, Hồng giựt mình thức dậy, xuống võng, lấy chìa khoá tra vào ổ. Khi cánh cửa vừa hé, Tân đẩy mạnh rồi tiến đến ôm Hồng. Họ nhìn nhau trong ánh mắt dịu dàng. Hạnh phúc đong đầy những ước mơ mà trước đây Tân chẳng dám mơ ước. Hồng tựa đầu vào ngực Tân, ánh mắt long lanh tình tứ đang mời gọi. Chàng bàng hoàng vời niềm vui sướng đến quá bất chợt, miệng thì thầm qua hơi thở:

- Kể từ giờ phút này em mới thật sự của anh.

 Đoạn Tân đề nghị:

- Ngày mai chúng ta chính thức thành hôn và anh làm đơn ra tòa xin nhìn nhận bé Cúc là con của chúng ta. Em bằng lòng chứ?

 Ửng hồng đôi má, mắt chớp nhanh, Hồng e ấp:

- Còn gì sung sướng cho em bằng.

 Tân dìu Hồng vào trong, đặt lên môi nàng nụ hôn nồng. Chàng ngất ngây khi cảm thấy hơi thở của Hồng càng lúc càng dồn dập. Họ xoắn lấy nhau chơi vơi ngụp lặn trong giây phút tuyệt vời. Giờ đây, Hồng mới tìm thấy được tình yêu chân thật. Hạnh phúc thật sự đã đến với nàng. Hồng vúi đầu vào ngực Tân, đôi môi mấp máy:

- Em yêu anh mãi mãi.

 Tân lịm người khi nghe được giọng nói êm ái, ngọt ngào của người đàn bà khả ái trong vòng tay chàng. Lòng lâng lâng yêu đời, Hồng âu yếm nhìn Tân.

- Chắc anh đã trọn tin em rồi?

 Tân hôn lên má Hồng :

- Tin và yêu em suốt đời.

 Họ tiếp tục đắm chìm trong ân ái cho đến khi ngoài võng có tiếng trở mình của bé Cúc. Hồng bẽn lẽn cười khúc khích:

- Bị con phá đám rồi:

 Tân cũng phụ họa Hồng:

- Chiều nay anh đi mua thêm cái giường.

- Để làm gì?

- Thì em với con ngủ một giường, anh một giường. Chẳng lẽ nằm ghế bố mãi sao?

 Hồng bá cổ Tân nũng nịu:

-Nói thế mà nghe được. Vậy em ngủ luôn với con nhé!

 Tân cười nắc nẻ:

- Khi dỗ con ngủ xong em nhớ giở mùng chui qua với anh.

 Hồng ngượng đỏ mặt, miệng tủm tỉm:

- Dĩ nhiên rồi.

 Ngoài võng bé Cúc khóc vang. Tân chạy ra bồng Cúc còn Hồng thì vào bếp lấy cháo cho con ăn.

 Hôm sau, Tân đưa Hồng ra chính quyền làm giấy kết hôn. Chàng cũng đệ đơn xin nhìn nhận bé Cúc là con. Chú Hai Tạo và thím Tư được Tân nhờ làm nhân chứng. Chiều lại, hai vợ chồng tổ chức bữa tiệc nhỏ để khoản đãi hàng xóm. Láng giềng cụng ly mừng Tân hết cô đơn.

 Qua đêm tân hôn, trước khi ra xa cảng miền Tây, Tân ngồi hớp từng ngụm cà phê rồi âu yếm nhìn Hồng:

- Anh có một kế hoạch nầy, em muốn nghe không ?

 Hồng nguýt yêu chồng:

- Còn phải hỏi.

 Tân chẫm rãi:

- Anh định cuối tháng xin nghỉ lái xe đò và sửa lại cái sân trước nhà làm quán ăn. Như thế, anh có thì giờ gần vợ con nhiều hơn. Em bằng lòng chứ ?

 Mặt Hồng hớn hở:

- Điều đó em mong từ lâu nhưng vì chưa phải là vợ anh nên em đâu có quyền đề nghị. Mà anh tính bán thức ăn gì?

 Không phân vân, Tân đáp gọn:

- Cơm tấm bì chả. Mình chỉ bán từ sáng đến trưa thôi.

 Hồng rạng rỡ tán đồng ý chồng:

- Em làm được. Còn nước uống thì sao ?

 Tân nhìn qua bên kia đường:

- Để riêng cho thím Tư. Ai cần uống thì anh gọi thím mang sang. Mình phải nương nhau mà sống.

 Hồng gật đầu đồng tình:

- Anh tính rất đúng.

 Bỗng Hồng sực nhớ bèn hỏi Tân:

- Vậy còn quầy rau cải của em ?

 Tân gãi đầu:

- Em muốn ngưng bán hay tiếp tục ?

- Anh đừng dẹp. Cứ để em bán cầm chừng, khi nào bề bộn quá thì vợ chồng mình tính lại.

 Tân chìu vợ :

- Tùy em, nhưng phải liệu sức, đừng ôm đồm quá rồi ngã bịnh.

- Em nghe lời anh mà.

 Gần hai tháng, kế hoạch của vợ chồng Tân mới thực hiện được. Vốn quen nấu ăn, Hồng trổ tài làm bếp. Chẳng bao lâu, quán cơm tấm bì chả đông đảo thực khách. Họ ăn ngon nên gìới thiệu bạn bè đến thưởng thức. Thế rồi lời đồn đãi cứ lan dần. Thím Tư cũng tăng thu nhập nhờ khách của Tân.

 Chỉ một năm thôi, vợ chồng Tân có dư tiền sắm sửa căn nhà khang trang hơn. Hồng sanh thêm đứa con trai kháu khỉnh mang tên Phúc. Hơn hai mươi năm bạc phận, giờ đây Hồng mới thật sự sung sướng bên chồng con.

 Một buổi trưa, Tân đang dọn bàn chuẩn bị đóng cửa nghỉ thì chợt thấy tờ báo của khách bỏ quên. Chàng mở ra xem bỗng giựt mình khi nhìn thấy cái tựa lớn in đậm nét: Một kiến trúc sư bị bọn xã hội đen giết chết tại Hà nội. Tân chăm chú đọc tiếp:”Ông Lê đình Toàn, kiến trúc sư, ngụ tại phố Hàng Đào vừa bị bọn xã hội đen đâm chết. Chúng vứt xác ông bên hồ Trúc Bạch. Thủ phạm bị bắt sau vài giờ. Công an liền mở cuộc điều tra thì được biết chính bà Thắm, vợ ông Toàn, đã âm mưu với tình nhân thuê bọn du đãng giết chồng để đoạt của. Tất cả đã nhận tội trước mặt chính quyền. Hiện các tội phạm đang bị giam giữ chờ ngày ra tòa lãnh án”.

 Sau phút bàng hoàng, Tân cầm tờ báo ra sau bếp tìm Hồng báo hung tin. Hồng đang rửa nồi, thấy chồng hớt hải vào, nàng ngẩng đầu lên:

- Chuyện gì thế anh ?

 Tân lặng lẽ trao tờ báo cho Hồng:

- Cậu Toàn bị giết chết tại Hà nội.

 Hồng sửng sốt vội lau tay, cầm lấy tờ báo. Sau khi đọc xong, nàng lắc đầu ngao ngán:

- Trên đời nầy sao có người vợ ác độc như thế được ?

Tân trầm ngâm nhíu mày:

- Tội nghiệp cho cậu Toàn.

 Hồng cũng thấy lòng se lại, khóe mắt chợt cay. Tin lan nhanh, cả xóm đều biết. Sáng tinh sương, ông bà Phán đáp máy bay ra Hà nội nhận xác con. Đến nơi, họ được vài bạn thân của Toàn kể lại mới hay Toàn thường về Sàigòn xin vàng của cha mẹ mang ra Hà thành đầu tư vào nhà hàng, khách sạn. Đáng lý vợ chồng Toàn giàu to, nhưng vì Thắm đam mê cờ bạc và ngoại tình nên tiêu hết sản nghiệp. Toàn xin ly dị để chia đôi ngôi biệt thự còn lại. Thắm từ chối. Rồi nàng âm thầm toan tính với tình nhân lập kế giết chồng. Cũng may, tên sát thủ bị bắt, cung khai hết mọi việc nên sự thật được phô bày ra ánh sáng. Ô dù của cha Thắm có che chở được nàng không ? Phải chờ ngày Thắm ra tòa mời biết.

 Mấy tháng sau, dân xóm đạo nghe tin cô hai Duyên lấy chồng Đài loan rời xứ sở, còn ông bà Phán cũng bán nhà bỏ đi biệt tăm. Có lẽ hai người đưa nhau về Bến tre sống ẩn dật. Họ đã tạo nhân xấu nên cuối cùng phải hái quả đắng. Việc đời vẫn lẩn quẩn trong vòng vay, trả. Buồn vui ví như sóng biển chập chùng không bao giờ dứt.

Viết xong ngày 15 tháng 01 năm 2003.

VL

Bài viết khác

Các từ viết tắt Kitô giáo

Các từ viết tắt Kitô giáo

23/11/2024

Trong nghệ thuật cũng như trong các văn bản Kitô giáo, thường xuyên xuất hiện những từ viết tắt bí ẩn. Việc biết ý nghĩa của chúng cho phép chúng ta đi sâu hơn vào sự phong phú của đức tin. Đây là một hướng dẫn ngắn để hiểu những từ viết tắt thường...

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art