Thứ Năm, 21 Tháng Sáu, 2012

Những mảnh đời bồng bềnh

Lợi dụng chuyến đi du lịch Campuchia do Saigon Tourist tổ chức, sau khi đến Siem Reap thăm Đế Thiên Đế Thích, chúng tôi liền gợi ý với anh hướng dẫn tổ chức ngoài chương trình vài giờ thăm viếng làng chài Việt nam trên biển Hồ. Mỗi người trong đoàn phải đóng thêm 20 đô la chi phí. Hầu hết đều đồng ý.

Trước khi lên đường, do sự gợi ý của người hướng dẫn, chúng tôi ghé qua một tiệm thực phẩm của người Miên, mua các thức ăn cần thiết để làm quà tặng đồng bào ruột thịt. Chúng tôi xin nhiều bao ny long để chia đều các gói mì ăn liền, đường, gạo, sữa hộp…

 

Vì đâu nên nỗi        

Chiếc xe ca lăn bánh lúc 12 giờ 15. Độ 30 phút len lỏi trên con đường lộ, hai bên lề rợp bóng tàng cây trứng cá, xe bắt đầu vào địa phận của biển Hồ. Mặt nước trải rộng , ghe xuồng nhấp nhô. Đoàn phải rời xe ca để lên ghe máy đến làng chài của người Việt. Những gói thực phẩm cũng được anh tài công khờ me phụ giúp mang lên ghe. Nhờ có anh hướng dẫn tháp tùng, chúng tôi mới hiểu thấu hoàn cảnh bi đát của người Việt sống trên biển Hồ.

Tiếng lạch bạch của chiếc động cơ ghe máy hoà với tiếng sóng vỗ lách tách ở mạn thuyền tạo một âm thanh buồn tẻ. Ghe máy từ từ đi qua một nhà thờ nhỏ cất trên bè. Gió phe phẩy thổi làm cho cây thánh giá lắc lư chao nghiêng. Mọi người giương mắt tìm vị chủ chăn nhưng không thấy, chỉ thấy mấy đứa trẻ lao xao, đùa giỡn rồi xúm lại cửa nhà thờ  ngơ ngác nhìn khách trên sông. Ghe máy tiếp tục lướt sóng,làng chài Việt nam dần dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Những cái chòi lá lụp xụp không có một miếng đất làm nền mà chỉ nằm trên những cái thùng phuy bịt kín làm phao cho một gia đình trú ngụ. Rải rác cũng có một hai nhà lợp tôn nằm trên phao làm tiệm tạp hóa. Có một em bé mặt mũi lấm lem, chèo xuồng bán các thứ linh tinh. Ghe máy đi ngang một lớp học có bảng đề Trường học Việt Nam.Vì là ngày Chúa nhựt nên chúng tôi chỉ thấy các em nhỏ tấp xuồng vô lớp học, lên sinh hoạt với các bạn. Theo anh hướng dẫn cho biết, cuộc đời của những người Việt tha hương đã mấy lần sống trong nghiệt ngã. Dưới thời Tổng thống Lon Nol thân Mỹ, họ bị chính quyền Miên đuổi ra khỏi biển Hồ, bồng bế nhau chạy về lánh nạn ở Hồng Ngự Tiền giang hay Tân Châu Hậu giang. Rồi vì nghèo, họ lén lút quay lại biển Hồ để tìm sự sống.Sau khi Lon Nol bị lật đổ, Pol Pot lên thay và dùng chính sách sắt máu, diệt chũng để cai trị. Người Việt trên biển Hồ thêm một lần nữa chạy bán sống, bán chết về tỵ nạn ở miệt sông Tiền hay sông Hậu. Mãi đến khi Việt Cộng xua quân qua đất khờ me đánh Pol Pot và cho bộ đội đóng quân trên đất Chùa tháp, người Việt lần hồi trở lại sinh sống trên biển Hồ.Vì nhờ Cộng sản Việt Nam đưa lên nắm quyền cai trị đất nước Miên, thủ tướng Hun Sen đành phải làm ngơ cho người Việt trú ngụ  trên biển Hồ. Nhưng họ luôn bị xem là những di dân bất hợp pháp. Sinh hoạt hằng ngày của họ là gì ? Đàn ông ra biển lưới cá, đàn bà buôn bán tạp nhạp hay nội trợ. Gần đây, dân miền Bắc Việt nam vì nghèo nên phải vào Nam, lặn lội xuống tận Hồng Ngự hay Tân Châu tìm việc làm kiếm sống. Nhưng miền đồng bằng sông Cửu long không còn chỗ cho họ dung thân nên nhiều gia đình phải bồng bế nhau qua tận biển Hồ tìm sự sống.

Sống bồng bềnh, chết cũng bồng bềnh trên nước

Đất Miên cạnh biển Hồ rất đắt. Người Việt tha hương không có đũ tiền mua một mảnh đất cất nhà. Họ đành phải làm nhà chòi trên những chiếc bè hay trên các phao để trốn mưa nắng. Mùa nước nổi thì bốn bề đều ngập nước. Phải đợi đến mùa nước rút mới thấy được lác đác vài cái cồn đất bùn với những bụi cây bần. Nếu gia đình nào có người chết trong mùa nước nổi, thân nhân phải tẩn liệm xác trong bốn tấm ván rồi mang quan tài xuống xuồng đưa tới một nhánh bần còn lấp ló khỏi mặt nước. Họ cột quan tài vào cành cây cho khỏi trôi đi, chờ mùa nước rút mới quay trở lại vùi quan tài thân nhân xuồng bùn. Trong một đám bần, chúng tôi thấy loáng thoáng vài tấm ván làm mộ bia ghi tên người quá cố. Cũng là con người, nhưng tại sao cuộc đời họ nghiệt ngã đến thế ? Chung quy cũng vì nghèo.Các đại gia ăn trên, ngồi trốc, đi xe hơi đời mới, sống vương giả trong những biệt thự cao sang ở Hà nội hay ở Sàigòn, bao giờ họ mới có vài giây phút chạnh lòng nghĩ đến những đồng bào ruột thịt sống lây lất trên đất khách ?

Ghe máy đưa chúng tôi đi xuyên qua làng chài Việt nam để ra cửa biển. Xa xa,thấp thoáng một ngôi chùa cất trên phao. Mặt nước trải rộng cuối chân trời. Gió phần phật thổi. Tài công tắt máy cho ghe lững lờ trôi. Thỉnh thoảng, một chiếc tàu cao tốc chẻ sóng lướt qua. Du khách đa số là người Âu đưa mắt hững hờ nhìn những chiếc xuồng con buôn bán trên sông, đám trẻ con bì bõm lội dưới nước.

Ghe máy quay lại làng chài Việt nam cho chúng tôi thực hiện việc tặng quà. Địa điểm được chọn là một nhà hàng nổi của người Miên. Vì chủ nhân cấm ngư dân Việt không được đặt chân lên nhà hàng nên các xuồng chen chúc cặp theo bên hông.

Và đây, những mảnh đời tơi tả.

Quanh chúng tôi, lố nhố những con người tơi tả, từ bà cụ già gầy guộc, lếch thếch, đến các thiếu phụ ốm o, mặt mũi xanh xao, tay bồng con nhỏ, ngồi trên xuồng giữa trời nắng chang chang để chờ nhận một gói quà tình thương. Các trẻ con lem luốt, nhốn nháo chờ đợi được có quà.

Trong lúc các thành viên trong đoàn phân phát quà cho đồng bào ruột thịt, tôi ngồi lặng lẽ quan sát một góc nhà hàng, nơi có vài chiếc xuồng và những con người bất hạnh sắp bị thiệt thòi vì không lanh tay lẹ chân. Trong số đó, tôi bắt gặp một bà lão hom hem với cặp mắt đờ đẫn, ngồi bất động trên xuồng; gần đó, một em bé gái với gương mặt đen đúa vì rám nắng, e ngại ngồi nhìn lũ bạn lém lỉnh tranh nhau nhận quà. Một thiếu phụ, đầu đội chiếc nón lá rách, áo vá vai, vẻ mặt hiền hậu, không quen tranh giành nên  đành nhận lấy sự thiệt thòi về mình. Thú thật, tôi không chịu nổi ánh mắt đờ đẫn van lơn của bà lão hướng về tôi, gương mặt đen đúa của đứa bé gái với đôi mắt ngây thơ len lén nhìn tôi như chờ đợi, vẻ mặt hiền hậu của người thiếu phụ lam lũ với nụ cười nhợt nhạt trên môi ngại ngùng ngó tôi. Lợi dụng lúc các thành viên phát quà, tôi lẹ tay móc hết xấp tiền ria của Miên mới đổi hôm qua ở Trảng bàng, nhanh chân đến bên xuồng tặng bà lão, người thiếu phụ và cô bé gái đáng thương kia. Túi tôi rỗng tuếch nhưng lòng hả hê.

Bỗng tôi nghe tiếng la ơi ới của một đoàn viên. Ngoái cỗ lại nhìn thì thấy một thằng bé trai tham lam rượt đánh một em bé gái để giành một gói quà còn dư thừa. Phải cứng rắn can thiệp kịp thời mới tránh một cuộc ấu đả vì miếng ăn. Tội nghiệp họ quá ! Và cũng thương họ quá ! Gần bên chúng tôi có cặp vợ chồng người Âu ghé nhà hàng nổi giải khát, họ lấy máy ảnh chụp lia cảnh phát quà với vẻ mặt dửng dưng.

Sau cuộc phát quà, chúng tôi xuống ghe máy trở về đất liền. Trong đầu tôi vẫn còn một câu hỏi chưa có giải đáp. Nếu cuộc sống tâm linh của dân làng chài có linh mục hay mục sư hoặc nhà sư chăm lo thì những vết thương thể xác của họ đã được cơ quan từ thiện nào phụ trách chưa ? Vì suốt chuyến viếng thăm, chúng tôi chỉ thấy có giáo đường, kiểng chùa, trường học, nhưng không thấy một trạm y tế nào. Vậy lúc ốm đau hay khi trở dạ, ai lo cho họ ?

Từ bến tàu, xe ca mang trả chúng tôi về khách sạn. Trên đoạn đường về, mọi người trên xe đều trầm ngâm, hình như ai cũng buồn rười rượi trước cảnh giành giựt của đám trẻ lam lũ. Tương lai của những người Việt Nam bất hạnh ấy sẽ về đâu ? Họ không có một mảnh giấy tùy thân. Kiếp sống trên biển Hồ sẽ còn kéo dài bao lâu nữa ?. Mẹ Việt Nam ơi ! Có thấu chăng cảnh khổ của đàn con lưu lạc trên xứ người?

V.L.

Bài viết khác