Thứ Tư, 20 Tháng Sáu, 2012

Lưới Tình

Chương một.

Thời gian bước dần vào những ngày cuối tháng chín. Ngôi làng Dinsheim đón nhận vài cơn mưa nhẹ giữa khung trời xám se lạnh. Cảnh vật nhuộm màu vàng thu, màu vàng nhạt của nắng, màu vàng hanh của lá úa. Trọng thơ thẩn đi giữa rừng phong, lòng man mát buồn; chỉ vài hôm nữa, chàng phải từ giã miền đông Pháp để lên Paris học vì Trọng vừa trúng tuyển vào một trường cao đẳng. Nghĩ ngợi mông lung, Trọng đến nhà bà Kaiser lúc nào chẳng hay. Đưa tay bấm chuông, chàng đứng nhìn quanh như để giã từ kỷ niệm. Odette tất tả ra mở cổng, miệng ỏn ẻn cười duyên:

- Kìa Trọng !

     Chàng hôn nhẹ lên má nàng:

- Chào Odette. Có Christine ở nhà không ?

     Odette hớn hở :

- Nó vừa đi chợ với mẹ em. Trọng vào chơi, chắc họ cũng sắp về.

Ngồi trong phòng khách, Trọng nhìn bức ảnh gia đình treo trên tường, lòng chạnh thương bà giáo cũ. Mất chồng khi tuổi còn thanh xuân, với đồng lương giáo viên, bà tiện tặn nuôi hai đứa con gái hơn mười năm qua. Khi Trọng còn ở tiểu học, bà Kaiser đặc biệt thương cậu học trò Á châu vì Trọng ngoan hiền, lễ độ và học giỏi. Odette, con gái lớn của bà cũng là bạn chung lớp với Trọng từ thuở ấu thơ cho đến hết trung học. Nhưng Trọng thân với Christine hơn. Tuy không đẹp bằng chị, Christine vẫn được Trọng mến nhờ tính tình đoan trang, dịu dàng.

- Nghe nói Trọng sắp lên Paris ?

     Câu hỏi của Odette kéo Trọng trở lại thực tế, chàng khoan thai đáp :

- Vài hôm nữa mình đi nên đến chào từ biệt.

- Chắc Christine buồn lắm.

     Với dáng vẻ đằm thắm, Trọng cởi mở :

- Hè năm sau, mình sẽ về thăm.

Odette lấy gói thuốc lá ra, đưa một điếu vào môi, bật diêm quẹt đốt. Vốn không chịu được khói thuốc, Trọng bước ra bao lơn ngắm cánh đồng hướng dương vàng rực. Bỗng chàng nghe bước chân người đến gần. Odette dang tay choàng cổ Trọng nũng nịu :

- Em hút xong rồi, anh vào trong đi.

Gỡ tay Odette ra, Trọng lặng lẽ đi theo người con gái tóc vàng. Nhìn đồng hồ, chàng sốt ruột ngó ra đường trông Christine mau về. Bất chợt, Odette ngã đầu vào vai Trọng ngả ngớn :

- Tại sao anh không yêu em ? Em đẹp hơn Christine mà.

Trọng không ngạc nhiên với điệp khúc đó vì đã bao lần Odette dùng sắc đẹp và thân hình khêu gợi để chinh phục Trọng, nhưng Trọng chưa thua cuộc. Chàng nghĩ, Odette có tính lãng mạn nên thay đổi bạn trai luôn. Thằng Tony đã điên đảo vì cô nàng; sau đó, Christian cũng lụy trước sắc đẹp của Odette. Hai chàng ở lớp bên cạnh thường làm cái đuôi theo cô ta. Odette kiêu hãnh cho rằng nàng thừa sức chinh phục bất cứ người con trai nào; nhưng trướcsự hờ hững của Trọng, tự ái Odette bị chạm mạnh. Cô không chịu thua Christine, quyết chiếm Trọng cho bằng được. Giọng lẳng lơ :

- Sao Trọng chưa trả lời em ?

     Chàng điềm nhiên:

- Mình cũng không biết.

     Odette lơ đãng:

- Trọng uống cà phê nhé!

     Trọng vội khoát tay:

- Cám ơn, tôi dùng ở nhà rồi.

     Odette lặng lẽ vào trong. Một chập sau, nàng cất tiếng gọi:

- Trọng ơi, vào đây em nhờ tí việc.

Tưởng thật, Trọng rời sa lông bướcnhanh đến phòng nàng. Nào ngờ, Odette nhào tới ôm ghì chàng hôn say đắm trong khi người nàng không còn mảnh vải che thân. Sau phút bối rối, Trọng không cưỡng được lòng mình trước thân hình bốc lửa, ngực căng tròn,mông to, đôi chân thon dài của cô bạn học, chàng đánh liều dự cuộc. Sau những phút chơi vơi ngụp lặn trong ái ân, ánh mắt đầy hoan lạc, hơi thở dồn dập, Odette hổn hển nói bên tai Trọng:

- Anh thật tuyệt diệu.

Trong khi Odette thỏa mãn thể xác thì Trọng lại ray rứt tâm hồn. Chàng tự trách mình quá yếu đuối trước sức quyến rũ của Odette nên có lỗi với Christine. Trọng lặng lẽ ra về. Chiều lại, Christine đến nhà Trọng. Giữ vẻ vô tư lự, nàng hỏi:

- Nghe chị Odette nói anh có đến tìm em sáng này.

     Trọng hơi ngượng ngùng:

- Phải, để từ giã em.

     Mặc cảm tội lỗi trỗi dậy, Trọng thấy thẹn lòng, không dám nhìn thẳng người yêu. Christine đến gần, nắm tay Trọng thỏ thẻ:

- Lúc trưa, Odette vào phòng em kể chuyện giữa anh và chị ấy lúc em vắng nhà.

     Chàng bối rối:

- Anh xin lỗi em. Một phút yếu lòng, anh không cưỡng được.

     Christine lắc đầu:

- Em biết tánh Odette. Vì tự kiêu, chị ấy phải chiếm cho được anh chứ có yêu thương gì. Thôi, mình bỏ qua việc đó đi. A, chừng nào Trọng đi Paris ?

- Ba hôm nữa

     Nàng vồn vã hỏi tiếp:

- Anh tìm được nhà trọ gần trường chưa ?

     Chàng đáp gọn:

- Có rồi.

     Christine hơi lo lắng:

- Đắt lắm không anh ?

- Không đến đổi nào.

     Buồn rười rượi, Christine thở dài:

- Thế là mình phải xa nhau.

     Vuốt tóc người yêu, Trọng an ủi:

- Hè năm sau, anh về với em.

     Nàng bùi ngùi:

- Nếu anh không quên cô gái quê này.

Được người yêu cảm thông, không trách móc, giận hờn, Trọng thấy quí Christine nhiều hơn. Chàng đắm đuối nhìn cô gái có mái tóc vàng óng ả buông lơi, thân hình đẹp thanh thoát, gương mặt khả ái, mắt xanh biếc, mũi cao, gò má đầy đặn, cằm nhọn, cái miệng xinh xinh với đôi môi đầy gợi cảm. Trọng ôm nàng trong tay siết chặt:

- Anh hứa yêu em mãi miễn là em đừng giống Odette.

     Christine sung sướng gật đầu:

- Em cố gắng để khỏi phụ lòng anh.

     Như đôi chim liền cánh, môi tìm môi, họ trao nhau nụ hôn dài nóng bỏng.Trọng kề tai người yêu thì thầm :

- Xa em, anh sẽ nhớ hơi thở thơm tho nơi làn môi em.

     Christine đưa những ngón tay thon nhỏ trắng muốt vuốt mái tóc Trọng đoạn ngã đầu vào vai chàng :

- Em cũng nhớ vòng tay rắn chắc của anh.

Rồi chàng trai Việt và cô gái Pháp ôm ghì lấy nhau trao tình. Trọng đưa Christine đến tuyệt đỉnh ái ân; nàng cũng đồng lõa xoắn lấy người yêu, ngây ngất rã rời trong hương tình ngào ngạt. Hai ngày sau, Christine tiễn Trọng ra sân ga. Tay trong tay như không muốn rời nhau, Christine bá cổ người yêu :

- Cố học nghe anh, chúng mình sẽ trở thành chồng vợ. Mẹ em thương anh lắm.

     Nâng cằm người tình hôn nhẹ lên môi, chàng dặn dò:

- Nhớ lời anh, đừng bắt chước những gì Odette làm em nhé.

     Nàng duyên dáng mỉm cười:

- Anh yên tâm.

Tàu vào sân ga. Trọng hôn vội vã người yêu lần nữa đoạn bước nhanh lên toa xe. Tiếngcòi của trưởng ga ré lên báo hiệu giờ chia ly; Christine vẫy tay chào với hai giọt lệ lăn dài trên đôi má.

 

Chương hai.

Một đêm trăng sáng vằng vặc. Ánh trăng vàng trải dài xuống cánh đồng hòa với sương đêm tạo thành một bức màn mỏng huyền ảo. Gió lạnh thì thào qua vòm lá rừng thông. Đông lại về với cành cây khẳng khiu trụi lá, với khung trời giá băng trĩu nặng buồn hiu hắt. Không ngủ được, bà Kaiser ra ngồi bên lò sưởi. Nhìn di ảnh chồng, bà trách ông sao vội bỏ trần thế để lại gánh nặng trên vai vợhiền. Bà buồn vì bất lực không dạy được con. Odette nghiện thuốc lá, uống rượu mạnh, tụ tập nhảy nhót, sống buông thả. Bà sợ Christine nhiễm dần thói hư, tật xấu của chị. Có lần bà nghe hai con đấu khẩu. Tiếng của Odette lanh lảnh trong phòng ngủ, giọng xỉa xói :

- Tội gì mầy phải sợ Trọng. Cứ hút thuốc lá như tao xem nó làm gì mầy ?

     Christine nhỏ nhẹ phân bày :

- Không phải sợ, nhưng em không muốn làm Trọng buồn.

     Odette mở to mắt :

- Tại sao ?

     Nàng điềm đạm :

- Vì Trọng thường khen môi em thơm khi hôn em. Trọng không muốn miệng em bám nhựa thuốc.

     Odette lên mặt dạy đời :

- Con người chỉ sống có một lần, hãy thụ hưởng như tao để sau này già khỏi tiếc.

     Nàng đanh giọng :

- Chị muốn làm gì thì tùy. Đừng chen vào đời em.

     Odette nhún vai, chuyển đề tài :

- Thằng Georges rủ tao với mầy đi chơi cuối tuần, mầy đồng ý chứ ?

     Christine gạt ngang :

- Em không đi được.

     Odette nổi giận:

- Tại sao ?

- Vì em bận lên Paris.

     Nàng cáu kỉnh gắt :

- Thăm Trọng à ?

     Christine trố mắt nhìn chị :

- Em không có quyền sao ?

Nhớ lại ngày Odette dùng sắc đẹp và thân xác khêu gợi quyến rũ Trọng, nàng tưởng Trọng sẽ bỏ rơi Christine để chạy theo nàng; nào ngờ, hai người vẫn gắn bó mặc dù họ ở hai nơi. Kỳ hè rồi Trọng dành hết thì giờ quấn quít bên Christine. Có lần Odette định bày trò chơi cũ để giao tình với Trọng nhưng nàng thất bại vì Trọng lãnh đạm. Câm tức đầy lòng, Odette quyết phá vỡ tình yêu của emmình.

Hai năm sau, Christine đỗ tú tài trong sự vui mừng củamẹ. Odette tỏ vẻ ganh tức với em mình nhiều hơn. Thua Christine mảnh bằng, Odette không lên được đại học cứlang thang ghi tên tìm việc rồi lãnh tiền trợ cấp tối thiểu để hút thuốc lá và chưng diện.Có lần bà Kaiser tỏ ý muốn Odette ra ở riêng với tình nhân, tránh ảnh hưởng xấu cho Christine nhưng Odette từ chối.

Thấy mẹ vất vả, chị không việc làm, Christine thôi học. Nàng được giới thiệu đứng bán hàng trong một cửa hiệu lớn của thành phố Strasbourg nên không còn thì giờ đi Paris thăm người yêu. Thỉnh thoảng cuối tuần, Trọng đáp tàu hỏa về gặp lại Christine. Cả hai kiên nhẫn chờ đợi vì chỉ còn hai năm nữa Trọngtốt nghiệp. Nào ngờ, đời có những đìều nhân gian không thể hiểu. Nhớ ngày trước, Christine cương quyết không nghe chị quyến rũ, nhưng nay, nàng không cưỡng lại được lời mời mọc của các bạn đồng nghiệp, nàng tập phì phà nhả khói; một hai điếu trong ngày đưa dần đến trọn gói. Có lần bất chợt về thăm Christine, Trọng hôn môi nàng rồi nhăn mặt than :

- Em bắt đầu hút thuốc như Odette.

     Christine tự bào chửa :

- Chẳng qua vì giao thiệp thôi.

     Trọng sầm mặt:

- Em không biết cái hại của thuốc lá sao ? Vả lại, khi hôn em, anh muốn hưởng được mùi thơm của đôi môi chứ không muốn nuốt nhựa thuốc.

     Christine lườm mắt nguýt:

- Anh độc tài quá.

     Chàng vội phân bua:

- Không, anh chỉ lo cho sức khoẻ của em.

     Vẻ bướng bỉnh, nàng gạt phắt đi:

- Cám ơn. Em tự lo được.

Trọng buồn bã từ biệt người yêu. Một dấu hiệu tan vỡ mảnh tình, cuộc đời bắt đầu rẽ khúc. Chiều về, Christine thuật lại cho chị nghe; Odette khen em khôn ngoan, không tiếp tục nhu nhược phục tùng Trọng. Odette đưa em đi thêm bước nữa để ra khỏi vòng tay Trọng. Nàng tạo dịp cho em gái mình đến với Georges. Quả thật, chẳng bao lâu Christine quên người xưa, ngã vào lòng người yêu mới.

Odette đáp tàu lên Paris gặp Trọng để báo tin. Ngoài mặt làm ra vẻ trách Christine,nhưng trong lòng nàng muốn thay chỗ em trong tim Trọng. Một lần nữa, Trọng hững hờ trước tình yêu của cô gái lẳng lơ.

 

Chương ba.

Tốt nghiệp ngành ngoại thương, Trọng lanh quanh tìm việc kiếm sống giữa kinh thành Paris. Sau một năm vất vã, Trọng mới được thu nhận vào một xí nghiệp lớn. Qua một thời gian dài phục vụ đắc lực, Trọng được tín nhiệm và được thăng cấp. Một hôm, nhận lịnh của tổng giám đốc, chàng cấp tốc mang cặp hồ sơ ra xe đi Lyon họp với khách hàng nước ngoài. Trọng vừa nổ máy, bỗng nghe Cécile hớt hải gọi:

- Ông chờ tôi đi cùng.

     Trọng ngơ ngác nên buột miệng hỏi :

- Sao lại có Cécile theo ?

     Nàng ngỏn ngoẻn cười:

- Lịnh trên.

     Vì xử dụng xe của xí nghiệp cấp, Trọng không thể từ chối:

- Mời cô. Chúng ta lên đường gấp.

     Vừa lái xe, Trọng vừa thảo kế hoạch trong đầu, chuẩn bị cuộc gặp mặt sắp tới. Cécile ngồi cạnh bên lặng lẽ ngắm cảnh vật bên đường, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn Trọng:

- Sao ông ít nói thế ?

     Trọng hờ hững :

- Vì phải suy nghĩ nhiều.

     Nàng tò mò :

- Ông Trọng có gia đình chưa?

     Chàng đáp gọn:

- Chưa. Còn cô ?

- Cũng như ông.

     Rồi nàng liến thoắng :

- Ông có người yêu chứ ?

     Một thoáng buồn hiện ra trên đôi mắt, Trọng đáp:        

- Có, nhưng đã mất.

     Nhìn chàng trai vóc dáng cao lớn, da dẻ hồng hào, mũi dọc dừa, mắt sáng, cằm chẻ là mẫu người đàn ông dễ hấp dẫn nữ giới, lòng nàng háo hức:

- Đẹp trai và khoẻ mạnh như ông, thiếu gì cô đeo đuổi.

- Tôi sợ đàn bà rồi.

     Cảm thấy hơi mệt sau hai giờ lái, Trọng cho xe dừng sau một trạm xăng :

- Cécile uống cà phê chứ ?

     Nàng vui vẻ nhận lời:

- Vâng, cám ơn ông.

Trọng cùng Cécile đi dạo quanh cho thư giãn tinh thần. Nhìn cô thư ký xinh đẹp trong chiếc áo đầm vàng ngắn để lộ đôi chân thon dài trắng nõn nà, Trọng cười thầm : ban giám đốc đưa Cécile theo với ngụ ý gì ? Dùng mỹ nhân để chiêu dụ khách hàng sao ?

Rồi họ tiếp tục lên đường để đến Lyon kịp lúc. Chạy dọc theo sông Rhône lững lờ,Trọng rẽ vào trung tâm thành phố tìm khách sạn. Người quản lý niềm nở đón:

- Ông bà chọn phòng hướng ra sông chứ ?

     Chàng dửng dưng:

- Vâng. Hai phòng nhé !

- Sao lại hai ?

     Trọng liếc Cécile cười :

- Vì chúng tôi không phải vợ chồng.

     Vỡ lẽ ra, viên quản lý tiu nghỉu :

- Xin lỗi ông.

     Cécile cùng Trọng theo người phục vụ lên lầu hai nhận phòng. Họ hẹn thu xếp trong nửa giờ rồi xuống nhà hàng dùng bữa.

     Chiều về, Trọng đắc ý với kết quả phiên họp, Cécile cũng huyên thiên cười nói bên chàng:

- Ông định chừng nào về Paris ?

- Sáng mai.

     Nàng vờ vĩnh:

- Thì giờ còn lại chúng ta làm gì ?

     Trọng thản nhiên:

- Nghỉ ngơi cho khoẻ.

     Cécile bỡn cợt:

- Mình không nên phí phạm tuổi trẻ.

     Đọc được tư tưởng của nàng, Trọng lấp lửng hỏi:

- Vậy cô muốn thế nào ?

     Sắc mặt tươi rói, Cécile ướm lời:

- Ăn chiều xong, đi khiêu vũ.

     Trọng không hiểu ý:

- Cô có bạn nơi này à ?

     Nàng lắc đầu nguầy nguậy :

- Không, chỉ có Trọng thôi.

     Trọng đành chìu ý người đẹp. Đêm đến, trong khung cảnh thơ mộng của vũ trường, Cécile cùng Trọng lả lướt dìu nhau theo các bản nhạc tình. Nửa đêm, Trọng đưa Cécile trở về khách sạn. Đến trước cửa phòng, nàng nũng nịu :

- Trọng không vào uống một ly với em sao ?

     Chàng khoát tay từ chối :

- Để Cécile nghỉ sớm. Sángmai chúng ta còn con đường dài.

     Cécile rũ rượi thở dài :

- Nhưng em không thích cô đơn.

     Trọng hơi áy náy:

- Thôi được, nhưng không lâu nhé !

Hai người ngồi đối ẩm trong giây lát, cạn ly xong Trọng đứng lên định về phòng thì Cécile giả vờ say, lẳng lơ ôm lấy Trọng. Kinh nghiệm đã trải qua với Odette, Trọng biết Cécile muốn gì. Chàng đỡ nàng lên giường nằm. Biết Trọng đồng tình, Cécile kéo chàng ngã lên người nàng để cùng đắm chìm trong ân ái. Hai cánh tay thon ghì chặt vai Trọng, tấm thân nõn nà quyện lấy chàng trai, Cécile đê mê ngây ngất trong men tình nồng cháy.

Phiên họp ở Lyon mang lại nhiều lợi nhuận cho xí nghiệp đồng thời đưa uy tín của Trọng lên cao. Chàng được tổng giám đốc cử đi Mã lai vàThái lan để nghiên cứu thị trường. Chuyến đi xa nào cũng có Cécile theo phụ tá. Dần dần họ trở thành đôi tình nhân gắn bó. Ngoài giờ công tác, Trọng cùng Cécile ngao du sơn thủy. Thoáng nhìn, ai cũng tưởng hai vợ chồng mới cưới đưa nhau đi hưởng tuần trăng mật. Một đìều lạ, họ thích đóng vai người tình hơn là chồng vợ. Nàng chỉ cần những phút hoan lạc, chơi vơi trong vòng tay Trọng, còn chàng thì chỉ muốn bị cuốn hút bởi thân hình rực lửa với những đường nét khêu gợi quyến rũ đã đưa Trọng đến tột cùng khoái cảm. Cécile không đề cập đến hôn nhân, Trọng cũng chẳng muốn vướng bận chuyện vợ con. Có lần Cécile đề nghị Trọng dọn về sống chung vì nàng không thể thiếu vắng người tình trong những đêm gối chiếc,nhưng chàng còn do dự.

Một chiều thứ bảy, Trọng đến đón Cécile đi ăn nhưng trước khi bấm chuông, chàng ngạc nhiên vì bên trong có tiếng cãi vã. Tò mò, chàng đứng sát cửa lắng nghe.

- Mẹ muốn con có bổn phận với Isabelle.

     Có tiếng Cécile năn nỉ :

- Xin mẹ hiểu cho. Sự có mặt của Isabelle ở Paris bất tiện lắm.

     Bà bực bội:

- Tại sao ? Nó là con gái của con mà.

     Nàng giẫy nẩy :

- Nhưng nó gây trở ngại cho con.

     Bà cụ than :

- Mẹ già rồi, sống chết không biết lúc nào, làm sao lo cho cháu ngoại ăn học nênngười ? Con sinh nó ra thì con phải nuôi dưỡng và giáo dục nó.

- Thì con đã gởi tiền hàng tháng về nhờ mẹ lo giúp.

     Bà chép miệng ngao ngán :

- Nhưng nó sắp vào trường, mẹ đâu đưa rước được.

     Với giọng bướng bỉnh, nàng hơi to tiếng :

- Mẹ về đi, để con tìm một giải pháp.

Trọng nhẹ gót xuống lầu lên xe đi.

Nhờ có tài, Trọng được hai xí nghiệp danhtiếng chiêu dụ mời hợp tác. Cécile hốt hoảng khi nghe chàngcó ý định đổi chỗ làm. Không có Trọng bên cạnh, Cécile khó đoạt được tham vọng. Nàng âm thầm đánh tiếng cho tổng giám đốc biết. Ông mời Trọng họp riêng để đưa đìều kiện giữ chàng lại. Mặt khác, Cécile dùng lời đường mật của người tìnhthuyết phục. Cuối cùng Trọng đành chìu ý Cécile.

Trong chuyến đi công tác ởHồng kông, Trọng tìm mua quà cho một bé gái năm tuổi trước sự ngạc nhiên của Cécile:

- Anh mua cho ai vậy ?

     Một đứa bé bất hạnh.

     Nàng hăm hở :

- Em biết nó không ?

     Trọng cười nửa miệng thay câu trả lời.

     Từ ngày biết được Cécile có đứa con riêng, Trọng âm thầm theo dõi xem nàng có giải pháp gì như đã hứa với mẹ. Lạ thay, nàng vẫn dửng dưng sống cho riêng mình. Có lần Trọng dò ý:

- Em thích có con không ?

     Tưởng Trọng nói thật, nàng bấn lên:

- Đừng vội anh, mình còn trẻ mà.

     Chàng tròn xoe đôi mắt :

- Tại sao ?

     Cécile thấp thỏm lo:

- Vì nó sẽ làm chướng ngại cho sự nghiệp đang lên của em. Hơn nữa, em muốn trẻ đẹp dài lâu, có con, mau già lắm.

     Biết rõ lý do, Trọng cười thầm:

- Thảo nào!

     Cécile nhìn sửng Trọng:

- Em không hiểu ý anh.

     Chàng nói giã lã:

- Không có gì. Đùa thôi.

Trở về Pháp, Trọng lợi dụng cuối tuần lái xe xuống Nancy tìm địa chỉ ghi ngoài bao thư. Vì thường đi công tác, Trọng đến nhà mẹ của Cécile không mấy khó. Con chó sủa vang khi thấy người lạ. Một bà đứng tuổi có vẻ hiền từ ngơ ngác ra cổngchào:

- Ông tìm ai ?

     Chàng ôn tồn:

- Cháu Isabelle.

     Bà cụ ngớ ngẩn:

- Sao ông biết cháu ngoại tôi ?

     Hơi lúng túng, chàng đáp:

- Cécile nhờ tôi đến trao quà cho cháu.

     Bà ngoẻn miệng cười, mắt sáng rỡ:

- Ông quen với con gái tôi à ?

     Trọng nhanh nhẩu :

- Dạ, bạn đồng nghiệp.

     Bà quay vào gọi to :

- Isabelle, có quà của mẹ con gửi về nè.

     Từ trong, một đứa bé đẹp như búp bê chạy ra chào Trọng rồi vui mừng ôm gói quà vào lòng mân mê. Trọng vuốt tóc Isabelle giục giã:

- Cháu mở ra đi.

Bà cụ mời khách vào nhà. Trọng ngồi nhìn đứa bé đáng thương xé nhanh giấy bao, bày từng món ra khoe ngoại. Không muốn làm phiền chủ nhà lâu, Trọng đứng lên chào từ biệt. Cô bé Isabelle cũng nhanh nhẹn đến ôm hôn Trọng cám ơn.

Vài hôm sau, Cécile nhận được thư mẹ kể, nàng ngạc nhiên chẳng hiểu gì. Có bao giờ Cécile nghĩ đến con đâu. Nhớ lại lúc mười bảy tuổi, nàng thất thân với thằng bạn trai cùng lớp. Sự dại dột đưa đến hậu quả nàng có đứa con không cha. Cécile trốn trách nhiệm, giao con cho mẹ, lên Paris học rồi tìm việc sống luôn trên thủ đô. Nhờ sắc đẹp lộng lẫy, Cécile thành công trong nghiệp vụ không khó.

Một sáng Chúa nhựt, sau đêm ân ái rã rời, Cécile say sưa ngủ vùi trong vòng tay Trọng. Bỗng có chuông reo, Trọng nhẹ gót ra mở cửa, chàng trố mắt :

- Chào bà. Có cả bé Isabelle theo nữa à ?

     Bà cụ hớn hở:

- Hân hạnh gặp lại ông.

     Đoạn lắc tay cháu :

- Kìa Isabelle, đến hôn ông đi.

     Trong phòng ngủ, tiếng Cécile hỏi vọng ra:

- Ai đấy anh ?

     Chàng hoan hỉ:

- Có khách tìm em.

     Nàng cằn nhằn:

- Sao đến giờ này, không để người ta ngủ ?

     Cécile khoác áo vào người, lững thững đi ra. Nàng mở to mắt nhìn mẹ và con:

- Sao mẹ lên mà không viết thư cho con biết trước ?

     Bà cụ trách hờn:

- Con giấu mẹ cả số đìện thoại của con.

     Cécile hững hờ giới thiệu:

- Trọng, bạn con; còn đây là mẹ em và...

     Nàng ngập ngừng, Trọng phải nói thay :

- Và Isabelle, con gái em.

Cécile nhìn Trọng trân trối :

- Sao anh biết ?

     Mẹ nàng nhanh miệng đáp:

- Tháng trước ông Trọng mang quà của con đến trao cho Isabelle đó, bộ con quên rồi sao ?

     Nàng gật gù:

- Thảo nào. Sao anh lại giấu em ?

     Chàng ngán ngẩm:

- Chỉ vì anh thương hại cháu.

     Ngồi gần mẹ mà tưởng chừng như xa lạ, bé Isabelle lấm lét nhìn quanh rồi ngãvào lòng bà ngoại. Cécile lo ngại hỏi :

- Mẹ đưa Isabelle lên đây có ýgì ?

     Bà cụ dõng dạc :

- Giao nó lại cho con vì mẹ già yếu rồi.

     Môi mím lại, Cécile ôm đầu :

- Trời ơi ! Mẹ tạo rắc rối thêm cho con. Rồi phải làm sao đây ? Con đi suốt ngày, ai lo cho Isabelle ?

     Trước cảnh tình này, Trọng phải lên tiếng:

- Hay là em đưa mẹ và con lên ở chung, cả gia đình đoàn tụ.

     Bà cụ hân hoan trước đề nghị của Trọng:

- Phải chi Cécile đồng ý, tôi sẽ bỏ làng quê lên Paris lo cho con cháu.

     Cécile miễn cưỡng nghe lời Trọng mà lòng còn ấm ức:

- Khổ cho con quá. Biết thế này thì con đã phá thai rồi.

     Bà cụ lắc đầu ngao ngán:

- Tại ngày xưa con bướng bỉnh không nghe lời mẹ.

     Ngại bà cụ giận kể hết quá khứ không mấy tốt đẹp của con, Trọng bèn cáo từ lui bước:

- Anh phải đến căn nhà mới mua ở Versailles; Mai mình gặp lại.

     Trọng vào trong thay quần áo. Cécile theo sau đến ôm Trọng nũng nịu chờ đón nụ hôn dài. Chợt nàng lo âu:

- Biết dĩ vãng của em rồi, Trọng còn yêu em không?

Chàng điềm nhiên:

- Vẫn bình thường. Anh chỉ xin em nhớ đến bổn phận, không nên đặt hết gánh nặng lên vai mẹ và đừng quên trách nhiệm với con em.

Cécile sung sướng ngã đầu vào vai Trọng:

- Hẹn ngày mai nhé!

Từ ngày mẹ và con đến chung sống, Cécile bực dọc, cau có. Trọng thường tìm lời an ủi và nâng tinh thần nàng lên. Được dịp, Cécile thường đến nhà Trọng ăn ở liên tục. Trọng phải khuyên nhủ nàng trở về với bổn phận. Có lần, hai người cãi nhau to tiếng chỉ vì Cécile muốn tiếp tục trốn trách nhiệm với con. Ngày lại ngày, cuộc tình của họ trở nên mong manh.

Một sáng thứ bảy, Trọng lái xe về Alsace thăm cha mẹ và gia đình người anh cả. Chơi đùa với đứa cháu ngoài sân, thỉnh thoảng Trọng nhìn trộm chị dâu. Chàng khenTuấn cưới được người vợ xinh đẹp dịu hiền, đảm đang lo cho chồng con chu đáo. Tình của anh Tuấn và chị Ngọc đẹp như mơ. Cách đây mấy năm, tháp tùng phái đoàn bác sĩ Pháp thăm Đại học y khoa Sàigòn, Tuấn quen cô sinh viênNgọc rồi chẳng bao lâu họ yêu nhau. Trọng có theo cha mẹ về Việt nam tham dự đám cưới của anh mình. Thời gianqua, tình họ vẫn tràn đầy. Bé Mai ra đời trong vòng tay thương yêu của cha mẹ. Trọng so sánh Ngọc với Christine. Nếu cô bạn gái tóc vàng không tiêm nhiễm thói hư, tật xấu của Odette và bạn bè thì có thể nàng không kém Ngọc bao nhiêu. Trọng ao ước Christine giống chị dâu mình nhưng chàng đã thất vọng. Còn Cécile thì thua Ngọc nhiều. Ngoài sắc đẹp, Cécile chỉ có tham vọng và vô trách nhiệm với đứa con do nàng sinh ra. Chắc chắn, Cécile chỉ làm người tình chứ không thể làm người vợ được.

- Nghĩ ngợi gì mà đăm chiêu thế chú Trọng ?

     Tiếng nói dịu dàng của người chị dâu kéo Trọng về thực tế:

- Có gì đâu Chị.

     Ngọc trêu em chồng:

- Chừng nào Chú cưới vợ ? Ba má trông đợi đó.

     Trọng cười xòa:

- Vội gì. Em mới ba mươi tuổi mà.

     Nàng dò ý:

- Trong mấy cô bạn Pháp, Chú chưa chọn được ai sao ?

     Chàng thản nhiên:

- Làm người tình thì được, chứ làm vợ như Chị thì chưa có cô nào.

     Ngọc sung sướng trong lòng :

- Chú khen quá lời làm Chị thẹn.

     Rồi Ngọc nói sang chuyện khác:

- Nghe anh Tuấn bảo Chú sắp đi Việt nam.

     Trọng gật đầu:

- Dạ, thứ sáu tới.

     Ngọc vọt miệng hỏi:

- Chắc có cô thư ký Cécile đi theo chứ ?

     Chàng chững chạc đáp:

- Lần này thì không vì em không muốn.

     Nàng liến thoắng:

- Giận nhau rồi à ?

     Trọng đưa tay vuốt lại mái tóc bồng :

- Có cô ta cũng vô ích thôi.

     Ngọc lém lỉnh :

- Một Việt kiều về nước có người con gái Pháp đẹp như tiên đi cạnh bên, hãnh diện lắm chứ.

     Chàng mỉm môi cười :

- Chị trêu em mãi.

     Sực nhớ ra, Trọng hỏi :

- Chị có gởi gì cho bác không ? Đừng ngại, hành lý của em chẳng có bao nhiêu đâu.

     Nàng vui mừng:

- Cám ơn Chú. Cho Chị gởi chút quà cho ba chị.

     Đoạn Ngọc tiếp tục dí dỏm phá Trọng :

- Về lần này một mình, coi chừng bị bắt cóc đó.

     Trọng không hiểu ý chị :

- Ai bắt em ?

     Ngọc nở nụ cười duyên dáng :

- Các cô bên Sàigòn.

     Trọng nhìn chị dâu, hóm hỉnh nói:

- Họa chăng người nào giống Chị mới bắt được em.

     Ngọc thẹn ửng hồng đôi má:

- Hay để Chị nhờ ba chị giới thiệu cho Chú một cô.

     Chàng khoát tay:

- Thôi, đừng làm phiền bác Chị à.

     Trọng xem giờ:

- Anh Tuấn trực hôm nay hả Chị ?

- Chắc ảnh có ca mổ khó.

Trọng liếc nhìn chị dâu thấy nét hồn nhiên in rõ trên gương mặt khả ái, lòng ao ước có được người vợ như nàng. Chàng trở lại đùa giỡn với đứa cháu gái trong khi Ngọc vào chuẩn bị bữa ăn chiều thêm tươm tất thết đãi em chồng.

     Sáng sớm, Trọng từ giã anh chị và bé Mai để trở lại Paris. Trước khi ra xe, Trọng nhắc Ngọc:

- Quà của bác đâu ? Chị đưa cho em kẻo quên.

     Tuấn bắt tay em hỏi:

- Lần này Trọng đi hãng máy bay nào ?

     Trọng thơ thới:

- Xí nghiệp đặt vé của Hàng không Việt nam.

     Ngọc trao gói nhỏ cho Trọng. Chợt nhớ, nàng khẽ nói:

- Chị có đứa em gái bà con cô cậu ruột làm tiếp viên của Việt nam Airlines.

Trọng dửng dưng:

- Thế à!

Trọng không buồn hỏi tên, chàng hôn bé Mai rồi thư thả lên xe.

Biết được ý định của Trọng không cho Cécile tháp tùng trong chuyến công tác bên Việt nam, nàng giận dỗi. Cécile càng cay cú hơn khi Trọng từ chối không đề nghị đưa nàng lên làm trưởng phòng trong khi Trọng được thăng cấp phó giám đốc. Sau trận đấu khẩu, Trọng bực dọc rời văn phòng còn Cécile thì thiểu não ra về.

 

Chương bốn

Chiếc boeing của hàng không Việt nam từ từ lăn bánh ra phi đạo. Con chim sắt dừng lại đầu đường bay, đoạn lấy hết tốc lực phóng nhanh rồi gọn gàng cất cánh chui vào cụm mây trắng lơ lửng giữa khung trời xanh biếc.

Quen thuộc với những chuyến đi công tác, Trọng ngồi ghế hạng nhứt nên cảm thấy lẻ loi. Quan sát nhìn trước sau, chàng thấy vài người ngoại quốc chễm chệ chờ được phục vụ đặc biệt. Trọng nhắm mắt tìm đôi phút thư giãn, bỗng nghe loáng thoáng :

- Mời ông dùng khăn nóng lau mặt cho khỏe.

Trọng mở mắt mỉm cười, đưa tay đỡ lấy chiếc khăn. Chàng nhìn cô tiếp viên có vẻ đẹp kiều diễm, một vóc dáng thanh tú gợi cảm và giọng nói ngọt ngào. Chiếc áo dài đỏ đồng phục ôm lấy thân hình mảnh mai của người con gái Việt ;hai tà áo thướt tha sau bước chân đi. Trọng thiêm thiếp tìm giấc ngủ ngắn. Chàng lại nghe tiếng người đẹp thủ thỉ bên tai :

- Ông dùng rượu gì khai vị ?

     Chàng lịch thiệp :

- Cô cho tôi whisky pha perrier.

- Vâng.

Rồi nàng trở lại, đặt ly rượu lên chiếc bàn nhỏ phủ vải trắng. Thình lình, phi cơ mất thăng bằng, lay động mạnh rơi vào lỗ hổng không khí. Cô tiếp viên té ngã lên người Trọng làm đổ ly rượu ướt áo chàng. Khi phi cơ lấy lại thăngbằng, Trọng vẫn còn ôm đỡ lấy người con gái trên tay. Cô e thẹn đỏ mặt đứng lên,môi mấp máy mở lời xin lỗi:

- Để em tìm khăn khô lau đở áo ông.

     Trọng khoát tay:

- Không sao đâu cô.

Liếc nhìn tấm thẻ mang trên ngực, Trọng mới biết tên người nữ tiếp viên: Nguyển thị Bích Phượng, chàng cười giã lã:

- Cô có sợ không?

     Mắt chớp nhanh, nàng nhỏ nhẹ:

- Dạ không. Quen rồi ông.

Tám giờ lơ lửng trên không trung từ Paris đến Dubai, Trọng và Phượng có dịp trò chuyện nhiều hơn.

- Cô Phượng là người Sàigòn ? Chàng điềm đạm hỏi.

- Dạ, còn ông ?

- Tôi ở Paris. Xí nghiệp phái về Việt nam nghiên cứu thị trường.

- Thế ông có bà con ở thành phố không ?

     Chàng chợt nhớ ra:

- Một người dì ở Bà chiểu.

     Miệng tủm tỉm cười, Phượng hỏi tiếp:

- Đường nào thế ông ?

     Trọng hân hoan:

- Dạ, đường Lê quang Định. Còn Cô ?

     Nàng cởi mở hơn:

- Ba má em ở đường Nơ trang Long gần ngã năm Bình hòa.

Phượng lại đi quanh dò xem khách cần gì. Qua khung cửa kính, từng cụm mây trắng lang thang, nắng vàng đã nhạt màu sau dãy núi chập chùng của xứ Ba tư, ánh tà dương khuất dần. Bữa ăn vừa rồi làm Trọng khó chịu vì theo thói quen khi đi làm về, chàng phải chơi quần vợt để giữ thân thể cường tráng. Hôm nay, Trọng bị bó gối. Chợt có tiếng Phượng :

- Sao ông không ngủ một chút cho khoẻ ?

     Chàng ngước nhìn nàng:

- Dạ muốn lắm nhưng nhắm mắt không được.

     Đoạn Trọng hỏi:

- Cô Phượng đi luôn về Tân sơn nhứt chứ ?

     Giọng nàng dịu dàng rót vào tai:

- Dạ không, đến Dubai đổi phi hành đoàn. Vài hômnữa em mới về Sàigòn.

Trọng nhìn trộm Phượng thấy nàng đẹp như chị dâu mình. Tuy trang điểm đơn giản, nhưng gương mặt nàng đẹp diễm kiều nhờ cặp mắt sáng linh động dưới làn mi cong, chiếc mũi dọc dừa nằm giữa hai má ửng hồng; đôi môi mọng đỏ mấp máy trên chiếc cằm nhọn duyên dáng, mái tóc thề óng mượt buông lơi.

Qua câu chuyện trao đổi, Phượng cũng nhận thấy có cảm tình với chàng trai lịch sự sống trên đất Pháp. Gần 12 giờ khuya, đoàn trưởng thông báo phi cơ sắp đáp xuống Dubai và ngỏ lời chào tạm biệt. Trọng ngó quanh tìm Phượng thì nàng cũng vừa đến, miệng mỉm cười:

- Chúc ông tiếp tục lên đường bình an.

     Trọng lưu luyến nhìn người đẹp:

- Khi xong côngtác, tôi xin phép tìm thăm Cô.

     Nàng e ấp:

- Sợ em vắng nhà.

- Không sao, tôi sẽkiên nhẫn.

     Phượng ngần ngại hỏi:

- Ông lưu lại Việt nam bao lâu ?

     Trọng vui vẻ:

- Độ hai, ba tuần.

     Phượng thỏ thẻ:

- Chúc ông thành công nhé !

     Chàng bịn rịn:

- Cám ơn Cô, hẹn gặp lại.

     Nàng duyên dáng gật đầu:

- Vâng, chào ông. Em phải chuẩn bị vì phi cơ bớt cao độ rồi.

Đi thơ thẩn trong phi cảng Dubai, Trọng nhìn theo đoàn phi hành của Phượng rời máy bay. Họ kéo hành lý lên thang cuốn thong thả ra khỏi phi trường. Thấy Trọng từ xa, nàng đưa tay vẫy; Trọng đáp lễ để giã từ. Sau 45 phút chờ đợi, hành khách được mời trở lại phi cơ tiếp tục nửa đoạn đường còn lại : Dubai-Sàigòn.

Nhờ có bác Hoàng, cha của chị Ngọc, Trọng giao tiếp với chính quyền không mấy khó. Việt nam mới mở cửa du nhập kinh tế thị trường nên còn dè dặt, bỡ ngỡ. Trọng phải mất hơn hai tuần mới xong công tác được giao phó. Những chiều ngồi trên bao lơn khách sạn Majestic, nhìn giòng sông Sàigòn lững lờ ôm bờ Thủ thiêm, Trọng nhớ mơ hồ ngày chàng còn bé, cha chở Tuấn và Trọng dạo bến Bạch đằng trên chiếc vespa Ý. Lên 7 tuổi, Trọng theo cha mẹ sang Pháp định cư để rồi bốn anh chị em ăn học thành tài trên xứ người. Có lần nghỉ hè, Trọng đưa Cécile về viếng Việt nam. Họ ngao du từ Hà nội đến Sàigòn. Chàng đã đi qua cố đô Huế, viếng phố cổ Hội an, thăm Nha trang, Phan rang trước khi về Sàigòn. Cécile bị thu hút bởi nhiều cảnh đẹp thiên nhiên như Vịnh Hạ long, động Phong nha. Nàng nằm bên Trọng suốt buổi tắm nắng trên bãi biển hoang sơ Cửa Đại. Hai người lại được công ty du lịch đưa về Kiên giang viếng cảnh đẹp Hà tiên. Ngụ trong khách sạn ven biển gần hòn Phụ tử, Cécile ao ước sau này tạo được cơ ngơi, họ về xây nhà để ở nghỉ hè. Nhưng đó chỉ là một thoáng mộng mơ.

Còn được vài ngày rổi rãnh, Trọng nghĩ đến Phượng, chàng lấy taxi vào tìm thăm nàng. Một bà đứng tuổi tất tả bước ra cổng :

- Cậu tìm ai ?

     Trọng nghiêng đầu chào :

- Thưa Bác, có phải đây là nhà cô Bích Phượng ?

     Bà ngạc nhiên dán mắt nhìn chàng trai lạ có nhân dáng đôn hậu:

- Dạ phải, nhưng con gái tôi chưa về. Cậu quen với nó à ?

- Dạ cháu được biết Phượng trên chuyến bay Paris-Dubai.

     Giọng mềm mỏng, bà hỏi:

- Thế Cậu từ Pháp về ?

- Dạ cháu đi công tác.

     Đoạn Trọng ôn tồn:

- Bác có biết khi nào Phượng về đến Sàigòn không?

     Bà nhanh miệng:

- Mười giờ sáng mai.

     Chàng hoan hỉ:

- Cháu cám ơn Bác.

Chàng chào từ biệt rồi rảo bước qua đường Lê quang Định thăm người dì.

Sáng hôm sau, Trọng đi thơ thẩn trước phi trường Tân sơn nhứt chờ máy bay hàng không Việt nam từ Dubai về. Cảnh náo nhiệt của người đón thân nhân làmTrọng cũng nôn nóng như họ. Đúng giờ, chiếc boeing từ từ đáp xuống phi đạo. Lòng chàng rạo rực. Phải mất hai mươi phút, phi hành đoàn mới xuất hiện. Xinh đẹp trong những chiếc áo dài đỏ quần trắng, các cô tiếp viên cùng phi công nhanh bước ra xe của hãng hàng không đang đợi. Sợ lỡ dịp, Trọng chạy đến gặp Phượng ngay. Nàng trố mắt sửng sốt:

- Sao ông biết em về hôm nay ?

     Chàng đáp gọn:

- Mẹ cô nói.

     Phượng nhíu đôi lông mày:

- Ông có đến nhà à ?

     Trọng hớn hở :

- Vâng, hôm qua.

     Sợ nhân viên phi hành chờ, Trọng nói nhanh :

- Cô về nghỉ khoẻ, chiều tôi đến mời Cô đi dùng cơm nhé !

Phượng cười gật đầu, vội bước lên xe, lòng tự hỏi tại sao mình nhận lời dễ dàng thế ?

Nhà hàng nổi trên bến Bạch đằng còn thưa khách. Con đò Thủ thiêm nặng trĩu tuổi đời chuyên chở nắng mưa, mệt mỏi đưa người qua lại đôi bờ. Từ đường Đồng khởi, chiếc vina taxi chớp đèn rẽ phải rồi từ từ dừng lại. Trọng bước xuống trước, đưa tay dìu Phượng ra khỏi xe. Ngọn gió mát từ đâu dạt về thổi tung mái tóc nàng.

- Ông ở khách sạn nào ? Phượnghỏi.

     Trọng đưa tay trỏ :

- Majestic.

     Nàng cười mím chi:

- Nhờ thế ông mới biết nhà hàng nổi này.

- Có lẻ vậy.

     Trọng chọn một bàn nhỏ trông ra sông nước đoạn kéo ghế mời Phượng:

- Cô nghỉ được mấy ngày?

     Vẫn giọng dịu dàng, nàng khẽ đáp:

- Dạ hai hôm. Còn ông, chừng nào trở về Pháp ?

     Chàng khoan khoái:

- Tuần sau.

     Một cô tiếp viên trẻ đến trao thực đơn cho họ. Trọng nhìn Phượng:

- Nhờ cô chọn giùm tôi luôn.

     Miệng chúm chím cười:

- Làm sao em biết ý ông ?

     Trọng ngập ngừng :

- Chẳng quan hệ gì, miễn thức ăn Việt nam là tôi thích.

     Những tia nắng vàng vọt cuối ngày rơi xuống chân trời. Tàu nhà hàng rời bến thả bềnh bồng trên sông. Các nhạc công bắt đầu trổi lên những khúc êm dịu. Đưa mắt nhìn mông lung, Phượng khẽ hỏi:

- Ông có lưu luyến quê hương không ?

     Trọng không do dự:

- Nhiều lắm.

     Nàng hồn nhiên:

- Vì sao?

Suy nghĩ đắn đo, chàng nhìn người con gái đã lung lạc tim mình bằng mái tóc thề ôm lấy bờ vai, bằng cái nhân dáng dịu dàng, thân hình thon thả toát ra nét gợi cảm kín đáo, Trọng ngập ngừng:

- Vì nơi đây có Phượng.

     Phượng e thẹn nhìn ra sông. Một làn gió nhẹ phe phẩy thổi vuốt ve đôi má ửng hồng. Trọng khẽ nắm bàn tay nõn nà:

- Đừng gọi Trọng bằng ông nữa nhé!

     Vẻ liến thoắng, Phượng ngó sửng Trọng:

- Thế em gọi bằng gì ?

- Trọng hay anh cũng được. Phượng đồng ý chứ ?

     Tim xao xuyến, nàng sung sướng gật đầu:

- Nếu anh cho phép.

Mười ngón tay đan nhau. Gió từ sông nước bốc lên lùa qua hai mái tóc. Trên vầng trán Phượng, tóc mai sợi vắn, sợi dài lất phất bay, những bản nhạc tình đưa đôi tim vào lối mộng. Miệng nói chuyện nghề nghiệp bâng quơ nhưng tiếng lòng họ thốt ra từ đáy mắt. Đến nửa đêm, tàu nhà hàng trở lại bến, Trọng sánh vai Phượng lên bờ. Chàng gọi taxi đưa Phượng về. Hơi ngạc nhiên, Phượng nhìn Trọng:

- Sao anh không trở lại khách sạn nghỉ sớm ?

     Chàng âu yếm:

- Để em về một mình, anh đâu yên tâm.

     Xe qua khỏi cầu Bông, Trọng nhìn Phượng ướm lời:

- Chiều mai anh vào đón em nhé!

     Đôi mi chớp nhanh, Phượng e ấp :

- Để đi đâu anh?

     Mân mê năm ngón tay thon xinh xắn của nàng, Trọng chép miệng:

- Chưa biết, nhưng chủ yếu là được gặp em.

Tim rạo rực, Phượng nở nụ cười duyên :

- Tùy anh.

Thâu đêm, Phượng trăn trở với mộng mơ. Hình ảnh chàng trai mới quen lẩn quẩn trong tâm trí. Phượng nhận thấy Trọng có học thức, đẹp trai, lịch sự. Người như thế làm sao còn độc thân ? Phượng đắn đo không muốn phiêu lưu với ái tình sợ chuốt khổ vào thân. Sắc đẹp của nàng đã làm say đắm nhiều chàng phi công, mấy ông quyền thế, nhưng Phượng chưa yêu ai. Dù cha mẹ không đồng ý, Phượng chọn nghề nữ tiếp viên hàng không vì thích đi đó đây để tầm nhìn được mở rộng. Trong số hành khách, có vài người theo tán tỉnh nàng nhưng Phượng luôn lạnh nhạt. Rồi vì đâu phi cơ bay vào lỗ rỗng không khí, Phượng ngã vào lòng Trọng để họ quen nhau. Nàng tự hỏi phải chăng là định mệnh xuôi khiến ? Qua vài giờ du ngoạn trên sông nước, đổi cách xưng hô, tay đan tay,mặt đối mặt, Trọng bắt đầu đi vào tim Phượng. Nàng chỉ sợ mình là kẻ đến sau.

Sáng tinh sương, Phượng cùng mẹ đi chợ Bà Chiểu mua cá tôm chuẩn bị bữa ăn chiều thết đãi Trọng vì nàng ngại Trọng tốn hao trong các nhà hàng đắt tiền. Cùng là phụ nữ, mẹ Phượng nhạy cảm biết con gái mình có chuyển biến trong tim bèn tìm cách dọ dẫm :

- Con quen Trọng bao giờ ?

     Mặt Phượng rạng rỡ :

- Vài tuần trước, trên chuyến bay Paris Dubai.

     Bà tinh mắt :

- Cậu ấy sống ở Pháp ?

- Dạ.

     Rồi bà hăm hở hỏi tiếp:

- Thế cậu ấy làm nghề gì ?

     Đôi môi mấp máy, Phượng thỏ thẻ:

- Con không rõ, hình như Trọng đi công tác cho hãng.

Chiều lại, Trọng vào đón Phượng, lòng hoang mang không biết mời nàng đi ăn ở đâu. Chàng đành chờ ý kiến của Phượng. Nào ngờ, khi Trọng bước vào nhà thì thấy trên bàn đã dọn sẵn ly chén. Sau vài câu chào hỏi ba má Phượng, Trọng kề tai nàng :

- Nhà em sắp có khách à ?

     Phượng gật đầu cười :

- Dạ có.

     Chàng áy náy:

- Thôi mình xin phép hai bác đi nhanh, tránh làm phiền người lớn.

     Mẹ Phượng nghe được nên đon đả cất tiếng :

- Cậu đi đâu ? Chiều nay gia đình tôi đãi Cậu mà.

     Trọng luống cuống:

- Dạ cháu đâu dám làm phiền Bác.

     Bà khoát tay:

- Không, đây là ý của con gái tôi mà.

     Trọng liếc Phượng, lòng dạt dào niềm vui:

- Thế à ! Sao em không cho anh biết trước ?

Đọc được tư tưởng của chàng trai, Phượng mỉm môi cười. Trong bữa ăn, cha mẹ Phượng tìm cách dò xét Trọng. Đôi khi Phượng khó chịu vì tính tò mò của mẹ, nhưng nhờ thế, nàng được biết Trọng là kỷ sư phó giám đốc một xí nghiệp ở Paris. Quan hệ nhất đối với Phượng là Trọng còn độc thân, nàng mừng thầm trong lòng.

Ngày nghỉ cuối, trước khi lên đường đi Dubai, Phượng dành hết cho Trọng. Nàng từ chối lời chàng mời đi dạo phố mà chỉ muốn Trọng đến nhà mình. Trong mảnh vườn xum xuê cây trái, Trọng dìu Phượng nhảy qua mương đến ngồi dưới gốc mận. Phượng đưa tay hái trái bẻ đôi, đút Trọng một nửa, nàng ăn một nửa. Trọng sung sướng nhìn Phượng rồi khẽ ôm nàng vào lòng, giọng tình tứ:

- Phượng, anh yêu em.

     Tuy mềm lòng nhưng tỏ vẻ cẩn trọng, nàng e ấp:

- Có quá sớm không anh ?

     Miệng tuy nói thế nhưng Phượng chẳng cưỡng được lòng, nàng ngã đầu vào vai chàngđôi môi đón nhận nụ hôn dài. Trọng cũng thấp thỏm nên âu yếm hỏi:

- Em có yêu anh không ?.

     Phượng nhíu mày đắn đo:

- Em không biết. Hãy để em có thời gian hỏi kỹ lòng mình.

Vai kề vai, Phượng ngậm cành cỏ mai trong khi Trọng vuốt ve hoa trinh nữ. Hai ngườiđưa mắt nhìn trời mây nhưng tim họ đang cùng nhịp đập.

Chiều Chúa nhựt, Phượng lên đường đi Dubai như thường lệ còn Trọng thì lo thảo phúc trình mang về Paris trong ba hôm nữa. Trước khi từ giã Sàigòn, chàng không quên đến chào bác Hoàng và ba má Phượng.

Ngồi trên phi cơ bay đêm, Trọng cố tìm giấc ngủ nhưng bóng dáng các nữ tiếp viên gợi nhớ Phượng. Chàng bèn gợi chuyện hỏi thăm:

- Xin lỗi, Cô có quen Bích Phượng không ?

     Nàng vui vẻ đáp:

- Dạ nó là bạn thân của em.

     Chàng nhướng mắt :

- Sao các cô không đi chung ?

     Giọng mềm mỏng, nàng nhỏ nhẹ:

- Bọn em đâu có quyền chọn lựa.

     Trọng hỏi dồn :

- Thế đến Dubai, phi hành đoàn lại đổi.

- Vâng.

     Đoạn nàng thỏ thẻ :

- Ông ngủ một chút cho khoẻ vì phi cơ đến Dubai 12 giờ khuya, ông sẽ bị đánh thức đó.

     Chàng gật gù:

- Cám ơn Cô.

     Ăn tối xong, Trọng ngã lưng ngủ thiếp. Đến khi có tiếng ai nói bên tai, chàng mới mở mắt ra :

- Xin lỗi ông, máy bay sắp đáp xuống Dubai, ông vui lòng ngồi lên cài dây an toàn.

Lại một lần nữa, Trọng thả rong xem các cửa hàng miễn thuế còn bán trong phi trường. Sau 45 phút, máy phóng thanh yêu cầu hành khách đi Paris trở lại phi cơ. Dưới khung trời đầy sao và ánh trăng bàng bạc của vùng Á rập, máy bay lăn bánh ra phi đạo lấy đà cất cánh. Đoàn tiếp viên phi hành mới đổi bắt đầu phục vụ khách. Muốn ngủ tiếp, Trọng duỗi thẳng chân, nhắm mắt, bỗng có hai bàn tay nắm vai chàng :

- Anh Trọng.

     Quay lại thấy Phượng, Trọng mừng quýnh:

- Kìa em. Chúng ta lại gặp nhau trên không trung.

     Liếc xéo Trọng, nàng ví von:

- Nhưng lần này chắc em không té ngã vào người anh nữa đâu.

     Bốn mắt nhìn nhau, chàng dí dỏm:

- Làm sao biết được ?

     Phượng lỏn lẻn cười:

- Vì em làm việc ở phía sau.

     Trọng bèn đề nghị:

- Em xin đổi với bạn đi.

     Nàng lưỡng lự:

- Biết nó có chịu không.

     Chàng ngơ ngác không hiểu :

- Tại sao ?

     Phượng giải thích :

- Phục vụ ở hạng nhứt nhàn hơn vì ít khách.

     Trọng giục giã :

- Em cứ hỏi cô ta xem.

     Sau phút đắn đo, Phượng lắc đầu :

- Thôi để thỉnh thoảng em lên đây với anh.

     Trọng không đồng ý nên kèo nài :

- Hay là anh đổi với một người phía sau. Từ hạng nhì lên ngồi hạng nhứt, thế nào cũng có người chịu.

     Phượng cau mày :

- Tội gì. Ở đây vắng dễ trò chuyện hơn.

     Chàng có vẻ cảm thông:

- Tùy em.

     Rồi Phượng tươi cười hỏi :

- Ba hôm còn lại ở Sàigòn anh làm gì ?

     Vẫn giọng ôn tồn, Trọng đáp:

- Viết phúc trình, vào từ biệt hai bác.

     Rồi Trọng nhìn Phượng lưỡng lự:

- Đến Paris, em ở đâu ?

     Sau giây phút ngập ngừng, nàng khẽ nói:

- Tạm trú nhà chị bạn ở Neuilly Plaisance.

     Trọng vồn vã :

- Cho anh xin địa chỉ. Hôm nào anh tới mời em đến nhà cho biết.

     Sắc mặt tươi vui, Phượng hoan hỉ :

- Xa không anh ?

- Vùng Versailles.

     Nàng vọt miệng hỏi thêm:

- Còn văn phòng anh làm việc?

- Quận 12 Paris. Địa chỉ anh đây, em đi xe điện ngầm tiện lắm.

     Phượng khẽ nắm tay Trọng thì thầm:

- Anh ngủ chút đi. Em ra phía sau nhé !

Nói xong, nàng thoăn thoắt bước nhanh. Thỉnh thoảng Trọng giả vờ đi tới lui cho thư giãn rồi lẻn tìm Phượng. Sáu giờ rưởi sáng, phi cơ đáp xuống phi trường Charles de Gaulle, Phượng tìm Trọngbịn rịn giã từ.

Hai hôm sau, cô tiếp viên xí nghiệp đang nghe điện thoại thì có một thiếu nữ Á châu mặc sơ mi trắng, váy đen đứng chờ. Gác ống nghe, cô đon đả hỏi:

- Xin lỗi, Cô tìm ai ?

     Nàng thanh thản:

- Tôi muốn gặp ông Trọng.

     Cô nở nụ cười tươi :

- Dạ, ông phó giám đốc đang bận họp.

     Phượng lộ vẻ sốt ruột:

- Độ bao giờ xong ?

     Giọng lịch thiệp, cô tiếp viên đáp:

- Tôi không đoán trước được. Thông thường khoảng 11 giờ. Cô có thể chờ không ?

     Phượng gật đầu:

- Dạ được.

     Từ bên trong, Cécile theo dõi câu chuyện ;nàng nhìn cô gái Á châu dò xét. Đẩy ghế đứng lên, Cécile rời bàn làm việc bước ra :

- Cô tìm ông phó giám đốc ?

     Phượng điềm nhiên trả lời :

- Vâng.

     Dán đôi mắt sắc nhìn chằm chằm Phượng, Cécile nói:

- Xin Cô cho biết quý danh.

- Nguyển thị Bích Phượng.

     Céclie ỡm ờ:

- Cô là người nhà của ông Trọng ?

     Phượng nhỏ nhẹ :

- Đúng.

Hỏi xong, Cécile hầm hầm quắc mắt bỏ đi uống cà phê. Ngồi mân mê quyển tuần báo, Phượng nôn nóng liếc nhìn đồng hồ. Bỗng từ trong phòng họp Trọng đi ra, chàng tiến đến chào Phượng, đoạn đẩy cửa văn phòng mời nàng vào. Đứng cạnh máy cà phê, Cécile quan sát từng cử chỉ của hai người. Ngồi xuống ghế sa lông, Phượng nhìn quanh phòng :

- Trông anh oai phong quá !

     Trọng trố mắt :

- Oai với ai ?

     Nàng che miệng cười khúc khích:

- Với các cô đầm.

     Chàng trêu lại:

- Còn với Phượng ?

     Không chần chừ, Phượng nguýt Trọng:

- Thấy ghét.

     Trọng sung sướng ngập lòng nhưng giả vờ:

- Thật không ?

     Chàng tiến lại choàng vai Phượng điềm đạm bảo:

- Gần 12 giờ rồi, anh đưa em ra Paris 13 ăn trưa với anh nhé !

     Phượng đưa mấy ngón tay thon vuốt lại mái tóc nhung mượt mà:

- Em có làm phiền anh không?

     Chàng lắc đầu:

- Không. Rồi cả buổi chiều em làm gì ?

     Phượng hồn nhiên:

- Đi mua chút son phấn để trưa mai em về Sàigòn.

     Một thoáng buồn lộ trên nét mặt, Trọng đề nghị:

- Hay là chiều nay anh mời em đến nhà cho biết.

     Nàng không còn e dè:

- Cũng được. Để em đìện thoại cho Dung đừng chờ cơm.

Nhìn giờ, Trọng nắm tay Phượng đứng lên, đẩy cửa bước ra khỏi văn phòng; hai người sánh vai đi vào thang máy. Họ không tránh được cặp mắt theo dõi của Cécile đầy vẻ ghen hờn.

Chiều lại, Trọng đón Phượng đưa về căn nhà chàng mới làm chủ vài tháng nay. Nàng mang theo lỉnh kỉnh các món ăn mua ở phố Tàu. Lấy làm lạ, Trọng nhìn sửng:

- Ghé nhà một lúc rồi chúng ta đi ăn, em mua chi đủ thứ vậy ?

     Phượng không đồng ý:

- Em muốn tự tay nấu cho anh ăn.

     Trọng sung sướng:

- Giống như tuần trước ở nhà ba má em ?

     Nàng gật đầu:

- Để anh đừng tiêu phí.

     Ngồi ngắm Phượng vo gạo nấu cơm, mười ngón tay búp măng nhặt từng hạt thóc,Trọng mỉm cười. Liếc mắt thấy, Phượng bèn hỏi:

- Em làm gì anh cười ?

     Chẳng đắn đo, chàng nhanh miệng:

- Trông Phượng giống một người.

     Ngẩng đầu nhìn thẳng Trọng:

- Ai ?

     Trọng không do dự:

- Chị dâu anh.

     Nàng tò mò muốn biết:

- Chị ấy tên gì ?

- Ngọc.

     Phượng hỏi dồn :

- Ở Paris à ?

- Không, ở vùng Alsace.

     Trọng đến gần Phượng, ôm nàng vào lòng, đặt lên đôi môi ươn ướt nụ hôn nóng bỏng. Ngây ngất trong vòng tay Trọng, nàng thỏ thẻ :

- Kể cho em nghe về người chị dâu của anh đi.

     Nét mặt rạng niềm vui, Trọng tấm tắc khen :

- Chị Ngọc đẹp cũng như em, tính dịu dàng, đôn hậu, đảm đang. Anh Tuấn sợ vợ cực, thuê người giúp việc nhưng chị ấy tự tay lo cho chồng con từ miếng ăn giấc ngủ.

     Phượng hiểu được ý Trọng :

- Rồi anh ước mơ có một người vợ như chị Ngọc ?

     Không chút chần chừ, chàng đáp gọn:

- Đúng thế.

Cơm chín, họ ngồi ăn chung như đôi vợ chồng son. Sau đó, Trọng dành phần rửa chén trong khi Phượng quét dọn trước sau. Đêm đến, Phượng đòi về nhà bạn nhưng Trọng lưu luyến muốn giữ nàng lại:

- Em đừng ngại. Sáng mai anh đưa em về Neuilly Plaisance trước khi anh đi làm.

     Sợ màn đêm đồng lõa với ý đồ không tốt, Phượng liền đề nghị:

- Vậy anh ngủ trong phòng, còn em ngoài sô pha nhé !

     Trọng cười khoan khoái:

- Ngược lại đi.

     Phượng nghe theo:

- Anh muốn sao cũng được.

     Trọng ôm gối mền ra phòng khách nhường giường cho Phượng. Nửa đêm thức giấc, Phượng nhẹ gót bước ra trước nhìn, thấy Trọng nằm co ro trên sô pha trong khi chiếc mền rơi xuống đất, nàng nhặt chăn lên đắp cho Trọng. Bị động, chàng mở mắt ngơ ngác:

- Em chưa ngủ sao ?

     Giọng dịu dàng, Phượng e ấp :

- Không, em vừa thức giấc nên ra trông chừng anh. Tội anh quá !

Chàng nói giã lã:

- Có gì đâu. Em vào ngủ tiếp đi, ngày mai còn làm việc.

Phượng nghe lời, lòng cảm mến chàng trai đứng đắn. Sáng sớm, Trọng lo pha cà phê, nướng bánh mì cho Phượng ăn sáng, đoạn chàng vào thay quần áo chỉnh tề chuẩn bị đi làm. Ra khỏi phòng trang điểm, Phượng nhìn Trọng dí dỏm khen:

- Anh chu đáo quá !

     Trên đường đến Neuilly Plaisance, Trọng gợi ý:

- Lần sau, những ngày nghỉ ở Paris, em đến Versailles với anh, khỏi làm phiền bạn. Anh có hai chìa khoá nhà, để anh trao cho em một nhé !

     Phượng do dự bảo :

- Sợ Dung giận.

     Chàng khẩn khoản:

- Thì em tìm lời nói cho cô ấy hiểu.

     Bỏ chìa khoá vào túi xách, Phượng vồn vã hỏi:

- Anh có thích thức ăn Việt nam nào không ? Lần sau em mang qua.

     Trọng dửng dưng:

- Thôi, nặng nề lắm, bên này có thiếu gì đâu em.

     Phượng nằng nặc:

- Nhưng không tươi bằng.

     Chàng nhếch môi cười:

- Nghe anh đi.

     Phượng lặng thinh chăm chú tìm đường phụ Trọng:

- Kìa đến rồi, anh ngừng nơi đây đi.

     Xe dừng lại, Trọng choàng tay ôm hôn Phượng giã từ. Đến hãng, vừa mở cửa văn phòng, Trọng thấy Cécile ngồi chờ sẵn nên cất tiếng hỏi:

- Có việc gì khẩn không ?

     Nàng cộc lốc:

- Chẳng có gì.

     Đoạn Cécile gằn giọng:

- Anh về Việt nam vui không ?

     Chàng điềm nhiên:

- Đi giao tiếp với chính quyền không phải dễ.

     Nàng cay cú hạch xách:

- Còn cô gái hôm qua ?

     Trọng nhanh miệng:

- Người thân.

     Cécile cười mỉa:

- Hay người tình ?

     Chàng nhăn mặt khó chịu:

- Chưa được như vậy.

     Nàng trừng mắt:

- Tại sao?

     Trọng thản nhiên đáp:

- Vì cô ấy chưa nói yêu tôi.

Với sắc đẹp trời ban, Cécile tự cao xem thường các cô gái khác; nàng quên rằngPhượng mới 21 tuổi, trẻ hơn Cécile và đẹp đâu thua nàng. Trọng ngồi vào ghế, mở hồ sơ xem; Cécile bẽn lẽn bỏ đi ra. Một chập sau, nàng quay vào:

- Chiều nay, em đến nhà anh được chứ ?

     Mặt ngẩn ra, Trọng thắc mắc:

- Chi vậy ?

- Để tránh bực dọc với mẹ em và con Isabelle.

     Chàng không tin:

- Hay trốn trách nhiệm ?

Biết sắp cãi vã, Trọng sang phòng giám đốc bàn việc xí nghiệp. Đến chiều, chàng tạt qua nhà Cécile để thăm bà cụ và bé Isabelle. Gặp Trọng, bà rơm rớm nước mắt :

- Cécile muốn đuổi tôi và con gái nó về Nancy.

     Trọng bất nhẫn :

- Sao lạ vậy ?

     Bà sụt sùi khóc:

- Ông thừa biết, nó muốn tự do bay nhảy. Sự có mặt của bà cháu tôi là một vướng bận cho nó.

Vỡ lẽ, Trọng ngao ngán lắc đầu. Chàng trao quà cho đứa bé dễ thương đoạn chào từ biệt, lòng buồn vì không cảm hóa được Cécile trở về với bổn phận. Đêm hôm đó, Trọng không về nhà để lánh mặt Cécile.

Hai tuần sau, khi đi làm về, Trọng ngạc nhiên thấy cửa nhà mở, chàng vội bước nhanh vào: Phượng tươi cười tiến đến gần chàng, mặt hớn hở. Quá vui mừng, Trọng ôm Phượng vào lòng siết chặt rồi trao nàng chiếc hôn nồng cháy. Phượng hân hoan đón nhận đoạn thì thầm bên tai chàng:

- Anh đi tắm cho khoẻ. Em cómang sang chôm chôm và mận biếu anh.

     Đưa tay vén mấy sợi tóc mai lõa xõa trên vầng trán Phượng, Trọng âu yếm:

- Hai bác mạnh hả em ?

- Dạ, ba má em hỏi thăm anh. Hai ông bà có vẻ mến anh lắm.

     Kề má người yêu, chàng thì thầm :

- Em tới Paris mấy giờ ?

- Lúc nào cũng sáu giờ rưởi sáng.

     Trọng vờ vĩnh hỏi:

- Rồi em làm gì ?

     Phượng nguýt yêu chàng:

- Đến chăm sóc nhà cửa cho anh.

     Trọng chép miệng khen:

- Em ngoan quá ! Ước gì...

     Phượng đưa ngón tay lên môi Trọng:

- Từ từ đã anh.

     Trọng đưa tay choàng qua vai nàng :

- Phượng, sao em chưa nói tiếng yêu anh ?

     Một thoáng bâng khuâng hiện ra trên gương mặt khả ái, Phượng nũng nịu:

- Em cũng không biết.

     Đêm đến, cũng như lần trước, Trọng ôm mền gối ra sô pha ngủ. Phượng trông thấy tủm tỉm cười:

- Có em, anh phải chịu thiệt thòi mãi.

     Trọng đắm đuối nhìn nàng:

- Nhưng anh muốn vậy.

     Trời se lạnh, Trọng nhặt củi cho thêm vào lò sưởi đoạn kéo chăn đắp. Phượng đến ngồi bên chàng, giọng ngọt ngào:

- Em muốn hỏi anh.

     Trọng ngơ ngác, trỗi dậy:

- Việc gì hở em ?

     Do dự trong giây lát, Phượng ngập ngừng ấp úng:

- Có nhiều dịp để anh chiếm đoạt em, sao anh không làm ?

     Trọng khẳng khái:

- Mẹ anh bảo tình yêu là tự nguyện dâng hiến, không cưỡng chiếm hay van xin. Cưỡng hiếp một cô gái không yêu mình có sung sướng gì, chẳng qua là để thoả mãn thú tính. Khi hai người đồng cảm, tự trao nhau mới thật hạnh phúc.

     Phượng thán phục:

- Chắc bác gái hiền đức lắm.

     Chàng hãnh diện:

- Một mẫu người ít có.

     Lòng dạt dào cảm mến, nàng nôn nóng:

- Khi nào em mới được biết bác ?

- Phải có nhiều thì giờ anh mới đưa em đi được.

     Phượng sung sướng chớp mắt:

- Hai bác có thường lên thăm anh không?

- Thỉnh thoảng có, nhưng điện thoại cho anh luôn.

     Chợt thấy mắt Trọng xụp mí, Phượng hỏi:

- Anh buồn ngủ chưa ?

     Chàng cười tình tứ:

- Có em bên cạnh, thức đến sáng cũng được.

     Phượng bèn đứng lên:

- Thôi, khuya rồi, anh ngủ đi.

Một giờ đêm, trở mình thức giấc, Phượng lại rón rén ra phòng khách trông chừng. Im lặng ngồi ngắm người yêu, lòng bỗng rạo rực. Trọng trở mình vì lạnh, Phượng kéo chăn đắp lên ngực Trọng. Chàng mở mắt, choàng tay ôm Phượng vào lòng. Nàng rụt rè kề tai Trọng thì thầm:

- Anh vào phòng ngủ cho thoải mái.

     Trọng lim dim đôi mắt:

- Còn em ?

     Phượng thẹn thùng ấp úng:

- Nằm bên cạnh người em yêu.

Như giấc mơ, Trọng đứng lên bồng Phượng vào trong. Mái tóc mượt mà xõa lên vai Trọng phảng phất hương thơm, mùi da thịt của Phượng làm Trọng ngây ngất. Thế rồi hai kẻ yêu nhau chơi vơi ngụp lặn trong biển tình. Trọng đâu ngờ đêm nay Phượng trao cả tấm băng trinh cho chàng.

Ba ngày nghỉ ở Paris của Phượng là chuỗi thời gian Trọng cùng nàng đắm chìm trong yêu đương. Rồi Phượng lại xách túi hành lý đi theo chuyến bay. Giờ thì nàng chờ đợi hết hợp đồng với hàng không Việt nam để xin nghỉ việc, chính thức làm vợ Trọng. Phượngnào ngờ Cécile không buông tha chàng trai Việt.

Vài lần lái xe đi ngang nhà Trọng, Cécile thấy thấp thoáng người con gái Á châu hôm nào, nàng muốn nổi điên vì ghen tức, Cécile rấp tâm trả thù. Đoán được thời gian Phượng có mặt ở nhà Trọng, Cécile bèn tìm đến. Nghe tiếng chuông reo, Phượng ra mở cổng, nàng thấy một người đàn bà Pháp đẹp lộng lẫy đi với đứa bé gái vội cất tiếng hỏi:

- Bà tìm ai ?

     Giọng nói bẳn gắt, Cécile hách dịch :

- Có ông Trọng ở nhà không ?

     Phượng nhã nhặn :

- Bà muốn gặp Trọng à ? Rất tiếc, ông ấy đi côngtác.

     Cécile lắc đầu :

- Không, tôi chỉ muốn gặp Cô.

     Phượng ngơ ngác không hiểu :

- Gặp tôi ? Nhưng tôi đâu có quen biết Bà.

     Cécile gằn giọng :

- Rồi Cô sẽ biết. Tôi vào trong nói chuyện được chứ ?

- Vâng, xin mời Bà.

     Ngồi vào sa lông, Cécile nhìn Phượng đăm đăm đoạn lên tiếng hỏi:

- Cô là người yêu của Trọng?

     Phượng điềm tĩnh:

- Vợ sắp cưới thì đúng hơn.

     Cécile giả vờ ngao ngán.

- Thật tình, tôi thương hại Cô.

     Phượng thắc mắc nhìn trân trối người đàn bà Pháp:

- Tại sao ?

     Cécile lạnh lùng cười nhạt:

- Vì Cô đã bị Trọng lừa.

     Bối rối trong lòng, Phượng thúc giục:

- Bà nên nói rõ hơn.

     Thấy Phượng trẻ tuổi, thơ ngây, Cécile biết mình sắp thắng cuộc:

- Tôi cũng là nạn nhân như Cô.

     Bầu trời như sụp đổ trước mắt, Phượng bàng hoàng, mặt biến sắc:

- Bà nói hết đi, tôi muốn biết.

Cécile bắt đầu diễn vở kịch tình. Bằng lời lẽ bi ai, nàng ngán ngẫm kể:

- Trọng ăn ở với tôi có được đứa con năm tuổi, anh hứa cưới tôi rồi cứ dần dà hẹn. Giờ đây, tôi sắp có đứa con thứ hai với Trọng. Vậy xin cô buông tha, trả anh ấy về với mẹ con tôi.

     Ghen hờn đăm ra nông nỗi, mất lý trí, Phượng không buồn nhìn xem đứa bé gái kia có nét gì giống Trọng không ? Nghe Cécile nói nàng đang mang thai, cùng là phụ nữ, Phượng thấy thương hại người đàn bà Pháp. Nàng cố moi trong trí nhớ :

- Hình như tôi có gặp Bà một lần ?

     Cécile hời hợt gật đầu :

- Đúng, tại xí nghiệp. Tôi là Cécile, phụ tá của Trọng.

     Nén đau vào lòng, Phượng đứng lên :

- Thôi Bà về đi. Tôi hứa trả Trọng lại cho Bà.

Cécile nhanh lẹ kéo con ra khỏi cửa, lên xe rồ máy. Còn lại một mình, Phượng buông người xuống ghế, gục mặt vào hai bàn tay, vai run run theo tiếng nấc. Nhớ lại ngày Trọng tỏ tình trong vườn cây sau nhà nàng, Phượng nghi ngại vì một chàng 30 tuổi, đẹp trai, trí thức, có chức phận sao còn sống độc thân ? Chẳng qua Trọng tham lam đèo bồng. Thảo nào, ngày vào xí nghiệp tìm Trọng, Cécile đến hỏi Phượng như điều tra. Khóc hết nước mắt, nàng kéo ngăn tủ lấy giấy viết vài hàng cho người tình gian dối, đoạn thu xếp hành lý ra khỏi nhà, khóa cửa, để chìa khoá vào chung phong bì , bỏ vào thùng thư. Trọng đi công tác về thấy cửa nhà đóng,tưởng Phượng đi phố, chàng thong thả đến tìm thư. Trọng ngạc nhiên thấy một phong bì bên trong có chìa khoá, vội mở ra. Một tờ giấy nhỏ có mấy hàng chữ rơi xuống đất :

     Anh Trọng,

     Phượng xin trả anh về với vợ con. Cécile mới đến và cho em biết chuyện tình giữa anh và cô ta. Cécile yêu cầu em buông tha anh trở về với bổn phận làm chồng, làm cha. Hãy cưới Cécile đi vì cô ấy sắp có đứa con thứ hai với anh. Đừng tìm em vô ích. Tình chúng ta xem như gió thoảng, mây bay.

Vĩnh biệt

Phượng

Trọng choáng váng, tay chân rụng rời. Chàngphóng xe đến nhà Dung hy vọng gặp Phượng, nhưng Phượng không ghé qua. Chàng sực nhớ ngày mai Phượng theo chuyến bay về Việt nam, Trọng đành chờ sáng hôm sau ra phi trường tìm nàng. Rồi căm tức dâng trào, chàng tức tốc đến gặp Cécile. Biết Trọng sắp đổ cơn giận lên nàng, Cécile ôm Trọng tỉ tê:

- Em xin lỗi đã làm thế vì em không muốn mất anh.

     Trọng gỡ tay nàng ra, to tiếng:

- Nhưng cô bịa những chuyện tày trời để Phượng tin.

     Nàng nhìn Trọng khẩn khoản:

- Chúng ta thành hôn đi anh.

     Trọng mỉa mai:

- Để năm sau ly dị à ?

     Cécile nắm vai Trọng :

- Chỉ sống với anh, mẹ con em mới hạnh phúc vì anh thật sự thương Isabelle.

     Chàng lắc đầu chán nản :

- Không được.

     Trố mắt nhìn sửng Trọng, nàng sững sờ :

- Tại sao ?

     Giọng Trọng cương quyết :

- Vì tình yêu của Cécile không chân thật. Cô đến với tôi để mong leo lên đỉnh tham vọng thôi. Vả lại, đề nghị của Cécile đến muộn rồi vì tôi đã yêu Phượng.

     Đến lượt Cécile to tiếng :

- Người con gái đó có gì hơn em ?

     Chàng tặc lưỡi :

- Hơn chứ, cô ta không tính toán lọc lừa. Phượng ngoan hiền, đảm đang chứ không thủ đoạn như Cô. Chúng ta chưa có gì ràng buộc, tôi yêu cầu Cécile đừng chen vào phá vỡ hạnh phúc của chúng tôi. Chào Cô.

Trọng lạnh lùng ra đi trong khi Cécile đứng nhìn theo, xuôi tay thua cuộc.

Mười một giờ sáng, hành khách của hàng không Việt nam đang làm thủ tục lên phi cơ; máy phóng thanh gọi tên vài người chưa có mặt. Trọng đứng xa rảo mắt chờ chiếc xe ca đưa nhân viên phi hành đến. Không lâu, sáu cô tiếp viên mặc áo dài đỏ, quần trắng xuống xe nhập đoàn với các phi công bước vào sân bay. Trọng chạy đến, thấy Phượng đi cạnh bạn đồng nghiệp, chàng mừng rỡ gọi. Phượng quay lại nhìn rồi ngoảnh mặt làm ngơ, tiếp tục theo đoàn phi hành, nàng khẽ đưa khăn tay chậm nước mắt. Cử chỉ của Phượng làm Trọng tê tái lòng. Nhìn theo người yêu đến khuất dạng, chàng lủi thủi ra về. Không còn tinh thần làm việc, Trọng điện thoại vào xí nghiệp cáo bịnh xin nghỉ. Trở về căn nhà trống vắng, cô đơn vây quanh, Trọng buồn ray rứt. Các vật vô tri đều ghi dấu kỷ niệm. Chôm chôm Phượng mang từ Việt nam qua còn nằm trên dĩa; mận hồng đào chín đỏ chưa ăn hết. Từ chai nước mắm đến gói mì khô, tôm đông lạnh, Phượng chu đáo lo mua cho Trọng khi chàng vắng nhà. Chưa phải vợ mà Phượng chăm sóc Trọng như chồng.

Trên phi cơ, Phượng cũng không hơn gì Trọng. Lúc nãy, nhìn gương mặt Trọng bơ phờ vì mất ngủ, Phượng đau lòng lắm. Chiều hôm qua, biết thế nào Trọng cũng đến Dung tìm mình, Phượng thuê phòng ở khách sạn, nằm khóc trọn đêm. Phượng trách người yêu sao nỡ dối nàng. Phượng phục vụ hành khách mà lòng rối bời. Rồi nàng tự trách mình sao không để Trọng gặp, xem chàng nói gì ? Một cô gái 21 tuổi mới vào đường tình nên còn bỡ ngỡ, chao đảo trên lối đi. Phượng định chuyến bay trở lại Paris, nàng sẽ tìm Trọng để nghe chàng trình bày thế nào ?

Không muốn gặp mặt Cécile hàng ngày, Trọng làm đơn xin nghỉ việc vì vẫn còn mấy xí nghiệp mời chàng hợp tác. Tổng giám đốc dùng tình cảm thuyết phục Trọng ở lại và chàng đã xiêu lòng !

Hai tuần trôi qua, Trọng được cử đi họp ở Marseille trong khi Phượng trở lại Paris. Thời gian thương nhớ làm mềm lòng Phượng, nàng đáp xe điện ngầm vào Versailles. Đứng trước nhà người yêu, cửa khóa, chung quanh tiêu điều, Phượng thất vọng não nề. Nàng thơ thẩn trở lại nhà bạn ở Neuilly Plaisance thì Dung cũng vừa đi chợ về :

- Hai người giận nhau rồi sao ?

     Phượng ôm mặt khóc. Biết chuyện không đơn giản, Dung ngồi bên bạn an ủi :

- Hãy nói cho mình biết, mình mới giúp ý được chứ.

     Phượng chẫm rãi kể hết cho bạn nghe, Dung thở dài :

- Sao Phượng nông nỗi quá. Hạnh phúc trong tầm tay mình mà lại trao cho kẻ khác

     Sắc mặt buồn rũ rượi, Phượng thiểu não :

- Vì mình không muốn mang tiếng giựt chồng người.

     Dung cau mày ngẫm nghĩ :

- Sự thật chưa chắc đúng như lời bà Cécile. Phượng phải gặp Trọng mới được.

     Phượng nghẹn ngào nói trong nước mắt :

- Sáng nay mình có đến nhưng không có anh ấy ở nhà.

     Dung ngơ ngác :

- Lạ nhỉ, Chúa nhật mà. Gọi điện thoại xem.

     Phượng làm theo lời bạn, nhưng bên kia đầu dây chỉ có chuông reo, nàng thất vọng đặt ống nghe xuống máy. Dung bèn đưa ý :

- Hay là sáng mai Phượng gọi vào văn phòng.

    Phượng lắc đầu từ chối:

- Sợ gặp Cécile, bà ta sẽ chê mình không giữ lời hứa.

- Thì để Dung hỏi thăm cho.

     Suốt 8 giờ phục vụ hànhkhách trên chuyếnbay, Phượng cảm thấy mệt, nàng xin Dung vào phòng ngủ lấy lại sức. Mười giờ sáng thứ hai, Dung gọi vào xí nghiệp. Bên kia đầu dây, có tiếng cô tiếp viên:

- Bà muốn gặp ai ?

     Nàng đáp gọn:

- Ông Trọng.

    Cô nhanh nhẩu:

- Rất tiếc, ông phó giám đốc đi công tác ở miền Nam.

     Dung hỏi dồn:

- Độ bao lâu ông Trọng về?

     Cô vui vẻ trả lời:

- Tôi không thể xác định được. Có lẽ vài hôm.

Thở dài thất vọng, Dung buông tiếng cám ơn. Sợbạn buồn, Dung tìm lời trấn an rồi rủ Phượng đi dạo phố, nhưng nàng từ chối vì lòng Phượng đang dấy động.

Hai hôm sau, Phượng theo chuyến bay trở về Sàigòn trong khi Trọng trên đường từ Marseille quay lại Paris. Chàng điện thoại hỏi thăm Dung. Trọng hối tiếc vì công việc không gặp lại người yêu để giãi bày. Được Dung cho biết Phượng có đến nhà tìm, Trọng yên tâm hơn, tin rằng Phượng sẽ nghe lời chàng phân giải nên kiên nhẫn chờ người yêu trở lại. Nhưng Phượng bặt tin. Công việc hãng dồn dập đến, Trọng phải xa Paris nhiều hơn. Một hôm, chàng đến trụ sở của Hàng không Việt nam hỏi tin thì được biết Phượng không còn phục vụ trên tuyến đường Sàigòn Paris. Lòng buồn ray rứt, Trọng tin Phượng quyết định đoạn tình, chàng đành tìm nguôi ngoai trong công việc. Trọng nào ngờ bên quê nhà, Phượng gặp bất trắc. Trong kỳ khám sức khoẻ thường niên, Phượng bị phát hiện có thai nên không được phục vụ trên không trung. Ban giám đốc thuyên chuyển nàng về làm việc văn phòng. Muốn điện thoại thông báo cho Trọng biết, nhưng tự ái người con gái không cho nàng làm. Phượng nhớ có lần Trọng nói tình yêu là tự dâng hiến, không cưỡng đoạt, không van xin. Phượng đã dâng hiến cho Trọng thì giờ đây nàng không van xin sự thương hại của chàng.

Yến, mẹ Phượng, nhiều lần gạn hỏi con gái mình để biết tác giả bào thai Phượng đangmang, Phượng chỉ lắc đầu ôm mặt khóc. Thương con, Yến đành ngậm miệng. Cha Phượng cũng không một tiếng trách hờn mà trái lại còn lo lắng cho sức khỏe của con.

Mãn hợp đồng, Phượng xin nghỉ việc, ở nhà chờ ngày sinh nở đồng thời tránh những cặp mắt soi bói của đồng nghiệp. Trên đời, có người mong thời gian qua nhanh, cũng có kẻ muốn níu thời gian chậm lại, nhưng rồi thời gian vẫn lạnh lùng đi, không nhanh, không chậm. Chín tháng mười ngày hững hờ trôi, Phượng sinh một bé trai, nàng đặt tên Phúc. Con nàng kháu khỉnh có nhiều nét giống cha, nhưng sức khỏe nó kém dần. Sáu tháng sau, bác sĩ bịnh viện nhi đồng 2 phát hiện bé Phúc bị đau tim nặng cần được giải phẫu; nếu không, cháu sẽ chết trong vài tháng. Tình mẫu tử vô biên, Phượng bán nữ trang, gom góp tiền lo cho con. Ba má nàng vào bịnh viện tim của Pháp ở Sàigòn để hỏi giá hầu phụ lo cho cháu ngoại.

 

Chương năm.

Ngọc vui mừng chuẩn bị hành lý để cùng con theo chồng về quê hương thăm cha.  Tuấn phải sang phục vụ hai tháng tại Sàigòn vì đến phiên chàng. Sáu giờ chiều, chiếc boeing của hãng hàng không Đức gọn gàng hạ cánh xuống phi trường Tân sơn nhứt. Hoàng có mặt tại sân bay để đón rể con và cháu ngoại. Phải đợi khá lâu mới thấy Ngọc xuất hiện bên cạnh chồng con. Hoàng chạy đến ôm con gái mừng rỡ, đoạn quay sang siết tay Tuấn rồi giành bế bé Mai. Họ lên xe, cười nói líu lo. Hoàng nhìn Tuấn hớn hở:

- Vợ chồng con về chơi bao lâu?

     Tuấn hoan hỉ đáp:

- Dạ hai tháng.

     Ngọc tiếp lời chồng :

- Anh Tuấn đi công tác đó Ba.

     Bé Mai nũng nịu hỏi mẹ:

- Má ơi, sao xe ông ngoại không có máy điều hòa như xe mình ?

     Hoàng cười ngất:

- Vì xe ông ngoại xưa lắm rồi.

     Tuấn hí hửng gợi kỷ niệm:

- Ba còn nhớ mấy năm trước mình đi Cần thơ bằng xe này không ?

     Ngọc tát yêu chồng:

- Nên em mới mắc nợ anh suốt đời nè.

     Thấy vợ chồng Ngọc hạnh phúc, Hoàng mừng thầm:

- Lúc nãy Ba nghe Ngọc nói con về công tác, mà ở đâu?

     Tuấn nhanh miệng:

- Dạ trong bịnh viện tim.

     Hoàng vồn vã hỏi:

- Chừng nào bắt đầu ?

     Ngọc trả lời thay chồng:

- Sáng mai Ba à.

Về đến nhà, Tuấn và bé Mai tung tăng ngoài vườn mận. Ngọc theo cha vào trong, nàng đi quanh nhìn nơi mình ra đời và lớn lên. Trên bàn thờ, dường như mẹ nàng cũng cười toại nguyện trước hạnh phúc của con gái mình. Hoàng đến gần Ngọc trìu mến :

- Con vẫn hạnh phúc bên Tuấn chứ ?

     Ngọc mỉm cười nhìn cha, sung sướng gật đầu :

- Anh Tuấn yêu con lắm, hai đứa có bao giờ rời nhau đâu. Ngay cả đi công tác ngoài hải đảo, Tuấn cũng mang vợ con theo.

     Hoàng thỏa dạ :

- Được vậy Ba mừng lắm.

     Ngọc nắm tay cha:

- Ba ơi! Ngày mai đưa con và bé Mai đến thăm nội, sau đó ghé qua cô dượng ba.

     Hoàng đồng ý ngay :

- Nhưng đợi chiều có Tuấn đi luôn.

     Nàng gật đầu :

- Dạ.

Sáng sớm, trong khi vợ con còn đang say ngủ, Tuấn thay quần áo ra đi. Hoàng trông thấy liền bảo :

- Để Ba lái xe đưa con đi.

     Tuấn vội cản :

- Con đi taxi được mà Ba. Chốc nữa nhờ ba dẫn Ngọc và cháu Mai đi mua sắm.

     Hiểu ý con rể:

- Trưa con có về không? Ba với Ngọc đến đón.

     Chàng lưỡng lự:

- Dạ chưa biết, để con điện thoại về.

     Nghe tiếng chồng, Ngọc ngồi bật dậy đi ra:

- Anh đi sớm thế ! Em pha cà phê anh uống nhé !

     Tuấn khoát tay:

- Trái giờ, em còn mệt nên ngủ tiếp với con đi.

     Đoạn Tuấn ôm vợ hôn. Ngọc lo lắng nói:

- Không ăn uống, sao anh làm việc nổi ?

     Hoàng tiếp lời con:

- Hay Tuấn đi ăn sáng với Ba rồi Ba đưa con vào bịnh viện tim. Ba biết chỗ mà.

     Ngọc thấy hợp lý nên khuyên chồng:

- Nghe Ba đi anh.

     Chìu ý vợ, Tuấn miễn cưỡng nhận lời:

- Sợ làm phiền Ba thôi.

     Hoàng lái xe ra sân rồi cùng Tuấn lên đường.

Họp xong với hai bác sĩ Pháp, Tuấn nhận nhiệm vụ giải phẫu khẩn cấp ba bịnhnhân trong đó có một em bé. Tất cả hồ sơ bịnh lý, Tuấn xem kỹ từng người. Chàng quyết định mổ đứa bé trai trước. Các phụ tá tận lực lo mọi chi tiết. Tuấn điện thoại về nhà bảo vợ đừng chờ cơm; xong việc, chàng sẽ lấy taxi về. Quen với công việc của chồng trên đất Pháp, Ngọc thừa biết Tuấn tận tâm với nghề nghiệp nên có khi nhịn đói suốt ngày trong phòng mổ.

Trước phòng chờ đợi, Phượng thấp thỏm lo lắng ngồi đứng không yên mặc dầu mẹ nàng tìm lời trấn an. Phượng nghe các y tá nói có bác sĩ Tuấn bên Pháp mới về chiều hôm qua, phụ trách giải phẫu mấy trường hợp khó, lòng mừng thầm. Nàng cầu xin ơn trên ban phúc lành cho con mình.

Đến trưa, bé Phúc được đưa vào phòng hồi sinh. Phượng chạy theo nhìn con rồi trở lại văn phòng riêng của bác sĩ Tuấn trong khi Tuấn cũng muốn gặp mẹ đứa bé vừa được chàng mổ tim. Đối diện người đàn bà trẻ đẹp, chàng lịch thiệp hỏi:

- Cô là mẹ của cháu Phúc ?

     Phượng khép nép gật đầu :

- Dạ phải.

- Cô an lòng, cháu đã qua cơn nguy hiểm rồi.

Quá vui mừng, Phượng cám ơn Tuấn rối rít đoạn vội vã tìm mẹ báo tin. Nghỉ mệt trong giây lát, Tuấn lại tiếp tục công việc.

Hai hôm sau, bé Phúc được đưa ra khỏi phòng hồi sinh. Phượng túc trực bên giường con. Mẹ Phượng muốn vào thay nhưng nàng từ chối. Giờ khám bịnh, Tuấn trông thấy Phượng còn ở đó nên ngạc nhiên:

- Sao Cô không về nhà nghỉ ? Ở đây có y tá lo cho cháu; ngoài ra, tôi còn theo dõi thường xuyên chuyển biến của bé Phúc.

     Phượng cảm động:

- Cám ơn bác sĩ. Tôi muốn ở bên con tôi cho đến khi cháu xuất viện.

     Tuấn ngần ngại nhìn người đàn bà kiều diễm:

- Hỏi thế này thì không phải, Cô thông cảm cho.

- Dạ bác sĩ là người ơn, xin đừng ngại.

     Chàng áy náy:

- Mấy ngày qua, tôi không thấy cha của cháu vào thăm ?

     Bị chạm vết thương lòng, không còn nén được niềm đau, hai giọt nước mắt từ từ lăn dài trên đôi má, Phượng ôm mặt khóc. Tuấn biết mình lỡ lời:

- Tôi thành thật xin lỗi Cô.

     Ràn rụa nước mắt, nàng ngẩng lên nhìn Tuấn:

- Bác sĩ đâu có lỗi gì. Bé Phúc không có cha.

Biết được nỗi khổ của người thiếu nữ bất hạnh, lòng thấy chùng xuống, Tuấn tội nghiệp không dám hỏi thêm, còn Phượng thì nhìn Tuấn khá lâu rồi nói nhỏ:

- Trông bác sĩ hao hao giống một người.

     Tuấn cười xòa:

- Mà người đó có quen Cô.

- Vâng.

     Chàng nhanh miệng:

- Ở Sàigòn ?

- Dạ không, bên Pháp.

     Lấy làm lạ, Tuấn hỏi thêm:

- Ông ấy tên gì?

     Lệ quanh tròng, Phượng đáp khẽ:

- Lê ngọc Trọng.

     Lặng ngưới sửng sốt Tuấn vồn vã:

- Làm sao Cô quen ông ta?

     Phượng mủi lòng, giọng đứt quãng :

- Vì tôi đã gặp Trọng tại Paris.

Tuấn moi trí, nhớ lại những lời tâm sự của em trai mình khi Trọng ghé thăm. Trọng có yêu một nữ tiếp viên hàng không nhưng vì hiểu lầm, nàng hờn dỗi bỏ đi, để lại lòng Trọng nỗi buồn chất ngất. Hơn một năm, Trọng cố công tìm nhưng không gặp; vì muốn dứt tình, nàng xin đổi tuyến bay qua nước khác. Tuấn liền dò xét thêm :

- Trước kia Cô làm gì mà có mặt ở Paris ?

     Đưa khăn tay chậm nước mắt, Phượng ủ rũ :

- Dạ tiếp viên hàng không Việt nam.

Móc bóp ra, Tuấn lấy hai tấm ảnh, một chụp với vợ con, một với các chị em tại nhà cha mẹ, trao cho Phượng, chàng giới thiệu :

- Đây là vợ con tôi.

     Phượng tròn xoe đôi mắt sửng sốt :

- Chị Ngọc đây mà.

     Tuấn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác:

- Cô quen nhà tôi à ?

     Nàng nói rành mạch :

- Chị Ngọc là con gái của cậu ruột em có chồng bác sĩ bên Pháp.

     Chàng hối hả :

- Còn cô ?

- Em tên Phượng.

- Con của cô ba Yến.

     Phượng chớp mắt gật đầu :

- Đúng rồi. Ngày trước vì bận việc không được dự đám cưới của chị Ngọc nên em chưa biết anh.

     Tuấn sốt ruột hối:

- Em xem tiếp bức ảnh thứ hai coi có quen ai không ?

     Dán mắt nhìn, bỗng tay Phượng run rẩy, mặt tái nhợt, buông rơi tấm hình :

- Người đứng phía sau anh là... Trọng.

     Tuấn mừng rỡ :

- Phải, Trọng là em ruột của anh.

     Phượng im lặng nhìn con, nghẹn ngào nói trong ngấn lệ:

- Anh Trọng giờ được mấy con rồi anh ?

     Chàng đáp gọn:

- Chẳng có đứa nào.

     Phượng ngơ ngẩn:

- Anh nói sao ? Trọng có hai con với Cécile kia mà.

     Chạnh lòng xót xa, Tuấn bùi ngùi:

- Em bị người đàn bà đó lừa rồi. Sao em nông nỗi dễ tin quá vậy ? Lạy Trời còn thương gia đình anh.

     Phượng nhìn Tuấn, giọng nói run run vì xúc động :

- Nên xuôi khiến anh về cứu đứa cháu ruột mình.

     Chàng mừng quýnh:

- Bé Phúc là con của Trọng ?

     Phượng thở dài :

- Dạ phải.

     Không e dè, Tuấn nắm tay Phượng :

- Còn kịp lúc, em đừng buồn, để anh hàn gắn cho.

     Phượng gục đầu rấm rứt khóc :

- Nhưng biết Trọng còn yêu em không ?

     Thương người đàn bà bị dằn vặt khổ đau, Tuấn nắm vai nàng lắc mạnh :

- Chắc chắn còn yêu em, yêu nhiều lắm.

Bỗng Ngọc từ sau đến, thấy chồng đang vịn vai một thiếu nữ trẻ gục mặt khóc, miệng nói câu tình tứ : « Chắc chắn còn yêu em, yêu nhiều lắm ». Choáng váng, Ngọc quay lưng đi, nước mắt trào ra.

Lúc sáng, Tuấn hẹn vợ 12 giờ đến đón chàng về ăn trưa vì không có ca giải phẫu gấp. Vào văn phòng riêng chẳng thấy chồng, Ngọc rảo bước đi tìm; ngờ đâu nàng chứng kiến một việc phũ phàng. Trở ra xe, Ngọc giục cha đưa nàng và con về. Tuấn nào hay biết những gì đã xảy ra sau lưng chàng. Tuấn tiếp tục giãi bày cho Phượng hiểu chuyện đã qua, đoạn báo tin vui :

- Chiều nay, anh chị đi đón Trọng về nước.

     Phượng ngẩn người:

- Anh ấy đi công tác ở Việt nam?

     Mặt Tuấn rạng niềm vui:

- Không, Trọng về nhận chức giám đốc chi nhánh xí nghiệp ở Biên hòa.

Đoạn Tuấn nhìn đồng hồ thấy gần 1 giờ trưa mà Ngọc chưa đến đón, bèn mời Phượng lên căn tin dùng cơm với chàng. Từ trên taxi bước xuống, Tuấn thấy cha vợ nhìn mình hơi khác thường, chàng lo ngại :

- Ngọc khoẻ không Ba ? Sao không đến đón con ?

     Ngọc bước ra, mặt ủ dột:

- Em có đến.

     Chàng chưng hửng:

- Lúc nào ?

     Ngọc cười mỉa:

- Lúc anh vịn vai người đàn bà và âu yếm nói: ”Chắc chắn còn yêu em, yêu nhiều lắm”

     Nhớ ra, Tuấn ôm bụng cười trước sự ngạc nhiên của cha vợ và Ngọc:

- Đợi chiều nay đón Trọng về, em sẽ rõ.

     Ngọc hờn dổi vùng vằng:

- Em không đi đâu.

     Tuấn đến ôm vợ vuốt ve:

- Em phải đi. Trọng qúy em lắm, đừng để nó thắc mắc.

Ngọc nghĩ thương đứa em chồng, có điều gì trắc ẩn cũng tâm sự với chị dâu. Ngọc biết Trọng đang khổ vì yêu nên thường tìm lời an ủi: “Em đừng buồn, Chị sẽ giới thiệu cô em gái bà con cho. Cô ấy đẹp lắm”. Ngọc nhớ rõ Trọng đăm chiêu nhìn trời mây rồi thở dài thườn thượt: “Không ai bằng Phượng đâu Chị”. Chiều lại, Ngọc miễn cưỡng theo Tuấn lên sân bay đón Trọng. Hoàng lại lái xe lên phi trường Tân sơn nhứt để vui với con cháu. Lúc Tuấn vào xem giờ máy bay đến, Hoàng tìmlời trấn an con gái mình:

- Chuyện đâu còn có đó. Chẳng lẽ một sớm một chiều Tuấn phụ con ? Con cũng đã nói có bao giờ vợ chồng con xa nhau đâu.

     Ngọc nghĩ cha có lý nhưng tính hờn ghen làm nàng cau có:

- Con trông thấy tận mắt và nghe tận tai mà Ba.

     Muốn gỡ rối cho con, Hoàng an ủi:

- Lúc nãy Tuấn bảo chiều nay Trọng về rồi sẽ rõ.

     Ngọc lại hoang mang không hiểu:

- Tại sao có Trọng trong việc nầy ?

     Hoàng tìm lời dỗ dành:

- Thì con bình tĩnh chờ xem.

Tuấn trở lại với vợ con, mặt hớn hở khiến Ngọc càng tức thêm. Từ xa, Trọng lững thững xách hành lý rời phi cảng. Trông thấy Trọng, bé Mai buông tay mẹ chạy đến ôm chú. Trọng bồng cháu tiến đến chào Hoàng và Ngọc rồi cùng lên xe với anh chị, đoạn điềm đạm thưa:

- Phiền Bác cho cháu xuống khách sạn Majestic.

     Biết Trọng ngại, Hoàng thân mật bảo:

- Nhà Bác còn rộng, cháu về ở chung với anh chị cho vui.

     Ngọc phụ họa thêm:

- Có phòng riêng cho em mà. Nếu không nghe lời Bác, Chị giận đó.

     Trọng liếc chị dâu cười:

- Thôi em thua Chị rồi.

     Ngọc đắc ý:

- Phải vậy chớ.

     Xe chạy một quãng đường, bỗng Tuấn quay sang cha vợ:

- Nhờ Ba ghé qua bịnh viện cho con khám vài người mới được giải phẫu.

     Hoàng rẽ lối hướng về bịnh viện tim. Đến nơi, Tuấn mời mọi người theo mình, Trọng lấy làm lạ :

- Anh đi khám bịnh mà bảo gia đình theo. Bác, chị Ngọc với em không phải sinh viên y khoa thực tập đâu nhé !

     Hoàng nghe Trọng khôi hài bật cười:

- Thì cháu cứ làm theo lời Tuấn đi.

     Họ xuống xe, tiến vào trong. Ngọc còn hờn dỗi nên chần chừ :

- Em với con ở lại văn phòng.

     Tuấn không đồng ý, nghiêm mặt nói:

- Anh cần sự có mặt của em và Ba.

Đến trước một phòng bịnh, Ngọc ghen tức ngập lòng nhưng cố nén vì muốn giữ thể diện cho chồng còn Trọng thì ngơ ngác chẳng hiểu gì. Tuấn lên tiếng:

- Mời tất cả vô.

Bên trong, Phượng đang nựng con, chợt có tiếng gõ cửa rồi thấy Tuấn bước vào, đi theo có cậu Hoàng, chị Ngọc và người cuối cùng là... Trọng. Phượng và Trọng trân trối nhìn nhau. Qua phút giây cảm xúc, Tuấn hỏi em:

- Trọng có biết ai đây không?

     Ngọc bồng bé Mai trên tay theo dõi từng lời. Trọng tiến đến bên Phượng đáp nhỏ:

- Phượng của anh đây mà !

     Quên những người đang hiện diện, Phượng ôm chầm lấy Trọng nghẹn ngào:

- Anh.

     Nàng nhìn sang bé Phúc nức nỡ :

- Con của chúng ta đó.

Quá sung sướng, Trọng đến ôm con hôn lên đôi má. Tuấn cũng mủi lòng, chàng nhìn em rồi hỏi Phượng :

- Lúc trưa anh đã bảo Trọng vẫn còn yêu em, yêu nhiều lắm. Giờ Phượng tin lời anh chưa ?

Mắt còn đẫm lệ, Phượng nhìn Tuấn gật đầu. Ngọc như tỉnh cơn ác mộng, nàng tiến đến chào Phượng, vuốt ve bé Phúc rồi lặng lẽ ra hiệu cho cha rời khỏi phòng. Tuấn cũng nối gót theo vợ con. Ra sân bịnh viện, Ngọc bẽn lẽn đến cạnh chồng ấp úng :

- Em xin lỗi anh :

     Hoàng nhìn con, cười ngặt nghẽo:

- Nghe chớp nhoáng rồi ghen đại.

     Đôi mi chớp nhanh, má ửng hồng, Ngọc nũng nịu:

- Tại con yêu chồng chớ bộ.

     Tuấn hiểu vợ, bước đến âu yếm dìu Ngọc đi dạo quanh trong khi Hoàng nô đùa với cháu ngoại. Chợt vợ chồng Yến vào:

- Kìa anh Hai. Anh vào thăm cháu à ?

- Ừ,Anh đến nãy giờ

     Nhìn bé Mai, Yến hỏi:

- Con ai vậy ?

     Nhướng mắt ngó em, Hoàng cười :

- Cháu ngoại của anh.

     Yến hớn hở :

- Vợ chồng con Ngọc về à ? Sao không qua thăm em ?

     Hoàng phân bua :

- Chưa có thì giờ, tụi nó chỉ mới thăm nội. Vài hôm nữa, Anh đưa chúng sang nhà em.

     Biết Trọng còn bên trong, Hoàng giục vợ chồng Yến :

- Vô thăm cháu đi. Có chuyện vui lắm.

     Yến phân vân kéo chồng bước nhanh. Đến trước cửa phòng, họ ngạc nhiên nghe văng vẳng có tiếng đàn ông bên trong.

- Sao ngày đó em cứ tránh né anh ? Đến phi trường Charles de Gaulle tìm, em cũng ngoảnh mặt rồi bặt tin luôn.

     Tiếng Phượng trầm buồn :

- Tại em nhiều tự ái nên muốn dứt khoát. Nay nhờ anh Tuấn nói hết sự thật, em càng yêu anh.

     Tim xao xuyến xúc động, Trọng vuốt ve bàn tay người yêu :

- Hoàn cảnh em đáng thương hơn. Vì anh mà em ra nông nỗi. Anh hứa sẽ ở mãi bên em và con để bù lại những ngày tháng em chịu thiệt thòi.

     Phượng sung sướng ngã đầu vào vai Trọng đúng lúc cánh cửa phòng từ từ hé mở. Nhìn cha mẹ, Phượng nở nụ cười tươi :

- Ba Má biết ai không ?

     Cha Phượng nhìn chàng trai nghiêng đầu chào mình chợt nhớ ra :

- Cậu Trọng đây mà.

     Phượng nắm tay mẹ trìu mến:

- Từ lâu, Má cứ hỏi cha của bé Phúc là ai ? Hôm nay, cha nó về đó.

     Lòng vui như mở hội, giờ đây Yến mới hiểu lời anh mình vừa nói. Bỗng Tuấn gõ cửa bước vào, Phượng giới thiệu với cha mẹ:

- Anh Tuấn, chồng của chị Ngọc, người giải phẫu cứu bé Phúc đó Ba Má.

     Yến đon đả :

- Cô Dượng cám ơn cháu.

     Tuấn chào hỏi họ rồi đến to nhỏ gì với Trọng. Phượng thấy Trọng lắc đầu nên hỏi:

- Có việc gì không anh?

     Trọng chần chừ:

- Anh Tuấn mời hai bác và chúng mình đi ăn cơm tối nhưng anh từ chối vì muốn ở cạnh con.

     Tuấn nài nỉ:

- Anh đã bảo y tá trông chừng cháu, hai em yên tâm đi.

     Kế Hoàng bồng cháu ngoại cùng con vào tới, Ngọc ôm lấy cô:

- Chào Cô Dượng Ba. Vài hôm nữa vợ chồng cháu sang thăm Cô Dượng vì anh Tuấn hiện bận quá.

     Hoàng tiếp lời con:

- Bây giờ chúng ta vào Chợ lớn ăn cơm chứ. Tuấn mời tất cả mà.

     Không thể chối từ, Trọng cùng Phượng đi theo người thân, rồi đến lượt Trọng đến bên Tuấn thì thầm, Ngọc liếc thấy bèn hỏi:

- Làm gì mà hai anh em có vẻ bí mật vậy ?

     Tuấn nhìn vợ hân hoan:

- Trọng nhờ anh điện thư mời ba má về Việt nam dự đám cưới của cô cậu.

     Hoàng vỗ tay hoan nghênh:

- Hay quá,tôi sẽ gặp lại anh chị sui để hàn huyên.

Đêm ấy, Yến lãnh phần trông chừng cháu ngoại để Phượng theo Trọng về nhà nghỉ. Dưới bầu trời lấp lánh sao hôm, ánh trăng bàng bạc len lỏi qua kẽ lá cành cây, thấp thoáng bên gốc chôm chôm già, hai mái đầu chụm vào nhau thủ thỉ chuyện lòng. Hai năm chất chồng thương nhớ được đền bù bằng đêm tương ngộ hạnh phúc tuyệt vời.

Sáng ngày, Trọng cùng Phượng vào thăm con rồi chàng lấy taxi lên xí nghiệp chi nhánh ở Biên hòa dự lễ bàn giao. Ông cựu giám đốc người Pháp ngỏ lời ca ngợi Trọng và giới thiệu chàng với nhân viên, đồng thời từ biệt mọi người để trở về Pháp nghỉ hưu. Sau buổi lễ, ông mời Trọng đến giao lại ngôi biệt thự ở Thủ đức do xí nghiệp thuê vì hai hôm nữa ông sẽ rời Việt nam. Ngoài ra, chiếc xe du lịch có tài xế lái cũng được đặt dưới quyền sử dụng của tân giám đốc.

Nửa tháng sau, ông bà Long từ Pháp về nước dự lễ cưới của con trai thứ. Họ mủi lòng khi nghe Tuấn kể hết mọi việc. Với bản tính nhân hậu, bà Long thương Phượng và bé Phúc đã chịu nhiều thiệt thòi trong thời gian qua nên quấn quít bên con dâu và cháu nội.

Tuấn cùng Ngọc chu đáo lo đặt tiệc cưới cho em tại nhà hàng Continental, nơi hai người đã thành hôn vài năm trước.

Sau lễ cưới, Trọng đưa vợ con về sống trong ngôi nhà ở Thủ đức. Hai vợ chồng sắp xếp đồ đạt lại theo ý mình, nhất là trang hoàng căn phòng riêng cho con. Sau thời gian đau khổ chất ngất, sóng lòng dấy động, giờ đây bên cạnh Trọng, Phượng thấy đời mình đong đầy hạnh phúc. Nàng dành hết thì giờ lo cho chồng con như Trọng thường khen chị dâu mình. Cũng như Tuấn, Trọng sợ Phượng cực nên nhờmẹ vợ thuê người giúp việc để đỡ tay Phượng. Đêm về, dỗ con ngủ say, Phượng ra phòng khách ngồi cạnh chồng thỏ thẻ:

- Anh còn nhớ những ngày chúng mình ở Paris không ?

     Trọng âu yếm choàng tay ôm vợ:

- Làm sao anh quên được.

     Phượng nũng nịu áp má chồng:

- Anh nhớ gì ? Nói em nghe đi.

     Giọng bỡn cợt, Trọng cười bảo:

- Ôm mền gối ra sô pha ngủ.

     Nàng ngã đầu vào ngực chồng cười thút thít:

- Rồi sao nữa?

     Hôn lên mái tóc mượt mà buông lơi, chàng ỡm ờ:

- Em thương tình nên cho vào ngủ chung.

     Kỷ niệm vùng sống lại, Phượng nhớ rõ đêm ấy nàng đã trao tấm băng trinh cho người nàng yêu. Phượng bá cổ chồng chờ nụ hôn nồng cháy. Qua hơi thở nhẹ, Phượng e ấp:

- Và em đã dâng hiến cho anh những gì qúy nhứt của người con gái Việt.

     Trọng đắm đuối nhìn vợ:

- Bởi thế, anh yêu em suốt đời.

Bên ngoài gió rít từng hồi, lay động xạc xào tàu lá chuối. Từ xa vọng lại tiếng côn trùng tĩ tê hòa lẫn tiếng dế nỉ non, Trọng bồng Phượng vào trong để cùng nàng tìm về đêm kỷ niệm.

Ngày gia đình Tuấn trở về Pháp, Trọng đưa vợ con ra sân bay tiễn. Phượng cầm tay người anh chồng khả kính nghẹn ngào:

- Anh là vị cứu tinh của vợ chồng em.

     Tuấn lắc đầu:

- Anh chỉ làm bổn phận của một người anh.

     Thấy Phượng rưng rưng nước mắt, Tuấn quay sang bắt tay Trọng:

- Chúc hai em hạnh phúc.

     Ngọc đến ôm Phượng giã từ, đoạn nhìn Trọng dặn dò:

- Mỗi năm em về Paris họp, nhớ mang vợ con theo nhé !

     Chàng nhanh nhẩu đáp:

- Dạ. Có thể ba tháng nữa chúng em sẽ đi Pháp để cho thuê căn nhà ở Versailles.

     Ngọc hoan hỉ:

- Hai em lên thăm ba má và ở chơi với anh chị vài hôm.

     Phượng sung sướng nhận lời. Đoạn Ngọc cùng chồng đến chào cha, nàng bịn rịn:

- Thỉnh thoảng Ba sang ở với chúng con và cháu ngoại vài tháng nghe Ba.

     Hoàng cảm động:

- Ừ, thế nào Ba cũng đi mà.

     Ngọc cầm tay Trọng và Phượng nói trong ngấn lệ:

- Chị gởi gắm ba Chị cho hai em.

     Nước mắt long lanh, Phượng nhìn chị gật đầu:

- Chị an tâm, hai em hứa thay chị lo cho cậu.

Trọng bế bé Mai hôn rồi trao cho anh mình. Tuấn đến bên em dâu, hôn cháu Phúc đang say ngủ trong tay mẹ. Rồi gia đình Ngọc khuất dần trong đám đông hành khách đang làm thủ tục xuất cảnh. Hoàng buồn bã đến bắt tay từ giã Trọng đoạn nhìn Phượng than thở:

- Nghĩ ba má cháu sướng hơn Cậu vì được ở gần con cháu.

     Cảm thông lòng người cha, Phượng an ủi:

- Một ngày nào đó, chồng cháu đổi về Paris, cháu cũng phải xa cha mẹ như chị Ngọc vậy.

     Nhớ ra, Hoàng cười xòa:

- Cậu quên, tưởng Trọng ở luôn bên đây chứ.

     Trước khi chia tay, Trọng nhắc cậu Hoàng:

- Cuối tuần, ba má chúng cháu từ Huế về sẽ mời Cậu cùng đi Phú quốc chơi. Cháu đã đặt vé máy bay và giữ phòng ở khách sạn rồi.

     Hoàng hân hoan:

- Ba sui gia đi chung thì vui rồi, Cậu đâu từ chối. Chừng nào anh chị sui trở về Pháp ?

     Phượng đáp thay chồng:

- Ba má chồng cháu còn muốn ở chơi với con cháu vài tuần nữa.

     Hoàng gật gù:

- Ồ, thế thì hay quá !

Một phi hành đoàn của Hàng không Việt nam vừa đi ngang qua. Các nữ tiếp viên xinh đẹp thướt tha trong chiếc áo dài đỏ đồng phục kéo túi hành lý bước sau hai phi công. Phượng liếc chồng mỉm cười gợi nhớ ngày Phượng té ngã vào người Trọng khi phi cơ chao đảo. Rồi định mệnh lại xô họ ngã vào lòng nhau suốt đời.

Viết xong ngày 05 tháng 11 năm 2002

VL

Bài viết khác

Kiếng đeo mắt: Một ổ vi trùng!

Kiếng đeo mắt: Một ổ vi trùng!

14/10/2024

Những người phải mang kiếng, dù là kiếng đeo hay kiếng áp tròng đều cần phải cẩn thận hơn trong việc bảo vệ sức khỏe “cửa sổ tâm hồn” của mình.

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art