Thứ Hai, 18 Tháng Sáu, 2012

Sóng Đời

Chương một.

Trời tờ mờ sáng, đèn đường chưa tắt, chợ Cây thị đã nhộn nhịp tiếng người. Vài chiếc xe Lam chở đầy rau cải từ An phú đông tới liên tiếp tấp vào quày hàng bông, còn xích lô máy thì vận tải cá thịt tận chợ Cầu ông Lãnh về lần lượt đỗ bến. Chị Út bán cá, nhễ nhại mồ hôi, cười nói huyên thuyên với bà Tiệp hàng thịt. Các tiệm ăn cũng lục đục mở cửa để hòa nhập vào cuộc sống thường ngày của người dân Gò vấp.

Mặt trời vừa lên khỏi ngọn cau, ánh nắng ban mai xuyên qua cành cây vú sữa, những vệt sáng lung linh nô đùa trên sân cát, gió thì thào bên rặng trúc bờ tre, đầu thôn vọng lại tiếng gà gáy sáng. Lợi dụng ngày Chúa nhựt, vợ chồng Long định kéo dài giấc ngủ, nhưng những tiếng động bên ngoài đánh thức họ dậy. Vân gối đầu trên tay chồng bàn tính chương trình hôm nay, còn Long thì ôm vợ vào lòng gợi nhớ kỷ niệm.

Mười lăm năm trước, Long và Vân là đôi bạn chung trường. Long học trên Vân hai lớp và họ quen nhau trong một chuyến du ngoạn Nha trang. Theo năm tháng, tình bạn chuyển sang tình yêu khi Vân vừa đỗ tú tài, lúc Long lên năm thứ hai Đại học sư phạm.

Xuất thân từ con nhà nghèo, Long phải hằng đêm dạy kèm trẻ em tại tư gia để có tiền đóng học phí khi chàng chưa xong lớp đệ nhất. Long tha thiết yêu Vân, nhưng trong thâm tâm chàng sợ sẽ mất Vân một ngày nào vì Vân rất đẹp, một vẻ đẹp dịu hiền, đoan trang khi nàng thướt tha trong chiếc áo trắng đồng phục. Vừa lên mười bảy tuổi, Vân được nhiều bà chú ý mối mai, nhưng nàng đều từ chối vì trong tim đã có hình bóng Long. Biết được lòng Vân, Long đạp lên mọi trở ngại để đưa người yêu đi trọn đường tình.

Ba tháng nghỉ hè, thay vì cùng Vân đi dạo phố phường, Long tình nguyện lên đồn điền cao su Xuân lộc dạy con trai ông tổng giám đốc. Họ nuôi chàng ăn ở nên tiền lương được chắt chiu nguyên vẹn, nhờ thế, Long đã thực hiện được mộng ban đầu. Một lễ cưới trang trọng đưa hai kẻ yêu nhau vào cuộc sống vợ chồng. Mộng đẹp tuy thành, nhưng chàng vẫn còn nhớ lời cay đắng của cha khi Long ngỏ ý muốn lập gia đình: « Tao tưởng mày ăn học thành tài rồi giúp đỡ cha mẹ, nào ngờ mày chỉ lo cưới vợ ». Câu dưỡng nhi đãi lão đã ăn sâu vào tâm trí song thân chàng. Theo họ, Long phải có bổn phận nuôi cha mẹ.

Chàng có ba anh em, Nghĩa bất mãn cha, đăng lính hải quân để kiếm sống; Toại học dang dở tình nguyện vô không quân; chỉ có Long nhiều nghị lực và may mắn hơn, trúng tuyển vào Đại học sư phạm, được chính phủ cấp học bổng nên có phương tiện đi đến chốn. Nhưng Long buồn vì cha mẹ mình còn đầu óc quá hủ lậu.

Trước kia, ông bà Cảnh cũng khá giả nhưng vì ham lời và vụng tính, bao nhiêu tiền dành dụm trao hết cho chị dâu làm ăn với thầu xây cất. Thời cuộc đổi dời, Pháp thất trận Điện biên phủ, ký hiệp ước Genève rút quân; những người hợp tác với nhà binh Pháp hụt chân sạt nghiệp. Mợ dâu của Long thì khôn đáo để, vừa làm chủ hụi, vừa làm trung gian cho vay ăn lời, bà chớp thời cơ, chuyển tài sản cho các con trước khi tuyên bố phá sản. Ông bà Cảnh chẳng được chị dâu trả lại đồng nào, họ ngạc nhiên thấy bà ung dung vào tù để rồi ba năm sau ra khỏi khám Chí hòa, tự toại lên Đà lạt sống nhàn hạ trong ngôi biệt thự mới mua bằng tiền của kẻ khác. Thất chí vì mất hết tiền của, cha mẹ Long trút cay đắng giận đời lên đầu các con. Ông Cảnh vào làm quản lý hãng sửa xe ô tô còn bà thì ngồi nhà than trời trách đất. Anh em Long mỗi người tự tìm lấy hướng đi. Lúc còn thơ, ba đứa đã hứng chịu nhiều đòn roi của người cha độc đoán; lớn lên, bơ vơ trước ngã cụt tương lai nhưng không một ai trách đấng sanh thành. Vì ế ẩm, hãng sửa xe đóng cửa, ông Cảnh lại thất nghiệp. Long dùng tình cảm xin ông tổng giám đốc đồn điền cao su cho cha mình một việc làm. Thương Long, ông nhận lời, đồng thời cấp luôn nhà ở cho song thân chàng trên Xuân lộc.

Đám cưới xong, Long nhận được sự vụ lệnh bổ nhậm về dạy trường Trung học Kiến phong. Chàng không ngạc nhiên vì dưới thời đệ nhất cộng hòa, dù học giỏi, đậu cao nhưng thiếu tiền và thế lực thì đa số giáo sư mới ra trường phải rơi vào một trong bốn miền đất nước: nhứt Quảng, nhì Bình, tam Cao, tứ Kiến. Đã nghèo mà học dở thì nắm  chắc Quảng trị, Quảng ngải, Quảng nam; khá chút, được vào Bình định, Bình long, Bình tuy, Bình giả; nếu không thì lên miền Cao đất nước gồm có Ban mê thuột, Pleiku, Kontum; giỏi hơn thì xuôi về miệt Kiến như Kiến hòa, Kiến phong, Kiến tường. Năm chữ: « chiếu nhu cầu công vụ » là một pháp lệnh đanh thép buộc họ cuối đầu tuân hành nếu không muốn vào trường sĩ quan Thủ đức.

Vân vừa học Văn khoa, vừa đi dạy thêm ở Sàigòn, nàng muốn bỏ tất cả để theo chồng, nhưng Long khuyên vợ nên ở lại đô thành một thời gian chờ chàng xem tình hình dưới tỉnh.

Long đến Kiến phong trong mùa nước nổi, chàng bì bõm bước vào văn phòng hiệu trưởng trình diện. Học sinh thấy có giáo sư mới về chen nhau xem mặt, Long nhìn đám học sinh nghèo lam lũ, nửa quê, nửa chợ, chạnh lòng thương. Nhờ bạn đồng nghiệp giới thiệu, Long thuê được một phòng trọ bên cầu đúc cạnh chợ Cao lãnh. Mấy đêm liền, chàng không chợp mắt vì tiếng súng đại bác liên tục bắn sang biên giới, lòng dặn lòng cố nhẫn nại.

Hàng tuần, Long mong đợi đến trưa thứ năm, dạy xong giờ cuối, chàng ăn qua loa chén cơm quán trọ rồi hối hả ra bến xe đò về Sàigòn; Vân cũng mong từng ngày để gặp lại chồng cho thỏa lòng mong nhớ. Niềm vui tao ngộ chưa trọn, nỗi buồn xa cách vội đến, Vân bịn rịn tiễn đưa chồng.

Ba tháng đi qua, Long cảm thấy có điều gì không ổn trong trường. Học sinh bất mãn vì một số giáo sư thiếu tác phong đạo đức, họ thức thâu đêm cờ bạc, sáng ngày bơ phờ vào lớp dạy nhăn dạy cuội cho qua giờ; hiệu trưởng cũng là tay đánh bài có tiếng bèn ra sức bao che.

Cái khó của nhà giáo tỉnh là nhất cử nhất động đều bị phụ huynh theo dõi để đánh giá; Long cũng không qua được mắt họ. Càng coi thường những người thầy bất xứng, học sinh càng kính trọng Long vì chàng hết lòng dạy chúng và luôn giữ phẩm cách mô phạm.

Một sáng thứ hai, xách cặp vào trường, Long ngạc nhiên thấy biểu ngữ giăng khắp nơi;  học sinh bãi khóa, chàng thừa hiểu lý do. Ban giám thị cuống lên nhưng cố ra oai hăm dọa; vô ích, những tâm hồn trẻ ngây thơ, chơn chất, quả cảm không bị khuất phục, chúng dâng kiến nghị xin thay đổi hiệu trưởng và các giáo sư thiếu tác phong.

Tỉnh trưởng hay tin, lái xe đến trường quan sát, ông cho chụp ảnh các biểu ngữ rồi lặng lẽ ra về. Hiệu trưởng sau khi điện thoại về nha trung học báo cáo tình hình, mặt lộ vẻ lo âu, ông họp riêng với một số giáo sư thân tín đoạn đến gặp ban đại diện học sinh; kết quả, chúng vẫn không chịu vào lớp. Hết giờ phụ trách, Long cùng vài đồng nghiệp ra về, không ngờ tai họa đến với chàng vì trước sân học sinh hò reo hoan hô Long; chàng thản nhiên rời cổng trường trong khi hiệu trưởng cay cú nhìn Long với cặp mắt thiếu thiện cảm.

Ngày hôm sau, phái đoàn thanh tra bộ giáo dục xuống Đồng tháp. Tỉnh trưởng gặp họ trước tiên để báo cáo sự việc vì ông đã nắm vững tình hình nhờ có con là học sinh lớp mười hai trường Kiến phong; ngoài ra, ông cũng biết nhiều về tác phong của các giáo sư liên hệ. Kết luận, tỉnh trưởng yêu cầu thuyên chuyển hiệu trưởng và những người thầy bất xứng ra khỏi Cao lãnh, ông đề nghị đưa Long lên điều khiển trường.

Đoàn thanh tra ngỡ ngàng vì hỏng kế hoạch. Họ đã nhận lịnh xuống Kiến phong không phải để điều tra mà để áp đảo. Qua báo cáo của hiệu trưởng, giáo sư Long xách động học sinh bãi khóa nên cần bị trừng phạt. Sự vụ lệnh thuyên chuyển chàng đi Bình long còn nằm yên trong cặp vì những lời đề cao tác phong đạo đức của nhà giáo trẻ vừa được tỉnh trưởng thốt ra làm ban thanh tra bối rối. Không thể làm trái ý người đứng đầu tỉnh, cũng chẳng nhượng bộ học sinh, họ họp với hiệu trưởng và giáo sư rồi trở về nha xin chỉ thị. Tội nghiệp, Long vẫn vô tư luyện tập ba lớp 12 sẽ thi tú tài năm tới, chàng đâu biết tai họa đang rình rập mình.

Là một thanh niên nhiều lý tưởng, đầy lòng nhân ái, chán ghét bất công, chàng đã đặt hết tình thương vào đám học sinh lam lũ, mong sao chúng thành người hữu ích. Long không tham vọng đào tạo trẻ thành siêu nhân mà chỉ muốn trao cho thế hệ mai sau giá trị thật của con người. Nhà giáo nghèo tiền nhưng giàu tình cảm bắt đầu nhận lấy những đợt sóng phũ phàng.

Bộ giáo dục không nhượng bộ toàn phần yêu sách của tỉnh trưởng nên chỉ thị xuống cấp và thuyên chuyển hiệu trưởng về làm giáo sư trường Mạc đỉnh Chi Chợ lớn, các thầy mất phẩm chất mỗi người đi một nơi; còn Long cũng nhận sự vụ lệnh về dạy Sư phạm Vĩnh long mặc dù tỉnh trưởng phản đối quyết định trên. Nha trung học bổ nhậm Khiêm, bạn đồng khóa của Long lên điều khiển trường.

Nước mắt học sinh rơi nhiều khi chúng đưa tiễn người thầy đáng kính lên xe đò rời tỉnh Kiến phong. Đứng trên phà Cao lãnh, Long nhìn rừng dừa xanh bạt ngàn xõa tóc soi mình trên sóng nước Tiền giang, xa xa vài cụm điên điển trổ bông vàng tạo nét đẹp thiên nhiên trên thảm mạ non ngút ngàn xanh biếc, đám lục bình trôi rời rạt theo hai con nước lớn, ròng. Thương quá lũy tre xanh, lung bông súng, rặng trâm bầu, gốc ô môi vươn mình chịu đựng thế sự thăng trầm của miền phù sa sông bồi đất lở. Làm sao quên được tiếng chuông chùa thu không rời rã, đom đóm lập lòe sau vườn ổi ven sông, dọc bờ đê đàn nhá nhem tỉ tê buồn bã.

Vừa rời mái trường nghèo của miền Đồng tháp, Long lạnh lùng bước vào trình diện hiệu trưởng Sư phạm Vĩnh long, chàng ngạc nhiên trước công trình kiến trúc khá đồ sộ của người Mỹ vừa xây xong và trố mắt nhìn Thạch, bạn chàng, người vừa được giao trách nhiệm điều khiển trường.

Một năm sau, Vân sinh đứa con gái đầu lòng lúc chồng nàng đang chấm thi tú tài ở Sàigòn; bé Diễm ra đời đầy ấp tình thương của cha mẹ. Vân muốn mang con theo chồng về Vĩnh long sống, Long cũng tìm nhà thuê để gia đình xum hợp, nhưng một cảnh tượng hãi hùng làm chàng chùn bước. Công, bạn Long, dạy Anh văn, có vợ đẹp không kém gì Vân. Một hôm, hai vợ chồng đi chợ Vĩnh long về, qua cầu Thiền đức, thì có một công an bám theo nham nhở tán Phượng. Tự ái người chồng không cho phép Công lặng thinh, chàng nhỏ nhẹ giải thích đây là người phụ nữ có chồng; tên công an văng tục. Phượng thấy không ổn kéo chồng đi nhưng gã kia rút súng bắn Công ngả qụy trước mắt nhiều người. Phượng gào thét cầu cứu. May thay, một sĩ quan Mỹ lái xe ngang qua, thấy cảnh bất bình dừng lại, dùng sức mạnh tước khí giới tên côn đồ, đoạn tức tốc đưa Công vào bịnh viện dã chiến giải phẫu. Phải mất một tháng, Công mới bình phục và đi dạy trở lại.

Sống giữa thành phố nhiễu nhương thời chiến tranh, mạng con người rẻ như bèo; bao nhiêu binh chủng đánh trận kéo về dưỡng quân tha hồ quậy phá. Ban đêm, người dân không dám ra đường vì sợ đạn súng vô tình ghim vào thân. Long an ủi vợ chịu đựng xa cách một thời gian để chàng có đủ thâm niên xin đổi về Sàigòn.

Một hôm, Long được tin Ông Tổng giám đốc mãn nhiệm kỳ về Pháp, cha chàng bị sa thải vì mất điểm tựa. Long lợi dụng cuối tuần đáp xe trở lại thủ đô, chàng tìm đến người thầy cũ quen biết nhiều chủ hãng để xin việc cho cha. Thương đứa học trò hiếu thảo, giáo sư Prévot liên lạc vài nơi ; hai tuần sau, ông vui vẻ báo tin mừng cho Long vì cha chàng được nhận vào làm trong khu kỹ nghệ Biên hòa.

Long buồn và khổ tâm vì đã làm mọi cách để giúp đỡ cha mẹ, ngược lại, song thân chàng vẫn không chút thiện cảm với nàng dâu; do đó, Vân nhiều lần rơi nước mắt. Long tìm một lối thoát bằng cách đưa Vân và Diễm về ở bên cha mẹ vợ. Chàng cùng Vân vét tiền dành dụm xây được căn gác sau nhà ông bà Phát để vợ con tạm sống chờ mình.

Một năm sau, nhờ có thế lực, Thạch, hiệu trưởng trường Sư phạm được thuyên chuyển về Sàigòn còn đơn của Long bị xếp lại. Ông hiệu trưởng mới là bạn cùng trường ngày xưa, nay lên mặt cấp chỉ huy, Long vẫn thản nhiên làm nhiệm vụ. Với nhiệt tình và tác phong sẵn có, chàng chiếm cảm tình của giáo sinh không mấy chốc, nhưng càng được học trò thương thì càng bị hiệu trưởng đố kỵ, ganh ghét.

Long cùng bốn bạn đồng nghiệp mướn một ngôi nhà gần chợ Trường An để ở trọ. Đức, Tín, Văn và Tùng gốc người Bắc di cư nên dù sống hòa nhã thế mấy cũng bị kỳ thị. Đối với Long, họ luôn vui tính, dễ thương, tận tâm dạy học thì tại sao phải ghét họ ? Nhưng đời không đơn giản như chàng tưởng.

Hai năm trôi qua, niềm tin công lý của Long bị thui chột khi đơn xin thuyên chuyển của chàng bị bác bỏ thêm lần nữa. Các bạn làm việc trong bộ bảo Long tìm đủ phương tiện để họ đưa đi ngã hậu thì chàng sẽ được về Sàigòn ngay; số tiền họ ấn định tính ra một năm lương đi dạy. Long ngao ngán trước trò đời, bộ giáo dục hay vô giáo dục ? Chỉ có bọn nhà giáo nghèo như chàng mới tìm ra được câu giải đáp.

Mỗi tuần, Tùng và Long cùng đáp xe đò Nhan nhựt về Sàigòn, dần dần lý tuởng gặp nhau đưa họ đi chung một hướng. Sợ cảnh nhiễu nhương, Tùng cũng để vợ con ở đô thành; Tín và Văn không làm khác hơn, thế nên phân nửa lương của họ dùng trả tiền nhà, cơm tháng và xe đò, phần còn lại mang về cho gia đình.

Tháng rộng năm dài tiếp nối nhau đi, vợ chồng Long có thêm một đứa con trai kháu khỉnh tên Tuấn còn Diễm thì đã lên hai. Cuộc sống trôi nổi Sàigòn Vĩnh long cũng theo năm tháng bồng bềnh. Bỗng một hôm, Long được hiệu trưởng mời vào văn phòng, chàng tưởng lớp mình hướng dẫn có vấn đề nên chuẩn bị đối đáp, nào ngờ, sau khi ngồi xuống ghế đối diện, Long nghe ông ta dõng dạc ra lịnh:

- Tôi yêu cầu anh đổi chỗ ở vì tôi không muốn anh ở chung với các giáo sư người Bắc.

Long ngơ ngác:

- Việc nầy có liên quan gì đến dạy học đâu ? Ông có thể cho tôi biết tại sao ?

Hiệu trưởng nhún vai bĩu môi:

- Anh ngây thơ quá. Anh có biết trên chính trường họ thao túng nắm các bộ, trong quốc hội thì đả kích người Nam.

Long ngắt lời:

- Nhưng trường sư phạm có việc gì xảy ra đâu ?

Ông huênh hoang:

- Miền Nam là của người Nam, anh đừng quên họ còn dây mơ rễ má ở ngoài Bắc. Chúng ta phải nắm lấy chính quyền và loại họ ra khỏi mọi chức vụ.

Long chợt nhớ hiện Phong trào phục hưng miền Nam đang khích động chống dân miền Bắc, chàng chán ngấy chính trị nên không màng đến, nay rõ ra, Long sắp bị vướng vào. Tưởng đã thuyết phục được Long, hiệu trưởng gằn giọng:

- Nếu anh nghe tôi dọn đi nơi khác thì anh đứng về phía người Nam, còn không, tôi xem anh như họ.

Long không trả lời dứt khoát, chàng cáo từ lui bước, lòng chán nản muốn mau rời khỏi trường Sư phạm. Một tuần sau, dọ biết Long vẫn ở chỗ cũ với bốn bạn đồng nghiệp gốc Bắc, hiệu trưởng khinh khỉnh đối xử chàng như thù địch.

Trong một phiên họp hội đồng, Tùng phản đối giám học chèn ép giáo sư Bắc bằng cách rải giờ dạy của họ ra suốt tuần, cố ý không cho ai về Sàigòn thăm vợ con; hiệu trưởng binh vực phụ tá mình biến cuộc đối thoại trở nên gay gắt; còn Long thì yêu cầu công bằng cho mọi người và trong sạch hóa trường sư phạm. Viên cố vấn Mỹ xếp Tùng và Long vào hạng cứng đầu cần phải bứng đi.

Sau ba tháng thụ huấn quân sự ở Thất sơn về, không khí nhà trường trở nên ngột ngạt. Cho đến một hôm, hai giáo sư trẻ nhận được sự vụ lệnh thuyên chuyển. Áp dụng điệp khúc cũ: « Chiếu nhu cầu công vu », Tùng đi Quảng ngải, Long lên Phước thành. Bất mãn ngập lòng, cả hai về bộ khiếu nại vì sáu năm qua họ chỉ xin được đổi về Gia định, nay bỗng dưng bị lưu đày. Long vào gặp ông phó tổng thư ký, bạn học đồng khóa của chàng trước kia để biết lý do. Qúy nhìn Long ái ngại:

- Tại sao mày theo người Bắc chống nó cho ra cớ sự ?

Long cãi lại:

- Tao sống ôn hòa với mọi người và không đứng về phe nào.

Qúy nhăn mặt khó chịu:

- Không theo nó là chống nó. Mày có biết đó là đàn em của tổng thư ký nên khi nhận được báo cáo, ổng ký sự vụ lệnh đày mày với Tùng đi mà không cần trình qua Tổng trưởng duyệt.

Vẫn vẻ khí khái, không giao động:

- Mày có thể cho tao biết nội dung của cáo trạng ?

Qúy nhìn bạn áy náy:

- Tao hiểu biết mày từ khi còn học chung lớp, nhưng cô thế, tao không giúp mày được gì lúc nầy.

Giọng khẳng khái:

- Tao không nhờ mày giúp đỡ mà chỉ muốn biết nội dung bản báo cáo của hiệu trưởng.

Do dự một lúc, Qúy mở tủ lấy hồ sơ ra, chẫm rãi xem đoạn thì thầm:

- Tùng bị kết tội cầm đầu giáo sư người Bắc chống hiệu trưởng, ngoài ra Tùng còn dan díu với một nữ sinh tên Hoàng.

Long ngẩn người:

- Còn tao ?

Qúy nhíu mày đắn đo:

- Mày thì có lập trường quốc gia không vững chắc và quan hệ tình cảm với nữ sinh tên Thắm.

Long đứng lên bắt tay cám ơn Qúy rồi rời khỏi phòng. Tùng đang sốt ruột ngồi chờ Long bên ngoài. Chàng kể hết sự việc cho bạn nghe đoạn Tùng tức tốc quay về Vĩnh long trực diện với hiệu trưởng, đồng thời thông báo cho Ban đại diện giáo sinh biết lý do tại sao hai người thầy đáng kính của chúng bị đày; còn Long thì đến nhà bà cô quen biết với tổng trưởng để nhờ xin cho chàng yết kiến.

Diễn biến nhanh ngoài dự tính của Long; giáo sinh bãi khóa và biểu tình binh vực hai người thầy cô thế. Hiệu trưởng đánh điện về bộ kết án Tùng xách động. Hai hôm sau, ông Tổng trưởng nhận tiếp Long, chàng trình bày mọi việc và xin được đối chất với những người liên hệ, ông bằng lòng.

 Tuần sau, một phiên tòa nhỏ được dựng lên tại bộ, chánh án là Tổng trưởng giáo dục, nguyên cáo: hiệu trưởng sư phạm; bị cáo: hai giáo sư Long và Tùng; nhân chứng: giáo sinh Tài, đại diện trường và hai nữ sinh Hoàng và Thắm; ngoài ra còn có Hồng, trưởng lớp của Thắm.

Một ngày trước khi họp, Tổng trưởng đã gặp riêng từng người nên biết nhiều bí ẩn trong trường; sáng nay, ông đem ra ánh sáng để xử lý. Ông tổng thư ký viện lý do bịnh vắng mặt, ông phó đọc báo cáo. Nghe xong, Tổng trưởng đưa mắt nhìn ông hiệu trưởng rồi dõng dạc hỏi:

- Ông Tùng bị kết tội cầm đầu giáo sư gốc Bắc chống hiệu trưởng nhưng ông không đưa ra được một bằng chứng cụ thể nào, chỉ toàn chuyện vu vơ nên tôi cho là vu cáo; ngoài ra, có em Hoàng hiện diện xác nhận thầy Tùng không hề dan díu với em, vậy ông có gì làm bằng ?

Hiệu trưởng lúng túng viện cớ nghe tin đồn. Quay sang giáo sinh đại diện trường, Tổng trưởng nghiêm nghị :

- Em Tài có nghe tin đồn không ?

Tài quả quyết:

- Dạ thưa không.

Nhìn sang Long, Tổng trưởng hầm hầm quắc mắt :

- Còn ông Long bị buộc tội có lập trường quốc gia không vững chắc, ông đưa bằng chứng ?

Hiệu trưởng vênh váo kể:

- Trong một phiên họp hội đồng giáo sư có cố vấn Mỹ tham dự, ông Long mỉa mai hỏi tôi trường nầy của Việt nam hay của Mỹ, tại sao mọi việc phải trình qua cố vấn ? Nếu trường của Việt nam thì ông tiếp tục dạy, ngược lại, ông xin đổi đi.

 Tổng trưởng phì cười:

- Thế là giáo sư Long được ông chụp mũ cộng sản ?

Đoạn hỏi tiếp:

- Còn việc quan hệ tình cảm với nữ sinh Thắm thì thế nào ?

Hiệu trưởng kể:

- Ông Long dan díu với Thắm rồi phụ rải khiến em buồn tình nên mắc bịnh lao.

Không nén được cơn giận, Thắm đứng lên cắt lời:

- Ông hiệu trưởng nói dối.

Tổng trưởng bèn can thiệp:

- Em bình tĩnh kể hết sự thật.

Lệ chảy vòng quanh khóe mắt, Thắm nghẹn ngào:

- Dạ thưa, con bị lao khi còn không đầy bốn tháng nữa ra trường; với căn bịnh truyền nhiễm đó, ai cho con đi dạy ? Quá tuyệt vọng, con khóc suốt đêm; chị Hồng trưởng lớp biết được nên trình bày cho thầy Long, giáo sư hướng dẫn rõ. Cuối tuần, thầy đưa con lên Sàigòn giới thiệu bác sĩ chuyên trị lao phổi.

Tổng trưởng chận lời:

- Chỉ có thầy Long với em đi à ?

Quẹt ngang đôi hàng nước mắt:

- Thưa không, thầy con nhờ chị Hồng, trưởng lớp theo.

Hồng đứng lên xác nhận sự thật. Tổng trưởng bèn tiếp:

- Đến Sàigòn, hai em ở đâu ?

Hồng trả lời thay bạn:

- Thắm và con ở nhà người anh ruột của Thắm.

Ông gật gù :

- Rồi giáo sư Long có đưa em đi trị bịnh không ?

Thắm vẫn ràn rụa nước mắt:

- Thưa có, nhờ thế, sau ba tháng chữa trị, phổi con đã trong lại. Con mừng quá chỉ còn biết cám ơn thầy.

Liếc xéo hiệu trưởng, ông gằn giọng:

- Ông có điều gì để buộc tội nữa không ? Hay chỉ dựa vào tin đồn ?

Đoạn nhìn sang Tài:

- Em đại diện trường có nghe đồn đãi gì không ?

Tài lắc đầu:

- Thưa không.

Tổng trưởng phẫn nộ hỏi ông phó tổng thư ký:

- Ai ký sự vụ lệnh thuyên chuyển hai ông Tùng và Long mà không qua tôi duyệt ?

Ông phó ấp úng:

- Dạ, ông tổng thư ký.

Tổng trưởng quát to:

- Ông hủy bỏ hai sự vụ lệnh đó và thuyên chuyển họ về Gia định. Khi nào ông tổng thư ký hết bịnh bảo lên trình diện tôi.

Quay sang hiệu trưởng đang khép nép :

- Còn ông, hãy về Vĩnh long thu xếp chờ nhận lệnh đi nơi khác vì tôi biết lý do của vụ vu cáo nầy. Có bằng chứng cho thấy ông cùng đàn em ăn hối lộ trong hai kỳ thi tuyển giáo sinh vừa qua. Ngày nào còn ngồi đây, tôi phải làm sạch bộ giáo dục nầy.

Khi phiên họp bế mạc, Tùng và Long thơ thới ra khỏi cơ quan định lấy xe về, bỗng nghe tiếng gọi

- Hai thầy chờ tụi em với.

Họ quay lại thấy bốn học sinh mình đang hớn hở mỉm cười, Long điềm đạm:

- Cám ơn các em dám nói lên sự thật.

Thắm nhìn Long e ấp:

- Tội nghiệp thầy quá, làm ơn mà mắc oán .

Long hoan hỷ:

- Nhưng người trả oán đâu phải là em .

Tùng chen vào:

- Nào, thầy trò mình sang tiệm Givral ăn bánh uống nước, hôm nay tôi đãi.

Hoàng vỗ tay:

- Hoan hô thầy !

Long khoát tay lắc đầu:

- Đừng hoan hô, vì mỗi lần được học sinh hoan hô là mỗi lần tai họa đến với thầy.

Tài ra vẻ cương quyết:

- Chúng em nhứt định noi gương hai thầy.

Tùng cười nửa miệng :

- Để nhận lãnh nghiệt ngã như bọn tôi.

Ăn uống xong, bốn học sinh đáp xe đò trở về Vĩnh long để trình bày kết quả cho các bạn biết, còn Tùng và Long ở lại Sàigòn chờ nhận nhiệm sở mới. Ba hôm sau, hai người vào bộ lấy sự vụ lệnh thuyên chuyển. Tùng về Trung học quận tám còn Long về Lý thường Kiệt Gia định. Phó tổng thư ký kề tai Long nói nhỏ:

- Tao tiết lộ cho mày biết ông tổng thư ký bị cách chức rồi.

Nghe qua, Long thản nhiên rồi lạnh lùng cùng Tùng lui bước rời bộ giáo dục.

 

Chương hai.

     Thấm thoát Long về Gia định trên hai niên khóa. Chàng ra sức vừa dạy trường công vừa phụ trách ba lớp tư thục, ban đêm Long kèm thêm mấy học sinh Marie Curie; nhờ thế, vợ chồng chắt chiu mua được căn nhà nhỏ xinh xắn ở ngã ba cây thị Bình hòa. Vân tính ra từ ngày thành hôn, nàng phải xa chồng gần bảy năm, nay Long mới thật sự sống trọn vẹn bên vợ con. Vân càng yêu chồng khi thấy chàng đốt giai đoạn, cật lực làm việc để vun bồi tổ ấm gia đình.

     Với tính tình hòa nhã, khiêm tốn, với nhân dáng đôn hậu đằm thắm, vợ chồng Long chiếm nhiều cảm tình của xóm nhỏ; họ thân mến gọi thầy Bảy, cô Bảy với những lời hỏi han chân thành kèm theo nụ cười chất phác. Chị Út bán cá, bà Tiệp hàng thịt, bác Ba sửa xe gắn máy, anh Năm hớt tóc, chú Bảy thợ mộc, ai ai cũng qúy mến Vân và Long.

     Trước nhà họ có bác sĩ Lân cùng vợ là dược sĩ Lan mở phòng mạch và tiệm âu dược nên dân trong vùng khỏi đi xa mỗi khi bị bịnh. Với duyên thắm tình nồng, vợ chồng Long có thêm một đứa con trai tên Trọng khi chàng được đổi về Gia định hơn một năm. Qua rồi chuỗi thời gian buồn hiu quạnh; bao nhớ nhung chất ngất, bao khắc khoải đợi chờ được đền bù bằng những đêm tròn mộng ái ân trong vòng tay chồng. Quả thật, Vân đẹp hơn xưa với cái dáng dấp mảnh khảnh, trang nhã, dịu dàng, với gương mặt trái soan, đôi mắt đen huyền dưới hàng mi cong, hai má ửng hồng, đôi môi mọng ươn ướt, hàm răng đều và chiếc mũi dọc dừa nho nhỏ, làn da trắng mịn, mái tóc nhung mượt mà xoã xuống bờ vai. Nàng có một vẻ đẹp thanh thoát, một thân hình thon thả toát ra nét gợi cảm kín đáo. Vân ra sức cùng chồng xây tổ uyên ương, lòng chỉ mong sóng gió đừng đến nữa với đời họ.

     Tiếng cười khúc khích của Diễm và Tuấn kéo vợ chồng Long về thực tế. Dúi đầu vào ngực chồng, Vân thỏ thẻ giục Long:

- Dậy đi anh, con nó thức rồi kìa.

     Còn nuối tiếc giây phút mặn nồng, Long choàng tay ôm lấy thân hình mảnh mai ngà ngọc của vợ siết chặt; Vân cũng đồng lõa xoắn lấy chồng, môi tìm môi, họ chơi vơi ngụp lặn trong hạnh phúc ngây ngất. Hôn lên gò má nõn nà của Vân, Long âu yếm:

- Hôm nay em định đi đâu ?

     Lòng lâng lâng sung sướng, nàng hăm hở :

- Mình đưa các con đi Sàigòn nhé !

     Long vuốt mái tóc rối bồng của vợ :

- Tùy em, nhưng anh phải ra tiệm anh Năm hớt tóc trước đã.

     Hiệp định Paris 1972 có nhiều điểm bất lợi cho miền Nam, nhưng người dân Cây thị vẫn vô tư hiền hòa kiếm sống qua ngày. Càng thương họ, Long càng chán chường trước cảnh chết chóc, đổ vỡ, những bất hạnh triền miên của đất nước. Chàng ngao ngán thấy con người cứ nhân danh ý thức hệ nầy, chủ nghĩa nọ, tranh chấp quyền lực trên nỗi thống khổ của đồng loại ; nước mắt cay đắng của dân tộc Việt nam rơi, máu của thanh niên Việt nam đổ trước cái nhìn thản nhiên của hai thế lực mạnh nhất thế giới. Đàng sau hậu trường, họ bắt tay chúc tụng nhau trong lúc các nước nhược tiểu cứ thù hận, chém giết, đói khổ, lạc hậu.

Hè năm 1972, Long và Tùng vui mừng gặp lại nhau trong chuyến đi gác thi tú tài ở Huế. Tùng cho bạn biết đơn xin đi tu nghiệp của chàng bị bác. Chính phủ Pháp cấp mười học bổng cho giáo sư toán và pháp văn sang Paris tu nghiệp hai năm, Tùng hớn hở nộp đơn, còn Long vì sợ biến động không dám bỏ vợ con đi xa nên không dự cuộc. Ngồi uống ly bia bên bờ sông Hương, Tùng tâm sự :

- Long biết, sau khi nộp đủ hồ sơ, mình ngây thơ chờ kết quả.

     Long sốt ruột :

- Thế rồi sao ?

     Tùng chửi đổng:

- Mẹ kiếp, các ngài thanh tra trám hết; ông dạy việt văn được gửi đi tu nghiệp tân toán học, còn người dạy sử địa sang tu nghiệp pháp văn.

     Long nhăn mặt cay cú:

- Đời mà Tùng, một chế độ mục nát như thế không chóng thì chầy sẽ làm sụp đổ miền Nam.

     Tùng cáu kỉnh:

- Chán bỏ mẹ !

     Mùa Xuân năm 1973, bé Thảo ra đời trong vòng tay trìu mến của cha mẹ, vợ chồng Long quyết định ngưng sản xuất để lo chu đáo cho bốn đứa con yêu. Đất nước biến động, niềm tin vào tương lai bị chao đảo. Mỗi đêm, gia đình sáu người cùng ngủ chung giữa nhà, lòng nguyện lòng nếu có một quả đạn pháo vô tình rơi vào thì cho hai vợ chồng Long với bốn đứa con cùng chết.

     Trước 30 tháng 4 năm 1975, nhiều đồng nghiệp của Long và Vân lần lượt bỏ nước ra đi; riêng họ cương quyết ở lại nhưng lòng hoang mang không biết việc gì sẽ đến với đời mình ? Rồi khúc quanh nghiệt ngã đến, miền Nam đổi chủ. Những người làm cách mạng giờ thứ 25 đôn đáo lập công. Các thầy cô bị phân tán, Long về trường Hồ ngọc Cẩn, sau đó sang Hoàng hoa Thám Bình thạnh; Vân vẫn dạy trung học Đồ chiểu. Cuộc đổi đời đưa gia đình Long xuống dốc thê thảm, Vân phải bán dần vật dụng trong nhà để có thêm tiền đấp đổi vì giờ đây vợ chồng chỉ còn hai đồng lương cố định thật nhỏ nhoi nhưng họ vẫn âm thầm chịu đựng vận nước nổi trôi. Vân được chỉ định làm tổ trưởng môn văn nên học tập chính trị và chuyên môn liên tục. Long vì dạy ngoại ngữ bị bớt giờ phải hoạt động trong ban đời sống, ngày ngày chạy tìm nguồn lương thực cho giáo viên trường. Diễm và Tuấn thay cha mẹ chăm sóc hai em; có lúc Tuấn cầm sổ lương thực xếp hàng gần nửa đêm mới mua được kí thịt theo tiêu chuẩn, khi thì xách rổ chờ mua khoai mì về ăn độn với cơm. Hai vợ chồng xót xa nhìn chiếc áo của Diễm rách vai, quần của Tuấn sờn đít; Trọng cũng như Thảo gầy nhiều vì thiếu dinh dưỡng. Những lúc Vân cùng giáo viên trường đi xâm nhập thực tế ở Bà Điểm phải ngủ đêm tại chỗ, Long buồn vô hạn. Nhìn các con yên giấc, chàng trăn trở lo ngại cho vợ mình.

     Một hôm, Long được gọi lên trình diện phó hiệu trưởng, ông cho biết chàng không được vào biên chế vì khai man lý lịch. Long ngỡ ngàng vì đã năm lần bảy lượt chàng vẫn có sao nói vậy, nay bỗng dưng mang tội vào thân, Long xin được biết trắng đen. Phó hiệu vênh váo:

- Trước kia anh làm hiệu trưởng trung học Tống phước Hiệp Vĩnh long, sau lên chức thanh tra mà trong lý lịch anh không khai.

     Ngỡ ngàng như từ trên trời rơi xuống:

- Tôi chưa hề nắm hai chức vụ đó. Tại sao anh không đến Sở giáo dục tìm hồ sơ cũ ra xem ?

     Ông lạnh lùng:

- Tôi không có quyền đó.

     Miên man trong dòng suy nghĩ, lòng buồn rũ rượi, Long chán nản rời văn phòng, chàng tự hỏi đợt sóng nào sẽ đập vào đời mình nữa ? Con người vạn lần rủi cũng phải có một lần may. Khanh, bạn cũ của Long lúc cả hai còn ở trung học, vào khu theo cách mạng, nay về thành phố nắm chức trưởng phòng giáo dục, tình cờ gặp lại Long trong buổi học chính trị. Khanh kể thành tích của mình còn Long thì tìm cách tránh né nhưng không được.

     Qua câu chuyện trao đổi, Khanh ngạc nhiên trước lý do Long bị rơi biên chế, chàng quyết định truy tìm hồ sơ cũ để rõ hư thực. Chỉ vài hôm sau, tổ trưởng ngoại ngữ tìm Long báo tin chàng được minh oan, Long thản nhiên, hững hờ xách sổ leo lên xe đạp đi tìm mua lương thực cho trường.

     Một chiều Chúa nhật, trong khi Vân đi họp tổ phụ nữ, Diễm chạy vào thưa cha có ông bà nội đến, Long ra cổng đón, lòng đoán sắp có việc gì ? Chưa kịp uống nước, ông Cảnh buồn bã báo tin:

- Ba má được lịnh phải rời Việt nam vì mang quốc tịch Pháp.

     Bà Cảnh tiếp lời chồng:

- Vào Tổng lãnh sự xin can thiệp, họ không làm mà còn khuyên nên hồi hương.

     Long ủ rũ:

- Thì Ba Má nên nghe lời họ, về Pháp có chính phủ lo.

     Cha chàng thở dài:

- Lãnh sự cho phép mỗi công dân Pháp được mang theo một thân nhân. Má con thì phải mang bà ngoại, còn Ba chưa biết chọn ai, một trong ba đứa con ?

     Ánh mắt chợt buồn, Long cau mày ngẫm nghĩ:

- Rồi Ba Má quyết định chưa ?

     Bà Cảnh nhanh nhẩu:

- Xong rồi mới vô tìm con.

     Long trố mắt không hiểu:

- Thế nghĩa là sao ?

     Ông Cảnh phân trần:

- Ba Má muốn con theo vì chỉ có con mới đủ chữ nghĩa lo cho Ba Má trên đất Pháp.

     Lòng đau nhói, tim thắt lại, Long lắc đầu:

- Làm sao con bỏ vợ con con lại được ?

     Mẹ chàng trấn an:

- Sau nầy con sẽ bảo lãnh chúng nó sang.

     Ruột rối như tơ vò, Long nghẹn ngào:

- Không có con, Vân sẽ chết mất với bốn đứa nhỏ. Ba Má nên tìm giải pháp khác đi.

     Bà Cảnh đưa ý kiến:

- Hay là ngày mai con theo Má vào Lãnh sự Pháp trình bày xem sao .

     Chàng gật đầu:

- Cũng được.

     Sáng hôm sau Long cùng mẹ vào phòng xã hội, chàng nói qua hoàn cảnh của song thân, bà đầm trưởng phòng lạnh lùng từ chối không cho Long mang vợ con theo. Bà chỉ có một giải pháp là nếu chàng muốn đi với cha mẹ về Pháp thì phải để vợ con ở lại Việt nam. Long chán chường theo mẹ rời khỏi phòng. Bà Cảnh vào gặp người phụ trách chiếu khán để than thở và xin ý kiến. Một phụ nữ Pháp đứng tuổi có một nhân dáng hiền hậu hơn bà đồng nghiệp phòng xã hội, lắng nghe mẹ Long kể câu chuyện vừa qua rồi nhìn Long cười, đoạn mời chàng vào văn phòng bày kế hoạch. Theo bà, Long nên viết đơn gửi thẳng Tổng thống Pháp kể rõ hoàn cảnh và xin một đặc ân, bà sẽ giúp chuyển đi qua đường ngoại giao cho nhanh và không bị thất lạc; Long cám ơn và hứa làm y theo lời.

     Trong thời gian chờ đợi, Long xin chính quyền Việt nam cho gia đình chàng được theo cha mẹ hồi hương về Pháp; Long được cấp hộ chiếu. Hai vợ chồng đưa con đến giáo đường Fatima Bình triệu quỳ dưới chân Chúa và Đức Mẹ nguyện cầu.

     Phải mất hai tháng mới có hồi âm, Tổng thống Pháp chấp thuận đơn xin của Long nhưng chàng phải tự lo vé máy bay cho gia đình. Một lần nữa, bà trưởng phòng chiếu khán làm việc thiện thay cho bà phụ trách xã hội bằng cách giới thiệu chàng đến cơ quan cứu trợ công giáo Pháp để mượn tiền mua vé phi cơ. Vợ chồng Long vội vã bán tháo nhà cửa hầu có phương tiện lo cho gia đình, đồng thời về sống bên quê ngoại một thời gian vì biết đâu lần ra đi nầy là lần vĩnh biệt ?

     Hai ngày trước khi lên đường, Long tìm Tùng từ giã. Chàng rớm nước mắt nghẹn ngào thấy bạn đang vá ruột xe đạp dưới gốc cây đa gần nhà. Tay bắt mặt mừng, Long ngồi trên lề đường chờ Tùng giao xe cho khách rồi cả hai vào quán cà phê tâm sự. Chạnh lòng xót xa, Long nhìn bạn:

- Tùng xuống dốc đến thế sao ?

     Giọng uể oải:

- Còn gì nữa.

     Đoạn gượng cười tiếp:

- Tại mình bạo mồm dám đấu lý trong buổi học chính trị nên vài hôm sau mình nhận được lệnh sa thải. Ban đầu định đạp xích lô, nhưng cả nước nghèo làm gì có người đi, thôi đành sắm thùng đồ nghề sửa xe đạp.

     Long ái ngại:

- Kết quả ra sao ?

     Tùng thẫn thờ :

- Dân Sàigòn giã từ xe gắn máy xuống xe đạp nên mình tạm thở được.

     Bỗng chợt nhớ:

- Còn chị Liên ?

     Tùng não nề đáp:

- Vợ mình mỗi ngày vào rẫy mua rau muống về bán chui.

     Long muốn thố lộ mục đích cuộc viếng thăm nhưng thấy hoàn cảnh của bạn khiến chàng do dự. Hớp ngụm cà phê đắng, Tùng hỏi:

- Còn Long, sao không chịu theo ông bà bô về Pháp ?

     Long thấy lòng se lại:

- Mình đến để từ giã Tùng.

     Nhướng mắt nhìn sửng bạn:

- Hay quá ! Thế bao giờ Long ra đi ?

     Chàng bùi ngùi:

- Hai hôm nữa.

     Thương bạn dằn vặt với số mệnh không may, Long khẻ hỏi:

- Còn Tùng, chẳng lẽ như thế nầy mãi sao ?

     Ánh mắt không hồn đăm đăm hướng về phương trời vô định, nhiều vết nhăn đậm nét khổ đau hằn trên gương mặt phong trần, Tùng nhíu mày:

- Thằng Văn rủ mình đi tập lưới cá ở Cát lái.

     Long buồn rũ rượi:

- Để chuẩn bị một chuyến hải hành ?

     Tùng gật đầu:

- Chắc là thế.

     Kỷ niệm bỗng ập về. Nhớ lại quãng đời đi qua, hai nhà giáo trẻ từng bị những đợt sóng đánh phũ đầu, nay nhìn lại họ vẫn tả tơi như kiếp dã tràng xe cát. Long bịn rịn siết tay từ biệt bạn và hẹn gặp lại nhau ở một phương trời xa lạ nào đó ; chàng nhét vào túi áo kaki của Tùng vài tờ giấy bạc. Sợ bạn từ chối, Long nói nhỏ :

- Mình gửi cho cháu và nhờ Tùng chuyển lời từ giã đến chị Liên.

     Tùng quay mặt đi cố nén giọt nước mắt chực trào ra, còn Long thì vội lên xe đạp phóng nhanh để tránh giây phút đau lòng. Cuối năm 1978, Long cùng vợ con theo cha mẹ rời khỏi đất nước sau bốn năm dạy dưới mái trường xã hội chủ nghĩa.

 

Chương ba.

     Đặt chân xuống phi trường Charles de Gaulle Paris, vợ chồng Long không có một quan trong túi. Trung tâm tiếp cư đùm bọc họ một tháng rồi đưa cả gia đình về vùng Đông Pháp.

Tương lai của các con là động lực giúp Long và Vân chấp nhận mọi gian nan, Long xin vào làm thợ trong một hãng bia. Trưởng phòng nhân viên biết chàng có học thức nên bố trí vào công tác bào chế bia xuất cảng.

     Sau bốn tháng, mãn hợp đồng, Long rời xí nghiệp dự thi trắc nghiệm văn hóa để theo học khóa kế toán cấp tốc. Rồi với tờ chứng chỉ trong tay nhưng thiếu kinh nghiệm, Long lầm lũi đi xin việc và nhận lấy những lời từ chối phũ phàng của các chủ hãng. Nhưng vợ chồng Long không đầu hàng hoàn cảnh ; Vân bôn ba tìm được một việc làm mùa ngắn hạn, còn Long nhờ một dịp tình cờ may mắn được ông xã trưởng thành phố nhỏ bảo trợ về sống ở tỉnh lẻ, đồng thời một xí nghiệp lớn tại địa phương nhận cả hai vợ chồng vào làm việc lâu dài.

     Cha mẹ lận đận, con cái cũng lao đao. Khi về vùng Alsace, Diễm và Tuấn phải mất một niên khóa để chuyên học tiếng Pháp. Diễm nhờ chọn sinh ngữ Pháp bên quê nhà nên cố gắng hòa nhập được với môi trường mới ; tội nghiệp Tuấn, với số vốn tiếng Pháp ít ỏi bị lạc lõng vì ngôn ngữ. Một hôm Long bị mời đến trường để nghe bà giám học dạy đời :

- Tôi đã gặp vợ ông và khuyên cho Tuấn học nghề, bà không nghe, nay tôi muốn ông quyết định.

     Long bực mình khó chịu :

- Thưa bà, con tôi yếu tất cả các môn à ?

     Bà cười nhạt:

- Không, chỉ có tiếng Pháp thôi.

     Chàng chững chạc nói:

- Vợ tôi đã hứa hằng đêm dạy kèm con để nó theo kịp chương trình mà.

     Giám học nhún vai huênh hoang :

- Tôi cho là ảo tưởng.

     Cố nén cơn giận, Long hòa nhã :

- Thưa bà, trước kia tôi cũng là giáo sư nên biết khả năng của học sinh mình, trong đó có con tôi ; nay vì hoàn cảnh đổi thay đột ngột, nó gặp khó khăn ban đầu về ngôn ngữ, chẳng lẽ bắt cháu sang học nghề ?

     Bà kênh kiệu bĩu môi :

- Rồi con ông sẽ thất bại nửa đường.

     Vẫn vẻ điềm đạm nhưng cương quyết :

- Nhất định con tôi sẽ thành công.

     Quắc mắt nhìn Long, Bà giám học khinh khỉnh chê chàng không thực tế. Long cũng ngán ngẩm đứng lên cáo từ :

- Luôn tiện xin bà cho tôi rút hồ sơ học bạ của Diễm và Tuấn để chuyển trường về một tỉnh lẻ yên ổn hơn.

     Định cư xong ở thảo trang, suốt ngày Long và Vân vất vả với việc làm trong xí nghiệp, đêm đêm hai vợ chồng nỗ lực dạy con. Long kèm Diễm và Tuấn còn Vân dạy Trọng với Thảo; cả hai dặn lòng con mình phải học đến chốn.

     Dòng đời lặng lẽ trôi. Những năm sống trên đất Pháp, Long nhận thấy một số người Việt ở hải ngoại hối hả hòa nhập vào môi trường mới mặc cho bụi thời gian phủ mờ quá khứ, phủ cả ngôn ngữ Việt nam ; đàng khác, một số người vẫn nhìn hiện tại trước mắt nhưng không quên quá khứ bằng cách duy trì phong tục tập quán quê nhà trong đó có tiếng mẹ đẻ. Long cảm phục họ vì dĩ vãng là cội nguồn, nếu chối bỏ nó chẳng khác nào lá bỏ cành, cây quên gốc.

     Nhiều đêm trăn trở, trước mắt Long hiện ra những góc phố nhỏ của Sàigòn năm xưa, con đường Duy Tân rợp bóng mát in dấu chân tuổi thiếu thời . Nhớ nắng sớm mong manh, nhớ nắng chiều bảng lảng, nhớ tiếng gà gáy trưa sau rặng trúc bờ tre, nhịp võng đong đưa hòa lẫn với lời hát ân tình của người mẹ ru con buồn não nuột, nhớ đàn cò trắng xoải cánh dài bay lúc trời nhá nhem tối. Trăng sáng vằng vặc nơi xứ người gợi nhớ ánh trăng ngà quê hương trải dài trên ruộng lúa hòa với sương đêm tạo thành một bức màn mỏng lắc lư qua vòm lá. Gốc ô môi, lung bông súng, rặng trâm bầu, bờ điên điển vẫn mãi mãi là chiếc nôi ru Long trong giấc ngủ êm đềm.

     Hai mươi năm sương gió nhuộm trắng mái đầu người phiêu bạt, những nếp nhăn đậm nét thời gian hằn trên trán. Đã bao phen hồ đông thành băng giá, đã bao lần tuyết phủ đầu non, rừng phong thay lá, giờ đây vợ chồng Long giã từ lao động để về hưu. Giữa hồi chuông rộn rã trong giáo đường, Long cùng Vân quỳ dưới chân Chúa và Đức Mẹ để tạ ơn vì bốn đứa con họ nay đã thành nhân và thành danh. Gần suốt cuộc đời trôi theo dòng nước siết, khốn đốn, chao đảo, họ vẫn vững tay chèo. Những gian truân nghiệt ngã không làm tinh thần họ hụt hẫng, những khổ đau bất hạnh dằn vặt không làm họ chùn bước. Phải đợi đến ngày nay Long mới thảnh thơi đưa người bạn đời nết na hiền hậu về thăm xứ sở dù biết rằng họ vẫn bị xem như khách lữ hành đi chính trên quê hương mình.

     Mơ ước của Long thật đơn sơ: tìm gặp được Tùng, người bạn đồng hành nhiều lý tưởng nhưng cũng lắm truân chuyên; đưa vợ đi rong trên những lối mòn kỷ niệm có nắng hanh hanh hay có mưa nhạt nhòa; hoặc đứng trên hè phố chiêm ngưỡng các nữ sinh tan trường về để gợi nhớ hình ảnh Vân trước cổng trường mấy mươi năm trước, cũng đôi mắt nai tơ đen huyền, làn da trắng mịn, gót chân đỏ hồng, ngực thanh tân, eo thon nhỏ, bàn tay nõn nà, cũng nón lá nghiêng nghiêng có quay nhung đen ôm lấy khuôn mặt trắng ngần, cũng tà áo đồng phục thướt tha lúc khép, lúc mở, lúc cuống quýt, lúc lả lơi bay.

     Năm rộng tháng dài, chuyện đời thường như sáng nắng chiều mưa. Những cảnh oan khiên nơi quê nhà, những cảnh bẽ bàng trên đất khách, tất cả như ánh nắng vàng nhạt tan dần vào dĩ vãng. Đối với Long, đời như các vết chấm. Chấm nầy nối tiếp chấm kia để thành con đường dài; phút nầy nối tiếp phút kia để thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đời sẽ đẹp; sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh thiện.

Viết xong ngày 18 tháng 12 năm 2001.

V.L.

Viết theo lời kể của một người tị nạn

Bài viết khác