Tiếng rao hàng lanh lảnh của cô gái ở đầu ngõ làm cho chú Tư bán vé số ngạc nhiên, chú nhướng mắt nhìn xem có phải con Phượng ở chung xóm với chú không ? Chính nó rồi. Chú Tư thắc mắc tại sao con nhỏ bỏ học đi bán ? Cha nó viết báo không đủ tiền cho nó ăn học sao ? Vốn thương con bé ngoan hiền nhất xóm, chú Tư nhanh chân bám theo Phượng, miệng chú kêu to :
- Phượng, sao hôm nay con không đi học mà lại gánh cải bẹ xanh đi bán ?
Phượng đặt gánh xuống đất, lấy tay áo quẹt mồ hôi nhễ nhại trên trán rồi thở dài :
- Con muốn đến trường lắm ông Tư nhưng má con không cho.
Chú Tư tròn mắt ngạc nhiên :
- Tại sao lạ vậy ?
Phượng lắc đầu chép miệng than :
- Má con bảo lương của ba con không đủ sống nên buộc con thôi học để đi bán kiếm thêm tiền phụ gia đình.
Chú Tư ngao ngán vì chú đã biết tánh tình của mẹ Phượng từ lâu, trong xóm nầy ai mà không biết mụ Phấn đanh đá đó. Chỉ tội nghiệp thằng Tâm miệt mài làm việc cho vợ nó ở không đi rong khắp xóm suốt ngày để dòm ngó chuyện thiên hạ rồi bàn ra tán vào. Ngoài cái tánh nhiều chuyện, Phấn còn đam mê cờ bạc nên nợ nần bủa vây, chắc vì thế Phấn mới bắt con Phượng bỏ học đi bán. Chú thương hại Phượng bèn hỏi nhỏ :
- Ba con có biết việc nầy không ?
- Dạ không.
Chợt nhớ cải chưa bán được một nửa, Phượng vội chào chú Tư rồi hối hả quảy gánh lên đường. Tiếng rao hàng của cô gái hòa lẫn với tiếng ru con của nhà ai vọng lại tạo một âm thanh buồn man mác. Chú Tư cũng lê những bước chân mệt mỏi vào các quán nhậu mời mọc bán mấy tờ vé số còn lại.
Chiều hôm đó, chú đón Tâm ở đầu ngõ để thuật cho Tâm biết việc vợ chàng bắt con Phượng bỏ học đi bán rau. Tâm nghe qua giận run lắp bắp nói vài lời cám ơn người hàng xóm tốt bụng rồi rồ ga xe gắn máy phóng về nhà gặp Phấn hỏi cho ra lẽ. Phấn thản nhiên không tìm cách chối quanh mà còn huênh hoang buông lời thách thức :
- Hơn ba tháng qua, mẹ nó bên Mỹ có gởi về cho tôi đồng nào đâu nên tôi bắt nó phải nghỉ học để đi bán, ai làm gì được tôi ?
Tâm không nén được cơn giận nên quát to :
- Em là một người đàn bà không có lương tâm. Lúc trước Thắm gởi về đều đặn mỗi tháng hai trăm đô la, như thế chưa đủ sao ? Mấy tháng nay có lẽ Thắm bịnh nên mới gián đoạn việc gởi tiền về, em không thể vì lý do đó mà đối xử tệ với con Phượng .
Phấn trề môi nhún vai :
- Anh tưởng hai trăm đô la mỗi tháng là nhiều lắm sao ? Anh có giỏi thì nai lưng ra làm mà nuôi nó. Tôi chán cái cảnh nghèo nầy lắm rồi. Nói cho anh biết luôn là tôi đã có người yêu mới, người đó có nhiều quyền lực và có nhiều tiền hơn anh để bảo đảm cuộc sống của tôi, tôi nghĩ hôm nay chúng ta chia tay nhau là đúng lúc.
Tâm nghe qua càng chua xót trong lòng, chàng nhếch mép cười nhạt :
- Tôi không ngờ tâm địa của cô như thế. Thôi được, chúng ta không bị ràng buộc bởi một tờ hôn thú nào cả, cô nên đi ngay đi cho khuất mắt tôi.
Phấn chụp ngay cơ hội ngoảnh mặt quay đi, dáng vẻ hớn hở :
- Khỏi đuổi, tôi ra khỏi nhà liền đây.
Dứt lời, nàng vào trong buồng ngủ lấy gói quần áo đoạn ngoe nguẩy bước ra cổng rào. Liền khi đó, Phượng từ sau chái hè bươn bả chạy theo nắm tay Phấn van xin :
- Con lạy má ở lại với ba và con, con tiếp tục đi bán để phụ giúp gia đình.
Phấn nguýt xéo Phượng rồi hất tay Phượng ra, miệng đay nghiến :
- Tao đâu phải là má của mầy. Hãy vào với ba mầy đi, đừng cản trở tao vô ích.
Tâm trông thấy vội vã bước ra sân kéo tay con vào nhà rồi khẽ bảo :
- Thôi, cứ để cho bà ấy đi đi con. Khi người đàn bà muốn dứt tình thì giữ lại làm gì vô ích.
Chợt nhớ ra, chàng trìu mến nhìn con hỏi :
- Con bỏ học bao lâu rồi ?
- Dạ hơn một tháng nay.
Tâm lắc đầu thở dài :
- Vậy mà ba có hay biết gì đâu. Cũng nhờ ông Tư nói cho ba biết, ba nhận thấy ba có lỗi với con nhiều quá. Từ lúc ba bị yếu phổi không còn đứng lớp được, ba mới xin làm thư ký tòa soạn cho tờ báo nên thường vắng nhà, không chăm sóc cho con nhiều như trước, cho nên bà ấy mới làm điều tác tệ với con.
Những lời dịu ngọt của cha làm Phượng mủi lòng, hai giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má, cô bé nghẹn ngào :
- Con đi bán về, nghe ba má cãi vã, con lén núp bên cánh cửa nên nghe hết những điều ba má nói. Ba đừng giấu con nữa, hãy kể cho con nghe cội nguồn của con đi ba.
Tâm ôm con vào lòng vỗ về an ủi :
- Câu chuyện hơi dài dòng, từ từ rồi ba kể. Nhưng việc trước mắt là sáng mai con phải trở lại ghế nhà trường, ba xin nghỉ làm một buổi để đến trình bày hoàn cảnh của con với ban giám hiệu và xin họ cho con học lại.
Phượng ấp úng tiếp lời cha :
- Nhưng lòng con đang ray rứt trước một sự thật đau buồn, con sốt ruột muốn biết về đời con. Ba kể đi ba.
Tâm thấy đã đến lúc phải cho Phượng biết nguồn cội của nó nên ôn tồn bảo :
- Nếu con muốn biết thì ba cũng không giấu con làm gì nữa. Con hãy ngồi xuống ghế mà nghe ba thuật lại chuyện của cha mẹ con.
Tâm kéo ghế lại gần con, chàng tằng hắng mấy cái, đưa mắt nhìn mông lung, hồn bồng bềnh trôi về dĩ vãng, chàng chậm rãi kể, giọng trầm buồn :
- Mười lăm năm trước, Tùng là một giáo viên toán còn ba thì dạy văn trong một trường trung học phổ thông ở thành phố. Tùng đối với ba vừa là đồng nghiệp, vừa là bạn thân. Lúc bấy giờ, Tùng yêu một nữ sinh tên Thắm, và nàng cũng đáp lại tình chàng. Đôi trẻ lén lút yêu nhau cho đến khi Tùng được Thắm báo tin nàng đã mang thai, chàng vội vàng về quê thưa với mẹ cha xin cưới nàng làm vợ. Ngoài ra Tùng cũng đến nhà của mẹ Thắm để tạ tội và hứa sẽ đưa song thân mình đến thực hiện việc hỏi cưới Thắm. Nào ngờ cái quan niệm lỗi thời làm cho cuộc tình của đôi trẻ tan vỡ vì cha mẹ Tùng từ khước cô dâu không đợi ly rượu mâm trầu, mẹ Thắm cũng tự ái không bằng lòng kết sui gia với một gia đình tự đại tự cao. Trước tình cảnh đó, ba đã khuyên Tùng nên đạp lên thành kiến để tự do kết hôn, nhưng Tùng vì chữ hiếu đâm ra nhu nhược. Thắm đành gạt nước mắt xa người tình và nói dối với Tùng rằng nàng bị hư thai. Với tâm trạng chán chường, Tùng xin đổi ra miền Trung để tìm quên. Chỉ mấy tháng sau, ba được hung tin bạn mình đã chết trong một tai nạn giao thông. Bẵng đi một thời gian, ba lại biết Thắm hạ sinh một bé gái và mẹ nàng buộc nàng phải đem con cho viện mồ côi để Thắm vầy duyên với một Việt kiều, bạn láng giềng trước kia sắp về nước. Thắm lén mẹ bồng con đến tìm ba để nhờ ba vì tình bạn mà nuôi dưỡng con nàng, và ba đã bằng lòng. Mười năm sau, Thắm viết thư báo tin nàng đã ly dị chồng vì họ xem Thắm như một con đầy tớ hơn là một người vợ, nàng cũng vừa tìm được một việc làm trong một hãng tư ở Cali. Từ đó, mổi tháng Thắm gởi về ba hai trăm đô la để phụ lo cho con nàng ăn học.
Nghe đến đây, nỗi xúc động ập đến, Phượng ôm choàng lấy cha nấc lên trong nghẹn ngào, đoạn đưa cặp mắt đờ đẫn nhìn cha, giọng thều thào đứt quãng :
- Vậy hai người mang tên Tùng và Thắm là cha và mẹ ruột của con phải không ba ?
Tim quặn thắt, Tâm buồn bã gật đầu :
- Phải.
Chàng đưa tay vuốt mái tóc con trong khi Phượng vẫn tiếp tục khóc, vai run run theo từng tiếng nấc. Tâm khẽ nói bên tai con :
- Đừng buồn nữa con, trước sau gì ba cũng xem con như đứa con ruột của ba.
Tâm không muốn kéo dài giây phút đau lòng của Phượng, chàng vội bảo :
- Bây giờ thì ba vào nấu nồi cơm, còn con thì đến nhà bạn mượn bài vở để chép lại, ba sẽ kèm con học để theo kịp chương trình.
Phượng kéo vạt áo chặm nước mắt, miệng thỏ thẻ :
- Để con nấu cho ba. Tối con đến Yến cũng được mà.
Tâm trìu mến nhìn con :
- Nghe lời ba đi con.
Phượng thương cha nên không dám cãi, cô bé lê những bước chân nặng nề ra khỏi cổng, lòng còn mang nặng một niềm đau.
Trong khi Tâm đang lây quây trong bếp thì ngoài sân có một phụ nữ lấp ló như muốn tìm ai. Khói bếp làm cay mắt Tâm khiến chàng chỉ thấy lờ mờ nhưng cũng vội bước ra xem. Chàng chưng hửng khi nhận ra người đàn bà trẻ đẹp đứng trước mặt chàng là Thắm, Tâm mừng rỡ reo lên :
- Em về từ bao giờ ? Sao không biên thư để anh đi đón.
Thắm nhìn Tâm với vẻ mặt lạnh lùng, nàng nhún vai đáp :
- Tôi phải về bất chợt để nhìn rõ bộ mặt thật của anh.
Từ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, Tâm thừ người ra :
- Em nói gì anh không hiểu. Nào, mời em vào nhà và nói rõ cho anh biết.
Thắm miễn cưỡng nối gót theo Tâm, nàng ngồi xuống ghế, ném mắt quan sát khắp căn phòng. Tâm rót nước trà mời nàng nhưng Thắm không uống, nàng sốt ruột hỏi, giọng đanh lại :
- Chị có ở nhà chứ ? Tôi muốn gặp chị.
Cái dáng vẻ lạnh lùng pha lẫn chút kiêu căng làm Tâm hơi bực mình, chàng cau mày :
- Để làm gì ?
Thắm không do dự, vọt miệng trả lời ngay :
- Để trao tận tay chị ấy số tiền năm ngàn đô la trả nợ cho anh và cũng để chuộc con gái tôi lại.
Tâm trố mắt sửng sốt :
- Thắm nói gì lạ vậy, tôi có thiếu nợ ai đâu ?
Nàng bĩu môi tiếp :
- Anh Tâm, anh đóng kịch giỏi lắm.
Trước những cử chỉ và lời nói phũ phàng của Thắm, Tâm lắc đầu ngao ngán :
- Tôi tưởng sau mười bốn năm xa cách, Thắm trở về gặp tôi với một tình cảm đẹp, một tấm lòng biết ơn mặc dù tôi không đòi hỏi, nhưng tôi không ngờ Thắm thay đổi quá nhiều.
Thắm rớm nước mắt, giọng nàng não nề :
- Đáng lý ra tôi phải quỳ xuống tạ ơn anh mới phải.
Rồi nàng thở dài chán nản :
- Nhưng tất cả cũng tại anh.
Tâm tức muốn điên lên bèn ngẩng mặt cười gằn :
- Tại tôi ? Mà tôi đã làm gì ?
Thắm phẫn nộ rút trong bóp ra một bức thư ném lên bàn đoạn giục Tâm :
- Anh hãy xem bức thư của vợ anh gởi cho tôi tháng trước rồi sẽ hiểu tại sao tôi đối xử với anh như thế.
Tâm sốt ruột vói lấy phong thư mở ra đọc thành tiếng vừa đủ hai người nghe :
Thành phố HCM ngày 10 tháng 5 năm 2004.
Chị Thắm,
Cùng là phụ nữ với nhau, tôi hiểu rõ hoàn cảnh của chị nên thương cháu Phượng nhiều lắm. Cũng chỉ vì mến chị mà tôi buộc lòng phải nói lên một sự thật, anh Tâm dạo nầy hư lắm chị à, rượu chè, cờ bạc, trai gái khiến tôi đau khổ vô cùng. Bao nhiêu tiền chị gởi về, anh ấy nướng trong sòng bài hay ở các quán bia ôm. Gần đây, nợ nần chồng chất, anh lại bắt con Phượng nghỉ học để đi bán rau cải từ xóm nầy sang xóm khác để có tiền cho anh ăn nhậu. Thú thật với chị, tôi nhìn con Phượng với gánh cải oằn vai mà rơi nước mắt. Nếu chị thương con, hãy gởi vế gấp cho tôi năm ngàn đô la để tôi thanh toán nợ nần cho anh Tâm và để con Phượng trở lại nhà trường tiếp tục học hành cho đến chốn. Nếu không, con Phượng sẽ chết lần mòn vì kiệt sức.
Vài hàng tôi tin cho chị rõ.
Chào chị
Ký tên : Phấn.
Tâm choáng váng buông bức thư xuống bàn, trán lấm tấm mồ hôi, chàng giận run :
- Tại sao Phấn lại tàn nhẫn đến thế ?
Thắm cáu kỉnh buông lời mỉa mai tiếp :
- Sự thật đôi khi cũng tàn nhẫn lắm, nhưng dù sao nó cũng là sự thật.
Chán chường thế thái nhân tình, Phấn quả là con người đốn mạt, là sói đội lốt cừu, Tâm ôm đầu không muốn nói thêm lời nào nữa. Thắm lại bẳn gắt hỏi dồn :
- Anh Tâm, con tôi đâu ? Anh đã hành hạ con tôi đến thế nào rồi ? Hay là nó đã chết ?
Nhanh như chớp, Phượng bước vào nhìn thẳng người đàn bà lạ gằn giọng đáp thay cha :
- Nó chưa chết đâu, thưa bà. Con Phượng nó đang đứng trước mặt bà đây.
Như chưa hả cơn giận, Phượng đay nghiến thêm :
- Tại sao bà nông nỗi đi tin người mà bà chưa hề quen biết trong khi đối với người ơn thì bà lại nặng lời ? Bà có biết những lời lẽ trong thư đều sai sự thật. Những gì mẹ nuôi tôi kể toàn là vu cáo ba tôi. Chính mẹ nuôi tôi đã buộc tôi nghỉ học đi bán để bà ấy có tiền cờ bạc. Chỉ vì ba tôi nghèo mà bà ta đoạn tình đi lấy kẻ khác. Bà ấy tống tiền bà mà bà không hay biết !
Dứt lời, Phượng tiến lại ôm cha khóc nức nở. Tâm cảm động trước tấm lòng chân thật của con, mắt chàng ứa lệ. Còn Thắm thì như vừa tỉnh cơn ác mộng, nàng gục đầu lên bàn khóc rấm rứt. Chạnh lòng thương cả hai mẹ con, Tâm thì thào bên tai Phượng :
- Con không nên trách mẹ ruột của con, chỉ vì quá thương con nên mẹ con mới nông nỗi như thế. Con đến với mẹ con đi.
Mắt mờ lệ, đôi môi mím lại, Phượng lắc đầu lia lịa :
- Không, con chỉ biết có ba thôi. Người ta đã nặng lời miệt thị ba thì làm sao con thương được ?
Chàng liền ngắt lời con :
- Phượng, đừng nói vậy mà có lỗi với mẹ con, nghe lời ba đi con.
Sau một lúc lương tâm bứt rứt, Thắm cảm nhận mình quá hồ đồ nông nỗi nên rón rén đứng lên tiến lại gần Tâm và Phượng, miệng ấp úng :
- Con nó đã mở mắt cho em. Em thành thật xin lỗi anh về những lời không phải của em. Như anh vừa nói, cũng chỉ vì thương con mà em đã hành động dại dột, đổi ơn thành oán.
Nàng đưa tay rụt rè vuốt tóc con rồi bùi ngùi nói :
- Mẹ cũng xin lỗi con, đừng buồn mẹ nghe con. Tình thương con đã làm cho mẹ mù quáng.
Tâm phụ họa thêm :
- Mẹ con biết lỗi rồi, hãy đến với mẹ con đi.
Phượng ngước mặt nhìn mẹ, đôi mắt còn vương lệ. Tình mẫu tử thiêng liêng đã làm Phượng mềm lòng, Phượng nắm chặt tay Thắm. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau, nước mắt tuôn trào. Tâm cũng động lòng đỏ hoe đôi mắt. Thắm gắng gượng nén xúc cảm, nàng thì thầm bên tai con :
- Xin con hiểu giùm hoàn cảnh của mẹ mà đừng trách mẹ. Trên đất Mỹ mẹ đã khổ nhiều rồi.
Phượng ngả đầu vào ngực mẹ với vẻ cảm thông rồi nhỏ nhẹ hỏi :
- Chừng nào mẹ trở về Mỹ ?
Thắm do dự trong giây lát đoạn nhìn Tâm như dò xét :
-Mười bốn năm nay vì tình bạn, anh đã gánh vác trách nhiệm thay em, hôm nay em xin anh cho em được kề vai phụ anh.
Tâm nghe qua trong dạ bồn chồn, chàng nhíu mày suy nghĩ :
- Thế có nghĩa là…
Nàng nhanh miệng cắt ngang câu nói của Tâm :
- Em xin được phép mang con em về với em.
Tâm giật mình còn Phượng thì lắc đầu giẫy nẩy gạt phắt đi :
- Không, con không bỏ ba con được, một người đã mua từng hộp sữa để nuôi con sau khi mẹ ra đi. Không có ba con, chắc gì con còn sống đến ngày hôm nay để gặp lại mẹ.
Phượng quay sang cha nắm lấy tay lắc mạnh :
- Ba đừng xa con nghe ba.
Tâm ứa nước mắt :
- Việc nầy chỉ có con mới đủ quyền quyết định.
Đoạn chàng liếc Thắm và tiếp lời :
- Con nó đã nói như thế, em nghĩ sao ?
Nàng nhanh nhẩu đề nghị :
- Còn nếu mẹ thu xếp để về nước ở với con luôn thì con có bằng lòng không ?
Sau phút đắn đo suy nghĩ, Phượng mới thỏ thẻ :
- Con bằng lòng nhưng với điều kiện phải có ba ở bên con.
Thắm hiểu ý của con ngay, nàng quay sang Tâm :
- Con nó nói như thế, vậy anh tính thế nào cho vui lòng con.
Chàng lắc đầu liếc xéo Phượng :
- Con nhỏ nầy đặt ba vào tình trạng khó xử.
Đoạn chàng ỡm ờ :
- Con cho ba vài ngày để ba suy nghĩ nghe con.
Phượng không đồng ý bèn nũng nịu :
- Con muốn ba quyết định ngay bây giờ.
Thắm giương cặp mắt buồn nhìn thẳng Tâm, kỷ niệm năm xưa vùng sống lại khiến nàng chép miệng than :
- Anh Tâm, sao lúc nào anh cũng nhận lấy sự thiệt thòi về anh ! Ngày trước, lúc em còn là một nữ sinh áo trắng, anh đã tặng em cuốn sách đầu tay của anh với vài dòng bóng bẩy ghi bên trong, em đoán được anh đã thầm yêu em. Đến khi biết được Tùng đang đeo đuổi em thì anh lại âm thầm rút lui. Chưa dự cuộc đua tranh tình cảm để chiếm con tim người con gái thì anh lại nhận phần thua thiệt. Tại sao vậy anh, em có thể được biết lý do không ?
Chàng đáp không do dự :
- Tại anh mang cái mặc cảm mình nghèo.
Thắm buồn bã thở dài, nước mắt ứa ra, nàng bùi ngùi tiếp :
- Đến khi em và Tùng xa nhau, tình đã rẽ khúc, rồi Tùng chết, em sinh con Phượng, tinh thần em hụt hẫng, em trốn mẹ mang con đến ký thác cho anh thay em dưỡng nuôi nó thì anh cũng nhận lời. Sao lúc bấy giờ anh không nói thẳng rằng anh yêu em để em thưa với mẹ em. Một lần nữa anh lại gục đầu thua cuộc.
Tâm cúi gằm mặt, giọng não nề :
- Vì so với anh chàng Việt kiều kia, anh chỉ là con số không, làm sao mẹ em bằng lòng chấp nhận một tên giáo viên nghèo làm rể được ?
Gương mặt ủ ê, Thắm bất giác thở dài:
- Rồi hôm nay, hoàn cảnh đã đưa chúng ta đến gần nhau, con nó muốn ở bên cha với mẹ, tại sao anh lại do dự để tìm cách đầu hàng hoàn cảnh thêm một lần nữa. Chẳng lẽ trên đời nầy, anh ôm lấy mọi sự thua thiệt sao ?
Giờ đây Tâm mới nhận thấy chàng có cảm nghĩ giống nàng. Ánh mắt đăm chiêu, chàng tê tái cõi lòng rồi thiểu não buông lửng một câu :
- Trên đời nầy quả có nhiều câu hỏi nhưng lại rất ít câu trả lời. Đời anh có những uẩn khúc, những khổ tâm không dễ vượt qua.
Phượng tự nãy giờ đứng im nghe mẹ lột tả câu chuyện lòng của cha, Phượng thấy thương cha quá nên chen lời vào :
- Mẹ con nói đúng đó ba, vậy ba quyết định liền đi, chiều con đi ba.
Tâm bỗng xiêu lòng, chàng âu yếm nhìn con nhếch môi cười :
- Lúc nào ba lại chẳng chiều con ?
Phượng mừng quýnh chạy đến ôm cha ôm mẹ miệng líu lo :
- Kể từ hôm nay, con thật sự có cha lẫn mẹ, Phượng của ba má không còn buồn nữa đâu.
Bên ngoài, gió thổi rì rào xào xạc tàu lá chuối. Đôi chim bồ câu từ đâu đáp xuống sân cỏ âu yếm rỉa cánh cho nhau, Tâm khẽ nắm tay Thắm, miệng kề tai nàng thì thào lời ngọt dịu :
- Chúng ta sẽ gắn bó bên nhau suốt đời như đôi bồ câu kia em nhé.
Sung sướng ngập lòng, Thắm ngả đầu lên vai Tâm, đôi môi mấp máy :
- Quãng đời còn lại, em xin dành hết cho anh và con thôi.
Phượng hân hoan đưa cặp mắt to nhìn cha mẹ không chớp, miệng tủm tỉm cười, lòng lâng lâng một niềm vui khó tả. Bên nhà hàng xóm có tiếng ngâm thơ của một cô gái, chất giọng thật ngọt ngào :
“Tháng năm dài thương nhớ
Đường lối cũ em về.
Sân trường chiều im vắng,
Ngậm ngùi buồn tái tê”
Diễm Thúy