Thứ Hai, 18 Tháng Sáu, 2012

Những nẻo đường đất nước

Đảo Phú Quốc.

Chiếc Vinataxi đưa bốn anh em chúng tôi đến sân bay quốc nội Tân Sơn Nhất lúc 5 giờ rưởi sáng. Phải đợi khá lâu mới xong thủ tục kiểm tra hành lý, vì theo thói quen, người dân trong nước thích đến trễ mà xong trước, do đó vài cô cậu chen lấn mặc cho khách ngoại quốc đang thứ tự xếp hàng lắc đầu khó chịu. Là người Việt Nam, chúng tôi cảm thấy hổ thẹn lây.

Vào phòng cách ly chẳng bao lâu, mắc phóng thanh mời hành khách đi Phú Quốc lên phi cơ. Chúng tôi rảo bước theo đoàn người chui vào lòng chiếc TR của hàng không VN còn nằm yên như chưa tỉnh giấc. Trong khoảnh khắc, con chim sắt lăn bánh ra đường bay, lấy hết tốc lực cất cánh, lướt qua những cụm mây trắng đan nhau trên bầu trời trong xanh. Tôi đưa mắt nhìn qua cửa kính, mỉm cười từ giả thành phố Sài Gòn khuất dần bên dưới, rồi thích thú ngắm thảm ruộng lúa trải dài ngút ngàn, nhiều con kênh xẻ đất dọc ngang. Tiếp nối các tỉnh miềnTây nam phần từ từ hiện ra. Thành phố Mỹ Tho còn say ngủ, chiếc cầu Mỹ Thuận uy nghi bắt ngang sông Tiền, bỏ quên bên cạnh bến phà xưa nặng trĩu tuổi đời từng chuyên chở biết bao kỷ niệm. Vừa uống xong ly nước thì phi cơ đã bay qua Rạch Giá, rời rừng U Minh thượng, băng ngang biển tiến vào đảo Phú Quốc. Chỉ mất độ 15 phút xa đất liền, chiếc TR xuống thấp dần, bên dưới hiện ra nhiều thuyền chài sơn xanh nhấp nhô trên sóng nước, phi cơ lượn vòng quanh đảo rồi hạ cánh xuống sân bay bé bỏng Dương Đông.

Nhìn xem giờ mới biết thời gian bay từ Sài Gòn ra Phú Quốc chỉ vỏn vẹn 55 phút. Chiếc xe car cũ kỹ đón anh em tại phi trường để đưa về khách sạn Hương Biển. Len lỏi qua vài con đường nhỏ cạnh chợ, phố xá lưa thưa người mua kẻ bán mặc dù mới 8 giờ sáng, lòng cảm thấy thương cho dân nghèo sống trên hải đảo.

Khách sạn chúng tôi chọn nằm cạnh bờ biển, trước mặt có hàng thùy dương rì rào hòa điệu với tiếng sóng vỗ. Bên kia làng chài, rừng dừa xanh xõa tóc đong đưa. Nhận phòng xong, tôi bách bộ ra bãi cát trắng mịn, dừng bước dưới gốc cây bàng đưa mắt nhìn dinh Cậu cheo leo trên tảng đá to rồi hình dung thuở vua Gia Long bôn đào ra Phú Quốc. Tôi quên hẳn Thành, em tôi, cũng xách máy ảnh  theo sau. Trong chuyến đi này, Thành có nhiệm vụ làm hướng dẫn viên vì cậu đã vài lần đi công tác ở đảo.

Phú Quốc « tiêu điều »

Gọn gàng trong bộ y phục đi rừng, chúng tôi tập trung trước khách sạn. Đoàn honda ôm bao quanh mời mọc, Thành chọn xe tốt và thương lượng. Ngả giá xong, các chú tài xế đưa khách đến tiệm ăn sáng, trong khi đó họ đi đổ thêm xăng. Những tô hủ tiếu đầy mực và tôm tươi nóng bỏng hấp dẫn mời mọc. Các ly cà phê sữa thơm ngát giúp anh em tôi tỉnh người. An uống xong đoàn người ra xe. Ngồi sau chú tài xế, tôi tha hồ ngắm cảnh và làm phóng sự.

Đảo Phú Quốc có chiều dài khoảng 50 km và chiều ngang độ 22 km. Làng chài Gành Dầu phía Tây Bắc nằm cạnh hải đảo Campuchia. Chợ An Thới phía Nam hướng về đất liền Rạch Giá. Dương Đông là một thị trấn lớn giữa Phú Quốc nên thuận tiện cho giao lưu buôn bán. Vì thời gian hạn hẹp, chúng tôi chỉ viếng phía Tây của đảo.

Xe ra khỏi chợ Dương Đông 10 cây số, Thành đề nghị dừng lại ở Suối Tranh để chụp ảnh và ngắm cảnh. Nếu ai từng bị ngột ngạt vì khói xe Sài Gòn tôi xin mời ra đây để tha hồ thở không khí trong lành của đảo. Đã bao ngày khổ sở với cảnh lưu thông hỗn độn của thành đô, giờ đây tôi cảm thấy mình thật sự thư giãn vì Phú Quốc êm đềm, trật tự và người dân thật thà, chất phác.

Trên con đường nhựa mới tráng, chiếc xe gắn máy thảnh thơi lăn bánh giữa rừng cây bạt ngàn. Ngồi phía sau, tôi hỏi chú tài xế về nguồn huê lợi của đảo, ngoài đánh cá và làm nước mắm.

- Dạ Phú Quốc « tiêu điều ».

Tôi không hiểu nên hỏi tiếp :

- Chắc ở đây buồn lắm hả ?

- Dạ không, Phú Quốc chỉ trồng được tiêu và điều để lấy hột.

- Thì ra thế. Còn các thứ khác?

- Từ đất liền mang ra.

Đoàn xe đến ngả ba đường, Thành rẽ mặt, mọi người theo sau, tôi hỏi chú tài:

- Giờ mình đi đâu?

- Anh Thành xuống An Thới trước.

- Còn nếu lúc này quẹo trái?

- Dạ lên Gành Dầu.

- Đường khó đi không?

- Toàn đất đỏ.

- Từ Dương Đông đến An Thới có bao nhiêu lối đi?

- Dạ có hai. Một băng qua núi rừng là con đường này, một theo ven biển.

- Thế Phú Quốc có mấy đường dài được tráng nhựa ?

- Duy nhất một.

Thỉnh thoảng vài xe bộ đội bóp còi vượt qua, rồi phút chốc trả lại cho khách lãng du sự yên lặng lạ thường. Đường quanh co bên rừng bên núi hoang sơ, thế mà vẫn có rải rác vài căn nhà lá chơ vơ. Tôi gợi chuyện :

- Ở đây người ta sống bằng nghề gì ?

- Nuôi bò.

Nhìn đàn bò ốm o gặm cỏ bên đường, tôi thắc mắc hỏi :

- Để lấy thịt ?

- Dạ không, họ lấy phân trồng tiêu.

Phía trước, Thành dừng lại, cả đoàn làm theo, tôi ngơ ngác nhìn chung quanh thấy uy nghi một đài liệt sĩ tù Phú Quốc, bên kia đường, một dãy nhà đen cũ kỹ gần sập, hỏi ra mời biết đó là khám đường của chế độ cũ dựng lên để giam tù binh cộng sản. Sau cuộc đổi đời 1975, các sĩ quan cộng hòa bị chính quyền mới tập trung vào đây để cải tạo.

Chuyện dân gian.

Thành nghe kể lại năm 1978, sau khi làm chủ tình hình trên lãnh thổ Campuchia, Pôl Pốt xua quân khờ me đỏ sang đất Việt để giết hại thường dân như ở Ba Chúc Thất Sơn, ở Thạch động Hà Tiên, và chúng không quên đảo Phú Quốc. Vì đội biên phòng CSVN qúa ít nên người chỉ huy nảy ra ý bạo : Trao vũ khí cho tù cải tạo để cùng bộ đội chống trả lính Miên. Theo lời dân địa phương, sau khi đánh tan khờ me đỏ, các sĩ quan chế độ cũ được thả. Tôi chưa tìm ra câu giải đáp: Thả về với gia đình hay chuyển trại vào đất liền? Chỉ có những ai bị tập trung ở nơi đây mới đủ thẩm quyền trả lời. Sau khi chụp ảnh lưu niệm và nhìn cách bố trí giàn cao xạ phòng không gần đài liệt sĩ, chúng tôi lên xe hướng về cảng An Thới. Một nhà lồng chợ nhỏ xây bằng gạch quy tụ chục gian hàng bày bán sản phẩm của đảo như tiêu, tôm khô, mực, cá, còn các loại rau cải, gạo, muối, đường, trái cây được tàu từ Tiền Giang mang ra. Qua khỏi chợ lối 50 mét hiện ra một làng chài với vài chục thuyền đánh cá và một cầu tàu thô sơ bằng cây được dân địa phương gọi cảng An Thới. Xa xa có đội biên phòng hải quân cộng sản trấn đóng.

Rời An Thới, chúng tôi lên xe ra bãi Sao. Đoàn honda đang thong dong lăn bánh trên đường tráng nhựa bỗng bớt tốc độ để rẽ vào một lối mòn đất đỏ gồ ghề. Chú tài xế phải bẻ qua lách lại tránh đá và cát. Chúng tôi ngồi phía sau bị nhồi xốc ngả nghiêng. Độ 20 phút băng rừng, đoàn xe dừng lại tắt máy. Trời nước bao la trãi dài trước mắt. Một nhà hàng nho nhỏ được xây trên bãi cát. Ngoài sân, chủ  nhân dựng nhiều chòi lá như cánh dù xinh xắn mời khách vào tắm biển, ăn trưa. Dọc theo hàng dương, họ mắc vài chiếc võng để mọi người tự do nằm đong đưa ru giấc ngủ. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là ở tận cùng đát nước lại có sự hiện diện của nhiều người Châu âu. Tài thật, nơi nào đẹp và hoang sơ, họ đều biết và đạp chân đến. Chắc chắn phải nhờ tài quảng cáo giới thiệu của các công tình yêu du lịch. Bãi Sao tuyệt đẹp! Một tấm thảm cát trắng mịn trải dài xa tít. Những đợt sóng nhẹ liên tục xô  nhau giỡn đùa. Nơi đây không có nhà cao tầng, không tiếng xe qua lại, chẳng có người chen chúc mà chỉ có rừng cây, trời biển và ta. Thản nào người Âu châu không bị thu hút sao được? Thời gian như dừng lại, không gian như lắng đọng để con người tự do hưởng yên bình trên cát biển xanh.

Thao tác và phát sinh”

Nồi lẫu canh chua cá không thể nào sôi được vì gió biển thổi liên tục vào. Thành dùng giấy báo che để giữ lửa cũng không hiệu quả. Anh em định ăn cơm cá kho tộ cầm chừng chờ. May quá, anh tiếp viên trẻ gốc Hà Nội đến để chiêu đãi khách. Thấy chúng tôi khổ sở với nồi lẫu, anh cười nói:

- Các cô chú cứ tự nhiên thao tác, cháu sẽ phát sinh ra một thùng giấy cứng đẻ đặt nồi lẫu vào, chỉ năm phút sau nước sẽ sôi.

Anh em chúng tôi nhìn nhau cười. Quả thật, sau 1975, người miền Bắc vào Nam sinh sống rất nhiều và họ mang theo nhiều danh từ mới mẻ đâm ra khó hiểu.

Ngôi giáo đường đổ nát.

Ăn trưa xong, chúng tôi, người thơ thẩn trên bãi cát, kẽ đong đưa trên võng, mãi gần 3 giờ, Thành đề nghị quay về Dương Đông. Lần này em tôi chọn con đường ven biển. Cũng như lúc vào, lượt ra khỏi bãi Sao cũng vất vã nghiêng qua ngã lại. Tại sao chính quyền không khai phá làm một lối đi rộng rãi để đưa khách vào thăm viếng một cảnh đẹp thiên nhiên của Phú Quốc? Rất tiếc!

Ra đến đường cái, tôi bất chợt nhìn thấy một ngôi giáo đường tróc nóc, chỉ còn trơ lại bốn vách loang lổ đứng chờ thời gian xô ngã. Cây rừng bít kín lối vào. Hỏi cậu tài xế mới biết đó là một nhà thờ bỏ hoang từ lâu, không linh mục cũng chẳng có tín đồ. Là người công giáo làm sao tôi tránh khỏi giây phút chạnh lòng.

Thành rẻ phải, bỏ đường tráng nhựa để vào đường đất đỏ. Chạy dọc bờ biển, thình lình hấp tấp lách vào sân nhà người dân ven lộ để tránh bụi vì từ xa có chiếc xe hàng tiến tới. Phải đợi vài phút bụi đỏ mới tan dần, chúng tôi mới tiếp tục đi. Gần đến Dương Đông, cảnh vật thơ mộng hơn, biển xanh vẫn bao quanh đảo, cuối tầm nhìn mây nước như gặp nhau.

- Bác có thấy ngôi nhà đẹp kia không? Chú tài xế hỏi vọng lại.

- Có.

- Nhà của hai vợ chồng già người Pháp .

- Họ xây đẻ cho thuê à?

- Dạ không, để ở. Hai ông bà hưu trí rồi.

Tôi thắc mắc hỏi:

- Có quyền sao?

- Họ thuê đất của nhà nước rồi cất nhà.

Thành lại dừng xe, cả bọn làm theo. Anh em vào viếng cơ sở nuôi ngọc trai của người Úc. Một ông Tân tây lan có vợ Việt điều khiển công ty ra chào khách đồng thời giới thiệu sản phẩm của họ. Quả thật họ có tài kinh doanh. Về đến khách sạn thì trời cũng xế chiều. Muốn rửa sạch bụi đường thì cách hay nhất là trầm mình dưới biển Đông, tắm cho thỏa thích sau một ngày lãng du.

Đây Gành Dầu.

Sáng hôm sau, chúng tôi ăn điểm tâm sớm tại nhà hàng Hương Biển, tuy rộng rãi, lịch sự nhưng nấu ăn không bằng tiệm ngoài phố. Nhờ các chú tài xế xe ôm căn dặn, hôm nay anh em mang khẩu trang (tấm vải bịt kín mũi miệng) để che bụi rừng.

Ra khỏi thị trấn Dương Đông vài cây số thì bên phải xuất hiện ngôi chùa Sùng Hưng cũng vắng bóng phật tử. Có lẽ con người nơi đây chịu nhiều vất vả trong cuộc sống, đương đầu triền miên với với bão tố nên niềm tin bị thui chột? Theo lời chú tài, cách đây vài năm, một trận cuồng phong giáng xuống miền Tây Nam bộ gây thiệt hại nặng nề cho Rạch Giá và đảo Phú Quốc. Cả một làng chài vắng bóng thanh niên vì họ đã bị giông bão nhận chìm dưới đáy biển. Lỗi do họ quá tự tin hay tự dự báo thời tiết của nhà nước còn kém cỏi?

Chúng tôi băng  qua cây cầu đúc băng ngang sông Dương Đông, đây là vùng có nhiều cơ sở làm nước mắm ngon nhất nước. Sau đó quẹo trái để tiến lên phía Bắc của hải đảo. Trong tích tắc, đoàn xe lao vào con đường đất đỏ tung bụi mịt mù. Thành đề nghị giữ xa khoảng cách để người phía sau tránh được bụi của kẻ chạy trước. Nửa giờ quanh co lối đi gồ ghề, chúng tôi ghé vào nhà một chủ vườn tiêu để mua đặc sản. Các nộc tiêu xanh rì ngay ngắn đứng thành hàng dọc theo mương. Phải nhìn nhận tiêu trắng cũng như đen đều cay nồng, ăn vào chảy nước mắt. Bên kia đường, những tia nắng sáng không xuyên qua được cành lá của rừng điều. Đã qua rồi mùa thu hoạch nên giờ đây cây chỉ mới đơm bông.

Anh em tiếp tục lướt qua đoạn đường gay go sau khi rẻ phải leo núi Bãi Dầu. Tội nghiệp các chiếc honda hì hục rú ga, trồi lên xụp xuống , chao đảo với đồi dốc, mà cũng khốn khổ cho khách lãng du chịu ê ẫm bàn tọa suốt 13 cây số  rừng núi. Vài cây sim bám đầy bụi đỏ lắc lư theo gió không khoe được sắc tím của loài hoa dại. Ngồi phía sau, tôi đếm từng cây số để đoán xem thân phận mình bị vùi dập bao lâu nữa.

Phía trước, biển xanh bao la hiện ra, Gành Dầu cũng ló dạng, không nói ra ai cũng mừng. Gành Dầu chỉ là một làng chài nằm cách hòn đảo Miên vài cây số. Dân nơi đây chuyên đánh cá, tôm, cua, ghẹ để mang vào Kiên Giang bán. Ven biển, lác đác vài quán nước vắng khách. Hằng ngày chỉ có một chiếc xe đò ra vào Dương Đông để vận chuyển hàng hoá và dân địa phương. Chúng tôi uể oải ngồi vào chiếc bàn ọp ẹp cạnh biển, nhưng sung sướng được uống ly nước dừa ngọt lịm. Thàng đề nghị nhờ chủ quán nấu cơm trưa, giản đơn thôi, ghẹ luộc chấm muối tiêu chanh và nồi canh chua với cá biển kho tộ. Môt thanh niên nhanh nhẹn chèo xuồng ra căn chòi nổi neo cách đất liền khoảng 200 mét, nơi rộng cua ghẹ để bán, còn chúng tôi bắt đầi bì bõm trong sóng biển.

Ăn uống xong, chủ quán mời đoàn qua bên hông nhà để mỗi người có một chiếc võng bắt ngang cây rừng nằm đong đưa ru giấc ngủ. Tôi nhắm mắt lắng nghe cành lá rì rào, ve sầu tỉ tê hòa với tiếng côn trùng ảo não. Hai giờ rưỡi trưa, chúng tôi chuẩn bị trở vê Dương Đông. Các chú tài xế kiểm soát bánh xe còn du khách thì lấy can đảm tiếp tục chịu đựng nhồi sốc.

Ra khỏi Gành Dầu vài cây số, chúng tôi ghé vào thăm lăng cụ Nguyễn Trung Trực nằm giữa khu vuờn mít thưa trái. Cũng như lần vào, lượt ra các chiếc honda chao đão trồi sụp. Một xe vận tải chạy ngược chiều tung đất đỏ mù mịt vào người, đành chịu thôi. Thú rừng Phú Quốc có lẽ bị giết hết vì trên đoạn đường dài, tôi không thấy bóng dáng con vật nào. Gần 5 giờ chiều, chúng tôi về đến Dương Đông, tấp vào xem một cơ sở làm nước mắm nhưng ở đây họ sản xuất theo mùa cá nên chỉ thấy máy móc, đồ nghề nằm yên chờ ăn tết. Rảo một vòng chợ để quan sát và tìm mua hải sản, chú tài biết được ý định bèn giới thiệu một cửa hàng quen tha hồ chọn quà cho bà con Sài Gòn. Chiều tà, ngồi trên bãi cát nghe dương reo, sóng vỗ, ngắm hoàng hôn tắt dần cuối chân trời, lòng thấy lâng lâng nhẹ nhõm. Hai người trong nhóm còn nuối tiếc biển ấm nên tiếp tục nô đùa với nước.

Dinh Cậu

Sáng hôm sau, trước khi lên xe car ra phi trường, chúng tôi còn 3 giờ cuối để viếng cảng Dương Đông va Dinh Cậu. Bến cảng lớn hơn An Thới. Bên trái cạnh chợ tấp nập tàu đánh cá ra vào, còn bên phải chỉ có một cầu tàu nhộn nhịp người lên xuống. Xa xa, cạnh hải đăng là Dinh Cậu. Dân gian kể, thuở Nguyễn Anh bị Tây Sơn rượt đưổi, ông cùng gia đình bôn đào ra tận Phú Quốc va hoàng tử Cải đã chết nơi này.

Gió đưa cây cải về trời,

Rau dâm ở lại chịu lời đắng cay.

Thật ra đây chỉ là cái miếu nằm trên mõm đá cheo leo cạnh biển. Bên trong, trên bàn thờ có bức họa đơn sơ kẻ quá cố. Người coi sóc dinh kiêm luôn vai trò bàn sâm bói quẻ. Dưới chân Dinh Cậu, một tảng đá to bị nước soi mòn biến dạng thành hình con vật lớn đứng bảo vệ. Dân nơi đây gọi mõm đá Dinh Cậu.

Trên xe car ra phi trường, tôi đưa mắt nhìn một lần nữa dãy phố điều hiu của chợ nghèo hải đảo quy tụ nhiều gia đình lam lũ thường xuyên đương đầu với bao cơn phẫn nộ của thiên nhiên. Tôi còn được biết những tháng thời tiết xấu, phi cơ và tàu thủy không ra được Phú Quốc, người dân nơi đây phải tự lực cánh sinh từ lương thực đến mọi thứ gia dụng.

Bước vào phi trường, tôi trố mắt nhìn nhiều du khách Au Châu đang làm thủ tục rời đảo. Cảm ơn họ đã đem đến cho người dân Phú Quốc một nguồn lợi nho nhỏ để chén cơm thường bữa được sởi thêm đầy.

Ban Mê Thuột Hay Buồn muôn thuở.

Tờ mờ sáng, chiếc xe car của Sài Gòn tourist đưa chúng tôi ra khỏi thành đô, vượt cầu Bình Triệu hướng về tỉnh Bình Dương. Khỏi nhà thờ Fatima, xe len lõi qua đoạn đường gồ ghề hư hỏng vì lũ lụt năm ngoái. Đoạn tài xế tiến vào xa lộ rộng rãi có đường băng ngăn cách đưa du khách đến Thủ Dầu Một. Sau hai lần đóng cước phí, xe dừng lại ăn sáng tại ngã tư Sở Sao. Được thư giãn hơn 30 phút, đoàn người tiếp tục cuộc hành trình. Theo quốc lộ 13 chúng tôi rời Bến Cát để thẳng tiến về Chơn Thành. Xưa kia, nơi đây là rừng cao su bạt ngàn, nay bị đốn bỏ để trồng điều và mít. Một tính toán sai lầm làm bớt đi nguồn lợi lớn của đất nước. Đến địa phận tỉnh Sông Bé, tài xế rẽ phải vào quốc lộ 14 lên cao nguyên. Vì đường vào Daklak không rộng và kém tu bổ nên du khách bị nhồi sốc khá nhiều. Khoảng 12 giờ trưa, xe ghé vào một nhà hàng quen thuộc chọn sẵn để chúng tôi ăn trưa.

Huyền thoại đường mòn Hồ Chí Minh.

Rời quán ăn khoảng 30 phút, hướng dẫn viên giới thiệu với du khách xe đến đường mòn Hồ Chí Minh. Háo hức nhìn qua cửa kính, trước mắt tôi một cây cầu bê tông vừa được bắt ngang sông giữa rừng già. Đoàn thanh niên xung phong lam lũ làm việc dưới bầu trời nắng gắt, các xe ủi đất chạy dọc ngang đưa đất vào chân cầu. Theo lời thuyết minh, chính quyền cộng sản tuân hành chỉ thị của Võ Văn Kiệt lúc ông còn làm thủ tướng, cải biến con đường mòn Hồ Chí Minh thành quốc lộ 1B, hứa hẹn bốn năm sau du khách sẽ có hai lối đi từ Bắc vào Nam. Ai thích trời mây biển rộng thì dùng quốc lộ 1A hiện nay, còn ai muốn vượt Trường Sơn sẽ có quốc lộ 1B chờ đón họ.

Xưa kia, tỉnh Daklak nằm trên cao nguyên khá bằng phẳng, ở độ cao từ 400 đến 800 mét, nổi tiếng với những vườn cà phê ngút ngàn. Ngày nay tuy không khí vẫn trong lành, thiên nhiên vẫn hùng vĩ nhưng đất đai thì cằn cỗi vì hạn hán và thiếu chăm bón. Xe càng lên cao, dấu ấn thời gian càng hiện rõ trên thân hàng thông già trơ cành trụi lá. Phải đợi đến 3 giờ 30 trưa chúng tôi mới vào thành phố Ban Mê Thuột bây giờ buồn muôn thuở. Mà buồn thật khi xe đưa khách đi dạo quanh. Ngoài công trường Chiến thắng có trưng bày chiếc xe tăng đầu tiên tiến chiếm tỉnh năm 1975, khách sạn Thắng Lợi sang trọng đối diện với các cơ sở văn hoá trong đó có đài truyền hình Daklak. Ban Mê Thuột không còn gì để hưởng ngoạn. Tôi bùi ngùi nhìn ngôi giáo đuờng nép mình sau hàng cây, mái tôn nhà thờ rỉ sét, vôi sơn tường trốc lỡ từng mãng lớn, và mỉa mai thay trong khuôn viên nhà Chúa có căng tấm vải lớn ghi « coi chừng mất xe ». Thảo nào, lúc lễ chiều, nhiễu tín đồ khoanh tay đứng ngoài sân bên cạnh chiếc honda. Chỉ có những kẻ đi bộ mới vào bên trong nhà thờ. Dân Ban Mê Thuột nghèo quá, một chiếc xe gắn máy là cả gia tài của họ. Tôi quan sát thấy lúc rước lễ, người ngoài sân vẫn bất động. Không biết tại sao vị chủ chăn không tổ chức bộ phận giữ xe như ở Phú Nhuận hay Bình Triệu để các con Chúa yên tâm vào nhà Ngài?

Buổi tối đi dạo chợ đêm chỉ thấy lưa thưa người mua bán. Các loa phóng thanh cứ lãi nhãi những bài ca cách mạng dành cho thiếu nhi đến 10 giờ đêm mới im tiếng, trả lại không gian tĩnh mịch của núi rừng.

Bản Đôn.

Bốn giờ rưỡi sáng, chuông nhà thờ đánh thức du khách. Họ trăn trở tìm lâi giấc ngủ thì trong sân văn hóa vọng lại tiếng loa 1,2,3,4 điều khiển các ông già cao niên tập dưỡng sinh. Tôi choàng dậy mở cửa sổ nhìn qua giáo đường, vẫn thấy những con chiên ngoan đạo đứng xem lễ ngoài sân bên cạnh chiếc xe gắn máy. Còn bên kia đường thì các người tập dưỡng sinh cầm cờ đỏ quơ qua múa lại như hát bộ thời xa xưa.

Bảy giờ rưỡi sáng, du khách được mời dùng điểm tâm theo lối buffet tại nhà hàng của khách sạn Thắng Lợi. Phải thành thật mà nói cà phê Ban Mê Thuột quá ngon khi ta uống tại đây. Mang về Sài Gòn đã làm mất đi một nửa hương vị, huống hồ đem về Pháp thì cà phê biến chất nhiều. Tôi không phải người sành điệu uống cà phê, nhưng nhâm nhi xong một tách, tôi tấm tắc khen hương vị ngọt ngào của đặc sản cao nguyên và đứng lên tìm một tách khác.

Xe đưa chúng tôi  rời Ban Mê Thuột để đến viếng một thôn bản của dân tộc thiểu số cách tỉnh khỏang 40 km. Thỉnh thoảng cô hướng dẫn chỉ cho xem thấy mấy cây kơnia đứng trơ trọi ven đường. Khi đi qua một nghĩa địa của người thượng, cô diễn giải hũ tục ma chay và bỏ mã của dân Sơn Cước. Hơn một giờ đường, tài xế rẽ vào lối nhỏ dẫn đến Bản Đôn. Đây là buôn thượng được nhà nước cộng sản quy hoạch để biến thành trung tâm du lịch. Bước xuống xe, chúng tôi đứng trước một nhà hàng lớn cất theo kiến trúc tây nguyên. Hai bên đường, người kinh dựng lên những quán bày bán quà lưu niệm còn dân địa phương thì sống bằng chăn nuôi heo, gà hoặc bán rượu cần và cho thuê voi. Một điều làm du khách ngạc nhiên là chính quyền cộng sản dùng danh từ người chăm để gọi tất cả dân tộc thiểu số  từ sắc dân Chàm ở Nha Trang, Phan Rang, Phan Rí đến người Thượng cao nguyên và Chà Châu Giang Châu Đốc.

Hướng dẫn viên mời du khách lên căn nhà sàn lớn để thuyết trình cách săn voi của người Mnong. Sau đó cô đưa chúng tôi đến viếng nhà gỗ 100 năm của dân thượng. Rời nơi đây, tôi nghe tiếng nước chảy róc rách, quan sát kỹ thấy bên phải mình một chiếc cầu treo bằng tre dài 1400 mét lơ lửng bắt ngang sông Serepok. Chúng tôi nối đuôi nhau từng bước qua cầu, có ông yếu tim không dám xuống vì nó đong đưa lắc lẻo quá. Vượt hết cầu treo, đoàn người lên căn nhà sàn nhỏ có các chú nài thượng đang chờ khách. Ngồi trên lưng con vật khổng lồ, nghiêng qua nghiêng lại theo từng bước voi đi, tôi chăm chú theo dõi người điều khiển nó. Bằng hai chân, anh thúc vào vách lỗ tai con thú để nó rẽ trái hay phải hoặc dùng chiếc gậy ngắn đánh vào giữa đầu voi giục nó tiến nhanh, đoạn anh lái voi bỏ đường rừng, lầm lũi xuống sông Serepok để lội qua. Gần một giờ cỡi voi trên giòng nước chảy xiết, hai bên hồ trùng điệp cây rừng, du khách tưởng chừng mình đang ra khỏi xã hội bon chen của thế giới nhiều giao động. Các chú bé thượng chèo thuyền độc mộc lắc lư trên sông lầm lũi bắt từng con cá nhỏ, không buồn chú ý đến đoàn người xa lạ từ đâu đến.

Trở về điểm xuất phát, rời lưng voi, chúng tôi quay lại cầu treo, vào nhà hàng Lộ thiên ăn cơm ống tre với gà nướng và heo dân tộc. Người hướng dẫn xin du khách tránh danh từ « mọi » để không phật lòng người thượng. Các cô gái Sơn Cước khá xinh trong chiếc xà rông sặc sỡ lịch sự tiếp đãi khách. Ai thích thứ rượu cần tha hồ uống. Cuộc vui nào rồi cũng tàn, đoàn người phân tán tìm mua quà lưu niệm trước khi lên xe trở về tỉnh lỵ.

Nếu ai hỏi Ban Mê Thuột có gì để xem, người dân nơi đây chỉ trả lời Viện bảo tàng dân tộc Tây nguyên và chùa Khải Đoan trầm mặc. Theo chương trình ấn định, du khách được đưa vào viện xem phong tục tập quán người thiểu số từ lối trang phục của nam nữ đến cách xây cất nhà sàn, đẻo thuyền độc mộc, pha rượu cần, làm dụng cụ săn bắn , đặc biệt hai cây đàn bằng tre và bằng đá cùng với đủ loại chiêng khèn cũng được trưng bày trong bảo tàng viện. Còn chùa Khải Đoan? Qua lời thuyết minh, trước kia bà vợ của vua Khải Định đứng ra xây cất rồi dùng tên hai người ghép vào để đặt cho kiểng chùa.

Thác Dray Sáp : thiên nhiên hùng vĩ.

Ra khỏi thành phố Ban Mê Thuột khoảng 50 cây số, xe rẽ vào đường đèo quanh co đưa chúng tôi đến thác Dray Sáp. Rảo bước qua khỏi cổng, đoàn người xuống cầu thang bằng đá trên 100 bậc, sau đó họ có cảm giác như bị thiên nhiên hùng vĩ bao quanh. Cây rừng chằng chịt, đá xanh lổm chổm, vách núi sừng sững như ngạo nghễ đếm thời gian. Vài sơn nữ cười nói giặt giũ bên khe nước. Chú bé thượng mãi mê soi cá. Càng đi sâu vào, con sông càng chảy xiết, một màn khói nước phủ trắng cỏ cây, từ trên ghềnh đá cao, một khối nước khổng lồ ùn ùn trút xuống vang dội góc núi rừng. Bị cảnh đẹp thiên nhiên thu hút, chúng tôi luyến tiếc không muốn rời chân, cô hướng dẫn phải đi quanh quẩn tìm vài người còn nấn ná. Nghĩ đến trăm bậc thang phải leo trở lại, ai cũng ngai. Nhưng không, một lối mòn khác tráng xi măng đưa du khách trở ra bãi đậu xe.

Bức xúc của người Sơn Cước.

Đọc các tờ báo phát hành trong nước, người Việt từ xa về thăm quê hương thường thấy hai chữ « bức xúc, » như bức xúc của người dân, bức xúc của nhà nước, của Đảng v.v… Phải đọc hết nội dung cột báo mới hiểu nghĩa của nó là sự quan tâm hay nỗi lo âu. Tại sao họ thích dùng nhiều từ lạ nghĩa? Kẹt xe thi gọi là « ùn tắc », thầy cô dạy tại nhà được giới thiệu « gia sư », bán hạ giá là « khuyến mãi » v.v...

Qua chuyến đi cao nguyên, tôi được biết hiện nay chính quyền cộng sản đang bối rối vì số người thượng vượt biên sang Campuchia, và phủ cao ủy tị nạn phải lập một trại tiếp cư cạnh biên giới Việt Miên để giúp đỡ họ.

Các cơ quan truyền thông cố tình xuyên tạc sự thật. Thế thì sự thật ra sao? Qua đài BBC và tìm hiểu tại chỗ tôi mới rõ nỗi lo âu của dân thiểu số hiện giờ là kế hoạch di dân ồ ạt người miền Bắc vào cao nguyên . Và họ đã đến rồi. Có nhóm vô tổ chức tự tiện phá rừng, làm củi hay buôn lậu gỗ, do đó tài nguyên thiên nhiên biến thành tro bụi. Nhiều người không theo quy hoạch đua nhau trồng cà phê và tiêu. Dân Sơn Cước mất đất do họ khai phá từ lâu đời để sống và lần lượt bị đẩy sâu vào rừng già. Người thượng phản ứng bằng cách biểu tình dâng kiến nghị nhưng không hiệu quả, họ chỉ còn con đường vượt biên qua đất Campuchia. Chính phủ Miên phản đối, cao ủy tị nạn can thiệp. Bí lối, nhà nước cộng sản cử người sang chiêu du, nhưng người thiểu số chỉ bằng lòng trở về thôn bản khi người kinh trả đất lại cho họ. Đến nay, vấn đề vẫn chưa giải quyết xong.

Vịnh Vân Phong : Đảo Hòn Ông

Ra khỏi Sài Gòn khi trời vừa hửng sáng, xa lộ Biên Hòa (nay gọi là xa lộ Hà Nội) chưa nhộn nhịp xe cộ. Tài xế lợi dụng đường trống phóng nhanh qua Hố Nai, Trảng Bom để sớm ghé Dầu Giây ăn sáng. Sau 30 phút thư giãn, xe tiếp tục nuốt đoạn đường dài phẳng phiu đưa du khách xuyên qua rừng thanh long tỉnh Phan Thiết. Cây xanh thưa dần nhường chỗ cho đồi cát khô cằn ôm chân Trường Sơn. Biển xanh trãi rộng cuối tầm nhìn khi xe rẽ vào Phan Rang để chúng tôi ăn trưa. Ngày xưa, khi viếng Phan Rang, người ta chỉ nghĩ đến Tháp Chàm. Hôm nay, tỉnh đổi bộ mặt mới bằng cách khai thác du lịch biển. Nhiều khách sạn lớn mọc lên cạnh bãi cát. Vài nhà hàng lợp lá thật đẹp nép mình dưới hàng dương rợp bóng mát. Gió biển liên tục phe phẩy thổi vào như vuốt ve người khách lạ. Từng đợt sóng nhỏ xô nhau vào bờ nô đuà trên cát trắng. Trước cảnh đẹp thiên nhiên, con người như bị thu hút nên nấn ná chưa muốn rời nơi đây. Phải nhìn nhận chủ nhân có óc thẩm mỹ biết dựng cơ sở quy mô lồng trong khung cảnh thơ mộng. Ngoài ra du khách còn hài lòng và không ngớt khen phòng vệ sinh rất sạch.

Viện cớ đường còn xa, tài xế mời chúng tôi lên xe. Tiếp tục vượt quốc lộ dài hun hút. Mãi đến một giờ trưa, xe vào địa phận Cam Ranh. Đồi cát khuất dần, rừng dừa xanh bạt ngàn trãi dài trước mặt, ai nấy nôn nao vì sắp đến Nha Trang. Nhưng chú tài không ghé vào thành phố của thùy dương cát trắng mà tiếp tục theo quốc lộ một ra hướng Bắc cho xe nuốt thêm 60 cây số đường để đến Vạn Giã.

Đảo Hòn Ông

Xe đổ bến, đoàn người mang hành lý lửng thửng xuống cảng vịnh Vân Phong. Một chiếc tàu cao tốc lắc lư trên sóng đang chờ đón chúng tôi. Tài công là một thanh niên nhanh nhẹn chuyển giúp các túi xách của khách vào khoang tàu rồi ân cần sắp xếp chỗ ngồi. Anh cũng cẩn thận chỉ chúng tôi các phao cấp cứu để dùng khi hữu sự. Máy nổ, tàu chuyển động tách bến. Như chiếc hỏa tiễn nhỏ ngóc đầu lướt nhanh trên mặt biển. Sóng chạm mũi tàu bắn nước tung tóe. Vịnh Vân Phong xa dần rồi khuất hẳn phía sau. Các đảo nhỏ lần lượt hiện ra như những con vật khổng lồ đang lội nước. Có một hòn đảo dùng làm nghĩa địa vì qua khung cửa kính tôi thấy san sát hàng trăm nấm mộ nằm quạnh hiu giữa trời nước. Càng xa đất liền, sóng càng to, con tàu cao tốc chẳng chút nao núng cứ xé nước phóng tới và lướt nhanh qua một đảo lớn có bóng dáng người ở trong các nhà nổi. Hỏi ra mới biết đây là nơi nuôi ngọc trai.

Rời vịnh Vân Phong đúng 30 phút, tài công giảm tốc độ rồi từ vào cầu đá của  đảo Hòn Ông cách Vạn Giã 11 cây số. Chui ra khỏi lòng tàu, khi đặt chân lên đảo, tôi có cảm giác mình là người đầu tiên in gót chân trên cát vì tất cả mọi thứ đều hoang sơ và trinh nguyên. Từ bãi cát trắng mịn ôm chân đảo đến hàng dừa xanh nghiêng mình đong đưa theo gió. Từng đàn cá dạn dĩ tỏ ra không sợ kẻ lạ. Tất cả như quyện lấy con người vào thiên nhiên. Ở đây chỉ có trời yên biển lặng, giữa cảnh vật và con người dường như không còn khoảng cách.

Đảo Hòn Ông không có khách sạn nhiều sao mà chỉ có từng căn nhà sàn riêng biệt lợp lá, vách phên tre, nhưng bên trong đầy đủ tiện nghi làm hài lòng du khách. Trước mỗi nhà có hai chiếc ghế dựa bằng tre và một chiếc võng mắc vào thân hai cây dừa. Xa xa là nhà hàng nhô ra biển trông rất nên thơ.

Không hẹn, mọi người nhanh chóng sắp xếp hành lý, mặc quần áo tắm rồi thư thả đi dạo trên bãi cát hay trầm mình dưới biển ấm. Chiều về, ngồi uống ly nước trong nhà hàng, đưa mắt nhìn hoàng hôn từ từ buông xuống, vài giọt nắng cuối rơi rớt trên đại dương, tôi tưởng chừng mìng đang lạc lối vào một khung trời huyền ảo. Được dịp làm quen với chủ nhân, tôi khám phá ra ông là người Pháp sang Việt Nam thuê đảo Hòn Ông để khai thác du lịch. Đa số du khách là người Âu, họ sẵn sàng chi tiền để được sống với thiên nhiên giữa cảnh vật hoang sơ, không khí trong làng, bãi cát trắng mịn, nước biển trong xanh.

Bữa cơm chiều thịnh soạn được các cô tiếp viên Hà Nội chiêu đãi, du khách có dịp thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng biển. Một đêm dài trong căn nhà lá xinh xinh, tôi trăn trở nghe sóng vỗ đều đặn, gió thổi rì rào ; xa xa vọng lại tiếng động cơ của thuyền đánh cá ra khơi.

Sáng hôm sau, điểm tâm xong, mọi người nô nức xuống ghe máy rời đảo Hòn Ông khỏang hai cây số để lặn xem san hô. Nhờ có ánh nắng ban mai, các loại san hô sống được tô diểm nhiều màu sắc sặc sỡ. Giữa trời và nước, không gian như lắng đọng, thời gian thành vô nghĩa, con người quyện vào thiên nhiên như muốn xóa đi khoảng cách.

Trở lại đảo Hòn  Ông, chúng tôi tiếp tục ngâm mình dưới biển ấm rồi nằm phơi nắng trên bãi cát mịn. Bên tai tiếng gió rì rào như tiếng quạt phe phẩy cuả mẹ ru con. Những bụi tre vàng cọ nhau buông tiếng kẽo kẹt gợi nhớ tiếng võng đong đưa giữa trưa hè nơi quê ngoại. Không gian trầm lặng lạ thường giúp tâm hồn con người thanh thản trút bỏ ưu tư phiền muộn trong cuộc sống bon chen.

Cơm trưa xong, chúng tôi kẻ nằm lắc lư trên võng, người ngã mình trên ghế dựa dưới bóng mát hàng dừa chờ làn gió hiu hiu đưa mìng vào giấc ngủ. Chiếc tàu cao tốc vừa cập bến, vài du khách mới bước lên đảo cũng là lúc chúng tôi mang hành lý rời Hòn Ông. Bước chân xuống tàu mà lòng còn lưu  luyến. Nha Trang thùy dương cát trắng. Từ biệt vịnh Vân Phong, xe theo quốc lộ một trở lại Nha Trang ghé thăm Hòn Chồng và tháp Bà Ponagar. Tôi thấy tháp Bà không còn giữ được nét đẹp nguyên thuỷ vì được tu sửa một cách vụng về  thiếu nghiên cứu với lớp gạch mài nhẵn mới toanh.

Nha Trang ngày nay mất mát nhiều. Du khách Âu châu thích đến Dốc Lết tắm biển hay ra các đảo sống giữa thiên nhiên. Họ không thích bãi Nha Trang nữa. Tại sao? Câu giải đáp xin dành cho chính quyền cộng sản. Tuy bãi cát Nha Trang vẫn trắng mịn như thuở nào nhưng bên dưới nhiều kim chích của dân nghiện ma túy vùi bừa bãi. Dù biển xanh gọi mời nhưng nạn mãi dâm và cướp giựt bành trướng khiến cho khách phương xa ngại dạo chơi trên bờ biển vào đêm. Hiện nay, họ xem Nha Trang là nơi vãng lai, dừng chân qua đêm để hôm sau ra Bắc hoặc xuôi về Nam. Tiếc thay!

Long Sơn tự bớt đi vẻ trầm mặc vì quanh kiển chùa có quá nhiều hành khách. Bước chân xuống xe, du khách bị vây quanh bởi số người ăn xin và trẻ con bán nhang, bán sáp. Chúng tôi vớt vát một chút an ủi vì được viếng Hải Học Viện ở Cầu Đá. Ai cũng say mê ngắm nhiều loại cá lạ, đủ  màu sắc từ cá mập đen, cá mập bông, những con sam đeo dính hau, con cầu giấy đầy lông cứng đứng sững đến cá hải quỳ, cá vàng nghệ, cá mai tiên, cá ngựa, cá giấy, cá dơi, cá hòm, cá mặt quỷ v.v... Chúng sống chung hòa bình trong một hồ lớn lội nhởn nhơ  quanh đám san hô sống đẹp sặc sỡ lung linh trong nước.

Viện Pasteur với ông Năm Yersin.

Viện Pasteur nằm trên đường Trần Phú cạnh bờ biển Nha Trang do một viên giám đốc người Pháp điều khiển. Ông nhờ cô hướng dẫn lâu năm kinh nghiệm đưa chúng tôi viếng nhà bảo tàng Yersin. Qua lời thuyết minh, đại tá Yersin là người sáng lập ba viện Pasteur tại Việt Nam: một ở Hà Nội, một ở Sài Gòn và một ở Nha Trang.

Ông là người con thứ ba trong gia đình, không biết mặt cha vì thân phụ mất ba tuần trước khi ông chào đời. Từ lúc bé cho đến khi trưởng thành, ông chỉ sống trong tình thương của mẹ. Do đó, những bức thư viết tay gửi từ phương xa về thăm mẹ gói ghém nhiều tình cảm của đứa con hiếu thảo. Đọc các dòng chữ còn lưu lại , khách cảm thấy ngậm ngùi. Tàu viễn chinh tách bến Marseille đã mang chàng sĩ quan Hồ Hải qua Phi luật Tân rồi sau cùng cặp bến Việt Nam, nơi ông chọn làm quê hương thứ hai và chết với người dân Việt. Khi còn lênh đênh trên tàu, Yersin học hỏi qua các thủy thủ kỷ thuật thiên văn. Nhờ đó sau này ông phát hiện ra bão để giúp dân làng chài Nha Trang. Để hòa đồng với mọi người, ông tự học tiếng Việt rồi lần mò khai phá thành phố sương mù Đà Lạt.

Trong chuyến đi Hồng Kông, trong lúc bệnh dịch hạch hoành hành giết hại hàng triệu dân Tàu, Yersin là người đầu tiên tìm ra được vi trùng trong vòng sáu ngày và bào chế thuốc chữa trị. Sau đó, ông mang về Việt Nam để giúp dân chúng. Nhìn các kính thiên văn cũ kỹ, các tủ sách, bàn làm việc, giường ngủ còn giữ nguyên vẹn, khách phương xa nghiêng mình bái phục một siêu nhân đầy lòng nhân ái. Các giấy ban khen của các vị vua Việt Nam nói lên lòng tôn kính nhà bác học tài ba, nhưng không bằng những lời khắc ghi ơn mộc mại của dân chài thương tưởng ông. Cảm động thay khi thấy trên bàn thờ, dưới đấng Bồ Tát, bên cạnh di ảnh tổ tiên có chân dung ông Năng.

Yersin sống với Nha Trang để rồi nhắm mắt nghìn thu trên mảnh đất Nha Trang năm 1943, thọ 80 tuổi, để lại trong lòng dân sự kính phục và biết ơn. Nhiều dân quê xứ Quãng du nhập vào Nha Trang tìm sự sống đồng thời mang theo giọng nói địa phương khó nghe. Bước vào quán nem nướng Ninh Hòa, tôi nghe chung quanh những tiếng như « không mét » (không mắc), « en cho đẻ » (ăn cho đã) và nhiều nữa không nhớ hết.

Chợ Đầm Nha Trang dãi dầu mưa nắng, gánh nặng tuổi đời nên giờ đây già nua xấu xí. Một thoáng ngậm ngùi gợi nhớ kỷ niệm Nha Trang năm xưa đẹp mỹ miều và chất phác, nay còn đâu!

V.L.

Bài viết khác