Thứ Bảy, 26 Tháng Năm, 2012

Hành hương Hội Ngộ Niềm Tin Rôma ngày 24 đến 27 tháng 7 năm 2003

V.L.

Phút ban đầu bỡ ngỡ 

     7 giờ 10 sáng ngày 23 tháng 7 năm 2003, mây đen giăng một góc trời, vài hạt mưa lất phất rơi, chiếc xe car hai tầng của hãng du lịch Schon Brullard từ từ chuyển bánh rời nhà dòng OMI, đưa liên đoàn công giáo Việt nam Strasbourg, Colmar, Mulhouse và gia đình Thánh Tâm Paris đi hành hương Rôma dưới sự hướng dẫn của ba Cha Hải, Cường, Trị và soeur Hường. 
     Được biết gia đình Thánh Tâm đã đến Strasbourg trước một ngày và được cha Hải và soeur Hường bố trí cho đoàn nghỉ đêm tại nhà dòng OMI và nhà các soeurs. Ngồi trên xe, người Paris, kẻ Strasbourg còn bỡ ngỡ với những ánh mắt nhìn nhau thay tiếng chào. Cơn mưa rào trút xuống khi xe ra khỏi thành phố, lấy xa lộ A 35 tiến về Colmar, Mulhouse. Tiếng nói cười bắt đầu tăng dần. Cha Nguyễn phú Cường, linh hướng của liên đoàn phát biểu đôi lời, đoạn bắt tiếng kinh cầu buổi sáng. Mọi người đồng điệu theo Cha. Tiếng kinh cầu êm ả trên xe ngỡ như trong một nguyện đường. 
     Qua khỏi Colmar, Cha Lê phú Hải yêu cầu tài xế ghé vào một trạm đậu xe để đón cụ Quyết, một cụ bà 91 tuổi, người duy nhất đại diện cộng đồng Colmar. Nghe qua tuổi đời, ai ai cũng e ngại cho sức chịu đựng của cụ suốt cuộc hành hương. Nhưng tất cả đều lầm, vì trọn quãng đường dài hun hút, cụ đã chứng minh sức dẻo dai của mình bằng cách đi bộ trường kỳ, xông xáo leo dốc. Xin nghiêng mình phục cụ. 
     Chỉ mất một giờ 30 phút, xe vào địa phận Mulhouse để đến điểm hẹn. Nhìn qua khung cửa kính, thấy cộng đoàn Mulhouse tề tựu đông đủ, nét mặt rang rỡ, cười nói vui vẻ bước lên xe. Nhờ Cha Hải đã chu đáo in sẵn và phân phát một sơ đồ vị trí chỗ ngồi cho từng người nên rất dễ ổn định. Không khí trong xe vui nhộn dần nhờ hai cộng đoàn Strasbourg và Mulhouse thường sinh hoạt chung nên đã quen biết nhau từ trước. Gia đình Thánh Tâm cũng hòa nhập nhanh chóng vào. Anh Đoan Paris hoạt bát đến gợi chuyện thăm hỏi người Alsace. Ngoài ra, Cha Hải, Cha Cường, Soeur Hường, cô Mai là những gạch nối đưa mọi người đến gần nhau. Chúa đã kết hợp con Chúa rồi đấy ! Phút bỡ ngỡ ban đầu tan mất khi xe đến biên giới Pháp Thụy sĩ. 
  
     Toàn là Tây giấy 
     Qua lời khai báo của tài xế thì hành khách trên xe đều là người Pháp. Hai cảnh sát hải quan Thụy sĩ đưa mắt nhìn vào xe, thấy hầu hết là người Á châu nên họ đâm nghi bèn lên xe khám căn cước các người ngồi ở tầng dưới. Quả thật, toàn Tây giấy. Họ đoán những kẻ ở bên trên cũng rứa nên miễn khám. Nhờ vậy, đoàn không mất nhiều thì giờ. 
     Cũng nên nhắc thêm trong chuyến hành hương có 6 soeurs đi cùng. Ngoài soeur Hường còn thêm các soeurs Sự, Trúc, Trâm, Nga và Hồng. Trên đoạn đường dài đăng đẵng, Cha Cường đã nhiều lần bắt giọng cho cả đoàn cùng hát thánh ca, xen lẫn những lời kinh cầu của soeur Hường. Tiếp nối tiếng kinh cầu là hàng loạt trận cười nghiêng ngã do soeur Sự làm hoạt náo viên. Với giọng Huế duyên dáng, soeur Sự đã đem đến cho mọi người những tiếng cười hả hê qua các mẩu chuyện vui của sông Hương núi Ngự. Nhờ các màn hoạt náo, soeur thu ngắn con đường dài và tạo một không khí vui nhộn không dứt trong xe. Ngoài ra, Cha Cường còn đưa ra nhiều câu đố để tất cả tìm cách giải đáp. Các anh Phán, Kiệt, các chị Thành, Thân đã đáp đúng nhiều lần. Cạn câu đố lại bước sang kể chuyện vui. Mục nầy Cha Hải rất phong phú. Ngoài Cha còn có anh Lai, anh Đồng, anh Kiệt cũng mang đến cho đoàn những trận cười thoải mái. 
     Trước khi xe vào đường hầm Gothard dài 17 km, anh Thiện phụ trách di chuyển và ăn nghỉ, yêu cầu tài xế dừng lại ở một parking cho đoàn ăn trưa với cơm tay cầm. Bánh mì Ba Lẹ. Nếu ai đã từng ở khu Đakao trước năm 1975 thì chắc nghe tiếng « bánh mì Ba Lẹ » bán trên vệ đường Đinh tiên Hoàng. Tuy nó giản dị nhưng ngon khó tả. Trưa nay, được soeur Hường phát cho một bịt ni lông trong đó có khúc bánh mì thịt, chai nước và trái táo. Cha Hải cầm chai nước tương rao mời nhưng chai nước tương của Cha chưa mở nút. Phải tìm ai có con dao để cắt đầu nút chai. Miếng thịt dồi, cọng ngò và khúc dưa leo hấp dẫn lạ. Lại có tiếng rao hàng của một chị : »Ai muốn đồ chua, đến đây ! Ai thích ớt cứ đến chị Khê ». 
     Chỉ cần đưa khúc bánh mì thịt lên mũi ngửi là đử khoái khẩu rồi. Sau 24 năm xa quê hương, người viết cảm nhận cái mùi vị của bánh mì Ba Lẹ Đakao phảng phất đâu đây. Đưa lên miệng cắn một miếng mới thấy ngon lạ. Cám ơn ban ẩm thực đã cho đoàn một bữa cơm tay cầm ngon miệng. 
     Ăn trưa pique nique xong, xe tiếp tục nuốt đoạn đường còn lại. Qua khỏi biên giới Thụy sĩ - Ý, Cha Cường để mọi người nghỉ trưa lấy sức. Ai nấy tha hồ ngủ gà ngủ gật. Khoảng một giờ tĩnh lặng, Cha Cường đánh thức đoàn. Nhưng giọng oang oang của soeur Sự có hiệu quả hơn. Thế là những chuỗi cười tiếp nối nhờ tài khôi hài của Chị. Bên ngoài, tiết trời oi ả nóng khiến máy lạnh trong xe yếu dần tưởng chừng như tắt hẳn. Vài tấm giấy cứng được biến chế thành quạt phe phẩy trên tay các bà. Mặt trời chênh chếch ở hướng tây. Lời kinh cầu của Cha Trị trầm ấm cất lên, mọi người đồng loạt đọc theo Cha để cảm tạ Chúa. Khoảng 17 giờ rưởi, xe rời xa lộ, tiến vào thành phố Montecatini để đoàn ăn tối và nghỉ đêm. 

     Ba sao hay ba sạo 
     Cả đoàn đinh ninh khách sạn Impero 3 sao có trang bị máy lạnh cho các phòng. Nào ngờ, chỉ có vài phòng ở lầu ba được gắn máy điều hòa. Mà hầu hết đoàn hành hương được bố trí ở lầu một và lầu hai, do đó, ai nấy đều được thưởng thức cái nóng của Italie. Họ chỉ còn cách mở cửa sổ tìm chút gió nhưng lại phải làm mồi cho muỗi đốt. Trong số nạn nhân phải kể soeur Hường và cô Mai. Đêm đầu tiên trên đất Ý, ít ai được trọn giấc vì phải đương đầu với cái oi bức và muỗi. 
     Bình minh ló dạng ở chân trời, ánh nắng hồng ban mai như rẻ quạt. Điểm tâm xong, đoàn con Chúa tiếp tục cuộc hành trình về Rôma. Cha linh hướng bắt kinh cầu buổi sáng; tiếp theo là tiếng thánh ca lảnh lót của soeur Hường . Đoàn hưởng ứng nhịp nhàng theo con chim sơn ca. Cha Cường lại gợi ý kể chuyện vui, gây hứng khởi cho mọi người. Cái vui thú vị nhất là Cha mời năm soeurs tháp tùng phải tự giới thiệu cho cả đoàn biết mặt, biết tên. Tội nghiệp các nữ tu. Người thì bẽn lẽn vì mắc cỡ, kẻ lại dí dỏm pha trò làm nhiều người ôm bụng cười nắc nẻ. 
     Xe vào thủ đô Rôma lúc 11 giờ. Cả đoàn mang hành lý vào khách sạn Casa del Pellegrino-Divino Amore với vẻ mặt hân hoan vì ngày hội ngộ sắp đến. Ăn trưa và nghỉ ngơi trong chốc lát, mọi người lại hớn hở lên xe đi viếng đền Thánh Phêrô, dưới sự hướng dẫn của Cha Hải. Đoàn được chia thành nhiều nhóm nhỏ để dễ kiểm soát và tránh thất lạc. Cũng nên biết địa điểm hành hương chính của các tín hữu Kitô là đền thờ Thánh Phêrô, nơi vị Thánh Tông đồ đã lấy máu mình làm chứng cho đức tin. 
     Nhờ cha Hải giảng giải trước nên cuộc viếng thăm đền Thánh Phêrô rất bổ ích nhiều mặt. Bên cạnh công trình kiến trúc vĩ đại, đền thờ còn nhắc nhở các tín hữu về chứng tá Kitô giáo, về giá trị và hồng ân của đức tin được rao giảng và được làm chứng. 

     Ngày Hội ngộ Niềm tin 
     Trước 17 giờ, Cha Cường đi nhận lãnh túi xách, khăn quàng cổ có in hình Đức Mẹ La Vang và bảng tên để phân phát cho đoàn. Còn Cha Hải và soeur Hường thì hướng dẫn, giải thích cho những ai muốn biết thêm về đền Thánh. Đứng trong lòng ngôi Thánh đường, ít ai nghĩ rằng nó có kích thước lớn gấp ba Vương cung Thánh đường Sàigòn hay nhà thờ Đức Bà Paris. Nên nhớ đền thờ Thánh Phêrô là ngôi thánh đường lớn nhất của thế giới kitô giáo. Từ nền tầng hầm đền thờ tới mái vòm cao 136 mét. Diện tích đền thờ là 22. 067 mét vuông. Mặt tiền cao 46 mét, chiều ngang 115 mét. Các cột cao gần 29 mét với đường kính 2, 65 mét. Tính từ nền lên tới đỉnh cao nhất của mái vòm là 135, 2 mét. Tượng Thánh Phêrô bằng đồng có từ thế kỷ 13 rất được tôn kính. Chân phải của Ngài bị mòn nhiều vì sự hôn kính của hàng triệu tín hữu qua dòng thời gian. 
     17giờ15 liên đoàn tề tựu bên góc quảng trường Thánh Phêrô, chờ Cha Hải đưa đến nơi sinh hoạt Hội ngộ niềm tin. Trước cửa hội trường, đoàn viên của các nhóm vui vẻ mang bảng tên trước ngực, choàng khăn quàng qua cổ, nói cười không ngớt. Ai ai cũng nôn nóng chờ giờ bắt đầu chương trình. Bên trên hội trường là một phòng ăn rất lớn chứa hơn ba ngàn người. Trưởng nhóm nhận phiếu ăn chiều nơi soeur Hường về phân phát cho người của nhóm mình. Hai cái thang máy mệt bở hơi vì phải đưa rừng người lên phòng ăn ở lầu năm. 
     Ăn chiều xong, người người lại vào thang máy xuống hội trường ở lầu một. Phải mất nhiều thì giờ để ban tổ chức ổn định trật tự. Đến 19 giờ 30 mới bắt đầu giới thiệu các phái đoàn từ Á châu đến Âu châu, Mỹ châu, Úc châu và Phi châu. Bài Hành trang tuổi trẻ được cộng đoàn đồng hát : « Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời. Lạy Chúa chúng con về từ khắp thôn làng. Cùng với lớp ngưới hành hương, về nhà Chúa đi, về nhà Chúa đi… » 
     Vũ khúc khai mạc do đoàn Na uy phụ trách. Đức Ông Đinh đức Đạo, giám đốc văn phòng phối kết mở đầu với lời Chúa: « Người ta sẽ nhận ra các con là môn đệ của Thầy, nếu các con thương yêu nhau ». Tiếp theo là sứ điệp của Đức Hồng y Crescenzio Sepe, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, và lời tuyên bố chính thức khai mạc cuộc Hội ngộ Niềm tin của Ngài. Phái đoàn quan khách ra về trong tiếng ca vang Hành trang tuổi trẻ của hơn 3 ngàn Kitô hữu trong hội trường. Sau đó là Thánh lễ khai mạc: lễ kính Thánh Anrê Dũng-Lạc và các thánh tử đạo Việt nam. Chủ tế và giảng: Đức Cha Philip Wilson, Tổng giám mục Adelaide, phó chủ tịch Hội đồng giám mục Úc châu. Thánh lễ kết thúc lúc 22 giờ 30. Cha Hải đưa liên đoàn xuống hầm parking, lên xe car trở về khách sạn. 

     Ngày Hiệp nhất 
     Thứ sáu 25-7-2003 được chọn làm ngày Hiệp nhất. 7 giờ30, ăn điểm tâm xong, đoàn hành hương lên đường đến nơi sinh hoạt. Chương trình được chia ra hai phần thuyết giảng:một cho người đứng tuổi với đề tài:Quá trình chứng tá niềm tin và viễn tượng hành trình đức tin của cộng đồng công giáo Việt nam hải ngoại, một cho gìới trẻ với chủ đề: Tương lai cộng đồng công giáo Việt nam hải ngoại, Giáo hội và quê hương Việt nam. 
     Liên đoàn của Cha Cường có thêm mục đặc biệt là viếng bảo tàng viện Vatican do hai Cha Hải và Trị hướng dẫn. Lúc bước vào, khách hành hương thấy trên tường những dấu tích, các bức khảm đá màu cũng như chân dung và tượng của các thần linh vào ba thế kỷ đầu sau tây lịch. 
     Ngoài ra, bức tượng bằng đá cẩm thạch của đương kim Giáo hoàng rất đẹp được dựng trước phòng tiếp tân. Mỗi phòng triển lãm chứa đựng nhiều tác phẩm nghệ thuật, lịch sử và tôn giáo rất giá trị. Đặc biệt trong nhà nguyện Sistina, Michelangelo đã dùng tài năng siêu việt của mình để diển tả cuộc sống con người từ lúc được Chúa tạo dựng cho đến khi bị phán xét sau cùng trước tòa Thiên Chúa. Những bức tranh vẽ trên trần và chung quanh tường là những tác phẩm tuyệt mỹ của nhà danh họa Michelangelo. 
     Từ 10 giờ 45 đến 11 giờ 45 là thời gian dành cho nghi thức hòa giải. Các Cha giải tội cho con chiên. Đúng 12 giờ lễ Rước kiệu và Phép lành Thánh thể được cử hành trang nghiêm do Đức Cha Mai thanh Lương chủ sự. 
     Sau bữa ăn trưa, đoàn hành hương của năm châu kính viếng đền thờ Đức Bà Cả và dự Thánh lễ do Đức Ông Đinh đức Đạo chủ tế và giảng. Cũng cần biết đền thờ Đức Bà Cả được xây cất trên đồi Esquilino. Thánh đường này nhắc các tín hữu nhớ Mẹ Maria luôn luôn hiện diện trong lịch sử cứu độ, một thiên chức làm mẹ của tất cả chúng ta. Tình mẫu tử của Mẹ Maria không chỉ giới hạn ở sự bảo bọc và cầu bầu mà Mẹ còn liên tục gọi chúng ta hãy làm tất cả những gì Chúa Kitô chỉ dạy. 
     Gần 19 giờ, đoàn hành hương lũ lượt kéo về nhà ăn dừng bữa ăn chiều , và sau đó dự đêm Thắp sáng niềm tin. 

     Rừng quạt giấy 
     Quả thật, đoàn hành hương có sức chịu đựng đáng phục. Kể từ đêm khai mạc, tiết trời bên ngoài oi ả nóng, hội trường không máy lạnh, không quạt trần, cộng thêm hơi của hơn ba ngàn người bốc ra làm mọi người ngột ngạt khó thở. Nhờ đức tin ngập lòng nên có rất ít kẻ bỏ cuộc. Ngày hôm sau, ai ai cũng đi tìm mua quạt giấy. Cứ thế mà phe phẩy tạo hơi gió, dù là hơi gió nóng. Đứng trên sân khấu nhìn xuống tưởng chừng như hàng ngàn con bướm vỗ cánh bay bay. Ai nấy mồ hôi đầm đìa ướt đẫm áo trong, áo ngoài, thế mà không có những cái nhăn mặt bực dọc hay những cái nhíu mày khó chịu;trái lại, nụ cười vẫn nở trên môi. Họ luôn đồng điệu trong lời ca hay tiếng kinh cầu chúc tụng Chúa. 
     Đêm Thắp sáng niềm tin với một chương trình văn nghệ phong phú do các ca sĩ từ Hoa kỳ sang làm chủ lực như Khánh Ly, Việt Dũng, Thanh Lan, Như Mai, Gia Huy, Ngọc Huệ, Dạ Lan v. v. Cạnh họ còn có các đoàn vũ của các liên đoàn công giáo Đức, Pháp, các ban kịch Na Uy, Hoa kỳ, ban đàn tranh Phượng Oanh Paris. 
     Sau lời chào mừng của Đức Ông Đinh đức Đạo là bài hợp ca Hội ngộ niềm tin do mọi người cùng hát làm nức lòng đoàn con Chúa. Các màn vũ nến candle lights, vũ điệu hiệp nhất có sức cuốn hút người xem. Ca sĩ Khánh Ly với Nguyện cầu cho quê hương, Việt Dũng với Chút quà cho quê hương làm ấm lòng người xa xứ. Thanh Lan đẹp duyên dáng trong những ca khúc Ý và Pháp. Như Mai đơn ca Giọt lệ trong lời kinh. 
     Chương trình văn nghệ còn dài nhưng nhiều phái đoàn phải ra về vì đã đến giờ xe car đón để đưa trở lại khách sạn. Đoàn của Cha Cường cũng nằm trong trường hợp nầy, nên dù luyến tiếc, họ vẫn ngoan ngoãn theo Cha Hải xuống parking. 

     Ngày chứng nhân : Thứ bảy 26-7-2003 
     Vì lý do sức khoẻ, Đức Giáo hoàng không có mặt ở Vatican. Do đó, chương trình triều yết Đức Thánh Cha phải đổi lại bằng buổi sinh hoạt theo quốc gia. Nhờ được thông báo trước nên Cha Hải và anh Thiện có ý định đưa đoàn đi viếng thành phố Tivoli, nơi có nhiều bồn nước thật đẹp. Mỗi bồn phun nước một cách cá biệt. 
     Có chỗ như thác đổ, có chỗ như rẻ quạt, có chỗ như đóa hoa. Phải đứng ngắm thật lâu mới cảm nhận cảnh đẹp do các bồn nước tạo nên. 
     13 giờ, xe đưa đoàn người trở lại nhà hội ngộ để ăn trưa. Thời gian từ 15 giờ đến 17 giờ 30 dành cho các cuộc gặp gỡ theo thành phần. Vì số đông yêu cầu, Cha Hải vu vi cho một số người vào hội trường nghe thuyết giảng, một số khác ra phố mua quà kỷ niệm. Người viết chụp ngay cơ hội nhanh chân trở lại đền Thánh Phêrô mua vé đi thang máy lên vòm. Phải đợi khá lâu mới đến lượt mình vào thang máy, nhưng thang chỉ đưa du khách lên tầng ba là hết. Phần còn lại, kẻ trước, người sau, nối tiếp nhau len lỏi leo từng nấc thang nhỏ hẹp cho đến cuối vòm đền thánh. Đi quanh vòm nhìn xuống thấy cả kinh thành Rôma. Nắng chang chang, khí trời nóng bức, già như trẻ hổn hển thở. Họ chờ một cơn gió mát tăng thêm sức để xuống thang. 
     Chiều nay, vài đoàn viên của Cha Cường mang lỉnh kỉnh quà mua ở phố vào nhà ăn. 
  
     Bữa ăn ba hộp. 
     Suốt mấy ngày hội ngộ niềm tin, cứ đến bữa ăn, ai ai cũng nhìn thấy mỗi khẩu phần có 3 hộp giấy và một chai nước khoáng. Ban đầu còn ngồi chung theo đoàn, sau đó, do sự sắp xếp của ban tổ chức, nhiều người bị phân tán qua đoàn khác. Nhờ thế, trong một bàn tròn 10 người có kẻ ở Pháp, kẻ ở Mỹ, kẻ ở Đức v. v… Hỏi han để quen nhau và được dịp cởi mở tâm tình. 
     Qua vài bữa ăn đầu, tất cả đều biết hộp đầu tiên là nouille của Ý, hộp thứ hai là thịt hoặc cá và hộp thứ ba là rau hay đậu. Tráng miệng, khi thì trái cây, khi thì bánh ngọt hay kem hộp. Có đoàn không ăn tập thể, đưa nhau ra phố tìm các đặc sản của Ý để thưởng thức. Có một đoàn ở Bắc Âu cụ bị mang theo mì gói, bánh phở để tự nấu vài món quê hương. Xin chào thua ! 
     Đúng 19 giờ 30, kiệu Đức Mẹ La Vang khởi hành do Đức Cha Nguyễn văn Hoà chủ sự. Liên đoàn công giáo Đức được khiêng kiệu. Các em trong phái đoàn Đức dâng hoa. Những bản thánh ca Lạy Mẹ La Vang, Mẹ Maria hiển vinh, Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, vang dội khắp hội trường. Sau khi rước kiệu, Đức Cha Nguyễn văn Hoà cử hành thánh lễ: Kính Đức Mẹ La Vang. Đồng tế gồm các giám mục và linh mục. 
     Sau Thánh lễ là Đêm Canh Thức « Hội ngộ và ra khơi ». Chương trình văn nghệ đêm canh thức được mở đầu bằng bài hợp ca Hành trang tuổi trẻ do tất cả ca sĩ trình diễn với cộng đồng. Vẫn các ca sĩ Hoa kỳ làm nồng cốt bên cạnh đội vũ nón của Đức, ban hợp ca Na uy v.v… Giống như đêm trước, vài phái đoàn không được tham dự đến cuối vì đã đến giờ xe car đón. Đoàn của hai Cha Hải và Cường rời hội trường lúc 23 giờ để trở về khách sạn cách Rôma khá xa. 
  
     Ngày ra khơi : Chúa nhật 27-7-2003 
     Sáng nay, Cha Hải cho đoàn ngủ thêm 30 phút nên 8 giờ mới dùng điểm tâm và 8 giờ 30 lên đường đến đền Thánh Phêrô. Vâng lời Cha, ai nấy ăn mặc chỉnh tề. Những tà áo dài Việt nam thướt tha bay bay trong gió. 
     Khoảng 9 giờ, liên đoàn đã ổn định trên quảng trường Thánh Phêrô để chụp hình lưu niệm. Một mình Cha Hải mang trên tay mấy cái máy ảnh và liên tục chụp hình giùm nhiều người. Đúng là Cha phó nhòm !
Rảo mắt nhìn khắp quảng trường, người viết ngỡ mình đang đứng trước Vương cung Thánh đường Sàigòn năm xưa vì hàng hàng lớp lớp ngưới Việt nam lũ lượt kéo nhau vào đền Thánh. 
     Đức Hồng y Cresncenzio Sepe chủ tế thánh lễ bế mạc và nghi thức Sai đi. Đồng tế có các giám mục và linh mục . Các nữ tu Việt nam tại Rôma phụ trách dâng lễ vật. Đại diện năm châu lên nhận lãnh nghi thức Sai đi. 
     Xong Thánh lễ bế mạc, anh Thiện đưa đoàn đến ăn trưa tại nhà hàng Da Alfredo. Sau đó, xe car chở mọi người đi thăm viếng Rôma với hai hướng dẫn viên địa phương. Khó có thể tưởng tượng tài năng của người La mã xưa kia. Những khải hoàn môn Constantin, đại giảng đường Colisée, nghị trường Romanum, sân đua ngựa, đấu trường, các đền Saturne và Concorde, đền César, đại giáo đường Maxence, khu thương mại Trajan, bồn nước Trévi là chứng tích của nền văn minh tột đỉnh cổ La mã. 
  
     Du ngoạn, thăm viếng 
     Đoàn rời Rôma sáng ngày thứ hai 28-7-2003 thực hiện chương trình thăm viếng thành phố Assise, quê hương của Thánh Phanxicô khó khăn và Bà Thánh Clara với hai hướng dẫn viên tại đây. Nghe Cha Hải kể cuộc đời khổ hạnh của Thánh Phanxicô và Bà Thánh Clara, một thoáng bùi ngùi hiện ra trên gương mặt nhiều người trong đoàn. 
     Viếng hai ngôi mộ của hai vị Thánh đã dám từ bỏ giàu sang, quyền qúy để đem thân làm tôi tớ Chúa, mọi người đều cảm nhận họ quả thật là nhân chứng của đức tin. 
     Sau bữa ăn trưa tại nhà hàng Dal Mora, có kẻ lợi dụng thời gian thư giãn để vào viếng thánh đường, nơi Thánh Phanxicô tạ thế. Xe car tiếp tục đưa đoàn hành hương đến Florence (Firenze). Có hai hướng dẫn viên chờ đón để đưa hai nhóm, một của Cha Hải, một của Cha Cường, đi thăm thành phố Florence. Đoàn ăn tối và nghỉ đêm tại hotel Autopark. 
     Sáng hôm sau, đoàn lên đường đi thành Pise. Hai hướng dẫn viên phụ trách đưa hai nhóm của Cha Cường và Cha Hải đến viếng Thánh đường, trường Cao đẳng Sư phạm và Tháp nghiêng. 
  
     Nạn móc túi và « chém đẹp » 
     Mỗi lần đặt chân đến một thành phố nào, cả đoàn được những người hướng dẫn cảnh giác coi chừng bị móc túi. Quả thật, có kẻ suýt bị, có người bị mất toàn bộ tiền bạc và giấy tờ. 
     Trong phái đoàn Thụy sĩ của Cha Văn có người bị móc bóp ở Rôma lúc cả nhóm bước xuống xe buýt. Một Cha trong đoàn bị « chặt đẹp » ở Venise trước quảng trường Thánh Marco. Số là Cha đãi những người trong nhóm 10 chai nước khoáng, giá mỗi chai bình thường 1,20 euro, nhưng lúc tính tiền, họ « chém » mỗi chai là 12 euros. Tay móc tiền trả mà mặt Cha tái đi. Các đoàn viên trong nhóm xin góp tiền chia xẻ nhưng Ngài từ chối. Chỉ vì được ngồi ghế uống nước, ngắm người qua lại mà phải trả giá thật đắt. Biết được tin trên, Cha Hải liền báo động mọi người phải hỏi giá trước khi ăn hay uống. Kinh thật ! 
     Sau bữa ăn trưa, đoàn lên đường đi về Lido di Jesolo (Venise). Theo chương trình thì có ghé thăm đền Thánh Antoine thành Padoue trước khi đến Venise nhưng anh Thiện sợ trễ giờ ăn tối nên « nhận lớp » không ghé. 
     Sáng thứ tư 30-7-2003, đoàn được xe car đưa đến bải đậu Punta Sabbioni để lấy tàu thủy đi vào Venise thăm viếng công trường Thánh Marco. Hai hướng dẫn viên đã đưa hai nhóm đi nhiều nơi. Venise, thành phố trên nước với đại Thánh đường Marco. Quảng trường Marco nối liền đền thánh với tòa lâu đài của hoàng đế Napoléon. Ngoài ra, du khách còn có dịp ngắm những chàng chèo thuyền gondole, ăn mặc đồng phục, lèo lái đưa khách qua các ngõ ngách của thành phố. 
     17 giờ 30 chiều, đoàn tựu hợp tại bến cảng chờ tàu đưa trở lại Punta Sabbioni. Khách sạn 4 sao Brioni chờ khách nhàn du về để chiêu đãi bữa ăn chiều. 
  
     Lạc đường 
     Theo chương trình, ngày cuối của đoàn được dự trù để tắm biển , nghỉ ngơi tại khách sạn Brioni. Bãi biển adriatique chỉ cách hotel chừng 50 mét, có trang bị ghế bố, dù che nắng, dành riêng cho khách của họ. 
Ăn sáng xong, nhiều người hân hoan mặc đồ tắm theo hai Cha Cường và Trị ra bãi để nô đùa thỏa thích trong sóng nước. Chỉ riêng Cha Hải, soeur Hường và cô Mai, sau một đêm trăn trở vì chưa thăm viếng được đền Thánh Antoine ở Padoue nên quyết định thuê xe không tài xế, thực hiện ý muốn của mình. Một số người trong đoàn xin tháp tùng Cha nhưng xe chỉ có 7 chỗ. Họ bèn thuê thêm hai xe nữa để theo Cha. Có vài người đang đùa giỡn với sóng cũng hối hả lên bờ xin đi Padoue. 
     Thành phố Padoue chỉ cách Venise hơn một trăm cây số. Cha Hải dự tính mất một giờ đi, một giờ thăm đền Thánh Antoine và một giờ về. Nhưng do ngôn ngữ bất đồng, 3 chiếc xe bị lạc đường khi vào trung tâm thành phố Padoue. Người hỏi thăm, kẻ chỉ đường không hiểu nhau nên cứ thế mà đoán mò. Quanh quẩn tìm rồi mò mẫm từng đoạn, và cuối cùng họ cũng đến được đền Thánh Antoine cầu nguyện tạ ơn. 
     Vì đoàn người không nhớ vị trí chỗ đậu xe trong parking nào , họ lại phải mất nhiều thì giờ tìm kiếm. Trên đường trở lại Venise, 3 xe lại bị kẹt ở xa lộ. Phải ngừng tại chỗ hơn một giờ rưởi vì các xe vận tải Ý chận nghẽn đường. 
     Những người ở lại tắm biển với Cha Cường và Cha Trị cứ đinh ninh gặp lại đoàn đi Padoue vào bữa ăn trưa. Nhưng họ vẫn chưa về tới. Ngỡ rằng còn thêm nửa buổi tắm biển nên khoảng 16 giờ 30, vài người theo chân Cha linh hướng ra bãi. Nào ngờ, mây đen vần vũ kéo đến, những hạt mưa bất chợt rơi, đuổi những kẻ mê sóng biển trở về khách sạn. 
     Bữa ăn chiều có vẻ tẻ nhạt vì mọi người thấp thỏm chờ đoàn đi Padoue quay về. Anh Thiện thông báo có liên lạc được với Cha Hải và cho biết độ 20 giờ 30 đoàn về tới. Ăn xong thì đã 21 giờ nhưng đoàn đi Padoue vẫn biền biệt nơi nào ? Anh Thiện lại thương lượng với nhà hàng để dành thức ăn cho 21 người về trễ nhưng họ không đồng ý vì nhân viên phục vụ phải được nghỉ đúng giờ ấn định. 
     Thao thức đến 23 giờ mới nghe tiếng người trở về. Họ phải mua pizza ngoài phố ăn thay bữa ăn chiều. 
  
     Ngày trở về. 
     Sáng thứ sáu 01 tháng 8 năm 2003, cả đoàn lục đục thức dậy sớm để mang hành lý xuống lầu ra xe. Khách sạn chỉ có hai thang máy nên ai cũng ngại cảnh tắc nghẽn lối đi khi tay xách, vai mang. 
     Xe car lăn bánh lúc 8 giờ, trễ 60 phút theo chương trình ấn định vì nhà hàng của khách sạn không thể phục vụ đoàn ăn điểm tâm trước 7 giờ 15. Ra khỏi thành phố, soeur Hường bắt tiếng cầu kinh buổi sáng. Cả đoàn hòa điệu theo soeur. Vẻ mệt mỏi hiện ra trên nét mặt một số người nhưng Cha Cường không để cho không khí trên xe tĩnh lặng. Ngài mời gọi người nầy kể chuyện, kẻ kia ra câu đố. Thế là những trận cười vang dội hòa với tiếng vỗ tay khen ngợi. Cha Hải và anh Phán, anh Kiệt góp phần không nhỏ trong mục kể chuyện vui. Thú vị nhất là anh Đoan thuật lại câu chuyện đi lạc đường hôm qua. Thế mới biết khi con người bất đồng ngôn ngữ thì ông nói gà, bà sẽ hiểu vịt. 
     Khi xe chạy ngang thành phố Padoue, những người chưa được viếng Thánh đường Antoine, đưa mắt hướng về tượng Ngài mà cầu nguyện hay tạ ơn. Ra khỏi nước Ý, xe vào đất Thụy sĩ rồi ghé vào một tiệm ăn cho đoàn tự túc dùng bữa trưa. Cảnh đẹp hữu tình của Thụy sĩ cuốn hút nhiều người khiến họ quên ngủ. Xe tiếp tục nuốt đoạn đường còn lại. Cha Cường không ngừng gây sôi động và vui nhộn bằng những lời ca, câu đố, chuyện kể. Lúc gần đến biên giới Pháp, Cha liền gợi ý mời đại diện từng đoàn lên phát biểu cảm nghĩ đối với cuộc hành hương hội ngộ niềm tin. Ai ai cũng đều cám ơn các Cha, soeur Hường, Anh Thiện, bác tài xế đã lo cho liên đoàn từ tinh thần đến vật chất. Các em bé được Cha mời lên hợp ca. Những anh chị từ Mỹ sang theo đoàn dự cuộc hành hương đã tỏ ra toại nguyện. 
     Đến Mulhouse, một số anh chị em xuống xe rời đoàn, kết thúc cuộc hành hương. Tài xế cũng giả từ để đổi tài xế khác. Xe car lại dừng ở ven tỉnh Colmar, trả cụ Quyết, người hùng không mệt mỏi, về với con cái cụ. Trạm cuối cùng là dòng OMI Strasbourg. Hai đoàn Thánh Tâm và Đức Mẹ La vang bịn rịn bắt tay giả từ, hẹn ngày tái ngộ. 
     Ba ngày: Hội Ngộ, Hiệp Nhất, Chứng Nhân đã đưa đoàn con Chúa khắp năm châu Ra Khơi, bắt đầu một cuộc dấn thân mới với lòng hân hoan và nhiệt thành. Ý nghĩa Nghi thức Sai đi đã mời gọi tất cả cộng đoàn trên thế giới noi gương các Thánh Tông đồ được Chúa sai đi tới mọi nơi để loan báo cho mọi người biết Thiên Chúa đã sai con một của Ngài đến trong thế gian với sứ mệnh cứu thế. 

Viết xong ngày 08 tháng 8 năm 2003

Bài viết khác