Thứ Ba, 19 Tháng Sáu, 2012

Con Nhà Nghèo

Chương một.

Chiếc xe đò Sađéc-Sàigòn vừa đỗ bến An đông, ông Hai Bền khệ nệ xách chiếc vali cùng Mai chậm chạp bước xuống rồi lững thững đến trạm xe buýt. Hai cha con nhìn quanh quẩn không biết hướng nào đi, ông Hai quay sang hỏi người khách lạ:

     - Chú em chỉ giùm tôi xe nào đi Phú nhuận.

Nhìn ông già quê mùa chất phác, cậu thanh niên nhỏ nhẹ:

     - Bác phải ra chợ Bến thành, sau đó đổi xe vào Phú nhuận.

     - Cám ơn chú em.

Mai xách vali phụ cha rảo bước tìm trạm đi Sàigòn. Xe chưa đông người, hai cha con có ghế ngồi phiá sau. Ông Bền nhìn cảnh vật chung quanh, tất cả đều xa lạ, rồi ông ái ngại nhìn đứa con gái duy nhứt của mình kể từ hôm nay phải dấn thân vào chốn thị thành.

     Mai vừa đỗ tú tài, nàng định thôi học tìm việc làm giúp mẹ cha, nhưng ông Hai muốn con gái mình tiếp tục lên đại học. Nghĩ lại cuộc đời ông, ngoài cái nghèo đeo đẳng, ông còn bị thiên hạ coi thường vì ít học. Nhớ lại từ lúc thiếu niên đến nay, làm tá điền cho hội đồng Các, dù trúng hay thất mùa, ông bắt buộc phải đong đủ số lúa ấn định nếu không muốn bị lấy ruộng lại. Vợ ông cũng sáng nắng chiều mưa oằn vai nặng gánh chè bán trên vỉa hè chợ Sađéc. Họ chỉ có một đứa con gái ; tuy nhà nghèo nhưng Mai đẹp và học giỏi. Ngày ngày cô nữ sinh mặc chiếc áo dài trắng ngả màu ngà bách bộ đi theo con lộ giữa đến trường trung học.

Tình nhỏ Sađéc chỉ có ba con đường song song ; người dân địa phương có thói quen gọi lộ ngoài, lộ giữa và lộ trong. Đường ngoài, dọc theo giòng Sa giang nhộn nhịp nhờ có chợ nằm cạnh bến tàu ; các cửa hàng tập trung từ chợ chạy dài đến cầu quay. Lộ giữa chỉ có phố xá, quán ăn, khách sạn và bến xe đò. Còn đường trong thì uốn theo con rạch nước đỏ ngầu, nhà lá lụp xụp nghèo xơ xác cất bên lung bông súng hay rặng trâm bầu. Buổi chiều, nhiều người thích ra lộ ngoài ngồi trên băng đá nhìn ghe xuồng xuôi ngược, hóng gió mát từ sông Sa giang thổi vào ; nhưng ít ai muốn vào đường trong để nghe tiếng nhá nhem tỉ tê, con cúm núm ngoài truông kêu buồn bã hay nhìn đàn đom đóm lập loè bên bờ điên điển lúc màn đêm buông xuống. Cảnh vật hắt hiu buồn.

Nhà ông bà Hai Bền nằm sát con rạch cạnh quốc lộ đi Long xuyên. Mỗi ngày Mai xách guốc ngả nghiêng qua cây cầu tre lắc lẻo để đến trường ; cuộc đời Mai đã quyện vào hàng dừa xanh, ao rau muống, gốc ô môi, bụi chuối sau hè ; nhất là chiều chiều bên tai nàng văng vẳng tiếng chuông chùa thu không rời rã đìu hiu.

Ngày Mai đậu tú tài, ông bà Hai rơi nước mắt vì niềm vui lớn. Mười bảy năm làm thân cò lặn lội bờ ao để nuôi con, thân xác họ giờ đây gầy mòn theo năm tháng ; nhưng tình thương con là động lực giúp họ vượt qua bao bất công của đời. Ông bà Hai hãnh diện có đứa con gái đẹp, thông minh và hiếu thảo. Nhưng rắc rối sắp đến với họ khi con trai ông hội đồng Các ngắm nghé muốn cưới Mai. Vợ chồng ông Hai Bền không muốn Mai tiếp nối cha mẹ làm đầy tớ cho nhà giàu. Mà làm sao Mai hạnh phúc được bên cạnh người chồng công tử, học hành chẳng đến đâu, sáng chiều chỉ biết la cà các quán rượu hay ôm gà đi đá độ từ đầu trên đến xóm dưới. Trăn trở nhiều đêm, cha mẹ Mai quyết định cho con rời làng Tân vỉnh Hòa lên Sàigòn ghi danh vào đại học dù biết rằng hoàn cảnh nghèo của họ khó lo toan. Ban đầu Mai từ chối, nhưng muốn tránh cặp mắt cú vọ của cậu Hai, nàng không còn con đường nào khác để chọn.

Ông Hai viết thư cho người em họ ở Phú nhuận xin cho Mai ở trọ, mỗi tháng ông sẽ gởi tiền lên trả. Hai tuần sau, Mai nhận được thư hồi âm cho biết chú Tư bằng lòng. Có được lối thoát, bà Bền vui mừng thu xếp hành lý cho Mai còn ông Hai thì gom góp tiền chắt chiu để đưa con đi Sàigòn.

Xe buýt đã đến chợ Bến thành. Mai cùng cha quanh quẩn tìm trạm đi Phú nhuận. Nàng nhìn cha ái ngại :

     - Mai mốt về Ba biết đường ra bến xe đò không Ba ?

Ông Hai gật đầu :

     - Không khó đâu con, vả lại đường ở trong miệng mình mà.

Nàng cười rúc rích :

     - Thiệt không đó; coi chừng Ba đi lạc à.

Một giờ sau, hai cha con cũng đến được nhà chú Tư Thọ ở đường Trần kế Xương. Lâu năm xa quê, nay gặp lại người anh họ, ông Tư thợ mộc không ngớt hỏi chuyện ruộng đồng. Thấy chú chơn chất, thật tình, Mai cũng yên lòng; nhất là Hoa, con gái của chú Tư, quyến luyến bên Mai giúp nàng thu xếp quần áo.

      - Chị định ghi danh vào đại học nào? Hoa hỏi.

Mai hoan hỉ :

      - Văn khoa. Còn em ? Nghe chú Tư nói em cũng vừa đậu tú tài.

Nở nụ cười tươi :

     - Em thích khoa học.

Lộ vẻ luyến tiếc :

     - Thế thì hai chị em mình không chung trường.

Mai nhìn quanh nhà, thấy cha con chú Tư không khá giả gì nhưng dù sao cũng hơn cha mẹ nàng nhiều. Từ ngày vợ chết, ông Tư Thọ một mình gánh gồng nuôi con. Với nghề thợ mộc, khi thì công việc tới tấp, lúc lại ngồi không, do đó thu nhập lên xuống bất thường, tuy nhiên ông cũng không muốn con gái mình thôi học. Thấy Mai hiếu học, ông thương nên sẵn sàng nhận cháu ở trọ, đồng thời để Hoa bớt quạnh hiu vì sớm hôm có chị có em.

Không muốn làm phiền người em họ lâu, sáng hôm sau, ông Hai Bền từ giã con ra về. Mai căn dặn cha đủ điều khiến ông bịn rịn khó dời chân. Chú Tư lấy xe đạp đèo anh ra tận bến xe đò An đông.

Chương hai

      Tối nay, Tùng ngồi dạy con học mà lòng nặng trĩu buồn. Dĩ vãng quay về. Chàng tự trách mình quá nhu nhược không tự tìm được một người vợ tâm đầu ý hợp mà phải nhờ mai mối. Tùng cũng buồn mẹ chàng ham giàu không chịu tìm hiểu rõ nàng dâu tương lai, cứ nhắm mắt nghe bà Phong tán dương ca tụng Lan. Tùng và Lan chỉ gặp nhau vài lần rồi cử hành lễ hỏi; sau đó mẹ Lan giục con làm đám cưới. Tùng không giàu nhưng nhờ sắc diện khôi ngô và nhất là trong tay có mảnh bằng kiến trúc nên lọt vào mắt Lan; còn Tùng vì chóa mắt trước sắc đẹp lộng lẫy của Lan nên hối hả cưới nàng.

     Đáng lý họ sẽ ngụp lặn trong hạnh phúc khi bé Ngân chào đời; nhưng không, Tùng đã thấy trước mắt một ngã rẽ tâm tình. Lan, con nhà giàu, thích xa hoa vật chất, thường theo Cúc, em gái nàng, tham dự những cuộc vui thâu đêm. Lan không muốn bị ràng buộc bởi trách nhiệm làm vợ và làm mẹ. Mê thuyết hiện sinh, Lan chỉ thích sống cho riêng mình. Những bước luân vũ của bạn trai có sức hấp dẫn hơn lời thì thầm của chồng bên gối. Cho đến một hôm, say mèm vì rượu mạnh, trên đường đưa Cúc về, qua khúc quanh Trương minh Giảng, Lan đâm xe vào gốc cây đa rồi ngả gục trên tay lái. Cúc may mắn thoát chết nhưng Lan thì vĩnh biệt cuộc đời. Bé Ngân gào thét bên xác mẹ còn Tùng chỉ biết ôm con vỗ về an ủi. Chàng thương con nhiều hơn thương vợ vì đối với Tùng chàng đã mất vợ từ lâu rồi.

     Dòng đời lạnh lùng trôi, Ngân đã lên lớp bốn. Ngoài công việc, Tùng chỉ biết lo chăm sóc con. Nhưng hôm nay Tùng bối rối trong lòng vì sắp xa con lâu ngày; chàng phải ra Nha trang điều khiển một công trình xây cất lớn. Bà Năm giúp việc chỉ lo được cho bé Ngân miếng ăn giấc ngủ, nhưng ai sẽ kèm con chàng học mỗi đêm ? Tùng đã đăng báo tìm người dạy trẻ tại tư gia, thế mà đợi mấy ngày rồi vẫn chưa thấy ai đến xin việc; chàng lo ngại vì ngày đi miền Trung gần kề. Bà Năm hiểu ý nên đề nghị Tùng điện thoại nhờ Cúc, em vợ chàng, nhưng Tùng ngần ngại không biết có nên không ? Bí lối, chàng đành nghe bà giúp việc; bên kia đầu dây, Cúc vui vẻ nhận lời. Vừa gác ống điện thoại thì chuông reo ngoài cổng. Bà Năm bước ra thấy một thiếu nữ mặc áo dài trắng, tay mân mê tờ báo :

- Thưa bà, đây có phải là nhà ông Tùng ?

Ngoẻn miệng cười :

- Dạ đúng.

Nàng chớp mắt ấp úng :

- Thưa có ông ở nhà không?

Bà nhanh nhẩu:

- Có, xin mời cô vào.

Nghe tiếng đối đáp trước sân, Tùng cất tiếng hỏi:

- Ai vậy dì Năm?

Giọng hăm hở : - Dạ có người tìm cậu.

Nét mặt hân hoan :

- Mời người ta vào.

     Khép nép theo gót bà Năm, thiếu nữ chẫm rãi bước vào phòng khách. Trước mặt nàng, một người đàn ông khôi ngô ngoài ba mươi tuổi đứng cạnh đứa bé gái xinh xinh. Nàng khẻ gật đầu chào :

- Thưa, có phải ông đăng báo tìm người dạy trẻ ?

Tùng vồn vã :

- Dạ phải, và cô muốn nhận việc đó ?

- Vâng.

     Nhìn thiếu nữ lạ, Tùng nhận thấy nàng đẹp tự nhiên với gương mặt trái soan, chiếc mũi dọc dừa, đôi môi hồng, vầng trán lấm tấm mồ hôi, hai má ửng đỏ vì nắng nóng bên ngoài, nhưng cặp mắt buồn lay động dưới làn mi cong. Để cô gái khỏi ngượng, Tùng vui vẻ:

- Xin mời cô ngồi để chúng ta bàn chuyện.

Vẫn vẻ rụt rè e ấp:

- Cám ơn ông.

Mặt Tùng rạng niềm vui:

- Tôi xin giới thiệu đây là cháu Ngân, con gái duy nhứt của tôi; cháu mồ côi mẹ mấy năm nay, đang học lớp bốn trường Lê qúy Đôn. Vì bận công việc, tôi phải vắng nhà một thời gian nên không theo sát việc học của cháu được; tôi muốn nhờ cô kèm dạy cháu mỗi chiều, vậy cô có nhận không?

Thiếu nữ nhìn bé Ngân rồi duyên dáng cười để lộ hai núm đồng tiền trên đôi má.

- Ngân có chịu cô dạy cháu không ?

Bé Ngân e thẹn gật đầu.  Tùng nhìn con đoạn xoay qua thiếu nữ:

- Cháu đã bằng lòng; giờ xin cô cho tôi biết vài nét về cô.

Giọng dịu dàng :

- Tôi tên Mai, 18 tuổi, sinh viên văn khoa, quê Sađéc, hiện tôi ở trọ nhà người chú bà con trong Phú nhuận. Vì nghèo nên tôi tìm việc làm để có tiền ăn học. 

Tùng áy náy :

- Thế từ Phú nhuận ra Đakao dạy bé Ngân mỗi chiều, cô đi bằng phương tiện gì ?

Mai điềm đạm :

- Tôi sẽ mượn xe đạp của chú tôi.

Chàng gật gù:

- Cũng được. Còn thù lao, xin cô cho biết ?

Mai nhìn Tùng, lỏn lẻn cười:

- Tùy ông.

Tùng ngơ ngác không hiểu:

- Trời đất, sao lại tùy tôi ?

Đôi má ửng hồng, nàng hồn nhiên:

- Lần đầu tiên nhận việc, tôi có biết giá cả gì đâu ?

Đắn đo suy nghĩ:

- Vậy để tôi tính sau nhé !

Đọan chàng hỏi Mai:

- Chừng nào cô bắt đầu được ?

Nét mặt tươi tắn:

- Ông muốn bao giờ ?

Tùng ôn tồn:

- Chiều mai được chứ ? Vì chỉ còn vài hôm nữa tôi phải đi Nha trang nên muốn xem thái độ của cháu Ngân đối với cô ra sao ?

Nàng vui vẻ gật đầu:

- Vâng, ngày mai tôi bắt đầu; tôi quên hỏi ông từ mấy giờ đến mấy giờ ?

- Bảy giờ đến tám giờ chiều, trừ cuối tuần, có trở ngại việc học của cô không ?

Mai hớn hở:

- Dạ không. Giờ tôi xin phép được cáo từ.

Nhìn sang bé Ngân, Mai mỉm cười:

- Cô về Ngân nhé, chiều mai mình gặp lại.

     Bé Ngân e thẹn nép vào lòng cha nhưng mắt không rời Mai. Một thoáng cảm tình hiện ra trên gương mặt ngây thơ của đứa bé mồ côi mẹ. Ngân theo cha tiễn Mai ra cổng. Thấy Mai có vẻ ngập ngừng, Tùng dừng lại trước cửa:

- Cô có điều gì hỏi thêm không ?

Nàng ấp úng:

- Dạ tôi muốn biết khi ông đi miền Trung về, tôi có bị mất việc không ?

Chạnh lòng thương hại cô sinh viên nghèo, Tùng lắc đầu trấn an:

- Không đâu, tôi cần cô dạy cháu lâu dài mà.

Ánh mắt chợt vui:

- Cám ơn ông. Chào ông.

Tùng cũng thơ thới:

- Chào cô Mai.

     Sáng hôm sau, Cúc lái xe đến nhà ông anh rể, lững thững vào phòng khách, thấy vắng bóng Tùng, Cúc cất tiếng gọi dì Năm:

- Anh Hai tôi và bé Ngân đâu rồi ?

Dì nhanh miệng:

- Dạ cậu Hai vừa đi khỏi, còn cháu Ngân đến trường.

Cúc cười giòn:

- Tôi quên. Dì có nghe nói chừng nào ảnh đi Nha trang không ?

- Dạ vài ngày nữa.

Nàng nhíu mày:

- Bao lâu về?

- Dạ tôi không biết.

     Cúc nhìn di ảnh chị trên bàn thờ rồi khẻ thở dài. Nàng cảm thấy mình có trách nhiệm với cái chết của Lan. Tại Cúc thách thức, Lan lún sâu vào trụy lạc để cuối cùng lãnh hậu quả khốc hại. Chỉ tội nghiệp cho Tùng và bé Ngân. Như đóng vai bà chủ nhà, Cúc đi quan sát khắp nơi rồi dõng dạc hỏi:

- Dì đi chợ chưa ? Đưa giấy tôi ghi. Anh Hai tôi có đưa tiền cho dì không ?

Bà ỡm ờ:

- Dạ có. Cô viết đi để tôi ra chợ Đakao sớm.

Với thái độ ung dung:

- Con Ngân về bằng gì ?

- Dạ cậu Hai rước.

Cúc thở dài:

- Rầu quá ! Ảnh nhờ tôi trông nom việc học của con Ngân, tôi còn nhớ gì đâu để dạy nó. Mà tối tôi còn đi chơi nữa chứ.

Bà Năm cười thầm rồi nói:

- Cô khỏi lo vì cậu đã tìm được người dạy cháu Ngân rồi.

Nàng chưng hửng:

- Hồi nào ?

- Hôm qua, sau khi cậu Hai gọi điện cho cô.

Cúc nhẹ nhỏm mừng:

- Thế thì tốt quá ! Đoạn nhớ ra:

- Này, giấy tôi ghi đây, dì coi theo đó mà mua cho đủ nhé !  Bà Năm giúp việc xách giỏ ra đi thì Cúc cũng nhảy lên giường của anh chị mình đánh một giấc dài.

Chương ba

      Ông Hai Bền đang xách gào nước tưới đám rau sau hè; mồ hôi nhễ nhãi nhưng không cảm thấy mệt vì ông vừa nhận được thư của con gái mình. Muốn chia xẻ niềm vui chung, ông đợi vợ đi bán về rồi đọc cho bà nghe luôn. Bên gốc cây bần, chim bìm bịp kêu nước lớn, ông Hai đưa mắt nhìn qua cầu tre thấy vợ ông đang quảy gánh chè về, bước ngả, bước nghiêng. Buông gào nước xuống đất, ông ra mở cổng rồi ngoẻn miệng cười hớn hở báo tin:

- Má nó ơi, có thơ nè !

Bà Hai lấy khăn lau mồ hôi băn khoăn hỏi:

- Mà thơ của ai ?

- Của con Mai.

Nụ cười tươi nở trên gương mặt héo hắt, bà nhìn chồng:

- Ba nó đọc chưa ?

Mặt tươi rói:

- Chưa, đợi bà về.

Đặt gánh chè vào gốc bếp, bà hối chồng:

- Mở ra đọc đi, tôi nóng cả ruột rồi.

Ông nhìn vợ gật đầu:

- Ừ, thì tôi cũng như má nó.

Hai vợ chồng ngồi bệt xuống đất, ông Hai xé thư ra chẫm rãi đọc:

      Phú nhuận, ngày 16 tháng 2 năm 1964

     Thưa Ba Má, Con đã bước vào cổng đại học hơn ba tháng rồi. Nhớ Ba Má qua ! Đêm đêm, ngồi học bài, trước mắt con hiện ra mái nhà tranh trống trước, dột sau; bên trong leo lét ngọn đèn dầu không đủ sáng, con không cầm được nước mắt. Mỗi tháng, nhận được tiền của Ba Má gởi lên, con hình dung cha mẹ mình đã phải làm việc nhiều hơn trước; con thương Ba Má quá !

     Thưa Ba Má, Hôm nay con gởi về đôi dòng trước kính thăm Ba Má, sau cho Ba Má hay một tin vui. Nhờ em Hoa đọc báo thấy có người tìm cô giáo dạy trẻ tại tư gia, con hối hả đến nơi xin việc. Sau khi hỏi qua hoàn cảnh của con, ông chủ nhận ngay. Ba Má yên tâm; trông họ giàu nhưng có vẻ nhân hậu; đứa bé cũng xinh đẹp dễ thương. Chỉ trong tuần lễ đầu, bé Ngân đã quyến luyến con. Tội nghiệp, nó mồ côi mẹ từ lúc lên hai. Nghe dì bếp kể bà chủ chết vì lái xe bất cẩn; còn ông chủ thì làm gà trống nuôi con. Vì công việc, ông thường xa nhà nên muốn có người kèm dạy con gái ông mỗi chiều từ 7 giờ đến 8 giờ.

     Thưa Ba Má, Một lần nữa con xin Ba Má yên tâm. Việc dạy học của con không ảnh hưởng gì đến sách đèn. Hằng ngày, con đều đặn đến giảng đường đại học; chiều về, ăn cơm sớm rồi mượn xe đạp của chú Tư ra Đakao dạy; tối thức học bài.

     Tội nghiệp chú Tư và em Hoa tử tế lắm. Chú bảo con nói Ba Má đừng bận tâm nhiều đến tiền trọ; lúc nào có thì trả, không nhất thiết mỗi tháng. Tuy vậy, con vẫn biết tánh Ba thích sòng phẳng để khỏi mang tiếng lợi dụng lòng tốt của bà con.

     Trước khi dừng bút, con xin Ba Má kể từ tháng sau ngưng gởi tiền lên cho con, vì con có thể tự túc được; như thế, Ba Má nhẹ đi phần nào gánh nặng, và con cũng yên tâm học hành.

     Thương Ba Má nhiều

Mai

Con gái của Ba Má

     Ông Hai Bền nghẹn ngào xếp lá thư bỏ vào túi áo còn bà thì lấy khăn lau hai dòng nước mắt chảy dài trên đôi má.

- Tội nghiệp con mình quá! Ông Hai thở dài.

Giọng đầy cảm xúc:

- Thôi thế cũng được. Ba nó nghe lời con cho nó vui.

Nhưng ông nhíu mày phân vân:

- Tôi chỉ sợ người ta thấy con mình đẹp rồi đem tiền cám dỗ nó.

Bà cũng bùi ngùi:

- Ba nó nói có lý. Mai mốt bán mảo xong mấy cây xoài, ông lên thăm con rồi luôn tiện dò xem.

Ánh mắt chợt sáng:

- Ừ, má con Mai nói đúng ý tôi đó.

     Nửa mừng, nửa lo, hai vợ chồng nghèo đứng lên vào trong nung bếp nấu cơm chiều. Đang lom khom nhặt thêm củi phơi trước sân, bỗng nghe tiếng con Vện sủa, ông Hai nhìn ra cổng tre thấy bà Tám Tơ ngoe ngoẩy bước vào huênh hoang hỏi:

- Có thím Hai ở nhà không chú ?

Ông điềm nhiên:

- Dạ có. Mời bà Tám vô nhà uống nước.

     Dân ở bên cầu nhà thờ ai cũng biết bà Tám Tơ, chủ cây xăng Socony trước chợ Sađéc là tay bài tứ sắc quen thân với bà hội đồng Các. Ỷ giàu, bà có tánh khinh người, chỉ giao du với kẻ nhiều tiền và quyền thế. Chiều nay, bà Tám thân hành đến xóm nghèo chắc chắn phải có việc hệ trọng. Bà Hai Bền hối hả ra khỏi bếp chấp tay chào:

- Chào bà Tám. Mời bà ngồi để tôi đi pha trà.

Giọng vênh váo, bà khoát tay:

- Khỏi trà nước gì hết, chú thím lại đây nghe tôi nói. Linh tính báo điềm chẳng lành, vợ chồng ông Hai nhìn nhau rồi ngồi tựa mép bộ ván cũ lắng nghe bà Tám Tơ oang oang:

- Con Mai đâu tôi không thấy?

Bà Hai lo ngại:

- Dạ cháu nó lên Sàigòn tiếp tục học.

Lộ vẻ sửng sốt:

- Bao lâu rồi ?

Vẻ mặt thản nhiên:

- Dạ hơn bốn tháng.

Bà Tám vênh mặt nhìn trước ngó sau:

- Con gái nhà nghèo, đậu được tú tài là phước đức ông bà rồi, bày đặt trèo cao.

Nén giận vào lòng, ông trầm tĩnh:

- Dạ, con gái tôi nó cũng biết thân, nhưng chính tôi muốn nó lên đại học.

Biết tánh ông Hai Bền tuy nghèo nhưng khẳng khái nên bà Tám Tơ dịu giọng:

- Chà, tốn kém lắm, chú thím liệu lo nổi không ?

Bà Hai nhún nhường trả lời thay chồng:

- Dạ chúng tôi cố gắng đến đâu hay đến đó.

Ông Hai sốt ruột muốn biết ý định của bà Tám nên nhắc khéo:

- Bà Tám ghé thăm hay có việc gì ?

- Có chút việc của cậu Hai Đằng nhờ nên tôi mới đến chứ.

Bà Hai nghe qua cảm thấy hoang mang. Với giọng của kẻ ăn trên ngồi trước, bà Tơ dõng dạc vào đề:

- Cậu Hai để mắt thương con Mai, muốn cưới nó làm vợ, vậy chú thím có bằng lòng không ?

Ông Bền nghiêm sắc mặt:

- Con gái của chúng tôi còn đi học nên không thể bỏ ngang lấy chồng ; vả lại, biết nó có thương cậu Hai không ? Vợ chồng tôi không thể ép duyên con.

Bà Tám Tơ nổi nóng bắt đầu gay gắt:

- Được làm vợ của con trai ông hội đồng là tốt phước rồi, đừng làm bộ cầu cao.

Thấy không khí căng thẳng, bà Hai vội vã phân trần:

- Bà Tám đừng giận, chúng tôi đâu dám. A, mà nghe nói ông bà hội đồng đã dạm hỏi con gái ông hương cả ở Nha mân cho cậu Hai rồi mà. Họ còn bảo ra giêng đám cưới ; vậy cũng gần kề rồi.

Bà Tám Tơ giựt mình không ngờ chuyện cậu Hai Đằng muốn giấu mà lại lan nhanh ra hè phố, bà ngượng ngùng xuống giọng:

- Ừ, chuyện đó có, nhưng cậu Hai không chịu.

Ông Hai cười khẩy:

- Vậy ông bà hội đồng có biết bà Tám đến nhà chúng tôi để mai mối không ?

Bà ỡm ờ:

- Không. Chỉ có cậu Hai nhờ.

Đoạn ông Bền gằn giọng kết luận:

- Vậy nhờ bà Tám thưa lại với cậu Hai vợ chồng tôi từ chối vì con Mai không thể làm bé hay vợ lén lút của ai hết.

Ông mỉa mai thêm:

- Bà Tám cứ chờ xem ra giêng đám cưới của cậu Hai, và chắc có bà cùng đi Nha mân rước dâu nữa.

     Bà Tám ngoe ngoẩy ra về không buồn chào ai, trong lòng tiếc rẻ món tiền thưởng rất lớn mà cậu Hai Đằng hứa tặng ; bà cũng thầm rủa miệng thiên hạ lắm chuyện. Rồi bà chê vợ chồng Hai Bền ngu vì con Mai dù có làm vợ không chánh thức của con trai ông hội đồng Các, cha mẹ nó cũng chấm mút được tiền nhà giàu. Bà Tám Tơ tự an ủi sẽ tìm mối khác cho cậu Hai.

Chương bốn

     Thấm thoát, Mai đã đỗ xong dự bị văn khoa ; nàng bước lên năm thứ hai chuẩn bị lấy chứng chỉ văn chương Việt nam. Thù lao dạy kèm bé Ngân đủ để nàng trả tiền ăn ở trọ và đóng học phí. Tùng vì công việc nên thỉnh thoảng đi xa. Vắng cha, Ngân quyến luyến bên Mai và Mai cũng trìu mến chăm sóc đứa học trò ngoài việc dạy học. Dì Năm rất thương cô giáo trẻ đẹp, dịu hiền, lễ phép, đối xử với dì như bà con ruột thịt. Nhờ gần gủi lâu, Mai được dì Năm thố lộ cho biết cuộc đời bất hạnh của ông chủ mình.

     Mỗi ngày, Cúc đến trông chừng nhà cửa giùm anh rể nhưng nàng không có thiện cảm với Mai vì bé Ngân thương cô giáo mình nhiều hơn mến dì ruột ; hơn nữa, Cúc cảm thấy thua Mai về tuổi đời và sắc đẹp. Dù được bạn bè khen nịnh, Cúc soi gương thấy rõ vài nét nhăn nơi đuôi mắt ; son phấn không che được những vết nám trên gương mặt dạn dày vì trụy lạc. Gần ba mươi tuổi mà vẫn sống cô đơn, nàng đâm hoảng muốn lập gia đình nhưng các bạn trai thích Cúc làm người tình quay cuồng trên sàn nhảy hơn là người vợ lãng mạn như chị Lan nàng ngày trước. Cúc tính chuyện chinh phục Tùng vì thấy anh rể mình còn đơn chiếc chưa chịu tái giá ; trước sau gì Tùng cũng sẽ là chồng nàng. Nhưng chuyện đời không đơn giản như Cúc nghĩ. Tùng như chim bị ná ; mỗi lần thấy Cúc tỏ vẻ nũng nịu, chàng liền tìm cách tránh né vì trước mắt Tùng, Cúc với Lan chỉ là một. Trước kia, Tùng đã dại dột cưới Lan thì nay Tùng phải khôn ngoan lánh xa cô em vợ. Từ ngày có Mai lo cho bé Ngân, Tùng không còn nhờ Cúc đến nhà mỗi khi chàng phải đi xa, nhưng sợ mất Tùng, Cúc cứ tiếp tục hiện diện để đóng vai bà chủ. Trưa nay, sau một giấc ngủ dài, Cúc uể oải bước ra phòng khách.

     Thấy chiếc xe đạp của Mai dựng ngoài sân, nàng nhìn quanh tìm. Dì Năm xách chổi ra quét lá liền bị Cúc chận hỏi:

- Tại sao cô Mai đến giờ nầy ?

Bà lắc đầu:

- Tôi cũng không biết.

Vẻ kênh kiệu:

- Cô ấy đâu?

Miệng lẩm bẩm:

- Dạ có lẻ ở trong phòng cháu Ngân.

     Cúc vội vã vào tìm nhưng cả cô giáo lẫn đứa học trò đều biến mất. Hầm hầm nét mặt, Cúc trở ra sân cay cú:

- Dì Năm, chúng nó đi đâu rồi ?

Như sực nhớ ra, bà phân bua:

- Dạ tôi quên, lúc nãy cháu Ngân có xin tôi cho nó đi vườn bách thảo với cô Mai.

Cúc nổi giận quát:

- Tại sao không xin tôi mà lại nói với dì ?

Bà liếc xéo:

- Nó thấy cô ngủ.

Hầm hầm quắc mắt:

- Con ranh này xem thường tôi quá.

     Cúc trở vào phòng trang điểm rồi lên xe phóng đi trong khi bà Năm nhìn theo xào một tiếng, lắc đầu nói láp dáp vừa đủ nghe: « Có trả đồng xu cắc bạc nào mà làm phách ».

     Chiều thứ bảy, vườn bách thảo đông người. Kẻ thích thư giãn đi dạo quanh vườn hoa; người muốn xem thú lẩn quẩn trước các chuồng. Bé Ngân thích cả hai nên Mai chìu ý đưa cô học trò rong chơi khắp nơi; lúc mỏi chân, hai cô cháu cùng ngồi trên băng đá ăn kem.

     Ngân đang học lớp năm; cô bé được Mai chuẩn bị kiến thức để sau hè vào lớp sáu. Gần đây, Ngân ngỏ ý xin cha cho Mai đến ở trọ nhà mình để tiện cho Mai khỏi đạp xe mỗi chiều đến dạy và cũng để bé Ngân gần cô giáo nhiều hơn nhưng Tùng ngại nên còn do dự. Ngày lại ngày, tình cảm giữa Mai và bé Ngân tăng dần. Mai còn trẻ chưa cảm nhận tình mẫu tữ ra sao, còn bé Ngân vì mồ côi mẹ nên cứ quấn quít bên cô như cận kề bên mẹ. Xem đồng hồ, Mai dịu dàng bảo:

- Chiều rồi, cô cháu mình về kẻo dì Cúc rầy.

Ngân nũng nịu:

- Năm phút nữa đi cô.

Mai gật đầu chìu ý. Hai cô cháu thong dong về đến nhà thì trời vừa sụp tối. Mai ra sau bếp giao bé Ngân cho bà Năm rồi thư thả đẩy xe đạp ra cổng đúng lúc Cúc vừa lái xe về tới. Cúc phẫn nộ:

- Cô Mai, nán lại cho tôi hỏi.

Nàng thản nhiên dựng xe bên rào:

- Dạ.

Cúc liền cật vấn:

- Ai cho phép cô dẫn con Ngân đi sở thú?

Mai điềm tĩnh:

- Dạ cháu nó xin; vả lại chiều nay thứ bảy, tôi muốn tinh thần cháu được thư giãn.

Với thái độ trịch thượng hống hách:

- Tại sao cô không xin phép tôi ?

Giọng mềm mỏng:

- Vì cô đang ngủ nên tôi chỉ nói với dì Năm.

Cúc bĩu môi:

- Một đầy tớ xin phép một đầy tớ à ?

Bị chạm tự ái, Mai phản ứng lại:

- Thưa cô, cô chưa cầm tiền trả lương cho tôi thì cô không có quyền nặng nhẹ tôi.

Cúc cười nhạt khinh khỉnh:

- Tao đuổi mầy rồi nói lại với anh Hai tao.

Mai sững sờ:

- Cô có vẻ học thức sao lại mầy tao mi tớ với tôi ? Nếu cô không muốn sự có mặt của tôi trong nhà này thì tôi xin nghỉ việc. Chào cô.

Dì Năm và bé Ngân nghe hết đầu đuôi câu chuyện, chạy theo nắm lấy tay Mai:

- Cô giáo đừng làm thế, hãy đợi cậu Tùng về giải quyết.

Lòng buồn rũ rượi, Mai lắc đầu:

- Cám ơn dì, nhưng cháu không thể ở lại để tiếp tục nghe cô ấy nặng nhẹ.

Ngân nghẹn ngào nói trong nước mắt:

- Cũng tại con đòi đi.

Mai vuốt tóc Ngân an ủi:

- Ngân đừng buồn; thỉnh thoảng cô sẽ đón thăm con trước cổng trường.

Đoạn nàng giục giã:

- Thôi con vào nhà đi kẻo dì con giận.

     Mai leo lên xe đạp trở về Phú nhuận. Đêm đến, nàng cứ thao thức không nhắm mắt được. Mai không sợ mất việc nhưng xa bé Ngân làm Mai đau lòng. Nửa tháng đi xa, chiều nay Tùng hối hả trở về mang theo quà cho con gái và tặng Mai; nhưng vừa bước vô cửa, Tùng ngạc nhiên thấy Ngân chạy đến ôm cha rồi oà lên khóc. Chàng ngơ ngác:

- Chuyện gì thế ?

Bé Ngân vẫn tức tưởi khóc. Tùng quay sang dì Năm:

- Dì Năm, có việc gì xảy ra ?

Bà Năm thuật lại đầu đuôi việc Cúc lấy quyền Tùng đuổi Mai. Chàng ngỡ ngàng không ngờ cô em vợ quá lộng hành. Ôm con vào lòng, Tùng vỗ về:

- Nín đi con. Ngày mai cha con mình sẽ đi tìm cô để xin lỗi.

Ngân đưa tay quẹt nước mắt ấp úng:

- Rồi cô có trở lại dạy con không Ba ?

- Ba sẽ cố thuyết phục. 

Ngân thỏ thẻ:

 - Ba đừng cho dì Cúc đến nhà mình nữa nghe Ba.

Không đắn đo:

- Để ba tính.

Dì Năm cười hả dạ rồi gợi ý:

- Khi nào cậu đi xa thì nhờ cô Mai đến đây ở gần gủi với cháu Ngân mà tôi cũng có bạn.

Bé Ngân giận dỗi trách hờn:

- Con xin Ba hoài mà Ba cứ hẹn rồi quên.

Tùng ôm con vào lòng nói giã lã:

- Ba chìu ý con, nhưng biết cô Mai có chịu không ?

     Đêm nay, Tùng trăn trở tìm lời xin lỗi Mai và nhất là thuyết phục Mai làm theo ý Ngân; thật khó cho Tùng quá. Có thể Mai sẽ viện lý do sợ tai tiếng mà từ chối. Vì thương con, Tùng đánh liều.

    Sáng hôm sau, hai cha con len lỏi vào đường Trần kế Xương tìm nhà ông Tư Thọ thợ mộc nhưng không gặp Mai vì nàng đi học. Tùng lái xe đưa con ra đại học văn khoa đứng trước cổng chờ. Gần mười hai giờ, Mai lững thững trong thư viện bước ra, chợt trông thấy Ngân và Tùng, nàng nửa muốn đến ôm chầm lấy Ngân cho thỏa lòng thương nhớ, nửa muốn lánh mặt để dứt khoát một tình cảm, nhưng Ngân đã buông tay cha chạy đến ôm cô giáo khóc. Mai cũng ràn rụa nước mắt hôn lấy hôn để đứa học trò. Tùng đứng yên chứng kiến mà lòng buồn rũ rượi; phải chi con gái chàng có được người mẹ như Mai. Tùng đến gần Mai khẻ nói:

- Tôi thành thật xin lỗi cô về những gì không đẹp đã xảy ra; mong cô thương cháu mà bỏ qua cho.

Mai ngước nhìn Tùng:

- Ông đâu có lỗi gì; còn cháu Ngân thì lúc nào tôi cũng thương.

Mặt Tùng hớn hở:

- Vậy kể từ chiều mai xin cô trở lại dạy cháu. Tôi xin hứa Cúc sẽ không đến làm phiền cô nữa đâu; mong cô nhận lời.

Ngân mếu máo:

- Con nhớ cô lắm, cô đừng bỏ con.

Trước tình cảnh này, Mai làm sao khước từ; nàng gật đầu rồi tiếp tục ôm Ngân vào lòng. Tùng ngập ngừng:

- Cô Mai.

Ngẩng đầu nhìn:

- Dạ.

Lộ vẻ phân vân, miệng ấp úng:

- Tôi muốn trong tương lai, lúc nào tôi vắng nhà, xin cô đến ở hủ hỉ với Ngân và dì Năm. Ngân đòi mãi mà tôi ngại chưa dám ngỏ ý, chỉ sợ cô từ chối.

Mai nhíu mày suy nghĩ:

- Có bất tiện không ông?

Tùng hoan hỉ trấn an:

- Không đâu. Vậy cô nhận lời nhé !

Nàng dè dặt:

- Dạ để tôi bàn lại với người chú rồi vài hôm nữa sẽ trả lời cũng chẳng muộn.

- Cám ơn cô nhiều.

Đoạn chàng nhìn đồng hồ:

- Trời cũng trưa rồi, xin mời cô về nhà dùng cơm với cha con tôi, chắc dì Năm vui lắm.

Mai nhã nhặn từ chối:

- Dạ thôi, để chiều mai tôi đến.

Ngân cố thuyết phục:

- Cô đi với con. Ăn cơm xong ba con đưa cô trở lại trường mà.

Chợt nhớ ra, Mai nhìn Ngân thắc mắc:

 - Còn cháu, hôm nay sao không đi học ?

Tùng trả lời thay con:  - Lỗi tại tôi, vì muốn có Ngân trợ lực nên tôi xin cho cháu nghỉ một ngày.

Liếc mắt nhìn Tùng, tủm tỉm cười:

- Ông sành tâm lý quá. 

Một thoáng buồn hiện ra trên mặt:

- Nhưng với tình yêu tôi ngu ngơ lắm cô à.

     Cả ba lên xe trở lại đường Phan đình Phùng, mang về ngôi biệt thự niềm vui mới. Dì Năm hớn hở ra mở cổng, miệng cười toe tét khi trông thấy Mai cận kề bên bé Ngân. Cơm nước xong, Tùng đưa Mai trở lại đại học. Ngân đòi theo nhưng Tùng không cho vì chàng còn phải đến nhà mẹ vợ để gặp Cúc.

     Hai tháng sau, trúng thầu xây cất, Tùng đi Long xuyên một tuần; Mai nhận lời đến ở với Ngân sau khi hỏi ý chú mình. Hoa cũng đồng tình vì đã đôi lần theo Mai đến nhà Tùng để thăm Ngân. Nàng khen Tùng trẻ tuổi tài cao; tuy lớn hơn Hoa và Mai một con giáp nhưng trông Tùng còn trẻ trung lịch sự. Có lần Hoa hỏi chị mình:

- Gặp mặt hằng ngày, chị Mai thấy ông ấy có cảm tình với chị không ?

Lỏn lẻn chớp mắt:

- Chị đâu để ý, nhưng lúc nào đi xa về, ông Tùng cũng mua quà tặng chị và bé Ngân.

Hoa cười khúc khích:

- Thế còn chị ?

Đã hiểu nhưng vờ ngơ ngác:

- Chị thế nào ?

Cởi mở chân tình:

 - Chị có để ý ông ấy không ?

Mai thẹn cúi mặt, má ửng hồng:

- Chị không biết.

Hoa khẻ nắm tay Mai:

- Chị giấu em. Cùng là bạn gái, em đọc được tình cảm của chị qua ánh mắt.

Mai thở dài ngao ngán:

- Mình nên an phận nghèo đi em.

Hoa không đồng ý cãi lại: -

 Nghèo cũng có quyền yêu chứ chị.

Một thoáng buồn hiện ra trên gương mặt khả ái:

- Để chuốt khổ vào thân à.

     Tình cảm theo ngày tháng tăng dần. Ở phương xa, Tùng thường gọi điện thoại về thăm Mai và Ngân. Có lần Tùng ngập ngừng muốn nói điều gì rồi lại thôi; còn Mai thì âm thầm yêu Tùng, nhưng cảnh nghèo giàu ngăn cách, nàng không nuôi hy vọng. Đang đong đưa trên đu với bé Ngân thì người phát thư đến; Ngân ra nhận lấy phong bì rồi vui mừng chạy đến bên cô:

- Thư của cô.

Nàng sửng sốt:

- Ai gởi ?

- Ba con.

Mai tròn mắt ngạc nhiên:

- Đưa cô xem.

     Ngân ngồi cạnh Mai không dám nhìn trộm nhưng thoáng thấy nét mặt của cô đăm chiêu lúc đọc thư cha, Ngân đoán có điều gì quan trọng. Khi Mai vúi bức thư vào túi áo, Ngân thỏ thẻ hỏi:

- Có việc gì không cô ?

Nàng lắc đầu:

- Chẳng có gì.

Bé Ngân sốt ruột:

- Sao con thấy cô không vui ?

Mai choàng vai Ngân thì thầm:

- Nếu sau này ba con cưới vợ, con có bằng lòng không ?

- Cô bé thấp thỏm:

- Mà người đó là ai ?

Mai nhắc lại: -

 Con chưa trả lời cô. 

Chẳng đắn đo:

- Nếu ba con cưới dì Cúc, con không chịu. 

- Còn cưới người khác ?

Không trả lời, Ngân nhìn thẳng Mai:

- Con muốn hỏi lại cô.

- Cô nghe đây.

Bé Ngân e ấp:

- Cô có thương ba con không ?

Mai trố mắt nhìn bé Ngân, ngượng đỏ mặt:

- Làm sao cô trả lời con được. 

Ngân quả quyết:

- Con đã hỏi ba tại sao không cưới cô làm vợ vì con chỉ thương cô. 

Nàng bâng khuâng: 

- Rồi ba con trả lời thế nào ?

Bé hăm hở kể:

- Ba nói ba hơn cô đến 12 tuổi, có một đời vợ, còn cô là gái mới lớn lên thì làm sao cô chịu.

     Mai vò đầu đứa học trò cưng rồi lẳng lặng đứng lên đi vào nhà. Ngân ngơ ngác không hiểu ý cô cũng nối gót theo sau. Cơm chiều xong, Ngân đi ngủ sớm vì cảm thấy khó chịu trong người. Mai trở về phòng riêng lặng lẽ mở phong thư ra xem lại.

     Long xuyên, ngày 01 tháng 5 năm 1965

     Mai, Đã bao lần Tùng muốn thố lộ lòng mình với Mai nhưng không thốt nên lời. Có lần Tùng nói với Mai Tùng ngu ngơ trước tình yêu. Đúng thế. Trước kia vì nhu nhược, Tùng đã nghe lời bà mai và cũng vì hoa mắt trước sắc đẹp của Lan, Tùng đã chọn lầm người rồi mang khổ vào thân. Chỉ tội nghiệp cho bé Ngân ra đời không đúng lúc, có tình cha nhưng thiếu vòng tay âu yếm của mẹ.

     Từ ngày Mai đến với bé Ngân, Tùng thấy lòng mình vui lạ vì Ngân quấn quít cười nói bên Mai ; rồi Tùng ước mơ một ngày nào Ngân có người mẹ như Mai. Nhưng khổ nổi Tùng góa vợ, có con thơ, lớn hơn Mai đến một con giáp thì làm sao dám tỏ tình với cô sinh viên trong trắng như Mai, làm sao ba má Mai thuận lòng gả Mai cho một người đàn ông chết vợ và có con riêng ?

     Hôm nay Tùng lấy hết can đảm để nói lên tiếng yêu Mai. Tùng đã tha thiết yêu Mai với con tim và lý trí. Còn trở ngại trước mắt thì sao ? Nếu Mai yêu Tùng, xin phụ gỡ rối giùm. Tùng sẽ hỏi ý con rồi Tùng cùng Mai về Sađéc trình bày cho ba má Mai hiểu, xin hai bác thương tình cho mình đẹp đôi. Mai nghĩ thế nào ? Cứ thành thật cho Tùng biết. Mai đừng thương hại Tùng. Hãy hỏi kỹ lòng mình trước khi quyết định. Thư vắn nhưng chắc Mai hiểu nhiều.

Chào Mai

Tùng

     Mai ghép thư lại bỏ vào túi rồi ngả mình trên giường nằm suy nghĩ. Các trở ngại Tùng nêu ra không phải nhỏ. Bé Ngân quá thương nàng nên dễ dàng chấp nhận Mai làm mẹ; còn cha mẹ nàng thì sao ? Mai đợi thi xong chứng chỉ văn chương rồi cùng Tùng về Sađéc.

     Muốn ngồi lên viết thư cho Tùng nhưng lại do dự. Nàng sang phòng Ngân trông chừng. Ngân lăn lộn kêu đau bụng, Mai rờ trán Ngân thấy nóng, nàng hoảng hốt gọi dì Năm. Bà gợi ý mời bác sĩ đến nhà vì giờ này các phòng mạch đều đóng cửa. Dì tìm số điện thoại của bác sĩ Phát quen với Tùng trao cho Mai. Cầm ống nói, nàng ấp úng kể hiện trạng của bé Ngân. Chỉ 15 phút sau, bác sĩ đến. Xem mạch xong, ông yêu cầu đưa ngay bé Ngân vào Bịnh viện nhi đồng vì cháu bị sốt xuất huyết. Dì Năm hối hả tìm taxi, còn Mai thì gom chút đồ dùng của Ngân vào túi xách nhỏ. Chợt nhớ Tùng có để số điện thoại ở Long xuyên lại nhà, Mai chụp máy gọi Tùng. Bên kia đầu dây, Tùng hốt hoảng giục Mai nghe lời bác sĩ, rồi chàng cấp tốc ra xe trở về Sàigòn.

     Một giờ sau, từ phòng cấp cứu, bé Ngân được chuyển lên lầu hai của Bịnh viện nhi đồng; y tá vào nước biển cho Ngân. Nửa đêm, bé Ngân kêu lạnh, Mai vội vã chạy tìm y tá trực. Họ liền gỡ ống nước biển ra và khen Mai gọi kịp lúc, nếu không, bé Ngân chết vì bị sốc. Như người mẹ hiền, Mai ngồi bên cạnh Ngân để canh chừng và mỏi mòn chờ Tùng về còn Ngân thì nắm tay Mai như muốn bám chặt sự sống.

     Khoảng ba giờ sáng, cửa phòng mở nhanh, Tùng chạy đến bên con, rối rít hỏi Mai, rồi chàng đi tìm bác sĩ để biết rõ hơn. Mai vẫn bất động ngồi bên Ngân. Khi Tùng trở lại thì trời cũng hừng sáng, chàng khuyên Mai về nhà nghỉ vì đã thức suốt đêm nhưng Mai lắc đầu từ chối. Nhìn vẻ mệt mỏi hiện ra trên gương mặt đẹp của cô gái mười chín, Tùng cảm thấy thương Mai nhiều hơn. Chàng đến bên Mai khẻ nắm tay nàng ; Mai vẫn để bàn tay nhỏ nhắn của mình nằm yên trong tay Tùng, tim xao xuyến xúc động.

     Hai hôm sau, bé Ngân xuất viện. Tùng bồng con ra xe còn Mai thì xách túi quần áo tất tả theo sau. Thoáng nhìn, ai cũng tưởng hai vợ chồng đang sung sướng đón con bình phục trở về.

     Giữa tháng sáu, Mai lấy được chứng chỉ văn chương. Tùng lái xe đưa Mai và Ngân về Sađéc. Qua hai niên học là hai năm xa quê, Mai đứng trên phà Mỹ thuận nhìn lục bình trôi trên sóng nước gợi nhớ kỷ niệm thời áo trắng, tóc mai sợi vắn, sợi dài phất phơ trên trán. Xe qua cầu nhà thờ, xuống dốc sân vận động rồi theo quốc lộ đi Long xuyên, Mai nhìn không chớp mắt bờ điên điển trổ bông vàng, hàng so đũa lắc lư theo gió. Ruộng đồng bát ngát mênh mông trải dài đến chân trời. Nàng hòa mình vào thiên nhiên, lòng lâng lâng thương quê với rừng dừa bạt ngàn che mát những mảnh vườn mầu mỡ. Đến cầu tre quen thuộc, Mai vỗ vai Tùng:

- Tới rồi anh ơi, mình tìm chỗ đậu đi.

     Leo lên vệ đường, Tùng ngừng xe bên bụi chuối. Cả ba bước xuống; hai cha con Tùng lững thững theo Mai. Bên kia con rạch, ông bà Hai Bền trông thấy Mai bèn vội vã chạy ra cầu đón con và người khách lạ. Tùng dắt con qua cầu tre còn bé Ngân thì thích thú nhìn con vịt xiêm dẫn đàn con lội nước sang bên kia bờ.  Ôm con mừng rỡ, Bà Hai hỏi nhỏ:

 - Ai vậy con ?

Mai nhìn mẹ cười:

- Anh Tùng, cha của đứa học trò con dạy.

Ông Hai tiếp lời vợ: 

- Khách sang trọng đến nhà, sao con không viết thơ về cho ba má chuẩn bị đón tiếp ?

Mai duyên dáng cười, nắm lấy tay cha:

- Có gì mà phải bày vẽ hả Ba ? Mình nghèo mà trong sạch thì có quyền ngẩng đầu nhìn thiên hạ; tại sao lại mặc cảm ?

Bà Hai cười híp mắt:

- Ba nó nghe không, con nhỏ đi học ở Sàigòn có hai năm mà nói năng khó hiểu quá. 

Ông phân bua:

- Nó học văn chương nên chữ nghiã nhiều hơn mình; con Mai nó triết lý đó bà.

     Qua khỏi cầu khỉ, Tùng chào ông bà Hai rồi thư thả theo họ vào nhà. Bà Hai lật đật ra sau bếp nấu nước pha trà trong lúc ông Hai ra ao bắt con vịt xiêm làm thịt nấu cháo. Mai đưa cha con Tùng đi dạo quanh vườn rồi ra sau phụ mẹ chuẩn bị bữa ăn.

     Ngồi uống trà với ông Hai Bền, qua lời thăm hỏi xã giao, Tùng nhận thấy ông đôn hậu chất phác. Ngân ngồi dưới bóng cây xoài mãi mê ngắm đàn gà con chíu chít dưới chân mẹ. Sau bữa cháo vịt chấm nước mắm gừng, Tùng xin phép đưa con đi viếng đồng ruộng; Mai ở lại nhà phụ mẹ cha dọn dẹp đồng thời nói chuyện với song thân.

- Con muốn thưa với Ba Má một việc. 

Ông Hai trìu mến nhìn con:

- Ừ thì con cứ nói. Ba má nghe đây. 

Mai chẫm rãi kể:

- Trước kia con có viết thơ về nói qua hoàn cảnh đáng thương của cha con anh Tùng. 

Ông Bền gật đầu:

- Ba còn nhớ. 

Mai thỏ thẻ tiếp:

- Rồi sau hai năm quen biết, hôm nay anh Tùng ngỏ ý muốn cưới con. 

Bà Bền há mồm vùng vằng:

- Trời đất, con bằng lòng lấy người góa vợ và có con riêng sao ?

Trầm ngâm trong chốc lát ông Bền nhìn Mai:

- Con có hỏi kỹ lòng con chưa ?

Mai đáp nhỏ:

- Thưa Ba Má, con cũng đã yêu anh Tùng từ lâu rồi.

Ông Hai gật gù:

- Cậu ấy bao nhiêu tuổi ?

- Dạ ba mươi mốt.

Bà Hai chen vào:

- Lớn hơn con đến một con giáp.

Ông Hai cười ngất:

- Ngộ quá hả má nó. Tôi lớn hơn cậu Tùng 12 tuổi, rồi cậu ấy hơn con Mai một con giáp.

Mai thấp thỏm lo âu:

- Ba Má có chấp nhận cho con làm vợ Tùng Không ? Ánh mắt chứa chan tình phụ tử, ông trìu mến:

 - Con đã yêu cậu Tùng và cậu ấy cũng một lòng với con thì Ba cấm cản làm gì.

Mai ôm cha mừng rỡ, đoạn nàng quay sang hỏi mẹ:

- Còn Má, Má có đồng ý không ? Nghe chồng nói, bà cũng xiêu lòng:

- Thà gả con cho người đàn ông góa vợ mà đứng đắn đàng hoàng còn hơn để con lấy mấy thằng công tử vườn dốt nát.

     Mai muốn chạy ra ruộng tìm Tùng báo tin vui nhưng suy đi nghĩ lại, nàng đợi người yêu về thưa chuyện với mẹ cha mình thì tốt hơn. Tùng ngồi cạnh con trên bờ đê bên hàng so đũa ; gió đồng ruộng phe phẩy thổi bồng bềnh mái tóc Ngân. Tùng đang tìm lời để thưa với ông bà Bền xin cưới Mai ; lòng chàng hồi hộp liên tưởng chuyện không lành. Bé Ngân rủ cha trở về tìm Mai ; Tùng đứng lên nắm tay con thong dong đếm bước. Ông Hai lom khom hái lá mồng tơi cho nồi canh chiều, thấy Tùng về, ông ngoẻn cười, đuôi mắt nhăn nheo:

- Chắc ruộng đồng buồn quá hả cậu ?

Nét mặt thơ thới:

- Dạ êm đềm lắm Bác.

Trở lại bàn uống trà, Tùng lễ phép mời ông bà Hai ngồi để chàng thưa chuyện. Hiểu ý, Mai đưa bé Ngân ra sau vườn hái ổi xá lị. Tùng cũng lập lại những lời như Mai. Nghe xong, ông Hai thư thả nói:

- Chuyện cậu kể cũng giống như con Mai nói với chúng tôi lúc nãy.

Tùng sốt ruột muốn biết:

- Vậy việc con xin cưới Mai, hai Bác có vui lòng chấp thuận không ?

Thay chồng, bà Hai điềm đạm:

- Chúng tôi chỉ có đứa con gái, nó thương đâu thì vợ chồng tôi gả đó.

Trên gương mặt rạng rỡ niềm vui:

- Dạ con xin cám ơn hai Bác. Con hứa sẽ làm người chồng tốt của Mai. Vài hôm nữa con sẽ đưa mẹ con xuống gặp hai Bác.

Ông Hai gật đầu ưng ý:

- Được vậy, vợ chồng tôi yên lòng. Bốn giờ chiều, Tùng, Mai và bé Ngân ra xe trở về Sàigòn. Ông bà Hai đứng bên bụi chuối sung sướng nhìn theo con cho đến khuất dạng.

Chương năm

     Mai vẫn ở trọ nhà chú Tư Thọ; chỉ khi nào Tùng đi xa, nàng mới ra Đakao hủ hỉ với Ngân và dì Năm. Một hôm, Mai đang ngồi học bài thì Hoa vào báo tin:

- Có cậu nào tìm chị kìa. 

Nàng trố mắt:

- Ai vậy ?

- Em không biết. 

Bước ra cửa, Mai chưng hửng thấy Cường đẩy xe đạp vào.

- Anh Cường, ai chỉ nhà cho anh vậy ?

Cường bẻn lẻn:

- Hôm qua, ở Văn khoa ra, tôi lén theo Mai.

Mai cười tủm tỉm:

- Định làm thám tử hả ?

- Đâu có.

Mai mời Cường ngồi; Hoa mang tách trà đặt lên bàn. Mai bèn giới thiệu:

- Đây là Hoa, em tôi; còn đây là anh Cường, sinh viên văn khoa sắp xong cử nhân.

Họ ngả đầu chào. Mai tiếp:

- Em Hoa tôi học lý hóa, nó khác với bọn mình.

Đợi Hoa trở vô bếp, Cường mới nhìn Mai khe khẻ hỏi:

- Nghe nói Mai sắp lấy chồng ?

Mai sửng sốt:

- Tin đâu mà lẹ vậy. Đúng thế, chỉ vài tháng nữa thôi. 

Cường buồn bã:

- Người chồng của Mai là một kiến trúc sư giàu có.

Nàng cười nửa miệng:

- Kiến trúc sư thì tôi biết; còn giàu hay nghèo tôi không quan tâm.

Cường nhún vai:

- Ông ta hơn Mai mười hai tuổi, góa vợ và có đứa con riêng ?

Mai gật đầu:

- Sao anh biết rành thế ?

Mai càng thản nhiên thì trái lại Cường tỏ vẻ hậm hực:

- Tại sao Mai từ chối lời cầu hôn của tôi để đi lấy một ông già ?

Mai điềm tĩnh:

- Ba mươi mốt tuổi đã già rồi sao anh ? Theo tôi nghĩ có người chồng hơn mình 12 tuổi chững chạc, đứng đắn thì càng vững tin trên đường đời.

Lời biện minh của nàng làm Cường phát cáu:

- Nhưng ông ta có một đời vợ và đứa con riêng đâu xứng với Mai.

Không muốn tiếp tục tranh cãi, Mai gằn giọng:

- Anh Cường, anh đeo đuổi theo tôi nhưng tôi chưa bao giờ nói tiếng yêu anh, vậy tôi đâu phải là người tình của anh thì lấy cớ gì anh ghen tức ?

Thấy không khí căng thẳng, Hoa từ sau bếp bước lên cố ý đổi đề tài:

- Nghe chị Mai nói anh sắp xong cử nhân, vậy anh có ý định đi dạy không ?

Cường lắc đầu chán nản:

- Dạ chắc tôi sẽ bị động viên vào trường sĩ quan Thủ đức. Chị Hoa biết ở đời chỉ có những thằng nghèo mới đi lính, còn họ giàu thì tung tiền ra trốn quân dịch.

Mai không nhịn được, nàng nhìn sửng Cường:

- Anh muốn ám chỉ ai ?

Giọng mỉa mai:

- Chồng tương lai của cô đó.

Mai cười khúc khích:

- Người ta được miễn dịch vì lý do gia cảnh ; anh ấy là con trai duy nhứt trong gia đình.

Cường đoán mò sai bét rồi.  Hoa chen vào:

- Xin lỗi, ở bên trong tôi nghe hết câu chuyện; chị Mai tôi và anh Tùng yêu nhau, cha mẹ hai bên đều đồng ý nên họ đi đến hôn nhân là chuyện tự nhiên; anh đừng vì chút hờn ghen mà đi nói xấu người vắng mặt.

     Cường thẹn thùng bẻn lẻn đứng dậy ra về cũng vừa lúc Tùng dắt bé Ngân vào. Tưởng người thanh niên kia là bạn của Hoa, Tùng không chú ý. Mai trố mắt nhìn Tùng:

- Anh với con vào tìm em à ! Còn xe để đâu ?

Tùng âu yếm:

- Anh đậu trước sân chỗ người ta phơi nhang.

Hoa ra chào Tùng rồi quay sang nựng bé Ngân.  Ra vẻ sốt ruột, Mai lập lại:

- Anh tìm em có việc gì ?

Tùng nhanh nhẩu: 

- Chiều nay anh đi Vũng tàu có chuyện gấp, em ra với bé Ngân nhé !

Nàng gật đầu:

- Được rồi, sáu giờ em có mặt. 

Tùng ngập ngừng:

- Hay là sẵn có xe, em đi luôn.

Mai dè dặt:

- Không tiện đâu anh. Mình chưa đám cưới, người ta thấy sẽ bàn ra tán vào.

Tùng đành chìu ý:

- Thôi thế cũng được. Chiều em ra nhé !

Thấy Ngân lưu luyến không muốn rời Mai, Tùng phải hối con:

- Về để Ba chuẩn bị đồ đạc.

Hoa lí lắc phá:

- Anh Tùng, sau này cưới chị Mai rồi, anh có bỏ chị ở nhà một mình để đi xa nữa không ?

Tùng lắc đầu:

- Sau chuyến đi này chắc là hết. Anh sẽ thu xếp làm việc gần Sàigòn.

Mai bằng lòng nên hớn hở cười:

- Hứa là phải nhớ đấy. A quên, anh đi chừng nào về ?

- Chiều mai hay sớm hơn.

     Trưa Chúa nhựt, Mai và bé Ngân ngồi trên đu trong sân bỗng thấy Cúc lái xe đến; Mai kéo tay Ngân bỏ vào trong. Tinh mắt, dì Năm ra tiếp:

- Chào Cô, lâu quá không thấy Cô đến chơi ?

Cúc bĩu môi:

- Người ta cấm tôi đến.

Bà lém lỉnh:

- Vậy sao hôm nay Cô đến ?

Giọng cay cú:

- Để gặp một người.

Giả vờ hỏi:

- Ai vậy Cô ?

- Con Mai.

Mai phẫn nộ bước ra:

- Yêu cầu Cô đổi cách xưng hô ; Cô không được quyền kêu tôi con này con kia nhé !

Cúc hất mặt hỏi:

- Tôi được phép vào trong để nói chuyện với Cô chứ ?

Giữ vẻ thản nhiên:

- Cô cứ tự tiện vì đây đâu phải là nhà của tôi.

Ngồi trên salon rút thuốc lá ra hút, Cúc chất vấn:

 - Có phải Cô sắp lấy anh Hai tôi không ? 

Mai nhìn thẳng Cúc phì cười: 

- Chúng tôi sắp thành hôn. 

Cúc gắt gỏng:

- Anh Hai tôi tục huyền, đó là quyền của ảnh; nhưng người vợ ảnh sắp cưới không phải là Cô mà chính là tôi. 

Mai cười gằn:

- Tại sao ?

Giọng cáu kỉnh:

- Vì tài sản này, cha mẹ tôi cho chị Lan làm của hồi môn; Cô không có quyền nhảy vào hưởng. 

Mai cố giữ bình tĩnh:

 - Tôi và anh Tùng thành hôn vì chúng tôi yêu nhau; còn gia sản này, nếu thật sự là của cha mẹ Cô, tôi sẽ yêu cầu anh Tùng trả lại hết; chúng tôi sẽ dọn ra khỏi ngôi biệt thự này để đi nơi khác sống. Cô bằng lòng chứ ?

Bất chợt Tùng bước vào phòng khách; cả Cúc lẫn Mai giật mình ngơ ngác:

- Anh về bao giờ ? Mai hỏi. 

Chàng điềm đạm:

- Từ lâu và đứng bên ngoài nghe hết. 

Mai nhìn Tùng dò xét:

- Vậy đâu là sự thật ? 

Không trả lời Mai, Tùng trố mắt nhìn Cúc:

- Dì Ba, tôi có hứa cưới Dì bao giờ mà Dì đòi làm vợ tôi ? Còn nhà này là do tay tôi dựng nên chớ không phải của hồi môn của Lan đâu. Dì hãy về hỏi Ba Má đi, hỏi luôn số tiền Má mượn tôi chưa trả. Cúc kênh kiệu hỗn xược:

- Anh là thằng sang đoạt còn đi nói xấu mẹ tôi hả ?

Tùng nhỏ nhẹ:

- Dì đừng nóng, hãy về gặp Ba hay Má để biết sự thật, và tôi yêu cầu Dì đừng đến nhà tôi nữa.

Cúc xách bóp đứng lên ngúng ngoẩy bỏ về:

- Được rồi, để mấy người xem. Về đến nhà, Cúc gặp chị Tư giúp việc:

- Có ba má tôi ở trổng không ?

- Dạ bà mới về, còn ông thì tôi không thấy. 

Cúc vào phòng khách gặp mẹ đang ngáp dài. 

- Má đứt mấy chến rồi mà về sớm vậy ? Bà Minh than:

- Hôm nay xui quá, hai chến đứt hết. 

Với vẻ mặt hầm hầm Cúc hỏi mẹ:

- Con muốn biết sự thật; nhà của anh Hai có phải Ba Má cho chị Lan không ?

Bà ngớ ngẩn:

- Ai nói với mày vậy ?

Cúc cộc lốc trả lời:

- Con đoán thôi. 

Miệng lầm bầm: 

- Làm thầy bói dở quá rồi Cô ơi. 

Vẻ mặt sượng sùng:

- Vậy chị Hai lấy chồng không có của hồi môn sao ?

Bà Minh phân trần:

- Lúc đó thấy thằng Tùng làm ăn khấm khá nên Ba mày tiếc của có cho con Lan đồng xu nào đâu. 

- Vậy là ảnh nói đúng. 

Bà Minh giật nẩy mình:

- Trời đất, bộ mày qua bển kiếm chuyện với nó ha ?

Nàng sầm mặt:

- Anh Hai sắp cưới vợ. 

- Tao biết. Nó làm gà trống nuôi con bảy năm rồi; nay nó cưới vợ là quyền của nó. A mà nó sắp lấy ai vậy?

Cúc cười mỉa:

- Con nhỏ sinh viên dạy kèm bé Ngân. 

Bà Minh gật gù:

- Cũng được thôi; nghe nói con Ngân thương cô giáo nó lắm mà. 

Vẫn giọng khinh khỉnh:

- Bởi vậy con sinh viên đó lợi dụng để nhào vô ăn của. 

Cúc chợt nhớ lời Tùng nên hỏi mẹ cho ra lẽ:

- Má có mượn tiền anh Hai không ?

Bà Minh đáp nhỏ:

- Hồi chưa bán được miếng đất trong Gò vấp, tao có mượn nó một trăm ngàn. 

Nàng ấm ức:

- Rồi Má trả lại chưa?

Mẹ Cúc phân bua:

- Nó bảo tao với ba mày đừng bận tâm nên ổng lờ luôn. Ối, nó giàu bạc triệu, thấm tháp gì một trăm ngàn.

Biết mình hồ đồ, Cúc thở dài chán nản rồi chợt nhớ lại lời khuyên của anh rể ngày nào: « Dì còn trẻ đẹp, mới hai mươi chín tuổi, Dì nên bỏ lối sống thác loạn để lập gia đình với người ta ». Ngẫm nghĩ Tùng có lý; tuổi đời không dừng lại để chờ ai, Cúc phải biết lo lấy tương lai mình.

Chương sáu

Tùng và Mai đã chọn xong ngày cưới. Trước khi trở về Sađéc để cùng cha mẹ chuẩn bị nhà cửa, Mai cùng Tùng vào Phú nhuận nhờ chú Tư Thọ đóng vai ông mai. Hoa xin cha theo Mai về quê trước để giúp chị một tay.

Sáng sớm, chiếc xe đò Huê Mỹ rời bến An đông đưa hai cô gái trở lại giòng Sa giang lững lờ biếng chảy. Số tiền dành dụm, Mai trao hết cho cha mẹ lo dựng thêm hai mái bên hông nhà, mua thức ăn thết đãi ngày nhóm họ và bữa rước dâu; còn nàng chỉ sắm vỏn vẹn chiếc áo dài xanh lam mặc với quần hàng trắng. Ông bà Hai Bền cười nói huyên thiên; hai vợ chồng tự đi mời bà con hàng xóm; trong số khách được mời có ông bà hội đồng Các nhưng họ từ chối vì bận đánh tứ sắc không dự được.

Buổi nhóm họ tuy đơn sơ nhưng đậm tình quyến thuộc. Các bà láng giềng tự động sang phụ, kẻ lặt rau, người nhổ lông vịt. Bà Hai nhễ nhãi mồ hôi, miệng luôn nói cười. Mai nhờ Hoa và Hồng, bạn học ngày trước, làm phù dâu. Sáng Chúa nhựt, bốn chiếc xe hơi qua phà Mỹ thuận, rẽ phải tiến về Sađéc. Xuống cầu nhà thờ, đoàn xe chạy ngang sân banh rồi từ từ thẳng đến nhà ông Hai Bền. Mai cẩn thận thuê hai chiếc tam bản để rước khách qua con rạch. Tùng vận khăn đóng áo dài bưng khai trầu rượu; hai chú rể phụ ôm quả xuống ghe; mẹ Tùng góa chồng nắm tay cháu Ngân cho đủ cặp.

Sau khi vợ chồng ông Hai sắp xếp chỗ ngồi, ông Tư Thọ trịnh trọng giới thiệu hai họ rồi xin cho cô dâu ra mắt để cùng làm lễ trước bàn thờ tổ tiên. Ông bà Hai Bền đốt nhang khấn vái xong thì Tùng và Mai đồng qùy lạy bàn thờ. Sau đó mẹ Tùng cùng bà Hai đeo đôi bông cưới cho Mai. Tuy ngày trọng đại, Mai chỉ trang điểm đơn sơ nhưng cũng đủ tăng sắc đẹp của nàng thêm bội phần. Hai chú rể phụ chúm chím cười nhìn trộm Hồng và Hoa.

Nghi lễ xong, ông Hai Bền mời mọi người dự tiệc. Mấy dĩa gỏi ngó sen trộn tôm càng nướng được mang lên cùng lúc với bánh phòng tôm Sa giang; kế đến các tô canh chua bạc hà cá lóc thơm ngát mùi rau om để khách ăn cơm với gà xào xả ớt. Tráng miệng chỉ có xoài thơm đặc biệt của Sađéc. Vài cậu thanh niên tiếp tay khui la de con cọp, xá xị con nai rót vào ly mọi người. Bé Ngân ngồi bên bà nội ăn uống ngon miệng, thỉnh thoảng chạy đến ôm cô dâu. Mẹ Tùng thầm so sánh Mai với Lan, bà nhận thấy Mai đẹp đoan trang dịu hiền hơn Lan nhiều.

Giờ rước dâu đã đến, mọi người xuống tam bản qua con rạch trở lại xe. Thình lình ông Hai Bền trông thấy chiếc xe thổ mộ chở vợ chồng hội đồng Các và bà Tám Tơ đi ngang qua; họ đăm đăm nhìn đoàn người rước dâu; khen tặng thì ít mà ganh tị lại nhiều. Vợ chồng ông Hai Bền gởi nhà cho hàng xóm để đưa con lên Sàigòn.

Về đến Phan đình Phùng, đồng hồ điểm bốn giờ chiều. Làm lễ trước bàn thờ xong, Tùng và Mai thay y phục chuẩn bị đến giáo đường để Mai nhận bí tích rửa tội đồng thời cha sở ban phép hôn phối cho hai vợ chồng.

Tối đến, Tùng đưa Mai cùng cha mẹ vào nhà hàng Ngọc lan Đình Chợ lớn khoản đãi bạn bè và gia quyến. Tuy mệt nhưng Mai cảm nhận hạnh phúc thật sự đã đến với nàng. Dù có chồng, Mai vẫn tiếp tục học. Hai năm sau nàng lấy xong bằng cử nhân văn chương. Tùng không muốn vợ đi dạy vì Mai đang mang thai. Chìu ý chồng, Mai ở nhà viết sách, trông nom việc học của Ngân và chờ đợi đứa con đầu lòng.

- Thưa Mẹ con đi học mới về.

Mai ôm bé Ngân thủ thỉ:

- Con của Mẹ ngoan lắm. Còn Ba đâu ?

Ngân nhanh nhẩu đáp:

- Dạ Ba đang cất xe. 

Tùng bước vào, ôm hôn Mai rồi đưa tay rờ bụng vợ, đoạn quay sang Ngân:

- Sắp sửa có em, con thích được làm chị không ?

Cười khoái chí:

- Thích chứ Ba. Mà chừng nào Mẹ sanh ?

Mai nhìn Ngân mỉm cười:

- Chắc vài hôm nữa.

Luật người cày có ruộng của chế độ cộng hòa giúp ông bà Hai Bền làm chủ mẫu đất. Nghỉ bán chè, bà Hai ở nhà phụ chồng chăm sóc vườn cây. Ba tháng trước, Mai cùng chồng về quê thuyết phục cha mẹ cất lại căn nhà. Ban đầu, ông bà Hai từ chối vì muốn giữ kỷ niệm; Mai năn nỉ mãi, cha mẹ nàng mới xiêu lòng. Tùng tự đứng ra mua vật liệu, thuê người xây một mái nhà ngói xinh xắn cho cha mẹ vợ. Hai ông bà thoả dạ trước lòng hiếu thảo của rể con và hẹn khi Mai sanh họ sẽ lên Sàigòn xem mặt cháu ngoại. Đúng ngày tháng, một bé trai kháu khỉnh ra đời. Tùng yêu cầu Mai đặt tên con. Ngả đầu vào vai chồng, Mai đề nghị lấy tên Bách. Tùng sung sướng nhìn Mai gật đầu đoạn ôm ghì chặt người vợ đẹp kiều diễm, dịu hiền trong tay, âu yếm đặt lên môi nàng nụ hôn nóng bỏng.

 Viết xong ngày 23 tháng 5 năm 2002

VL

Bài viết khác