Thứ Hai, 18 Tháng Sáu, 2012

Chạnh Lòng

Tố Oanh tắt đèn rồi ngã người lên giường, hai chân duỗi thẳng, hai tay gối đầu, mắt mở to nhìn bóng đen, nàng hồi tưởng lại những gì đã xảy ra trong quá khứ, bất giác Oanh thở dài. Thời gian đã lặng lẽ lướt qua bao cuộc đời, bao số phận. Niềm đau lâu ngày trong tiềm thức bỗng trỗi dậy; những kỷ niệm bắt đầu sống lại như một giòng nước lũ đang dồn dập chảy trong lòng nàng. Ba mươi năm trôi qua như một giấc mơ.

Năm đó, Tố Oanh học lớp 12 ban A trong một tư thục công giáo vùng Gia Định. Một hôm nàng thấy trong hộc bàn có một tờ giấy xếp lại, Oanh tò mò bốc ra xem, nàng không ngờ đó là một bức thư của một anh chàng nào mang tên Trúc Lâm gửi cho mình. Sợ con bạn ngồi cạnh bên trông thấy, Tố Oanh khẽ nhét mảnh giấy vào cặp; nhưng hành động của Oanh không qua mắt được Dung, cô ta tròn mắt nhìn bạn hỏi, giọng ranh mãnh :

- Thư tình phải không ? Bị bắt tại trận rồi, biết điều thì tự thú đi .

Với bản tính nhu mì, e thẹn, Tố Oanh hốt hoảng chối ngay :

- Đâu có.

Dung chưa chịu buông tha bèn liếc xéo bạn :

- Nếu không phải thư tình thì tại sao bồ phải giấu ?

Biết không thể thoát con bạn tinh nghịch, Oanh nhăn mặt, miệng lí nhí đáp :

- Có anh chàng Trúc Lâm nào đó học buổi chiều xin được làm quen.

Dung có vẻ thỏa mãn nên khoái chí gật gù :

- Ít ra bạn cũng thành thật khai báo chứ. Nhưng muốn nhẹ tội thì phải đưa thư cho ta xem.

Tố Oanh vùng vằng không đồng ý :

- Có gì đâu mà bồ cứ đòi coi .

Giọng Dung lém lỉnh hơn :

- Không có gì cũng phải cho ta xem.

Tố Oanh hơi bực mình, đưa tay rút tờ giấy thẩy trước mặt Dung :

- Nè, xem đi cho khỏi ấm ức.

Dung lẹ làng chụp lấy bức thư mở ra đọc, chỉ có vài hàng ngắn ngủi chẳng có chút gì hấp dẫn : « Mình tên Trúc Lâm, ước muốn được kết bạn với Tố Oanh. Xin hồi âm. » Đọc xong, Dung nhếch mép cười, đoạn hí hửng hỏi :

- Sao, cô nương có nhận lời không ?

Mặt Oanh đỏ bừng, nàng e lệ cúi đầu ấp úng :

- Mình không biết.

Dung bỡn cợt phá bạn thêm :

- Chẳng lẽ bồ để anh chàng tương tư mãi sao ?

Mấy hôm liền, Tố Oanh cứ phân vân không biết có nên hồi âm cho anh chàng Trúc Lâm đó chăng. Nhờ Dung dọ hỏi, Oanh mới biết lớp nàng học buổi sáng thì buổi chiều dành cho học sinh lớp 12 ban C; còn anh chàng nào ngồi chỗ của mình thì nàng chưa biết được. Dung hứa sẽ tìm xem mặt anh ta ra sao, nhưng việc trước tiên là Oanh nên hồi âm cho anh ta rõ. Tố Oanh nửa muốn nghe lời bạn, nửa lại rụt rè e ngại. Phải đợi đến khi nhận được bức thư thứ tư, nội dung cũng không có gì thay đổi, nhưng lời lẽ thì lại tha thiết hơn, Tố Oanh mới lén bạn hồi âm bằng cách để tờ giấy xếp nhỏ trong hộc bàn.

Từ đó, ngày nào đến trường, Oanh cũng vội vã vào lớp, cất cặp vào bàn nhưng mắt cứ rảo tìm bên trong hộc có một mảnh giấy thân quen nào không ?. Có khi vắng thư vài hôm, Tố Oanh cảm nhận lòng mình nao nao như trông đợi một điều gì không giải thích được. Dung đã đọc được tư tưởng của bạn nên tìm lời trấn an. Nàng nghĩ bụng phải giúp bạn mình một cách cụ thể hơn chớ không thể để tình trạng nầy kéo dài mãi.

Tuy là một tư thục công giáo, nhưng hai cha giám học và tổng giám thị rất nghiêm nhặt trong vấn đề kỷ luật; học sinh lớp sáng không được vào trường buổi chiều nếu không có việc gì cần, ngược lại cũng thế. Dung phải tìm dịp vào trường buổi chiều để xem mặt anh chàng Trúc Lâm ra sao. Nàng nghĩ ra một cách là tình nguyện giúp giáo sư Tùng vào sổ điểm, như thế Dung mới vô trường một cách quang minh chính đại và sẽ lẻn qua lớp mình quan sát tình hình để báo cáo cho Tố Oanh biết. Kế hoạch của Dung được thực hiện suôn sẻ sau kỳ thi lục cá nguyệt, nhưng kết quả lại ngoài trí tưởng tượng của nàng. Chiều hôm đó, Dung đứng ngoài hành lang, nép mình bên cửa sổ của lớp mình nhìn vào, bàn của Dung và Tố Oanh buổi sáng giờ đây có hai nữ sinh ngồi. Dung không tin nơi mắt mình, nàng tất tả trở lại văn phòng và gạ gẫm xin sœur giám thị cho xem sơ đồ lớp 12 C. Không còn gì để nghi ngờ nữa, cô nàng mang tên Trúc Lâm chính thật là con Tâm. Càng thương bạn, Dung càng tức cô nàng Tâm bày chi cái trò oái oăm, nàng đợi giờ tan học và lén bám theo gót Tâm cho đến tận nhà. Vẫn còn hoài nghi, chẳng lẽ con bé nầy mang cái bịnh đồng tình luyến ái ? Dung bỗng nhớ con nhỏ ngồi cạnh Tâm là bạn cùng xóm với mình nên quày quả đến nhà nó để điều tra thêm xem con Tâm có anh em gì không. Kết quả vô cùng bi đát, Tâm là con một trong một gia đình khá giả nên được cha mẹ cưng chiều hết mực.

Phải đợi đến sáng hôm sau, Dung mới thuật lại mọi việc cho Tố Oanh nghe. Nàng choáng váng mặt mày nhưng không muốn Dung đọc được tư tưởng của mình, Oanh cố làm tỉnh bèn mỉm cười bảo :

- Biết đâu cô nàng Tâm có cái bịnh như bồ nói ?

Dung còn thắc mắc nên đề nghị :

- Hay là Oanh đến gặp thẳng con Tâm xem.

Oanh lắc đầu chán nản :

- Để làm gì ? Mình đâu phải là đối tượng của cô ta ?

Đoạn nàng dứt khoát :

- Thôi, bỏ qua việc đó đi Dung, kỳ thi tú tài gần kề, chúng ta lo ôn tập là hơn.

Dung vì thương bạn nên trong lòng còn áy náy :

- Trong vụ nầy mình cũng có lỗi một phần, phải chi trước kia mình đừng xúi dại Oanh hồi âm thì đâu có chuyện như vầy.

Tố Oanh cười nửa miệng :

- Xem như một trò đùa.

Lũ ve sầu tỉ tê trên cành phượng vĩ giữa sân trường báo hiệu ngày thi sắp đến, đó cũng là thời điểm học sinh lớp 12 sắp giã biệt mái trường trung học thân thương để thập thò trước cổng các đại học mở đầu một giai đoạn mới.

Tố Oanh vẫn còn ray rứt chuyện lòng. Trước khi vĩnh viễn rời khỏi mái trường, nàng quyết định tìm đến nhà Tâm để giáp mặt người con gái đó một lần. Tâm không lộ vẻ ngạc nhiên khi nhận diện ra người đứng trước mặt mình là Tố Oanh. Nàng vồn vã mời Oanh vào phòng khách và líu lo hỏi thăm việc học hành trong khi Oanh đang ngờ vực cái chứng bịnh mà Dung đã đề quyết cho Tâm. Oanh vào đề ngay :

- Tôi muốn gặp anh Trúc Lâm.

Tâm nhìn Oanh lo ngại, đôi môi mấp máy :

- Mình chưa hiểu ý của Oanh.

Tố Oanh nhấn mạnh thêm :

- Tôi muốn gặp người đã viết thư cho tôi và để trong hộc bàn của tôi thường ngày.

Trông thấy Tâm lộ vẻ bối rối, Tố Oanh gằn giọng hỏi tiếp :

- Có phải anh chàng Trúc Lâm là Tâm đây phải không ?

Bị đưa vào ngõ cụt, Tâm ngồi thừ người ra và thú nhận :

- Phải, chính tôi đã đặt các bức thư vào hộc bàn.

Tố Oanh phát cáu bèn xẵng giọng :

- Tại sao Tâm chơi cái trò gì kỳ lạ vậy ?

Tâm hiểu ý nên vội giải thích để minh oan cho mình :

- Oanh hãy bình tỉnh nghe mình nói, những bức thư viết vội trong hộc bàn không phải của mình mà của một người khác, anh ấy nhờ mình làm giùm việc đó vì biết hai đứa chúng ta ngồi chung một chỗ.

Tố Oanh sốt ruột hỏi dồn :

- Người ấy là ai ? Sao Tâm lại làm giùm việc đó ?

Không chút chần chừ, Tâm trả lời ngay :

- Trúc Lâm là người anh cô cậu của Tâm.

Tố Oanh ngơ ngác chưa hiểu :

- Nhưng làm sao anh của Tâm biết mình ? Anh ấy học chung lớp à ? Mà trong lớp 12 A đâu có ai tên Trúc Lâm ?

Tâm thản nhiên phì cười :

- Anh ấy không học chung lớp của Tâm hay lớp của Oanh mà anh ấy là thầy dạy anh văn của cả hai chúng mình.

Tố Oanh nghe qua tưởng chừng mình từ trên không trung vừa rơi xuống, nàng trố mắt nhìn Tâm, miệng há hốc :

- Trúc Lâm là thầy Cảnh à ?

- Phải.

Rồi đến lượt Tâm thắc mắc, nàng nhanh miệng hỏi lại :

- Tố Oanh không nhận ra tuồng chữ của thầy Cảnh sao ?

Oanh lắc đầu khẽ đáp :

- Làm sao mình có thể nghĩ đến việc đó.

Tâm biết Tố Oanh còn hoài nghi, nàng liền giải bày thêm :

- Người anh họ của Tâm tuy học giỏi, dạy hay, nhưng tính tình nhút nhát, chỉ biết yêu thầm nhớ trộm một nữ sinh của mình mặc dù anh ấy có đủ điều kiện và tư cách để hỏi cưới nàng.

Tâm cau mày rồi chép miệng than :

- Nội cái việc làm quen với người anh ấy thầm yêu mà cũng chẳng một mình làm được, phải nhờ đến cô em họ mới xong. Mình cũng đã hối thúc anh ấy đến gặp Oanh nhưng ông anh họ nhà mình cứ nay lần mai lựa vì cái bản tính nhát gái.

Tố Oanh thở ra nhẹ nhàng, mọi việc đã sáng tỏ trước mắt nàng nên nhìn Tâm mỉm cười bảo :

- Vậy thì để mình đến gặp thầy.

     Vẻ mặt Tâm bỗng đượm buồn, nàng thở dài :

- Anh Cảnh vừa đến tuổi bị động viên, anh đã lên đường nhập ngũ hôm qua.

Mái tóc Tố Oanh rũ xuống che phân nửa khuôn mặt đăm chiêu, nàng ngẫm nghĩ một lúc đoạn ngẩng đầu nhìn Tâm nói:

- Khi nào Tâm được phép đi thăm thầy, nhớ gọi mình cùng đi.

Giòng đời tưởng chừng như chảy xuôi đưa con thuyền tình đến bến , nào ngờ thực tế thường đi ngược lại với những gì mà con người ước mơ. Vận nước nổi trôi đã cày lên những khuôn mặt thơ ngây nhiều vết nhăn sâu, để rồi nụ cười của hai kẻ mới yêu nhau chưa nở trọn trên môi đã vội tắt. Cuộc đổi đời 30 tháng tư đã chia cách Cảnh với Tố Oanh. Chàng trong phút kinh hoàng vội bám theo những người đồng minh bội ước rời khỏi nước, còn nàng thì theo cha mẹ chạy xuống hậu giang lánh nạn nên mất liên lạc với người tình. Bẳng đi mấy năm, thời gian như xóa mờ hình bóng cũ. Bên kia Thái bình dương, chàng đã kết hôn với một cô gái tóc vàng thì ở quê nhà, nàng cũng vâng lệnh song thân lên xe hoa cùng kẻ khác. Những tưởng năm tháng đã lạnh lùng lướt qua hai cuộc đời, hai số phận, nào ngờ định mệnh lại trớ trêu thêm một lần nữa. Cảnh ly dị với người vợ Mỹ ;chồng của Tố Oanh cũng vừa qua đời sau một cơn bạo bệnh.

Một hôm, mẹ Oanh mang đến trao cho nàng một phong thư. Đảo mắt nhìn qua, Oanh nhíu mày suy nghĩ vì giòng chữ quá quen thuộc. Nàng vội xem tên người gửi phía sau, chỉ vỏn vẹn có hai chữ Trúc Lâm và cái địa chỉ xa lạ. Không còn nghi ngờ gì nữa, Tố Oanh xé phong thư ra đọc ngấu nghiến trước cặp mắt ngạc nhiên của mẹ nàng.

Los Angeles, ngày 01 tháng 12 năm 2004

Em Tố Oanh ,

Một ngẫu nhiên đưa anh đến với vợ chồng cô bạn học tên Dung của em ngày trước; nhờ thế anh mới biết được hoàn cảnh của em hiện nay.

Em yêu,

Mấy năm trước, tuy biết em đã có chồng, anh vẫn tìm về quê cũ, nơi chúng ta đã một thời hò hẹn, đôi môi anh đã một lần hẹn ước nhưng nào anh có giữ được gì đâu. Những ngày anh làm lữ khách trên chính quê hương mình, anh đã tìm về kỷ niệm với nỗi buồn xâm chiếm. Anh đã đi qua giòng sông Tiền, sông Hậu, miền phù sa với mưa nắng hai mùa, với câu hát, câu hò dạt dào tình quê, với những nhịp cầu tre nối liền thôn xóm. Thương làm sao những hàng phi lao ngã nghiêng trước gió; thương vô cùng đàn cò trắng xoải cánh bay xa. Và làm sao anh quên được người con gái tên Oanh ? Nếu vận nước không chao đảo thì tình chúng mình đâu ngang trái như thế nầy, phải không em ?

Em Tố Oanh,

Nếu em còn nghĩ đến anh, xin em cho anh làm một con thuyền quay về với giòng sông để đỗ vào bến cũ. Trong đời sống, nào ai không trải qua những thăng trầm, cay đắng, những trăn trở về một cuộc tình mong manh ? Nhưng không vì thế mà chúng ta gục đầu thua cuộc. Hãy cùng nhau nối lại tình xưa như cái thuở mà anh phải nhờ cô em họ tên Tâm gửi thư cho em trong hộc bàn của lớp 12 A trường Thánh Mẫu.

Mong em hồi âm để chúng mình cùng có một quyết định chung.

Ký tên

Trúc Lâm.

 Tái bút :

 Anh sẽ có mặt trên chuyến bay về nước cuối tháng 12. Sự có mặt của em tại phi trường Tân sơn Nhất sẽ nói lên tất cả.

Bàn tay Oanh không ngừng mân mê bức thư như cái thuở nàng mân mê mảnh giấy để trong hộc bàn trường cũ. Mẹ nàng mở to đôi mắt hỏi :

- Thư của ai vậy con ?

Tiếng Tố Oanh đáp thật nhỏ :

- Cuối tháng anh Trúc Lâm về nước mẹ à.

Mẹ nàng mỉm cười :

- Con có định đi đón nó không ?

Nàng chợt hiểu ra có những tình cảm sống mãi trong lòng cả một đời người và chỉ có thể chấm dứt với đời sống. Tố Oanh đưa mắt nhìn mẹ rồi khẽ gật đầu.

Diễm Trang

Bài viết khác