Chương một
Mười hai giờ trưa, cổng trường trung học Gia long từ từ mở rộng. Đoàn nữ sinh lũ lượt ra về. Những tà áo trắng thướt tha bay; những mái tóc thề buông xõa bờ vai lất phất sau vành nón lá. Ngân cùng Quỳnh thư thả vén vạt áo dài ngồi lên yên xe đạp. Hai hàng cây sao bên vệ đường Phan thanh Giản phủ dài bóng mát tựa cánh dù che nắng khách đi đường. Quỳnh đạp xe song song bên bạn cười nói vô tư còn Ngân trái lại có vẻ trầm lặng. Qua ngã tư Công lý, Quỳnh vói tay khều bạn:
- Có anh chàng nào đứng bên kia chờ bồ kìa.
Ngân không quan tâm, lầm lủi đạp xe theo Quỳnh. Cô bé lí lắt hỏi tiếp:
- Hắn quen với bồ à ?
Nhăn mặt, Ngân lắc đầu:
- Anh ta chỉ gặp mình một lần ở nhà thầy Tùng hôm Tết.
Quỳnh cười rúc rích:
- Rồi gã si tình ?
Đôi má ửng hồng:
- Ai biết ?
Quỳnh lém lỉnh:
- Thôi, để tôi rẽ ngõ khác cho hai người trò chuyện kẻo anh chàng rủa mình kỳ đà.
Ngân không đồng ý:
- Cứ đi như mọi ngày, đến Mạc đỉnh Chi, bồ về nhà tiện hơn.
Giọng bỡn cợt:
- Cần mình hộ tống hả ?
Liếc xéo bạn:
- Ừ. Được không ?
Vẫn tính liến thoắng:
- Rồi từ Đakao về Bà chiểu, ai theo bồ ?
Ngân phân trần:
- Khổ nhứt là đoạn đường đó. Anh ta cứ đạp xe theo nói chuyện bâng quơ. Sợ người quen trông thấy thì nguy.
Quỳnh bèn bày kế:
- Hay là bồ vô nhà mình năm phút xem anh chàng làm gì ?
Miệng cười tủm tỉm:
- Đứng dưới góc me chờ.
Quỳnh trố mắt: - Sao bồ biết ? Lần trước mình thử rồi.
Quỳnh chưa chịu thua liền nghĩ ra cách khác:
- Để mình giả đò đi theo bồ đến cầu Bông.
Ngân ái ngại:
- Thôi, nắng lắm, cám ơn Quỳnh. Ngân sẽ nói cho anh ấy biết điều mình không muốn.
Tán đồng ý bạn:
- Ừ, bồ có lý. Anh ta cứ đeo theo mãi có ngày Ngân ăn đòn đấy.
Ngân gật đầu:
- Chứ sao. Ba mình khó lắm, bồ cũng biết mà.
Đến ngã ba Mạc đỉnh Chi, Quỳnh từ giã bạn rẽ phải. Nàng liếc nhìn phiá sau xem còn ai theo quấy rầy Ngân không ? Lạ thật, hôm nay anh chàng bỏ cuộc. Ngân và Quỳnh là đôi bạn học chung từ lớp 6 đến lớp 12, họ đang chuẩn bị thi tú tài toán. Hai cô đẹp nhất lớp, tuy mỗi người được trời ban cho một vẻ. Cũng gương mặt trái soan, má núm đồng tiền, chiếc mũi dọc dừa, đôi môi xinh mộng, làn da trắng mịn, hai thiếu nữ vừa lên mười bảy tuổi chỉ khác nhau ở vài điểm. Quỳnh có cặp mắt sáng linh động còn Ngân có đôi mắt đẹp mộng mơ nhưng làn mi cong không che khuất được một nét buồn phảng phất. Thoáng nhìn hai nữ sinh, ai cũng nhận ra Quỳnh có vẻ đẹp đài các, trái lại Ngân đẹp trang nhã dịu hiền. Quỳnh liến thoắng hay chọc phá thầy cô trong khi Ngân thùy mị nhút nhát. Phải chăng vì mồ côi mẹ sớm, tháng ngày sống bên người cha khó tính nên Ngân thiếu tình thương ? Bên cạnh Quỳnh líu lo cười nói, Ngân lại biếng nói, biếng cười. Tuy vậy, tình bạn vẫn gắn bó hai người gần bảy năm chung lớp. Xế chiều, Quỳnh đạp xe vào Gia định tìm Ngân để cùng giải bài toán khó. Hai mái đầu nghiêng nghiêng trên trang sách; mấy ngón tay thon cầm bút lướt qua lại tờ giấy nháp; môi mấp máy thì thầm các định lý đưa đến phương trình. Ra đáp số, hai cô bạn sung sướng nhìn nhau cười khúc khích.
Xếp sách lại, Quỳnh hỏi nhỏ Ngân:
- Lúc trưa, hắn có theo bồ không ?
Mặt tươi rói, Ngân lắc đầu:
- Không. Đở biết mấy.
Mắt dán nhìn bạn, Quỳnh hăm hở:
- Anh chàng là học trò của thầy Tùng à ?
- Ừ.
Nàng nhíu mày:
- Trường nào ?
- Hưng đạo.
Quỳnh ngạc nhiên:
- Thầy có dạy ở đó sao ?
Ngân thư thả kể:
- Nghe nói, ngoài Gia long, thầy Tùng còn dạy thêm mấy trường tư nữa.
Quỳnh nhìn bạn tò mò:
- Hôm Tết, bồ có đến nhà thầy ?
Đưa tay vuốt lại mái tóc, Ngân thản nhiên:
- Cúc, Lan đến rủ.
Quỳnh lừ mắt:
- Sao không gọi mình đi cùng ?
Ngó sửng bạn:
- Quỳnh đi Đà lạt với bác, bộ quên sao ?
Chợt nhớ ra, Quỳnh cười xòa:
- Ừ nhỉ !
Đoạn ra vẻ nghiêm nghị:
- Bồ nhận xét thầy Tùng thế nào ?
Chẳng chút do dự, Ngân đáp nhanh:
- Dạy toán giỏi hơn cô Hoàng.
Quỳnh lắc đầu:
- Không, mình muốn hỏi về cá nhân thầy kìa ?
Ngân tròn mắt không hiểu:
- Bồ muốn nói gì ?
Quỳnh bèn gợi ý:
- Ngân có thấy thầy đẹp trai không ?
Ngân lơ đảng nhìn ta sân, những ngón tay thon nhỏ trắng muốt mân mê tập giấy nháp:
- Ai biết, chỉ thấy thầy nghiêm nghị, công bình và tận tâm.
Quỳnh hỏi dồn:
- Còn sắc diện ?
Vẫn vẻ thản nhiên:
- Mặt thoáng buồn.
Quỳnh vỗ vai bạn:
- Bồ nhận xét đúng. Lúc giờ chơi, thầy không vào phòng giáo sư mà lại đi thơ thẩn ngoài hành lang, mắt nhìn mông lung như có tâm sự gì ?
Ngân ngắt lời:
- Chuyện riêng của thầy, can dự gì đến mình ?
Quỳnh cố nói thêm:
- Con Nhung kể thầy đang khổ vì vợ.
Ngân tặc lưỡi:
- Mấy bồ tọc mạch quá.
Bên ngoài trận mưa to vừa dứt hột, khí trời mát dịu dần, Quỳnh từ giã bạn đẩy xe ra về. Sáng hôm sau, trên đường đi học, Quang đón Ngân ở cầu Bông. Đạp xe song song, cậu học trò trường Hưng đạo ấp úng mở lời chào, đoạn trao cho Ngân quyển sách bên trong có phong thư. Ngân do dự hỏi:
- Gì thế anh ?
Chàng lắp bắp:
- Cho Ngân mượn quyển tiểu thuyết.
Ngân nhã nhặn từ chối:
- Gần thi rồi, tôi đâu có thì giờ xem.
Quang cố nài nỉ:
- Ngân cứ giữ, lúc nào trả cũng được.
Nàng cương quyết hơn:
- Cám ơn anh, để khi khác.
Đoạn nghiêm mặt:
- Thôi , anh đi trước nhé, rủi gặp người quen bất tiện lắm.
Nói xong, Ngân đạp xe chậm lại còn Quang thì thiểu não rẽ qua Tân định, mặt buồn hiu. Đến trường Gia long, Ngân thấy Quỳnh đón mình trước sân để nhắc nhở:
- Ê, mang phù hiệu chưa ? Bà Tổng giám thị đang khám để trừ hạnh kiểm đó.
Ngân khẽ gật đầu:
- Có rồi, cám ơn bồ.
Ngoài cổng trường, vài xe bán thức ăn được các nữ sinh vây quanh. Tuổi ô mai tuy e thẹn nhưng thích ăn quà vặt;từ ly đậu đỏ đến trái cóc ngâm cam thảo đều được các cô chiếu cố. Vừa ăn, vừa lấm lét nhìn quanh, sợ có chàng trai nào trông thấy. Chuông reo vang, các tà áo trắng ngay ngắn xếp hàng theo thầy cô vào lớp.
Chương hai
Tùng tốt nghiệp đại học sư phạm ban toán vừa đúng ba năm. Trong buổi gác thi tú tài, chàng gặp Phượng trong công tác. Tùng được chỉ định làm giám thị 1 còn nàng giám thị 2. Họ chỉ trao đổi nhau vài câu thông thường rồi ai làm việc nấy: phát giấy thi, giấy nháp, kiểm soát phiếu báo danh, thẻ học sinh v.v Khi chuông reo, Tùng chia đôi xấp đề thi cho Phượng để phân phát cho thí sinh. Lúc các sĩ tử cặm cụi làm bài, Phượng thường bắt gặp Tùng nhìn trộm mình. Vài lần đi rảo, Tùng tìm cách đến gần trò chuyện với Phượng. Cô giáo tiểu học và chàng giáo sư toán trở thành đôi bạn thân sau kỳ thi. Trong tuần, Tùng hay đến nhà thăm Phượng. Hè về, ve sầu tỉ tê trên cành phượng vĩ đỏ rực giữa sân trường. Trong khi học sinh trang bị kiến thức chuẩn bị ứng thí thì Tùng dìu Phượng lên xe hoa. Các bạn đồng nghiệp không ngớt lời khen cô dâu đẹp lộng lẫy bên cạnh chàng rể đạo mạo, khôi ngô.
Nào ngờ tình chồng vợ gắn bó chỉ được hai năm thì Phượng đổi tánh. Sau khi sanh bé Ngọc, Phượng bị nám phổi. Tùng xin cho vợ nghỉ việc vì chàng vừa dạy công vừa dạy tư nên thừa phương tiện lo cho gia đình. Nhờ thuốc men đầy đủ, chẳng bao lâu, Phượng lành bịnh. Chăm sóc nhà cửa, đi chợ nấu ăn, đã có Dì Ba giúp việc, Phượng dành hết thì giờ lo cho chồng con. Nếu giòng đời cứ êm trôi như nước chảy dưới chân cầu thì Tùng sẽ ngụp lặn trong hạnh phúc. Nhưng Tùng học toán chứ không học được chữ ngờ. Phượng thường giao con cho dì Ba để đi vắng nhà cả buổi, rồi suốt ngày. Sinh nghi, Tùng theo dõi mới biết Phượng nghe lời bạn sa vào cờ bạc. Chàng không ngờ một cô giáo đoan trang mà có thể ngồi sòng tứ sắc giờ này sang giờ nọ; hết đứt chến này lại bày chến khác. Phượng quên bổn phận làm vợ, làm mẹ. Nén nỗi buồn vào lòng, Tùng tìm lời khuyên nhủ Phượng; chẳng những không nghe, Phượng càng đam mê thêm.
Cho đến một hôm, Tùng đang giảng bài trong lớp 12 B thì cô giám thị vào mời chàng lên văn phòng gấp vì có điện thoại từ nhà gọi. Hớt hải, Tùng nhờ cô trông chừng lớp rồi vội vã đi. Bắt ống lên, Tùng nghe bên kia đầu dây tiếng dì Ba:
- Cậu Hai đấy à ?
Tùng sốt ruột:
- Tôi đây, có việc gì vậy Dì ?
Bà giục giã:
- Cậu về ngay, bé Ngọc nóng sốt nhiều lắm.
Chàng đâm hoảng:
- Còn mợ đâu, sao không đưa con đi bác sĩ ?
Giọng chán nản:
- Mợ đâu có ở nhà.
Tùng uất nghẹn:
- Trời ơi !
Buông ống nghe xuống, chàng xin phép bà giám học ra về để lo cho con. Không đầy một tuần, bịnh thương hàn đã giết chết bé Ngọc trên tay Tùng. Bầu trời như sụp đổ. Nguồn an ủi cuối cùng bị mất đi. Chàng đăm ra hận Phượng. Tùng đóng chương mục ngân hàng để Phượng không rút được tiền đi đánh bạc. Nhưng Tùng đâu ngờ Phượng đã có ông Phan tung tiền cho nàng tha hồ tiêu để rồi cuối cùng Phượng ngã vào vòng tay người đàn ông góa vợ. Cảm thấy mình bất lực, Tùng bó tay mặc cho định mệnh đẩy đưa.
Một sáng Chúa nhựt, chàng đang chấm bài kiểm thì Quang đến, đứng thập thò trước cửa:
- Thưa Thầy.
Ngẩng đầu nhìn, Tùng mỉm cười:
- Quang đấy à, vào đi em.
Cậu học sinh rụt rè:
- Em có làm phiền Thầy không ?
Giọng cởi mở:
- Không. Em có việc gì cần đến thầy ? Toán khó à ? Hay bài giảng không hiểu ?
- Dạ không.
Hơi ngạc nhiên:
- Thế em chỉ đến thăm thầy ? Ngồi đi em.
Đắn đo trong giây lát, Quang ấp úng:
- Em muốn nhờ Thầy một việc.
Với cái nhìn nghiêm chỉnh:
- Em cứ nói. Sao cứ ngập ngừng mãi làm thầy sốt ruột.
Quang lấy lại bình tĩnh trình bày:
- Sau tú tài, em sẽ thi vào trường sĩ quan hải quân Nha trang.
Tùng vỗ vai đứa học trò dễ thương:
- Muốn tang bồng hồ hải à ?
Cười nửa miệng:
- Làm trai trong thời chiến mà Thầy.
Tùng hăm hở:
- Rồi sao nữa ?
Hơi lúng túng, Quang ngập ngừng:
- Em có để ý yêu Ngân, nữ sinh Gia long của Thầy đó.
Tùng sửng sốt nhìn cậu học trò si tình:
- Cô ấy có biết không ?
Một thoáng buồn hiện ra trên gương mặt thư sinh:
- Em chưa dám nói.
Thương hại đứa học trò mới chớm yêu, Tùng hòa nhã góp lời:
- Ngân đẹp và thùy mị, thầy biết nhiều. Hình như cô ấy mồ côi mẹ.
Trầm ngâm nghĩ ngợi trong khoảnh khắc, Quang áy náy:
- Nhờ Thầy làm mai giùm. Em muốn cưới Ngân trước khi nhập ngũ.
Vừa ngạc nhiên, vừa ngại ngùng, Tùng phân vân:
- Hôm Tết, mấy đứa gặp nhau tại đây, Thầy đã giới thiệu tất cả rồi.
Giọng bùi ngùi:
- Đành vậy, nhưng nhiều lần em theo tâm sự, Ngân đều lẩn tránh.
Tùng cười giã lã:
- Chắc Ngân thẹn, em phải hiểu chứ ?
Chớp ngay cơ hội, Quang hí hửng:
- Thế nên em mới nhờ đến Thầy.
Tùng đằng hắng rồi nghiêm nghị bảo:
- Nói ra em đừng buồn. Làm trai mà ngồi chờ cha mẹ đi hỏi vợ cho thì có thể sau này hối hận vì tính tình không hợp. Cũng như em, nhờ mai mối thì biết đâu em sẽ oán ông mai nếu vợ chồng em cắn đắng. Theo thầy nghĩ, mình phải dò xét kỹ người mình yêu rồi tìm cách chinh phục. Nếu nàng đồng cảm thì tình yêu sẽ vững bền.
Câu chuyện chưa dứt thì có Quỳnh đến, nàng đon đả chào:
- Thưa Thầy.
Tùng hân hoan:
- Ngọn gió nào đưa Quỳnh tới đây ?
Đoạn nhìn cả hai:
- Thầy giới thiệu Quang, học trò của Thầy ở trường Hưng đạo, còn đây là Quỳnh, nữ sinh Gia long.
Nghiêng đầu chào, Quỳnh trố mắt nhận ra anh chàng thường lẽo đẽo theo Ngân. Tùng nhìn cô học trò duyên dáng sắc sảo hỏi:
- Em đến một mình à. Còn Ngân đâu ?
Lỏn lẻn chớp mắt:
- Dạ nó trông chừng nhà, ba nó đi vắng.
Thấy sự có mặt của mình không còn cần thiết, Quang bẽn lẽn chào ra về nhưng Tùng cản:
- Em cứ ngồi lại chơi, thầy trò nhau cả .
Quay sang Quỳnh:
- Từ ngày bé Ngọc mất, các em sợ Thầy buồn nên luôn đến an ủi. Không sao đâu, Thầy còn nghị lực để vượt qua mà.
Quỳnh thở dài:
- Bọn em thương Thầy nhiều.
Bỗng ngoài cổng Phượng lầm lủi bước vào, mặt hầm hầm không màng để ý đến những người hiện diện. Cảm thấy không khí có vẻ nặng nề, Quỳnh và Quang âm thầm lui bước. Phượng liền đến bên chồng gắt gỏng:
- Anh Tùng, tôi muốn cùng anh giải quyết dứt khoát.
Chàng điềm nhiên:
- Việc gì ?
Phượng cộc lốc trả lời:
- Chúng ta ly hôn.
Tùng cười mỉa:
- Tùy em. Chừng nào ?
Giọng huênh hoang:
- Nội trong tháng này.
Chàng nhìn Phượng não nề:
- Để em chính thức làm vợ ông Phan ?
Nàng nhún vai, bĩu môi:
- Khỏi cần nói, anh cũng thừa biết.
Tùng thẫn thờ:
- Tốt thôi. Vậy em lo thủ tục đi, anh sẽ ký.
Mặt sáng rỡ, Phượng không ngờ Tùng chấp nhận dễ dàng:
- Có sẵn rồi.
Một chiều thứ bảy, nghĩa trang Mạc đỉnh Chi đượm vẻ buồn áo não. Lá vàng từ hàng cổ thụ lả tả rơi trên những nấm mộ nằm lặng lẽ. Tiếng ve sầu nức nở hòa với tiếng dế tỉ tê tạo một âm thanh ray rức. Tùng đặt bó hoa trên mộ con, mắt nhìn mông lung như tìm một hình ảnh. Bé Ngọc ra đời không đúng lúc nên ngán ngẫm bỏ đi để lại lòng cha nỗi trống vắng vô bờ. Nơi khóe mắt, hai giọt lệ từ từ lăn dài trên đôi má. Tùng lấy khăn tay lau nước mắt. Một ngọn gió từ đâu dạt về rì rào bên tai như tiếng thỏ thẻ của con thơ ngày nào. Cắm xong bó hoa vào bình, Tùng ngồi bên mộ con. Từ xa, hai bóng nữ sinh thướt tha trong chiếc áo dài trắng nhè nhẹ đến gần chàng.
- Thưa Thầy.
Ngẩng đầu lên thấy hai đứa học trò đang đứng trước mặt, Tùng ngạc nhiên:
- Ngân, Quỳnh đi đâu đây ?
Ngân nhỏ nhẹ đáp:
- Trên đường đến nhà Quỳnh, em thoáng thấy Thầy vào nghĩa trang nên rủ Quỳnh đi tìm Thầy và thăm mộ em luôn thể.
Đang dằn vặt với khổ tâm, Tùng nén xúc động:
- Cám ơn hai em. Nhưng nơi nầy buồn lắm, chỉ ngăn cách một bức tường rào mà có hai thế giới: một bon chen, lọc lừa, một suôi tay nhắm mắt.
Quỳnh cảm động:
- Biết thế nên chúng em đến an ủi Thầy.
Gió lộng về, cành cây vật vã, mây đen vần vũ phủ kín nền trời. Tùng uể oải đứng lên:
- Thôi, thầy trò mình về kẻo mưa.
Cả ba lững thững rời nghĩa trang, Tùng khẽ hỏi:
- Nhà Quỳnh ở gần đây à ? Nét mặt thơ thới:
- Dạ, trên đường Mạc đình Chi.
Chàng liếc sang Ngân:
- Còn em ?
- Thưa, gần chợ Bà chiểu.
Tùng hỏi dồn:
- Thế mỗi ngày em phải đạp xe ra Gia long ?
Miệng chúm chím mỉm cười:
- Dạ, quen rồi Thầy.
Từ giã hai cô học trò, Tùng lái Vespa chạy rong khắp phố phường bất chấp trời chuyển mưa. Chạng vạng tối, Tùng mới trở về nhà trước vẻ lo ngại của dì Ba. Kỳ thi tú tài đến, Tùng được cử chấm toán ban B. Lúc hồi phách, chàng chú ý theo dõi kết quả của học sinh mình. So sánh tỷ số thí sinh đỗ, Gia long cao hơn Hưng đạo nhiều. Lúc niêm yết, Tùng chứng kiến cảnh người cười kẻ khóc. Chàng thơ thẩn ra xe về, bỗng nghe tiếng gọi sau lưng:
- Thầy ơi, em đậu rồi.
Quay lại thấy Quỳnh cười nói líu lo, Tùng cũng vui lây:
- Hạng gì ?
Gương mặt rạng rỡ:
- Dạ bình thứ.
Tùng khoan khoái trong lòng bèn hỏi tiếp:
- Còn Ngân ?
Cô nàng ríu rít:
- Nó đậu bình Thầy ơi.
Chàng hãnh diện gật gù:
- Mừng cho các em.
Quên dè dặt, Quỳnh nắm tay thầy:
- Chừng nào bọn em khao, chúng em mời Thầy đến chung vui nhé.
Hơi đắn đo:
- Để xem. Thầy chưa dám hứa.
Ra khỏi trường Trương vỉnh Ký, Tùng lái xe đi một khoảng đường, chợt thấy bóng Ngân đang đẩy chiếc xe đạp. Chàng dừng lại:
- Mừng em đậu cao.
Mắt chớp lia, miệng tủm tỉm cười:
- Nhưng xui quá Thầy ơi !
Tùng ngơ ngác:
- Sao vậy ? Mặt nhễ nhãi mồ hôi, nàng phụng phịu:
- Dạ ra về, xe bị bể lốp.
Chàng ngó quanh:
- Để thầy tìm chổ vá cho.
Chợt Quang từ xa chạy đến:
- Em đậu rồi Thầy.
Tùng hân hoan:
- Thầy hãnh diện lắm. Này Quang, xe của Ngân bị bể lốp, em mang qua bên kia đường nhờ thợ vá giùm.
Quang nhanh nhẩu nhận nhiệm vụ:
- Thầy để em lo.
Tùng cười thầm, mừng giùm anh chàng gặp dịp làm nghĩa hiệp. Tránh cho Ngân khỏi thẹn, Tùng mời cô học trò vào quán uống nước để chờ sửa xe xong. Sau hôm đó, Quang tìm cách gặp Ngân nhiều hơn nhưng Ngân vẫn lãnh đạm như trước.
Chương ba
Phượng về làm vợ thầu khoán Phan hơn một năm. Nàng tha hồ vung tiền cờ bạc và tiêu xài phung phí. Đắm say trước sắc đẹp của Phượng, Phan lao theo những canh bài thâu đêm nên trễ hạn nhiều hợp đồng xây cất. Cơ ngơi bị soi mòn dần, tiền lãi ngân hàng không trả nổi. Cho đến một hôm, Phan nhận được giấy báo đòi nợ cuối cùng trước khi nhà băng tịch biên tài sản. Trăn trở suốt đêm, Phan bàn với vợ gom góp tiền mặt và nữ trang trốn sang Nam vang tìm đường đi Pháp vì Phan có người em trai ngụ tại Paris. Phượng khen thượng sách nhưng lưỡng lự hỏi chồng:
- Còn con gái của anh, nó sẽ ở đâu ?
Buồn rũ rượi:
- Anh gởi nó về sống với bà ngoại nó ở Long xuyên.
Phượng còn hoang mang:
- Việc này nên cho nó biết không ?
Phan cuối đầu nghĩ ngợi:
- Để thu xếp xong rồi giờ chót báo cho nó hay.
Nàng hoan hỉ:
- Cũng được.
Đoạn thúc giục chồng:
- Thì giờ cấp bách lắm rồi, mình thực hành nhanh đi.
Bỗng cánh cửa phòng mở toang, một cô gái đầm đìa lệ nghẹn ngào tức tưởi:
- Tôi nghe hết rồi, Dì ác lắm, tại Dì mà sự nghiệp của cha tôi tiêu tan. Tôi hận Dì suốt đời, Dì nghe rõ chưa ? Tôi hận Dì.
Rồi nàng nhìn sang cha:
- Con không muốn Ba tạo gánh nặng cho ngoại, con đủ sức lo lấy thân. Xin vĩnh biệt.
Mặc cho Phan theo phân trần, con gái ông vào phòng ôm mặt khóc. Nén cơn đau, nàng mở tủ gom lấy áo quần cho vào chiếc vali lớn. Phan đến bên con ái ngại hỏi:
- Không về ngoại, vậy con đi đâu ?
Ràn rụa nước mắt, thiếu nữ không trả lời, chỉ đến ôm cha giã biệt rồi lặng lẽ ra khỏi nhà. Hai hôm sau, khi thừa phát lại đến niêm phong ngôi biệt thự thì vợ chồng Phan đã trốn sang Campuchia.
Hai năm hững hờ qua. Giờ đây, Quang mang cấp bậc hải quân thiếu úy phục vụ trên một chiến hạm tuần dương. Quỳnh học xong năm thứ hai trường luật, còn Ngân sắp bước lên năm thứ ba đại học sư phạm. Một hôm, Quỳnh vào cư xá nữ sinh viên tìm thăm bạn. Để dễ tâm sự, Ngân đưa Quỳnh ra ngồi trên băng đá dưới bóng râm. Ngân nắm tay bạn thì thầm:
- Mình có một việc muốn hỏi bồ.
Quỳnh sốt ruột:
- Chuyện gì vậy ?
Với nhân dáng dịu dàng kín đáo, Ngân thỏ thẻ kể:
- Vì biết học bổng eo hẹp không đủ xoay trở, cứ mỗi tháng, bà ngoại mình mang tiền lên cho. Ngân hỏi thì bà cười nói huê lợi thu được trong vườn. Mình không tin, vì với mảnh vườn cam nhỏ bé, ngoại tìm đâu ra một ngàn đồng hằng tháng phụ mình. Gần đây, ngoại thú thật có người thầy cũ nào đó giúp đỡ vì sợ mình bận kiếm sống mà dang dở việc học. Hỏi tên thì ngoại nói không biết. Vậy bồ đoán coi ai là ân nhân của mình ?
Quỳnh ngẫn ngơ lắc đầu:
- Chịu thôi. Bọn mình có nhiều thầy cô quá, làm sao đoán được ai ?
Không hy vọng Quỳnh giúp được gì, Ngân nói sang chuyện khác:
- Lâu quá không gặp thầy Tùng, bồ có đến thăm không ?
Buồn rười rượi:
- Thỉnh thoảng có.
Đưa mắt nhìn bạn với vẻ thân thiết:
- Còn tình cảm giữa bồ với thầy ?
Buông tiếng thở dài, Quỳnh nhìn mông lung, gợi nhớ hai tháng trước khi nàng vừa ra khỏi nhà thì thấy Tùng đang gởi xe để vào nghĩa trang thăm mộ con. Quỳnh len lén theo sau. Đợi thầy trằm mặc đôi phút, nàng mới nhẹ gót đến gần:
- Thầy vẫn còn buồn sao ?
Không chú ý đến câu hỏi, Tùng chuyển đề tài:
- Mấy năm nữa em xong cử nhân luật ?
- Dạ hai năm.
Chợt nhớ đến Ngân:
- Còn Ngân thế nào ? Em thường gặp cô ấy không ?
Quỳnh bình thản đáp:
- Nó sắp làm đồng nghiệp của Thầy rồi.
Tùng khoan thai:
- Tốt lắm.
Đôi môi mấp máy, Quỳnh e ấp:
- Sao Thầy không làm lại cuộc đời ?
Với tâm hồn hoang vắng, lòng buồn da diết:
- Một lần dang dở chưa đủ sao em ?
Bản tính hồn nhiên:
- Thầy có biết Thầy là thần tượng của nhiều nữ sinh không ?
Tùng ngán ngẩm:
- Em trêu Thầy đấy à ?
Nàng quả quyết:
- Không, em nói thật mà.
Chàng không tin:
- Dựa vào đâu ?
Giọng lém lỉnh:
- Đứa nào cũng khen Thầy đẹp trai, đạo mạo.
Tùng vội cắt ngang:
- Nhưng nhu nhược nên mất vợ.
Quỳnh cãi lại: -
- Tại Cô chứ đâu phải Thầy gây ra.
Không muốn ray rứt thêm với nỗi buồn dang dở:
- Thôi đừng nhắc chuyện đã qua nữa Quỳnh.
Nàng ví von:
- Vậy em nói chuyện khác nhé. Thầy đoán thử trong lớp 12B có một nữ sinh thầm yêu Thầy.
Tùng sửng sốt:
- 12B nào ? Lớp của em ngày trước à ?
- Dạ.
Chàng cười xoà:
- Đã nói thầm yêu thì làm sao Thầy biết ? Em ngớ ngẩn rồi đấy.
Quỳnh trách khéo:
- Hay tại Thầy vô tình ?
Lời lẽ của cô học trò cũ làm Tùng thắc mắc:
- Em muốn nói ai ?
Nàng mím môi ấp úng:
- Quỳnh.
Tùng nhìn sửng cô sinh viên xinh đẹp đối diện mình:
- Em đừng nông nổi, bốc đồng rồi tự chuốt khổ vào thân. Làm sao Thầy mang hạnh phúc đến cho em được ?
Dáng vẻ bướng bỉnh, Quỳnh nhấn mạnh:
- Đã yêu rồi, em sẵn sàng chấp nhận.
Chàng tìm lời chuyển hướng tư tưởng của người con gái mới lớn lên:
- Em chớ đem cái lãng mạn trong tiểu thuyết ra áp dụng vào đời. Thực tế phũ phàng lắm không như em mơ tưởng đâu. Còn trẻ đẹp, thế nào rồi em cũng gặp một người chồng tâm đầu ý hợp. Em cho phép Thầy xem Quỳnh như đứa em gái. Đồng ý đi Quỳnh nhé!
Thấy bạn lộ vẻ buồn ngồi lặng thinh, Ngân thúc vai Quỳnh:
- Sao mình hỏi mà bồ không trả lời ?
Giựt mình trở lại thực tế, Quỳnh lắc đầu chán nản:
- Bồ biết không, Quỳnh đã thố lộ lòng mình nhưng thầy chỉ xem Quỳnh như cô em gái thôi.
Ngân châu mày suy nghĩ:
- Lạ thật. Trong lớp có ai đẹp hơn bồ. Hay tại thầy để ý cô Linh ?
Quỳnh hững hờ:
- Mình không biết.
Ngân lẩm bẩm:
- Có lẽ thầy mất niềm tin vào phụ nữ. Con chim bị ná thấy cành cây nào cũng sợ.
Sau khi Quỳnh ra về, Ngân ngồi một mình thờ thẫn. Chuỗi ngày đã qua bỗng quay lại. Đối với các cô gái khuê phòng, ít giao tiếp bên ngoài, không bạn trai, họ chỉ biết vùi đầu vào sách vở. Ra khỏi tuổi dậy thì tim bắt đầu rạo rực, lòng biết mộng mơ. Thế rồi bị đóng khung trong một trường nữ, đối tượng của các cô là những giáo sư trẻ tiếp xúc hàng ngày. Phải chi họ được học chung với các nam sinh như ở các trường tư thì đối tượng phân tán, tình cảm không bị dồn nén, tiếng lòng có người nghe. Trường Đại học sư phạm dạy tâm lý trẻ từ lúc bé cho đến tuổi vị thành niên; thế mà Bộ giáo dục không chú ý đến điểm đó. Biết bao việc đáng tiếc đã xảy ra trong các trường nữ trung học. Quỳnh và Ngân cũng không ra khỏi định luật tất nhiên của tuổi dậy thì. Quỳnh hoạt bát, lanh lợi, cương quyết; trái lại Ngân e lệ, rụt rè, nhút nhát nhưng hai con tim vừa biết rung động cùng đi một nẻo đường. Qua cử chỉ và lời nói, Ngân biết Quỳnh yêu thầy Tùng. Ngân cũng chẳng khác Quỳnh, nhưng nàng kín đáo hơn, biết nén tiếng lòng thổn thức, biết hướng con tim đi lối khác. Ngân từ chối tình của Quang chỉ vì Ngân đã yêu thầy, yêu câm lặng, yêu trong mộng thôi. Quỳnh táo bạo hơn dám mạnh dạn thốt ra những gì nàng cảm nghĩ, còn Ngân thì âm thầm sống nội tâm nên khó ai biết lòng nàng. Mượn thời gian và việc học, Ngân cố đè nén con tim chỉ mong Quỳnh được toại nguyện làm vợ thầy. Nhưng Quỳnh vừa vấp ngả, Ngân thương bạn nhiều hơn. Nàng nghĩ, thầy đâu phải của riêng lớp 12B. Tiếp nối những niên học, thầy chỉ là ông lái đò đưa biết bao lớp 12 sang sông rồi quay về bến cũ đón người mới. Thầy của tất cả chứ không của riêng ai. Quỳnh đã chuốt lấy khổ vì Quỳnh quá tự tin. Ngân khen mình chọn quyết định đúng. Từ ngày trúng tuyển vào đại học sư phạm ban lý hóa, Ngân không đến thăm thầy vì nàng muốn tránh bão tố dấy động. Chỉ hỏi thăm thầy lúc gặp Quỳnh và chờ đợi thiệp hồng của hai người. Nào ngờ tình của Quỳnh không đoạn kết.
Chương bốn
Một sáng thứ bảy, Tùng đang ngồi chấm bài thì ngoài cổng thấp thoáng ai bấm chuông. Dì Ba vào báo có bà hai Minh từ Long xuyên lên. Chàng buông viết ra mời khách vào nhà:
- Chào Bác Hai. Bác đi chuyến mấy giờ mà tới Sàigòn sớm vậy ?
Bà cười tít mắt:
- Dạ sợ kẹt phà, tôi đi xe thơ cho nhanh.
Nhìn bà lão tuy lớn tuổi nhưng nhờ sống ở đồng quê nên vẫn khoẻ, Tùng cầm tay bà:
- Tội nghiệp Bác quá! Đáng lý cháu không nên làm phiền Bác.
Dáng người đôn hậu, chất phác, bà xua tay:
- Có gì đâu, sẵn dịp mỗi tháng lên thăm cháu luôn thể. Phải chi tôi bương chảy được thì đâu dám nhờ Thầy.
Chàng từ tốn:
- Bác yên tâm, cháu tự nguyện mà.
Giọng đầy cảm xúc:
- Trời cũng thương nên con Ngân mới được Thầy giúp đỡ.
Bằng lời lẽ nhún nhường:
- Bác đừng nhắc chuyện ơn nghĩa. Thấy hoàn cảnh của đứa học trò cháu đâu nỡ làm ngơ.
Bà Minh rơm rớm nước mắt:
- Mấy năm trời rồi còn gì. Có ai tốt như Thầy ?
Mời khách uống nước xong, Tùng vào trong lấy một bao thư ra trao cho bà:
- Bác ở lại dùng cơm trưa với cháu rồi hãy đến thăm Ngân.
- Cám ơn Thầy.
Không muốn dì Ba biết việc riêng, Tùng bảo người giúp việc đi chợ. Còn lại một mình với bà Minh, Tùng tâm sự:
- Ngân gần ra trường rồi, cháu vui lắm. Mọi việc cũng nhờ em Quỳnh. Lúc Ngân bị cha bỏ rơi đến tá túc ở nhà Quỳnh, cô ấy giấu bạn tới báo cho cháu biết và cho địa chỉ của Bác ở Long xuyên; cháu mới tìm xuống bày kế hoạch giúp học trò mình.
Bà Minh e ngại:
- Cô Quỳnh có biết không Thầy ?
Chàng lắc đầu:
- Dạ không. Chỉ có hai bác cháu mình thôi.
Buông tiếng thở dài, những nếp nhăn hiện ra trên vầng trán:
- Nhiều lần mang tiền đến, tôi dối cháu là huê lợi vườn cam nhưng nó không tin.
Tùng lo ngại:
- Rồi Bác tiết lộ à ?
Bà phân bua:
- Khó quá Thầy ơi. Một vài tháng thì được, chứ năm này sang năm khác, tôi làm sao nói láo mãi được ?
Tùng sốt ruột:
- Vậy Bác đã nói hết cho Ngân nghe rồi sao ?
Bà Minh nhanh miệng đáp:
- Không, tôi vẫn giữ lời hứa với Thầy, chỉ nói có một nửa thôi.
Tùng ngẩn người:
- Chết rồi, Ngân thông minh lắm, một nửa của Bác cũng đủ Ngân moi trí tìm ra.
Sợ phật lòng Tùng, bà giải thích thêm:
- Tôi bảo có một người thầy sợ nó lo kiếm sống mà bỏ dở việc học nên giúp đỡ nó.
Tùng ngó sửng bà:
- Rồi Ngân hỏi tên.
Bà Minh hơi luống cuống:
- Nhưng tôi bảo không biết.
Lòng bồn chồn:
- Ngân tin lời Bác sao ?
Giọng ngập ngừng:
- Thấy tôi già lẩm cẩm, chắc nó tin.
Tùng yên tâm hơn:
- Thế cũng được. Vả lại, sự việc sắp hoàn tất rồi.
Bà Minh ấp úng:
- Tôi muốn hỏi Thầy một điều.
Chàng vui vẻ:
- Dạ, Bác đừng ngại.
Một thoáng băn khoăn lộ rõ trên gương mặt già nua:
- Chừng nào cháu tôi mới được biết người ơn của nó ?
Chẳng đắn đo, Tùng nhanh nhẩu:
- Thưa Bác, không cần thiết đâu.
Bất giác mủi lòng:
- Thầy tốt mà nói vậy, chớ bà cháu tôi làm sao yên tâm được ?
Tùng khẩn khoản:
- Để Ngân tốt nghiệp xong rồi sẽ tính. Bác nghe cháu đi.
Cơm trưa xong, bà Minh từ giã Tùng lên xích lô máy ra đại học xá nữ sinh viên thăm cháu. Gặp bà ngoại hằng tháng, Ngân cũng bớt cô đơn. Nàng cầm mấy trái cam sành trong tay, lòng thương ngoại nhiều. Đời nàng giờ đây chỉ còn lại hai bà cháu. Ngoại Ngân bạc phần, chồng chết chưa mãn tang lại mất thêm đứa con gái duy nhứt. Ngồi dưới tàng cây bã đậu, bà Minh trìu mến vuốt tóc cháu:
- Càng lớn con càng giống mẹ.
Ngân sung sướng ngã đầu vào vai bà:
- Thật vậy hả Ngoại ?
Bà gật gù:
- Ừ, như hai giọt nước.
Nàng hân hoan nhìn ngoại:
- Tốt nghiệp xong, con sẽ xin về dạy ở Long xuyên để sống gần Ngoại.
Bà cau mày nghĩ ngợi mông lung:
- Xin là một việc, họ có cho không là việc khác.
Lòng đầy phấn khởi:
- Thì cứ hy vọng chứ Ngoại.
Ngoại Ngân lấy tiền trong túi áo ra trao cho cháu. Ngân cầm tay bà thỏ thẻ:
- Năm ngoái, Ngoại mới tiết lộ cho con biết một phần, vậy chừng nào Ngoại mới nói phần còn lại ?
Giả vờ lẩm cẩm, bà vỗ vai cháu:
- Con nói gì quanh co, Ngoại không hiểu ?
Không chút chần chừ:
- Con muốn biết ai là ân nhân của con ?
Bà ỡm ờ:
- Thi ra trường rồi con sẽ biết.
Nàng lắc tay ngoại:
- Thiệt nhé ! Ừ, Ngoại nói thật mà.
Đêm xuống, hai bà cháu ngủ chung một giường trong cư xá. Sáng sớm, Ngân đưa ngoại ra bến xe đò An đông trở về Long xuyên. Thời gian lại hững hờ trôi. Ba tháng sau, thi tốt nghiệp xong, Ngân đi xe buýt vào thăm thầy Tùng trước khi được bổ nhiệm. Quá bất ngờ, Tùng trố mắt nhìn Ngân sau mấy năm xa vắng, trong lòng dấy lên một cảm giác khó tả. Cô học trò cũ vồn vã:
- Thưa Thầy, Thầy vẫn mạnh ?
Cười sung sướng, Tùng nhìn thật lâu cô nữ sinh ngày nào:
- Cám ơn em.
Ngân ngó trước sau đoạn e dè hỏi:
- Thầy vẫn cô đơn ?
Chàng chép miệng:
- Quen rồi em à.
Giọng cười hồn nhiên vô tư lự như thuở nào:
- Gia long có gì lạ không Thầy ?
Tùng thanh thản:
- Vẫn người đi, kẻ đến.
Mặt tươi rói, Ngân ríu rít:
- Quỳnh có đến thăm Thầy không ?
Nét suy tư hiện trên vầng trán:
- Mấy năm trước có, sau nầy vắng dần.
Ánh mắt chợt vui:
- Nó cũng xong cử nhân luật rồi Thầy.
Tùng hớn hở:
- Thế à. Còn em ? Giờ là đồng nghiệp của Thầy rồi chứ ?
Ngân cười để lộ hai núm đồng tiền duyên dáng trên đôi má ửng hồng:
- Dạ không dám đâu.
Bỗng Tùng lộ vẻ buồn:
- Em có thấy báo đăng Quang đã tử trận không ?
Bàng hoàng sửng sốt:
- Trời đất ! Hồi nào Thầy ?
Giọng ngậm ngùi: -
Thầy có đến gặp cha mẹ Quang để chia buồn thì được biết chiến hạm của Quang bị tàu Trung cộng đánh chìm trong lúc bảo vệ đảo Hoàng sa.
Lòng chạnh xót xa:
- Rồi anh ấy chết theo tàu ?
Với tâm trạng chán chường:
- Đúng vậy. Tội nghiệp Quang quá ! Không chỉ riêng Quang mà Thầy thương cho một thế hệ thanh niên đã nằm xuống. Như em thấy, người lãnh đạo chân chính thì bị họ giết chết thê thảm; kẻ đầu cơ chính trị thay nhau nhảy múa diễn tuồng yêu nước. Buồn thật ! Tại sao hai siêu cường mệnh danh lãnh đạo thế giới không dám trực diện đối đầu nhau mà phải mượn các nước nhược tiểu làm chiến trường thí nghiệm vũ khí của họ ? Họ núp dưới chiêu bài ái quốc nầy, dựa vào các chủ nghĩa ngoại lai nọ để khích động một thế hệ trẻ giết nhau. Biết đến bao giờ dân tộc ta mới hết bị đọa đày ?
Ngân thở dài ngao ngán:
- Nếu ngày trước em nhận lời Quang thì giờ đây em phải chít vành khăn trắng.
Chợt nhớ ra, Tùng kể lại:
- Có lần bị em từ chối, Quang đến tìm Thầy cầu cứu.
Ngân ngơ ngác:
- Nhờ Thầy làm mai à ?
Tùng buồn bã:
- Nhưng Thầy từ chối vì tình yêu qua mai mối mong manh lắm. Em có thể cho Thầy biết vì sao em không yêu Quang ?
Ngân ngập ngừng mím môi:
- Vì tim em không còn chỗ.
Tùng dí dỏm:
- Vậy ai có diễm phúc ngự trong lòng người đẹp ?
Nàng vọt miệng:
- Thầy muốn biết à ?
Tùng xua tay:
- Không, chuyện tình cảm của em, Thầy đâu có quyền tò mò.
Ngồi trên sa lông, Ngân rảo mắt nhìn quanh. Thấy có tấm ảnh bám đầy bụi, nàng đứng lên, đến gần xem. Bỗng Ngân giật mình:
- Ảnh của ai vậy Thầy ?
- Phượng ngày xưa.
Nàng tròn mắt sửng sốt:
- Cô đấy à ?
- Phải.
Mặt biến sắc, Ngân lịm người choáng váng:
- Trời ơi !Sao lại thế nầy ?
Tùng ngớ ngẩn, mắt đăm đăm nhìn Ngân:
- Em nói gì, Thầy không hiểu ?
Lòng đau nhói, tim thắt lại:
- Làm sao Thầy hiểu được ? Thầy có biết người chồng sau này của cô là ai không ? Không do dự, Tùng đáp nhanh:
- Ông thầu khoán Phan.
Ngân mỉm cười chua chát:
- Thầy có gặp mặt ông ta chứ ? Chàng lắc đầu:
- Không.
Ra vẻ sốt ruột:
- Tại sao ?
Nỗi buồn chưa xoá nhoà trong tâm khảm, Tùng ngao ngán:
- Kẻ bị đánh gục thì cứ cúi đầu chịu đau, chớ ngước mặt nhìn người thắng mình càng thêm nhục.
Trong lòng rối bời, Ngân ngập ngừng, lưỡng lự nhưng cuối cùng phải tiết lộ:
- Thầy biết không, ông Phan là cha ruột của em còn bà Phượng là kế mẫu đó.
Sự việc đến quá đột ngột, Tùng vồn vã hỏi:
- Em nói thật chứ ?
Rớm nước mắt, Ngân gật đầu:
- Em đâu dám dối Thầy.
Chàng sững sờ:
- Vậy mà mấy năm qua vô tình thầy trò mình nào hay biết gì. Âu cũng là định mệnh trớ trêu.
Lúc ấy, ngoài cổng thấp thoáng một bóng người. Ngân ra xem, bỗng nàng ngạc nhiên mở to mắt:
- Kìa Ngoại, sao biết con ở đây ?
Bà Minh cũng ngẩn ngơ nhìn cháu:
- Ngoại đâu có tìm con.
Ngân không hiểu:
- Vậy Ngoại quen ai ở đây ? Dì Ba à ?
Lắc đầu quầy quậy:
- Không, Ngoại muốn gặp thầy con.
Tùng nghe văng vẳng tiếng đối đáp ngoài sân nên bước ra xem, chàng chưng hửng, miệng lắp bắp:
- Chào Bác mới lên.
Ngân hoang mang hỏi dồn:
- Sao Ngoại quen thầy con ?
Không muốn giấu cháu nữa, bà nhìn Ngân:
- Vì Ngoại đến đây mỗi tháng.
Như người vừa tỉnh giấc mơ, Ngân trào nước mắt:
- Trời ơi, người chu cấp tiền cho con ăn học là thầy Tùng.
Không còn e thẹn, Ngân tiến đến nắm tay Tùng, rồi từ từ quỳ xuống:
- Thầy cho phép em lạy tạ Thầy. Tùng khoát tay, vội đỡ lấy Ngân.
- Đứng lên đi em. Đừng làm thế tội cho Thầy.
Ràn rụa nước mắt, Ngân nghẹn ngào nói trong ngấn lệ:
- Tại sao bốn năm nay Thầy giấu em ?
Đưa tay vuốt mái tóc mượt mà của Ngân, Tùng phân trần:
- Vì sợ em tự ái từ chối sự giúp đỡ của Thầy.
Quay sang ngoại, Ngân lắc tay bà:
- Còn Ngoại nữa, cứ úp mở không cho con biết sự thật.
Bà Minh chỉ Tùng:
- Tại Thầy căn dặn nên Ngoại phải làm theo.
Ngân vẫn sụt sùi khóc:
- Ơn Thầy làm sao em trả được ?
Tùng bày tỏ:
- Vì sự có mặt đột ngột của ngoại em mà mọi chuyện bị tiết lộ.
Bà Minh phụ thêm:
- Thầy còn định giấu con luôn nữa đó.
Ngân thút thít nói tiếng được, tiếng mất:
- Làm kẻ chịu ơn, em phải có bổn phận tìm biết ân nhân mình.
Rồi Ngân lại phân vân không hiểu:
- Mà sao Thầy biết ngoại em ?
Tùng do dự:
- Nhờ Quỳnh.
Ngân tỏ vẻ hờn:
- Là bạn thân mà nó cũng dối em.
Tùng nhỏ nhẹ phân giải:
- Em chớ trách oan bạn, cô ấy không hay biết gì đâu.
Lấy lại bình tĩnh, Ngân thuật cho ngoại nghe chuyện trớ trêu vừa mới phát giác ra: vợ cũ của thầy lại là kế mẫu của Ngân. Bà Minh ngẩn ngơ ngó Tùng:
- Chuyện như thế mà Thầy không biết sao ?
Chàng điềm tĩnh đáp:
- Nhờ Ngân trông thấy tấm ảnh nên cháu mới rõ.
Ngân chen vào:
- Thầy cho phép em hỏi.
Giọng cởi mở:
- Em cứ nói.
Với vẻ mặt nghiêm trang:
- Nếu biết em là con gái của kẻ cướp vợ mình thì Thầy có giúp em bốn năm nay không ?
Tùng quả quyết:
- Thầy vẫn làm.
Tròn mắt không hiểu:
- Tại sao ?
Chàng thản nhiên:
- Vì em có tội tình gì ?
Lòng thầm phục:
- Thầy cao thượng quá.
Tùng lắc đầu phủ nhận:
- Không, Thầy tầm thường như bao kẻ khác.
- Nhưng Thầy làm chuyện phi thường.
Muốn tránh né, Tùng quay sang bà Minh:
- Hôm nay Bác lên thăm cháu hay có việc gì khác ?
- Đến cám ơn Thầy rồi ra cư xá rước cháu ngoại về Long xuyên chơi vài tháng trước khi nó đi dạy.
Tùng tặc lưỡi:
- Lại cám ơn nữa, tội cháu quá.
Ngân choàng vai bà nói nhỏ:
- Hay là Ngoại về trước. Con thu xếp trả phòng trong đại học xá rồi vài hôm nữa con về sau.
Bà ưng thuận ngay:
- Ừ, có lý. Con còn nhiều việc phải làm.
Đoạn nàng vồn vã:
- Để con đưa Ngoại ra bến xe.
Bà Minh từ chối:
- Ngoại đi một mình được mà. Con ở lại nói chuyện với thầy.
Chợt nhớ ra, bà mở giỏ lấy trái mãng cầu ra biếu Tùng rồi chào từ biệt. Còn lại một mình trong phòng khách, Ngân nhìn Tùng dò xét:
- Em không dám tò mò nhưng em thắc mắc tại sao Thầy từ chối tình Quỳnh ?
Tùng chưng hửng:
- Quỳnh kể cho em nghe à ?
Nàng trầm ngâm:
- Dạ, hai năm trước khi Quỳnh vào cư xá thăm em.
Chàng đắn đo:
- Cũng như em, con tim Thầy không còn chỗ nữa.
Ngân không hiểu:
- Thầy còn thương tưởng người vợ đã phụ bạc Thầy sao ?
Mặt dửng dưng:
- Không, quên lâu rồi.
Ngân nhẹ nhàng e ấp:
- Lúc nảy Thầy hỏi ai ngự trong tim em, giờ em xin hỏi lại Thầy câu đó ?
Tùng tránh né, nói bâng quơ:
- Rồi thời gian sẽ trả lời thay Thầy.
Ngân nhìn thẳng Tùng:
- Thầy phải nói thật cho em biết tại sao Thầy âm thầm lo lắng cho em trong bốn năm trời ?
Không do dự:
- Vì Thầy thương hại hoàn cảnh em.
Qua thời gian dài trăn trở, tình yêu thôi thúc, Ngân muốn biết rõ lòng Tùng trước khi nàng đi xa.
- Em chưa hiểu hết ý Thầy.
Không thể dối lòng thêm nữa, Tùng muốn nói thẳng ra, nhưng sợ việc làm của mình bốn năm qua trở thành vô nghĩa, vì Ngân có thể hiểu lầm Tùng lợi dụng đem ân nghĩa đổi chác tình yêu. Chàng bối rối:
- Em hỏi khó Thầy quá.
Ngân ấm ức:
- Tại sao ?
Lòng phân vân cứ đắn đo cân nhắc:
- Như đã nói, tại Thầy thương em.
Ngân trìu mến nhìn người nàng thầm yêu. Có lẻ hai danh từ thầy trò là biên giới cách ngăn đường tình, Ngân đánh liều:
- Có phải Thầy yêu em không ?
Như một bài toán vừa ra đáp số, được Ngân mở lối, Tùng khẽ nắm tay Ngân. Bốn mắt nhìn nhau, đôi tim chung nhịp thở, Tùng gật đầu:
- Đã từ lâu rồi mà anh phải câm nín.
Tựa vào vai Tùng, Ngân thì thầm bên tai:
- Ngân cũng yêu Tùng từ thời áo trắng.
Hạnh phúc bất chợt đến. Tùng sung sướng ôm Ngân vào lòng, đặt lên môi người tình nụ hôn nóng bỏng. Với đôi mắt dịu hiền mộng mơ và mái tóc thề óng mượt buông lơi, Ngân ngây ngất trong vòng tay Tùng, miệng nói trong hơi thở:
- Em mãi mãi yêu anh.
Sung sướng ngập lòng:
- Cho dù anh đã một lần dang dở.
Ngân mỉm môi cười:
- Con tim có những lý lẽ của nó.
Sau đợt chấm thi tú tài kỳ nhì, Tùng và Ngân long trọng tổ chức lễ thành hôn. Bà Minh từ Long xuyên lên đứng ra đại diện đàng gái. Cha mẹ Tùng mừng cho con mình hết cô đơn. Ông bà cũng hãnh diện có đứa con dâu xinh đẹp dịu hiền. Nhờ có chồng dạy tại thủ đô, Ngân được bổ nhiệm phụ trách môn lý hóa trường nữ trung học Lê văn Duyệt Gia định. Một năm sau, Ngân sinh cho Tùng một bé gái kháu khỉnh. Sau giờ dạy, họ đưa nhau đi mua sắm để trang hoàng ngôi nhà mới ở đường bà Huyện Thanh Quan.
Một hôm, Quỳnh đến thăm Ngân và báo tin nàng sắp thành hôn với một chàng biện lý thì Tùng cũng vừa về tới. Quỳnh liến thoắng như thuở nào:
- Thưa Thầy.
Tùng mừng rỡ:
- Chào Quỳnh. Có tin vui chưa cô luật sư trẻ ?
Ngân phụ họa chồng:
- Chẳng những trẻ mà còn đẹp nữa. Anh ơi, Quỳnh sắp lấy chồng.
Chàng hớn hở:
- Ai đấy ?
Quỳnh vui vẻ đáp nhanh:
- Một biện lý, học trò cũ của Thầy ở trường Hưng đạo.
Ngân vỗ tay reo:
- Hay quá!
Quỳnh lém lỉnh hỏi Tùng:
- Gọi Thầy bằng thầy rồi em phải gọi Ngân bằng gì đây ?
Ngân tát yêu bạn:
- Bằng bồ, như lúc mình ngồi chung lớp. Còn Quỳnh phải gọi Tùng bằng anh chứ, vì em gái đâu kêu anh bằng thầy.
Mặt rạng niềm vui, Quỳnh cười tươi:
- Cho phép nhé !
Tùng vào lấy nước mời hai người đẹp trong khi Ngân và Quỳnh thư thả bước ra bao lơn nhìn sang bên kia đường. Giờ tan học, từ trường Gia long, các nữ sinh thướt tha ôm cặp ra về. Kẻ đạp xe, người đi bộ ngang qua nhà vợ chồng Tùng. Ngân bế con đứng cạnh bạn, cả hai đưa mắt mơ màng. Quỳnh khều vai bạn:
- Bồ đang nghĩ gì ?
Không trả lời, Ngân hỏi lại:
- Còn bồ ?
Như đồng cảm, họ nhìn nhau rồi khẽ đáp:
- Một thời áo trắng.
Viết xong ngày 30 tháng 8 năm 2002
V.L