Chương một.
Xe qua khỏi cầu Bến lức, Hoàng giảm tốc độ, chàng đoán chừng khoảng mười phút nữa mình sẽ tới cầu Ván để sau đó đến cầu Voi. Những cây khuynh diệp trồng ven quốc lộ bốn nghiêng mình chào nắng sớm, hai bên đường chi chít mọc lên nhiều mái nhà tranh khiến tầm nhìn của Hoàng bị hạn chế; ruộng lúa chàng ưa thích, giờ khuất dần sau dãy nhà mới cất. Dân số gia tăng, con người phải lấn ruộng xây nhà.
Đang nghĩ mông lung, Hoàng đã vượt qua cầu Ván. Biết sắp đến, chàng cho xe chậm lại để tìm lối rẽ. Nhà ở và hàng quán biến vùng cầu Voi trở nên sầm uất. Hoàng nhớ ba mươi năm trước, hai bên cầu chỉ lác đác vài mái nhà, sang nhất phải kể nhà ông Hai Kiên cạnh nhà máy xay lúa. Giờ thì khó phân biệt kẻ giàu, người nghèo. Phải chăm chú lắm Hoàng mới tìm ra lối rẽ vào quận Tân trụ.
Chiếc xe đang phóng êm ả trên quốc lộ bốn, rời Sàigòn vượt năm mươi cây số đường trong khoảnh khắc, giờ thì chao đảo, trồi lên, xụp xuống trên con đường loang lỗ. Sợ mình lầm, Hoàng quan sát kỹ xem đúng không ? May quá ! Một chiếc xe đò từ Tân trụ chạy ra. Chàng tự khen mình vẫn còn nhớ đường.
Hai xe phải nép sát vào lề để tránh nhau. Chiếc xe đò nặng trĩu tuổi đời, chở nhiều hành khách, mệt mỏi lăn bánh, để lại sau lưng lớp bụi mịt mù; Hoàng vội quay kính lên để tránh bụi. Đây rồi, cảnh vật chàng ưa thích. Ruộng lúa bát ngát hiện ra trước mắt Hoàng. Vừa lách xe tránh ổ gà, vừa khoan khoái ngắm những cành lúa trổ đòng đòng lắc lư theo gió; xa xa, hàng dừa lả ngọn ven sông. Lớp bụi mờ tan dần, trả lại không khí trong lành cho dân quê. Vài con nhái bầu nghe tiếng động cơ xe, nhảy tỏm xuống nước. Bất chợt, Hoàng thắng xe gắp để tránh đàn vịt bầu đủng đỉnh băng ngang đường; từ xa vọng lại tiếng gà eo ốc gáy. Biết sắp đến chợ Cai tài, Hoàng nôn nao cho xe chạy nhanh hơn. Hai hàng so đũa từ từ hiện ra bên vệ đường. Con đò chuyên chở nắng mưa, giờ được thay bằng chiếc cầu sắt cũ kỷ bao lần ngả gục dưới đạn bom. Một dãy nhà lá lố nhố trước mặt, quán nước bên đường mời mọc Hoàng ghé lại.
Mặt trời qua khỏi ngọn cau, cái nóng oi ả từ từ tăng cường độ. Thấy cạnh quán có sân rộng, Hoàng lái xe vào đậu dưới giàn bầu; ông chủ ngả đầu chào mời khách vào trong. Mến cảnh nên thơ, Hoàng xin được ngồi bên ngoài; chàng chọn một bàn nhỏ dưới gốc dừa. Chiếc ghế ọp ẹp không làm Hoàng khó chịu; chàng nhìn cách trang trí nửa quê, nửa chợ của chủ quán, thể hiện một cuộc sống mộc mạc của dân ruộng đồng.
- Ông dùng chi ?
Lời mời khách kéo Hoàng về thực tế. Chàng nhìn ông mỉm cười:
- Dạ Bác có gì để giải khát ?
Chủ quán chào hàng:
- Bia, coca, bảy úp (seven up)
- Thế Bác có dừa không ?
Ông gật đầu:
- Dạ có chứ. Nhưng miền nầy chỉ có dừa bị chớ không có dừa xiêm.
Hoàng thông cảm:
- Không sao. Bác cho tôi một trái đừng quá non cũng đừng cứng cạy.
Chủ quán khen bâng quơ:
- Chà, ông rành uống dừa dữ à.
Chàng vui vẻ:
- Dạ đó là món giải khát tôi thích nhất.
Ông lão trở vào trong, tiếng dao bổ dừa vọng ra. Trong khoảnh khắc, ông mang ra một ly cối ngã màu vàng, một cái muỗng nhôm cong queo; đứa cháu độ chín tuổi ôm theo trái dừa to vạt đầu. Chủ quán hỏi ý:
- Ông dùng thêm đường ?
- Cám ơn, Bác cho tôi chút muối.
Lão vồn vã:
- Ông uống với nước đá chứ ?
- Dạ, ít thôi.
Chủ quán quầy quả trở vào, ông cầm dao đến một thùng cây, vẹt đám trấu, bốc ra cục nước đá đem chặt đôi, vói tay lấy cái gáo dừa múc nước trong lu ra rửa. Nhìn nước đá còn dính vài hạt trấu, Hoàng thầm nghĩ người thị thành đòi hỏi đũ thứ tiện nghi, thế mà bịnh vẫn bịnh, trong khi dân quê sống giản đơn, kém vệ sinh, trông họ vẫn khoẻ.
Ông chủ quán lật úp trái dừa trên ly cối, nước dừa từ trong chảy ra lách tách; ông sai đứa cháu bổ ra lấy cái cho vào ly. Hoàng đỡ lấy ly đoạn khoan khoái hỏi:
- Bác mở quán nầy lâu chưa?
Tiếp khách thị thành lịch thiệp, ông có cảm tình ngay, liền kéo ghế ngồi cạnh Hoàng:
- Vài năm thôi.
Chàng ôn tồn:
- Bán thế này sao đủ sống Bác ?
Được dịp mở tấm lòng, ông hăm hở kể:
- Trước kia vợ chồng tôi bán rau cải, vài kí thịt heo. Mỗi ngày, bã ra Long an lấy hàng về bán cho lối xóm chợ Cai tài; nay khấm khá nên mở thêm quán nước.
Đoạn tò mò :
- Ông từ thành phố xuống ?
Hoàng gật đầu:
- Dạ đúng, tôi tìm thăm người bạn. Mấy năm rồi vợ chồng ảnh vắng bặt tin tức.
Chủ quán gật gù:
- Tội nghiệp không, từ xa xuống tìm thăm bạn.
Hoàng cho tí muối vào ly, uống một ngụm nước dừa; chất ngọt lịm làm mát lòng và dịu đi cơn khát, chàng gợi chuyện thêm:
- Bác là người Quê mỹ Thạnh, chắc Bác biết gia đình ông Hai Tạo ?
Ông nhanh nhẩu đáp:
- Có, tôi biết. Nhà ổng ở sau chợ Cai tài.
- Dạ đúng rồi.
Để tỏ mình thông suốt, ông hoan hỉ:
- Vợ chồng Hai Tạo chỉ có đứa con trai. Chà ! Thằng học giỏi lắm, nghe đâu nó đỗ đạt làm giáo sư lận.
- Anh ấy tên Đức, bạn thân của tôi.
Ông trố mắt:
- Thế ông cũng làm thầy giáo à ?
Hoàng gật đầu rồi dọ hỏi tiếp :
- Ông bà Hai Tạo còn ở chỗ cũ không Bác ?
Không chút chần chừ, miệng cười móm sọm:
- Chớ đi đâu ? Nghe nói có vợ chồng thằng Đức về ở chung mấy năm nay.
Như kẻ đắm thuyền nắm được phao, Hoàng mừng trong lòng vì tìm ra được tông tích của Đức. Không muốn làm phiền khách lâu, ông chủ quán xin phép vào trong để giúp vợ dọn hàng rau cải, chuẩn bị bán cho dân làng.
Còn lại một mình, Hoàng uống tiếp vài ngụm nước dừa;chàng đưa mắt nhìn về hướng trời xa. Con đường đê quanh co trơn trợt từ cầu Voi vào chợ Cai tài lờ mờ hiện ra đưa dần Hoàng trở về kỷ niệm.
Chương hai.
Ba mươi năm trước, Hoàng là một sinh viên con nhà giàu; ngược lại Đức rất nghèo. Hoàng và Đức quen nhau khi cả hai còn ở trung học. Hoàng giỏi toán, lý hoá còn Đức thì xuất sắc về văn và sinh ngữ. Cảnh giàu nghèo không ngăn cách tình bạn giữa hai người. Để bổ túc kiến thức cho nhau, Hoàng gợi ý tổ chức học nhóm ở nhà chàng. Ban đầu có vẻ xôm tụ, Khánh và Quân xin gia nhập nhưng chỉ vài tháng, nhóm bốn người rơi rớt lại còn hai. Khánh, Quân bỏ cuộc; Hoàng và Đức kiên trì đi đến đích.
Ngày thi tú tài toàn phần gần kề, tiếng ve sầu tỉ tê trên cành phượng vỉ như nhắc nhở các sĩ tữ chuẩn bị lên đường ứng thí. Vốn con nhà giàu, ham học, Hoàng được cha mẹ yêu thương nên chàng tha hồ mua đủ loại sách in các đề thi có bài giải của những năm trước để cùng Đức luyện thi.
Đức được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo Quê mỹ Thạnh. Ông bà Hai Tạo chỉ có Đức là con một nên chắt chiu tiền ruộng vườn để nuôi Đức ăn học. Sau tiểu học; chàng được cha mẹ gởi lên Sàigòn ở trọ nhà người dì tiếp tục học trung học. Tiền cơm tháng, học phí cộng thêm sách vở khiến ông bà Tạo nhiều phen điêu đứng. Thấu hiểu hoàn cảnh của mẹ cha, Đức tập trung tâm trí vào sách đèn.
Hoàng muốn giúp đỡ bạn bèn đề nghị Đức về ở trọ nhà chàng để tiện việc học nhóm, nhưng Đức mặc cảm nghèo nên tìm cách từ chối. Vả lại, sự có mặt của chàng trong gia đình Hoàng cũng bất tiện vì Hoàng còn có Yến, đứa em gái ở tuổi cập kê; dễ gì cha mẹ Hoàng bằng lòng. Đức nghĩ đã ở trọ nhà dì từ đệ thất đến đệ nhứt, nay kỳ thi tú tài cũng sắp đến, tạo thêm chi rắc rối, vừa làm buồn lòng dì, vừa tạo phiền toái cho bạn. Hoàng hiểu ý Đức nên không ép.
Mỗi cuối tuần, Đức ra chợ Bình tây đáp xe đò về Tân trụ để được gần cha mẹ. Chiều Chúa nhựt, chàng lại khăn gói trở lên Sàigòn, khệ nệ mang theo bánh trái của mẹ cho. Thỉnh thoảng, Đức cũng rủ Hoàng về Cai tài để biết ruộng đồng và cuộc sống kham khổ của dân quê; Hoàng vui vẻ nhận lời và chàng đã dễ dàng hoà đồng với người thôn dã.
Ngày thi tú tài lạnh lùng tới, Hoàng và Đức cũng trang bị xong kiến thức sẵn sàng dự thi. Năm ấy, cả hai cùng đỗ; họ chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học. Không hẹn, hai bạn lại đi chung đường. Hoàng cùng Đức nộp đơn thi tuyển vào Đai học sư phạm; Hoàng chọn ban toán, Đức ban việt hán. Kết quả đưa họ đồng hành vào cổng trường Sư phạm Sàigòn.
Tuy học khác ban, nhưng hàng ngày Hoàng đều gặp Đức trong thư viện; họ thủ thỉ chuyện con tim. Hè năm ấy, vừa bãi trường, Đức giã từ Đại học xá, vội vã về quê. Nôn nóng trong lòng Đức không chỉ gặp lại mẹ cha mà chủ yếu là hội ngộ cùng Hạnh, người yêu của chàng. Hình bóng cô thôn nữ láng giềng có gương mặt trái soan, có đôi má núng đồng tiền đã đi vào tim Đức. Tình yêu của chàng đã được Hạnh đáp lại. Họ hẹn nhau ngày Đức đỗ đạt ra trường sẽ sánh duyên chồng vợ.
Chẳng khác bạn, Hoàng cũng hạnh phúc bên mối tình học trò. Chàng thầm yêu Dung, bạn chung lớp với Yến. Hoàng nhờ em mình giới thiệu để được quen Dung. Thương anh, Yến tạo nhiều dịp cho Hoàng và Dung gặp nhau. Ngày sinh nhật của Dung, Hoàng đến sớm tặng quà và lợi dụng các bạn Dung chưa đến, chàng khẻ cầm tay Dung tỏ tình. Và tình yêu của Hoàng được Dung đón nhận. Yến chứng kiến nụ hôn của hai người khi nàng nhẹ bước vào phòng khách.
Tháng rộng năm dài tiếp nối đi qua; tình yêu, tình bạn cũng tăng dần theo năm tháng. Chẳng mấy chốc, Đức và Hoàng đã lên năm cuối đại học; tuổi trẻ hồn nhiên bắt đầu xây mộng tương lai.
Hai tháng hè cuối cùng của cuộc đời sinh viên, họ muốn tận hưởng. Đức nhã ý mời Hoàng và Dung về Quê Mỹ Thạnh. Năm nay nhờ trúng mùa, cha mẹ Đức sống thoải mái đôi chút. Hoàng nhận lời ngay còn Dung thì do dự. Chàng bèn trấn an người yêu, hứa sẽ đến xin phép ba má Dung và chỉ đi sáng, chiều về, dứt khoát không ở đêm nên Dung đồng ý. Đức từ giã hai bạn, hẹn cuối tuần gặp lại ở Cai tài.
Giữ đúng lời hứa, sau chầu xi nê và ăn kem Nguyễn Huệ, Hoàng đèo Dung trên chiếc vespa, vòng bến Bạch đằng hướng về Gia định để đến nhà người yêu. Gió chiều từ sông Sàigòn thổi lên tung mái tóc bồng của người con gái. Dung âu yếm ôm eo Hoàng. Tà áo dài trắng nữ sinh lất phất sau chiếc vespa tạo một hình ảnh đẹp chiều đô thị.
Lời xin phép của Hoàng được cha mẹ Dung chấp thuận. Sau hai năm âm thầm tìm hiểu, song thân Dung biết Hoàng đứng đắn nên xem chàng như con rể tương lai.
Sáng Chúa nhựt đẹp trời, Hoàng đổ đầy xăng chiếc vespa rồi lỉnh kỉnh mua hai ổ bánh mì thịt quán Ba Lẹ ở Đakao, vài chai xá xị; tất cả được gói trong bao vải nhỏ vừa để vào hộc chiếc vespa. Chuẩn bị xong, chàng lái xe đến đón Dung. Hai mươi phút sau, Hoàng đèo người yêu ra khỏi Phú lâm, trực chĩ Long an. Chiếc vespa màu xanh lướt nhanh trên quốc lộ bốn, đưa đôi uyên ương về Quê mỹ Thạnh. Gió đồng ruộng phần phật đập vào mặt Hoàng, bốc tung mái tóc Dung;nàng phải lấy khăn cột tóc cho khỏi rối bồng. Hoàng vừa lái xe, vừa kể chuyện quê của Đức, Dung sung sướng ngồi sát người yêu, nghe tiếng được tiếng mất, tay choàng qua eo chàng. Vài chiếc xe đò hậu giang bóp còi qua mặt; hành khách trên xe đưa mắt nhìn cặp tình nhân đang ôm tròn hạnh phúc. Trong khoảnh khắc, họ đã đến cầu Voi. Hoàng đến ven sông xem con nước lớn hay ròng ? Nếu nước lớn, Hoàng sẽ cùng Dung đi đò chèo vào chợ Cai tài; ngược lại, nước ròng thì cả hai đi bộ theo bờ đê. Dung không biết bơi, sợ ghe xuồng bèn đề nghị đi bộ, Hoàng chìu ý người yêu. Chàng đem xe đến gởi ông Hai Kiêu, chủ nhá máy xay lúa vì ông là người quen biết với ba má Đức.
Quảy gói lương thực lên vai; Hoàng nắm tay Dung len lỏi qua ngõ hẽm hãng dệt, tiến vào bờ đê. Lần đầu tiên về ruộng đồng, Dung tưởng chừng dưới chân mình là một tấm thảm xanh trải dài mút mắt. Ruộng lúa ngút ngàn. Vài ngọn gió từ sông Vàm cỏ thổi vào đẩy đưa cành lúa ngả nghiêng. Nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán Dung, Hoàng áy náy :
- Mệt chưa em ?
Dung mỉm cười:
- Chưa mệt, nhưng sợ té xuống ruộng.
Chàng âu yếm :
- Có anh nắm chặt tay mà !
Dung nũng nịu :
- Nếu em té thì sao ?
Hoàng cười ngất:
- Thì anh cũng nhào theo em.
Mắt chớp nhanh, miệng cười lỏn lẻn:
- Giỏi dữ !
Mặt trời qua khỏi ngọn tre, Dung có vẻ thấm mệt :
- Còn xa không anh ?
Chàng e ngại :
- Qua khỏi hàng dừa trước mặt.
Đoạn Hoàng đề nghị nghỉ chân vài phút. Chàng trải tấm giấy dầu lớn cạnh gốc dừa, bên cái mương nhỏ, mở bọc vải, lấy thức ăn, nước uống ra rồi dìu Dung ngồi xuống. Nàng tròn mắt ngạc nhiên:
- Anh mua hồi nào vậy ?
Hoàng cười đáp:
- Trước khi đến đón em.
Dung tấm tắc khen người yêu:
- Anh chu đáo quá !
Chàng hãnh diện:
- Tánh của anh là thế.
Nhìn Hoàng với nhân dáng đôn hậu, đằm thắm, Dung sung sướng :
- Sau này làm vợ anh, chắc em hạnh phúc lắm.
Hoàng điềm đạm:
- Thì anh cũng như em.
Thời gian như dừng lại, không gian như lắng đọng. Cái yên lặng dễ thương của thôn quê giúp tâm hồn con người thanh thản; bao nhiêu âu lo, phiền muộn biến dần. Được thở không khí trong lành giữa đồng ruộng mới biết sợ cái ngột ngạt của thị thành. Dung vén vạt áo dài, ngồi tựa lưng vào thân cây dừa; Hoàng ngồi bên cạnh, lấy khăn tay chậm mồ hôi trên trán người yêu. Dung ửng hồng đôi má, ngả đầu vào vai Hoàng. Chàng khẻ nâng càm người tình, môi tìm môi gắn chặt. Họ đắm đuối hôn nhau giữa tiếng côn trùng tỉ tê dưới hàng lau sậy.
Sau bữa điểm tâm dưới gốc dừa, Dung khoẻ lại và giục Hoàng đi tiếp. Khập khểnh bước ngả, bước nghiêng trên bờ đê lổm chổm; Hoàng và Dung đến cây cầu dừa bắt ngang con rạch nhỏ. Nàng cuống quít lên:
- Làm sao qua anh Hoàng ?
Chàng chững chạc:
- Không sao đâu em. Có cây tầm vông để vịn.
Đoạn nhìn Dung cười ngặt nghẽo:
- Trời ơi !Đi ruộng mà em mặc áo dài, mang guốc cao gót như đi dạo phố vậy ?
Dung ngượng đỏ mặt nguýt xéo :
- Ai bảo anh không nói trước. Lần đầu tiên em đi ruộng chớ bộ .
Hoàng xuýt xoa :
- Cũng may trời không mưa;nếu không, anh phải cõng em đi từ cầu Voi vào chợ Cai tài rồi.
Nàng sung sướng, mắt chớp nhanh:
- Cõng nổi không đó ?
Hoàng cười xòa:
- Không nổi cũng phải nổi. Bằng chứng là lúc nảy anh bồng em qua chỗ bờ đê lở đó.
Đoạn giục giã:
- Nào !đưa đôi guốc anh bỏ vô bao; em phải đi chân không qua cầu mới được.
Có Hoàng bên cạnh, Dung có điểm tựa nên can đảm thêm. Tay mặt vịn cây tầm vông, tay trái nắm chặt tay người yêu, lần lần đếm bước. Hai bàn chân trắng nõn nà của cô gái thị thành bám thân cây dừa, run rẩy bước qua cầu; gót son giờ đây mới có dịp vấy bùn. Bọn trẻ trong xóm thấy có bóng người lạ, túa ra xem. Chúng thập thò nhìn cô gái đẹp thành phố đi qua cây cầu dừa lắc lẻo rồi reo cười. Bên kia sông, Đức và Hạnh trông thấy bạn, nhanh nhẩu xuống bến đẩy xuồng ra sông đoạn cất tiếng kêu:
- Hoàng, Dung ở đó, chờ mình sang.
Nghe tiếng bạn gọi, Hoàng, Dung vui mừng hớn hở. Hạnh phụ Đức chèo xuồng sang sông. Chàng gọn gàng nhảy lên bờ, kéo dây cột vào gốc cây bần. Đợi Hạnh bước lên, Đức giới thiệu người yêu; Hoàng cũng đáp lễ. Sau phút giây tay bắt mặt mừng, Đức mời bạn xuống xuồng qua sông. Dung run bây bẩy khi đặt chân xuống chiếc xuồng ba lá, miệng ấp úng:
- Chị Hạnh ơi, sao nó lắc lư thế nầy ? Có lật không chị ?
Hạnh trấn an :
- Chị yên tâm. Tại chị run nên xuồng nó lắc. Anh Đức vững tay chèo lắm, không lật đâu.
Hạnh phụ Đức chèo mũi, Đức chèo lái. Mất vài phút, xuồng cập bến sau nhà ba má Đức. Ông bà Hai Tạo vui vẻ đón khách qúi của con mình. Đức giới thiệu Dung với cha mẹ chàng, còn Hoàng thì không xa lạ gì với gia đình. Ông Hai khệ nệ xách quày dừa ra đoạn niềm nở bảo:
- Cậu Hoàng, cô Dung ra sau múc nước mưa rửa mặt rửa chưn rồi uống nước dừa.
Hoàng khoan khoái:
- Dạ, cám ơn Bác.
Đức ân cần tiếp hai bạn, nhất là Dung lần đầu tiên đến nhà chàng. Dung nói nhỏ để đủ Đức nghe:
- Anh khéo chọn người yêu. Chị Hạnh đẹp và dễ thương quá !
Nét mặt thơ thới:
- Chị khen quá lời.
Dung khẳng định:
- Thật mà ! Không tin hỏi anh Hoàng đi ?
Hoàng vừa trờ tới:
- Hỏi gì anh đấy ?
Nàng cả quyết :
- Em khen chị Hạnh đẹp và dễ thương. Anh đồng ý không ?
Hoàng hí hửng :
- Trăm phần trăm.
Hạnh chợt đến, thấy mọi người nhìn mình cười nên bẽn lẽn :
- Nói gì em đó ?
Hoàng định lên tiếng nhưng Dung đáp nhanh :
- Em khen chị đẹp và dễ thương. Anh Hoàng cũng đồng ý.
Hạnh liếc Đức thẹn thùng rồi tủm tỉm cười để lộ hai núm đồng tiền trên đôi má ửng hồng. Đức hãnh diện :
- Hạnh đẹp, không những ở sắc diện mà cả ở tâm hồn nữa.
Hoàng và Dung vỗ tay hoan nghinh trong khi Hạnh đỏ mặt ấp úng :
- Anh chị cứ khen em. Còn chị Dung thì sao ? Chị đẹp hơn em nữa kià. Sánh với chị, em thua xa.
Bà Hai Tạo nghe bọn trẻ đối đáp , nhe răng cười :
- Hai nàng tiên cứ khen nhau, chỉ có bà già nầy xấu thôi phải không ?
Cả bọn cùng cười nắc nẻ. Bỗng có tiếng của ông Hai vọng lại :
- Dừa đã chặt xong, các cô cậu ra uống.
Bà Hai trở vào bếp tiếp tục chuẩn bị bữa cơm trưa thết đãi bạn của con mình. Đức và Hạnh vồn vã mời bạn giải khát. Hoàng dùng thoả thích, Dung không ngớt khen ngon ngọt khiến ông Hai hài lòng cười hả hê.
Đức, Hạnh gợi ý đưa hai bạn đi dạo quanh vùng; Dung ưng thuận nhưng với điều kiện đừng qua cầu khỉ. Hiểu ý Dung, Hạnh mời bạn sang nhà mình chơi rồi sau đó đi dạo cũng chẳng muộn. Hai cô gái trang lứa, một thôn nữ, một thị thành, đẹp mỗi người một vẻ, vừa lớn lên được yêu và yêu lại nên dễ thông cảm và thân nhau mau chóng. Hạnh cởi mở tâm sự :
- Ba má em chỉ có mình em nên cưng chìu em lắm. Công việc ruộng nương, đồng áng, ba em không cho em dự vào. Mỗi ngày đón xe lam ra Long an học, chiều về chỉ làm bài, học bài.
Miệng chúm chím mỉm cười như hoa ham tiếu, Dung gật đầu :
- Nhìn đôi tay nõn nà và đôi chân trắng đẹp của chị, mình đoán được chị không phải tay lấm, chân bùn. Chị cũng là nữ sinh như mình; năm sau chúng ta cùng thi tú tài. Chị Hạnh định theo ngành gì ?
Nàng chớp mắt lỏn lẻn :
- Chắc đậu tú tài xong, em nghỉ học.
Dung ngạc nhiên :
- Sao vậy ?
Hạnh điềm đạm:
- Anh Đức ra trường, tụi em thành hôn. Sau đó, em theo ảnh để lo cho ảnh. Lộ vẻ thông cảm:
- Chị tính như thế cũng được.
Hạnh bèn hỏi lại bạn:
- Còn chị, định đi ngành gì ?
Nhíu mày suy nghĩ:
- Yến, em gái của anh Hoàng rủ mình học văn khoa; mình còn do dự.
Hạnh thanh thản:
- Thế anh chị định bao giờ đám cưới ?
Không do dự:
- Chắc cũng giống anh Đức và chị.
Nét mặt rạng rỡ, Hạnh reo lên:
- Ồ hay quá ! Thế là sắp có hai đám cưới.
Hoàng và Đức tôn trọng những giây phút tâm tình của hai người đẹp nên họ rảo bước đi quanh chợ, qua cầu Cai tài vào thôn xóm ngoạn cảnh.
Bà Hai Tạo chuẩn bị bữa cơm trưa xong thì bọn trẻ cũng vừa về tới. Hạnh và Dung phụ bà mang các thức ăn lên bàn. Tô canh chua bạc hà nấu với cá lóc bốc hơi nghi ngút, mùi thơm rau om hấp dẫn lạ. Dĩa cá kho tộ thoang thoảng mùi tiêu cay nồng. Bữa cơm thịnh soạn của người dân Quê mỹ Thạnh chỉ có thế. Ông Hai Tạo nhâm nhi ly rượu đế đoạn mời mọi người vào bàn.
Đối với con nhà giàu như Hoàng thì những món ăn nầy có xa lạ gì đâu, nhưng bối cảnh hôm nay khác hẳn ở nhà, Hoàng ăn rất ngon miệng. Dung thích các lát bạc hà, nửa sống, nửa chín rất giòn chấm vào nước mắm Phú quốc thì tuyệt hảo. Cá kho tộ của bà Hai tuy mặn và cay cũng được mọi người tấm tắc khen.
Cơm xong, bìm bịp kêu nước lớn. Đức chuẩn bị xuồng đưa bạn ra cầu Voi bằng đường thủy. Hạnh cùng Dung phụ bà Hai dọn dẹp chén đũa mặc dù bà không cho. Tính chơn chất thật thà của người dân quê thường thể hiện qua hành động hơn lời nói. Ông Hai chặt quày chuối xứ vừa chín bói mang vào tặng hai bạn của con mình. Hoàng xin lỗi từ chối; rốt cuộc cũng phải nhận một nải cho vui lòng chủ nhà. Cám ơn và chào từ giã ba má Đức, Hoàng dìu Dung xuống xuồng. Một lần nữa, Dung run bây bẩy bám lấy tay người yêu. Chiếc xuồng ba lá tách bến chao nghiêng theo nhịp chèo của Đức. Hạnh vẫn chèo mũi, Đức chèo lái. Hoàng lém lỉnh trêu bạn:
- Mũi dại thì lái chịu đòn.
Dung cười rúc rích còn Hạnh thì pha trò :
- Không anh à ! Mũi dại thì anh Đức cho bọn mình vào bụi ô rô.
Dung phụ họa:
- Chị Hạnh làm thử đi !
Đức liếc bạn :
- Hạnh không dám đâu; vì người đầu tiên vô bụi ô rô là Hạnh đó .
Tiếng cười hồn nhiên của tuổi trẻ phá tan cảnh tĩnh mịch của đồng quê. Chiếc giầm chèo chẻ nước róc rách đưa chiếc xuồng lướt tới nhẹ nhàng. Thỉnh thoảng, Hạnh dùng chiếc giầm của nàng đùa đám lục bình cản trở lối đi. Dung trầm trồ khen bông tím lục bình đẹp hoang dại. Phải mất bốn mươi lăm phút xuồng mới đến cầu Voi. Đức gọn gàng tấp vào bến trước nhà ông Hai Kiêu. Lên bờ, cả bọn quyến luyến không muốn rời nhau; Hoàng phải giục Đức và Hạnh trở về cho kịp con nước.
Chiếc vespa êm ả nuốt dần năm mươi cây số đường đưa Hoàng cùng Dung trở lại đô thành. Hoàng lái xe đưa Dung về tận nhà. Nàng sung sướng thuật lại chuyến du ngoạn ngắn ngủi cho cha mẹ nghe đoạn giữ Hoàng ở lại ăn cơm chiều với gia đình. Chàng về đến nhà thì trời cũng chạng vạng tối.
Chương ba.
Ngày Hoàng và Đức ra trường được cha mẹ hai bên hoan hỷ chào đón. Vợ chồng ông Hai Tạo từ dưới quê lên dự lễ mản khoá của con mình. Ông bà Duy, ba má Hoàng, cũng hân hoan đến tham dự. Hai kẻ vui nhất phải kể Dung và Hạnh. Hoàng, Đức đưa song thân đến giới thiệu. Hai ông Duy và Tạo thân mật bắt tay chào ;hai bà vợ cũng nói cười vui vẻ. Với bản chất chân thật, cởi mở, họ xoá tan khoảng cách người quê kẻ chợ. Cha mẹ Hoàng ngỏ lời mời gia đình ông Tạo đến nhà chung vui sau buổi lễ trao bằng tốt nghiệp. Ông nhìn con hỏi ý. Đức nhã nhặn từ chối viện lý do phải về cho kịp chuyến xe cuối.
Hạnh hôm nay trang điểm chẳng kém gì Dung. Họ đẹp giản đơn nhưng kiều diễm. Yến cũng có mặt để mừng anh mình và Đức , đồng thời làm quen với Hạnh. Cả ba cô đã đỗ xong tú tài. Hạnh an phận thôi học còn Yến và Dung đang lưỡng lự chọn một lối đi vào đại học. Một tháng sau, ông bà Duy cùng cha mẹ Dung cử hành lễ đính hôn cho hai con ;họ định hai tháng nữa sẽ tổ chức đám cưới.
Ông bà Tạo vì nghèo nên xin cha mẹ Hạnh cho cưới hỏi một lượt. Thông cảm hoàn cảnh của nhau, ba má Hạnh đồng ý. Thiệp cưới của Đức được gửi qua đường bưu điện đến tay Hoàng. Chàng hăm hở đến tìm Dung báo tin vui và rủ nàng cùng đi chọn mua quà cưới tặng bạn.
Thoáng cái, ngày cưới của Đức và Hạnh đến. Hoàng đèo Dung xuống cầu Voi thật sớm. Nhờ con nước lớn, chàng thuê đò máy để vào chợ Cai tài. Lần đi nầy, Dung không còn sợ nữa. Nàng ngồi trên ghe máy vững vàng tươi cười ngắm cảnh, còn Hoàng thì sung sướng nhìn người vợ sắp cưới của mình.
Sự có mặt của Hoàng và Dung trang điểm thêm cho đám cưới nghèo. Họ đến trước giờ rước dâu. Đức lượm thượm trong chiếc áo thụng mừng rỡ ôm chầm lấy Hoàng. Lễ cưới của Đức và Hạnh diển ra rất giản đơn nhưng không kém phần trang nghiêm. Hạnh trong chiếc áo dài cô dâu màu hồng nhạt, trông nàng tuyệt đẹp. Hạnh không đài các như Yến, không lộng lẩy như Dung, nàng đẹp tự nhiên như đóa hoa sen giữa bùn, như bông lục bình tím lung linh trên sóng nước.
Đức và Hạnh thành chồng vợ chẳng bao lâu thì thiệp hồng của Hoàng cũng về đến Quê Mỹ Thạnh. Hoàng ân cần viết thêm vài dòng mong muốn vợ chồng Đức có mặt trong ngày vui của chàng. Thâm sâu tình bạn, Đức cùng Hạnh lên Sàigòn tham dự. Ông bà Duy thương con, tổ chức đám cưới cho Hoàng thật linh đình.
Ngày thường Dung đã đẹp, hôm nay, nhờ tài trang điểm cô dâu của thợ chuyên môn nên Dung đẹp lộng lẩy hơn. Hoàng sánh vai Dung cùng song thân đến từng bàn để được gìới thiệu. Dù bận rộn, cô dâu, chú rể cũng chu đáo tiếp đãi vợ chồng Đức.
Lễ cưới xong, Hoàng đưa Dung ra Huế hưởng tuần trăng mật. Đức cùng vợ trở về mái ấm ở Quê mỹ Thạnh. Chẳng bao lâu, sự vụ lệnh bổ nhậm đến tay hai nhà giáo trẻ. Hoàng dạy toán trường Hồ ngọc Cẩn Gia định còn Đức dạy văn trường Võ trường Toản, cạnh vườn bách thảo Sàigòn. Hoàng giúp bạn tìm thuê được căn phố ở Đakao. Riêng chàng được cha mẹ mua cho một biệt thự nhỏ gần cầu Băng ky Bình hòa. Mẹ Hoàng chu đáo nhờ bà Tư ở giúp việc cho con và dâu. Ngày ngày, Yến lái honda đến đón Dung. Hai cô bạn chung lớp thuở nào, nay trở thành chị dâu em chồng, ngồi cạnh nhau trong giảng đường Đại học văn khoa. Thỉnh thoảng, vợ chồng Đức đi xe buýt vào Bình hòa thăm bạn. Hoàng thì hằng tuần đèo Dung ra Đakao mời Đức và Hạnh đi ăn mì cây nhãn hoặc hủ tíu chú Sừng; đôi khi họ ra Sàigòn ăn phở An lợi hay hủ tíu Mỹ tho ở chợ cũ. Những mảnh đời nghèo giàu trải dài theo năm tháng.
Cha Hoàng có lần trông thấy chàng dầm mưa, lái vespa đi dạy, ông xót ruột bèn âm thầm đặt mua cho con một chiếc xe hơi nhỏ. Ngày nhận xe, ông Duy tự lái đến nhà con, trao chìa khoá và thẻ chủ quyền cho Dung vì Hoàng bận đi dạy. Dung sửng sốt ngẩn người, nàng cảm động rớm nước mắt, miệng ấp úng cám ơn cha chồng. Để tránh xúc động cho con dâu, ông Duy gọi taxi ra về.
Cuối tuần, Hoàng muốn chia xẻ niềm vui với bạn nên đưa vợ đến thăm, đồng thời mời vợ chồng Đức cùng về Quê Mỹ Thạnh. Đức, Hạnh vui vẻ nhận lời. Hoàng vừa lái xe, vừa huyên thiên kể chuyện đi dạy; Đức cũng nói về học trò mình.
Một năm sau, Dung vui mừng báo tin cho chồng biết nàng có thai. Hoàng sung sướng mở tiệc mừng. Chàng mời song thân và cha mẹ vợ đến dự; dĩ nhiên không thể thiếu vợ chồng Đức. Thoáng thấy Hạnh đăm chiêu, mặt phảng phất buồn, Dung gạn hỏi:
- Chị Hạnh bao giờ có tin vui ?
Nàng thẫn thờ:
- Muốn lắm mà chưa có chị à !
Mắt đăm đăm nhìn bạn, Dung tìm lời an ủi:
- Rồi sẽ có, không chóng thì chầy.
Hạnh gượng vui trở lại còn Dung thì chẳng mấy yên tâm.
Chương bốn.
Chợ Cai tài khiêm tốn nằm cạnh bên sông nhánh của Vàm cỏ đông. Chiếc cầu vòng bắt ngang sông giúp dân quê qua lại đôi bờ. Chỉ có tám cây cột bằng gạch nâng đỡ mái chợ che nắng mưa cho người mua, kẻ bán. Khuôn viên nhà lồng chợ không mấy rộng. Một sạp vải, hai quán chạp phô, một xe nước đá đậu đỏ bánh lọt cũng chiếm hết một phần tư diện tích chợ. Hai dãy phố bên hông chợ đã đóng góp một phần lớn vào sinh hoạt hằng ngày.
Một người Hoa mở tiệm cà phê, hủ tíu; cạnh bên, ông Tàu có vợ Việt làm chủ tiệm thuốc bắc, vừa xem mạch, vừa kê toa. Người Việt mở hàng bán lẻ lúa gạo, tấm cám, nhưng đa số bán tạp hóa. Cây me già đầu chợ, nặng trĩu tuổi đời, trơ cành trụi lá cũng giúp chú năm Ca kê một bàn hớt tóc dưới gốc me.
Vừa tờ mờ sáng, chợ Cai tài ôn ào tiếng người. Dưới chân cây cầu vòng là bến đỗ. Ghe xuồng tấp nập từ trong thôn xóm chèo chống kéo ra, mang theo heo con, gà vịt, rau cải, bầu bí. Những cái thúng bội chất đầy ổi, mận, mảng cầu được chuyển từ ghe lên bờ. Một ông già còm lưng xách quày chuối còn xanh, kéo lê quày dừa to trái. Vài ngọn đèn dầu leo lét trên mui ghe lắc lư, tỏa chút ánh sáng vàng vọt cũng đủ giúp người dân quê mang hàng lên bờ.
Mặt trời vừa lố dạng, ánh nắng ban mai chiếu chênh chếch trên cành cây, xuyên qua kẻ lá, dân làng Quê mỹ Thạnh lục đục xách giỏ ra chợ ;họ nhanh chân để mua được hàng tươi;vả lại, chợ cũng chỉ nhóm vài giờ rồi tan. Đức cùng Hạnh lửng thửng theo bà Hai Tạo ra xem quang cảnh chợ vườn. Giọt sương mai còn đọng trên tàu lá chuối, tròn như viên ngọc long lanh. Một làn gió nhẹ len lỏi qua bụi chuối, lay động cành lá, trút vài giọt sương lạnh lên mái tóc Hạnh.
Thấm thoát Đức đã đi dạy hơn hai năm. Đôi ba tuần, hai vợ chồng đèo nhau trên chiếc honda về quê thăm cha mẹ. Được chồng hết dạ thương yêu, Hạnh ngụp lặn trong hạnh phúc. Những năm 1961, 1962, miền Nam thật thanh bình. Xe đò hậu giang đưa khách ngày lẫn đêm. Đức là giáo sư trung học đệ nhị cấp, với chỉ số lương 470, chàng lảnh mỗi tháng 7500 đồng. Lương thư ký lúc bấy giờ chỉ khoảng 2200 đồng. Các bạn chàng được bổ nhậm về tỉnh, một tháng tốn 600 đồng tiền cơm, cộng thêm 200 đồng tiền ở trọ. Giá một vé xe đò Sàigòn Vĩnh long chỉ có 40 đồng. Hoàng và Đức có lợi thế hơn vì họ dạy tại đô thành. Ngoài 16 giờ đứng lớp hằng tuần do bộ giáo dục ấn định, hai chàng tha hồ dạy thêm trường tư để có dư tiền mua sắm.
Xuất thân từ con nhà nghèo, vợ chồng Đức biết giá trị đồng tiền. Hạnh chắt chiu tiền lương của chồng để phòng thân. Đức bàn với vợ hằng tháng trích ra một số tiền mang về giúp đỡ cha mẹ hai bên. Hạnh cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của chồng.
Chủ phố Ấn độ ở Đakao định bán từng căn cho người đang thuê, Hạnh càng dành dụm để đủ tiền mua phố. Được tin, Hoàng nhả ý giúp bạn có phương tiện tài chánh nhưng vợ chồng Đức lịch sự từ chối. Giờ đây Hạnh chỉ mong sao có được một mụm con để bớt hiu quạnh lúc chồng vắng nhà. Một giấc mơ đơn sơ, Trời có chìu lòng Hạnh Không ?
Dung đã sinh bé Ngọc hơn một năm. Cô bé ra đời trong nhung lụa và đầy ấp tình thương của cha mẹ. Dung thôi học văn khoa, bỏ Yến lẻ loi trong sân trường. Tuy có bà Tư giúp việc, Dung vẫn bận rộn với con thơ nên thì giờ nàng hạn hẹp. Hoàng cũng chìu ý vợ. Vả lại, vì chàng dạy toán nổi tiếng nên ngoài giờ trường công, chàng kiếm khấm khá tiền ở tư thục. Cuối tuần; Hoàng dành hết thì giờ cho vợ con.
Có xe hơi nhà, thứ bảy nào chàng cũng đưa Dung và bé Ngọc đi Vũng tàu:bà Tư cũng được theo phụ lo cho cô bé. Mới thôi nôi, bé Ngọc đã được hóng gió biển. Mẹ Hoàng nóng ruột cháu nội cứ cắn nhằn con. Hoàng chỉ cười rồi đâu cũng vào đó. Dung chìu ý chồng nên âm thầm đồng loã.
Mỗi năm đến hè, học sinh vui mừng còn giáo sư lại rầu; nhất là thầy cô dạy đệ nhị cấp phải bù đầu chấm thi tú tài. Xong kỳ một không mấy chốc lại đến kỳ hai. Dứt tú tài thì khai giảng niên khoá mới. Những dự tính của Hoàng đưa vợ con đi Đà lạt, Nha trang hay Huế đều hỏng.
Chương năm.
Thời gian lặng lẽ đi qua. Bé Ngọc giờ đây đã lên tám, cô bé đang ngồi lớp ba tiểu học. Càng lớn, Ngọc càng đẹp giống mẹ như khuôn đúc. Hoàng cưng con không ai bằng. Dung cùng chồng sống trong hạnh phúc chất ngất.
Không khí chiến tranh phủ trùm lên miền Nam nước Việt, khuấy động bầu trời yên tĩnh từ thôn quê đến thị thành. Vợ chồng Đức bị cầm chân ở Sàigòn. Cha mẹ chàng khuyên con không nên về Quê mỹ Thạnh vì mất an ninh;họ hứa thỉnh thoảng lên thăm. Đức nhìn Hạnh thở dài ngao ngán trước biến động của đất nước. Tết Mậu Thân năm nay, vợ chồng Đức không được về Cai tài ăn tết với mẹ cha. Biết Đức có tâm sự buồn, Hoàng bàn với Dung mời vợ chồng bạn vào đón xuân ở nhà mình. Nhưng biến cố Mậu Thân 1968 đến bất ngờ vào ngay ngày Tết.
Cầu Bình lợi giáp ranh An phú đông chạy dài qua cầu Băng ky là bãi chiến trường. Hoàng bồng con, dắt vợ lên xe chạy, bà Tư cũng vội vã chui vào yên sau với bé Ngọc. Chàng phóng xe nhanh ra Gia định. Tới trường Mỹ nghệ, Hoàng rẽ qua Chi lăng vào nhà cha mẹ tỵ nạn. Ông bà Duy hớt hãi chạy ra mở cổng đón con cháu và bà Tư vào.
Tiếng trực thăng gầm gừ suốt đêm trên không trung, nhả từng tràng đạn xuống như bò rống. Bên kia đường Hoàng hoa Thám, chát chúa đủ loại súng. Dân quanh vùng nhôn nháo. Ông Duy lót chiếu dưới hai bộ ván gõ, giục gia đình chui vào tránh đạn. Trước hoàn cảnh nầy, nhà nào cũng tự biến chế cho mình một nơi trú ẩn.
Ba ngày sau, tiếng súng thưa dần. Hoàng mượn xe gắn máy của Yến lần mò về Băng ky. Nhà Hoàng mang thương tích khá nặng: tường loang lỗ vết đạn, mái ngói vỡ từng mảng. Thấy cửa nhà còn khoá, Hoàng yên lòng quày xe trở lại Phú nhuận. Dung và bé Ngọc ngồi đứng không yên mong đợi Hoàng về. Nghe tiếng xe gắn máy, hai mẹ con chạy ùa ra sân mở cổng. Ngọc ríu rít hỏi cha còn Dung thì nhìn chồng ái ngại. Ông bà Duy cũng nôn nóng muốn biết tin. Hoàng thuật lại cảnh tượng nhà chàng cho che mẹ và vợ con nghe;bà Tư lấp ló sau bếp nghe hùn. Phải mất hai tháng nhà Hoàng mới được sửa xong. Dung và con sốt ruột muốn trở về mái ấm gia đình. Hoàng cố thuyết phục vợ con đợi hoàn tất sẽ đưa vợ con về. Bé Ngọc vui mừng nhìn lại căn phòng riêng của mình còn Dung thì buồn rũ rượi đi quan sát từ trong ra ngoài.
Nửa năm sau, Hoàng, Đức nhận được giấy gọi đi thụ huấn quân sự chín tuần. Tất cả nam giáo sư trẻ, đại học cũng như trung học được tập trung vào Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Trước khi lên đường, Hoàng muốn vợ con về tạm trú bên song thân chàng nhưng Dung không muốn làm phiền cha mẹ chồng nên từ chối. Vả lại, nàng muốn tự do sống bên con dưới mái nhà đầy ấp kỷ niệm. Ngọc cũng đồng tình với mẹ. Dung biết lái xe thay chồng mỗi ngày đưa rước con. Sự có mặt của bà Tư giúp việc rất cần đối với Dung lúc vắng Hoàng.
Những ông giáo già được miễn tập huấn cùng các nữ giáo sư phải chạy ngang, chạy dọc dạy choàng nhiều lớp. Đức đi rồi, Hạnh cảm thấy buồn đơn chiếc. Phải chi Hạnh có một đứa con như Dung, nàng sẽ hạnh phúc biết bao. Đức và Hạnh đều là con một trong gia đình, giờ đây, nàng lại không sinh nở; nghĩ đến, Hạnh thất vọng nhiều. Chín năm rồi còn gì ! Câu an ủi của Dung ngày nào nay trở thành vô nghĩa. Tội nghiệp Đức, chàng một mực yêu vợ và không tỏ vẻ gì thất vọng. Ông bà Văn, cha mẹ Hạnh, cũng lo cho con, nhưng không thấy Đức đề cập đến vấn đề con cái nên tạm yên lòng. Thỉnh thoảng Dung lái xe đưa bé Ngọc ra Đakao thăm Hạnh; hai dì cháu chuyện trò có vẻ tương đắc lắm. Mỗi lần gặp Ngọc, Hạnh ngắm mẹ con Dung rồi tấm tắc khen bạn khéo sinh đứa con gái giống mẹ như hai giọt nước. Dung sung sướng nhìn con đoạn trông vào gương; quả thật Ngọc giống nàng quá.
Nước chảy qua cầu, thời gian cũng theo dòng nước mà trôi đi. Một hôm, Dung cùng con ra rủ Hạnh lên Trung tâm huấn luyện Quang Trung đón Hoàng và Đức về vì hôm nay là ngày mản khoá, Hạnh hoan hỷ nhận lời.
Giây phút tao ngộ thật cảm động. Đức ôm chầm lấy vợ. Không e thẹn, Hạnh ghì lấy chồng đón nhận nụ hôn dài. Hoàng cũng nhầc bổng bé Ngọc lên, trìu mến hôn lên má con, đoạn quay sang ôm Dung trong vòng tay siết chặt, môi tìm môi để trao nhau chiếc hôn nồng. Bé Ngọc cười tủm tỉm chứng kiến tình yêu của cha mẹ.
Sau ba ngày phép, Hoàng và Đức trở lại trường cũ. Các học sinh reo hò mừng thầy trở về. Vì tình hình ngày càng bất ổn; cuối tuần Hoàng không dám đưa vợ con đi chơi xa. Dung cũng không đòi hỏi gì. Có chồng con bên cạnh, nàng cảm thấy quá đủ rồi. Những tưởng dòng đời cứ tiếp nối đi qua đưa Hoàng và Dung sống hạnh phúc bên con đến bạc đầu; nào ngờ nghiệt ngã ập đến gia đình chàng.
Dung thường than mệt, Hoàng lo âu đưa vợ đi khám bác sĩ. Họ xem mạch rồi bảo Dung suy dinh dưỡng, chàng thấp thỏm lo âu vì sắc diện của Dung ngày một xuống. Dung ủ rũ biếng ăn, biếng nói, vẻ mệt mỏi hiện ra trên gương mặt nàng, Hoàng bèn đưa vợ vào bịnh viện Grall, nhờ bác sĩ Pháp chẩn bịnh. Sau khi thử máu và có kết quả; Hoàng được mời đến văn phòng bác sĩ Jacques, ông ái ngại nhìn Hoàng rồi thì thầm bên tai chàng:
- Bà nhà bị ung thư máu.
Trước mắt Hoàng, bầu trời như sụp đổ, chàng muốn ngả qụy xuống sàn nhà. Bác sĩ khuyên Hoàng đừng cho Dung biết, ông đoán nàng chỉ sống được vài tháng. Sau vài câu an ủi, ông bắt tay Hoàng cáo từ. Rời bịnh viện, chàng lảo đảo đi như người say, móc túi tìm chìa khoá, Hoàng không biết túi nào ? Mắt mờ lệ, lòng đau nhói, Hoàng tự hỏi mất Dung rồi, đời chàng và bé Ngọc sẽ ra sao ? Dung là mẫu người đàn bà hiền đức, tại sao nghiệt ngã lại giáng xuống đời nàng ? Tại sao ? Ruột rối như tơ vò, ngổn ngang với những ý nghĩ chán nản, rối mù trước những câu hỏi không giải đáp: Hoàng và bé Ngọc có làm gì nên tội ? Tại sao bất hạnh không buông tha cho vợ mình ? Chỉ vài tháng nữa Hoàng sẽ mất vợ và con gái chàng cũng sẽ mất mẹ vĩnh viễn.
Thiểu não về đến nhà, Hoàng thấy Dung đang ngồi tựa salon thấp thỏm chờ chồng mang kết quả về. Giọng yếu ớt:
- Có chưa anh ?
Hoàng tìm cách dối vợ:
- Có rồi em à. Chỉ suy dinh dưởng, không trầm trọng lắm đâu .
Dung thỏ thẻ :
- Bác sĩ Phát đã nói đúng. Vậy mà anh đưa em vào Grall chi cho phí tiền ?
Chàng buồn bã:
- Có bao nhiêu đâu em. Sức khoẻ của em là trên hết.
Nhớ lời căn dặn của bác sĩ Jacques, Hoàng cố giữ vẻ bình thản, chàng khuyên Dung:
- Kể từ hôm nay, em phải dùng các thức ăn nhiều chất bổ.
Dung khẻ gật đầu. Hoàng ngồi bên vợ, ôm Dung vào lòng đưa tay vuốt mái tóc nhung mượt mà đoạn áp má vào gò má xanh xao của vợ. Nàng quàng tay qua cổ chồng đón nhận nụ hôn nồng cháy như thuở nào hai đứa ngồi tựa gốc dừa trên đường về quê Đức. Chợt nhớ ra:
- Tới giờ đi đón con rồi anh !
Hoàng gượng vui:
- Đúng rồi, để anh đi. Đến trể cô bé giận à .
Dung mỉm cười:
- Tại con nó nhõng nhẽo với anh.
Hoàng hỏi lại:
- Còn với em thì sao ?
- Thì nó đòi quà.
Âu yếm nhìn vợ:
- Vậy em có hơn gì anh đâu ?
Đoạn đứng lên :
- Thôi anh đi nhé !
Dung nhìn theo chồng lòng buồn héo hắt. Nửa giờ sau, bé Ngọc tung tăng chạy vào khoe mẹ được điểm cao, Dung ôm con vào lòng khen ngoan, hẹn sẽ thưởng. Suốt đêm, Hoàng không tài nào nhắm mắt, cũng không dám trăn trở sợ Dung sinh nghi. Sáng dậy, Hoàng đến lớp như kẻ mất hồn. Kể cả với Đức, Hạnh, chàng không thể tiết lộ chuyện nầy. Hoàng uể oải giảng bài mà hồn để đâu đâu. Biết khó tiếp tục, chàng bèn cho bài tập để học sinh làm.
Ba tháng đi qua, Hoàng hồi hộp lo sợ. Mất ngủ và suy nghĩ nhiều, người chàng gầy yếu thấy rõ. Dung tưởng chồng dạy nhiều giờ nên mất sức, nàng nhờ bà Tư làm các món ăn mà Hoàng thích, mong chàng lấy lại sức. Khi yêu, người ta chỉ lo cho người mình yêu mà quên hẳn bản thân mình. Hoàng bỏ dạy tư thục để có nhiều thì giờ gần Dung vì sức khoẻ của nàng ngày càng sút dần. Cho đến một hôm, ngoài trời mây đen vần vũ, ánh chớp lập loè, một trận mưa to trút xuống thành phố, cơn mưa nhạt nhòa như báo trước cuộc biệt ly. Dung hổn hển kêu mệt, Hoàng đỡ vợ lên, ngả vào ngực mình. Bé Ngọc quýnh lên, chạy đến bên mẹ lo lắng hỏi :
- Mẹ mệt lắm hả mẹ ? Để ba gọi bác sĩ.
Dung thều thào :
- Đừng con, mẹ biết sức mẹ. Con hãy đến đây với mẹ.
Ngọc ôm mẹ, nước mắt đầm đìa. Dung gắng sức:
- Đừng khóc, con của mẹ. Mất mẹ, con còn có ba. Nhớ vâng lời ba nghe con !
Ngọc càng khóc to. Hoàng đau đớn ôm chặt lấy vợ như muốn giành giựt với tử thần. Lệ chảy vòng quanh khoé mắt, Dung nhìn Hoàng nghẹn ngào :
- Anh rán lo cho con nghe anh !
Hoàng nức nở:
- Anh hứa, anh hứa mà. Dung ơi, em đừng bỏ anh, bỏ con.
Mắt Dung lờ đờ rồi khép lại vĩnh viễn. Hoàng lay mạnh gọi Dung, bé Ngọc gào thét khóc. Tiếng khóc của trẻ thơ bị át đi bởi cơn mưa tầm tã bên ngoài. Vợ chồng Đức có mặt ngay khi hay hung tin. Họ phụ bạn lo chôn cất Dung chu đáo. Nhìn di ảnh của Dung, Hạnh rấm rứt khóc, nàng đâu ngờ Dung yểu mệnh đến thế ?
Sau đám tang, ngôi nhà trở nên lạnh lẽo. Cha mẹ Hoàng đề nghị chàng dọn về ở chung với ông bà nhưng Hoàng từ chối, chàng không muốn rời bỏ tổ uyên ương đầy ấp kỷ niệm. Mất Dung, Hoàng dồn hết tình thương cho bé Ngọc. Đêm đêm, kèm con làm bài, Hoàng ngắm con để nhớ vợ. Ngọc giống Dung quá, giống từ gương mặt trái soan, cặp mắt đen nháy, làn mi cong, đôi môi xinh mộng đến chiếc mũi dọc dừa. Ngọc đẹp như Dung ngày nào.
Chương sáu.
Theo năm rộng tháng dài, thắm thoát, Hoàng đã đóng vai gà trống nuôi con trên chín năm rồi. Ngọc giờ đây là một nữ sinh trẻ đẹp nhất lớp 12 trường Nguyễn thị Minh Khai. Cuộc đổi đời năm 1975 không làm Hoàng điêu đứng lắm. Hoàng dạy toán nên không thay đổi nhiều, chỉ nhức đầu với những giờ thảo luận chính trị, chán chường với giáo án có ba bước lên lớp. Trường Hồ ngọc Cẩn xuống cấp, đổi tên, Hoàng được thuyên chuyển qua Võ thị Sáu.
Thấy nhiều người vượt biển, Hoàng muốn mạo hiểm đưa con đi khỏi nước, nhưng những tin hãm hiếp phụ nữ, cướp của, giết người của hải tặc Thái lan làm Hoàng chùn bước vì lo sợ cho Ngọc. Vả lại, cuộc sống của chàng cũng không xuống dốc lắm vì cha mẹ Hoàng còn giấu của để chu cấp cho chàng và Yến nên Hoàng bỏ ý định ra đi.
Đức dạy văn phải khốn đốn nhiều, ngân sách gia đình eo hẹp dần. Hoàng và Đức thường gặp nhau để bàn thời sự. Bà Duy thấy con quạnh hiu đã lâu nên khuyên Hoàng tục huyền. Chàng cười hỏi :
- Má muốn con cưới ai ?
Không do dự, bà nhanh nhẩu đáp:
- Thì còn ai ? Cô Mỹ dạy anh văn trường con đó. Nghe Yến nói cô ấy có cảm tình với con từ lâu.
Thì ra thế ! Hèn chi vợ chồng Yến thường rủ cô Mỹ đến nhà chàng cố ý làm mai. Ngọc đứng bên trong nghe trộm câu chuyện giữa bà nội và cha, nàng vào phòng cha ôm di ảnh mẹ ràn rụa nước mắt. Một chập sau, Ngọc nghe loáng thoáng tiếng cha:
- Cám ơn má đã lo cho con, nhưng con thấy không người đàn bà nào thay thế được Dung; hơn nữa, con không muốn có kẻ thứ ba chen vào tình cảm của cha con con.
Biết không thể thuyết phục được Hoàng, bà Duy ra về. Ngọc bước ra khỏi phòng, hai dòng nước mắt lăn dài trên đôi má, nàng chạy đến ôm chầm lấy cha:
- Con thương ba quá !
Hoàng vuốt tóc con âu yếm:
- Ba cũng thương con lắm !
Từ ngày mẹ mất, Ngọc lẩn quẩn bên cha, tình phụ tử theo tháng năm sâu nặng. Thấy cha ở vậy nuôi con, Ngọc thương cha khôn cùng. Mỗi khi theo cha ra viếng mộ mẹ, Ngọc trông thấy cha khóc làm Ngọc cũng khóc theo.
Một hôm, Đức đưa Hạnh đột ngột đến nhà Hoàng. Chàng mừng rỡ chào đón bạn còn Ngọc thì ríu rít mừng dì Hạnh. Vừa ngồi xuống ghế, Đức chìa tấm thiệp hồng hỏi bạn:
- Hoàng có được thiệp mời chưa ?
Chàng gật đầu:
- Có. Khánh mời dự đám cưới con trai nó phải không ?
Đức đắn đo:
- Đúng, nhưng vợ chồng mình do dự không muốn đi.
Hoàng trố mắt:
- Đâu được, nó buồn đấy. Tuần trước gặp mình, nó nhờ thuyết phục vợ chồng Đức tham dự. Bạn cũ giờ còn có mấy người ?
Đức thở dài:
- Như Hoàng thấy đó, sau cuộc đổi đời, mình xuống dốc quá. Khánh còn giàu nên giao thiệp với giới thượng lưu; mình đến sợ không bằng ai, nhất là đàn bà hay dòm ngó. Thông cảm bạn:
- Đức với Hạnh đừng mặc cảm. Đám cưới xong, ai về nhà nấy, tội gì phải lo xa cho mệt.
Chợt nhớ ra, Hoàng hoan hỷ:
- Chị Hạnh có cần nữ trang đeo ngày hôm đó không ? Để tôi mang hộp nữ trang của Dung đưa chị chọn.
Hạnh nhìn chồng hỏi ý, Đức bèn khuyến khích vợ:
- Em cần thì cứ mượn của Hoàng, qua đám cưới mình mang trả lại.
Sợ Hạnh đổi ý, Hoàng đi nhanh vào phòng ngủ lấy một hộp đen đựng nữ trang của Dung ngày trước mang ra :
- Đây chị Hạnh cứ chọn. Chỗ bạn thân, chị đừng ngại.
Trong lúc Hạnh lựa, Đức hỏi Hoàng:
- Hoàng có đi rước dâu không ?
Chàng ngập ngừng :
- Ban đầu mình từ chối vì đơn chiếc; Khánh đề nghị đưa cháu Ngọc theo cho đủ đôi. Mình hỏi con, nó đồng ý nên mình nhận lời.
Hạnh đã chọn xong món nữ trang. Ngọc phụ đeo xâu chuổi ngọc cho dì rồi trầm trồ khen:
- Dì đeo xâu chuổi nầy đẹp quá, mẹ cháu ngày xưa cũng thích nó lắm.
Hai dì cháu đến soi gương ra chiều thích thú. Thảo luận thời cuộc trong giây lát, Hạnh cám ơn bạn rồi giục Đức ra về. Tuần sau, cha con Hoàng gặp lại vợ chồng Đức ở nhà Khánh. Nhìn Đức và Hạnh đẹp đôi khiến Hoàng nhớ Dung ray rứt.
Ngọc chiều nay đẹp lộng lẫy trong chiếc áo dài màu xanh lam, quần trắng. Các cậu trai đeo theo săn đón. Nàng cười nói nhã nhặn nhưng vẫn giữ vẻ trang nghiêm. Nhìn con, Hoàng hãnh diện trong lòng.
Sau đám cưới của con Khánh một tuần, vợ chồng Đức đến nhà Hoàng trả lại xâu chuổi ngọc. Chàng hờ hững bỏ vào hộp đem cất. Trao đổi vài câu nhận xét về tiệc cưới, Đức cùng vợ cáo từ ra về, trông họ có uẩn khúc gì.
Một hôm, có việc đi mua sắm cho con vài món lỉnh kỉnh, Hoàng đưa Ngọc ghé qua thăm Đức và Hạnh. Hai cha con sững sờ thấy căn phố đổi chủ. Hỏi ra mới biết Đức đã bán nhà dọn đi nơi khác. Hôm sau đi dạy, Hoàng dọ hỏi vài đồng nghiệp quen Đức thì họ cho hay Đức xin hoán chuyển về tỉnh. Hoàng trách vợ chồng bạn sao giấu mình ?
Chương bảy.
Ngọc thi đỗ tốt nghiệp phổ thông, trước kia gọi là tú tài. Nàng xin cha theo y khoa, Hoàng ưng thuận. Vì lý lịch của Hoàng nhẹ nên con gái chàng thi tuyển vào y khoa không bị trở ngại. Gần một năm học lý thuyết, Ngọc đăm chán. Các giáo sư giỏi đa số ra nước ngoài;những ông thầy mới trám vào đều tốt nghiệp từ Liên xô hay Đông Âu, mang về những kiến thức cổ lỗ;đa số đỗ đạt nhờ hồng hơn chuyên. Ngọc định đổi ngành. Bỗng một hôm có một phái đoàn bác sĩ Pháp đến viếng trường. Ông cán bộ theo líu lo thông dịch, các bác sĩ Pháp lơ là không chú ý, họ chỉ thì thầm trao đổi với một thanh niên Á châu trẻ đi chung đoàn. Vì Ngọc xinh đẹp, duyên dáng nên được trường chọn vào ban tiếp tân. Trong phòng khánh tiết, Ngọc bắt gặp ánh mắt của người thanh niên lạ kia hướng về mình. Những bó hoa tươi được các nữ sinh viên trao tặng, phái đoàn hân hoan đón nhận trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Ngọc trao hoa, nàng trố mắt ngạc nhiên vì người được tặng hoa là chàng thanh niên Á châu lạ kia. Với nhân dáng khôi ngô tuấn tú, nụ cười cởi mở, chàng khẻ nghiêng mình lịch sự đỡ lấy bó hoa :
- Cám ơn cô. Cô là sinh viên trường nầy ?
Ngọc sửng sốt:
- Dạ phải. Còn ông là người Việt nam ?
Chàng vui vẻ:
- Vâng, tôi là bác sĩ Việt nam duy nhất trong phái đoàn.
Sợ bị chú ý, Ngọc quay gót. Nhắp xong những ly rượu xã giao, các bác sĩ Pháp phân tán đi viếng giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm của Đại học y khoa. Họ được vài giáo sư trường hướng dẫn. Ngọc đưa mắt nhìn theo đoàn người tham quan, sao không thấy ông bác sĩ Việt ? Bỗng nàng giật mình.
- Xin lỗi, cô học năm thứ mấy ?
Ngọc quay lại mỉm cười:
- Dạ mới năm thứ nhất.
Đoạn hỏi lại:
- Ông qua Pháp lâu chưa mà nói tiếng Việt rõ quá vậy ?
Mặt rạng rỡ niềm vui:
- Hai mươi năm chẳn.
Rồi chàng điềm đạm:
- Xin cô bỏ tiếng ông khách sáo kia đi. Tôi tên Tuấn, còn cô ?
- Dạ tôi tên Ngọc.
Tuấn nghiêm chỉnh:
- Tôi có thể nhờ Ngọc hướng dẫn đi xem trường được không ?
Ngọc phân vân:
- Sao ông Tuấn không theo các giáo sư ?
Chàng cười xòa:
- Lại ông nữa. Cô gọi Tuấn đủ rồi. Tôi không theo họ vì tôi muốn biết nếp sống của sinh viên.
Ngọc đi tìm thầy trình bày, thấy ông lắng nghe rồi gật đầu. Tuấn đứng xa chờ, chàng nhìn cô sinh viên trẻ đẹp thướt tha trong chiếc áo dài trắng trinh nguyên, tà áo lất phất sau bước chân đi của người con gái, chàng mường tượng mẹ mình ngày trước là nữ sinh Gia long, chắc cũng xinh đẹp như Ngọc trong chiếc áo dài trắng đồng phục. Tuấn thường nghe cha ca ngợi hình ảnh đó.
- Dạ mời Tuấn đi.
Tiếng của cô gái làm chàng trở về thực tế. Tuấn hoan hỷ hỏi:
- Vậy mình đi đâu trước ?
Ngọc ngơ ngác:
- Tùy Tuấn.
Chàng chững chạc:
- Ngọc đưa tôi đi xem giảng đường đi.
Họ rời phòng khánh tiết, băng qua sân cỏ đến các giảng đường. Thỉnh thoảng liếc mắt nhìn trộm Tuấn, Ngọc nhận thấy chàng đẹp trai, giọng nói trầm ấm của Tuấn thu hút người nghe. Qua câu chuyện trao đổi, nàng được biết Tuấn hiện là bác sĩ phục vụ trong một bịnh viện vùng Đông Pháp. Ngọc cũng kể cho Tuấn biết về người cha đáng kính của mình. Bất giác chàng nhíu mày khi thấy các bác sĩ Pháp đang tề tựu chờ Tuấn trở lại để lên xe ca về khách sạn. Lộ vẻ tiếc nuối:
- Trò chuyện với Tuấn thế nầy có bất trắc gì cho Ngọc không ?
Lỏn lẻn chớp mắt :
- Mười năm trước thì nguy hiểm. Nay với chính sách đổi mới, Ngọc thấy không sao, vả lại Ngọc cũng đã xin phép thầy rồi.
Tuấn chào từ giã. Chàng xin Ngọc địa chỉ để hôm nào đến thăm. Thấy Tuấn thành thật, nàng lấy giấy bút ghi vội và trao cho Tuấn. Chiếc xe ca chở phái đoàn rời trường để lại lưu luyến trong lòng cô nữ sinh viên trẻ đẹp.
Hoàng đón con trước cửa đại học. Trên đường về, Ngọc thuật lại câu chuyện gặp gỡ Tuấn cho cha nghe. Tuy chưa biết mặt, Hoàng cũng có đôi chút cảm tình.
Hai ngày sau, trời nắng đẹp. Hoàng đang lom khom tỉa cành hồng bỗng nghe tiếng chuông reo, chàng ngẩng đầu nhìn. Trước mặt chàng là một thanh niên trạc ba mươi tuổi ôm bó hoa nghiêng đầu chào :
- Thưa bác, đây có phải là nhà cô Ngọc không ?
Hoàng niềm nở :
- Dạ phải, tôi là ba của Ngọc.
Nghe tiếng đối đáp bên ngoài, Ngọc bước ra. Nàng tròn mắt ngạc nhiên nhìn Tuấn trân trối, không ngờ Tuấn đến thật, còn chàng thì ngẩn người nhìn Ngọc . Với nhân dáng dịu dàng, mái tóc bồng bềnh, nàng mặc chiếc áo ngắn xanh, quần đen ôm gọn thân người làm nổi bật làn da trắng mịn, đôi guốc sơn xinh xinh, quay nhung mềm ôm lấy những ngón chân ngọc ngà. Ngọc có gương mặt trái soan, cặp mắt đen huyền ươn ướt dưới hàng mi cong vút, đôi môi đỏ mộng, chiếc mũi dọc dừa nho nhỏ, một thân hình thon thả ẩn hiện nét gợi cảm kín đáo. Thấy Tuấn nhìn mình không chớp mắt, Ngọc thẹn ửng hồng đôi má, miệng ấp úng :
- Tuấn tìm nhà có khó không ?
Chàng hớn hở:
- Không, Tuấn đi taxi thẳng vào đây. Ngày trước ba má Tuấn cũng ở gần nơi nầy.
Hoàng vui vẻ mời khách vào nhà. Ngọc đỡ lấy bó hoa đem trao vào bình sứ. Để phá tan không khí quá trang nghiêm trong phòng khách, Ngọc lém lỉnh đùa :
- Bộ Tuấn mang trả bó hoa do Ngọc tặng ở phòng khánh tiết chớ gì ?
Chàng cười tủm tỉm:
- Khác đấy nhé ! Hôm trước đâu phải hoa hồng.
Hoàng chen vào:
- Con phá cậu Tuấn làm chi .
Ngọc không nhờ bà Tư, tự mình ra sau bếp mang nước lên mời Tuấn. Hoàng thân mật hỏi:
- Lúc nảy nghe cậu nói trước kia ba má cậu ở gần đây ?
Tuấn lễ phép thưa:
- Dạ, nhà cha mẹ cháu ở ngã ba cây thị, cạnh sân banh Lê văn Duyệt.
Hoàng chưng hửng:
- Vậy thì gần đây quá !
Tuấn kể tiếp:
- Trước kia ba cháu là giáo sư Pháp văn trường Hoàng hoa Thám còn mẹ cháu dạy văn trường trung học Tân Định.
Nét mặt rạng niềm vui:
- Ồ, thế là đồng nghiệp của tôi rồi. Nhưng ba má cậu đi Pháp lúc nào ?
Tuấn kể tỷ mỷ:
- Sau 1975, ba má cháu vẫn còn ở ngã ba cây thị. Cuối năm 1978, Ông bà nội cháu có quốc tịch Pháp nên hồi hương, mang cả gia đình ba má cháu theo.
Hoàng gật gù:
- Cậu sang Pháp lúc mấy tuổi ?
- Dạ mười một tuổi.
- Thế cậu không bị trở ngại về tiếng Pháp sao ?
Tuấn nhanh miệng đáp :
- Thưa bác, ban đầu khó khăn lắm. Nhờ ba cháu kèm mỗi tối nên chị em cháu chỉ bị chao đảo hai năm đầu, sau đó theo kịp học sinh Pháp.
Hoàng khen :
- Hay quá !Rồi cậu đỗ bác sĩ lâu mau ?
- Dạ cháu trình luận án ba năm trước.
Nhìn diện mạo Tuấn, Hoàng đắc ý :
- Một hãnh diện lớn cho dân mình.
Chợt nhớ ra :
- Thế làm sao cậu là thành viên trong phái đoàn ?
Tuấn thưa :
- Cháu có chân trong hội bảo vệ cô nhi Việt nam nên được về nước mấy lần. Trong phái đoàn có vài đồng nghiệp của cháu, họ mời cháu theo vì cháu biết rành ngôn ngữ và đất nước mình.
Theo dõi câu chuyện giữa cha nàng và Tuấn, Ngọc thầm thán phục người thanh niên xa xứ còn biết hướng về tổ quốc. Do đó, cảm tình nàng dành cho Tuấn tăng dần. Nghĩ ngợi mông lung, Hoàng ngập ngừng hỏi:
- Thế cậu lập gia đình chưa ?
Đọc được tư tưởng của ba Ngọc, Tuấn khoan khoái:
- Vì mới ra trường có ba năm nên cháu chưa nghĩ đến việc cưới vợ.
Ngọc cười rúc rích :
- Ba để Tuấn uống nước chứ.
Đoạn nhìn sang chàng:
- Dạ mời Tuấn.
Đưa tay đỡ lấy ly cam tươi:
- Cám ơn Ngọc.
Thấy cũng đã trưa, Tuấn ngỏ lới mời Hoàng và Ngọc đi dùng cơm với chàng. Hoàng vui vẻ nhận lời. Hoàng lái xe ra cổng. Ngọc trang nhã trong chiếc áo dài màu hoàng anh cùng Tuấn lên xe. Hai người đàn ông ngồi trước còn Ngọc thì ngồi phía sau ngắm Tuần, lòng miên man nghĩ ngợi xa xôi. Hoàng rồ máy xe hỏi ý:
- Cậu chọn nơi nào ?
Tuấn bối rối:
- Cháu đâu rành hơn bác. Xin bác chọn giùm.
Chiếc xe thong dong hướng ra chợ Bến thành, Hoàng đổi chiều lái xuống chợ cũ rồi ngừng trước nhà hàng Đồng Phát.
- Mình ăn cơm Tàu nhé !Nhà hàng nầy không mấy sang trọng nhưng nấu ăn ngon.
Tuấn tán thành:
-Thưa bác mình đi ăn chứ đâu đi ngắm nhà hàng.
Sau khi ngồi vào bàn và chờ đợi thức ăn, Ngọc e ấp hỏi:
- Chừng nào Tuấn trỡ về Pháp ?
- Hai tuần nữa.
Cha nàng tiếp :
- Trong thời gian còn lại, cậu có công tác gì không ?
Với nhân dáng đôn hậu, đằm thắm:
- Dạ ngày mai cháu ra Đà nẳng thăm một cô nhi viện do hội cháu bảo trợ; hai hôm sau cháu bay về Sàigòn, thuê xe xuống Cần thơ thăm cô nhi viện miền tây.
Hoàng bèn đề nghị:
- Thay vì cậu thuê xe, tôi sẽ lái đưa cậu đi Cần thơ, du ngoạn luôn thể.
Tuấn ái ngại:
- Dạ cháu đâu dám làm phiền bác.
Ngọc thắc mắc:
- Tuấn đi một mình hay có bác sĩ nào theo ?
Giọng mềm mỏng :
- Họ theo Tuấn ra Đà nẳng, sau đó đi Huế và Hà nội rồi trở về Pháp.
Ngọc ngơ ngác:
- Thế Tuấn về Pháp một mình ?
Tuấn nhìn Ngọc cười :
- Có sao đâu, Tuấn quen quá rồi.
Như đã hẹn, khi chiếc phi cơ Hàng không Việt nam đưa Tuấn từ Đà nẳng về Sàigòn đáp xuống, Hoàng và Ngọc đứng đón trước phi trường Tân sơn Nhứt. Tuấn vui mừng gặp lại Ngọc. Hoàng bắt tay chàng rồi mời ra xe, Hoàng lái về Gia định đoạn rẽ sang Bình hòa:
- Hôm nay tôi mời cậu dùng cơm tại nhà, sau đó mình bàn ngày giờ đi Cần thơ.
Tuấn sung sướng:
- Cám ơn bác nhiều.
Đoạn ngập ngừng:
- Cháu muốn xin bác một việc.
Hoàng sốt ruột:
- Việc gì, cậu cứ nói ?
Ngọc tủm tỉm cười:
- Gì mà trịnh trọng thế Tuấn ?
Chàng từ tốn:
- Xin bác bỏ giùm tiếng cậu. Bác cứ gọi cháu bằng cháu thế thôi.
Hoàng cười ngất:
- Tưởng việc gì, nếu cậu cho phép.
Từ đó Hoàng đổi cách xưng hô còn Ngọc thì gọi Tuấn bằng anh lúc nào nàng cũng chẳng nhớ. Ăn xong, Hoàng đưa Tuấn trở về khách sạn Continental để nghỉ ngơi, hẹn sáng mai gặp lại. Lúc chia tay, Tuấn muốn hỏi Hoàng nhưng chàng do dự rồi lại thôi, trong lòng thầm mong ngày mai trên chuyến xe xuôi về miền tây có Ngọc đi cùng.
Sáng hôm sau, đúng giờ hẹn, Hoàng đến đón Tuấn. Quả như Tuấn mong ước, chàng thoáng thấy Ngọc đang ngồi trong xe đợi trong khi cha nàng vào khách sạn tìm mình.
Chàng hớn hở tiến đến bắt tay Hoàng đoạn ra xe chào Ngọc và mời nàng vào nhà hàng cùng ăn điểm tâm trước khi lên đường. Hôm nay, Ngọc gọn gàng trong chiếc quần jean xanh, áo sơ mi trắng. Sợ Tuấn hiểu lầm, Hoàng giải thích:
- Sau khi mẹ nó mất, nó đeo theo bác. Đi đâu cũng có cha, có con.
Ngọc liếc cha dí dỏm:
- Theo để giữ ba chớ bộ.
Hoàng nhìn con sung sướng còn Tuấn thì cười đồng lõa với Ngọc :
- Ba cháu cũng có nhiều nét giống bác.
Xe ra khỏi Gò đen, hai bên quốc lộ bốn, thảm mạ non trải dài ngút ngàn, gió lồng lộng thổi. Ngọc đưa mắt ngắm cảnh, miệng cười duyên dáng :
- Thế hai bác có ý định về thăm quê hương không anh ?
Tuấn nhanh nhẩu:
- Mẹ anh về mấy lần rồi, một lần trước khi ông ngoại mất, lần thứ hai thăm bà ngoại lần cuối.
- Còn bác trai ?
- Chưa em à. Nghe nói ba anh sẽ về năm tới.
Hoàng góp lời :
- Cháu trao địa chỉ của bác cho ba má cháu, khi nào về Sàigòn, tiện việc đến bác chơi.
Chợt nhớ ra:
- A quên, ba cháu tên gì ?
- Dạ ba cháu tên Long còn mẹ cháu tên Vân.
Hoàng trầm ngâm :
- Nghe tên quen quen.
Vì phải qua hai chiếc phà Mỹ thuận và Cần thơ nên khi họ đến Tây đô thì mặt trời cũng vừa đứng bóng. Chiều hôm ấy, Hoàng lái xe đường xa thấm mệt muốn ở lại khách sạn nghỉ. Tuấn xin phép đưa Ngọc đến thăm cô nhi viện và dạo bến Ninh kiều. Nhìn dòng Cửu long cuồn cuộn chảy, hai mái đầu xanh kể chuyện vu vơ nhưng hai con tim chung nhịp thở. Sợ cha trông, Ngọc giục Tuấn trở về khách sạn. Chàng khẻ nắm tay Ngọc, nàng để yên bàn tay mình trong lòng bàn tay Tuấn. Tay đan tay, họ thư thả rảo bước. Làn gió mát của sông Hậu giang thổi vào làm rối bồng mái tóc cúp ngắn của người con gái. Đôi vai từ từ sát lại, họ đang sánh vai nhau đi trên lối mộng.
Chương tám.
Một năm sau, Tuấn đáp máy bay Hàng không Pháp trở lại Việt nam. Ông bà Long cũng có mặt trong chuyến bay. Những cánh thư hồng chuyên chở lời tỏ tình của Tuấn tứ Pháp gởi về đến tay Ngọc, nàng mở rộng tim mình đón nhận tình yêu của Tuấn. Cha con Hoàng đã có mặt tại sân bay Tân sơn Nhứt trước giờ phi cơ đến.
Khệ nệ hành lý ra khỏi phi cảng, Tuấn vồn vã chạy tới chào Hoàng đoạn ôm Ngọc vào lòng. Quên e thẹn, nàng sung sướng ngả đầu vào ngực người yêu. Chợt nhớ cha mẹ mình đang đứng bên cạnh mỉm cười, Tuấn vội quay lại giới thiệu Hoàng và Ngọc với ông bà Long. Họ vui vẻ bắt tay nhau. Ngọc cũng lễ phép chào cha mẹ Tuấn. Cùng là nhà giáo nên niềm cảm thông đến rất dễ dàng.
Hôm sau, Ông bà Long xin phép đến thăm Hoàng. Gặp nhau họ huyên thiên kể chuyện dạy học trước kia. Câu chuyện kéo dài đến tối thì Hoàng mời khách ở lại dùng cơm. Bà Long nhìn di ảnh của Dung tấm tắc khen nàng đẹp, bà cũng nhận thấy Ngọc giống mẹ như khuôn đúc.
Ngoài vườn mận, Ngọc đưa tay búp măng hái một trái chín đỏ, bẻ đôi đút Tuấn. Chàng cắn một nửa, một nửa đưa vào miệng nàng, đoạn ôm tấm thân thon thon của người yêu vào lòng siết chặt. Ngọc e ấp trong vòng tay Tuấn, ngây ngất đón nhận nụ hôn dài.
Ông bà Long chính thức xin cưới Ngọc cho con trai mình. Hoàng hoan hỷ chấp nhận. Tuấn như Ngọc bay bổng trong hạnh phúc chất ngất. Vì thì giờ eo hẹp, cha mẹ Tuấn xin Hoàng cho tổ chức lễ hỏi và lễ cưới chung. Thông cảm hoàn cảnh, Hoàng không nỡ từ chối.
Sau khi ông bà Long và Tuấn ra về, cha con Hoàng ngồi lại bàn tính tiệc cưới. Thoáng thấy Ngọc buồn, Hoàng gạn hỏi con :
- Ngọc, sao con không vui ?
Giọng nghẹn ngào , lệ chảy vòng quanh khoé mắt :
- Rồi đây con theo chồng về Pháp, ba sẽ quạnh hiu hơn.
Vuốt tóc con an ủi:
- Con đừng lo nghĩ viển vong. Bên đây ba còn có ông bà nội mà.
Ánh mắt buồn sâu thẳm:
- Nhưng nhà nầy chỉ còn có ba với bà Tư.
Nén xúc động, Hoàng vỗ về:
- Ba đã xin nghỉ hưu sớm, rồi đây thỉnh thoảng ba sẽ qua Pháp thăm con.
Bỗng nhớ ra, Ngọc thỏ thẻ:
- Anh Tuấn cũng hứa mỗi kỳ nghỉ hè sẽ đưa con về thăm ba.
Hoàng cười khanh khách:
- Thế tại sao con buồn ?
Nàng nũng nịu:
- Con cũng không biết. Tại con thương ba.
Chạnh lòng xót xa, Hoàng cố nén nỗi buồn:
- Ba cũng thương con lắm nhưng gái lớn lên thì phải có chồng. Vả lại ba rất hãnh diện có chàng rể như Tuấn.
Nghe lời cha, Ngọc cảm thấy phấn chần hơn:
- Nếu sau nầy Tuấn vì công việc không về được, Ba có qua thăm con không ?
Không đắn đo, Hoàng trìu mến cầm tay con:
- Ba hứa. Trước kia thì khó chớ hiện giờ xin đi du lịch rất dễ dàng.
Nét mặt tươi tắn hẳn ra, Ngọc ngả đầu vào vai cha, mắt chớp nhanh, lòng ngập tràn sung sướng. Hoàng hôn lên mái tóc con rồi nhìn di ảnh vợ , dòng nước mắt chợt tuôn ra.
Đám cưới của Tuấn và Ngọc được tổ chức trọng thể tại nhà hàng Continental. Sáng hôm đó, Hoàng mời cha mẹ chàng, thân mẫu Dung, vợ chồng Yến và họ hàng gần, đến nhà Hoàng để nhóm họ. Chiều lại, đưa nhau ra nhà hàng dự tiệc do đàn trai khoản đãi. Ngọc đẹp lộng lẫy trong chiếc áo cô dâu màu thiên thanh, mặt trang điểm đơn sơ, môi tô son hồng nhạt. Giống như mẹ ngày xưa, Ngọc đẹp diễm kiều với khuôn mặt trái soan, mái tóc óng mượt, cặp mắt đen huyền, đôi môi xinh mộng, hàm răng đều, chiếc mũi dọc dừa, ngực thanh tân, mông tròn, hai bàn tay búp măng xinh xắn, đôi chân thon dài. Nàng có một dáng dấp thon thả, thân hình mảnh mai, một vẽ đẹp thanh thoát gợi cảm. Các bạn gái Ngọc khen nàng tốt phước có chồng bác sĩ Việt kiều đẹp trai, còn vài bạn trai cùng lớp thì ganh tỵ, gượng cười như mếu vì kể từ hôm nay họ mất đi một đối tượng để đeo đuổi.
Sau lễ cưới, Tuấn đưa Ngọc vào Lãnh sự Pháp làm thủ tục theo chồng. Nhân viên sứ quán cho biết độ ba tháng mới xong. Đôi uyên ương bèn đưa nhau lên xứ hoa đào Đàlạt hưởng tuần trăng mật. Một vùng trời mộng mơ với rừng thông bạt ngàn tạo khung cảnh hữu tình cho hai kẻ yêu nhau đắm chìm trong những đêm mộng tràn trên chăn, tình đầy trên gối.
Vì công việc, Tuấn và cha mẹ phải về Pháp trước, chàng hẹn ba tháng sau sẽ trở qua đón vợ. Hai vợ chồng trẻ bịn rịn giã từ, sui gia cũng siết tay nhau hẹn ngày tái ngộ. Con chim sắt tung mình trong mây trắng để lại lòng Ngọc nỗi khắc khoải nhớ thương.
Hoàng âm thầm xin hộ chiếu đi du lịch. Được cấp xong, chàng vào Lãnh sự Pháp xin chiếu khán. Thủ tục hoàn tất, Hoàng đợi tin Tuấn để lấy vé máy bay. Ngày con gái và rể lên phi cơ về Pháp, Hoàng xách túi hành lý lẽo đẽo theo sau. Ngọc sung sướng vô ngần; bên chồng, bên cha, nàng cảm thấy mình đang ôm tròn hạnh phúc.
Thời gian ở Pháp, ông bà Long lái xe đưa anh sui đi viếng nhiều nơi. Ba tháng sau, Hoàng từ giã sui gia và rể con để trở lại quê hương. Tại phi trường Charles De Gaulle, cha con Hoàng ôm nhau ràn rụa nước mắt. Tránh xúc động mạnh, chàng hôn con rồi nhanh chân vào phòng cách ly, lòng vui buồn lẫn lộn. Vui vì thấy con rể học thức cao, có nhà riêng xinh đẹp, hơn nữa, Tuấn hết mực yêu Ngọc; còn buồn vì từ nay chàng phải xa đứa con cưng. Đã mất vợ, giờ lại xa con , Hoàng thiểu não lê bước tiến vào lòng phi cơ sắp cất cánh.
Về đến Việt nam, chàng lái xe đi đó đây cho khuây khoả nhưng nỗi buồn cứ chất ngất, cô đơn cứ vây quanh, nỗi thương nhớ con cứ dằn vặt trong lòng. Trước kia trên xe, bao giờ Ngọc cũng ngồi cạnh cha, ríu rít kể chuyện, giờ đây một mình lặng lẽ quạnh hiu. Hoàng lại tự trách mình tại sao buồn ? Phải vui chứ ! Năm sau vợ chồng Ngọc về thăm; ngày hội ngộ có bao xa ? Chàng lại phì cười. Mấy năm rồi Hoàng giận Đức nên không tìm. Nay quạnh hiu trước sau, Hoàng nhớ đến bạn nên lái xe về Quê Mỹ Thạnh mong gặp Đức để hỏi lý do.
Chương chín.
- Ông dùng chi thêm ?
Tiếng ông chủ quán kéo Hoàng về hiện tại. Nhìn đồng hồ đã ngoài mười giờ, chàng cười đáp:
- Cám ơn bác, bác tính tiền giùm.
Từ giã chủ quán, Hoàng mở cửa xe nhưng ông cản lại:
- Ông nên để xe ở đây tôi coi chừng cho; đường vào đó khó đi lắm sợ hư xe.
Nghe ông nói có lý, Hoàng khoá cửa xe rồi thả bộ vào chợ Cai tài. Cảnh chợ giờ đây khác hẳn, nền thì lồi lõm, mái biến mất, mấy cột gạch cũng không còn, cây cầu vòng qụy ngả xuống nước, hai dãy phố cũ kỷ tiêu đìều, lác đác vài cái quán nhỏ trên nền chợ bày bán nhiều thứ linh tinh. Hoàng cau mày ngẫm nghĩ bàn tay chiến tranh thô bạo tàn phá nhanh còn bàn tay dân quê yếu đuối quá nên không xây dựng lại kịp.
Đường vào nhà ông Hai Tạo vẫn như xưa. Hai bên lối đi, hàng cây so đủa ngả nghiêng theo gió; tiếng gà tre eo ốc gáy, nhịp võng đong đưa hòa lẫn với tiếng hát ru con của nhà ai vọng lại nghe buồn hiu hắt. Hàng rào trúc bao quanh nhà ông Hai đã cằn cỗi theo thời gian. Hoàng đứng trước cổng rào đưa mắt quan sát, không có bóng dáng Đức hoặc Hạnh. Ông Hai đang ngồi chẻ củi, thấy người lạ, dừng tay nheo mắt nhìn. Thời gian dài và những năm loạn lạc làm ông quên Hoàng. Ông uể oải ra cổng, Hoàng cất tiếng chào:
- Thưa bác, bác vẫn mạnh ?
Ông nhìn sửng:
- Cậu là ai ?
Chàng vồn vã:
- Bác quên con rồi sao ? Con là Hoàng, bạn của Đức nè !
Chợt nhớ ra, ông mừng rỡ:
- Cậu Hoàng ! Mèn ơi, lâu quá không gặp !
Đoạn réo gọi vợ:
- Bà ơi, có cậu Hoàng xuống.
Bà Hai, mắt đỏ ngầu vì khói bếp, tất tả chạy ra:
- Chèn ơi ! Cậu Hoàng đây rồi ! Còn mợ đâu ?
Hoàng thờ dài buồn bã:
- Dạ nhà con mất mười mấy năm rồi.
Bà trố mắt:
- Tội nghiệp không. Tệ thật, vợ chồng thằng Đức có nói gì đâu ?
Ông Hai tiếp lời vợ :
- Từ ngày trở về đây, tụi nó như người mất hồn.
Hoàng sốt ruột:
- Thưa bác, vợ chồng Đức có ở đây không ?
Bà lau mồ hôi nhễ nhại trên trán:
- Có, nhưng tụi nó ở bên nhà ba má con Hạnh. Cậu biết chứ ?
Chàng gật đầu:
- Dạ có, xưa kia vợ chồng cháu có qua chơi.
Ông Hai nhanh miệng giải thích:
- Anh chị sui tôi qua đời, nhà cửa vuờn tược không ai chăm nom. Đức đưa vợ về ở lo nhang khói cho ảnh chĩ và dòm ngó trước sau luôn.
Lòng mừng khấp khởi, Hoàng xin phép sang thăm vợ chồng bạn. Trước nhà, dây tơ hồng vàng nhạt bám trên hành rào dâm bụt xanh mướt, vài cánh hoa đỏ chen chúc với lá, vươn mình khoe sắc. Thấy Hạnh đang cho gà ăn, nàng ngồi ngắm đàn gà con chiêm chiếp bu quanh chân mẹ, Hoàng cất tiếng gọi:
- Chị Hạnh, anh Đức đâu ?
Hạnh mừng quýnh:
- Anh ơi, có anh Hoàng xuống !
Đức đang vun đất trồng khoai, buông cuốc chạy ra. Hạnh rối rít mở cổng còn Đức thì tiến đến ôm chầm lấy bạn, rưng rưng nước mắt. Hoàng cũng nghẹn ngào:
- Đi đâu mà biệt tích mấy năm nay ? Một bức thư cũng không có.
Đức đăm đăm nhìn bạn:
- Chuyện dài dòng lắm, vào uống nước rồi mình kể.
Thấy Hoàng đi một mình, Hạnh ngạc nhiên:
- Anh Hoàng, còn cháu Ngọc đâu ?
Hoàng cười rạng rỡ:
- Cháu nó có chồng xa xứ rồi chị.
Hạnh nôn nóng:
- Chồng nó là Việt kiều à ? Ở nước nào ?
Hoàng chẫm rãi kể mối tình tuyệt đẹp của con gái mình với một bác sĩ Việt sống trên đất Pháp. Chàng khoe có sang Pháp để biết nơi ăn chốn ở của con. Nghe qua Đức bảo vợ:
- Nếu mình có con, giờ đây chắc cũng ngồi sui rồi.
Một thoáng buồn hiện ra trên đôi mắt Hạnh. Hoàng an ủi:
- Mỗi người có một số mệnh chị à. Tôi cũng đâu ngờ Dung ra đi tức tưởi như vậy .
Hạnh ngậm ngùi:
- Anh ở vậy nuôi con nên người, chắc chị Dung đã mãn nguyện lắm rồi.
Đức chen vào:
- Có người chồng, người cha nào như Hoàng đâu ?
Cảnh vật chung quanh gợi nhớ kỷ niệm, lòng đau nhói, tim thắt lại, khoé mắt chợt cay, Hoàng xoay qua chuyện khác:
- Hai người phải nói cho mình biết tại sao bỏ Đakao ra đi ?
Hạnh tránh né:
- Để em đi bổ dừa cho anh uống.
Hoàng cản lại :
- Khỏi chị à, tôi vừa uống ở quán trên.
Nàng cố nài :
- Nhưng uống thêm một trái nữa cho mát. Em biết anh thích dừa mà !
Đức kéo Hoàng ngồi xuống chiếc ghế đẩu rồi ngồi cạnh bên, ánh mắt buồn sâu thẳm. Hoàng thúc giục :
- Hãy kể cho mình nghe đi Đức !
Trong lúc Đức đang trầm tư, Hạnh mang ly nước dừa ra mời bạn đoạn kéo ghế ngồi cạnh chồng. Đức thẫn thờ :
- Chắc Hoàng còn nhớ Hạnh đã mượn xâu chuổi ngọc để đi đám cưới con Khánh ? Hoàng ngơ ngác :
- Nhớ chứ. Rồi sao ?
Đức chẫm rãi tiếp:
- Sau khi tiệc tan ở nhà hàng Tàu, vợ chồng tôi ra xe về. Đi một khoảng đường, Hạnh hốt hoảng nắm tay tôi: ”Anh ơi, chết rồi, xâu chuổi ngọc đâu ?”. Sợ rơi rớt trên xe, chúng tôi lục lạo tìm nhưng không thấy. Tôi nhờ bác taxi quay trở lại nhà hàng, tìm khắp nơi cũng không có, đành ra về với nỗi lo rầu vô hạn. Đêm đó, tôi với Hạnh cứ trăn trở tìm một giải pháp. Bí lối, tôi bán căn phố cho một ông cán bộ từ Hà nội mới đổi vào, việc trước bạ ông ấy lo. Cầm tiền trong tay, vợ chồng tôi ra chợ Bến thành, vào các tiệm kim hoàn quanh chợ, không nơi nào bán chuổi ngọc. Một chủ tiệm chỉ tôi đến đường Đồng khởi, có một cửa hàng chuyên bán vòng ngọc cho ngoại kiều. May quá !chúng tôi tìm được. Ngã giá xong, vợ chồng tôi mang xâu chuổi đến trả anh. Lúc đó, anh lơ là không để ý vài chỗ khác biệt. Số tiền còn lại, tôi đưa Hạnh giữ phòng thân.
Trong khi chờ trước bạ, tôi chạy về trung học Long an hỏi có giáo viên cấp ba dạy văn nào muốn hoán chuyển về thành phố không ? Một công tử mới ra trường vài năm chụp ngay cơ hội và hứa tặng tôi một số tiền nên tôi đồng ý. Anh ta hẹn hôm sau sẽ cùng tôi đến Sở giáo dục tiến hành thủ tục.
Giao căn phố xong, chúng tôi đưa nhau về Cai tài. Cha mẹ Hạnh đã mất hai năm trước; vì tình thông gia, ba má tôi phải chăm sóc nhà cửa và mảnh vườn giùm. Ngày Hạnh về, Ba má tôi giao lại; nhờ thế, chúng tôi có nơi ẩn trú.
Nghe xong, Hoàng sững sờ ôm đầu kêu Trời:
- Sao Đức Hạnh không nói thật cho mình biết lúc đó ? Trời ơi ! Hai bạn tự hành hạ lấy thân rồi.
Vợ chồng Đức ngớ ngẩn:
- Hoàng nói gì tôi không hiểu ?
Hoàng lằc đầu thương hại:
- Nếu hôm đó hai người cho tôi biết thì cảnh đời đâu như thế nầy ?
Đức chép miệng:
- Tôi không muốn Hoàng khó xử.
Hoàng khoát tay :
- Đức ơi, Hạnh ơi, xâu chuổi đó là đồ giả.
Hạnh sửng sốt:
- Anh nói sao ?
Hoàng khẳng định:
- Xâu chuổi đó là đồ giả.
Đoạn nhanh nhẩu giải thìch :
- Xưa kia, Dung sợ tai họa đến vì vàng ngọc mang trong người nên nàng chỉ mua đồ giả; vì cao giá trông tưởng như thật, chỉ có đôi bông xoàn và chiếc nhẩn cưới mới là đồ thật thôi. Đấy ! Hai bạn nghe rõ chưa ?
Vợ chồng Đức sững sờ như từ Trời rơi xuống, Mắt mờ lệ, Hạnh nghẹn ngào :
- Cám ơn anh Hoàng, anh đã cứu vợ chồng em.
Đức bàng hoàng không thốt được nên lời. Nén cơn xúc động, Hoàng hân hoan :
- Đức và Hạnh sửa soạn theo mình lên Sàigòn.
Quẹt ngang đôi hàng nước mắt, Hạnh ngó sửng bạn :
- Chi vậy anh ?
Hoàng hăm hỡ :
- Còn chi nữa. Tôi đưa Đức Hạnh lên nhà tôi ăn cơm rồi tôi trao xâu chuổi ngọc thật lại cho hai bạn. Rõ chưa ?
Lái xe trên đường về Sàigòn, Hoàng liếc nhìn Đức rồi lại nhìn Hạnh, thấy hai bạn như kẻ đắm thuyền nắm được phao, họ hờn hỡ bàn chuyện tương lai. Trưa hôm đó, sau khi cơm nước xong, Hoàng đưa vợ chồng bạn ra đường Đồng khởi, vào tiệm vòng ngọc gạ bán; nhờ thời giá tăng, xâu chuổi được mua lại có thêm lời.
Hoàng khoan khoái đưa Đức và Hạnh quay về Quê mỹ Thạnh. Vợ chồng Đức cố giữ Hoàng ở lại chơi vài ngày nhưng chàng từ chối, hẹn khi khác xuống chơi lâu hơn.
Chiều buông xuống, hoàng hôn bảng lảng ở chân trời, những tia nắng vàng vọt cuối ngày yếu dần rồi khuất hẳn sau rặng tre, vài cụm mây trắng bồng bềnh lang thang trên không trung. Xe ra đến quốc lộ bốn thì trời cũng nhá nhem tối. Trên đường về, lòng Hoàng thơ thới vì chàng đã làm tròn lời hứa với Dung và Hoàng cũng đã làm một việc phải đối với bạn. Đêm đó chàng ngồi chong đèn viết thơ cho con.
Sàigòn, ngày 22 tháng 10 năm 1990
Hạnh, con của Ba,
Không cần nói ra, chắc con cũng đoán được nỗi buồn chất ngất của Ba khi bước chân thui thủi trở lại nhà. Nhìn đâu đâu cũng thấy hình bóng con mình, từ căn phòng trống vắng đến sân vườn, ngoài ngỏ đều in gót chân con. Đêm trăn trở, Ba tê tái cõi lòng.
Hôm sau, Ba vào thăm mộ mẹ con. Ngồi tựa nấm mồ người vợ yêu thương, Ba đã kể cho Mẹ con nghe hạnh phúc của con gái mình bên cạnh chồng nó trên đất Pháp. Ba tin chắc mẹ con vui lắm. Một làn gió nhẹ phe phẩy làm Ba tưởng chừng như bàn tay vợ hiền âu yếm vuốt ve mái tóc mình.
Muốn tìm khuây khỏa, Ba đến thăm nội và kể cho nội biết cuộc sống yên vui của con bên chồng. Có lẽ hồn mẹ con xui khiến hay do tình bạn thôi thúc, sáng nay, Ba xuống Quê mỹ Thạnh tìm vợ chồng chú Đức. Gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi, Ba hỏi họ tại sao bỏ Đakao đi ? Vỡ lẽ ra, Ba mới biết nỗi uẩn khúc của họ giấu nhẹm bao năm trời. Chắc con còn nhớ Dì Hạnh đã mượn xâu chuổi ngọc của mẹ con để đi đám cưới con chú Khánh ? Dì Hạnh đã đánh mất xâu chuổi trong bữa tiệc. Vì tự trọng hay mặc cảm đặt không đúng chỗ, họ âm thầm bán căn phố để có đủ tiền mua xâu chuổi khác trả bạn. Ba nào biết chuyện vợ chồng chú Đức làm ? Thật tội nghiệp cho họ ! Ba không ngờ vì vất vả, hai người đã cằn cỗi nhiều, những vết nhăn đậm nét thời gian và phong trần hằn trên mặt. Con cũng biết xâu chuổi của mẹ con là đồ giả. Khi Ba nói ra sự thật, Dì Hạnh không cầm được nước mắt còn chú Đức thì ngẩn người chẳng nói nên lời. Ba đã trao lại xâu chuổi ngọc thật cho hai người đồng thời đưa họ ra tiệm kim hoàn bán lại. Thương họ quá ! Lòng vui như mở hội, vợ chồng Đức dùng tiền đó lập một hợp tác xã chăn nuôi, họ mời Ba chung vốn.
Con yêu của Ba,
Như thế con đã biết được dự tính của Ba rồi. Lên xuống Tân trụ, gần gủi với bạn hiền; Ba vơi đi nỗi buồn xa con. Cô đơn không còn vây quanh, quạnh hiu không còn dằn vặt. Dì Hạnh rất vui mừng được biết cháu mình có chồng Việt kiều trí thức trên đất Pháp và mong gặp lại con một ngày nào.
Con nên yên tâm sống hạnh phúc bên chồng. Hạnh phúc không ở đâu xa, nó ở ngay trong lòng mình. Nó bao la lắm nhưng cũng đơn sơ lắm như một cành mai nở ngày đầu xuân vậy.
Thương con nhiều.
Hoàng
Ba của con
Viết xong ngày 15 tháng 10 năm 2001
VL