Thứ Ba, 07 Tháng Tư, 2020

Những phát hiện đầy bất ngờ xung quanh tên gọi Sài Gòn

Những phát hiện đầy bất ngờ xung quanh tên gọi Sài Gòn

Mảnh đất Sài Gòn vẫn còn chứa rất nhiều điều bí ẩn mà không phải ai cũng biết kể cả người đó có sống lâu trên mảnh đất này. Những khám phá mới đây sẽ cho chúng ta thấy những điều thú vị ở chính cái tên gọi Sài Gòn. Dưới đây là những thông tin cụ thể. Hơn 300 năm hình thành và phát triển, Sài Gòn vẫn còn nhiều điều chưa được khám phá, trong đó tên gọi địa danh Sài Gòn mới được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu hé lộ qua tập sách Tạp ghi Việt Sử Địa vừa ấn hành.Nói về tên gọi Sài Gòn thì lâu nay vô số người tò mò. Theo tác giả tập sách Tạp ghi Việt Sử Địa (tập 3, NXB Trẻ) Nguyễn Đình Đầu thì: “Tên Sài Gòn xuất hiện rất sớm, có lẽ ngay từ buổi đầu khi lưu dân Việt Nam tới khẩn hoang vùng đất này từ cuối thế kỷ 16 hay đầu thế kỷ 17".

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho biết thêm: "Hiện mới nhận diện được hai chữ Hán Nôm Sài Gòn, mà Lê Quý Đôn đã ghi trong Phủ biên tạp lục viết năm 1776, kể lại biến cố: Tháng 4 (1672), Nguyễn Dương Lâm chia quân làm hai đạo nhân đánh úp lũy Gò Bích, chặt đứt bè nổi và xích sắt, tiến thẳng vào thành Nam Vang. Nặc Đài chết, Nặc Thu ra hàng. Tháng 7 rút quân về lập Nặc Thu làm chính quốc vương đóng ở Cao Miên, Nặc Nộn làm Thứ trưởng Quốc vương đóng ở Sài Gòn, hàng năm triều cống" (Lê Qúy Đôn toàn tập, trang 62).

"Như vậy, hai chữ Hán Nôm Sài Gòn đã xuất hiện từ 1776 để nói lên cái tên Sài Gòn của một địa phương đã có ít nhất từ năm 1776 đến nay, không hề thay đổi, vẫn giữ nguyên một dạng mãi mãi”, ông Đầu khẳng định.

Sài Gòn là nơi có nhiều... củi gòn

Quay lại với những tài liệu của Trương Vĩnh Ký mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho rằng là “người đầu tiên bàn về nguồn gốc địa danh Sài Gòn một cách cẩn trọng nhất”, tác giả Tạp ghi Việt Sử Địa trích luận bàn của Trương Vĩnh Ký như sau: “Sài Gòn là tên xưa đặt cho thành phố Hoa kiều bấy giờ. Theo tác giả Gia Định thông chí, Sài là mượn tiếng viết theo chữ Hán có nghĩa là củi gỗ (để đun, đốt); Gòn là tiếng Nam chỉ bông gòn hoặc cây bông gòn (nhẹ và xốp hơn bông thường). Người ta nói rằng tên đó phát sinh bởi sự kiện nhiều cây bông gòn do người Cao Miên đã trồng chung quanh những đồn đất xưa của họ, mà dấu vết nay vẫn còn ở chùa Cây Mai và các vùng lân cận. Người Pháp gọi thành phố là Sài Gòn vì thấy tên này có ghi trong các bản đồ địa lý của tây phương vẽ, ở đây người ta gọi thành phố bằng một tên phổ thông nhưng nôm na, xưa nay tên này chỉ chung cả địa phận tỉnh Gia Định”.Mặc dù có nhiều “nghi án’ về tên gọi Sài Gòn nhưng cho đến nay, theo ông Nguyễn Đình Đầu vẫn chỉ 3 giả thuyết chính: Thứ nhất là Sài Gòn bởi Đề Ngạn (người Hoa đọc Tai - Ngon), vì cho rằng người Hoa xây dựng Chợ Lớn từ năm 1778, rồi đặt tên cho thành phố đó là Tai - Ngon, người Nam bắt chước phát âm lại là Sài Gòn. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu lập luận khác để bác quan điểm này: “Chúng tôi phỏng định vùng Chợ Lớn tức Sài Gòn phố thị xưa đã thành lập từ năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý miền Nam để lập ‘xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Từ đó con cháu người Tàu ở nơi Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương. Như vậy có Sài Gòn rồi mới có Tai - Ngon’.Giả thuyết Sài Gòn để nói nơi có nhiều củi gòn thì cũng chỉ “nghe người ta nói” chứ không phải Trương Vĩnh Ký chủ trương. Không hiểu sao Vương Hồng Sển cũng theo đó mà gán cho Trương Vĩnh Ký mạnh hơn: “Trong tập Souvenirs Historiques cụ Trương Vĩnh Ký quả quyết người Khmer có trồng gòn chung quanh đồn cây Mai và chính người còn thấy vài gốc cổ thụ này tại vùng đất ấy năm 1885”. Sự thật, qua quá trình cẩn trọng tìm kiếm các tư liệu so sánh, ông Nguyễn Đình Đầu khẳng định trong sách: “Các tác phẩm của Trịnh Hoài Đức không có chỗ nào giải nghĩa hoặc chú thích về hai chữ Sài Gòn”.Ông Đầu viết tiếp: "Trên báo Le Courrier de Saigon số ra ngày 20.1.1868 lại nêu giả thuyết: Tên Sài Gòn có lẽ biến đổi từ chữ Kai – gòn, tên gọi loại cây sản xuất ra bông gòn. Cây gòn, có rất thường ở Nam Kỳ, hay được dùng làm hàng rào cây tươi. Vào thời kỳ người Nam chiếm đóng xứ này, dân đó có một đồn lũy với đặc thù ấy, bởi thế có tên gọi Sài Gòn”.

Chưa kể, sách Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ năm 1875, Trương Vĩnh Ký công bố một danh sách 187 địa danh Việt – Miên có 57 tên thị trấn, trong đó Sài Gòn gọi là Prei Nokor."Trong quá trình tìm ra cách đọc cho đúng địa danh Khmer Prei Nokor: nên gọi là Prei Nagaram, hoặc Prei Nagara hay Prei Nagar", nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu phân tích, rồi đi đến kết luận: “Theo thiên kiến kẻ viết bài này: nếu Prei Nagar đọc"‘tắt" cho hợp với thế độc âm của người Việt thành Rai N’gar hoặc Rai Gar hay Rai Gor, do đó Rai Gor (là cách đọc-PV) không còn xa nhau lắm, nghe ra khá xuôi tai. Rai Gon (ở nguyên bản viết tay có lẽ là Rài Gòn) là lối phiên âm tên thành phố bằng mẫu tự La tinh sớm nhất (1747) mà chúng tôi đã may mắn tìm thấy như đã dẫn chứng, rồi từ Rài Gòn đến Sài Gòn chỉ còn bước ngắn sau một thời gian, Rài Gòn rơi rụng, còn Sài Gòn thì tồn tại mãi đến ngày nay”.

Kể từ đó địa danh Sài Gòn tồn tại ít nhất 300 năm. Kể từ 1674 đến 1975, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chia Sài Gòn phát triển thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1674 - 1861: Sài Gòn chỉ là tên Nôm, tục danh, tuy rất thông dụng. Giai đoạn 1861 - 1975 là địa danh hành chánh. Sau này Sài Gòn bị đổi  tên gọi là TP.HCM ...

Sài Gòn từng là địa danh nằm tuốt trong…Chợ Lớn?

Cuốn Tạp ghi Việt Sử địa của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu do NXB Trẻ vừa ấn hành đã tiết lộ nhiều bất ngờ về vùng đất Sài Gòn, trong đó Sài Gòn từng là tên gọi địa danh nằm tuốt trong... Chợ Lớn

Chợ Lớn thời xưa (phần phía trước nay là Bưu điện Q.5) Ảnh: Quỳnh Trân chụp lại từ sách ảnh Xứ Nam kỳ

Nói tới Sài Gòn, không thể không nhắc tới các di tích độc đáo như: nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, dinh Thống Nhất, chợ Bến Thành hay Nhà hát TP.HCM… đã ngả màu cùng thời gian. Tuy nhiên do quan niệm về tên đất của người xưa, mà theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu “thường lấy chỗ lỵ sở hay nhóm họp đông lớn, hoặc chỗ địa đầu (để) nói tổng quát đại khái cả một vùng. Ở mỗi cấp đơn vị hay mỗi vùng lại có mỹ danh và tục danh riêng nên dễ sinh lẫn lộn và... hiểu lầm”.

Trong cuốn Tạp ghi Việt Sử địa của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu do NXB Trẻ vừa ấn hành đã tiết lộ nhiều bất ngờ về một Sài Gòn hoàn toàn khác với cách nghĩ lâu nay, đó là cùng một tên gọi Sài Gòn nhưng lại chỉ tới… 4 địa danh khác nhau.

Tòa Tham biện Gia Định (nay là UBND Q.Bình Thạnh, TP.HCM) Ảnh: Quỳnh Trân chụp lại từ sách ảnh Xứ Nam Kỳ

Sài Gòn phủ rộng luôn cả... Tây Ninh?

Trước tiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu căn cứ vào tài liệu của Trịnh Hoài Đức khi bàn về cổ sử miền Đông Nam bộ cho rằng, vùng Bà Rịa nay, xưa kia là tiểu quốc Bà Lợi (còn đọc là Bà Li hay Bà Rịa); còn vùng Đồng Nai là tiểu quốc Thù Nại, nay là đất Sài Gòn. GS Sử địa Nguyễn Đình Đầu trích nguyên văn Gia Định thành thông chí chú thích: “Nghi chữ Bà Rịa tức là nước Bà Rịa thuở xưa. Còn âm hai chữ Thù Nại với Đồng Nai và Nông Nại không sai nhau lắm, nghĩa là tương tự nhau, vậy cũng có lẽ là đất Sài Gòn ngày nay". Từ đó, ông rút ra kết luận: "Thế có nghĩa là phần nhỏ miền Đông là Bà Rịa, phần rất lớn còn lại là đất Sài Gòn, bao phủ cả Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, kể cả một phần Long An và Tiền Giang ngày nay".

Nhà thờ Tây Ninh xưa Ảnh: Quỳnh Trân chụp lại từ sách ảnh Xứ Nam Kỳ

Theo GS Nguyễn Đình Đầu, nhiều nguồn sử liệu cũng cho thấy Sài Gòn chỉ có trong phạm vi huyện Tân Bình, sau là tỉnh Gia Định: “Mùa xuân năm Mậu Dần (1698)… Nguyễn Hữu Cảnh sang kinh lược Cao Miên, lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình”. Và từ những tài liệu phát hiện này, GS Đầu cho rằng: “Huyện Tân Bình lập năm 1808 thành phủ Tân Bình rồi mới tách ra mấy phủ nữa, từ năm 1832 đến khi thuộc Pháp là tỉnh Gia Định trong lục tỉnh. Nếu theo đoạn trích thì Nông Nại là cả miền Đông, xứ Sài Gòn nằm ở tây sông Đồng Nai".

Lê Công Sơn

Bài viết khác