Thứ Hai, 25 Tháng Sáu, 2012

Ảo ảnh cuộc đời

Ảo ảnh cuộc đời              

Chương một

Thuận đưa tay nhìn đồng hồ lộ vẻ sốt ruột , chàng đi ra đi vào mấy lượt rồi ngồi lại trên sô pha, mắt đảo quanh phòng khách như muốn kiểm soát lần cuối cách trang hoàng của mình có quê kệch lắm không ? Nhân viên hãng hàng không Mỹ đã báo cho Thuận biết đúng 11 giờ trưa nay chiếc phi cơ từ Sàigòn sang sẽ đáp xuống phi trường quốc tế San Francisco.  Như vậy Thuận còn thừa thì giờ để cùng Sương ra phi trường đón Tuyết, người vợ mới cưới của chàng từ Việt Nam sang. Vốn là một thanh niên mang nhiều mặc cảm tự ti vì ít học, Thuận làm công nhân trong một xưởng chế tạo đồ phụ tùng xe hơi Mỹ tại Bắc Cali hơn mười năm rồi mà chàng chưa tạo được cho mình một sự nghiệp nho nhỏ nào ; thế mà Sương cứ đôn đốc chàng về Sàigòn cưới vợ do cô làm mai cho.  Ban đầu Thuận từ chối vì chàng tôn thờ chủ nghĩa độc thân, nhưng người chị bà con cứ đem lời tán tụng cô bạn học ngày xưa hiện ở Sàigòn làm cho Thuận xiêu lòng . Hè vừa rồi, chàng đồng ý theo Sương về thăm quê hương ,  đồng thời đến xem mặt người đẹp.

Thuận quanh quẩn ở Sàigòn mấy ngày đợi Sương về Chợ gạo thăm bà con rồi trở lên cùng chàng vào Bình Thạnh ra mắt cha mẹ Tuyết. Lúc giáp mặt nhau, Thuận nghĩ chắc Sương đã báo tin cho Tuyết biết trước nên nàng nói cười tự nhiên, không một chút rụt rè , e thẹn. Vốn thật thà, Thuận không khoác lác đặt chuyện khoe khoang mà tự nhận mình là một công nhân chưa có sự nghiệp dù là khiêm nhường.

Chàng thầm nghĩ thà Tuyết coi thường chàng trước đi để tránh cái cảnh bẽ bàng sau nầy khi nàng đặt chân lên đất Mỹ và chạm phải một thực tế phũ phàng như nhiều cô gái khác. Tuyết tuyệt nhiên không lộ vẻ gì xem thường chàng , nàng vẫn thản nhiên cười nói hồn nhiên khiến Sương tin tưởng điều nàng mong muốn sắp thành hiện thực.

Trước mắt Thuận, Tuyết không đẹp lộng lẫy như các thiên kim tiểu thư , nhưng nhờ khéo trang điểm nên khuôn mặt nàng xinh xắn với mái tóc dài buông lơi, đôi mày cong, cặp mắt sắc, chiếc mũi dọc vừa ,  đôi môi mọng đỏ và cái càm nhọn nho nhỏ.  Bao nhiêu đó cũng đũ lung lạc con tim chàng Việt kiều trên ba mươi tuổi. Trong khi Tuyết líu lo trò chuyện với Sương thì cha mẹ nàng chỉ hỏi qua loa về song thân Thuận. Lúc biết được cha mẹ chàng đã qua đời thì hai ông bà không đề cập đến nữa . Chính Thuận cũng không muốn khơi dậy một nỗi đau hằn sâu trong lòng chàng hơn mười năm qua. Ngược lại, Sương định đem cái hào quang quá khứ của cha mẹ Thuận ra khoe cốt khoả lắp cái hiện tại tầm thuờng của đứa em mình.  Chàng nhăn mặt khó chịu khi nghe Sương oang oang kể cha chàng ngày trước là một thiếu tá biệt động quân tác chiến khắp vùng ba chiến thuật , còn mẹ Thuận là một tiểu thư đài các tỉnh Vĩnh long.  Vốn giàu lòng yêu nước,  ông Hóa, cha của Thuận đã chỉ huy tiểu đoàn giữ từng tấc đất trước sức tấn công vũ bão của quân Bắc Việt trong những tháng đầu năm 1975 ; trong khi đó,  các cấp chỉ huy của ông, các quan tay to mặt lớn cùng đoàn thê tử âm thầm cuốn gói đào ngũ trốn ra nước ngoài.

Cái tội yêu nước, thương đồng đội của ông Hóa phải trả giá bằng mười ba năm khổ sai trong trại cải tạo nằm trên dãy núi Hoàng liên Sơn ở miền Bắc. Nhờ cha mẹ chôn dấu của cải, bà Hóa cùng đúa con trai sống qua ngày chờ chồng về. Bà phải mòn mõi đợi chờ suốt mười ba năm mới thấy lại mặt chồng với thân xác gầy gò, còm cõi. Ngày ông về cũng là lúc chương trình HO của Mỹ đang thực hiện. Bà Hóa đã hối thúc ông lo thủ tục xin sang Hoa kỳ làm lại cuộc đời. Nhờ thành tích chiến đấu ngày xưa và thâm niên trong tù cộng sản,  ông Hóa cùng vợ con được chính phủ Mỹ bốc đi nhanh chóng.

Khi Sương kể đến đây thì Thuận ném ánh mắt van lơn nhìn chị như thầm nói Sương đừng kể nữa vì giai đoạn kế tiếp chẳng có gì cho chàng hãnh diện mà trái lại nó khuấy động thêm nỗi buồn ăn sâu trong lòng Thuận. Sương hiểu ý bèn đổi đề tài bắt sang chuyện khác. Thuận thở một hơi dài nhẹ nhõm.

 Một tuần lễ sau, cha mẹ Tuyết đánh tiếng cho Sương biết con gái họ bằng lòng lấy Thuận làm chồng.  Đàn gái sẽ đứng ra tổ chức lễ hỏi nội trong tháng và sau đó Thuận quay về Cali lo xin các thứ giấy tờ cần thiết để trở lại Sàigòn làm hôn thú với Tuyết trước chính quyền Việt Nam và sứ quán Hoa kỳ . Thuận vừa vui mừng, vừa lo lắng khi nghe Sương báo tin. Nàng hỏi ý Thuận có nên quay về quê ngoại ở Vĩnh long nhờ một người đứng tuổi đứng làm chủ hôn không ?Chàng lắc đầu , giọng buồn buồn :

- Bên nội em không còn ai, còn ông bà ngoại cũng đã qua đời từ lâu.  Thôi thì mọi việc nhờ chị vậy .

Sương hơi đắn đo, nàng phân vân nhìn Thuận rồi e dè nói :

- Hay là em nhờ Dì Út , dẫu sao cũng là dì ruột của em mà.  Người ta thường nói : « Không cha thì níu lưng chú, không mẹ thì níu vú dì đó sao »

Thuận không đồng ý với lập luận của Sương , chàng cau mày :

- Chị nghĩ thế nào mà đề nghị dì Út ?Em không xem bà ta như kẻ thù là may rồi.

Chàng trầm ngâm một lúc rồi tiếp :

-  Mẹ em cũng vì bà ấy mà chết , chắc chị chưa quên ?

Như chưa hả giận, chàng nói một hơi :

-  Đâu phải chỉ có người dưng mới tráo trở lường gạt nhau, ruột thịt mà cũng lật lộng, lừa đảo để ăn cướp mồ hôi nước mắt của chị mình .

Chàng thở dài buông lõng một câu :

-  Lương tâm họ cất ở đâu chị ?

Sương ngồi lặng thinh nghe , lòng nàng bùi ngùi thương hại Thuận.  Lời đề nghị vô tình của nàng đã kéo Thuận quay về với dĩ vãng buồn.  Nàng thấp giọng thỏ thẻ :

-  Chị xin lỗi em.

Thuận hiểu ý bèn phì cười :

-  Chị đâu có lỗi gì . Trái lại em phải mang ơn chị nhiều. Nhờ chị kết hợp em với Tuyết mà từ đây em bỏ được cuộc sống long bong , hai vợ chồng sẽ kề vai nhau tạo một sự nghiệp cho tương lai.

Chàng quay lại quyết định cũ :

-  Vậy chị hãy đứng ra đại diện đàng trai cũng xong rồi, tội gì phải sống với hình thức cho mệt ?

Chợt nhớ chuyện xưa , Thuận lo sợ bâng quơ :

-  Em không biết Tuyết có cùng một suy nghĩ với em không ?Nếu chẳng may Tuyết giống mẹ em thì rồi đây em sẽ khổ như cha em ngày trước.

Đoạn Thuận nhíu mày chép miệng than:

-  Như chị thấy, gia đình Tuyết cũng khá giả , sức học của nàng còn cao hơn em, vậy mà Tuyết bằng lòng làm vợ em,  chắc cũng chỉ vì động lực đi Mỹ sống như các cô gái khác.

Sương ngoẻn miệng cười :

-  Biết đâu là duyên nợ hả em ?

Thuận cũng cười theo chị :

-  Em chỉ mong như vậy.

Trời Sàigòn buổi chiều còn oi ả nóng. Chiếc máy điều hòa không khí chạy rè rè trong phòng một khách sạn vùng Tân Định dường như không đủ sức chống lại sức nóng bên ngoài xâm nhập vào. Sương uề oải đứng lên trở về phòng mình. Ra đến cửa, nàng ngoái cỗ lại hỏi :

-  Theo ý em, chừng nào chị trở vô Bình Thạnh trả lời họ ?

Thuận nhanh nhẩu :

-  Thì giờ mình quá eo hẹp. Chị tính giùm em càng sớm càng tốt.

Sương gật đầu đồng ý:

-  Vậy nội sáng mai chị vào Bình Thạnh nhé.

Chàng nhếch môi đáp khẽ :

-  Em cám ơn chị.

Giòng xe cộ tiếp nối nhau chen chúc trên con đường Hai Bà Trưng.  Tiếng còi xe inh ỏi,  khói xe bốc lên mù mịt làm cho không khí đã oi nồng càng ngột ngạt thêm. Thuận định sang tiệm may bên kia đường đặt một bộ đồ veste nhưng chàng sợ cái nóng bên ngoài nên chờ tối sẽ đi. Chàng bèn ngả người lên giường nằm, tay gác lên trán, cặp mắt lim dim ,  đầu miên man suy nghĩ. Tuy Thuận không muốn nhớ,  nhưng kỷ niệm vẫn ồ ạt kéo nhau về. Phải chi giờ nầy cha mẹ chàng còn sống thì niềm vui của Thuận được trọn vẹn, lễ hỏi của chàng được bàn tay của cha mẹ lo tươm tất hơn. Nghĩ đến đây, Thuận thở dài ngao ngán. Câu chuyện về cha mẹ chàng do Sương kể hôm trước tại nhà Tuyết bỗng nhiên tiếp nối trong ký ức Thuận. Năm ấy, Thuận còn là một chú bé 14 tuổi tung tăng theo cha mẹ lên máy bay đi Mỹ như kẻ rời khỏi địa ngục để bước lên thiên đàng. Chàng còn nhớ đôi mắt buồn của cha lúc rời bỏ quê hương, còn mẹ chàng thì háo hức chờ đợi một cuộc sống mới huy hoàng hơn khi đặt chân lên miền đất hứa.

Quả thật, sau khi tạm ổn định xong nơi ăn chốn ở tại San José miền Bắc Cali, bà Hoá đi học Anh văn để hội nhập vào cuộc sống mới. Bà chóa mắt trước những cơ ngơi đồ sộ của người đồng hương sang Mỹ trước.  Thay vì ngưỡng mộ họ, bà tỏ ý ganh tỵ và quyết chạy đua nước rút để làm giàu cho kịp họ. Kể ra bà Hóa cũng tài thật. Ban đầu bà học một khóa làm móng tay, móng chân rồi nhảy ra xin làm thuê cho một tiệm nail của người Việt. Bà miệt mài với công việc suốt 7 ngày trong tuần không nghỉ. Mặt khác, bà cũng đốc thúc chồng lao động kiếm tiền cho bằng thiên hạ. Vì thương vợ ,  ông Hóa đem sức mình ra làm công nhân trong một hãng chuyên cắt cỏ và chăm sóc vườn tược cho nhà giàu. Hai vợ chồng ông và đứa con trai duy nhứt chỉ gặp nhau trong bữa cơm tối. Thuận có dịp nghe cha mẹ kể những chuyện hằng ngày buồn nhiều hơn vui. Có lần ông Hóa đẩy máy cắt cỏ một khu vườn lớn của một người Việt ;vì mệt nên ông ngưng tay đứng thở thì từ trong nhà một người đàn bà phốp pháp đi ra , miệng cay cú bảo:

-  Bên Mỹ thì giờ là tiền bạc, làm việc gì cũng phải nhanh chóng chớ không giống như ở Việt Nam tà tà đâu nhé.

Ông Hoá hiểu ý bèn gò lưng hổn hển đẩy chiếc xe cắt cỏ đi tiếp trước cặp mắt lườm lườm của bà chủ nhà . Ngay lúc đó, từ bên ngoài, một người đàn ông Á châu đứng tuổi , tay xách cặp,  lững thững bước vào, dáng vẻ ung dung tự toại.  Ông Hoá cúi gằm mặt cốt tránh né cái nhìn xoi bói của ông ta hướng về mình. Nhưng hắn dừng chân gần ông tằng hắng hỏi:

-  Tôi trông thấy ông quen quen .

Ông Hoá tắt máy xe , ngả đầu chào :

-  Dạ tôi mới qua Mỹ vài tháng nên chưa quen ai .

Bỗng hắn nhìn đăm đăm ông Hoá kêu to :

-  Có phải thiếu tá Hoá đây không ? Trời ơi ! Ông thầy quên đệ tử rồi sao ?

Rồi hắn vồn vã tiếp :

-  Em là trung sĩ Quyền đây.  

Dứt lời, hắn tiến đến ôm chầm lấy vai ông Hoá lắc mạnh, giọng bùi ngùi :

-  Nghe trung úy Hoàng kể lại chúng nó đã đày thiếu tá ra Bắc mười mấy năm.

Biết không thể quay lưng với quá khứ ,  ông Hoá lạnh lùng nói :

-  Em còn nhận ra tôi là quý rồi.

Hắn ngắt lời ông bằng một giọng ngậm ngùi :

-  Thiếu tá quá tốt với em nhưng em thì hèn nhát nỡ bỏ đồng đội, gạt cấp chỉ huy để đào ngủ trốn ra nước ngoài khi trận chiến còn nóng bỏng.

Ông Hoá thản nhiên nhìn hắn :

-  Thôi chuyện cũ hãy bỏ qua đi. Em cho phép tôi làm công việc cho xong.

Dứt câu,  ông nổ máy xe tiếp tục việc làm của mình, nhưng Quyền không cho :

-  Thiếu tá dẹp hết đi, vào nhà uống rượu với em .

Ông Hoá từ tốn bảo :

-  Cám ơn em, tôi còn mấy cái vườn cỏ của Mỹ phải cắt cho xong ngày nay.

Không đợi hắn nói thêm lời nào,  ông Hóa lặng lẽ đẩy chiếc xe lăn bánh trước cặp mắt thương hại của Quyền. Bà vợ bước ra tò mò hỏi :

-  Anh quen với ông ta à ?

Quyền khẽ gật đầu :

-  Thiếu tá Hoá , tiểu đoàn trưởng của anh ngày trước. Anh đã lợi dụng lòng tốt của ông ta để đào ngủ ,  đưa em và con xuống tàu ra khơi ngày 28 tháng tư năm 1975 đó.

Nghe chồng kể, bà Quyền nhíu mày lộ vẻ hối hận về câu nói không đẹp của bà vài phút trước khi chồng về. Bà kéo tay chồng vào nhà trong khi ngoài vườn ông Hoá cũng đang chở chiếc xe cắt cỏ rời khỏi nhà Quyền. Và từ ngày đó,  ông Hoá không quay lại nơi nầy nữa.

Cha của Thuận gặp cảnh bẽ bàng thì mẹ chàng cũng đối diện với thực tế ê chề. Bà kể một hôm có một người đàn bà ăn mặc sang trọng ra vẻ một mệnh phụ phu nhân vào tiệm làm móng . Thoáng trông thấy, bà nhận ra ngay Lài trước kia học chung lớp với bà ở trường trung học Tống phước Hiệp Vĩnh long và ở cùng xóm bên kia cầu Thiền Đức.  Sau khi thôi học, nó kết hôn với một thiếu úy hải quân có nhiệm vụ tuần tiểu trên sông rạch Tiền giang. Ngày 29 tháng 4 năm 1975,  miền Nam hấp hối và sắp bị bức tử thì nó cùng chồng xuống tàu hải quân ra khơi với gia đình của viên hạm trưởng.  Hôm nay gặp lại, Lài làm mặt lạ,  chễm chệ ngồi trên bộ ghế đắt tiền của tiệm nail và thản nhiên chìa đôi bàn chân và mười ngón tay cho bà Hoá làm móng.  Muốn cho người hàng xóm cũ biết qua gia thế hiện tại của mình, Lài khoe với bà chủ tiệm cái nhà hàng thứ ba của Lài sắp khai trương,  cái vũ trường của nàng sẽ khuếch trương lớn hơn nữa và trỏ tay chỉ chiếc xe Mercedes Lài mới mua đang đậu trước tiệm. Bà Hoá ngao ngán thở dài, cúi đầu gằm mặt, lặng lẽ làm công việc của người làm công cho chủ hài lòng.

 Sau ba năm cật lực làm việc, vợ chồng ông Hoá chắt chiu được một số vốn , bà mượn thêm tiền ngân hàng và đứng ra mở tiệm nail, trông coi ba cô thợ làm móng. Ngoại hình duyên dáng và cách ăn nói mềm mỏng lịch thiệp của bà Hoá là hai yếu tố thu hút khách về tiệm bà. Lợi tức nhờ thế gia tăng không ngừng. Một năm sau, bà mở thêm tiệm thứ hai và phát đạt thấy rõ.  Được ngân hàng tin tưởng, bà bèn vay tiền mua nhà và sắm một chiếc xe hơi BMW cho cuộc đời thêm le lói. Vài lần gặp lại con Lài , bà lạnh lùng nhìn nó như chưa hề quen, trong khi nó trố mắt ngó bà không chớp với vẻ thán phục .

 Một cố vấn Mỹ của tiểu đoàn biệt động quân ngày trước bắt liên lạc được với ông Hoá và tận tình giúp đỡ ông có một việc làm tương đối tốt. Nhờ thế,  ông bỏ nghề cắt cỏ thuê , hằng ngày lái xe vận tải nhỏ giao hàng cho các tiệm bán thực phẩm ;việc khuân vác có một thanh niên Mễ phụ trách.  Trong khi cha mẹ Thuận say mê làm giàu thì Thuận gặp nhiều trở ngại trong việc học.  Cậu bé sang Hoa kỳ lúc 14 tuổi, thiếu căn bản Anh văn,  học chữ không xong bèn nhảy sang học nghề máy xe hơi,  đợi đến tuổi trưởng thành sẽ dấn thân vào đời như cha mẹ.  Nhưng người tính không bằng trời tính. Một hôm,  ông Hóa vì kiệt sức,  ngủ gục trong lúc lái xe đi giao hàng ; chiếc xe bị lật mấy vòng xuống hố . Người thanh niên Mễ theo ông bị thương nặng, còn ông thì trút hơi thở cuối cùng khi xe cứu cấp đưa vào bệnh viện. Cái chết đột ngột của ông làm cho bà Hóa hụt hẫng. Lợi nhuận do chồng mang về mỗi tháng không còn nữa. Một mình bà không kham nổi các khoản nợ ngân hàng nên chỉ mấy tháng sau,  ngôi nhà bà ở bị nhà băng tịch biên, chiếc xe hơi đời mới của bà cũng cùng chung số phận. Bà tự trách nếu bà chịu đóng bảo hiểm nhân thọ cho ông thì giờ đây bà có được một số tiền khá lớn.  Người xưa có câu :họa vô đơn chí.  Đang khốn đốn với ngân hàng thì hai tiệm nail của bà bị nhà chức trách phát hiện khai man lợi tức để trốn thuế. Cơ quan thuế vụ phạt bà Hóa một số tiền kết sù khiến bà bó tay không trả nổi. Thế là họ niêm phong hai tiệm của bà chờ phát mãi. Chủ nợ ngân hàng cũng nhảy vào đợi chia phần. Trước hoàn cảnh bi đát của mẹ, Thuận thôi học và xin được việc làm trong một hãng chế tạo đồ phụ tùng xe hơi. Chàng thuê một căn phố ba phòng trong một chung cư để hai mẹ con tạm sống. Vài tháng sau, bà Hóa theo đoàn du lịch bay về Việt Nam . Trước khi lên đường,  bà thố lộ cho Thuận biết lúc làm ăn phát đạt, bà đã lén chuyển một số tiền lớn về nước cho em gái bà kinh doanh cất khách sạn ở Sàigòn.  Đã đến lúc bà phải về nước đề cùng cô em khuếch trương và hưởng lợi.  Bởi thế , bà khinh khỉnh cười vào mặt những kẻ nào có ý chê bà quá tham lam nên giờ đây phải trắng tay.  Thuận nghe qua cũng yên tâm và mong cho mẹ được toại nguyện.  Nào ngờ chỉ vài tháng sau, bà Hóa thiểu não trở lại Cali khóc lóc kể cho con nghe việc người em gái mình lật lộng, sang đoạt hết tài sản của bà bên quê nhà. Thuận lặng người,  ngán ngẩm cho tình đời đen bạc, chàng không biết phải dùng lời lẽ gì để an ủi mẹ. Vì quá tuyệt vọng, bà Hóa ngã bệnh và lìa đời vài tháng sau. Mười mấy năm qua,  thời gian không làm phai mờ trong trí Thuận hình ảnh đau thương của cha mẹ chàng.

 Tiếng chuông reo kéo Thuận trở về với thực tại, chàng nhanh chân ra mở cửa đón Sương vào :

-  Chào chị. Lúc nào chị cũng đúng hẹn.

Đoạn khen nịnh :

-  Hôm nay trông chị đẹp quá.

Nàng ngoẻn miệng cười chúm chím:

-  Đẹp sao bằng Tuyết được ?

Rồi Sương lém lỉnh trêu lại Thuận :

-  Chắc suốt đêm qua có người mất ngủ .

Chàng hơi thẹn :

-  Chị phá em hoài.

Chợt nhớ ra, chàng nhanh miệng hỏi Sương :

-  Chị thấy em trang trí các phòng có được không chị ?

Nàng đưa mắt rảo quanh rồi thân mật nói :

-  Độc thân mà vén khéo như vầy là khá lắm rồi.  

Sương kéo tay áo nhìn đồng hồ,  cất tiếng hối Thuận :

-  Chị em mình lên đường là vừa. Phải tránh giờ cao điểm để khỏi kẹt xe trên cầu Oakland .

Thuận gật đầu đồng ý. Chàng cùng Sương ung dung sánh bước ra bãi đậu xe. Tiết trời ở vào cuối Thu, Cali hơi se lạnh, hàng cây phong bắt đầu trút lá, những chiếc lá vàng lả tả rụng đầy lối đi . Chiếc xe Nhật cũ kỹ của Thuận thư thả lăn bánh hướng ra xa lộ , trực chỉ phi trường San Francisco. Thuận chăm chú lái xe nhưng miệng không ngớt hỏi thăm Sương :

-  Chuyện của chị với anh Thông đến đâu rồi ?

Nàng vọt miệng đáp :

-  Còn trong vòng tìm hiểu.

Thuận gật gù nói nhỏ:

-  Hai người xứng quá rồi, cùng là kỹ sư điện toán, cùng làm chung sở thì có ai bằng , tha hồ mà dệt mộng tương lai.

Sương mơ màng nhìn cảnh vật ,  đôi môi mấp máy:

-  Có thể đầu năm tới anh chị sẽ thành hôn.

Thuận nghe tin bèn cười hăng hắc:

-  Vậy mà giấu em nhe .

Nàng lắc đầu lia lịa :

-  Đâu có.  Đợi khi nào chắc chắn rồi chị mới báo tin cho em biết.

Thuận liếc nhanh sang Sương tò mò:

-  Còn anh chàng Jerry , thấy hắn cũng si chị lắm mà ?

Sương nhún vai, bĩu môi:

-  Chị cảm thấy không hợp với anh ta.

Xe bắt đầu qua chiếc cầu hai tầng Oakland. Thuận bớt tốc lực cho xe chậm lại rồi ngừng hẳn để đóng thuế qua cầu. Chàng lặng thinh không hỏi thêm Sương điều gì nữa vì lòng Thuận đang nôn nóng muốn gặp mặt Tuyết.  

Chương hai

 Hơn hai mươi phút đứng lóng ngóng trước cửa dành riêng cho hành khách rời phi trường , Sương và Thuận mới thấy bóng dáng của Tuyết xuất hiện.  Nàng ung dung đẩy chiếc xe hành lý ra khỏi phòng kiểm soát rồi đảo mắt ngó quanh tìm. Sương từ xa vẫy tay gọi ơi ới : « Tuyết, Tuyết » , còn Thuận thì hối hả chạy đến bên nàng vồn vã :

-  Đường bay dài, em có mệt lắm không ? Đưa xe cho anh đẩy . Em đến với chị Sương đi .

Tuyết không nói lời nào, nàng chỉ khẽ gật đầu , giao xe hành lý cho Thuận rồi thoăn thoắt bước nhanh đến bên Sương nhếch môi hỏi :

-  Bồ vẫn mạnh chứ ?

Sương quên trả lời câu hỏi xã giao của bạn, nàng cười toe toét :

-  Chào người đẹp mới đến . Sao Tuyết có vẻ mệt mõi quá vậy ?

Tuyết không đáp, đưa mắt hững hờ nhìn giòng người qua lại , gương mặt đăm chiêu gần như lạnh lùng. Nàng không hăm hở như vài người đồng hương cùng đi chung chuyến bay và đang đứng bên cạnh. Cử chỉ đó khiến Thuận và Sương ngạc nhiên. Thuận còn nhớ ngày đám hỏi tại nhà cha mẹ nàng ở Bình Thạnh, Tuyết cười nói không ngớt, vẻ mặt rạng rỡ niềm vui, lúc nào nàng cũng ném ánh mắt tình tứ vào Thuận và kéo tay chàng đến giới thiệu với các bạn một cách hãnh diện.  Hôm nay nàng hoàn toàn khác hẳn. Thuận thầm nghĩ có lẽ nàng mệt vì chuyến bay xa, mất ngủ vì sai giờ giấc. Chàng vọt miệng đề nghị :

-  Gần 12 giờ trưa rồi, mình ghé phố Tàu ăn tỉm xắm cho Tuyết biết nghe chị Sương.

Sương vui vẻ tán đồng ngay :

-  Ý của em hay đó.  Giờ nầy mà xếp hàng qua cầu thì te tua .

Nàng ngó sang Tuyết :

-  Ý bồ thế nào ? ?

Giọng Tuyết lấp lửng:

-  Mình sao cũng được.

Muốn đánh tan cái không khí tẻ nhạt, Sương bèn gợi chuyện bâng quơ.

-  Sao,  đặt chân lên đất Hoa kỳ rồi, bồ thấy thế nào ?

Vẫn vẻ lạnh lùng, Tuyết đáp lấy lệ :

-  Văn minh. Lịch sự với phái nữ. Hải quan rất lễ độ.

Với nét mặt tươi rói, Thuận hí hửng khen :

-  Mới đến mà em có một nhận xét rất đúng.

Đoạn chàng giục giã:

-  Mình xuống hầm parking lấy xe đi .

Nói xong, Thuận nhanh chân đẩy xe hành lý đến thang máy. Tuyết và Sương lững thững bước theo sau, ba người không cùng một suy nghĩ.

Xe ra khỏi phi trường , thẳng tiến qua khu phố Tàu của thành phố San Francisco. Thuận đề nghị Sương và Tuyết vào nhà hàng trước tìm bàn trống,  còn chàng thì chạy lanh quanh kiếm chỗ đậu xe. Lợi dụng không có mặt Thuận, Tuyết kề tai Sương thì thào:

-  Chờ ăn xong rồi mình sẽ nói cho Thuận và bồ biết một việc.

Sương có vẻ lo lắng,  đôi mày cong cau lại, nàng nhìn sững bạn:

-  Chắc là một việc hệ trọng.

Tuyết gật đầu lí nhí :

-  Phải, rất hệ trọng.

Trước thái độ khó hiểu của bạn, Sương lặng lẽ đẩy cửa nhà hàng bước vào, mắt dáo dác tìm bàn trống rồi kéo tay Tuyết đến ngồi chờ Thuận.

Vì bị Tuyết gieo vào đầu một dấu hỏi,  Sương hoang mang,  ăn gượng gạo cho qua bữa,  trong khi Thuận quá vui mừng có Tuyết bên cạnh nên ăn uống hả hê. Tuyết vẫn trầm ngâm ít nói,  ăn lấy lệ cho vui lòng Thuận.

 Đợi xong bữa cơm trưa, Tuyết mới nhìn thẳng vào mắt Thuận nghiêm giọng nói :

-  Em muốn đề nghị với anh một việc.

Thuận ngó Tuyết trân trân, cặp lông mày nhíu lại:

-  Việc gì vậy em ?Chị Sương có thể biết được không ?

Tuyết trả lời không đắn đo:

-  Rất cần ý kiến của Sương.

Chàng nóng lòng giục Tuyết:

-  Vậy thì em cứ nói. Anh chờ nghe đây.

Tuyết trầm ngâm một lúc ,  đôi môi nàng mới mấp máy:

-  Anh cho em về ở chung với Sương một thời gian nhe.

Cả Thuận lẫn Sương đều chưng hửng, hai người trố mắt nhìn Tuyết chờ nghe nàng giải thích. Tuyết hớp một ngụm nước trà rồi thư thả tiếp:

-  Chắc anh cũng thừa biết, việc vợ chồng phải có tình yêu.  Em cần có thời gian để tìm hiểu anh và tập yêu anh. Vì thế,  em xin được về ở chung với Sương để ghi tên học Anh văn,  luyện giọng cho nhuần, rồi sau đó tìm việc làm .

Sương ngẩn ngơ chẳng biết Tuyết muốn toan tính gì , nàng ngồi lặng thinh chờ phản ứng của đứa em. Thuận trái lại hưởng ứng lời đề nghị của Tuyết ngay.  Chàng cầm tay Tuyết âu yếm bảo:

-  Em nghĩ đúng , phải có tình yêu mới nên vợ chồng. Anh để cho em có thời gian hiểu rõ anh hơn mặc dầu trước chính quyền hiện giờ em là vợ anh.

Chàng quay sang Sương nhỏ giọng năn nỉ :

-  Chị vui lòng cho Tuyết ở trọ một thời gian. Em sẽ phụ chị tiền ăn ở ,  điện nước và các món linh tinh. Chị chấp nhận nhé !

 Sương ngước mắt nhìn Thuận một cách thương hại. Nàng thầm nghĩ chẳng lẽ vì quá yêu Tuyết mà Thuận đâm ra ngu muội đến thế .  Cái giả tâm của Tuyết đã lộ liễu trước mắt mà Thuận không thấy sao ?Bao nhiêu cảm tình dành cho Tuyết trước kia bỗng chốc tan biến trong lòng Sương. Nàng không ngờ cô bạn học ngày xưa nhu mì , hiền hậu,  rụt rè, nhúc nhác nay trở thành lọc lừa, tráo trở. Thuận thấy Sương ngồi bất động không nói gì, chàng sợ nàng từ chối bèn kéo tay Sương lắc nhẹ với vẻ van lơn :

-  Chị Sương, chị thương em mà nhận lời nghe chị .

Sương miễn cưỡng gật đầu :

-  Nếu em đồng ý lời đề nghị của Tuyết thì chị cũng không hẹp hòi gì.

Tuyết mừng ra mặt hớn hở bảo:

-  Vì biết anh chưa có sự nghiệp như lời anh nói nên ba em cho em một số tiền để phòng thân. Em sẽ dùng nó để trả các chi phí ăn ở trọ nhà Sương .

Thuận ngắt lời Tuyết, tay khoác lia:

-  Trên danh nghĩa là chồng, anh có bổn phận lo cho em mọi thứ. Em hãy an tâm và hiểu rằng không có sự nghiệp theo lời anh nói có nghĩa là anh chưa mua nhà riêng, chưa sắm xe mới, chớ không phải anh rỗng túi đi kiếm ăn từng bữa đâu. Mười mấy năm làm công nhân nhà máy cũng giúp cho anh có được một số tiền gởi ngân hàng. Nay đã đến lúc anh cần nó để tạo dựng gia đình.

 Khách ăn trưa lần lượt ra khỏi nhà hàng. Thuận nhìn đồng hồ xem giờ,  chàng đứng lên thư thả nói:

-  Em tạt qua căn phố anh ở cho biết rồi sau đó anh sẽ đưa em qua nhà chị Sương , phụ dọn một phòng nào do chị chỉ định để em tạm trú.  

Sương ngao ngán trong lòng nhưng ngoài mặt cũng gượng gạo làm vui . Nàng hy vọng trong tương lai gần, tính tình chân thật và tấm lòng tốt của Thuận sẽ cảm hoá được Tuyết. Chiếc xe hơi của Thuận ung dung chui qua cầu Oakland để trở về San José , nơi đó có một tổ ấm do Thuận xây sẵn chờ đón cô dâu về. , nhưng thực tế lại phũ phàng.

Thuận khệ nệ mang hành lý của Tuyết vào nhà Sương, chàng ngồi ở xa lông chờ chị quyết định nhường căn phòng nào cho Tuyết để chàng phụ một tay lau dọn.  Đến tối mới xong, chàng hăm hở chạy ra nhà hàng Việt nam mua thức ăn mang về làm bữa cơm chiều. Trước khi ra về, Thuận còn ân cần căn dặn Tuyết :

-  Ngày mai anh làm ca sáng, khoảng ba giờ trưa anh sẽ đến chở em đi khám sức khoẻ và ghi danh học tiếng Anh luôn. Ngoài ra , có cần thứ gì thì ghi vào giấy , mình sẽ ghé qua siêu thị mua .

 Tuyết chỉ ỡm ờ đối đáp cho qua chuyện rồi than mệt vào phòng ngủ sớm lấy lại sức.

 Ngày tháng xô đẩy nhau đi, thắm thoát Tuyết đã sống trên đất Mỹ hơn ba tháng rồi. Nàng đang theo học khóa Anh văn , cốt để luyện giọng, vì khi còn ở quê nhà Tuyết đã học xong căn bản ngữ pháp tiếng Anh.  Thuận vẫn đều đặn đến thăm Tuyết và chu đáo lo cho nàng mọi việc.  Cuối tuần , chàng đưa Tuyết đi chợ Việt nam, thăm vườn Nhật bổn ở San José hoặc sang San Francisco ngắm chiếc cầu Golden gate rồi đi phố Tàu ăn đồ biển. Chàng cũng chở nàng đến xem một ngôi nhà đăng báo bán để hỏi ý Tuyết, nếu nàng ưng bụng thì chàng lấy tiền dành dụm,  mượn thêm tiền ngân hàng mua ngay. Thuận cũng ngắm nghé định mua một chiếc xe hơi Nhật đời mới cho nàng sử dụng. Lòng tốt và sự cao thượng của Thuận chiếm dần tình cảm của Tuyết. Sương để ý thấy và mừng thầm , nàng hy vọng một ngày đẹp trời nào đó,  Tuyết sẽ tự động trả phòng lại cho mình và xách va li về nhà chồng.  Sương bỗng nhớ lại những câu miệt thị Thuận xuất phát từ cửa miệng Tuyết khi nàng đến ở trọ hơn một tuần,  vì Sương khuyên nhủ nàng không nên làm đau lòng Thuận. Lúc đó Tuyết quắc mắt gay gắt :

-  Sương nghĩ thế nào mà muốn tôi phải làm vợ anh chàng nhà quê đó?

Rồi nàng hầm hầm nét mặt xẵng giọng :

-  Chắc Sương cũng thừa biết tôi là một cô gái đài các thì làm sao có thể chui vào cái xó tồi tàn để sống với Thuận.  Không chừng có ngày bị bọn Mỹ đen hay Mễ cưỡng hiếp rồi giết chết uổng mạng.

Những tiếng « anh chàng nhà quê », « cái xó tồi tàn » nghe mỉa mai và chua chát quá ! Sương sửng sốt rồi xụ mặt . Thì ra, cô bạn nàng chỉ mượn Thuận làm kẻ lái đò đưa Tuyết sang sông. Khi thuyền đến bến,  Tuyết quên trả công cho người chèo đò mà còn nhẫn tâm trở mặt.

Cứu cánh của cô tiểu thư quận Bình thạnh là sang Mỹ sống bằng mọi giá.  Kết hôn với Thuận chỉ là phương tiện.  Đơn giản thế thôi. Chỉ có chị em Sương vì tự tin nên chuốc lấy thất bại ê chề.

 Hôm nay , Sương cảm nhận gió sắp đổi chiều. Thuận đã dần dà mở trước mắt Tuyết một chân trời mới đầy hứa hẹn ;do đó,  tình cảm nàng dành cho Thuận tăng thêm. Nhưng…Cuộc đời bao giờ cũng bị chữ « nhưng »làm chướng ngại,  và con người không thể học được chữ « ngờ ».

Một sáng Chúa nhựt , Thông có hẹn đến nhà Sương để cùng nàng đi mua sắm , chuẩn bị lễ cưới sắp tới của hai người . Chàng đến hơi sớm, Sương đi lễ nhà thờ chưa về.  Thuận cũng hứa trưa nay đến đón Tuyết đi ăn. Nàng dần dà chưa vội trang điễm thì Thông đến . Hai người đều ngỡ ngàng vì họ chưa gặp nhau lần nào. Ba tháng ở trọ nhà Sương, Tuyết không thấy bóng dáng người đàn ông nào đến thăm nàng. Hôm nay bỗng nhiên có một chàng thanh niên phong cách lịch lãm từ đâu đến, tự gìới thiệu là kỹ sư điện toán, làm chung sở với Sương.  Thông cũng như Tuyết, chàng ngạc nhiên vì không nghe Sương nói đến cô bạn mới từ Việt nam sang,  đang ở trọ nhà nàng.

 Sắc đẹp của phụ nữ vẫn muôn đời là mãnh lực khuynh đảo phái nam.  Đắc Kỹ,  Điêu Thuyền, Tây Thi là những nhân chứng để lại từ ngàn xưa . Thông cũng không ra ngoại lệ. Ngồi trò chuyện bâng quơ với Tuyết ở xa lông,  chàng kỹ sư điện toán ngẩn ngơ trước sắc đẹp đài các của người con gái mới quen. Chàng liền trổ tài ăn nói, khoác lác khoe khoang địa vị và sự nghiệp hiện tại của mình. Thông không đá động đến chuyện chàng và Sương sắp thành hôn. Thế là Tuyết bị chóa mắt bỡi cái dáng dấp hào hoa và mảnh bằng kỹ sư của Thông. Nàng bắt đầu so sánh Thông với Thuận . Tất nhiên dưới cái nhìn của Tuyết,  Thuận thua rồi. Thông cũng nhận thấy Tuyết đẹp hơn Sương nhiều , và chàng bắt đầu chuyển hướng con tim.  

 Sau ngày hôm ấy, Tuyết lạnh nhạt với Thuận. Nàng tìm đủ lý do để tránh né chàng và nhận lời đi chơi với Thông . Dần dà Sương biết được, nàng hạch hỏi Thông cho rõ trắng đen . Chàng không chối Tuyết và chàng đã yêu nhau và họ sẽ lấy nhau một ngày gần đây.

 Sương đắn đo không biết có nên cho Thuận hay tin nầy không ?Sự phản bội của Thông khiến Sương bàng hoàng nhưng nó cũng giúp nàng nhận ra chân tướng của người tình. Giờ đây, nàng chỉ cần gật đầu ok là Jerry hồ hởi đến với Sương . Nghĩ tội nghiệp Thuận đã vì những lời tán tụng của người chị họ mà gánh lấy một sự tủi nhục ê chề.  Sương định bụng chiều nay đi làm về, nàng sẽ mắng vào mặt Tuyết một trận và đuổi nàng ra khỏi nhà; đồng thời, Sương cũng gọi điện thoại cho Thuận , kể hết mọi việc cho chàng nghe. Thông đoán được bèn lẹ làng thông báo cho Tuyết chuẩn bị đối phó. Nàng bỏ buổi học, quay về nhà Sương gom góp quần áo cho vào va li , viết vài chữ tạ từ Sương rồi bốc điện thoại di động kêu taxi đến đưa nàng sang nhà Thông ở.

 Về phần Thuận, từ ngày Tuyết có thái độ lãnh đạm tìm cách tránh né để xa lánh chàng, Thuận có linh cảm hy vọng của mình sắp tan biến như bèo mây, thôi thì cứ mặc cho giòng đời đưa đẩy. Một đêm nọ,  chàng định lên giường ngủ sớm vì ngày mai làm ca sáng. Không hiểu sao, Thuận cứ thao thức,  trăn trở mãi. Mười ngón tay đan nhau đặt dưới gáy,  hai chân duỗi thẳng, mắt nhìn lên trần nhà , tâm trí Thuận nghĩ vẩn vơ, bỗng chàng giật mình vì tiếng chuông reo. Thuận ngồi bật dậy,  khoác vội chiếc áo choàng vào người,  hối hả ra mở cửa. Chàng trố mắt ngạc nhiên khi thấy Thông đứng sừng sững trước mặt mình,  dáng điệu thiếu tự nhiên. Thuận miễn cưỡng mời Thông vô phòng khách, trong lòng thầm nghĩ chắc Sương và Thông có điều gì bất hòa nên Thông mới chạy đến cầu cứu chàng đứng ra làm trọng tài hòa giải như mọi khi. Ngồi đối diện Thông, Thuận tươi cười mở lời:

-  Anh chị lại gây gổ nữa phải không ? Gần ngày cưới rồi mà có chuyện hoài .

 Thông lặng thinh ra chiều lo lắng, nét mặt bẽn lẽn ngượng nghịu khiến Thuận khó hiểu . Chàng giục giã tiếp:

-  Việc gì anh cứ nói, sao cứ ngập ngừng hoài vậy ?

Cặp môi Thông hơi run run, hắn tằng hắng, thu hết can đảm trút ra một câu dài:

-  Tôi và Tuyết yêu nhau và sẽ đi đến hôn nhân. Tôi đến đây báo cho anh biết và xin anh một sự cảm thông,  đừng làm khó dễ Tuyết .  

Như sét đánh ngang mày, Thuận sững sờ,  lặng người ngó Thông.  Thông cũng im lặng chờ đợi nghe những lời chửi mắng của Thuận hoặc có thể nhận vài cú đấm vào mặt. Tuyệt nhiên không . Sau vài phút trầm ngâm, Thuận mới gật gù thư thả nói bằng một giọng thản nhiên:

-  Anh là người có học thức,  địa vị cao, cơ ngơi vững vàng, Tuyết làm vợ anh thì cuộc đời nàng được bảo đảm. Tôi chúc cho hai người toại nguyện.

Thông không thể ngờ câu chuyện diễn tiến quá êm xuôi. Sự cao thượng của anh công nhân nhà máy làm cho Thông thấy ngượng.  Không che lấp được sự hổ thẹn, hắn rụt rè đứng lên cáo từ Thuận,  miệng lắp ba lắp bắp :

-  Anh tốt quá !Chúng tôi cám ơn anh nhiều.

Dứt lời, Thông nhanh chân ra cửa . Thuận nói vói theo :

-  Khi nào Tuyết làm xong đơn xin ly dị, anh mang đến cho tôi ký.

Đợi bóng dáng Thông khuất dạng dưới cầu thang, Thuận mới đưa tay đóng cửa, lảo đảo lê những bước chân nặng nề vào nhà,  buông người trên chiếc sô pha như kẻ mất hồn.  Chuông điện thoại reo , chàng hững hờ cầm ống nghe lên :

-  Allô !

Bên kia đầu dây , giọng Sương ấp úng :

-  Chị phải báo cho em hay một việc quan trọng .

Thuận buồn bã buông tiếng thở dài :

-  Cám ơn chị, em biết rồi.

Sương chưng hửng , hơi thở nàng dồn dập:

-  Ai cho em biết ?

Chàng não nề đáp nhỏ :

-  Thông vừa mới đến .

Thuận chỉ nghe được tiếng kêu Trời nho nhỏ của Sương trước khi nàng gác ống.

 Bất giác Thuận đưa tay mở nhạc vì chàng không biết làm gì hơn.  Tiếng ngâm thơ của nữ ca sĩ Như Quỳnh nghe sao mỉa mai quá :

 Hò hơ … Ai đem con sáo sang sông ?

 Để cho con sáo xổ lồng bay xa.

 Thế Sơn bắt giọng trầm buồn với bài Lầm của Lam Phương thật đúng lúc : "Anh đã lầm đưa em sang đây …"  Bên ngoài,  trăng hạ tuần chênh chếch trên ngọn cây phong, tỏa ánh sáng lờ mờ huyền ảo xuống cảnh vật. Vài vệt sáng yếu ớt len qua khe cửa , lung linh trên nền nhà trông buồn hiu hắt . Đường về khuya vắng ngắt không một bóng người. Những trụ đèn trơ vơ gục đầu gánh nỗi quạnh hiu.  

Chương ba

Kim là con gái nhà nghèo quê ở Thủ Thừa, ngày ngày theo mẹ ra quốc lộ miền Tây bán khóm Bến lức cho khách xuôi ngược . Sắc đẹp mặn mà của cô thôn nữ lọt vào mắt một anh Việt kiều tên Sơn từ Mỹ về thăm cha mẹ ở Tân Trụ.  Sơn lân la nhiều lần đến quán mua khóm cốt để làm quen Kim và láo khoét khoe mình làm chủ một cơ sở sửa xe hơi ở quận Cam miền Nam Cali. Nhờ tốt mã và trong túi khấm khá đô la, hắn lấy được cảm tình của mẹ Kim. Chẳng bao lâu, Sơn đưa song thân qua Thủ Thừa dạm hỏi Kim cho chàng. Ba má Kim hân hoan nhận lời vì họ nghĩ rằng Trời đã thương họ nên mới tạo cơ duyên cho Sơn gặp Kim . Một đám cưới thật rình rang do Sơn bỏ tiền ra tổ chức cho rỡ ràng hai họ. Có vài anh chàng lam lủ đi làm mướn thầm yêu Kim thất vọng nhìn nàng theo chồng sang Mỹ sống . Thật ra Kim chưa yêu Sơn,  nàng bằng lòng lấy chàng là để thoát ra cảnh nghèo, sang Hoa kỳ học Anh văn rồi làm việc kiếm tiền gởi về giúp cha mẹ. Nguyện vọng của cô gái quê chỉ đơn giản thế thôi, mặc dầu nàng phải trả giá bằng tấm băng trinh của mình.  

 Mấy ngày đầu đặt chân lên Los Angeles, Kim được chồng đưa đi thăm các khu thương mại sầm uất của Nam Cali. Trông thấy sự phồn vinh của người đồng hương ở quận Cam, nàng háo hức muốn nhanh chóng đi học tiếng Anh để tìm việc làm , nhưng Sơn cứ dần dà hẹn vì hắn không muốn vợ mình tiếp xúc với bên ngoài . Mặt khác,  Kim đã biết hết sự thật về Sơn. Sơn chẳng có xưởng sửa xe hơi như hắn khoe mà hiện đang ăn trợ cấp thất nghiệp, không có nhà cửa như hắn nói ,  chỉ ở trong một chung cư , thỉnh thoảng được vài người đồng hương gọi đến nhà thay dầu xe hoặc điều chỉnh thắng kiếm chút tiền . Kim vốn nhà nghèo nên dễ thông cảm với chồng,  nàng muốn có chút ít vốn liếng tiếng Anh làm hành trang nhập vào cuộc sống mới , tìm việc làm phụ chồng . Nhưng Sơn một mực từ chối vì chàng biết với cái nhan sắc trời cho, nếu để Kim đi làm thì trước sau gì Sơn cũng mất vợ. Chán chường trước sự suy nghĩ nông cạn của chồng, Kim bất chấp lời cấm đoán của Sơn, nàng nhờ một người đàn bà đồng hương ở chung xóm đưa nàng đến trung tâm dạy tiếng Anh ghi tên học. Mấy ngày sau, Sơn phát hiện ra,  hắn nổi cơn thịnh nộ đánh Kim một trận tơi bời. Mặt mũi đầy máu,  đầu tóc rối bời, Kim ngồi co ro trong góc tường rấm rứt khóc, tai nàng tiếp tục nghe những lời đay nghiến của chồng :

-  Tao đem mầy qua đây để ở nhà phục dịch tao, chớ tao có ngu dại gì cho mầy đi học vài câu tiếng Anh để lên mặt coi thường chồng ?

Như chưa hả giận, hắn văng tục quát tháo tiếp :

-  Thà tao bỏ mầy trước còn hơn là đợi một ngày nào đó mầy cũng chạy theo tiền mà bỏ tao .

Đoạn hắn quắc mắt ném một câu cạn tàu ráo máng :

-  Để coi,  ra khỏi nhà tao rồi , mầy sẽ làm nên tích sự gì ?Hay chỉ có nước đi ở mướn cho thiên hạ hoặc đi làm đĩ thôi.

Dứt câu,  hắn hậm hực bỏ đi để mặc cho Kim ngồi co rúm người tức tưởi khóc. Những tưởng lấy chồng Việt kiều bên Mỹ cuộc đời sẽ sung sướng hơn các cô gái lấy chồng Đài Loan hay Hàn quốc, nào ngờ cá mè một lứa. Một viễn ảnh đen tối sắp che lối tương lai nàng.

Sáng hôm sau,  Sơn buộc nàng ký tên vào đơn xin ly dị rồi đuổi Kim ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Nàng xách cái túi quần áo , thất thểu đi ra đường như kẻ mất hồn. Kim không biết phải đi đâu vì nàng không có người thân ở nơi nầy. Nghĩ đến thân phận lạc loài , hai hàng nước mắt trào ra, chảy dài xuống má , rơi trên áo; nàng lầm lũi bước đi không định hướng. Cho đến khi đôi chân rã rời , Kim mới ghé vào ngồi trên chiếc băng của một trạm xe buýt.  Đói và khát làm cho Kim mệt lả người.  Trước mắt nàng, cảnh vật bỗng quay cuồng , Kim choáng váng ngã qụy xuống đất bất tỉnh. Một bà Việt nam đứng tuổi chạy đến đỡ Kim lên, miệng không ngớt gọi : « Cô , cô ».  Người đi đường bu quanh rối rít hỏi: « Ai có điện thoại di động, kêu giùm xe cứu cấp ».  Chợt cặp mắt Kim lờ đờ mở ra. Bà Việt Nam mừng quýnh reo lên :

-  Cô ấy tỉnh rồi, khỏi gọi cứu cấp .

Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Họ tản mát bỏ đi mỗi người một hướng,  chỉ còn người đàn bà Việt ngồi ôm choàng lấy Kim ân cần hỏi han.  Động lòng trắc ẩn, Kim ôm lấy vai bà khóc sướt mướt ,  kể hết sự việc cho bà nghe. Bà lắc đầu tội nghiệp đoạn tìm lời an ủi nàng :

-  Cô đừng buồn nữa, hãy về nhà tôi ở tạm đôi ba ngày rồi sẽ tính.

Dứt lời, bà dìu Kim đứng lên lo lắng hỏi:

-  Cô có thể theo tôi qua bãi đậu xe sau Phước Lộc Thọ được không ? Nếu không đủ sức thì ngồi lại đây chờ tôi lấy xe trở ra đón cô.

Vẻ mặt ủ ê, Kim nhìn ân nhân khẽ gật đầu :

-  Dạ cám ơn Dì, cháu đi theo Dì được mà .

Thế rồi, Kim uể oải xách túi quần áo, lững thững đi bên cạnh người đàn bà tốt bụng. Bà vừa đi, vừa thỏ thẻ :

-  Khi nãy, lái xe ngang qua đây, tôi để ý thấy cô ngồi ở trạm xe buýt,  tưởng cô đợi xe đi đâu. Nhưng khi đi chợ xong,  định ra về thì tôi cũng thấy cô còn ngồi đó. Sanh nghi, tôi liền tiến lại hỏi thăm thì ngay lúc đó cô ngất xỉu. May quá , tôi đến kịp lúc.

Kim cảm động nghẹn lời nói tiếng được, tiếng mất:

-  Nếu không có Dì, không biết thân cháu ra sao ?

Nói đến đây, nàng tủi thân thúc thít khóc. Bà Ba lại an ủi dỗ về:

-  Cô đừng ngại, hiện nay tôi lãnh tiền già, sống một mình trong căn nhà nhỏ, có cô hủ hỉ càng vui.

Đến bãi đậu xe, bà Ba dìu Kim lên ngồi phía trước với bà rồi lẹ tay vói lấy gói bánh bao để ở yên sau trao cho Kim bảo:

-  Nè cô ăn cái bánh cho đỡ đói. Có chai nước suối bên cạnh cô đó. Cứ ăn uống tự nhiên đi.

Nói xong, bà rồ máy lái xe ra khỏi chợ,  hướng về phía ngoại ô. Kim vừa ăn vừa nghĩ có thể bà Ba là hiện thân của Phật Bà Quan Âm hay Đức Mẹ đến cứu nàng . Thỉnh thoảng nàng liếc sang bà với sự cảm mến và đầy vẻ biết ơn.

Về đến nhà, Kim lăng xăng phụ giúp bà Ba chuẩn bị bữa cơm trưa.  Bây giờ là lúc hai người, một già , một trẻ,  tâm tình hỏi han nhau. Kim đâu ngờ bà Ba quê ở Bến lức;bà cũng trố mắt ngạc nhiên khi biết ba má Kim ở Thủ Thừa. Thế là bà huyên thuyên kể chuyện miệt vườn khiến nàng nhớ mẹ cha da diết. Rồi bà bắt sang chuyện hiện tại, hỏi Kim có bà con gì ở Hoa kỳ không? Nàng thố lộ cho bà biết mình có người anh họ tên Lộc,  vượt biển và sang Hoa kỳ mười mấy năm trước, hiện làm công nhân nhà máy ở Bắc Cali. Lộc có viết thư thăm Kim khi nàng đến Mỹ . Chàng cho Kim địa chỉ và số điện thoại nhưng Kim cất ở đâu tìm chưa ra. Một tia hy vọng lóe lên trong đầu bà Ba.  Chiều hôm đó, bà bảo Kim lục kiếm trong các ngăn của túi xách và các túi áo của nàng,  may ra tìm được bức thư của Lộc để bà bắt liên lạc giùm Kim. Nàng làm theo lời , mò mẫm từng túi áo, lục từng ngăn túi xách. May quá, Kim gặp bức thư của Lộc trong cái bóp nhỏ nằm ở đáy xách tay. Nàng reo mừng trao cho bà Ba xem. Cầm lấy mảnh giấy, bà đọc ngấu nghiến ,  đoạn lẹ tay bốc máy điện thoại nhấn số gọi.  Đợi bên kia đầu dây có tiếng chuông reo, bà trao ống nghe cho Kim nói chuyện với người anh họ của nàng. Lộc bàng hoàng khi nghe Kim thuật hết mọi việc. Chàng hứa sẽ lấy hai ngày phép xuống Nam Cali tìm nàng và đưa Kim lên San José sống với Lộc. Bà Ba không quên đọc địa chỉ nhà mình đồng thời cho luôn số điện thoại để Lộc dễ tìm.  

 Chiều hôm sau, Lộc có mặt ở quận Cam. Chàng dừng xe trong bãi đậu của một siêu thị Á châu, mở bản đồ ra tìm đường đến nhà bà Ba . Chỉ mất hai mươi phút, Lộc kiếm được nhà. Hai anh em gặp nhau sau một thời gian dài xa cách nên vui mừng khôn xiết. Việc trước tiên, Lộc ngỏ lời cảm tạ lòng tốt của bà Ba đã tận tình giúp đỡ em mình lúc bơ vơ lạc lõng. Chàng hứa dịp hè năm tới sẽ lái xe đưa Kim quay lại đây thăm bà.

Sáng hôm sau, hai anh em Lộc từ giã bà Ba, lên đường về Bắc Cali.

Kim bịn rịn cầm tay bà rưng rưng nước mắt, giọng nghẹn ngào:

-  Thưa Dì cháu đi. Suốt đời cháu không bao giờ quên ơn Dì.

Bà Ba cắt ngang :

-  Cháu đừng bận tâm, hãy cố gắng học tiếng Anh rồi tìm việc làm kiếm tiền phụ giúp cha mẹ bên quê nhà.

Đôi mắt loáng lệ,  Kim sụt sùi :

-  Nguyện vọng của cháu chỉ có thế. Cháu xin nhớ lời Dì.  

Lộc tiến lại chào bà rồi lên xe rồ máy. Kim ngồi cạnh anh, ngoái cổ nhìn ân nhân một lần nữa khi chiếc xe lăn bánh rời khỏi nhà bà. Chạy ngang qua Sàigòn nhỏ, Lộc ghé vào một nhà hàng Việt nam, hai anh em ăn mỗi người một dĩa cơm tấm bì , uống ly cà phê nóng rồi lên đường về San José .

 Thời gian lặng lẽ trôi, chuyện đời cũng có nhiều thay đổi. Thắm thoát, Kim ở chung với người anh họ gần một năm rồi. Nhớ lại ngày nàng đặt chân lên Bắc Cali, Lộc đã chu đáo lo cho Kim như đứa em ruột, chàng ghi danh cho nàng học khoá Anh văn . Cuối tuần hai anh em đi chợ Việt nam ở San José ăn hàng và mua sắm lặt vặt. Mỗi kỳ lãnh lương, Lộc cho Kim một số tiền nho nhỏ để chi tiêu lúc đi học.  Chàng cũng dùng cảm tình sẵn có , ngoại giao với người phụ trách nhà ăn tập thể để xin cho Kim một việc làm phụ bếp. Khoá Anh văn vừa xong thì Kim cũng được nhà thầu căn tin gọi đến thử việc một tuần .  Nhờ bản tính chuyên cần, ham làm việc, nàng được họ tin tưởng đồng ý thâu nhận luôn. Công việc của Kim là phụ bếp,  đến giờ ăn trưa và chiều,  Kim cùng ba cô gái Mỹ phân phát thức ăn cho nhân viên xí nghiệp.  Sau đó , nàng cặm cụi lau dọn bàn ăn, sàn nhà cho sạch rồi bắt tay rửa các nồi chảo to tướng. Những thứ khác như dĩa, ly, tách, dao,  muỗng,  nĩa được cho hết vào máy rửa. Lãnh lương lần đầu, Kim xin Lộc cho nàng phụ tiền nhà với anh, nhưng Lộc một mực từ chối, bảo nàng lấy số tiền đó gởi về giúp mẹ cha Kim cũng là chú thiếm của chàng.  Cảm động trước tấm lòng tốt của anh, Kim rớm nước mắt,  miệng lí nhí vài lời cám ơn rồi bắt sang chuyện khác,  nhỏ giọng thỏ thẻ :

-  Anh Hai, sao hơn ba mươi tuổi mà anh chưa chịu lập gia đình ? Bộ tính ở vậy suốt đời sao ?

Với vẻ mặt đăm chiêu, Lộc cười gượng :

-  Có ai ưng đâu mà cưới ?

Kim ngơ ngác :

-  Ở Mỹ thì hiếm chớ về Việt nam thì thiếu gì người chịu lấy anh.

Đoạn nàng hóm hỉnh ướm lời :

-  Nếu anh muốn, em sẽ gìới thiệu anh với con Sen, bạn lối xóm ở Thủ Thừa, nó hiền và khá đẹp,  ăn nói có duyên .

Nàng tinh nghịch liếc anh vòi vĩnh :

-  Hứa tặng em cái đầu heo đi, em làm mai cho .

Chàng lắc đầu lia:

-  Thôi đi cô . Anh sợ gặp phải cảnh của thằng bạn anh . Thà tôn thờ chủ nghĩa độc thân sướng hơn.

Nàng hiếu kỳ bèn gặng hỏi :

-  Ai vậy anh ?

Lộc thản nhiên nhếch mép:

-  Chắc em đã gặp mặt nó mà .  Nó ăn mỗi ngày ở căn tin.

Nàng chợt nhớ ra :

-  Có phải anh chàng lầm lì, bưng cái mâm thức ăn kiếm một góc phòng gầm mặt lặng lẽ nuốt cho kịp giờ, khác với mấy ông Mỹ , vừa ăn ngồm ngoàm, vừa bô bô cái miệng nói.

Lộc gật đầu:

-  Ừ ,  đúng rồi. Anh ta tên Thuận, trước kia làm chung ca với anh, sau này vì nhu cầu phải đổi sang ca khác, anh làm sáng thì nó làm chiều,  thỉnh thoảng cuối tuần mới gặp nhau, ngồi uống ly bia ở chợ Việt.

 Kim tò mò muốn biết thêm :

-  Trường hợp của anh ấy ra sao anh Hai ?

Lộc nhìn em bỡn cợt :

-  Cha, bộ bắt mắt rồi sao mà hỏi tới ? Anh nghi quá .

Kim mắc cở , mắt chớp lia,  đôi má ửng hồng :

-  Đâu có . Tại anh nói sợ gặp trường hợp giống anh Thuận nên em mới hỏi chớ bộ.

Lộc trầm ngâm trong giây lát. Bằng một giọng ngậm ngùi,  chàng từ từ kể cho em nghe hoàn cảnh của bạn mình :

-  Em biết không, nếu cha Thuận không bị tai nạn chết sớm, mẹ anh ta không thất bại trong việc kinh doanh thì giờ đây nó làm ông chủ chớ không phải là anh thợ đứng máy như anh đâu.

Kim sốt ruột hối :

-  Rồi sao nữa anh Hai ?

Chàng chép miệng ,  buồn bã :

-  Cũng vì nghe lời người chị bà con giới thiệu cô bạn học ngày trước,  Thuận mới theo chị về Sàigòn xem mắt nàng . Hai tuần sau, nhà gái đồng ý cho Thuận làm lễ hỏi và hối thúc chàng lo thủ tục hôn thú cho nàng sang Mỹ.

Kim nhướn mắt bảo:

-  Như vậy là ổn thỏa rồi còn gì ?

Lộc ngao ngán thở dài :

-  Chuyện đời đâu đơn giản như em nghĩ. Thực tế thường đi ngược lại với những gì người ta tưởng. Mấy tháng sau, cô ta sang Mỹ và trắng trợn trở mặt,  đi dan díu với một kỹ sư điện toán Việt nam. Tình thế bắt buộc Thuận phải ký tên ly dị với cô ấy .

Kim nghe qua, lòng se lại, nàng tặc lưỡi,  nói bằng một giọng chán chường :

-  Tim của con người sao có nhiều ngõ ngách quá hả anh ?Chuyện của em, chuyện anh Thuận cũng đủ chứng minh rồi.

Đoạn Kim liếc anh,  nhếch môi :

-  Chắc anh với anh Thuận là bạn thân nên anh mới biết rành như thế ?

Lộc gật đầu xác nhận :

-  Phải, qua nhiều năm làm việc chung nhóm, hai đứa thân nhau nên nó hay tâm tình với anh, nhờ vậy anh mới biết rõ .

 Sực nhớ ra, Lộc bảo em :

-  Cuối tuần tới, anh có rủ Thuận đến nhà mình ăn cơm . Em phụ anh lo nấu vài món thuần túy quê hương nhé !

Kim vui vẻ nhận lời ngay :

-  Anh Hai khỏi phải lo, chỉ chở em đi chợ là đủ, còn việc nấu nướng để cho em. Anh thích ăn món gì , cho em biết đi .

Lộc không chần chừ, hăm hở nói :

-  Anh thèm lươn um cuốn bánh tráng với rau om, chấm nước mắm me.

Nét mặt Kim hân hoan, nàng cười tít mắt :

-  Dễ ợt. Anh nhớ mua cho em cái nồi đất;lươn phải um trong cái ơ hay nồi đất mới đúng điệu.

Chàng hí hửng vọt miệng khen :

-  Không ngờ em gái của anh tài quá ta .

Nàng sung sướng trong dạ nhưng cũng giả vờ chối :

-  Em mà bằng ai. Anh chọc quê em hoài .

 Chiều Chúa nhựt, Thuận mua hai kí lô xoài , một cặp bưởi Năm Roi mang đến làm quà tặng Lộc. Hai người tay bắt mặt mừng.  Ngồi ở phòng khách nhâm nhi ly bia với tôm khô củ kiệu, hàn huyên chuyện mưa nắng , chuyện thế giới.  Đoạn Thuận nhìn bạn gạn hỏi :

-  Hôm nay bộ có lễ lộc gì mà mầy bày vẻ quá vậy ? Cứ như mọi khi, hẹn nhau ở chợ Việt nam,  ăn vài chiếc nem, năm ba cái bò bía,  uống ly bia rồi tán gẫu cũng xong, nấu nướng chi cho mất công dọn dẹp.

Lộc khoái chí khề khà :

-  Lâu lâu mời mầy lại nhà chơi cho ấm cúng. Hôm nay tao đãi mầy món lươn um .

Thuận háo hức xoa tay :

-  Thật không ? Tao khoái cái món đó lắm . Nhớ lúc nhỏ ở quê ngoại Vĩnh long , thỉnh thoảng ba má tao dắt ra quán Ba Vị ăn lươn um đã thật.

Lộc đồng tình với bạn:

-  Tao cũng vậy. Hồi ở Thủ Thừa, tao đánh hơi coi nhà ai tát đìa là tao mon men theo để mót cá và bắt lươn. Không dễ bắt đâu nghe,  vì mình nó trơn nhớt và lủi xuống bùn nhanh lắm.

Thuận bèn lẹ miệng hỏi bạn :

-  Bộ mầy biết làm món nầy à ?

Lộc lắc đầu lia :

-  Tao chỉ biết ăn chớ đâu biết làm.

-  Vậy mầy đặt ở nhà hàng mang lại ? Thuận cật vấn tiếp.

 Vẫn giọng thản nhiên, Lộc nói :

-  Mua lươn và đồ gia vị về nhà làm.

Thuận trơ mắt ếch ra nhìn. Bỗng có tiếng đàn bà từ trong bếp loáng thoáng vọng ra:

-  Anh Hai ơi ! Xong hết rồi, em dọn lên bàn nhe.

Một lần nữa, Thuận ngơ ngác :

-  Ai vậy mậy ?

Đoạn chàng gục gặc đầu :

-  Ạ , tao biết rồi . Mầy mới có đào phải không ? Định hôm nay ra mắt chớ gì ?

Lộc cười ngất :

-  Làm thầy bói trật quẻ rồi bạn ơi .

Dứt lời, chàng cất tiếng gọi Kim :

-  Em ơi! Ra đây coi biết ai không ? Chắc anh khỏi phải giới thiệu.

 Một thiếu nữ có một vẻ đẹp khả ái với thân hình thon thả từ sau bếp bước ra phòng khách, hơi nóng của lò lửa làm đôi má nàng ửng hồng,  mái tóc Kim buông xõa bờ vai,  nàng chúm chím cười:

-  Chào anh .

Thuận đứng lên gật đầu đáp lễ . Chàng nhìn Kim không chớp, miệng dè dặt hỏi:

-  Có phải cô làm trong căn tin không ?

Lộc theo dỏi dáng điệu của hai người rồi ung dung bảo :

-  Gặp nhau mỗi ngày trong nhà ăn , hôm nay mầy mới có dịp biết Kim, em bà con chú bác của tao đó.

Chàng liếc sang Kim :

-  Còn đây là Thuận, bạn thân của anh .

Thuận vồn vã :

-  Hân hạnh được biết cô.

Kim cũng mấp máy đôi môi:

-  Em cũng vậy.

Lộc cười khanh khách :

-  Thôi đừng khách sáo nữa. Hãy xem nhau như bạn hết đi.

Đoạn chàng quay sang Kim :

-  Xong rồi hả em ? Mình bắt đầu ăn được chứ ?

Nàng dạ nho nhỏ rồi bươn bả trở vô bếp, mang lên bàn ăn các thứ rau, nước mắm me và bánh tráng thấm nước. Sau đó Kim bưng cái nồi đất đựng con lươn um bốc khói đặt lên tấm thớt ở giữa bàn đoạn lanh lảnh gọi :

-  Mời hai anh vào ăn cho nóng .

Bữa ăn quê hương được ba người hưởng ứng nồng nhiệt. Thuận vừa ăn vừa tấm tắc khen tài nấu bếp của Kim khiến nàng thẹn đỏ mặt nhưng lòng lâng lâng sung sướng. Lộc cũng thành thật kể hoàn cảnh đáng thương của em mình cho Thuận nghe. Chàng cảm thấy tội nghiệp người con gái mới vào đời đã chịu bất hạnh. Thuận nói bằng giọng bùi ngùi :

-  Tạo hóa dành riêng cho mỗi người một số mệnh. Bất hạnh của Kim không khác gì của tôi. Khi nào có thì giờ, Lộc sẽ kể cho cô nghe.

Ăn xong, trời nhá nhem tối, Kim dọn dẹp, lau bàn, còn Thuận rửa chén bát , Lộc pha trà. Kim mon men đến phụ Thuận một tay nhưng bị chàng từ chối :

-  Từ trưa đến giờ, cô loay quay dưới bếp nhiều rồi.

Nàng đứng xớ rớ, hết nhìn Lộc đến ngó Thuận bèn chép miệng khen:

-  Bên nầy,  đàn ông các anh giỏi quá, việc gì cũng biết làm.

Lộc cười hăng hắc:

-  Hoàn cảnh tạo con người mà em.

 Sực nhớ ngày mai Thuận làm ca sáng , Lộc liền hất hàm bảo :

-  Mầy để đó chút nữa tao lau cho, lên uống tách trà rồi về ngủ sớm, mai đi làm.

 Bên ngoài, mây đen vần vũ, gió rít từng cơn, mưa bắt đầu rắc hột,  mặt đường thưa dần xe cộ.

Kể từ hôm đó, mỗi khi ăn trưa hoặc chiều trong căn tin, Thuận và Kim trao đổi nhau vài lời thăm hỏi . Cuối tuần, chàng thường đến mời Lộc và Kim đi chợ Việt nam ăn các món quê hương. Lộc hiểu ý,  hay tìm lý do lánh mặt để Thuận và Kim được tự do . Thoạt nhìn họ sánh đôi đi trong thương xá, ai cũng tưởng đây là cặp tình nhân gắn bó hay một đôi vợ chồng trẻ mới cưới . Chàng cũng đưa nàng về giới thiệu chỗ ở của mình trong một chung cư bình dân. Kim không ngớt khen Thuận khéo sắp xếp rất ngăn nắp, và nàng chẳng tỏ vẻ gì khó chịu khi trông thấy trong khu phố có nhiều người Mỹ da đen và Mễ.

 Thời gian vẫn hờ hững đi qua. Tình yêu âm thầm len lỏi vào tim hai người lúc nào họ cũng không hay biết. Một vài cử chỉ chăm sóc nhau,  một vài lời nói ân cần lo lắng cho nhau đủ nói lên tình cảm đang chan chứa trong lòng họ. Cho đến một chiều thứ bảy, sau khi Thuận cùng Kim đi phố về, chàng ngừng xe trong bãi đậu dưới gốc cây phong để đưa nàng vào nhà như mọi khi cho Lộc yên tâm; nhưng hôm nay chàng chần chừ,  lưu luyến chưa muốn rời nàng. Thuận đưa tay nắm lấy bàn tay Kim . Nàng để yên bàn tay mình trong lòng bàn tay chàng. Bốn mắt nhìn nhau như không còn lời gì để nói.  Đoạn mặt chàng từ từ kề sát mặt nàng, môi tìm môi gắn chặt. Kim ngồi bất động,  đôi mắt nhắm nghiền như để tận hưởng phút thần tiên của đời nàng. Sau nụ hôn dài,  Thuận buông lơi vòng tay ôm, thì thầm bên tai Kim lời dịu ngọt:

-  Anh yêu em .

Nàng trân trối nhìn chàng không đáp. Mảnh lực của tình yêu như một đợt sóng ngầm bỗng trỗi dậy khiến Kim không còn đè nén được nữa,  nàng vụt choàng tay ôm chầm lấy cổ chàng siết chặt rồi nồng nhiệt hôn chàng trong hơi thở dồn dập. Mái tóc nàng lõa xõa phủ lấy mặt chàng. Thuận lịm người ngây ngất trong vòng tay nàng. Một lúc sau,  nàng mới thỏ thẻ:

-  Em cũng yêu anh và muốn làm vợ anh.

Thuận sung sướng ngập lòng, chàng đắm đuối nhìn nàng âu yếm :

-  Vậy chúng mình bắt đầu xây tổ uyên ương nhé .

Kim liền tựa đầu lên vai Thuận,  đôi môi mấp máy :

-  Anh định bao giờ ?

Chàng khẳng khái trả lời Kim:

-  Nội trong năm nay, trước lễ Tạ ơn. Em đồng ý chứ ?

Nàng e ấp gật đầu:

-  Được làm vợ anh là em toại nguyện rồi .

Trước mắt họ,  thời gian như dừng lại, không gian như lắng đọng để nghe tiếng lòng họ rạo rực,  để chứng kiến một tình yêu mới chớm nở và lên ngôi.  

 Hôm sau,  đi làm về, Thuận tạt qua văn phòng chuyên mua bán nhà.  Chàng âm thầm chọn một căn nhà có vườn cây xung quanh , giá cả vừa đủ số tiền chàng dành dụm bấy lâu nay. Thuận cũng định mua một chiếc xe hơi Nhật đời mới để an toàn lúc đi xa.  Phải mất hơn một tháng, dự tính của chàng mới tạm xong. Một sáng thứ bảy,  Thuận đưa Kim đi xem nhà rồi sau đó đến hãng coi qua chiếc xe hơi, nàng hốt hoảng thốt :

-  Trời ơi !Sao anh phí tiền quá vậy ? Đám cưới xong, hai đứa mình vẫn ở chỗ cũ,  đi xe cũ thì có sao đâu ?

Chàng cười xòa :

-  Anh sống độc thân thì thế nào cũng được. Nhưng có vợ rồi phải tính xa hơn. Mình phải vươn lên chớ em.

Bằng một giọng âu yếm, nàng thỏ thẻ bên tai chàng:

-  Anh nói cũng phải, nhưng hằng ngày trông thấy anh cực nhọc làm việc, em không muốn anh vì em mà tốn hao quá đáng .

Thuận ngắt lời trấn an Kim:

-  Mua nhà để làm của luôn mà em, chớ ở nhà thuê thì tiền đóng mỗi tháng coi như mất hết.

Kim thấy Thuận có lý bèn buông lõng một câu :

-  Thôi thì tùy anh. Anh quyết định thế nào thì em cũng chịu vậy.

Chợt nhớ ra, nàng than nhỏ :

-  Còn tiền lo đám cưới nữa. Anh ôm đồm quá sao chịu nổi ?

Chàng vọt miệng bảo:

-  Em khéo lo xa, mọi việc anh đã tính hết rồi. Sau mười mấy năm chắt chiu,  anh có đủ khả năng mà. Em yên tâm đi.

 Đoạn Thuận đề nghị đưa Kim đến ra mắt chị Sương và người chồng Mỹ Jerry, nàng hoan hỉ gật đầu ngay. Chàng liền bốc máy điện thoại di động báo cho chị biết ,  đoạn cùng Kim lên xe nổ máy. Trên đường đến nhà Sương, Thuận phát họa một chương trình cho Kim nghe :

-  Sau đám cưới, chúng mình dọn về nhà mới, anh sẽ ghi tên cho em học lái xe để lấy bằng.

Kim lim dim đôi mắt hình dung những ngày vui sắp đến, lòng thầm nghĩ đời nàng tưởng đã cạn kiệt nguồn vui, không ngờ nay lại được đong đầy ý sống. Phải chăng hạnh phúc đã thật sự mỉm cười với nàng ?

 Jerry bận công tác bên tiểu bang Arizona chưa về, chỉ có Sương hân hoan tiếp Thuận và Kim tại nhà. Nàng không ngớt lời khen Kim đẹp khiến nàng thẹn đỏ mặt trong khi Thuận khoái chí cười tít mắt. Sương khăng khăng giữ Thuận và Kim ở lại dùng cơm trưa với nàng để có dịp chuyện trò nhiều hơn. Sợ Kim ngại, Thuận không muốn ép bèn nhìn nàng hỏi ý:

-  Chị Sương muốn như vậy, em nghĩ thế nào ?

Kim ngoẻn miệng cười hồn nhiên:

-  Được chị thương là quý lắm rồi. Chúng em đâu dám từ chối.

Đoạn Kim nhanh miệng đề nghị:

-  Chị cho em giúp chị một tay nhé .

Sương vui vẻ gật đầu :

-  Ừ, như thế chị em mình xuống bếp tâm sự .

Thuận trông thấy Sương và Kim tươi cười trò chuyện có vẻ hợp ý nhau, một niềm vui lâng lâng trong lòng chàng.

 Bên ngoài , mây trắng rợp vòm trời. Nắng vàng trải rộng. Những chiếc lá phong từng hồi rơi lả tả trên mặt đường.  

Chương bốn

Hôm nay là ngày giỗ của chồng bà Ba Thời. Bà nấu một mâm cơm cúng ông đoạn ngồi lặng lẽ vừa ăn , vừa nhìn di ảnh chồng trên bàn thờ. Bỗng dưng, hai giọt nước mắt của bà ứa ra rồi lăn tròn trên đôi gò má cóp. Dĩ vãng năm xưa vùng sống lại. Bà mủi lòng nhớ kỷ niệm.  Lúc còn sống,  ông Ba hết mực yêu thương bà, mọi việc trong nhà đều do bàn tay ông cáng đáng hết. Bà chỉ có bổn phận lo cho ông hai bữa cơm trong ngày. Sau khi ở xưởng về đến nhà ,  ông tất bật ra vườn chăm sóc luống rau và mấy cây cam do ông trồng. Cuối tuần,  đưa bà đi chợ về,  ông lo cắt cỏ và thu dọn cái nhà xe cho ngăn nắp. Lợi dụng lúc nghỉ hè,  ông cắt hàng rào; đôi ba năm,  ông sơn lại các cửa .  Ông chú ý đến từ việc lớn đến việc nhỏ trong nhà nên bà rảnh rang thư thả xem phim bộ hoặc đi học lái xe.  Ngoài ra,  vợ chồng bà đều nổ lực lo cho đứa con trai duy nhứt học hành đến nơi đến chốn. Sau khi ông chết rồi, bà Ba cảm thấy bị hụt hẫng vì mọi việc bà phải nhờ đến lối xóm phụ giúp hoặc kêu thợ đến sửa chữa. Con trai bà học xong bằng kỹ sư tìm được việc làm trên Bắc Cali cũng rời khỏi nhà . Có vài người đàn ông góa vợ trong vùng thấy bà còn nhan sắc nên ngắm nghé muốn cùng bà chấp nối , nhưng bà Ba Thời cương quyết từ chối vì nhận thấy không ai có thể thay thế người chồng quá cố trong tim bà.  Ăn gượng gạo cho qua bữa, bà dọn dẹp rồi rảo bước ra vườn đi quanh quẩn tìm chút khuây khỏa trong tâm hồn.  Bà Ba đang lom khom , tay mâm mê mấy trái cam vừa chín tới trên cành, bỗng bà thấy một chiếc xe hơi ngừng trước nhà bèn giương mắt ngó ra cổng. Một thiếu nữ nhanh chân xuống xe,  tất tả tiến vào nhà , sau lưng nàng là một thanh niên lẽo đẽo đi theo. Chợt trông thấy bà , thiếu nữ hớn hở reo lên:

-  Dì Ba ! Cháu về thăm Dì đây. Dì mạnh không Dì ?

Bà Ba nhận ra Kim trố mắt ngó sững rồi cười tít tát xuýt xoa bảo:

-  Cháu Kim đó hả . Mèn ơi, cháu thay đổi quá,  đẹp hơn trước nhiều.

Kim thân mật nắm tay bà , nét mặt thơ thới hân hoan, nàng ân cần lập lại câu hỏi :

-  Dì vẫn mạnh chứ ?

Bà Ba gục gặc đầu :

-  Cám ơn cháu , Dì vẫn mạnh.

Đoạn bà ném ánh mắt tò mò sang Thuận . Kim hiểu ý liền lẹ miệng giới thiệu :

-  Đây là anh Thuận, chồng của cháu .  Ảnh là bạn thân với anh Lộc cháu.

Thuận ngả đầu chào bà, nhã nhặn thốt :

-  Cháu có nghe vợ cháu nhắc đến Dì luôn nên lợi dụng nghỉ hè, cháu đưa Kim về thăm Dì .

Bà mời vợ chồng Kim vào nhà ,  định xuống bếp mở tủ lạnh lấy nước nhưng Kim vội cản :

-  Dì Ba đừng nhọc lòng,  chúng cháu ăn uống xong ngoài chợ Phước Lộc Thọ rồi .

Đoạn nàng nhờ chồng :

-  Anh ra xe lấy giùm em gói quà em mua tặng Dì Ba .

Thuận hối hả đi ngay. Bà Ba nhìn theo gật gù đắc ý,  tấm tắc khen :

-  Cậu ấy coi cũng đàng hoàng và xứng với cháu lắm.

Kim sung sướng trong lòng, miệng cười toe toét:

-  Cũng nhờ anh Lộc đem cháu về San José nên hai đứa cháu mới quen biết nhau rồi thành vợ chồng đó Dì .

 Vừa lúc đó , Thuận khệ nệ mang gói quà to gói giấy màu trao cho vợ . Kim đỡ lấy rồi tiến lại gần bà Ba thỏ thẻ:

-  Nhân dịp về thăm Dì , vợ chồng cháu có chút quà biếu Dì, xin Dì vui lòng nhận cho.

Thuận từ tốn tiếp lời vợ :

-  Thưa Dì,  đây là lòng thành của hai cháu .

Bà Ba cảm động cầm lấy gói quà,  lắp bắp nói:

-  Hai đứa về thăm Dì là quý rồi, bày vẻ chi cho tốn kém.

Bà bắt sang chuyện khác, hỏi thăm cuộc sống của Kim trong thời gian qua ở Bắc Cali.  Nàng thành thật kể hết cho dì Ba nghe từ việc Lộc lo cho nàng học Anh văn rồi tìm việc làm cho mình,  đến việc nàng gặp Thuận và trở thành vợ chàng. Bà Ba vui vẻ góp lời:

-  Trên đời nầy hễ ở lành thì gặp lành. Vay trả nhãn tiền không ai tránh được. Lưới Trời lồng lộng nhưng không rách chỗ nào nên khó ai thoát qua.

Bà Ba nhìn vợ chồng Kim, lòng chợt nhớ đến con mình,  nét mặt bà đang vui bỗng ủ ê đượm buồn làm cho Kim ngạc nhiên, nàng lo lắng :

-  Hình như Dì có điều gì không vui ?

Bà trầm ngâm trong giây lát rồi thở dài, giọng bùi ngùi:

-  Dì thì ăn chay, niệm Phật, làm việc phước thiện,  nhưng Dì buồn vì có thằng con duy nhất nó không giống Dì.

Thuận điềm đạm hỏi :

-  Anh ấy ở gần đây không Dì ?

Bà cau mày , những nếp nhăn hằn lên trán :

-  Nó cũng làm việc và ở trên Bắc Cali như hai cháu.

Kim sốt ruột ngắt lời bà :

-  Ảnh tên gì Dì ?

Bà đáp gọn:

-  Thông.

Thuận sửng sốt ngó bà trân trối, miệng ấp úng:

-  Có phải anh Thông là kỹ sư điện toán, làm việc ở San José không Dì?

Đến lượt bà Ba chưng hửng, nhướng mắt nhìn chòng chọc Thuận :

-  Bộ cháu có quen nó à ?

Thuận lặng người ngồi yên, vẻ mặt ưu tư, tìm lời tránh né :

-  Dạ cháu chỉ nghe tên chớ không quen.

Kim liền giục giã :

-  Mà anh Thông đã làm điều gì cho Dì buồn ?

Thuận dè dặt chen lời vào bằng một câu khuyên vợ :

-  Em không nên khơi dậy nỗi buồn của Dì.

Bà Ba khoát tay :

-  Dì coi hai cháu như người nhà nên không có gì để giấu.

Đoạn bà buồn bã kể:

-  Cách đây hai năm, thằng con trai của Dì có đưa về đây giới thiệu một cô kỹ sư người Việt làm chung sở với nó. Cô ấy tên Sương.

Kim nghe đến đây sửng sốt , tròn xoe mắt :

-  Tên Sương ?

Bà Ba không để ý, thư thả tiếp :

-  Phải. Cô Sương rất dễ thương,  đoan trang, duyên dáng,  đứng đắn đàng hoàng,  ăn nói lễ độ, Dì có cảm tình ngay. Sau mấy lần đưa cô Sương về thăm Dì, Thông cho biết chúng nó sắp thành hôn, Dì mừng ra mặt và hứa sẽ đứng ra lo đám cưới cho hai đứa. Nhưng chẳng bao lâu ,  thằng Thông điện thoại về báo tin nó sẽ cưới một cô gái khác tên Tuyết, sức học không bằng Sương nhưng đẹp hơn Sương, con nhà giàu từ Việt nam mới qua Mỹ.  Dì liền gặng hỏi thì mới biết nó phụ cô Sương để chạy theo con Tuyết. Dì mắng nó là thứ bạc tình được cá quên nôm, có trăng quên đèn.

Kim lặng người vì đã hiểu hết sự việc, nàng bèn hỏi lấy lệ:

-  Dì có gặp mặt cô Tuyết lần nào không ?

Bà uể oải gật đầu:

-  Có, một lần thôi.

Kim hiếu kỳ, háo hức muốn biết :

-  Chắc cô ta phải hơn cô Sương nhiều mặt nên anh Thông mới thay đổi lòng ?

Bà xí một tiếng cắt ngang :

-  Nhìn diện mạo và cung cách là thấy kênh kiệu, khinh người, nó chỉ dùng sắc đẹp hớp hồn thằng Thông.

Như chưa hả giận, bà gắt gỏng:

-  Dì không ưa ra mặt nên nó ghét Dì.

Đôi mày cong cau lại, Kim thỏ thẻ bên tai bà:

-  Rồi Dì có lên Bắc Cali dự đám cưới của họ không ?

Như một ấm ức nào đó còn đè nén trong lòng, bà chua chát bảo :

-  Dì đâu có thèm đi. Và cũng vì lẽ đó mà thằng con của Dì nó từ Dì luôn, không cần biết mẹ nó sống chết ra sao ?

Đoạn bà Ba thở dài thườn thượt, ngán ngẩm than :

-  Thôi thì ngày nào còn sức khỏe Dì sống ở đây với kỷ niệm , khi nào hết sức thì vào viện dưỡng lão chờ chết theo chồng.

Lòng Kim buồn man mác, nàng nắm lấy tay bà an ủi :

-  Thế nào rồi anh Thông cũng nghĩ lại .

Thuận lặng thinh ngồi nghe bà đối đáp với Kim,  chàng thầm nghĩ mình đã thấy trước bà Ba chân tướng của hai con người Thông và Tuyết cùng với những ngõ ngách trong lòng họ.  Muốn cho bà Ba khuây khỏa, Thuận liền mời bà cùng vợ chồng Kim đi qua tiểu bang Arizona xem cảnh hùng vĩ Grand Canyon. Kim thấy bà do dự bèn phụ họa chồng thuyết phục thêm :

-  Dì đi chơi với vợ chồng cháu hai ngày thôi. Dì nhận lời nghe Dì ?

Vì thương Kim, bà không nỡ từ chối nhưng cũng miễn cưỡng nói :

-  Thì hai đứa cũng phải ở đây với Dì một hai hôm rồi hãy đi.

Kim hớn hở ngoẻn miệng cười :

-  Dạ chúng cháu xin nghe lời Dì .

Sực nhớ ra , bà Ba liền hỏi thăm Kim :

-  Ba má cháu ở Thủ Thừa dạo nầy ra sao ?

Nét mặt Kim rạng rỡ niềm vui, nàng chúm chím cười :

-  Dạ , nhờ tiền của vợ chồng cháu hàng tháng gởi về giúp đỡ nên lúc nầy cuộc sống của ba má cháu khả quan hơn.

Bà Ba lộ vẻ hài lòng :

-  Làm con mà có hiếu như thế thì Trời Phật độ đó cháu.

Căn nhà của bà Ba rộn rã tiếng nói cười được hai hôm . Sau đó,  bà theo vợ chồng Kim ngao du sơn thủy vài ngày rồi Thuận đưa bà quay lại quận Cam trước khi họ trở về Bắc Cali.

gày tháng thoăn thoắt đi qua. Một năm sau, cũng vào dịp hè, vợ chồng Thuận cùng Lộc về thăm quê hương , luôn dịp Kim giới thiệu cô bạn láng giềng tên Sen cho Lộc làm quen và tìm hiểu.  Hai người có vẻ hợp ý nhau nên suốt hai tuần ở Thủ Thừa,  Lộc và Sen quyến luyến bên nhau,  trong khi vợ chồng Thuận thuê xe đi một vòng miền Tây . Trước tiên, chàng cùng Kim ghé tỉnh Vĩnh Long thăm quê ngoại. Nhờ thế, Thuận được bà con cho biết dì Út của chàng và người chồng đã chết trong một trận hỏa hoạn . Ai cũng nghĩ rằng đây là một cuộc thanh toán trong giới kinh doanh vì hai vợ chồng bà Út đã đụng đến quyền lợi của các đảng viên cấp lớn.  Thuận ngao ngán thở dài rồi chợt nhớ đến lời bà Ba nói ngày nào : <<Đời nầy, vay trả nhãn tiền , không cần đợi đến kiếp luân hồi mới có quả báo >>. Sau Vĩnh Long, vợ chồng Thuận qua Sađéc thăm quê nội rồi sang Long xuyên,  Châu đốc để đến Hà tiên. Thuận nao nức muốn biết mũi Cà mau nên chàng yêu cầu tài xế đưa hai vợ chồng sang Rạch giá , và lấy con lộ mới đấp đi tắt qua Cà mau. Vợ chồng Thuận ở khách sạn một đêm,  đợi sáng sớm họ thuê ghe máy đi Năm Căng để ra đến điểm tận cùng đất nước.  Đôi vợ chồng trẻ ung dung ngồi ngắm cảnh vật bao la khi ghe lướt trên mặt nước giữa rừng tràm hay băng qua rừng lát . Từng đàn cò trắng nghe tiếng động,  vụt bay lên,  xoải cánh hướng về một phương trời vô định. Sau cùng Thuận cũng được toại nguyện khi chàng đứng trên một mởm đá nhìn phía bên trái là biển Đông chập chùng sóng nước, còn bên mặt chàng là vịnh Thái lan trải dài mút mắt. Kim đứng cạnh bên chồng thỏ thẻ:

-  Quê hương mình đẹp quá hả anh .  

Thuận choàng tay qua vai vợ gật gù nhếch mép:

-  Đẹp lắm . Nhờ nó còn hoang sơ, chưa bị bàn tay quy hoạch của con người biến dạng.

 Rồi mấy tuần nghỉ hè cũng qua nhanh, họ phải quay về Mỹ tiếp tục lao động. Dạo nầy, Kim tự lái xe đi làm cho khỏi mất thì giờ chờ đợi xe buýt. Một bữa nọ, trên đường về , nàng thấy loáng thoáng bên lề bóng dáng một người đàn bà rất quen đang thất thểu bước đi với vẻ mệt mõi. Kim liền tắp xe vào lề, mở cửa chạy lại . Nàng hốt hoảng ôm chầm lấy bà,  trố mắt hớt hải kêu lên :

-  Trời ơi ! Dì Ba .  Dì đi đâu đây ? Sao lại thế nầy ?

Bà Ba tựa lưng vào người Kim,  thở hổn hển, mắt lệ đầm đìa,  miệng bệu bạo nói :

-  Dì khổ quá cháu ơi .

Kim ngơ ngác không hiểu, nhưng vì sợ bà kiệt sức , nàng không dám hỏi nữa. Kim dìu bà lên xe,  đặt đầu bà tựa lên thành ghế , gài dây an toàn rồi mở máy đưa bà Ba về nhà nàng. Khi xe vừa vào trong sân thì Thuận trông thấy, hớt hải chạy ra, bồng bà Ba vào phòng khách , để bà nằm lên sô pha , lấy cái gối kê đầu bà cho dễ thở , còn Kim thì vào bếp pha một ly sữa nóng mang ra:

-  Dì Ba , cháu đỡ Dì ngồi dậy uống chút sữa cho khoẻ nghe Dì .

Không đợi bà trả lời, nàng nâng đầu bà lên, kề ly sữa vào miệng để bà hớp từng hớp. Bà Ba khoẻ dần ,  đưa cặp mắt đờ đẫn nhìn Kim và Thuận. Kim ép bà uống hết ly sữa rồi mới cất tiếng :

-  Dì còn mệt không ? Cháu đưa Dì vào phòng bên cạnh nằm nghỉ nghe Dì ?

Bà vội khoát tay :

-  Dì khoẻ rồi , không sao đâu cháu .

Đoạn bà nắm lấy tay Kim , miệng thều thào :

-  Cũng may là cháu trông thấy , nếu không, chắc Dì xỉu bên lề đường rồi .

Thuận chen lời vào :

-  Em ngồi đây trông chừng Dì . Anh vào bắt nồi cháo thịt cho Dì Ba dùng . Nhớ đừng hỏi nhiều lúc nầy để Dì nghỉ .

Nàng hiểu ý gật đầu :

-  Anh yên tâm .

 Tối hôm đó, sau bữa ăn , bà Ba ngồi cạnh Kim trên sô pha còn Thuận thì ngồi bên xa lông đối diện bà . Hai vợ chồng áy náy không hiểu việc gì đã xảy ra trong gia đình bà ?Nhưng cả hai không ai hé môi vì sợ bà bị xúc động mạnh. Nhờ sự ân cần lo lắng của vợ chồng Kim, bà lấy lại sức rồi tự động trút hết những gì ẩn khuất trong lòng cho Thuận và Kim nghe . Giọng đứt quãng, bà mếu máo :

-  Con trai của Dì chết rồi .

Kim biến sắc,  trân trối ngó bà :

-  Trời ơi !

Thuận cũng không khác gì Kim, chàng há hốc miệng, bàng hoàng sửng sốt :

-  Anh Thông chết ?

Không nén được cảm xúc, bà Ba ôm mặt khóc ngất khiến Kim cũng mủi lòng rớm nước mắt . Thuận lắc đầu buồn bã. Chàng choàng tay qua vai bà ngập ngừng :

-  Dì Ba, hai cháu có thể biết tại sao anh Thông chết không Dì ?

Bà uể oải đáp :

-  Hai vợ chồng nó lái xe thế nào mà tông vào xe vận tải. Thằng Thông chết tại chỗ, còn con Tuyết chết trong bệnh viện ngày hôm sau. Dì được nhà chức trách báo tin nên tức tốc lấy vé máy bay lên đây cho kịp trông thấy mặt con lần cuối.

Nói đến đây bà nghẹn lời khóc nức nở. Thuận thở dài :

-  Bao lâu rồi Dì ?

Cặp mắt bà lờ đờ như kẻ mất hồn, giọng thiểu não :

-  Tuần trước .

Kim bùi ngùi chép miệng :

-  Sao Dì không gọi điện thoại cho tụi cháu ?

Bà liền giải thích cho Kim hiểu :

-  Tháng trước cháu có gọi điện thăm Dì và báo tin hai vợ chồng sắp về thăm quê hương nên Dì đinh ninh hai cháu còn ở bên đó.

Thuận muốn biết thêm bèn nhỏ nhẹ hỏi :

-  Anh chị ấy được chôn cất ở đâu Dì ?

Bà thều thào trả lời Thuận :

-  Trong nghĩa trang gần chỗ cháu Kim gặp Dì đó . Mỗi ngày, Dì từ khách sạn đi xe buýt ra thăm mộ con đến chạng vạng mới về. Mấy ngày liền, vì buồn quá nên Dì quên ăn quên uống,  đuối sức dần mà không hay. Hôm qua, Dì đến thăm nó lần cuối để sáng mai Dì quay về quận Cam .

Kim thương bà quá, nàng cau mày ngẫm nghĩ rồi cản :

-  Dì ở lại đây với vợ chồng cháu một thời gian cho nguôi ngoai rồi hãy về nhà . Về dưới lúc nầy quạnh hiu vây quanh,  buồn lắm làm sao Dì chịu nổi ?

Ánh mắt buồn vời vợi, bà ủ rũ lắc đầu nói bằng một giọng não nề :

-  Thằng Thông nó sống hay chết thì Dì cũng đã quạnh hiu từ lâu; dần dà rồi quen cháu à .  

Đoạn bà chẫm rãi kể cho Thuận và Kim nghe :

-  Suốt tuần qua,  Dì làm xong hai cái mộ bia cho vợ chồng nó;Dì đã nhờ luật sư Trọng, cháu của Dì,  lo đăng báo bán căn nhà của thằng Thông và thanh toán tiền nợ nó còn thiếu ngân hàng. Như vậy, Dì làm xong bổn phận với con rồi .

Bà Ba ngừng một lúc như để lấy hơi rồi tiếp :

-  Hai cháu đừng lo cho Dì . Rồi đây Dì sẽ gia nhập hội bô lão ở Nam Cali lo làm công tác từ thiện. Việc làm sẽ giúp Dì khuây khỏa.

Thuận và Kim ngồi lặng thinh nghe bà Ba , trong lòng hai người dấy lên niềm xót xa thương cảm một người đàn bà hiền đức mà bất hạnh vẫn không buông tha.  Kim phân vân, mắt đăm đăm nhìn dì, lòng tê tái,  bất giác nàng thở dài :

-  Dì muốn thế thì hai cháu cũng đành chiều theo chớ biết làm sao hơn.

Cháu sẽ gọi điện thoại cho Dì thường để biết tin và thỉnh thoảng vợ chồng cháu xuống thăm Dì .

Trước tấm chân tình của Kim, bà Ba xúc động nghẹn ngào, chỉ còn hai giòng nước mắt của bà lăn dài trên má thay cho lời nói.

Sáng hôm sau, Kim cùng Thuận lái xe đưa bà Ba trở lại khách sạn thanh toán tiền phòng, lấy hành lý rồi ra phi trường. Hai vợ chồng ngậm ngùi tiễn đưa bà về Los Angeles. Sau đó, họ ghé qua tiệm bán hoa mua hai bó hồng nhung mang ra nghĩa trang, tìm từng tên trên mộ bia. Chỉ mất vài phút đi quanh quẩn, họ cũng kiếm được. Hai người lặng lẽ đặt hoa trước mộ bia, đứng trầm ngâm trong giây lát rồi cúi đầu lầm lũi ra về,  lòng thấy chùn xuống. Trên những cành cây cổ thụ, lũ ve sầu đang tỉ tê khóc, như tiếng khóc của những oan hồn chết thảm còn muốn bám víu trần gian. Mấy chục năm phù du nơi trần thế rồi cũng đi qua như một giấc mơ. Giàu,  nghèo, sang, hèn, đẹp, xấu chỉ là sương khói mong manh. Cuộc đời hiện hữu rồi ảo ảnh vô thường.

Viết xong ngày 08 tháng 01 năm 2008

VL

Bài viết khác

Các từ viết tắt Kitô giáo

Các từ viết tắt Kitô giáo

23/11/2024

Trong nghệ thuật cũng như trong các văn bản Kitô giáo, thường xuyên xuất hiện những từ viết tắt bí ẩn. Việc biết ý nghĩa của chúng cho phép chúng ta đi sâu hơn vào sự phong phú của đức tin. Đây là một hướng dẫn ngắn để hiểu những từ viết tắt thường...

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art