Chủ Nhật, 26 Tháng Sáu, 2016

Lễ ra mắt tập truyện Bông Tím Lục Bình

Tác gỉa cho biết những điều ông áp dụng khi viết một truyện dài hay ngắn. Mỗi khi ông có một ý truyện, ông tạo nên cốt truyện, rồi gom góp những chi tiết, nhữn...

Lễ ra mắt tập truyện Bông Tím Lục Bình

Diễm Trang.

Bài tường thuật buổi sinh hoạt văn hóa của Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang.

Lễ ra mắt tập truyện Bông tím lục bình của VL

16 giờ chiều ngày 07 tháng 01 năm 2006 tại trụ sở của Cộng đoàn ĐMLV.

Chiều cuối tuần, tiết trời bên ngoài giá lạnh, nhưng bên trong hội trường, tiếng cười nói, thăm hỏi giữa nhân viên ban tổ chức và khách xa gần đến tham dự giúp cho bầu không khí trở nên ấm cúng hơn. Những bản nhạc dân tộc với những giọng ca quen thuộc từ máy hát văng vẳng rót vào tai mọi người.Các bức hình bông tím lục bình được anh trưởng ban tổ chức Cao tấn Hưng với cái nhìn của một nghệ nhân,  một bức tranh đồng quê làm nền giữa phòng, cùng các bình hoa tươi được bà Trần trí Thức và anh Hưng trang trí rất đẹp mắt. Khách có vẻ háo hức chờ đợi đến giờ khai mạc.

Buổi lễ bắt đầu đúng 16 giờ15 phút. Ông Trần trí Thức, người điều khiển chương trình, với phong cách đạo mạo của một nhà giáo, với một giọng nói chững chạc và duyên dáng, ông  khai mạc buổi lễ bằng những  lời chào mừng và cám ơn hơn một trăm quan khách tham dự. Ngoài đương kim Linh mục tuyên úy Joseph Nguyễn phú Cường, còn có sự hiện diện của Cha cựu Tuyên úy Vincent Lê phú Hải, các Sœurs Dòng Mến Thánh giá Huế tại Strasbourg,quý vị trong Hội đồng mục vụ của Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang. Đặc biệt người viết nhận thấy có sự tham dự của Sư Cô Như Quang và một ni cô người Âu, các vị Chủ tịch và Phó Chủ tịch của Hội Phật giáo Chùa Phổ Hiền Strasbourg, quý vị Chủ tịch và Phó Chủ tịch của hai Cộng đoàn công giáo Colmar và Mulhouse, ông Chủ tịch Hội Franco Asiatique, ông Chủ nhiệm Trung tâm văn hóa Nguyễn Trường Tộ và bác sĩ Võ vương Quốc, người đã giúp đỡ phần tài chánh trong việc thực hiện in ấn tập truyện bông tím lục bình.

Sau phần chào mừng quan khách của MC Trần trí Thức, Linh mục Tuyên úy Nguyễn phú Cường được mời lên khai mạc buổi lễ. Cha đã cám ơn quan khách và tường trình các sinh hoạt văn hóa của Cộng đoàn sau hơn hai năm nhận lãnh trọng trách lèo lái ba cộng đoàn Strasbourg, Colmar và Mulhouse do Cha Lê phú Hải chuyển giao. Ngoài việc quản lý một thư viện, điều hành tờ báo Nhip Cầu, chăm sóc ban ca vũ nhạc, ngài đã phối hợp với các Hội đoàn bạn tổ chức các lễ Liên tôn, lễ Kiều dân vùng Alsace, đêm văn nghệ Giáng Sinh năm 2005 và hôm nay lễ ra mắt sách Bông tím lục bình của tác giả VL.

Sau bài tường trình của Cha Tuyên úy, MC Trần trí Thức đã thay đổi không khí bằng cách chuyển sang một màn đơn ca Bài thơ hoa đào, thơ của Cha Lê phú Hải do ca trưởng Ngọc Thăng phổ nhạc và được trình bày bởi giọng ca điêu luyện của cô Xuân Mỹ. Nếu để ý nhìn, người ta sẽ nhận ra cô đang mặc một chiếc áo dài màu hoa cà có vẽ nhành bông tím lục bình. Người viết hỏi ra mới biết chính Cha Lê phú Hải trong chuyến đi công tác vừa qua ở Thái lan, Lào và Việt Nam, đã đặt may và thuê thợ vẽ tại Sàigòn.

Một MC duyên dáng.

Phải khen tác giả VL đã mời Ông Trần trí Thức đảm nhận vai trò MC cho buổi lễ ra mắt sách của ông. Bằng một giọng trầm ấm, MC Trần trí Thức đã lôi cuốn người nghe khi ông lưu loát giới thiệu tác giả và tác phẩm.Với một lối khôi hài dí dỏm, ông gây được nhiều trận cười nơi khán giả.

Bí mật bị bật mí.

Nội cái bút hiệu VL, MC Trần trí Thức đã gặt hái thành công trong nhiệm vụ điều khiển chương trình của ông. Ông bảo có người nói VL là Văn Lang hoặc Vĩnh Long. Bà con của ông ở Hoa kỳ gọi ông VL là Vi Eo, người miền Bắc gọi ông là Vờ Nờ (L đọc thành N) Văn của ông Vờ Nờ nhẹ nhàng nhưng tình tiết thường éo ne (éo le). Cuối cùng MC bật mí cho mọi người biết VL là hai tên Vương Lễ ghép lại vì Vương là vợ của Lễ. Ông cười tươi khi được khán giả vỗ tay tán thưởng rồi thân mật mời tác giả Vương Lễ lên thưa chuyện cùng đọc giả.

Tâm tình của VL.

Sau khi cám ơn những vị đã bỏ nhiều công sức đứng ra tổ chức buổi lễ, tác giả tập truyện Bông tím lục bình cũng cảm tạ các nhà văn tiền bối, trong đó phải kể các cụ Hồ biểu Chánh và Bình nguyên Lộc, giáo sư Phạm Việt Tuyền, cùng với lòng ngưỡng mộ của ông đối với các nhà văn Ngọc Linh, Duyên Anh, Hồ trường An, Lê bảo Trân, Nguyễn ngọc Ngạn v.v…

Ông cho biết những điều ông áp dụng khi viết một truyện dài hay ngắn. Mỗi khi ông có một ý truyện, ông tạo nên cốt truyện, rồi gom góp những chi tiết, những địa điểm sống ngoài đời mà ông cho là thích hợp với nội dung. Ông bắt tiềm thức ông phải làm việc khi những nơi có sẵn trong tâm khảm ông, còn những gì hơi xa lạ thì ông tra cứu hoặc bằng sách vở, hoặc đến tận nơi tiếp xúc với người địa phương. Mục đích của ông là để người đọc có cái nhìn trung thực khi đọc truyện của ông. Tác giả đã nghẹn ngào khi nhắc lại cơn lốc định mệnh 30 tháng 4 năm 1975 đã đưa đẩy ông xa quê hương suốt một quãng đời dài. Do đó, khi cầm bút viết về quê hương là ông muốn tâm sự với chính mình và với đồng hương có chung một hoàn cảnh. Ông kết luận bằng câu : « Văn là sợi dây nối liền quá khứ với hiện tại để giữ lại cho tương lai ». Những tâm tình của ông gói ghém trong tập truyện Bông tím lục bình được gửi đến người đọc hôm nay.

Bản nhạc Điệu buồn phương Nam được MC Trần trí Thức giới thiệu với quan khách do cô Kim Liên trình bày khi tác giả VL chấm dứt thưa chuyện cùng đọc giả.

Linh mục Lê phú Hải là người đầu tiên được MC mời lên phát biểu cảm tưởng. Cha Hải nhận thấy tác giả VL viết văn theo cung bậc miền Nam với bối cảnh đồng bằng sông Cửu long, với hoa đồng cỏ nội. Cha khám phá nhiều câu ca dao miền Nam, mộc mạc, đượm tình sông nước. Truyện của VL thường phảng phất nét mô phạm, kết thúc bằng những cuộc tình rất đẹp. Tác giả VL cũng áp dụng cái triết lý rất VN, đó là ở hiền thì gặp lành, nên kết cuộc luôn có hậu. Ngoài ra, Cha cũng thích tác giả VL viết những điều liên quan đến nhà Phật. Cha Hải kết luận bằng sự mong muốn sinh hoạt văn hoá của cộng đoàn Đức Mẹ La Vang tiếp tục nhiều hơn, vì đây chỉ mới là lần thứ hai sau 23 năm ngày ra mắt sách Gương Thánh nhân của bác Hồ đắc Hóa.

Nỗi oan của tác giả.

Cha Lê phú Hải đã tạo bầu không khí vui nhộn bằng những câu pha trò dí dỏm, như khuyên các cậu nên tìm cưới các cô thôn nữ ở miền Hậu giang, vì tác giả thường đề cao gương đức hạnh cũng như sắc đẹp mặn mà của họ. Theo Cha thì dưới tầm nhìn của VL, các cô gái thị thành thua kém họ nhiều.

Khán giả cười rộ. Tác giả cũng cười theo, nhưng trong bụng bảo : « Cha ơi oan cho con lắm ». Bên cạnh các cô thôn nữ mỹ miều cũng có cô sinh viên Ngọc ở Sàigòn diễm kiều duyên dáng làm rung động con tim chàng bác sĩ Việt kiều trong Những mảnh đời ; có cô giáo Hồng ở xóm đạo Bình triệu đẹp dịu dàng đoan trang trong Đối diện lương tâm ; có các cô nữ sinh Gia Long Quỳnh và Ngân đẹp chẳng kém ai trong Một thời áo trắng ; và còn có một nữ tiếp viên hàng không VN tuyệt đẹp tên Phượng, người Sàigòn, làm ngẩn ngơ chàng kỹ sư Việt kiều về nước công tác trong Lưới tình. Cha đã biết hết nhưng cũng tạo những phút vui nhộn cho người nghe.

Cưu mang trong dạ cha, kết tinh trong lòng mẹ.

Đó là lời tâm tình của Soeur Hường khi soeur được MC mời lên phát biểu. Bông tím lục bình là đứa con được cha mẹ dày công vun trồng, dưỡng dục để có ngày hôm nay. Dưới mắt soeur, Tác giả VL luôn gắn bó với quê hương. Lời văn chất phác, mộc mạc ; tình tiết éo le nhưng luôn kết thúc có hậu, đúng với lý tình dân tộc. Tác giả  dùng những lời lẽ nhẹ nhàng để chia sẻ với đọc giả kinh nghiệm sống của mình. Soeur kết thúc bằng câu kêu gọi tha thiết: “Cố lên đi, đừng ngại chi, những ai muốn tiếp tục con đường của tác giả đang đi”.

Bác trai mời bác gái .

MC dí dởm mời « Bác Thức gái », tức hiền nội của ông lên phát biểu đôi lời gây cho khán giả một trận cười vui. Bà Trần trí Thức có vẻ hơi khớp trước đám đông, nhưng nhờ đôi mắt liếc yểm trợ và vài lời nhắc khéo của ông chồng nên bà lấy lại bình tĩnh rồi lưu loát trình bày cảm tưởng của mình. Theo bà, văn của VL nhẹ nhàng, đơn sơ diễn tả cảnh vật ruộng vườn rất thơ mộng. Ông tả về Sàigòn rất tinh tế. Ngoài ra, lời văn nhiều lúc trẻ trung, lãng mạn khi ông nói về tình yêu lứa đôi mặc dù ông đã thất thập cổ lai hy.

Không rành nhưng… lại quá rành.

Cô Lâm phương Mai đã rào đón trước cô không rành tiếng Việt vì vốn sinh trưởng ở Campuchia và theo học trường Pháp. Nhưng từ MC Trần trí Thức đến các quan khách đều ngạc nhiên khi nghe cô trình bày cảm nghĩ của mình. Bằng một chất giọng êm ả và trôi chảy, cô nhận xét khi đọc văn của VL, cô mường tượng cảnh đẹp thiên nhiên của đồng quê VN với đám lục bình xanh mướt, chen chúc những đóa hoa màu tím trôi bềnh bồng trên sông Cửu Long. Cô cũng nhận thấy tác giả kể chuyện trong hoàn cảnh xã hội VN trong giai đoạn chiến tranh Nam Bắc, rồi đến hoàn cảnh xã hội trong cuộc sống lưu vong. Chuyện của ông đơn giản, mộc mạc, hồn nhiên, không đòi hỏi một suy tư sâu xa  nơi đọc giả. Thế nên cô kết luận : « Đừng đòi hỏi tác giả làm văn chương để được đi vào văn học sử VN, vì cô biết ông không có tham vọng đó. Ông chỉ mượn ngôn ngữ để chuyên chở những câu chuyện đời gần gũi với đời sống chúng ta ».

Ngoài ra, cô cũng cho biết khi đọc các truyện của VL, cô học được cái hay, cái đẹp của con người VN, cái triết lý VN là ở hiền thì gặp lành, người thiện được thưởng, kẻ ác bị trừng phạt, gây gió thì bao giờ cũng gặt bão. Sau cùng, cô yêu cầu tác giả giải thích tại sao lại chọn bông tím lục bình làm tựa đề cho tập truyện ? Cô đã được ông VL  giải đáp thắc mắc.

Cô Thiên Kim với Tình xanh như lá.

Trong phần phát biểu cảm tưởng, Cô Thiên Kim, tác giả của Tình xanh như lá, thú nhận cô vốn là một thiếu nữ sống ở Sàigòn quanh năm nên không biết cảnh vật đồng quê ở miền Nam, vì chiến tranh và vì giao thông khó khăn lúc bấy giờ. Và tác giả VL đã đưa cô đi ngao du miền ruộng đồng của sông Tiền, sông Hậu một cách thích thú qua các truyện viết trên báo Nhịp Cầu. Cô nhận xét các truyện thường éo le, lôi cuốn người đọc bằng lời văn bình dị, mộc mạc, khác với xã hội sôi động, nếp sống hiện sinh ngày nay. Tác giả luôn kết thúc các câu chuyện có hậu như để nhắc nhở chúng ta nên ăn hiền, ở lành.

Cảm nghĩ của một người con.

Bác sĩ Võ Vương Quốc được MC Trần trí Thức mời lên nói vài cảm nghĩ của mình. Bác sĩ Quốc cho biết ông đã đắn đo nhiều khi được ban tổ chức thông báo sẽ mời phát biểu ngày ra mắt sách.Tuy vậy, ông cũng nhận lời và ông ghi nhận ba điểm sau đây :

-Những cốt truyện của cha ông viết có ít nhất 50 phần trăm là sự thật.

-Tập truyện Bông tím lục bình có những tài liệu chính xác về đồng quê VN.

-Tác giả VL thường đề cao tình yêu lứa đôi theo phong tục tập quán của người Việt.

Ông cũng dí dỏm pha trò khi nói rằng ông thường đọc đoạn đầu và đoạn cuối trước vì lúc nào cũng đẹp. Còn đoạn giữa thì ông đọc sau vì bao giờ cũng éo le, gây cấn, khiến người đọc ray rứt.

MC Trần trí Thức đã khéo léo mượn lời của Picasso để kết thúc buổi lễ : « Nghệ thuật là cao quý. Người làm nghệ thuật cao quý hơn. Nhưng những người biết thưởng thức giá trị của nghệ thuật càng cao quý hơn nữa ».

Nhạc giúp vui được tiếp nối bằng bản nhạc đượm tình dân tộc : Đêm giao thừa nghe một khúc dân ca, do cô Xuân Mỹ, một thành viên của ca đoàn Đức Mẹ La Vang trình bày. Với dáng người thon thả, cô tha thướt trong chiếc áo dài có vẽ cành bông tím lục bình gây chú ý và những lời trầm trồ khen đẹp của quan khách. Bên cạnh cô lại thấp thoáng thêm một thiếu nữ cùng một vóc dáng như cô và cũng trang phục chiếc áo dài giống hệt của cô. Đó là hai chiếc áo do Cha cựu Tuyên úy Lê phú Hải mang từ Sàigòn về tô điểm cho buổi lễ ra mắt sách.

Tiếp nối chương trình ca nhạc là bài Quê em Bình Nguyên xóm đạo, thơ của Trúc Giang, do ca trưởng Ngọc Thăng trình bày. Nhạc sĩ Ngọc Thăng đã đưa khán giả về xóm đạo Bến tre để viếng vườn vú sữa, vườn điều, ăn trái ổi xá lị, trái khế ngọt và mận hồng đào.

MC kết thúc chương trình ca nhạc bằng một bài vọng cổ Bông tím lục bình nhiều ý nghĩa, do cậu Hải Bình tự biên soạn và trình bày. Linh mục Tuyên úy Nguyễn phú Cường ngỏ lời cảm tạ quan khách hiện diện, ông bà MC Trần trí Thức, ca trưởng Ngọc Thăng, hai cô Xuân Mỹ, Kim Liên, cậu Hải Bình, ông bà Cao tấn Hưng, vợ chồng tác giả VL và tất cả quý vị trong Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang.

Sau lời tạ từ của Cha Tuyên úy, khách tham dự đã nhiệt tình ủng hộ việc gây quỷ cộng đoàn bằng cách mua Tập truyện Bông tím lục bình. Người viết nhận thấy tác giả VL đã được đọc giả ái mộ vây quanh để xin ông đóng dấu và ký tên lưu niệm. Hai thiếu nữ trang phục áo dài bông tím lục bình cũng được nhiều khách ái mộ xin chụp ảnh chung. Ban tổ chức mời quan khách dùng bánh ngọt và uống trà. Ông bà Cao Tấn Hưng, trưởng ban tổ chức cũng ưu ái mời khách ăn chả giò, uống ly bia.

Buổi lễ chấm dứt lúc 19 giờ 30 cùng ngày trong niềm hân hoan của hai cha tuyên úy, của Hội đồng mục vụ, của các sœurs, của MC và phu nhân, của các nhạc sĩ, ca sĩ và của vợ chồng tác giả VL.

Strasbourg ngày 11 tháng 01 năm 2006

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art