Ngày trước, gia đình tôi có nuôi ngựa. Những chú ngựa béo tốt của ba tôi dùng để chở khách, mọi người quen gọi là xe thổ mộ. Thời kinh tế chưa phát triển, xe máy, ôtô còn là những thứ xa xỉ, người nhà quê chỉ đi xe ngựa nhiều. Vì vậy cái nghề của ba tôi ăn nên làm ra.
Trong ký ức mang máng của tôi, chiếc xe ngựa chở khách của ba như những cỗ xe trong truyện cổ tích phương Tây: đẹp, quý và sang biết nhường nào. Mỗi ngày ba chạy vài chuyến từ nhà ra chợ huyện rồi lại chạy về để bà con trong xã được đi chợ, làm việc. Có hôm, cuối tuần hoặc lễ, Tết, xe ngựa của ba đông không thể tả. Người ta phải nhường nhau, chật ních đến tội. Con đường gồ ghề, ngựa chạy lắc qua lắc lại, nhưng mọi người vẫn tươi cười chứ không chút phiền hà.
Những ngày nghỉ học, tôi hay theo ba đánh xe ngựa. Ba dạy tôi cách thắng dây cương (ghì), thúc ngựa và điều khiển những chú ngựa bất kham. Ba bảo: “Lớn lên theo nghiệp của ba, có ăn lắm!”. Ngày đó, người nhà quê chân chất, không nhìn xa trông rộng, cứ nghĩ chiếc xe ngựa sẽ tồn tại mãi mãi với thời gian. Ai ngờ…
Những chiếc xe ngựa một thời nay chỉ thường thấy ở các khi du lịch ( ảnh: internet) |
Tôi yêu thích cái cảm giác nằm nghe tiếng lộc cộc vào mỗi buổi tinh mơ. Ba dậy sớm dắt ngựa ra khỏi chuồng, tra dây vào xe và cho ngựa chạy. Ðường làng lởm chởm, gồ ghề bởi những hòn đá to. Móng ngựa và đá xanh chạm vào nhau nghe lộc cộc thật thích thú. Dù đã đi xa vài trăm mét nhưng âm thanh ấy vẫn văng vẳng bên tai. Buổi chiều ba về, khi nghe tiếng lộc cộc vang đều từ xa, tôi đã chạy ra trước cổng nhà để chờ ba cho quà bánh.
Có những ngày nghỉ ngơi ở nhà, ba dắt ngựa ra bãi cỏ sau nhà tập cho tôi cưỡi. Phải nói, cảm giác ngồi trên lưng ngựa và phi nước đại thật thích thú. Cũng có chú ngựa “dị ứng” với tôi, cứ leo lên là hí vang trời, bởi chú quen hơi của ba nên không ai có thể “trị” được. Nhớ những buổi chiều vàng, hai cha con lội đồng gần hai cây số để cắt nhiều bao cỏ tươi mang về cho ngựa ăn. Mẹ tôi thấy thế hay nói đùa: “Ba thương ngựa còn hơn con nữa đó!”. Ba cười giòn tan: “Không thương ngựa thì lấy tiền đâu để nuôi thằng cu này ăn học?". Nói thế chứ mẹ biết rõ việc nuôi ngựa cực khổ là như thế nào. Chuyện cắt cỏ, tắm, giăng mùng cho ngựa ngủ (sợ muỗi đốt) đã chiếm hết thời gian giải trí của ba. Ðó là chưa kể việc đóng móng, thay móng ngựa vô cùng kỳ công.
Rồi nông thôn mới, bê tông hóa về làng. Con đường đá đỏ bỗng biến thành đường nhựa trong sự háo hức của biết bao người. Ban đầu ba tôi buồn ra mặt vì nghề đánh xe ngựa coi như xóa sổ. Nhưng rồi ba cũng chung vui với mọi người. Ðường nhựa mới tinh đồng nghĩa với việc giao thương phát triển. Ba nói: “Sống là phải biết thích nghi hoàn cảnh”. Những chú ngựa của ba rồi cũng buộc phải bán cho khu du lịch để người ta cưỡi dạo chơi, chụp hình. Giờ mỗi khi nhớ lại thời hoàng kim của xe ngựa, tôi lại thèm cảm giác nghe tiếng lộc cộc ngày nào trên đường quê!
NGUYỄN HOÀNG DUY