Mở Đầu
Khởi đầu bài viết này, tôi nêu lên câu hỏi mà hầu như mọi người Việt Nam còn yêu nước thương nòi đều tự hỏi: “Tiếng nói và chữ viết Việt Nam đã trải qua một quá trình chuyển biến thế nào?” Để khỏi dông dài về nguồn ngọn nhiều thứ chữ viết cho giống nòi người Việt, ta chỉ nói nôm na như nhiều sinh viên đại học ngày nay hay nhắc đến: Chữ Quốc ngữ của chúng ta ngày nay có từ bao giờ?
Điều không mấy ai ngờ, người đó không phải là một cá thể nhưng là một tập thể: nhiều người Việt Nam ở mọi miền và một số nhà truyền giáo Bồ, Ý, Tây, Pháp, Đức, ... và cả người Nhật Bản. Đó là một biến cố văn hóa kéo dài trong nhiều thế kỷ về sau từ thế kỷ XVII đến nay, Nhưng có lẽ người ta chú ý nhiều đến nhân vật Alexandre de Rhodes mà trong tiếng Việt, người ta quen gọi là A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ. Chắc chắn ông không phải là người có khả năng duy nhất.
Viết về một con người nổi tiếng, người ta dễ đụng chạm đến những dư luận, quan điểm, lập trường chống đối nhau. Nhưng không nhất thiết cứ có một ý kiến là mọi người phải theo vì đó là một “chân lý”. Điều quan trọng là một quan điểm ấy có đúng và hợp với phán đoán thông thường của con người ấy có ngay tình không.
Từ sau 30/4/1975, dường như dưới chế độ Cộng sản toàn trị người dân trên cả lãnh thổ thật nghiệt ngã, có một sự kiện nghịch lý là người ta lại tha hồ nêu lên những vấn đế chung quanh Alexandre de Rhodes cả ở trong lẫn ngoài nước. Điều đó chứng tỏ, dưới xã hội toàn trị mới hễ Đảng và nhà nước của chế độ mới muốn gì, thì vấn đề đó được khởi xướng lên và tạo điều kiện đầu tư nghiên cứu tập chú vào như một chiến dịch phê phán.
Chẳng hạn chiến dịch Đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam rầm rộ phê phán và tẩy chay việc Giáo Hội Trung Ương tôn phong 177 vị tử đạo vào ngày 16 tháng 9 năm 1988 là người Việt Nam hay người ngoại quốc từng làm việc và sinh sống ở Việt Nam. Hay các chiến dịch phê phán lại Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt, Phan Văn Trị hay Trần Lục, … Mới đây có phong trào đánh giá lại vai trò của Nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam tại Thanh Hóa. Hay kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Đại Học Đông Dương tại Hà Nội.
Điều đó làm cho bất cứ nhà nghiên cứu nào cũng phải liên tưởng đến trường hợp của linh mục Đắc Lộ. Hàng loạt những (không hơn một chục bài) bài viết về Đắc Lộ được biên soạn ra từ nhiều tác giả trong nước cũng như hải ngoại.
Người ta có thể phân loại ba xu hướng quan điểm thể hiện trong những bài nghiên cứu đó:
1. Xu hướng chống đối, thường xuất hiện dưới chế độ Cộng sản, nêu lên vai trò, câu chữ mà nhà nghiên cứu cho là mù mờ để đi đến kết luận Đắc Lộ và các nhà truyền giáo sau đó là man trá, làm nhà truyền giáo nếu không chủ ý, thì vô tình dọn đường cho chủ nghĩa thực dân Pháp sau này, và cho rằng người tín đồ Công giáo tiếp tay cho chủ nghĩa thực dân. Nhưng người ta không nêu ra vấn đề người nhà nước và triều đình xưa kia đã đẩy người Công giáo vào những hoàn cảnh nghiệt ngã để kết luận một số người là làm tay sai cho thực dân.
2. Xu hướng bênh vực. Người viết muốn nêu lên vai trò lịch sử tích cực của Đắc Lộ cả trong truyền giáo và sáng lập chữ quốc ngữ và đáng góp nhiều kiến thức thần học, khoa học, dân tộc học, lịch sử địa lý và sự kiện cùng nhân vật lịch sử. Những người có xu hướng này xuất hiện nhiều trong thời người Pháp còn đang nắm quyền ở Đông Dương
3. Xu hướng mệnh danh khoa học, thiên về chống đối. Dường như vào cuộc tranh đấu văn hóa này, có cả một linh mục Công giáo, Lm Roland Jacques từ Trường Đại Học St Paul ở Canada và một số học giả Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ ở Strasbourg, Pháp. Theo quan điểm nghiên cứu đó, nhà nghiên cứu muốn nêu lên vai trò tiên phong trong việc hình thành chữ quốc ngữ của nhiều nhà truyền giáo tiên phong quốc tịch nước khác như Bồ, Ý, Tây, Đức.
Không hẳn là Đắc Lộ có công đầu và được đề cao như nhiều nhà nghiên cứu đã làm. Hàm ý cho rằng ông là một người Pháp nên được nhà nghiên cứu người Pháp nhấn mạnh đến. Có người còn đi xa hơn phủ nhận tính xác thực của những công trình biên soạn của Đắc Lộ. Thực ra Nhóm Linh Mục Roland Jacques có nhiều cố gắng để quân bình và làm sáng tỏ thêm những điều kiện các tác giả khác chưa có hay chưa làm. Thực sự vai trò của Alexandre de Rhodes quá hiển nhiên và tích cực khó ai có thể phủ nhận kể cả những nhà nghiên cứu Cộng sản. Người nghiên cứu có thể đặt ra biết bào giả thuyết nhưng những giả thuyết đó có đứng vững không, hay chỉ là một hành vi chụp mũ sai lầm hay nếu có ác ý xuyên tạc vô trách nhiệm và căn cứ chính đáng xác thực
Chứng cớ nêu ra nhất là đối với một con người có quá trình lịch sử lâu dài, đều có nhiều điều không hiển nhiên đối vớì quần chúng độc giả cũng như nhà nghiên cứu. Vả lại chứng cớ nhiều khi là ngụy tạo hay không có đầy đủ về một nhân vật hay sự kiện, nhất là có chịu ảnh hưởng chuyển biến quan điểm dựa trên thời cuộc hiện nay không
I. Alexandre de Rhodes là ai?
Có thể tổng hợp bài viết từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau trình bày về nhân vật này.
Alexandre de Rhodes (A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ) (15 tháng 3 năm 1593 [2] – 5 tháng 11 năm 1660) trước nhất là một nhà truyền giáo dòng Tên người Avignon, miền Nam nước Pháp. Ông là một nhân vật đa năng như sử học, dân tộc học, thần học và ngôn ngữ học. Ông đã góp phần quan trọng vào việc hiểu biết nhiều mặt về lịch sử đất nước, văn hóa và quá trình hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam hiện đại bằng mẫu tự La tinh
1. Vài Hàng Tiểu Sử
Như đã nói, cậu Alexandre chào đời tại Avignon, miền nam nước Pháp [3]. Theo một số sử liệu, Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), sinh năm 1593 nhưng có tài liệu khác ghi cậu sinh năm 1591 [4]. Ông gia nhập dòng Tên tại Roma ngày 24 tháng 4 năm 1612, trong lúc cuộc truyền giáo cho các dân tộc đang tiến triển. Tuy nhiên, cùng với đà tiến này, Giáo hội Công giáo cũng đồng thời vô hình chung đã tạo môi trường và lý do phát sinh sức đề kháng vũ bão của chính quyền các dân tộc được rao giảng Tin Mừng. Vì thế, ngoài nhiệt tâm truyền giáo, tín đồ Công Giáo còn tin sống đạo, ước muốn đổ máu đào minh chứng lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô như các tông đồ ban đầu và các nhà thừa sai tin sống và truyền giảng trải qua các thời kỳ trong lịch sử.
Vậy cứ tạm cho là gia đình ông có nguốn gốc Do Thái ở thành phố Rhodes (bán đảo Iberia, phía cực đông nam bán đảo Tây Ban Nha), tổ tiên sang tị nạn dưới uy quyền Giáo Hoàng, vì thời ấy Avignon là đất của Giáo Hoàng, nên ông có tên Alexandre de Rhodes (A Lịch Sơn Đắc Lộ). Người Việt Nam đương thời thường gọi Alexandre de Rhodes là Giáo sĩ Đắc Lộ.
2. Công Cuộc Truyền Giáo Bước Đầu Tại Trung Hoa
a. Trong bối cảnh ấy, Alexandre de Rhodes được linh mục Bề trên Cả Vitelleschi chính thức sai đi truyền giáo ở Nhật Bản. Ngày 4 tháng 4/1619, ông mạnh dạn ra đi vào tuổi 26, với hành trang kiến thức sâu rộng về thần học, thiên văn học và toán học. Alexandre nhiệt thành, cường tráng, vui vẻ và lạc quan, đấy sức sống và niềm tin, luôn nhìn khía cạnh tích cực của vấn đề. Ông nhận thức nhạy bén và thích nghi nhanh chóng với mọi môi trường và điều kiện sống và cư xử giao tế giản dị với mọi người.
b. Đầu tiên, Alexandre de Rhodes cập bến tại Goa ở Đông Ấn Độ, chờ cơ hội thuận tiện đặt chân lên Nagasaki, đất Nhật Bản. Nhưng vì tình hình Kitô Giáo đang bị bách hại khốc liệt tại đây, thời các Tướng quân Phong Thần Tú Cát khởi đầu từ 1587, rồi đến Tướng quân Đức Xuyên Tú Trung năm 1614, các Bề Trên phải chuyển hướng, sai ông đi Trung Quốc [5].
c. Ông lên tàu đi Ma Cao, ở đó đã có sẵn một trụ sở truyền giáo tiền trạm, và ông đã ghi lại những nhận xét bước đầu về người Trung Hoa : "Người Trung Hoa rất ngạc nhiên khi thấy bản đồ chúng tôi vẽ. Trung Quốc vĩ đại của họ chỉ còn là chấm nhỏ trong vũ trụ Trái Đất bao la. Trái lại, nơi bản đồ trái đất hình vuông do họ vẽ, Trung Quốc nằm chính giữa, đúng như tên gọi (Trung Quốc- nước ở giữa). Sau đó, họ vẽ biển nằm bên dưới Trung Quốc, trong đó rải rác mấy đảo nhỏ, và họ đề tên: Châu Âu, Châu Phi và Nhật Bản..." [6]
Ông còn ghi lại : "Chúng ta quen tỏ ra quý chuộng những người ngoại giáo. Nhưng khi họ trở thành Kitôhữu, chúng ta không chú ý mấy đến họ nữa. Thậm chí còn bắt các người theo đạo phải từ bỏ y phục địa phương. Chúng ta đâu biết rằng, đây là một đòi buộc quá khắt khe, mà ngay cả Thiên Chúa, Ngài cũng không đòi như thế. Chúng ta ngăn cản người ngoại giáo, không cho họ cơ hội dễ dàng gia nhập Giáo hội Công giáo.
Riêng tôi, tôi cực lực phản đối những ai muốn bắt buộc người đàn ông Trung Hoa, khi theo đạo, phải cắt bỏ mái tóc dài họ vẫn để, y như các phụ nữ trong xứ. Làm vậy, chúng ta gây thêm khó khăn cho các nam tín hữu Trung Hoa, một khi theo Công giáo, không còn tự do đi lại trong xứ, hoặc tìm được dễ dàng công ăn việc làm. Phần tôi, tôi xin giải thích rằng, điều kiện để trở thành Kitô hữu là phải từ bỏ lầm lạc, chứ không phải cắt bỏ tóc dài..." [7]
Đường lối truyền giáo của Alexandre de Rhodes cũng như của các nhà truyền giáo Dòng Tên không có gì là khác lạ với truyền thống Phaolô : Trở nên mọi sự với hết mọi người omnia omnibus factus sum (I Cor. 9:23). Ngày nay chúng ta quen gọi là hội nhập văn hóa.
Đó là đường lối mà Linh mục Đỗ Quang Chính đã nghiên cứu và công bố trong Luận Văn về Alexandre de Rhodes trình tại Đại Học Paris, Sorbonne. Sau này, năm 1996, Linh mục Phan Đình Cho đã khai triển trong tiểu luận về việc truyền giáo và giáo lý của linh mục Alexandre de Rhodes.
Chính đường lối hội nhập văn hóa sáng suốt mạnh dạn này là một trong những nguyên nhân về sau đưa đến biến cố Dòng Tên bị cấm hoạt động trong năm 1773 đến 1814. [8]
3. Truyền Giáo Vào Việt Nam
Một trang sách Giáo lý (Cathechismus pro iis qui volunt suscipere Baptismum in octo dies divisus , Rome,1651). Sách song ngữ, hai cột, một cột La ngữ (bên trái), một cột Việt ngữ - Quốc ngữ - (bên phải), tất cả gồm 319 trang. Sách do Bộ Truyền Bá Đức Tin ấn hành tại nhà in riêng của bộ và do tài trợ của bộ này.
Trong lúc ở Việt Nam, ông viết cuốn Giáo Lý Việt Nam đầu tiên và ông xuất bản Tự Điển Bồ La Việt. Tự Điển này được nhiều học giả Việt Nam xử dụng rộng rãi về sau để tạo nên hệ thống chữ viết Việt Nam mới , xử dụng nhiều các mẫu tự la tinh (Rôma) - như được xử dụng hiện nay được cải tiến - gọi là chữ quốc ngữ. Trong tường thuật của mình, Đắc Lộ cho biết ông đã cải đạo hơn 6.000 người Việt, hầu như chắc chắn một con số được phóng đại, tuy nhiên ông đã không giành được những người cải đạo này
a. Đầu năm 1625, Alexandre cùng với bốn linh mục dòng Tên khác và một tín hữu Nhật Bản, cập bến Hội An, gần Đà Nẵng. Ông bắt đầu học tiếng Việt và chọn tên Việt là Đắc-Lộ. Thầy dạy tiếng Việt cho ông là một cậu bé khoảng 10, 12 tuổi. Ông viết : Người giúp tôi đắc lực là một cậu bé người xứ này. Trong ba tuần lễ đã dạy tôi các dấu khác nhau và cách đọc hết các tiếng. Cậu không hiểu tiếng tôi mà tôi thì chưa biết tiếng cậu, thế nhưng, cậu có trí thông minh biết những điều tôi muốn nói. Và thực thế, cũng trong ba tuần lễ, cậu học các chữ của chúng ta, học viết và học giúp lễ nữa. Tôi sửng sốt thấy trí thông minh của cậu bé và trí nhớ chắc chắn của cậu. Từ đó cậu đã làm thầy giảng giúp các cha. Cậu đã là một dụng cụ rất tốt để tôn thờ Chúa trong giáo đoàn và cả ở nước Lào, nơi cậu hoạt động trong nhiều năm với thành quả mỹ mãn, cậu rất mến thương tôi nên đã muốn lấy tên tôi.[9]
Từ đó, Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của Alexandre de Rhodes, cũng như nhiều nhà truyền giáo khác, nhưng công cuộc truyền giáo của ông ở đây còn nhiều bất ổn.
Thế là cuối năm 1624 (hoặc đầu năm 1625) Rhodes có mặt tại Thành Chiêm (Thanh Chiêm, Kẻ Chăm) cách Hội An về phía Tây chừng 4km, để học tiếng Việt với linh mục Francisco de Pina, một tu sĩ Dòng Tên đầu tiên thời điểm ấy thông thạo tiếng Việt nhất. Xem ra từ cuối năm 1624 đến tháng 6-1626, Rhodes được Bề trên cho ở Đàng Trong với mục đích chính là học tiếng Việt và làm quen dần với con người và xã hội Việt, để rồi tung ông ra Đàng Ngoài.
Ông vào truyền giáo ở Đàng Trong năm 1625 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên và ở Đàng Ngoài vào năm 1626 dưới thời chúa Trịnh Tráng. Tháng 6-1626, Rhodes cùng với linh mục Pedro Marques bỏ Đàng Trong về Áo Môn chờ gió mùa sang năm sẽ vào đất chúa Trịnh. Vâng, ngày 12-3-1627, Rhodes và Marques lên tàu từ Áo Môn, chỉ một tuần sau, ngày 19-3-1627, tàu tới bờ biển cửa Bạng tại Thanh Hóa
Trong vòng 20 năm (1625-1646), ông bị trục xuất đến sáu lần [10]. Nhưng sau cả sáu lần ấy, ông đều kiên trì tìm cách trở lại Việt Nam, khi có cơ hội.
Về Áo Môn, Rhodes được chỉ định làm Giáo sư Thần học tại Học viện Madre de Deus, điều mà ông không cảm thấy thích thú, chỉ làm vì đức vâng phục. Trong 10 năm trời, 1630-1640, Rhodes ở Áo Môn làm “cái nghề” tay trái ấy
b. Giai đoạn Alexandre de Rhodes giảng đạo tại Việt Nam cũng là thời kỳ các thừa sai dòng Tên hoạt động rất nhiệt thành, có phương pháp và có kết quả mau chóng. Riêng Alexandre de Rhodes, ông đã truyền đạo từ Nam ra Bắc. [11]
Ông kể lại công cuộc truyền giáo tại Đàng Ngoài (Miền Bắc) : “Miếng Trầu Làm Đầu Câu Truyện” Theo Thói Á Đông. “Chúng tôi vừa cập bến thì một số đông dân xứ này thấy chúng tôi đến gần liền lấy thuyền của làng lân cận đến mừng chúng tôi, chất vấn chúng tôi xem chúng tôi là những người nào, từ đâu mà tới và đem những hàng hóa mới lạ vào. Tôi làm thông ngôn cho tất cả đoàn thể, tôi đáp đây là một chiếc tàu người Bồ, những người khắp vùng Đông phương đều khá biết về giá trị võ khí và hàng hóa tinh xảo từ lâu vẫn đem tới xứ này và nhân dịp này họ tới bán cho người Đàng Ngoài một hạt trai quý mà không đắt để cho người nghèo khó nhất cũng có thể mua được miễn là có ý ngay lành. Thấy dân chúng tỏ ra muốn xem, thì tôi cho họ hiểu là hạt trai này không thể coi bằng con mắt thân thể nhưng bằng con mắt tinh thần biết phân biệt thật giả. Nói tóm lại, người ta đến giảng dạy đạo thật có giá hơn hết các hàng hóa của người Ấn Độ và một mình nó có thể mở đường tới cõi phúc đích thực và trường cửu.” [12]
“Ngay khi chúng tôi có một nơi riêng để thừa hành chức vụ và giảng Phúc âm thánh, thì có rất nhiều thính giả tuốn đến và sau khi được dạy dỗ về đức tin thì họ chịu phép rửa tội. Trong số đó mấy vị sư mở đường làm gương cho dân chúng trở lại. Vị sãi chính yếu và kỳ cựu hơn cả được các đồng sự trong tỉnh cảm phục và tôn trọng như bề trên, cũng là người đầu tiên theo đức tin và Kitô giáo, tuổi đã tám mươi lăm và lấy tên rửa tội là Gioakim, một nhân vật có thế giá và đạo hạnh, đã thu hút được nhiều người khác thuộc cả hai giới. Trong những nhân đức của vị lão thành đáng kính này, đặc biệt tôi nhận thấy một nguyện vọng hăng say học hỏi những gì cần cho sự cứu rỗi. Ông thu xếp ở với chúng tôi luôn để học biết sâu rộng hơn về các chân lý đạo Kitô và những mầu nhiệm đức tin.
Một ngày kia sau bữa tối, tôi nhờ một cậu bé viết mấy kinh công giáo cho giáo dân tân tòng mà không nhờ tới vị lão thành, vì tôi tưởng là tôi tôn trọng thời giờ ông dành để nghỉ ngơi. Khi biết việc này thì ông khiển trách tôi nặng lời vì tôi đã nhờ một người khác chứ không nhờ ông là bậc tôn sư và tiến sĩ của sai lầm. Theo lẽ phải, trong việc tôi muốn tìm người giúp tôi để giảng dạy chân lý thì tôi phải dùng ông hơn người nào khác. Tôi khen lòng nhiệt thành của ông và hứa sẽ dùng ông khi có dịp và xét ra có ích.
Vì thực ra ông tinh thông chữ hán hơn những người khác nên ông viết đúng hơn và nhanh hơn những điều tôi đọc cho ông biết. Không những ông chỉ làm việc này giúp ích cho giáo đoàn mới của xứ sở ông, nhưng còn nhận thấy nơi chúng tôi dâng thánh lễ và giảng dạy lời Thiên Chúa thì quá chật hẹp đối với số người hội họp tới nghe. Ông liền dâng một thửa ruộng cạnh đấy thuộc về ông để dựng một nhà thờ rộng hơn, nhà thờ làm bằng gỗ như lối bản xứ do lòng sốt sắng của giáo dân tân tòng và trang trí do hảo tâm của người Bồ. "Chúng tôi làm phép trọng thể ngày mồng 3 tháng 5, ngày tìm thấy thánh giá.” [13]
“Mặc dầu có nhiều người rao giảng giáo lý Phúc âm cho những nước lương dân chủ trương trước hết phải hủy diệt sai lầm và tà giáo làm cho tâm trí từ bỏ những quan niệm mơ hồ, trước khi xây dựng và giảng dạy những điểm và những nguyên lý của Kitô giáo, theo lệnh Thiên Chúa đã truyền cho một tiên tri rằng: Ta đặt người để diệt và nhổ, để dựng và trồng, còn về mầu nhiệm cao cả về Thiên Chúa Ba Ngôi thì chỉ trình bày cho người tân tòng vào lúc họ đã sẵn sáng chịu phép rửa tội, trước là để không làm rối trí họ vì những hoài nghi có thể nảy sinh về mầu nhiệm cực kỳ cao cả và khôn lường đó. Thế nhưng theo kinh nghiệm, giữa hai cách trên đây, tôi chọn một phương pháp giáo huấn cho các dân nước này.
Nghĩa là không chống đối sai lầm các giáo phái Đàng Ngoài trước khi đặt một số các nguyên lý mà chỉ ánh sáng tự nhiên cũng hiểu biết được, như về việc sáng tạo vũ trụ, về cứu cánh và nguyên lý tuyệt đối vạn vật đã được dựng nên và về an bài những loài có lý trí và nhiệm vụ phải nhận biết Người và phụng thờ Người. Như vậy để đặt vào tâm trí họ một nền tảng chắc chắn trên đó đều dựa vào mọi niềm tin khác để không làm cho họ chán nản khi nghe người ta đả phá và khinh dể những thờ tự của mình mặc dầu là giả dối và những tập tục mê tín, đó là sự thường xảy ra.
Tôi đã thành công hơn, theo như tôi nhận xét, nếu tôi đem cho họ một ít tâm tình hiếu thảo và mộ mến tự nhiên đối với Đấng Hóa Công và Nguyên lý đệ nhất bản thể họ. Rồi khi đề cập tới truyện đại hồng thủy và lộn lạo các ngôn ngữ thì cho họ biết sợ Thiên Chúa họ phải tôn kính và thờ phượng, từ đó mới đả phá tà đạo mà ma quỷ cũng chỉ đưa vào thế gian sau đại hồng thủy. Rồi sau đó tôi mới đồng ý với những người khác và chưa trình bày cho lương dân mình muốn chinh phục những mầu nhiệm Ba Ngôi thánh, sự Nhập thể và thương khó của Con Thiên Chúa và gieo mầm các chân lý đó trong tâm hồn họ, trước khi nhổ những sai lầm và mê tín dị đoan.” [14]
“Lịch sử được tiếp tục ghi cho tới đây bao gồm sự tiến triển của Kitô giáo trong khu truyền giáo Đàng Ngoài từ năm 1627 cho tới năm 1646. Còn những điều sẽ nói sau đây, trong chương này, chúng tôi đã trích rong hai bức thư, một thư của cha Gioan Cabral chúng tôi vừa nói, kinh lý khu truyền giáo, viết về cha bề trên Cả, vào tháng 10 năm 1647. Trong thư, cha điều trần về cuộc kinh lý của cha và về những thành quả mới hái được trong khu truyền giáo. Thư thứ hai là của cha Gioan Barbosa thợ kỳ cựu ở đây, cũng là người rất hiểu biết các công việc trong khu vực này.
Cha Cabral cam đoan nhận rằng chỉ trong hai năm 1645 và 1646 giáo hội Đàng Ngoài đã được hơn hai mươi bốn nghìn giáo dân trở lại đạo. Trong xứ có hai trăm nhà thờ cỡ lớn với nhà ở cho các cha ngay cạnh đó, đây là nơi thường trú hoặc tạm trú khi các cha tới làm việc. Trong năm 1646 chỉ có bảy cha phân ra trong năm trụ sở, còn một cha tên là Phaolô Caloprosi người thành Napoli, thợ rất can đảm và không biết mệt, cha đã mất ít lâu sau. Ngoài bốn thợ mới ghi ở trên còn có một người thứ sáu là cha Philipphê Marini người thành Genôva bị chặn lai không qua nước Campuchia như đã được chỉ định. Phải dựng trụ sở thứ sáu để dễ bề phục vụ số rất đông giáo dân trở lại.
Cha đã nhìn thấy từ khi ở xứ này, dân Đàng Ngoài dễ tiếp xúc hơn và dễ tin theo đạo hơn, không có một dân Đông Phương nào, về luân lý trong trắng hơn và có ít thói hư tật xấu chung cho mọi nơi khác, làm ngáng trở cho đức tin và gây những khó khăn gần như không vượt nổi, để thực hành các nhân đức của Kitô giáo. Giáo dân tân tòng rất vững vàng trong đức tin, như thể đã nhận từ mấy thế kỷ nay, họ cũng xa những khuynh hướng, những mê tín dị đoan như thể chưa bao giờ biết tới. Họ thi hành các nhân đức Kitô giáo, gớm ghét những đồi bại chung, rất nghiêm chỉnh giữ luật Thiên Chúa, rất sốt sắng làm các việc đạo đức và đọc kinh cầu nguyện. Mọi người đều dậy thật sớm, sau khi thức dậy thì họ đọc kinh ít là nửa giờ và cũng vậy trước khi đi ngủ; họ rất vâng lời và kính trọng các cha, công nhận sự khó nhọc của cha bằng sự biết ơn và không gì làm phật ý họ bằng từ chối không nhận phẩm vật họ mang tới. Khi các cha đến thì họ tỏ ra vui mừng thái quá đến nỗi họ tổ chức cuộc vui và ngày hội công cộng để thổ lộ ra.” [15]
Năm 1645, Chúa Nguyễn trục xuất ông ra khỏi Việt Nam hẳn. Khi trở lại châu Âu, Alexandre de Rhodes đúc kết kinh nghiệm hiểu biết thực địa của mình khi rao giảng Tin Mừng tại Á Châu. Cuối cùng ông đã xin Tòa Thánh phái các giám mục truyền giáo đến Á Châu. Nhờ đó chính các giám mục này có thể truyền chức linh mục cho các thày giảng bản xứ, thành lập một hàng giáo sĩ bản địa, nối tiếp công cuộc truyền giáo. Từ đó nẩy sinh Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris, thưởng gọi vắn tắt là M.E.P hay Hội Thừa Sai Ba Lê
Ông mất ngày 5 tháng 11 năm 1660 ở Isfahan, Ba Tư, 15 năm sau khi bị trục xuất lần cuối cùng khỏi Việt Nam.
II. Những Vấn Đề Cần Minh Định
Ai cũng có quyển tự do, nhưng có trách nhiệm, có tri thức và lý luận khi phân tích, giải thích nội dung những từ ngữ mà tác giả đã dùng. Nhưng nếu không có lý chứng thích đáng và thuyết phục người đọc, thì những khẳng định kia chỉ là những suy luận hay giả thuyết võ đoán, thiếu trách nhiệm và thiếu lương tâm, thiếu hiểu biết lành mạnh, không hơn không kém. Nhưng nếu có chủ ý xuyên tạc hay có ý hiểu sai lệch hay không thể lĩnh hội được ý của người viết hay nói ra, thì ta không cần bàn luận. Nói như thế, người nhận định không hề có chủ ý phê phán hay bút chiến với bất kỳ ai, mà chỉ muốn nêu lên một thực tại.
A. Ý nghĩa một số từ ngữ liên quan đến Alexandre de Rhodes
Ta cần xác định và hiểu ý nghĩa các từ ngữ như tác giả và cộng đồng những người liên hệ thường hiểu trong thời và không gian cụ thể hay địa điểm và thời gian cụ thể.
1. Chiến Sĩ Chúa Kitô (quân lính, binh sĩ, binh lính…) và một số từ có liên hệ khác: Chinh Phục, Mở Mang Nước Chúa Nói đến Chiến Sĩ Chúa Kitô, thì ai là tín đồ công giáo hay người có kiến thức, lý trí phán đoán và lương tâm sáng suốt, lành mạnh đều hiểu là những tín đồ Công giáo nhiệt thánh sống lý tưởng của đức tin Công giáo ở trần gian được so sánh như chiến sĩ chiến đấu chống lại những phản ứng, ý nghĩ, việc làm, thói quen và khuynh hướng xấu, mà tu đức xưa đều nói đến – ba thù “ma quỉ, thế gian, xác thịt” [16] của con người. Điều đó có vẻ gây dị ứng cho nhiều người hoặc trí thức, hay tín đồ thuộc các tôn giáo khác hay những người không có tôn giáo tín ngưỡng.
Nhưng không thể và không nên hiểu là binh sĩ cầm vũ khí giết thù trong một quân đội thế tục. Vì thế không thể vịn vào cách dùng này, mà gán ghép cho người Công giáo Việt Nam là tay sai đồng lõa với thực dân phương Tây, dù một số người tín đồ Công giáo có thể cậy nhờ và bênh vực những lực lượng bên ngoài, vì chủ trương đã có một đường lối bảo vệ tự do chọn lựa sống đạo của mình.
a. Trong thần học giáo lý "Gíáo Hội Công giáo, Các Thánh cùng thông công", người tín đồ được giảng dậy là nhờ phép Thêm Sức người tín đồ được coi là những đầy tớ và những binh lính của Đức Kitô. [17]
Trong ngữ cành của những câu chữ được tác giả dùng đến có nhiều chỗ sử dụng như vậy, chẳng hạn:
Trong cuốn Hành Trình Và Truyền Giáo ở Đàng Ngoài, ông đã viết: “Tôi vừa rời khỏi Đàng Trong thì chín chiến sĩ vinh quang của Chúa Kitô tôi đã bỏ lại trong ngục để chống trả thù địch của Thầy liền bị tấn công nhưng họ cương quyết chiến đấu cho tới lúc chiếm được triều thiên cao cả.” [18]
“Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi mấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Ðông phương đưa về qui phục Chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn. Với ý đó, tôi rời bỏ Rôma ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi tới hôn chân Ðức Giáo hoàng.” [19]
Binh lính Chúa Kitô có ý nghĩa siêu nhiên khác hẳn, chỉ có tính cách so sánh, đối chiếu, không thể lầm lẫn với từ ngữ “quân binh, binh lính, quân nhân, binh sĩ” thế tục mà tác giả đã đề cập đến. Ở nhiều đoạn văn khác, Đắc Lộ đã dùng những từ ngữ chỉ binh sĩ thế tục này:
Khi đã có đủ số quân binh thì hoàng đế sẽ thấy tham vọng của họ được toại nguyện và thật nguy hiểm cho hoàng đế. Họ sẽ dùng quân binh đó chống lại hoàng đế, xúi giục chúng nổi loạn, viện cớ tôn giáo để xâm chiếm hết các nước lân cận, như hết các nơi trên thế giới đã thấy. Rồi chẳng bao lâu sẽ tới lượt hoàng đế, nếu hoàng đế không bắt đầu đề phòng tham vọng tai ác này”. [20]
1.2. Ý nghĩa chữ lính (soldat, soldier, miles) trong tự điển Việt Việt website http://www.datviet.com/tudien.html giải thích là:
“1. Người phục vụ trong lực lượng vũ trang thời hòa bình hay có chiến tranh, với tư cách tình nguyện, đánh thuê hoặc, tại nhiều nước hiện nay, với danh nghĩa thực hiện một nghĩa vụ
2. Người làm nghề binh cấp thấp nhất trong thời phong kiến và Pháp thuộc: lính cơ, lính khố đỏ
3. Người làm một công tác thường xuyên dưới quyền điều khiển của một người, một cơ quan (thtục): lính của một cơ quan”
Thiết tưởng trong bối cảnh thế kỷ XVII, chữ lính hay binh sĩ này cũng không mấy thay đổi cách hiểu nội dung như vậy so với ngày nay.
Trên phương diện dịch thuật có thế có nhiều tranh cãi. Người ta lưu ý một nguyên tắc đáng chú ý. Chẳng hạn về cuốn Hành Trình và Truyền Giáo, có bản dịch tiếng Ý, rồi được dịch sang tiếng Pháp thế kỷ XVII
Do đấy khó thể lý luận căn cứ vào bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Khắc Xuyên (binh lính, quân binh, chiến sĩ). Nếu lý luận chính xác đến cùng, người ta phải hiểu được chính câu chữ của Đắc Lộ dùng vào thời gian nhất định ở thế kỷ XVII. Bản dịch khác với nguyên bản có thật không và diễn ra thế nào?
Còn phải đặt câu nói của Đắc Lộ trong bối cảnh lịch sử.
Thực sự Đắc Lộ vận động với Rôma quá lâu mà chưa có kết quả. Ông quay ra vận động với giới Công giáo và hàng giáo phẩm Pháp, không phải trực tiếp với Louis XIV. Lúc đó, chính quyền Pháp chưa quan tâm đến công cuộc truyền giáo cũng như mở mang lãnh thổ ở châu Á, vì Pháp đang bị khủng hoảng và bận lo chiến tranh với Anh.
Chỉ từ sau cách mạng Pháp 1789, và nhất là sau thời Napoléon I (1769-1821) [21], Pháp mới nẩy sinh ý muốn cạnh tranh với Anh, và đã tìm cách mở rộng thuộc địa sang châu Á. Thực tế là từ sau 1820, Pháp mới bắt đầu dòm ngó các thuộc địa khác, vì đã mất khá nhiều quyền lợi thuộc địa vào tay người Anh (French Colonialism in Asia) [22]
Như vậy không thể gán ghép cho Đắc Lộ những sự kiện mà chỉ 150 năm sau mới khi Đắc Lộ đã qua đời. Các nhà nghiên cứu gọi đó là những chuyện “râu ông cắm cằm bà” lịch sử vì lẫn lộn niên đại. Các biến cố đó không đính dáng gì đến Đắc Lộ. Và nếu có thừa sai Pháp, chẳng hạn như Puginier, là mãi đến thời kỳ Hội Thừa Sai Balê về sau này.
Nếu cho là Đắc Lộ không dính dáng gì vì sống ở niên đại trườc, thì cũng chuẩn bị xa cho chủ nghĩa thực dân Pháp ở thế kỷ sau này, thỉ phán đoán đó chỉ là võ đoán có ác ý. Và đã như thế, thì người ta không cần phải đối thoại hay thảo luận vì giả thuyết đó thiếu ngay thẳng và vô trách nhiệm
Nhiều nhà phê bình, nhất là những nhà phê bình mác xít, cũng thường đề cập đến Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc), cáo giác ông giúp Chúa Nguyễn Ánh, sau này trở nên vua Gia Long. Nhưng trong thời gian và không gian đó, khó thể võ đoán ông đã muốn phục vụ quyền lợi của Pháp, mà chỉ chú ý đến lý tưởng truyền giáo.
Thực ra sau cách mạng Pháp 1789, chính quyền Pháp tỏ ra tích cực chống lại giáo hội, cách riêng là hàng giáo sĩ, nên các thừa sai Balê không thể hay không muốn cậy nhờ vào chính quyền Pháp. Họ chỉ có thể trông cậy vào sự yểm trợ của khối Công giáo.
Pigneaux de Béhaine (1741-1799), có thể hy vọng nếu có một ông vua như Constantine I hay Constantine Đại Đế (272-337), thì Công giáo có cơ hội thuận tiện hơn, ít ra là bớt bị chống đối và bách hại hơn. Những việc gán ghép cho Đắc Lộ những chuyện ông không hề làm là việc xuyên tạc có ác ý, đặt tự ái dân tộc không đúng chỗ, chỉ muốn nại cớ đó để chống đối hay bách hại Công giáo
1.3. Các từ ngữ khác như “chinh phục” “chiếm đoạt” hay mở mang “nước Chúa” không thể hiểu một cách thế tục như một quân đội thế gian đi chinh phục một nước thế tục. Dù hành động truyền giáo có thể làm cho nhiều người từ bỏ tín ngưỡng cũ của mình và trở thành tín đồ của công đoàn giáo hội mới. Chẳng hạn, độc giả có thể gặp những câu chữ có những từ ngữ như thế: “Tôi khuyên tất cả các vị nhiệt tâm muốn tới những tỉnh dòng chúng tôi để chinh phục các linh hồn, thì nên chuyên cần ngay từ buổi đầu” . “Tôi rất hớn hở trẩy đi, vào đầu thằng 6 năm 1640, hy vọng được lòng chúa và tái lập nước Chúa Kitô, trong lãnh thổ này” [23]
Theo ý kiến của một tác giả, thì, “Soldat:
1. Homme équipé et instruit par l'Etat pour la défense du pays.
2. Tout homme qui sert ou qui a servi dans les armées.
Dịch: 1. Người được nhà nước trang bị và huấn luyện để bảo vệ xứ sở.
2. Bất kỳ người nào phục vụ hoặc đã phục vụ trong quân đội.
Như vậy "soldat" bao hàm ý nghĩa quân sự, quân đội. Đó là người mà nhiệm vụ là làm chiến tranh, chiến tranh phòng vệ hay chiến tranh xâm lược, dù là nghĩa đen hay nghĩa bóng. Trong tôn giáo, dùng chữ "soldat" không làm mất đi cái ý nghĩa đánh nhau. Dù đánh nhau vì chân lý đi nữa, thì cũng đánh nhau và đánh nhau vì chân lý thì ghê rợn lắm. Đừng trách ai dịch soldat là "binh sĩ". “ [24]
Nhưng nếu con người chiến đấu chống lại một cách ngay thẳng cái bất nhân, bất công và bất lương rõ rệt ở trong chính bản thân mình hay ở những người xấu, thì sao? Phán đoán một cách lành mạnh, người ta không thể hiểu chữ binh lính … kia theo ngĩa thế tục.
B. Phải chăng Alexandre de Rhodes vừa là nhà truyền giáo vừa làm gián điệp?
Một số tác giả coi Alexandre de Rhodes là một nhà truyền giáo đồng thời cũng làm gián diệp? Như thế các thừa sai công giáo đều là những gián điệp cho chủ nghĩa thực dân đế quốc?
Lập luận đó có tính cách vũ đoàn, phổ quát hóa và kết luận kiểu “vơ đũa cả nắm” vội vàng. Lập luận đó cần những bằng chứng hiển nhiên thuyết phục đi theo. Và nhân vật nọ hay đoàn thể nào đó nói hay làm một điều dường như có lợi hay yểm trợ thực dân, trong hoàn cảnh cá nhân hay đoàn thể ấy bị ng ười của triều đình bỏ rơi, đe dọa hay d8 àn áp, vì tin theo đạo mới m à triều đình và quan lại thời đó coi là “đạo rối”, thì không phải toàn thể giáo hội hay tín đồ công giáo đều như thế mọi lúc và mọi nơi.
Vả lại theo tâm lý, người ngoại quốc mới tới một nơi, hay chứng kiến một sự mới lạ, thường tò mò nhiều hơn người từng sống ở bản địa đó lâu năm, nhất là người đó lại có một trình độ kiến thức hay óc quan sát nhất định. Không phải ai nói chi tiết đến một đất nước, một quân đội, tài nguyên nhân vật lực và các đặc điểm của một cá nhân hay tập thể thỉ đều là gián điệp. Dù vậy, thực dân xâm lược có thể sử dụng những mô tả theo kiến thức và quan sát của nhả truyền giáo, nhưng để thực hiện cho mục tiêu thế tục riêng của mình
Cần phân biệt kiến thức thủ đắc của một điệp viên có thể hoàn toàn do người ấy đúc kết và tìm kiếm, có thể nhờ tư liệu của những người khác có được do hoạt động chuyên biệt nào đó nhưng không có chủ ý cung cấp cho hoạt động tình báo. Ta không thể coi những người có kiến thức và óc quan sát để phân tích và hiểu biết điều này điều nọ, hay người này người kia do nghề nghiệp của họ, đều là tình báo hay gián điệp.
Khuynh hướng của nhiều người làm gián điệp hay làm tình báo có thể muốn cài người hay lợi dụng những nhà truyền giáo và kiến thức hay hành động của họ vào mục đích của mình, dù nhà truyền giáo hay tín đồ đó có ý thức hay không. Câu nói của Hoàng Hưng trong Báo Lao Động gán cho Đắc Lộ; “Chúng ta là những người lính... chúng ta có bổn phận đi mở mang bờ cõi” đã được diễn dịch để kết luận các nhà truyền giáo làm tay sai cho thực dân đi chiếm nước khác.
Bùi Kha trích theo Bản Dịch Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên nguyên bản cuốn: DIVERS VOYAGES ET MISSIONS DU PERE ALEXANDRE DE RHODES EN LA CHINE ET AUTRES ROYAUMES DE L' ORIENT,,, Paris, Cramoisy, 1653. khổ sách (nguyên bản và bản dịch): 13 x 19 cm (Nguyên bản Troisième partie, Chapitre XIX, tt. 78 - 79.)
Việc ghép nhân vật và sự kiện và giải thích tùy tiện mà không chú ý hay lẫn lộn khi đặt nhân vật và sự kiện ấy trong bối cảnh thời gian không gian là những phán đoán, lập luận thường thấy trong nhiều bài viết của nhiều tác giả viết về thể kỷ đã qua.
Chẳng hạn có người lầm lẫn nhân vật Đắc Lộ (thể kỷ XVII) với Bá Đa Lộc (thế kỷ XVIII) sống trong cùng thời gian trong nhiều tác phẩm xuất bản sau 30/4/1975, Những công trình này đã được phổ biến ở miền Nam Việt Nam và người viết bất chợt đọc được. Khi nghiên cứu người viết không có sẵn những tác phẩm cụ thể ấy để dẫn chứng.
C. Từ Alexandre de Rhodes Đến “Lời Thề Dòng Tên (The Jesuit Oath)”
Gần đây có tác giả nhắc đến “tội” của Đắc Lộ có liên quan đến cái gọi là “Lời Thề của Dòng Tên “ (The Jesuit Oath – The Serment Jesuite).
Lời cáo buộc ấy phần lớn được một người tự xưng là “cựu linh mục dòng Tên” lặp lại và thổi phồng lên. Đấy là nhân vật Alberto Rivera [25] chuyển hướng khỏi dòng Tên năm 1967 và đã phản ứng chống lại Dòng Tên, có cả trên mạng Youtube trên Internet.
Thực sự, theo nghiên cứu của người biên khảo bài viết này, cái gọi là “Lời Thề Của Dòng Tên” là sản phẩm tưởng tượng của nhiều thành phần khác nhau có thành kiến với Dòng Tên. Cái được dựng nên thành “Lời Thề Bí Mật của Dòng Tên” xuất hiện lần đầu năm 1848.
Sự kiện này trùng hợp với thời gian Dòng Tên bị nhiều thành phần hiểu lầm, ghét bỏ và bách hại để cô lập, mặc dù cuộc cấm cách Dòng Tên đã chấm dứt từ năm 1814. Alberto Rivera khai triển thêm, và càng làm cho sản phẩm ngụy tạo kia thiếu tính cách đứng đắn, kiểu “Tây Dương Gia Tô Bí Lục” [26]. Cuốn này được Ngô Đức Thọ, cán bộ trong Viện Hán Nôm Hà Nội dịch từ Hán Nôm sang quốc ngữ.
Trong điều kiện của chế độ xã hội Việt Nam ngày nay, một số nhà nghiên cứu chủ ý khai thác về “những ý định và hành động tàn ác của Dòng Tên” trong nhiệm vụ bảo vệ truyền thống chính thống vẫn có của giáo hội.
Điều đó có thể ảnh hưởng đến uy tín của Dòng Tên tại Việt Nam. Nhưng trong bầu khí tự do truyền thống và ngôn luận, cái gọi là “Lời Thề của Dòng Tê” không có tác dụng phá hoại tại phương Tây, dù trong Quốc Hội Hoa Kỳ có ghi lại “Lời Tuyên Thệ”dối trá có nội dung cơ bản đó như sau.
Lập Trường Nhìn Nhận “Lời Thề Dòng Tên” Là Có Thật
a. William Arthur Noble (1866-1945) là một giáo sĩ truyền giáo giáo phái Tin Lành Tái Tẩy (Baptist) [27]. Bài viết của ông này được nhiều tác giả chống Công giáo trích lại để củng cố lập trường của mình, kể cả website tiếng Việt, đặc biệt là Nhóm Giao Điểm
b. “Lời Thề Dòng Tên” [28] theo tác giả này là có thực. Đặc biệt là “Lời Thế đó” có trong Văn Khố của Quốc Hội Hoa Kỳ. Bối cảnh khi đó là cuộc bầu cử chính trị năm 1912, ứng cử viên Công giáo bị chỉ trích vì có “The Jesuit Oath” được nhiều cử tri lúc đó coi là có thật!
c. Website newadvent.org/ [29] của nhóm chủ trương biên soạn Wìkipedia và Catholic encyclopedia có những lập luận chống Dòng Tên.
Lập Trường Nhìn Nhận Lời Thề Của Dòng Tên Là Không Có Thật
a. Shaun Willcock [30], một tác giả Tin Lành chấp nhận bản văn Lời Thề Dòng Tên là giả mạo. Nhưng thực tế Dòng Tên có thể hành động kiểu độc ác như vậy?
b. Dòng Tên Ấn Độ [31] năm 2003 minh định tu sĩ Dòng Tên không hề có Lời Thề như vậy
c. Tờ Báo New York Times [32] cuối Thế Kỷ XIX nhìn nhận Dòng Tên không có lời thề như thế và đã khiếu kiện những ai vu khống Dòng Tên như thế về tội phỉ báng
D. Lịch Sử Chính Thức Về Dòng Tên Thế Giới
VÀI NÉT VỀ DÒNG TÊN HOÀN CẦU [33] I-NHÃ LOYOLA VÀ ĐOÀN GIÊSU
Năm 1521, trong lúc bảo vệ thành Pamplona chống lại sự tấn công của quân Pháp, chàng hiệp sĩ người xứ Basco, Iñigo Lopéz de Loyola (1491-1556), đã bị bắn trọng thương. Trong thời gian dưỡng thương, chàng được ơn hoán cải và quyết tâm thay đổi cuộc sống. Sau khi đi lại được, chàng quyết tâm lên đường đi Đất Thánh và dự định sẽ ở lại đó luôn. Trên đường hành hương, Iñigo đã lưu lại ở Manresa gần Barcelona một thời gian. Tại đây, chàng có được nhiều kinh nghiệm thiêng liêng phi thường mà sau này được đúc kết thành tập sách Linh Thao. Năm 1523, Iñigo sang Đất Thánh, nhưng vì không được phép ở lại, nên chàng quyết định trở về Châu Âu đi học làm linh mục để phục vụ các linh hồn.
Trong thời gian 1524-1527, khi học ở Barcelona và Acalá, Iñigo thường giúp người khác về đường thiêng liêng bằng chính kinh nghiệm của mình. Vì giảng đạo mà chưa học đầy đủ, Iñigo bị bắt giam mấy lần và bị cấm giảng đạo. Cuối cùng, năm 1528 chàng lên Paris để tiếp tục việc học. Tại Paris, Iñigo đổi tên thành Ignatius (được Việt hoá thành I-nhã), và trọ cùng nhà với hai bạn trẻ Phêrô Favre (1506-1546) và Phanxicô Xavier (1506-1553). Dần dần, I-nhã đã quy tụ được một nhóm bạn sinh viên qua những buổi sinh hoạt thiêng liêng. I-nhã cũng lần lượt hướng dẫn Linh Thao cho từng người, và giúp họ nhận định tương lai. Chính Linh Thao là mối dây thiêng liêng ràng buộc họ với nhau.
Ngày 15.8.1534, bảy bạn sinh viên đại học Paris tuổi từ 19 đến 43 quây quần trong một nhà nguyện nhỏ trên đồi Montmartre để khấn với Chúa, cũng là một giao kết với nhau, trong một thánh lễ chủ sự bởi tân linh mục Phêrô Favre. Ngoài I-nhã, Phanxicô Xavier, và Phêrô Favre, nhóm có thêm Diego Laynez (1512-1565), Alfonso Salmerón (1515- 1585), Nicholás Bobadilla (1509-1590), và Simão Rodrigues (1513-1579). Tất cả cam kết sống khó nghèo, làm việc tông đồ, và đi hành hương Đất Thánh. Nếu trong một năm mà không đi Đất Thánh được, thì họ sẽ để cho Đức Giáo Hoàng sai họ đi nơi nào ngài muốn. Lúc đầu nhóm không có tên, không có luật, không ai có quyền trên ai, chỉ liên kết với nhau vì cùng lý tưởng tông đồ và tình bạn thiêng liêng.
Trong khi chờ đợi đi Đất Thánh ở Venezia, những người đã học xong được chịu chức linh mục. I-nhã và năm bạn khác lãnh tác vụ thánh vào ngày 24.6.1537. Lúc này, nhóm có thêm Paschase Broët (1500-1562), Claude Jay (1500-1552) và Jean Codure (1508-1541). Ba tháng sau họ bắt đầu chia ra từng nhóm nhỏ để đi phục vụ trong thời gian chờ tầu đi Giêrusalem. Họ ra đi dưới danh nghĩa là nhóm bạn đồng hành của Chúa Giêsu, gọi tắt là Đoàn Giêsu (Compañia de Jésus). Đây là tên mà họ đã chọn với nhau vào tháng 9 năm 1537 để diễn tả căn tính của họ.
Vì thời cuộc chiến tranh, họ đã không thể thực hiện ước mơ đi Đất Thánh. Sau mấy năm đợi chờ, nhóm quyết định đi Roma vào năm 1537-1538 để đặt mình dưới sự điều khiển của vị thủ lãnh Giáo Hội hầu được gởi đi bất cứ nơi đâu để phục vụ các linh hồn. Lúc đó nhóm có thêm bốn thành viên khác, tổng cộng được mười người. Vì nhu cầu mục vụ khẩn thiết, ĐGH Phaolô III bắt đầu sai họ đi phục vụ ở nhiều nơi trong Châu Âu. Sợ rằng “nhóm bạn trong Chúa” sẽ bị tan rã, tình bạn sẽ mai một, trong mùa Chay năm 1539 họ gặp nhau nhiều lần để cùng nhận định hướng đi cho tương lai: hoặc mỗi người đi theo con đường của mình như đã được chỉ định, hoặc ràng buộc nhau trong một nhóm vĩnh viễn. Cuối cùng họ quyết định trở thành một dòng tu để hỗ trợ nhau trong việc phụng sự Tin Mừng.
Ngày 27.9.1540, ĐGH Phaolô III chính thức công bố trọng sắc Regimini Militantis Ecclesiae phê chuẩn Đoàn Giêsu thành một dòng tu giáo sĩ trong Hội Thánh. Từ đó Đoàn Giêsu trở thành Dòng Chúa Giêsu (Societas Jesu - ở Việt Nam quen gọi là Dòng Tên, vì muốn tránh gọi Tên cực trọng Chúa Giêsu). Mười thành viên trong dòng tu mới lập đều nhất trí bầu cha I-nhã làm Bề trên Tổng Quyền tiên khởi (1540-1556). Đặc sủng của Dòng là phục vụ các linh hồn và hỗ trợ Hội Thánh trong việc “bảo vệ và truyền bá đức tin”.
THỜI KỲ PHÁT TRIỂN
Ngay từ đầu, Dòng Tên đã là một cộng đoàn lưu động với một quy chế rất khác thường. Các thành viên không có tu phục riêng, cũng không đọc kinh thần vụ chung. Họ nhanh chóng tham gia vào công tác mục vụ, giáo dục, thuyết giảng, xã hội, huấn giáo, và đi truyền giáo. Nhóm anh em tiên khởi rất hăng say trong việc tông đồ. Favre đi giảng Linh Thao khắp nơi, Xavier hoạt động truyền giáo ở Châu Á, Salmerón và Laynez giảng dạy thần học ở Ý, Bobadilla công tác ở Tây Ban Nha, Rodrigues ở Bồ Đào Nha, còn I-nhã thì ở Roma lo việc điều hành Dòng. Chỉ vỏn vẹn trong vòng 16 năm từ khi được phê chuẩn, con số tu sĩ Dòng đã tăng từ 10 lên 1000 người. Họ hiện diện và phát triển khắp các thành phố lớn ở Châu Âu, cũng như tại các vùng truyền giáo từ Nhật Bản đến Brazil. Sau khi I-nhã qua đời, Diego Laynez được bầu làm Bề Trên Tổng Quyền (1556-1565).
Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân sự cho công việc mục vụ và truyền giáo, Dòng đã thiết lập một hệ thống trường học huấn luyện các tu sĩ về nhân văn, âm nhạc, nghệ thuật, toán học, khoa học, triết học và thần học. Vì phẩm chất đào tạo cao, các trường trung học cũng như đại học của Dòng Tên đều nhanh chóng được giới trung lưu và quý tộc của Châu Âu chú ý đến và xin gửi con em theo học. Ngoài ra các tu sĩ Dòng còn làm cố vấn cho vua chúa và giới quý tộc. Dòng phát triển đến đỉnh cao nhất là có hơn 23.000 tu sĩ vào năm 1770.
Trong việc bảo vệ và truyền bá đức tin, chính các anh em tiên khởi như Laynez và Salmerón đã tham dự công đồng Trentô (1545) với tư cách là thần học gia của Đức Giáo Hoàng. Tại Đức, Cha Phêrô Canisius soạn thảo cuốn Tổng Luận Giáo Lý Kitô giáo (Summa doctrinae christianae, 1555) và Giáo Lý Yếu Lược (Catechismus minimus, 1556) đặt nền tảng cho các sách giáo lý sau này. Không chỉ viết sách và giảng thuyết, Cha còn đưa ra một kế hoạch góp phần canh tân Hội Thánh mà chìa khóa là đào tạo giới lãnh đạo cho Hội Thánh. Tại Roma, Gioan Leunis đã lập ra Hiệp Hội Thánh Mẫu (1563), tiền thân của Cộng đoàn sống đời kitô (Christian Life Community-CLC hay CVX) ngày nay.
Dòng cũng đi tiên phong trong việc truyền giáo. Dòng đã có mặt ở Châu Phi năm 1548, Nam Mỹ trước năm 1552, Bắc Mỹ năm 1639. Tại Châu Á, Phanxicô Xavier (1506-1553) đến Ấn Độ (1542) rồi Nhật Bản (1549), nhưng ngài đã qua đời ngay trước khi vào được Trung Hoa lục địa. Các thừa sai Dòng Tên đến Đàng Trong năm 1615 và Đàng Ngoài năm 1627. Điểm son trong chính sách truyền giáo của các thừa sai Dòng Tên ở Châu Á là hội nhập văn hóa. Các thừa sai như Roberto de Nobili tại Ấn Độ, Mateo Ricci tại Trung Hoa, Alexandre de Rhodes tại Việt Nam đã học ngôn ngữ, thích nghi với trang phục và phong tục tập quán địa phương. Bằng ngôn ngữ và văn hóa bản địa, các thừa sai Dòng Tên đã truyền đạt Tin Mừng cho các dân tộc Á Châu. Ngoài ra, họ còn có những đóng góp quan trọng trong việc giao lưu văn hóa Âu-Á qua việc chuyển tải tư tưởng Á Châu cho giới trí thức Âu Châu, qua việc dịch thuật các kinh điển Trung Hoa và Ấn Độ sang tiếng La-tinh, và ngược lại.
THỜI KỲ KHÓ KHĂN, GIẢI THỂ, VÀ PHỤC HỒI
Sau thời gian thành công nhanh chóng, bắt đầu từ giữa thế kỷ XVII, Dòng Tên gặp nhiều phản ứng và chống đối. Tại Nam Mỹ, các thừa sai Dòng Tên thiết lập những khu tự trị cho người da đỏ và hậu quả là đưa đến sự xung đột giữa các thừa sai và quyền lợi của đế chế Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tại Châu Á, sự tranh giành ảnh hưởng cũng như bất đồng ý kiến về đường lối mục vụ giữa các thừa sai thuộc Dòng Tên và các dòng tu khác đã gây nhiều chia rẽ giữa các nhóm thừa sai. Ở Nhật Bản, các thừa sai vu cáo lẫn nhau, cộng với những cáo buộc của nhóm thương gia Tin Lành người Hà Lan đã làm cho các sứ quân (Shogun) nghi ngờ người Công giáo làm tay sai cho đế quốc Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha và ra sức cấm đạo. Ở Trung Hoa, các phán quyết của Tòa Thánh trong vụ tranh luận về Lễ Nghi Trung Hoa (1645-1742) đã làm Khang Hi hoàng đế nổi giận và hạn chế việc truyền giáo từ năm 1706; Ung Chánh hoàng đế nối ngôi và ra sắc chỉ cấm đạo năm 1724. Ở Việt Nam, việc bất phục tùng của các thừa sai Dòng Tên với hàng giám mục thuộc Hội Thừa Sai Ba-lê đã gây nhiều bất lợi cho việc truyền giáo của Dòng.
Những khó khăn và chống đối không chỉ ở châu Mỹ và Châu Á, nhưng khó khăn nhất là ngay tại Châu Âu, từ trong nội bộ Hội Thánh đến những trào lưu tư tưởng mới. Ở các quốc gia theo Tin Lành, các tu sĩ Dòng Tên bị cấm hoạt động. Trong các quốc gia theo Công giáo, phe quý tộc, giới trí thức, và ngay cả hàng giáo sĩ địa phương đều e dè ảnh hưởng và thế lực của Dòng Tên. Ngay từ thời I-nhã, những người ghét Dòng đã dùng chữ “jesuit” theo nghĩa xấu (“kẻ giả dạng Giêsu”) để gọi các thành viên của Dòng. Sang thế kỷ XVIII, các cuộc tranh luận gay gắt với Dòng Đa-minh và phái Jansen đã tạo thêm bất lợi cho Dòng. Những người phái Jansen mà đại diện là Pascal đã tạo ra một bức biếm họa về hình ảnh một Giêsu hữu theo nghĩa giả hình, mưu mô, phi đạo đức, v.v.
Từ những mâu thuẫn nhỏ sang mâu thuẫn lớn, bắt đầu từ năm 1759 tu sĩ Dòng lần lượt bị trục xuất khỏi lãnh thổ của đế quốc Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp. Các tài sản cũng như cơ sở giáo dục của Dòng bị quốc hữu hóa. Nhưng chưa đủ, các nước này áp lực với Đức Giáo Hoàng Clêmentê XIV để ký sắc lệnh Dominus ac Redemptor giải tán Dòng vào ngày 16.8.1773. Tuy vậy, hoàng đế nước Phổ Frederick II và nữ hoàng Nga Catherina I đã cho phép Dòng Tên tiếp tục hoạt động ở Phổ và Nga. Dần dần vì nhu cầu bảo vệ đức tin đã có những cuộc vận động ngầm để phục hồi lại hoạt động của Dòng Tên. Hơn 40 năm sau khi bị giải thể, Đức Giáo Hoàng Piô VII đã cho phép phục hồi Dòng Tên trên toàn thế giới vào ngày 7.8.1814. Bắt đầu lại từ con số không, Dòng đẩy mạnh hoạt động giáo dục, truyền giáo và linh đạo.
DÒNG TÊN NGÀY NAY
Hiện nay (2007) có 19.216 tu sĩ Dòng Tên phục vụ tại 133 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới: Châu Âu (30), Bắc-Nam Mỹ (30), Á-Úc (38), Phi (35). Dòng hoạt động trong 91 Tỉnh Dòng và Miền độc lập, cùng với 13 miền phụ thuộc, tập trung trong 10 Vùng dưới sự điều động của Bề Trên Tổng Quyền Peter-Hans Kolvenbach (từ 1983). Trụ sở chính của Dòng (Curia Societatis Jesu) hiện nay ở số 4 đường Borgo Santo Spirito, Roma bên cạnh Toà Thánh (www.sjweb.info).
Hiện nay Dòng đang chuẩn bị cho Tổng Hội lần thứ 35 (2008) để bàn về hướng đi của Dòng trong thế kỷ XXI. Được hun đúc bởi tinh thần Linh Thao nhằm “tìm gặp Thiên Chúa trong mọi sự”, các tu sĩ Dòng có mặt trong hầu hết các hoạt động của Giáo Hội cũng như xã hội, nhằm phục vụ và thăng tiến con người. Họ là các thần học gia, nhà báo, văn sĩ, nghệ sĩ, nhạc sĩ, giáo sư, khoa học gia, bác sĩ, luật sư, kỹ sư, tâm lý gia, cán sự xã hội, nhà báo, và chuyên viên các ngành nghề khác. Ở Hoa Kỳ, Dòng đã thiết lập 28 trường đại học và gần 50 trường trung học, trong đó có nhiều trường danh tiếng thế giới như ĐH Georgetown, ĐH Boston, ĐH Fordham, v.v…
Tại Châu Á, có một số trường đại học danh tiếng do Dòng thiết lập như ĐH Sophia (Nhật Bản), ĐH Sogang (Hàn Quốc), ĐH Fujen (Đài Loan), ĐH Ateneo de Manila và Viện Mục Vụ Đông Á (EAPI) ở Phi Luật Tân, chưa kể đến 26 trường đại học và cao đẳng ở Ấn Độ. Tại Roma, ngoài Đại Học Giáo Hoàng Gregorian và Viện Kinh Thánh Biblicum, Dòng còn phụ trách đài phát thanh Vatican và đài thiên văn Vatican. Ngoài ra Dòng còn điều hành và xuất bản nhiều sách báo, tạp chí và khảo luận có giá trị trong nhiều lãnh vực.
Ngoài các cơ sở giáo dục khắp nơi trên thế giới, các tu sĩ Dòng Tên còn đảm nhiệm các tác vụ khác nhau từ mục vụ giáo xứ, giảng tĩnh tâm và Linh Thao, truyền thông, huấn nghệ, đến chăm sóc sức khoẻ và mục vụ cho người tị nạn, di dân, cho người khuyết tật, bệnh phong, hay lây nhiễm AIDS. Tất cả nhằm rao giảng Tin Mừng. Có thể nói Dòng vẫn tiếp tục tinh thần thừa sai và đặc sủng truyền giáo của thuở ban đầu, tuy hình thức hoạt động có thay đổi để thích nghi với thời đại.
Từ sau Tổng Hội thứ 32 (1975), Dòng đặc biệt hướng về các công tác phục vụ đức tin và thăng tiến công bình xã hội. Để đáp ứng nhu cầu của thời đại Dòng cũng thiết lập các văn phòng chuyên biệt để lo cho người tị nạn (JRS: Jesuit Refugee Service), công bình xã hội (SJS: Social Justice Secretariat), truyền thông (Jes Com: Jesuits in Communication), và đối thoại tôn giáo (SID: Secretariat for Interreligious Dialogue).
Trong việc làm chứng tá cho Tin Mừng, Dòng đã được 50 vị hiển thánh, 146 chân phước được tôn kính trên toàn Giáo Hội (tính đến 2006); ngoài ra có 36 bậc đáng kính và 115 đầy tớ của Thiên Chúa được ghi nhận trong Dòng. Chỉ trong thế kỷ XX, không kể những người bị tù đầy, có trên 300 tu sĩ Dòng trên khắp thế giới đã hy sinh mạng sống vì đức tin và tranh đấu cho nhân phẩm con người. Thí dụ như cha Ignacio Ellacuría và các đồng nghiệp thuộc đại học Trung Mỹ (CAU) bị ám sát ở El Salvador năm 1989.Trải qua gần năm thế kỷ, Dòng Tên đã đóng góp nhân lực và cả mạng sống vào công việc phục vụ đức tin và thăng tiến con người. Tất cả như khẩu hiệu của Dòng: Ad Majorem Dei Gloriam-Cho Vinh Danh Chúa Hơn [34].
E. Vấn Đề Đắc Lộ Đóng Góp Vào Chữ Quốc Ngữ
Vào năm 1651, ông cho in cuốn Từ Điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) dựa trên các ký tự tiếng Việt của những giáo sĩ người Bồ Đào Nha và Ý trước đó. Có thể coi đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ.
MISSI nguyệt san tháng 5/1961 nhân kỷ niệm 300 năm ngày Alexandre de Rhodes qua đời, có thế đã quá lời khi nói đến công trạng của Alexandre de Rhodes: “Khi cho Việt Nam các mẫu tự La Tinh, Alexandre de Rhodes đã đưa Việt Nam đi trước đến 3 thế kỷ" [35].
Hệ thống mẫu tự la tinh có thể là ưu việt nhất trong các hệ thống mẫu tự còn hiện diện trên trái đất ngày nay. Nhật Bản và Triều Tiên, Việt Nam đã sử dụng chữ viết chữ vuông kiểu Trung Hoa và chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa từ lâu.
Trong quá trình phát triền chữ viết, văn hóa Việt Nam có hình thức chữ nôm đầu tiên có thể có từ thời Hàn Thuyên [36], so với tương đối chỉ mới cách đây không lâu, người Triều Tiên mới chế biến ra một chữ viết riêng của họ. Thực ra mấu tự Triều Tiên (Hangul) đã được sáng chế và dùng từ năm 1446 [37], trước Quốc ngữ La tinh hằng trăm năm).
Còn người Nhật thì, sau nhiều lần thử nghiệm, đã phải bó tay và đành trở về với lối viết khối chữ vuông tượng hình biểu ý của Trung Hoa. Dù chữ viết Nhật [38] ngày nay rất phức tạp. Cũng là chữ tượng âm, không tượng hình, katagana va hiragana có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 10, cộng thêm 2000 chữ Hán (Kanji), va Latin (romaji). Nhật không hề bó tay, nhưng vẫn không thoát khỏi khối chữ vuông, tuy có phần uyển chuyển sáng tạo.
Người Trung Hoa dưới thời Mao Trạch Đông cố cải tiến chữ viết Trung Hoa theo hệ thống mẫu tự La Tinh để chế biến ra chữ viết của mình, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công. Nhưng nhờ sáng kiến khoa học kỹ thuật của Internet, người dân Trung Hoa và những tiều quốc khác trong khối văn hóa Đông Á đã có thể cải tiến các bộ phận của hệ thống chữ vuông và ghép lại cũng thuận tiện lón lao.
Vậy mà dân tộc Việt Nam, nhờ công cuộc hình thành chữ viết mới theo hệ thống mẫu tự Latinh do nhiều người mà đáng kể, nhất là Đặc Lộ đã để lại nhiều công trình ban đầu từ thế kỷ XVII .
Không phải chỉ một mình Đắc Lộ khởi xướng chữ Quốc ngữ. Trước đó, các linh mục thừa sai dòng Tên người Bồ Đào Nha ở Ma Cao đã nghĩ ra một số phát âm tiếng Việt, viết bằng các mẫu tự La Tinh rồi. Những công trình nghiên cứu ngữ học mới đây của linh mục Roland Jacques ở Đại Học Montréal không phủ nhận công trình của Linh Mục Đắc Lộ, mà chỉ bổ sung, chi tiết hóa, làm rõ những đóng góp của nhiều thừa sai quốc tịch khác.
Vả lại một số người nhân cơ hội đó đặt lại vai trò của Linh mục Đắc Lộ trong lịch sử hình thánh chữ quốc ngữ mới tại Việt Nam. Khi làm việc trong văn phòng của phong trào CPS (Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Hoc Đường) tại khu nhà văn phòng của Vận Động Trường Hoa Lư Đường Phan Đình Phùng, Sàigòn, một giáo sư trung học cùng làm việc với tôi có lần đã nói đại ý: “Các nhà truyền giáo Công giáo muốn thành lập chữ quốc ngữ, chuyển tải một nội dung văn hóa Tây Phương Mới, nhằm làm nhân dân Việt Nam gián đoạn với nền văn hóa cũ, vốn dựa vào nền tảng tam giáo và văn hóa khối chữ vuông” (sic)
Về sau nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu có phản bác trong Nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc số 145 tháng 1.2007, những luận điệu của tác giả mệnh danh Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Văn Hưởng có những lời lẽ bộc lộ thái độ thiếu bình thản mà tác giả Nguyễn Đình Đầu ghi vắn tắt ở mấy giòng giới thiệu:
Trong báo Người Lao Ðộng chủ nhật ra ngày 7.1.2007 nơi trang 23, có đăng bài "Ði tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ" của Gs - Ts. Phạm Văn Hường. Nội dung bài báo vu khống và phỉ báng Alexandre de Rhodes (ta phiên âm là A Lịch Sơn Ðắc Lộ, thường gọi tắt là Ðắc Lộ) bốn điều:
1) Ðạo văn, lấy công trình của Amaral và Barbosa đem xuất bản Từ điển Việt Bồ La với tên mình. –
2) Ðã đạo văn lại "tự ý ghép tên mình thêm chữ de kệch cỡm" khi ra từ điển ấy. –
3) "Không biết lễ chủ nhật nằm đầu tuần hay cuối tuần nên Rhodes sinh ý Phép giảng tám ngày".
4) Không được phép trở lại Ðông Nam Á, "Alexandre trôi dạt vào Iran... kết thúc một đời tu hành gian trá".
Tôi chỉ tự hỏi giáo sư CPS kia nói như thế chỉ phản ảnh quan điểm cá nhân hay đó là chính lập trường đã được bàn luận trong giới trí thức thủ cựu. Sự kiện thành lập chữ quốc ngữ mới quả nhiên có làm gián đoạn phần nào với nền văn hóa tam giáo, nhưng người ta chưa nhận thức được giá trị công cụ chuyển tải văn hóa tiện lợi vô song để Việt Nam có thể canh tân đất nước, nhờ một phương tiện giáo dục thuận lợi, đơn giản, cất cánh bước vào những năm tương lai sáng lạn và nhanh chóng cho dân tộc so với nền văn hóa đặt nền tảng trên khối chữ vuông.
Đắc Lộ vẫn cơ bản là người đúc kết và hoàn tất bước đấu công trình chế biến chữ Quốc ngữ thành công. Ngay từ năm 1651, năm tự điển Việt-Bồ-La chào đời. Đây cũng là năm đánh dấu khai sinh chính thức chữ Quốc ngữ. Và Việt Nam có được thứ chữ viết mới của mình.
Từ lâu, người Việt Nam viết theo kiểu khối vuông Trung Hoa. Đã có nỗ lực biến chế ra hình thức chữ Nôm và chữ khoa đẩu thời Trịnh Tráng do họ sáng chế ra từ thế kỷ XIII-XVII. Điều đó thể hiện tinh thần độc lập của dân tộc Việt Nam với khối văn hóa Trung Hoa. Nhưng những nỗ lực ấy vẫn chỉ được sử dụng tạm thời trong giới trí thức nho học. Còn đại đa số người Việt Nam không thể đọc và viết được chữ Hán hay chữ Nôm và Khoa Đầu [39] một cách dễ dàng, vì các bộ tộc Trung Hoa có đến 80 ngàn chữ viết khác nhau. Nỗ lực ban đầu của Linh Mục Majorica nhằm sử dụng chữ Nôm để truyền đạo đã chỉ tồn tại trong một giái đoạn chuyển tiếp ngắn ngủi.
Các nhà truyền giáo đầu tiên khi đến Việt Nam, đã bắt đầu dùng mẫu tự La Tinh để viết lại âm giọng mà họ nghe được từ tiếng Việt. Khi Linh mục Đắc Lộ đến Việt Nam, đã có một số phát âm tiếng Việt được viết bằng chữ La Tinh rồi.
Vì thế, có thể nói rằng, công trình sáng tạo ra chữ Quốc ngữ trước tiên là một công trình chung tập thể của các thừa sai tại Việt Nam vơi sự cộng tác của nhiều người Việt Nam bản địa. Nhưng khi chính thức cho ấn hành công trình chữ viết tiếng Việt của mình, thì đống thời Alexandre de Rhodes đã khai sáng ra chữ viết này. Thứ chữ viết này ban đầu được các nhà truyền giáo sử dụng, sau đó, được toàn thể dân Việt Nam dùng và biến nó thành chữ quốc ngữ, một phần dưới tác động của chế độ chính trị người Pháp tại Việt Nam. Tất cả các quốc gia Đông Á ước ao có hệ thống chữ viết riêng cho quốc gia mình y như chữ Quốc ngữ này vậy.
Hiện nay, nhờ hệ thống mạng lưới vệ tinh, một số người có chủ trương phục hoạt khối chữ vuông cho Việt Nam, vịn cớ trở lại truyền thống văn hóa tam giáo và nguồn gốc phương Đông, như một tư tưởng phần nào mặc cảm chống lại phương Tây, chống lại tàn tích của chủ nghĩa thực dân
Bản thân Alexandre de Rhodes đã viết như sau: “Chúng tôi khởi hành từ Macao vào tháng 10 năm 1624 và sau mười chính ngày thì tới Đàng Trong, tất cả đều hồ hởi bởi hoạt động tốt. Ở đó chúng tôi gặp cha Pina, ngài rất thông tạo tiếng xứ này, một thứ tiếng khác hẳn tiếng Tàu. Tiếng mới này còn thông dụng ở Đàng Ngoài, ở Cao Bằng, ở Đàng Trong và người ta còn nghe và hiểu ở ba xứ lân bang khác. Đối với tôi, thú thật vừa tới Đàng Trong và nghe dân xứ này nói, nhất là phụ nữ, tôi tưởng như nghe chim hót và tôi không bao giờ mong có thể học được.
Hết các tiếng đều độc vận và chỉ phân biệt ý do nhiều giọng nói khác nhau. Một chữ như “đại” chẳng hạn, có tới hai mươi ba nghĩa hoàn toàn khác nhau, do cách đọc khác nhau, vì thế khi nói thì như ca như hát. Tôi đã đề cập tới nhiều hơn trong cuốn Lịch sử Đàng Ngoài. Căn cứ vào đó thì thấy học thứ ngôn ngữ này không phải là dễ.
Vì thế mà tôi thấy cha Fernandez và cha Buzomi phải dùng thông ngôn để giảng, chỉ có cha Francois de Pina không cần thông ngôn vì nói rất thạo. Tôi nhận thấy bài ngài giảng có ích nhiều hơn bài các vị khác. Điều này khiến tôi tận tuỵ học hỏi, tuy vất vả, thế nhưng khó ít mà lợi nhiều. Tôi liền chuyên chú vào việc. Mỗi ngày tôi học một bài và siêng năng như khi xưa vùi đầu vào khoa thần học ở Rôma. Chúa đã cho tôi trong bốn tháng tôi đủ khả năng để ngồi tòa giải tội và trong sáu tháng tôi đã giảng được bằng ngôn ngữ Đàng Trong và cứ thế tôi tiếp tục trong nhiều năm. Tôi khuyên tất cả các vị nhiệt tâm muốn tới những tỉnh dòng chúng tôi để chinh phục các linh hồn, thì nên chuyên cần ngay từ buổi đầu. Tôi cả quyết rằng hiệu quả của việc trình bày các mầu nhiệm trong ngôn ngữ của họ thì vô cùng lớn lao hơn khi giảng bằng thông ngôn: thông ngôn chỉ nói điều mình dịch chứ không sao nói với hiệu lực của lời từ miệng nhà truyền đạo có Thánh Thần ban sinh khí.” [40]
Tuy nhiên, de Rhodes rõ ràng đã có công lớn trong việc hệ thống hóa việc ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái La tinh một cách đầy đủ. Nhờ cuốn từ điển Việt-Bồ-La của ông, chữ Quốc ngữ mới bắt đầu phổ biến trong cộng đồng Ki-tô giáo Việt Nam, đặt nền móng cho việc sử dụng rộng rãi sau này.
Mới đây tác giả linh mục Roland Jacques [41] thuộc một Trường Đại Học St Paul Canada làm một công việc rất có ý nghĩa là khai thác những nguồn tài liệu Tây, Bồ, Ý, Đức… làm sáng tỏ va chi tiết hóa những phần đóng góp cụ thể của các thừa sai quốc tịch khác cùng với dóng góp của Đắc Lộ.
Nếu có một sự ngộ nhận nào, có thể quan điểm nghiên cứu của Roland Jacques làm cho người khác có thể hiểu là vỉ Đắc Lộ là người Pháp. Mà vì người Pháp vào một giai đoạn đang quản trị Đông Dương, nên có thể các nhà nghiên cứu Pháp và những người Việt Nam khác có thể đề cao công trạng của Đác Lộ, một thừa sai người Pháp, thái quá chăng?
Về phía người Việt, có lẽ Nguyễn Khắc Xuyên là một học giả thực hiện nhiều nghiên cứu và dịch thuật công trình của Đắc Lộ cũng nhìn nhận là các nhiều thành phần khác nhau góp phần vào quá trình hoàn thành Chữ Quốc Ngữ. Nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xuyên có thể chưa hay phong đủ điều kiện để khai thác những tài liệu bằng các ngôn ngữ khác của các thừa sai làm việc với hày sau Đắc Lột tại Việt Nam vào thời điển đó hay sau này.
F. Vấn Đề Truyền Giáo Và Giáo Lý Hội Nhập Văn Hóa Bản Địa
Buổi ban đầu của lịch sử Công giáo Việt Nam trước thể kỷ XVII, có nhiều điều cho đến nay vẫn còn mù mờ. Người ta chỉ biết
Những chuyến truyền giáo này chỉ có tính tạm thời và không mang lại nhiều kết quả. Chỉ từ khi các thừa sai dòng Tên đặt chân tới đất Việt (1615) công cuộc truyền giáo mới thực sự trở nên khởi sắc.
Thứ nhất, linh mục Đắc Lộ có sáng kiến truyền giáo ở Đàng Ngoài là khéo léo vận dụng các hiểu biết khoa học để thuyết phục người nghe, như kiến thức về điạ lý, về thiên văn
Thứ hai, đặc điểm được nhiều nhà nghiên cứu nhận đình giúp Đắc Lộ gặt hái được nhiều thành công là biết vận dụng tối đa ngôn ngữ địa phương.
Thứ ba, Đắc Lộ còn tỏ ra rất nhạy bén trước nhu cầu của người nghe. Ngoài ra, linh mục cũng rất uyển chuyển khi trình bày về đạo Chúa, mặc dù vẩn chưa thoát khỏi những thành kiến chung của cộng đoàn Cộng giáo vốn có nhiều thánh kiến với các tôn giáo khác.
Thứ tư, giống như các thừa sai dòng Tên khác, linh mục Đắc Lộ rất quan tâm đến các phong tục tập quán địa phương và đưa ra những thích ứng phù hợp. Những tập tục dị đoan của người Việt lúc đó trong ba ngày Tết đã được thay bằng ba ngày dâng kính Ba Ngôi Thiên Chúa. Tục dựng cây nêu cũng được thay thế bằng việc dựng cây thánh giá. Linh mục cũng đã làm cho các lễ nghi Công giáo mang mầu sắc riêng phù hợp với tâm tình của người Việt.
Nhiều sáng kiến của linh mục trong lĩnh vực này tỏ ra có hiệu quả rất lớn và còn được người Công giáo Việt Nam lưu giữ cho tới ngày nay như làm phép nến vào dịp lễ Nến, dùng lá dừa thay lá ô liu vào dịp lễ Lá, ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó Chúa Giêsu vào Mùa Chay... Ngoài ra, cha còn khuyến khích giáo dân sáng tác và phổ biến thơ văn về đạo. Những tác phẩm này đã góp phần không nhỏ vào việc giới thiệu Chúa cho người khác.
Sau cùng, vai trò to lớn của Hội Thầy Giảng trong lịch sử Giáo Hội miền Bắc suốt mấy trăm năm là một bài học lớn cho việc tổ chức các hội đoàn, các cộng đoàn dòng tu trong Giáo Hội Việt Nam ngày nay. Phải nói cho công bình đầy đủ. Công trình có ý nghĩa nhất là Đắc Lộ đã đề nghị với Tòa Thánh một phương án truyền giáo mà sau này phát sinh Hội Thừa Sai Balê truyền giáo cho khắp vùng Đông Á trong đó có Việt Nam, Hội Thừa Sai là hệ quả gần nhất trong sáng kiến truyền giáo của Đắc Lộ.
Tác phẩm
Ngoài Tự Điển Việt-Bồ-La Dictionarium annamiticum seu tunquinense lusitanum et latinum được Thư viện Quốc gia Bồ Đào Nha scan và đưa lên mạng Internet, còn có nguyên bộ các tác phẩm khác trong ấn bản đầu tiên ở thập niên 1650 mà Giáo sĩ Đắc-Lộ viết bằng tiếng Latinh và tiếng Pháp có thể tìm thấy tại Thư viện Maurits Sabbe của Đại học Công giáo tại Louvain (Université catholique de Louvain) tại Bỉ. Ngoài ra, có thêm một số ấn bản hoặc tái ấn bản cũng được tìm ra trong cơ sở dữ liệu PORBASE của Liên hiệp các thư viện ở Bồ Đào Nha.
Lưu niệm
Năm 1943, chính quyền thuộc địa Đông Dương phát hành một con tem 30 xu để tôn vinh những đóng góp của ông trong quá trình phát triển tiếng Việt.
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng phát hành một bộ tem 4 con kỷ niệm 300 năm ngày mất của ông, nhưng ra trễ 1 năm (phát hành ngày 5 tháng 11 năm 1961). Tên ông được đặt cho một trường trung học và một con đường ở Tp HCM. Hiện nay vẫn còn tượng ông đặt tại Viện Ngôn ngữ học Việt Nam để tưởng nhớ tới công lao và những đóng góp của ông trong việc phát triển chữ Quốc ngữ.
Năm 2001 nghệ sĩ Việt Nam Nguyễn Đình Đáng sáng tác một bức tranh tôn kính Alịchsơn Đắc Lộ và Nguyễn Văn Vĩnh. Chú thích 5 của Wikipedia về Alexamdre de Rhodes bằng tiếng Anh có nói đến biến cố này.
Bản đồ "Annam" do Alexandre de Rhodes (1651) phác hoạ cho thấy "Cocincina" (Đàng Trong, trái) and "Tvnkin" (Đàng Ngoài, phải).
Sách Giáo Lý Việt La do Alexandre de Rhodes soạn thảo
Một trang cuốn tự điền do Alexandre de Rhodes biên soạn và xuất bản năm 1651, Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum.
Đắc Lộ biên soạn nhiều cuốn sách về Việt Nam gồm có:
Histoire dv royavme de Tvnqvin, (Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài), xuất bản tại Rôma năm 1650
Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Tự Điển Việt Bồ La), xuất bản tại Rôma năm 1651
Rhodes of Viet Nam: The Travels and Missions of Father Alexander de Rhodes in China and Other Kingdoms of the Orient (Đắc Lộ của Việt Nam: Hành Trình và Truyền Giáo của Cha Alịchsơn Đắc Lộ), Bản dịch tiếng Anh xuất bản năm 1966.
Ông biên soạn Tunchinensis historiæ libri duo (Lịch Sử Đà ng Ngoài Cuốn Hai), xuất bản năm 1652) và cuốn La glorieuse mort d'André, Catéchiste (Cái Chết Vinh Hiển Của Thầy Giảng Anrê, xuất bản năm 1653), và cuốn Catechismus (Giáo Lý, xuất bản năm 1658).
Đắc Lộ trảì qua 12 năm tại Việt Nam, nghiên cứu học hỏi dưới quyền một linh mục dòng Tên khác là linh mục Francisco de Pina. Chú thích số 4 của Wikipwedia có nói đến điều này.
Thử Đi Đến Một Kết Luận
1. Trong bối cảnh có tự do ngôn luận ở hải ngoại, trong chứng mực nhất định, quyền tự do đó cũng có thể bị những cá nhân hay bộ phận tình báo ngoại vận của Đảng Cộng SảnViệt Nam ở trong nước chủ động chỉ đạo. Đồng thời cũng có những tiếng nói của nhà nghiên cứu này khác lên tiếng nhưng không luôn có trách nhiệm và căn cứ khoa học khi nói đến một nhân vật hay sự kiện quá khứ.
Nhiều tác giả nói đến Đắc Lộ như một phong trào tái phê phán những nhận định đã thành hình về nhân vật Đắc Lộ và vì thành kiến tiêu cực đã có đối với Dòng Tên từ những thế kỷ trước, nhất là sau cuộc Cải Cách Tin Lành ở Phương Tây..
2. Đồng thời trong nước quyền tự do ngôn luận của công dân trong nước ấy lại bị chính quyền tước đoạt, chỉ để chính quyền độc đoàn lèo lái công luận, và cho phép những bải viết nào có ý kiến phù hợp với quan điểm lập trường của Đảng Cộng Sản Việt Nam được công bố.
Đối với Đắc Lộ, dường như Đảng Cộng Sản phải miễn cưỡng chấp nhận công lao trong quá trình hình thành chữ quốc ngữ. Trong quá trình đấu tranh, Đảng đã lợi dụngchữ quốc ngữ, nếu không hoàn toàn thật lòng tôn trọng và nhìn nhận công lao ấy. Bằng chứng là Đảng đã âm thầm cho thành lập Hội Truyền Bá Chữ Quốc Ngữ [42] để tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch tuyên truyền chủ nghĩa Cộng Sản, nnúp dưới chiêu bài dạy chữ để mở mang dân trí.
Nhưng mặt khác chủ nghĩa Cộng sản Việt Nam không muốn công nhận việc truyền bá Công giáo ở Việt Nam, vì không chấp nhận tôn giáo. Nhất là đảng có thành kiến trong việc Đắc Lộ có sáng kiến truyền giáo, khi đề nghị Tòa Thánh Vatican lập một Hội Truyền Giáo cho Việt Nam và Đông Á. Về sau trong thực tế, Hội này là chính Hội Thừa Sai Ba Lê. Trong con mắt của người Cộng sản và nhiều thành phần nho sĩ, quan lại bảo thủ, thì trong lịch sử Việt Nam, Hội Thừa Sai Balê là một công cụ. Nếu Hội ấy và hàng giáo sĩ bản xứ có liên quan không trực tiếp phục vụ cho chủ nghĩa thực dân Pháp, thì cũng có nhiều hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho sự bảnh trướng chủ nghĩa ấy ở Việt Nam
Nhưng, dù trong lịch sử do có tranh chấp quyền lợi và uy tín với Bồ Đào Nhà và Tây Ban Nha, người Pháp, cá nhân hay tập thể, có thể có phần đề cao có thể quá mức vai trò của Đắc Lộ. Dù vậy, người nghiên cứu phải công nhận các thành tích của Đắc Lộ trong quá trình hình thành nền văn hóa quốc ngữ ngày nay. Nền văn hóa ấy kế thừa văn hóa truyền thống ở một giai đoạn lịch sử Việt Nam, xây dựng trên nền tảng và tinh thần của chữ Hán và chữ Nôm
3. Đối với Giáo Hội Việt Nam, Đắc Lộ là vị tông đồ đáng chú ý nhất trong việc hệ thống hóa những công lao của các thừa sai tiên phong thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Nhờ đó Đắc Lộ đáng ghi tên tuổi hơn cả trong số những thừa sai đầu tiên đến đặt nền móng cho Giáo Hội Việt Nam và là người có nhiều công lao và sáng kiến trong việc thành lập Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Ba Lê (quen gọi là Hội Thừa Sai Balê) dẫn đến việc thành hình hàng Giáo sĩ bản quốc dù có những trở ngại, tranh chấp khó nhọc trong công việc truyền giáo trên đây.
Đối với dân tộc, xã hội và quốc gia Việt Nam, người ta cũng không quên Đắc Lộ có nhiều cố gắng cụ thể hữu hình lớn trong việc lập chữ quốc ngữ và là tác giả nhiều cuốn sách có giá trị về văn hoá với những tài liệu quí giá về lịch sử quốc gia, về ngôn ngữ cũng như về tập tục xã hội, đồng thời làm sáng tỏ xã hội và văn hóa Việt Nam Việt bên trời Âu nói riêng và trên toàn thế giới. Người ta không quá lời khi tán dương Đắc Lộ là nhà truyền giáo, đồng thời nhà ngữ học, sử học, dân tộc học, văn hóa học, … Nói tóm lại Đắc Lộ là một kho tàng và bộ óc bách khoa về Việt Nam vào thế kỷ XVII
Một Số Nguồn Tin Tham Khảo
Anh Tran, SJ, anh tran (Georgetown Jesuit Community. Box 571200 Washington, DC 20057-1200): Emails Sun, Feb 8, 2009 at 12:59 PM; Sun, Feb 8, 2009 at 2:34 PM Re: Loi The Dong Ten (1, 2) – Email ngày 2009/2/26 và nhiều email tiếp theo
Alexandre de Rhodes, Divers voyages et missions, bản dịch của Hồng Nhuệ: Hành Trình và Truyền Giáo, tủ sách đại kết, TP. Hồ Chí Minh 1994
Alexandre de Rhodes, Histoire du Royaume de Tunquin, bản dịch của Hồng Nhuệ: Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, tủ sách đại kết, TP. Hồ Chí Minh 1994
Kim Ân: ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ VIỆC TRUYỀN GIÁO CỦA CHA ALEXANDRE DE RHODES TẠI ĐÀNG NGOÀI TỪ NĂM 1627-1630
http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=70&ia=1106
http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2009/02/09/doi-dieu-suy-nghi-
ve-viec-truyen-giao/
Đỗ Quang Chính Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ 1620-1659, Ra Khơi, Sàigòn 1972
Đỗ Quang Chính: TRÌNH ĐỘ CHỮ QUỐC NGỮ CỦA LM. ĐẮC LỘ TỪ NĂM 1625 ĐẾN 1644 http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=64&ia=576
Chu Vuong auguschu@yahoo.com (Sàigòn Việt Nam): email Sun, Feb 8, 2009 at 1:53 AM. Re: Alexandre de Rhodes (1591-1660)
Nguyễn Chí Công, Chữ Quốc ngữ, Đông Kinh nghĩa thục và vấn đề cải cách chữ Việt trong thế kỷ XX
http://news.vnu.edu.vn/ttsk/Vietnamese/C1737/C1757/C2030/2007/05/N17555/?35
Nguyễn Đình Đầu: “Về Bài Báo Vu Khống Và Phỉ Báng Cha Ðắc Lộ”. Nguyệt san Công Giáo và Dân Tộc, số 145 (Tháng 1/2007)
1) Rhodes có đạo văn hay không?
2) Ðã đạo văn lại "tự ý ghép tên mình thêm chữ "de" kệch cỡm" khi Rhodes trở về Âu châu cho ra từ điển ấy?
3) "Không biết lễ chủ nhật nằm ở đầu tuần hay cuối tuần nên Rhodes sinh ý Phép giảng tám ngày"!
4) "Alexandre trôi dạt vào Iran cho đến một ngày... chết ở Ispahan (in nhầm là Isfahan cũng như bìa sách Từ điển Việt Bồ La, in sai tên Annam thành Annnam)... kết thúc một đời tu hành gian trá".
http://sinhvienconggiao.net/20/2593/VeBaiBaoVuKhongVaPhiBangCha%C3%90acLo.aspx
Âu Vĩnh Hiền, NGUỒN GỐC CHỮ QUỐC NGỮ VỚI ĐẮC LỘ- ALEXANDRE DE RHODES (trích Hồn Quê)
http://mail.google.com/mail/#inbox/11fb893b602d659b
Nguyễn Hòa, “Những băn khoăn từ lá thư trả lời của ông Nguyễn Hoà” talawas ngày 1.4.2006
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6826&rb=07
L.m. Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo ở Việt Nam, NXB Hiện tại 1959
Tập I [http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=detail&ib=110]
Tập II {http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=detail&ib=109]
Phạm Văn Hưởng:”Đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ”. Lao Động Chủ Nhật (7/1/2007)
Bùi Kha, Alexandre de Rhodes chữ Quốc ngữ và quan điểm chính trị
http://mail.google.com/mail/#inbox/11f549887dcbf020
http://uk.blog.360.yahoo.com/blog-pAUoc7MjdKiGldMK2dt8RmklqkpJ?p=194
Bùi Kha, LINH MỤC ĐẮC LỘ BIỆN CHÍNH VỚI ÔNG NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU
http://giaodiemonline.com/2009/02/bienchinh.htm
Bùi Kha, Chữ Quốc ngữ của chúng ta ngày nay có từ bao giờ
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6987&rb=0302
Bùi Kha, A. de Rhodes, trả lời các ông Phạm Quang Tuấn và Phong Uyên
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=7212&rb=0302
Bùi Kha, Giáo sĩ dòng Tên Alexandre de Rhodes (1591-1660)
http://giaodiemonline.com/2008/07/dihai.htm
Bùi Kha, “Alexandre de Rhodes - Đối luận với tác giả Hoàng Hưng”
http://www.chuyenluan.net/2006/200605/0606_17.htm
Bùi Kha, Alexandre de Rhodes và những nhầm lẫn đáng tiếc, Tạp chí Huế xưa ...
Trần Duy Nhiên và Roland Jacques, PHẢN HỒI BÀI VIẾT CỦA GS.TS. PHẠM VĂN HƯỜNG: ĐI TÌM NGUỒN GỐC CHỮ QUỐC NGỮ
http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=1605
[GS TS PHẠM VĂN HƯỜNG: ĐI TÌM NGUỒN GỐC CHỮ QUỐC NGỮ
http://www.nld.com.vn/tintuc/the-gioi/ho-so-tu-lieu/176647.asp
Bản thân tôi cố đi tìm lại nguyên bản đã post lên mạng các bài ngày 27/1/2007 từ trang 30-33và trong suốt cả năm 2007 từ trang 1-18 trong hồ sơ tư liệu báo Lao Động, nhưng không thấy Ban Biên Tập còn lưu trữ trên mạng.
Điều này cho thấy có thể một ai đó mượn danh TSGS Phạm Văn Hưởng để chống Công giáo bằng cách xuyên tạc bôi bác sự nghiệp và uy tín của Đắc Lộ.]
Chân Luận, Alexandre de Rhodes có “đạo” công trình?
http://vslchannel.blogspot.com/2007/03/alexandre-de-rhodes-c-o-cng-trnh.html
Minh Nguyệt Soeur Jean Berchmans, Linh Mục Alexandre De Rhodes, “Giáo Sĩ Đắc-Lộ”, I. THỪA SAI DÒNG TÊN NGƯỜI PHÁP, VỊ KHAI SINH CHỮ QUỐC-NGỮ II. LINH MỤC ALEXANDRE DE RHODES, “GIÁO SĨ ĐẮC-LỘ”, THỪA SAI TẠI VIỆT-NAM.
http://www.binhcang.com/giaosidaclo.html
http://sinhvienconggiao.net/20/2532/LinhMucAlexandreDeRhodesGiaoSiDacLo.aspx
Peter C. Phan MISSION AND CATECHESIS: ALEXANDRE DE RHODES AND INCULTURATION IN SEVENTEENTH-CENTURY VIETNAM. Faith and Culture. Maryknoll, N.Y.: Orbis, 1998. Pp. xxiii + 324. $50.
Trần Gia Phụng, Lịch Sử Chữ Quôc Ngữ. Liên Lạc Nhân Văn Tháng 11/2008 website ttntt.free.fr/
Roland Jacques (Dương Hữu Nhân), Portuguese Pioneers of Vietnamese linguistics Liên Lạc Nhân Văn Website http://ttntt.free.fr/
Roland Jacques: Công cuộc truyền giáo tại Quảng Nam năm 1623 và vấn đề ngôn ngữ. Bức Thư của Francisco de Pina http://ttntt.free.fr/
Roland Jacques : Huynh Rafael da Madre da Deus (1571-1606), nhà truyền giáo Dòng Augustinô ở Quảng Nam vào khoảng năm 1595-1605. LLNV Th.3/2006 wesite http://ttntt.free.fr/
Roland Jacques : Tương lai giáo hội Việt Nam tại Viễn Đông và những đối thoại liên văn hóa hôm nay Tháng 2/2008 Website Liên Lạc Nhân Văn http://ttntt.free.fr/
Roland Jacques (Đại Học St Paul Canada): Các biên khảo về chữ quốc ngữ và thời kỳ đầu của giáo hội Việt Nam. Liên Lạc Nhân Văn số đặc biệt 1. http://ttntt.free.fr/
Roland Jacques : Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam” - Les missionnaires portugais et les débuts de l’église catholique au Viêt-nam”. 2004, NXB Định Hướng Tùng Thư, TTNTT, http://ttntt.free.fr/
[Cuốn một 424 trang, đặc biệt nói đến thời kỳ sơ khai của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam với sự hiện diện của các nhà truyền giáo tiên khởi thuộc Qui Chế Bảo Trợ (Padroado) Bồ Đào Nha, và công trình của các vị truyền giáo nầy trong sáng kiến và xây dựng công trình chữ quốc ngữ (vần latinh). Ngoài ra tác giả còn đưa ra những chứng liệu về sáng kiến dùng vần latinh trong thời kỳ nầy cho Nhật ngữ và Hoa ngữ.
Cuốn hai 224 trang, dành một phần lớn nói đến chân phước Anrê Phú Yên, vị thế và vai trò của người anh hùng giáo dân, thầy giảng 19 tuổi, vị tử đạo đầu tiên trong thời kỳ đầu của Giáo hội công giáo Việt nam.]
Võ Long Tê, Lịch sử Văn học công giáo Việt Nam, Tư Duy, Sàigòn 1965
Chương Thâu: Từ một câu chữ của Alexandre de Rhodes đến các dẫn dụng khác nhau 2.6.2006
Phạm Huy Thông, NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA ĐẠO CÔNG GIÁO VỚI VĂN HOÁ VIỆT
www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=56&ia=5156
Cao Huy Thuần, Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam, 1857-1914 và trong đó không có câu viết của A. de Rhodes. NXB Tôn Giáo 2002
Cao Huy Thuần. Kính gởi Ban Biên tập talawas. 3.6. www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=7319&rb=12
Đông Tỉnh, Lược sử chữ Quốc Ngữ
http://uk.blog.360.yahoo.com/blog-pAUoc7MjdKiGldMK2dt8RmklqkpJ?p=202
Đông Tỉnh, Lược sử Chữ Quốc Ngữ (Ashort history of Vietnamese writing system)
http://dongtac.net/spip.php?article34
Trần Văn Toàn, Chữ quốc ngữ và chữ nôm - Tự vị Taberd và di sản văn hóa Việt Nam (bài 1)
http://www.vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=29697
Huỳnh Ái Tông: Nguồn Gốc Chữ Quốc Ngữ
http://vietsciences.free.fr/vietnam/tiengviet/nguongocchuquocngu1.htm
Huỳnh Ánh (Ái?) Tông, Chữ Quốc ngữ của chúng ta ngày nay có từ bao giờ
http://svnhanvan.org/forum/index.php?PHPSESSID=a5a6a9cd8be5504582635fd1799c7146&topic=
95.msg673#msg673
UCAN, VIETNAM CATHOLICISM ENRICHED VIETNAMESE CULTURE
http://www.ucanews.com/2001/02/16/catholicism-enriched-vietnamese-culture/
Nguyễn Khắc Xuyên (d ịch): NGỮ PHÁP TIẾNG VIỆT CỦA ĐẮC LỘ 1651
http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailbook&id=85&ib=179
Catholicisme: Le serment secret des Jésuites.
http://www.voxdei.org/afficher_info.php?id=14257.104
Compagnie de Jésus - Wikipédia
fr.wikipedia.org/wiki/Ordre_jésuite - 90k - Cached - Similar pages -
Internet Archive: Details: Histoire de la Compagnie de Jésus en ...
Histoire de la Compagnie de Jésus en France : des origines à la suppression (1528-1762) (1922). Author: Fouqueray, Henri, 1860-1927 www.archive.org/details/histoiredelacampagnie03fouquoft - 14k - Cached - Similar pages
Chữ quốc ngữ trong chuyên m ục ở Website dunglac.org
http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=subject&is=21
www.encyclopedia.com/doc/1P3-44504369.html
http://en.wikipedia.org/wiki/Alexandre_de_Rhodes
http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&id=64
http://www.amazon.com/exec/obidos/search-handle-url/ref=ntt_athr_dp_sr_1?%5Fencoding=
UTF8&search-type=ss&index=books&field-author=Peter%20C.%20Phan
http://www.manresa-sj.org/stamps/1_Rhodes.htm
http://www.binhcang.com/giaosidaclo.html
http://www.highbeam.com/doc/1G1-54989043.html
rarfaxp.riken.go.jp/~dang/rhodes_motive.html
http://vi.wikipedia.org/wiki/Pigneau_de_Behaine
New World Order (conspiracy theory)
http://www.catholic.com/library/sr_chick_tracts_p4.asp
http://en.wikipedia.org/wiki/Alberto_Rivera
http://en.wikipedia.org/wiki/Alberto_Rivera#cite_note-CORNERSTONE-0#cite_note-CORNERSTONE-0
http://web.archive.org/web/20051202084221/http:/www.cornerstonemag.com/pages/show_page.asp?228
http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%AB_%C4%91i%E1%BB%83n_Vi%E1%BB%87t-B%E1%BB%93-La
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=7314&rb=0302
Oakland, CA 7/2/2009.7
Đỗ Hữu Nghiêm