Nhà cầm quyền đề cao BS Yersin là một vĩ nhân của nhân loại, một nhà nhân văn lớn, đặt cơ sở cho công tác nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.
Dưới thời Pháp thuộc, nhất là trong giới giáo dục, khi nói tới Đà Lạt là nói tới trường trung học Pháp Yersin, tiếng Pháp gọi là Lycée Yersin.
Trường được xây vào năm 2004, dành cho con cháu của những người giàu có trong nước, cho nên đa số những học sinh xuất thân từ trường này đều giữ những địa vị cao trong chính phủ hay ngoài xã hội.
Dưới thời Pháp thuộc, Đà Lạt không có chương trình trung học Việt Nam. Do một sự tình cờ may mắn, người viết, lúc đó đang học đại học ở Hà Nội, được chọn vào Đà Lạt để thiết lập chương trình trung học cho người dân ở đây. Năm ấy là năm 1952.
Trường Yersin có một tháp cao, trông giống như tháp cao của Thánh đường Công giáo, đứng đàng xa thấy nó nhô lên thấp thoáng giữa hàng thông cao, trông thật là ngoạn mục và thơ mộng. Học sinh cũ của trường trước năm 1975 thường hàng năm từ nhiều nơi trên thế giới, hẹn nhau về gặp gỡ ở đây, để ôn lại những ngày xưa cũ, trong một khung cảnh êm đềm và hạnh phúc. Trong những kỷ niệm và quang cảnh cũ, ngôi tháp cao của trường bao giờ cũng là hình ảnh quen thuộc và ấn tượng nhất.
Dù Đà lạt có trường trung học mang tên Yersin nhưng Bác sĩ Yersin lại không chọn xứ hoa anh đào làm quê hương thứ hai của mình mà chọn Nha Trang làm nơi ở vĩnh viễn trong thời gian dài gần 60 năm.
Bác sĩ có một cái tên Việt Nam là Ông Năm, và chính ngôi nhà sơn màu trắng của ông mà người ngoại quốc lúc cập tầu vào bến, khi nhận thấy nó nhô lên trên bờ cát thì biết rằng tầu đã gần tới bờ. Có người còn cho rằng tên gọi Nha Trang xuất xứ từ Nhà Trắng của BS Yersin mà ra. Nhưng trên thực tế không phải như vậy. Như người viết đã thưa với độc giả, Nha Trang xuất phát từ thổ âm tiếng Chăm là Ea Trang, Ea là con sông, còn Trang là lau sậy, thành phố xây dọc bờ sông có nhiều lau sậy.
Trong những tài liệu về cuộc đời của BS Yersin qua sách vở, báo chí và Internet, theo người viết, không có tài liệu nào đầy đủ, súc tích như trong cuốn sách “Khánh Hoà Nha Trang” do nhà Xuất bản Chính Trị Quốc Gia in ở Hà Nội, vào năm 2004. Người viết xin được trích dẫn nhiều chi tiết từ cuốn sách này, đặc biệt là chương dành cho cuộc đời và sự nghiệp của BS Yersin, tên đầy đủ là Alexandre John Emile Yersin (1863-1943).
Theo di chúc, người ta đã chôn cất ông trên đỉnh đồi nhỏ ở Suối Dầu ở ngoại thành Nha Trang, trên đường đi Cam Ranh. Cho tới tận ngày hôm nay, trên nấm mộ xây hình chữ nhật có hình ông trên mộ chí, hàng ngày vẫn có người đến đặt hoa tươi và thắp nhang để tỏ lòng biết ơn và tôn kính. Ngoài ra, bên phải phần mộ, có một miếu thờ nhỏ, trên nóc có hai con rồng chầu Nguyệt.
Trong số những người tới đặt hoa và thắp nhang trên phần mộ của ông, không phải chỉ có người dân địa phương mà còn có nhiều người Pháp, Thụy Sĩ, Canada, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, các nhà khoa học và du khách trong và ngoài nước.
Cuộc đời ly kỳ của BS Yersin:
Cuộc đời một vĩ nhân thường có những chi tiết ly kỳ, không phải ly kỳ ở chỗ quyền qúy cao sang, mà ly kỳ ở những nét đơn sơ mộc mạc trong đời sống hàng ngày mà ta không gặp ở những giai cấp cao sang quyền quý. Nói một cách tổng quát, BS Yersin là một con người rất đơn sơ mộc mạc, khi sống cũng như khi chết.
Đám tang chính thức do chính quyền Pháp tổ chức theo di ngôn của ông, diễn ra thật lặng lẽ, không điếu văn, không kèn trống, không vòng hoa. Phải chăng đó là một đám tang mẫu mực của sự bình dị, đám tang của một vĩ nhân?
Chính cuốn sách Khánh Hòa Nha Trang do nhà xuất bản chính trị quốc gia phát hành, đã đặt câu hỏi như vậy!
Thế mới biết con người ta được gọi là vĩ nhân, không phải ở đám tang lớn hay nhỏ mà là ở sự nghiệp để lại cho hậu thế nhỏ hay lớn?
BS Yersin sinh trưởng ở Pháp nhưng vì hoàn cảnh đặc biệt của đất nước vào thời đó, đã phải định cư ở Thụy Sĩ vì cha ông là người Thụy Sĩ. Thân sinh của ông là một giáo viên dạy trung học, nhưng đồng thời cũng là một nhà khoa học tự nhiên nổi tiếng, ông mất sớm khi Yersin vừa lọt lòng mẹ. Có lẽ vì mất cha từ sớm lại suốt đời mải mê nghiên cứu khoa học nên suốt đời ông thích sống cô đơn, không vợ con, để vùi đầu vào công việc tìm tòi khám phá, đặc biệt là trong những năm tháng ở Nha Trang.
Nhờ có sự hiện diện của BS Yersin ở thành phố Nha Trang mà đô thị này đã nổi tiếng khắp nơi trên thế giới. Và cũng nhờ có sự hiện diện của ông mà một thành phố khác trong nước là thành phố Đà Lạt, thành phố Paris ở phương Đông, cũng đã nổi tiếng khắp nơi trên thế giới như vậy.
Dù tốt nghiệp BS y khoa ở bên Pháp, ông Yersin không muốn chọn quê hương của mình làm nơi hành nghề mà lại chọn một chân trời xa để thi thố tài năng. Vì ưa phiêu lưu mạo hiểm, BS Yersin đã xin hành nghề cho một hãng vận tải đường biển để có dịp đi nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Vào năm 1893, BS Yersin lên vùng Tây Nguyên và đã khám phá ra vùng đất Dankia mà người Việt gọi là Suối Vàng. Khí hậu và quang cảnh ở đây với rừng cây xanh tươi bốn mùa làm cho người bác sĩ trẻ này nhớ lại khí hậu và phong cảnh quê hương của thân sinh của ông ở Thụy Sĩ. Vì vậy ông đã khuyến cáo nhà cầm quyền Pháp chọn nơi đây để thành lập một khu nghỉ mát lý tưởng cho người Pháp và công chức Pháp làm việc ở ba miền Bắc Nam Trung. Đà Lạt trở thành trung tâm nghỉ mát là như vậy và nhờ vào sự khám phá của BS Yersin ở vùng Langbiang mà tên của BS đã được dùng để đặt cho trường học Pháp đầu tiên ở thành phố này.
Nhưng Đà Lạt không phải là nơi thuận tiện để BS Yersin định cư và nghiên cứu. Ông đã chọn thành phố Nha Trang gần biển, có nhiều tầu bè qua lại và khí hậu ấm áp quanh năm. Lúc bấy giờ, Nha Trang mới chỉ là một xóm chài nghèo nàn với vài chục nóc nhà lá thô sơ, lắc lư theo làn gió từ biển thổi vào.
Ông đã mua lại một doanh trại hai tầng của quân đội Pháp làm đại bản doanh và sơn lại mầu trắng, cho nên ông gọi nó là Nhà Trắng. Từ sân thượng của căn nhà này, ông có thể đưa mắt nhìn phong cảnh chung quanh, nhất là mặt biển lúc nào nước cũng xanh biếc, khiến ông nhớ lại những chuyến hải hành trên chiếc tầu của công ty Tầu Biển Messageries Maritimes của người Pháp.
Nói về sự nghiệp khoa học của BS Yersin thì rất nhiều và rất đa dạng. Chính ông là người đã trồng cây ký ninh (quinine) ở Hòn Bà dùng để chữa bệnh sốt rét. Loại cây này chỉ có ở Hà Lan lúc đó mà thôi, và được sản xuất rất ít, không đủ xuất khẩu ra nước ngoài. Vào những năm cuối thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ 20, người Việt Nam chết rất nhiều về bệnh sốt rét cho nên nhờ có BS Yersin mà bệnh này đã có thuốc chữa.
Ngoài ra, vào thời đó, trâu bò thường mắc bệnh dịch tả, và BS Yersin đã sản xuất huyết thanh để chữa trị bệnh này.
Chính BS Yersin là người đầu tiên đã cho trồng cây cao su ở Suối Dầu là nơi ngày nay có mộ của ông và ông cũng là BS lập ra trường Đại Học Y Khoa đầu tiên của Việt Nam ở Hà Nội. Vào thời đó, ai muốn học ngành Y Khoa đều phải ra Hà Nội, và đã có nhiều sinh viên y khoa ở miền Nam và miền Trung tốt nghiệp y khoa ở đây.
Ngày đó và cho đến tận ngày hôm nay, hễ nói đến Bác Sĩ, người ta cứ tưởng là Bác Sỹ Y khoa. Nhưng thực ra danh từ bác sĩ chỉ dùng để chỉ những người uyên bác về nhiều ngành khác nhau như luật khoa, dược khoa, nha khoa. Còn muốn nói đến Bác Sĩ Y khoa thì phải chỉ rõ là Bác Sỹ Y khoa, người Mỹ gọi là Doctor in medicine, viết tắt là M.D.
BS Yersin trút hơi thở cuối cùng vào một buổi sáng mùa Xuân khi vẫn còn đang làm việc trên chiếc ghế xích đu quen thuộc. Người cộng sự vừa bàng hoàng vừa nức nở vuốt mắt cho ông. Ông bình tĩnh và minh mẫn đến lúc nhắm mắt. Ông vẫn còn kịp nói chữ Adieu, tiếng Pháp có nghĩa là vĩnh biệt. Bà con Xóm Cồn từ lớn đến nhỏ đều khóc thương và để tang ông, như một người ông, một người cha chung, một ông Thánh trong lòng họ.
Theo lời ông dặn khi còn sống, khi vào áo quan, hãy đặt ông nằm sấp, như để ông mãi mãi ôm lấy mảnh đất mà ông đã tốn bao nhiêu công sức, thậm chí cả mồ hôi và máu của mình bởi nó là quê hương mà ông yêu mến đến trọn đời.
Còn một Giám Mục người Pháp chọn Di Linh làm quê hương:
Viết về cuộc đời và sự nghiệp BS Alexandre Yersin ở Nha Trang, người viết nhớ tới cuộc đời và sự nghiệp của một vị Giám Mục truyền giáo người Pháp sống chết với người bị bệnh phong cùi ở Di Linh nằm trên con đường đi Đà Lạt. Khi ông là Giám Mục địa phận Sài Gòn, GM Cassaigne đã nhiều lần đến Di Linh thăm trại cùi ở đây và khi thôi chức vụ cũ, GM xin được về Di Linh chung sống với người phong cùi. Chẳng bao lâu, GM cũng mắc bệnh cùi và từ trần vào ngày 31 tháng 10 năm 1973. GM đã chọn Di Linh làm quê hương và nhận những người cùi ở đây là đồng bào của mình.
Khi ngài qua đời, trong 5 ngày đêm, những bệnh nhân phong cùi người Thượng còn khoẻ mạnh, mặc tang phục thay nhau canh thức thi hài của người mà họ gọi bằng cha.
Và trên mộ Ngài ngày nay, hằng ngày vẫn có nhiều người đến cầu nguyện và đặt hoa tươi như trên nấm mộ của BS Yersin ở Suối Dầu, ở ngoại thành Nha Trang.
Nguyễn Trọng