Thứ Tư, 13 Tháng Bảy, 2022

Dọc miền đất nước thời Đông Dương qua ảnh

Nữ phu kiệu ở Đồ Sơn, ngư dân quăng lưới tại Sầm Sơn hay khung cảnh Sài Gòn, Chợ Lớn... thời Đông Dương được lưu giữ qua ảnh đen trắng.

Dọc miền đất nước thời Đông Dương qua ảnh - 1

Hình ảnh các tỉnh thành Việt Nam thời Đông Dương được giới thiệu trong triển lãm "Đông Dương: xứ sở diệu kỳ", bắt đầu ngày 9/7 trên nền tảng trực tuyến. Sự kiện do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức nhằm đưa công chúng trở về với Việt Nam xưa qua những tư liệu, hình ảnh.

Trong hình là Vịnh Hạ Long ở Quảng Yên (nay là Quảng Ninh) năm 1928. Ông Albert Sarraut - Cựu Toàn quyền Đông Dương thuộc Pháp - nhận xét: "Nếu như vào ban ngày, vịnh Hạ Long hiện lên tuyệt đẹp, những hang động kỳ vĩ lại mang đến cho du khách cảnh tượng thần tiên vào ban đêm, khi ánh trăng soi sáng toàn bộ tuyệt tác. Dường như các đường nét sống động hẳn lên, các khối đá ngập trong nước nghiêng đầu vào nhau như đang trò chuyện thân mật".

Dọc miền đất nước thời Đông Dương qua ảnh - 2

Chọi trâu ở Đồ Sơn. Ngày nay, chọi trâu trở thành một lễ hội, là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp vào nhóm "lễ hội lớn của cả nước".

Tư liệu tạp chí Đông Dương từng nhận định: "Đồ Sơn là một bán đảo nhỏ gồm những đồi núi nhấp nhô chạy dài ra biển giữa Cửa Cấm và Cửa Văn Úc. Ở đó, xen giữa cánh rừng thông non là những ngôi biệt thự nằm duyên dáng trên các sườn núi hoặc nép mình dọc bờ biển. Bán đảo dài bảy km, hẹp và ngoằn ngoèo này gần như chạy theo hướng Bắc Tây Bắc - Nam Đông Nam và bị các mỏm đá chia cắt thành nhiều vùng".

Dọc miền đất nước thời Đông Dương qua ảnh - 3

Các nữ phu kiệu tại Đồ Sơn. Thời ấy, ở Đồ Sơn, những ông Tây, bà đầm thường đi lại bằng song loan - ghế mây đặt giữa hai đòn dài. Bốn người sau đó khênh lên vai rồi đi. Ở các nơi khác, phu gánh kiệu thường là nam giới nhưng tại Đồ Sơn, công việc này chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm.

Dọc miền đất nước thời Đông Dương qua ảnh - 4

Toàn cảnh Hà Nội với nhà thờ Cửa Bắc, Hồ Tây, sông Hồng... chụp từ trên cao năm 1951. Ông Albert Sarraut từng nói: "Tôi rất vui khi được thăm thú khắp nơi, qua các thắng cảnh của Hà Nội xinh đẹp, dọc theo Hồ Tây mặt nước dập dềnh lá sen, đến Hồ Gươm có ngôi chùa nhỏ chạm trổ như một món đồ trang sức xinh xắn".

Dọc miền đất nước thời Đông Dương qua ảnh - 5

Nhà hàng Thủy Tạ bên bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Năm 1935, Đốc lý Hà Nội Virgitti ra ý tưởng xây dựng quán trà, cà phê với kiến trúc phù hợp với khung cảnh Hồ Gươm bấy giờ. Hội đồng thành phố sau đó mở cuộc đấu thầu xây dựng và khai thác công trình này. Ngày 30/12/1936, công trình hoàn thành theo kiến trúc Á Đông với mái cong, hệ thống cột trụ tròn. Tòa nhà dài khoảng hơn 50 m, tổng diện tích khoảng 600 m2, nằm uốn cong theo mép Bờ Hồ.

Dọc miền đất nước thời Đông Dương qua ảnh - 6

Nhóm cua-rơ người nước ngoài dừng chân nghỉ trên đường lên núi Ba Vì. Từ những năm 1930 - 1940, người Pháp đã quy hoạch nơi đây trở thành khu nghỉ dưỡng quy mô. G.Tucat - Công sứ Pháp tại Sơn Tây - từng viết: "Khu nghỉ mát Ba Vì nằm trên những chỏm tròn đầy gió và không có sương mù vây hãm. Ở đây, người ta không cảm thấy những tác động do độ cao, nhiệt độ hạ đáng kể vào ban đêm giúp mọi người dễ dàng chìm vào giấc ngủ êm ái".

Dọc miền đất nước thời Đông Dương qua ảnh - 7

Ngư dân giăng lưới tại bãi biển Sầm Sơn. Tư liệu từ Bản tin của Cơ quan Kinh tế Đông Dương ghi rõ: "Thị trấn Sầm Sơn cách Thanh Hóa 16 km, nép mình dưới những rặng phi lao cách biển khoảng một cây số. Nhiều nhà cửa và một khách sạn nhỏ mọc lên bên bờ biển, là nơi trú ngụ của nhiều gia đình từ Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ mỗi khi hè sang".

Dọc miền đất nước thời Đông Dương qua ảnh - 8

Khung cảnh Chùa Cầu, Hội An với người dân mặc trang phục truyền thống đi lại tấp nập.

Cầu ban đầu được khởi dựng bởi các thương nhân người Nhật Bản vào khoảng giữa thế kỷ 16, nên còn có tên gọi là cầu Nhật Bản. Năm 1653, ở sườn cầu phía bắc được dựng thêm phần chùa, làm cho mặt bằng công trình có hình chữ T nên cây cầu được gọi là Chùa Cầu. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cầu là “Lai Viễn Kiều”, với ý nghĩa là "Cầu đón khách phương xa". Theo niên đại được ghi ở xà nóc và văn bia còn lại ở đầu cầu thì cây cầu đã được dựng lại vào năm 1817.

Dọc miền đất nước thời Đông Dương qua ảnh - 9

Biển Nha Trang năm 1930 với các ngư dân đội nón lá làm việc trên các con thuyền bằng nan, gỗ.

Dọc miền đất nước thời Đông Dương qua ảnh - 10

Quang cảnh Sài Gòn - Chợ Lớn nhìn từ trên cao. Ông Albert Sarraut từng nhận xét: "Ngay giữa một khu vườn bất tận được trang trí bằng những hàng cây sum suê, xanh mướt là một thành phố đẹp và đầy sức sống, đang vươn mình với những ngôi nhà phủ đầy sơn trắng, mặt tiền tươi sáng, những dinh thự nguy nga, nhà thờ, bệnh viện, trường học, nhà hát, bến tàu nhộn nhịp, dòng kênh ghe thuyền tấp nập, con phố xôn xao âm thanh của đời sống công nghiệp và thương mại".

Dọc miền đất nước thời Đông Dương qua ảnh - 11

Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh. Công trình do người Pháp xây dựng trong khoảng 1886-1891, mang phong cách châu Âu kết hợp với nét Á Đông theo bản vẽ của kiến trúc sư Villedieu cùng người trợ tá Foulhoux. Thời ấy, khung cảnh phía trước bưu điện còn khá hoang vu.

Dọc miền đất nước thời Đông Dương qua ảnh - 12

Bãi Dứa tại Vũng Tàu khoảng năm 1950 với xe ngựa, một vài hàng quán và nhiều người đang tắm biển. Tư liệu từ Cơ quan Kinh tế Đông Dương ghi: "Bãi biển nhìn ra một vịnh rộng lớn, gọi là vịnh Hàng Dừa, bao quanh là hai ngọn đồi cao vút. Gió mùa mang theo hơi mát tràn vào vịnh mỗi khi hè đến".

 

Hiểu Nhân (ảnh: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước)

Bài viết khác

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art