Thứ Sáu, 01 Tháng Sáu, 2018

Hồi ức thăm thẳm Sài Gòn xưa: Trường Đình

Hồi ức thăm thẳm Sài Gòn xưa: Trường Đình - 1

Cũng như bao nhiêu trường tiểu học công lập tại Sài Gòn thời đó, phải mặc đồng phục áo tay phồng màu trắng với quần đen. Ngày đầu đi học, mặc lên người bộ đồng phục này, tôi buồn quá. Vì không còn được tự do mặc áo đầm đủ màu như thời học mẫu giáo Chim Non. Tóc tôi cũng bị bố bắt cắt ngắn, vì bố bảo cho mát. Điều này cũng làm tôi buồn bã và bất mãn trong lòng nhưng phải nín chịu. Chân mang đôi giầy săng đan, bố bảo để khỏi bị vấp té. Vì thế cả lớp chỉ có vài đứa mang giầy, trong đó có tôi. Còn lại, chúng nó mang dép cao su hay mang dép đủ loại khác…

Vào những năm 1960, cả khu Phú Nhuận chỉ có mỗi một trường tiều học công lập Võ Tánh. Số học sinh mỗi năm mỗi gia tăng mà phòng học cũng chỉ có thế. Phụ huynh phải xếp hàng cả nửa ngày mới xin được cái đơn cho con mình ghi danh vào lớp năm (Lớp một ngày nay).

Ông ngoại đi xếp hàng ghi danh cho tôi. Khi về ông báo rằng vì không đủ lớp học, nên họ mở thêm hai lớp năm ở bên đình gần cổng xe lửa số Bẩy. Và tôi phải đi học ở đó hai năm đầu, khi nào lên lớp ba mới được về trường chính.

Cũng như bao nhiêu trường tiểu học công lập tại Sài Gòn thời đó, phải mặc đồng phục áo tay phồng màu trắng với quần đen. Ngày đầu đi học, mặc lên người bộ đồng phục này, tôi buồn quá. Vì không còn được tự do mặc áo đầm đủ màu như thời học mẫu giáo Chim Non. Tóc tôi cũng bị bố bắt cắt ngắn, vì bố bảo cho mát. Điều này cũng làm tôi buồn bã và bất mãn trong lòng nhưng phải nín chịu. Chân mang đôi giầy săng đan, bố bảo để khỏi bị vấp té. Vì thế cả lớp chỉ có vài đứa mang giầy, trong đó có tôi. Còn lại, chúng nó mang dép cao su hay mang dép đủ loại khác.

Bố sắm cho tôi một cái cặp bằng da bò mầu nâu, loại da mềm, láng bóng. Tôi cũng chẳng thích cái cặp này vì trông nó già quá. Tôi chê nó thì bị bố quát cho nên im lặng chịu đựng. Tôi chỉ thích những cái cặp giống những đứa khác, bằng nylon hay da giả trông giống của trẻ con hơn. Bố cũng mua cho tôi một bình nylon để đựng nước, đeo trên vai. Bố dặn tôi chỉ được uống nước đem theo mà thôi. Ông ngoại mua cho tôi một lọ mực bằng plastic. Ông pha sẵn mực tím cho tôi để cầm theo.

Ông lại đưa đón tôi đi học mỗi ngày. Tôi than với ông rằng cái cặp nặng quá. Ông bảo đưa ông cầm hộ. Tôi chỉ cầm lọ mực và đeo bình nước.

Hồi ức thăm thẳm Sài Gòn xưa: Trường Đình - 2
(Ảnh: WordPress.com)


Con đường từ nhà tôi đến trường đình phải băng qua hai con đường lớn nhiều xe cộ lưu thông là đường Ngô Đình Khôi và đường Công Lý. Khi băng qua đường Ngô Đình Khôi rồi đi thêm độ 40 mét thì rẽ trái vào đường Tự Đức.

Khi rẽ vào đường Tự Đức, phía bên trái có một căn nhà gỗ, sân đất phía trước rộng rãi bề ngang có đến khoảng 10 mét. Nhà được rào bằng kẽm gai. Phía ngoài hàng rào có con ngựa vàng được buộc vào cái cọc ngựa, có máng nước và máng cỏ cho nó ăn uống. Có cái xe ngựa được để gần đó. Tôi nói ngay với ông: “Chắc xe ngựa này chạy qua đường nhà mình mỗi ngày phải không ông?” Ông bảo có lẽ thế.

Con đường này vắng vẻ và ngắn thôi. Cuối đường Tự Đức là đường Công Lý. Bên góc trái của ngã ba này là một nghĩa địa nhỏ, cũ kỹ, có vẻ hoang phế, được rào lại bằng hàng rào kẽm gai. Có lẽ ngày xưa nó lớn hơn, nhưng bị cắt ra làm đường Công Lý chăng? Vì tôi thấy bên kia đường là trường Quốc Anh, phía sau trường lại có một nghĩa địa khác trông từa tựa như nghĩa địa này.

Tôi nhìn vào, có những cái mộ xây bằng đá tàn ong đã ngả màu nâu sẫm, có nhiều nơi đã sụp đổ để hở ra phía trong. Cỏ mọc cao giữa các phần mộ, choáng cả lối đi. Nhiều bia mộ ghi tên người quá cố bằng chữ Pháp. Nơi sinh tại Pháp, nơi chết tại Việt Nam. Thảo nào trông hoang phế cũng phải. Vì con cháu của họ ở tận bên trời Tây, có bao giờ đến đây để thăm viếng hay tu sửa mồ mả của người quá cố? Tuy còn bé, tôi đã thấy buồn trước cảnh hoang phế này.

Băng qua đường Công Lý, đi theo con đường đất rộng nằm bên hông trường tư thục Quốc Anh thì đến khu nghĩa địa dài khoảng hơn mười mét, bề ngang bằng như bề ngang trường Quốc Anh. Trông nó cũng hoang phế y như phần nghĩa địa bên kia.

Hết khu nghĩa địa, rẽ phải, đi ngang qua một bót cảnh sát nhỏ bên trái thì đến đường ray xe lửa.

Bước qua đường ray là vào đến sân đình. Sân đất, bề ngang khoảng hai mươi mét hoặc hơn, bề dài khoảng hơn mười mét thì đến đình. Đình nằm quay mặt ra đường ray. Trước đình có một cây bồ đề cổ thụ, thân nó to lớn phải đến năm đứa học sinh ôm mới hết vòng. Rễ phụ của nó từ trên cây chạy dài xuống lòng thòng, chằng chịt. Rễ con rễ cái thì nổi gồ ghề chung quanh thân cây.

Vào giờ ra chơi, mấy đứa con trai hay nắm vào các rễ phụ lòng thòng này mà đánh đu trông như Tarzan. Mấy đứa con gái chỉ đứng nhìn theo rồi nhe răng cười khoái chí.

Sau này, bọn con gái hay lấy lá bồ đề ngâm cho mục rồi rửa sạch lớp lá ngoài, còn trơ lớp gân lá phía trong thì đem nhuộm màu bằng mực tím hay mực xanh, trông đẹp vô cùng. Đứa nào cũng có vài cái lá màu đem ép trong sách vở của mình.

Đình khá lớn, có một tấm chắn bằng cắt tông ngăn đôi để chia làm hai lớp. Lớp nam sinh và lớp nữ sinh. Tấm chắn này chỉ cao hơn đầu người, phía dưới cách mặt đất khoảng ba tấc. Nếu cúi xuống, có thể nhìn thấy chân bàn ghế của phía bên kia.

Học sinh và phụ huynh đã đứng đầy sân trường. Chỉ chờ thầy cô cho vào lớp mà thôi. Cô giáo phụ trách lớp nữ sinh. Thầy giáo phụ trách lớp nam sinh. Khi gần đến giờ học, thầy cô bước ra kêu gọi nữ sinh xếp hàng bên phía nữ; nam sinh xếp hàng bên phía nam.

Hồi ức thăm thẳm Sài Gòn xưa: Trường Đình - 3
(Ảnh: NgayNay.vn)


Cô giáo nhìn hàng nữ sinh rồi sắp xếp lại, đứa thấp nhất ra phía trước, cao nhất ra phía sau. Tôi bị xếp ra hàng kế chót. Sau tôi có hai đứa cao hơn. Sau khi xếp hàng xong, cô cho vào lớp. Đứa đứng đầu hàng phải lên hàng ghế đầu. Cứ thế mà vào chỗ ngồi theo thứ tự. Tôi lại bị ngồi vào hàng kế chót, cách xa bảng đen. Tôi thấy buồn quá. Vì còn nhớ trường mẫu giáo Chim Non, nên tôi lại so sánh bàn ghế với trường Chim Non. Bàn và ghế ở đây là những băng dài, không sơn màu gì hết, để mộc. Mỗi bàn phía trên có nhiều lỗ để bình mực, phía dưới có hộc để đựng cặp. Năm đứa ngồi một bàn. Riêng bàn tôi chỉ có bốn đứa ngồi. Bàn chót chỉ có ba đứa. Lớp học có khoảng mười dãy ghế. Dãy ghế sau cùng cách bức tường phía sau cũng là bức tường của phía trước đình một khoảng trống khoảng ba mét.

Bên trong đình cũng tối tăm vì không có nhiều ánh sáng lọt vào. Phía trong và ngoài đình được quét vôi màu vàng nhạt. Tôi có thể nhìn thẳng lên mái ngói màu nâu phía trên và những cây đà bằng gỗ chạy ngang dọc phía trên đầu. Cửa vào đình không có cánh cửa để đóng lại. Hai bên đình có vài cái cửa sổ và hai cái cửa ra vào cũng không có cánh cửa. Ghế của tôi nằm ngay cái cửa ra vào này. Tôi lại ngồi cuối bàn, nghĩa là sát bên cửa. Cái nền nhà cao hơn mặt đất có đến sáu tấc là ít. Tuy ngồi sát cửa, tôi chẳng dám phóng xuống sân mỗi khi ra chơi, vì sợ té. Tôi đi ra đi vào bằng cửa chính để leo các bậc tam cấp cho an toàn.

Tôi học lớp buổi sáng, nên trời chưa sáng tỏ ông đã đưa tôi đi. Khoảng cách từ đường Ngô Đình Khôi đến đường Tự Đức chỉ vài chục thước mà có những con ruồi xanh nằm lơ lửng trong không gian, ngay trước mặt. Chúng nó nằm yên như đang ngủ, khi có người đến gần thì búng qua một bên. Tôi hỏi ông sao nhiều ruồi xanh quá vậy, bộ chúng nó đang ngủ hay sao? Ông bảo đó là những con nhặng, ruồi thì bé hơn. Buổi trưa khi đi về thì không thấy chúng nữa.

Tiếng của cô giáo thì nhỏ, ngồi xa có lúc không nghe rõ. Đã thế tiếng của ông giáo già ở lớp nam sinh lại cứ oang oang, có lúc lấn át cả tiếng của cô giáo phía bên này.

Thỉnh thoảng có chuyến tàu lửa chạy ngang qua, tiếng còi tàu hú lên từ xa, khi đến gần, tiếng tàu chạy kêu sầm sập rồi lại hú lên một hồi nữa khiến cô phải ngừng lại chờ cho tàu qua khỏi mới nói tiếp. Lũ học sinh bao giờ cũng quay ra xem tàu chạy rồi vẫy tay reo hò. Những hành khách trên tàu cũng đưa tay vẫy lại. Thế là cả hai bên cùng vui vì những cái vẫy tay như lời chào thăm thân ái. Có lúc cô cản lại không cho vẫy tay khi tàu lửa chạy qua. Nhưng học sinh cứ vẫy tay như thường. Vui quá mà, tại sao cô lại cản nhỉ? Cô cũng phải phì cười.

Một đứa ngồi sau lưng tôi có cái tên khó quên: Nguyễn Thị Vàng. Vàng gầy ốm và cao lêu khêu như cây tre, miệng móm sọm trông như bà lão. Sau này nó cho biết giấy khai sinh của nó làm sụt đi hai tuổi nên nó lớn hơn những đứa cùng lớp hai năm. Thảo nào trông nó già dặn hơn nhiều.

Sau vài ngày, tôi quen một đứa tên Vân. Mẹ nó dẫn nó đi học vài ngày thì nhờ ông tôi khi dẫn tôi đi học, ghé vào dẫn nó cùng đi. Ông tôi vui vẻ nhận lời. Tôi vui lắm vì có thêm nó đi cùng. Nhà nó nằm trên đường Nguyễn Minh Chiếu, phải đi ngang qua đường Tự Đức vài căn nhà thì đến nhà nó. Sau đó, đi ngược lại đường Tự Đức để đến trường. Vân hiền lành, ít nói. Nó xinh đẹp, có nước da trắng trẻo, mũi thon thon cao, môi hồng thắm. Tóc nó dài mềm mại, màu hung hung nâu, được mẹ nó buộc đuôi gà và thắt nơ cho. Từ bé, tôi đã thích nhìn những người đẹp.

Tôi thích nhìn những đứa đẹp, vì trong một lớp tôi chỉ thấy vài đứa đẹp mà thôi.

Hồi ức thăm thẳm Sài Gòn xưa: Trường Đình - 4
(Ảnh: YouTube)


Rất tiếc, sau hai tháng đi học chung với Vân, bố mẹ nó dọn nhà đi nơi khác. Ngày cuối chia tay với nó, hai đứa chẳng biết nói gì với nhau, chẳng biết dặn dò thư từ cho nhau, vì chữ nghĩa còn ít ỏi quá, chưa biết biên thư bao giờ. Cả hai đứa cùng buồn. Đưa Vân về đến nhà, ông tôi nói chuyện với mẹ Vân một lúc rồi chúng tôi chia tay. Tôi theo ông về, cố quay lại nhìn Vân còn đang đứng trước nhà với mẹ vẫy tay theo. Hình ảnh xinh đẹp, dịu dàng như một tiểu thư khuê các của Vân vẫn còn mãi trong tôi.

Ngoài Vân, còn một đứa xinh đẹp nữa là cái Hoa. Hoa có khuôn mặt tròn trĩnh, nước da trắng như hoa bưởi, đôi môi đỏ thắm, đôi mắt tròn xoe. Trông nó y như một con búp bê. Cha nó lớn khoảng tuổi với ông tôi. Mỗi ngày cha nó chở nó đến trường trên chiếc xe đạp cũ kỹ màu đen vì đã tróc hết sơn. Cha nó hay mặc bộ quần áo bà ba trắng đã ngả màu ngà ngà.

Cha con nó cũng đến trường sớm như hai ông cháu tôi, khi chỉ mới có vài đứa học trò ở sân. Vì thế cha nó đứng lại với nó, ông tôi đứng lại với tôi cho đến khi cô giáo đến mới ra về. Cũng vì thế, cha nó và ông tôi có thì giờ nói chuyện với nhau. Tôi nghe cha nó nói với ông tôi rằng: “Cảnh cha già măng mọc nên thấy thương nó quá. Không biết tôi còn sống với nó tới chừng nào, thành ra không dám đánh đòn nó bao giờ”. Có lẽ vì thế mà cha mẹ nó kiếm đủ cách để bày tỏ tình thương với nó chăng? Cho nó uốn tóc quăn, đeo khuyên tai vàng, sơn móng tay màu đỏ. Hoa thấp hơn tôi nên ngồi phía trước tôi mấy dãy bàn.

Nếu bước từ ngoài vào, thì phía bên trái của đình có một cái rạp hát thuộc về đình, rộng lớn hơn cái đình này và vuông vức. Hai bức tường hai bên xây cao khoảng một thước, phía trên làm song sắt cao lên đến trần nhà. Phía sân khấu nằm đưa lưng ra phía đường rầy. Không thấy có ghế ngồi phía trong. Sàn nhà bằng gạch tàu mầu đỏ. Nhưng bên ngoài hai bức tường bằng song sắt lại có gần mười bậc thang gỗ chạy dài theo tường để làm ghế ngồi. Tôi cứ thắc mắc mãi, vì những dãy ghế cầu thang này nằm dọc theo hai bên sân khấu thì xem lên sân khấu phải ngồi xéo lại, không thoải mái tí nào. Có lẽ thỉnh thoảng có đám hát bộ hay hát đình ở đây. Cửa vào trong rạp luôn khóa kín.

Chung quanh đình, thỉnh thoảng có những con cuốn chiếu to bằng đầu đũa, dài cả 5-6 phân, màu đỏ, có cả trăm cái chân bò trông thấy sợ. Mặc dù mấy đứa khác bảo không sao, nó không cắn đâu, nhưng tôi vẫn thấy sợ. Con thạch sùng (thằn lằn) ở đây màu đen thui trông thấy cũng ghê, khác với thạch sùng ở nhà màu trắng.

Một thời gian sau, bỗng dưng có một đám thanh niên mặc quần áo kaki mầu xanh dương đến ở trong rạp. Mỗi ngày họ tập dượt thể thao, chạy bộ quanh sân đình ra đến tận những dãy nhà phía sau đình. Vừa chạy họ vừa hát hay hô những khẩu hiệu mà lũ trẻ chúng tôi nghe lạ lắm. Tôi nhớ vài câu họ hát là “Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia. Đoàn thanh niên ta góp tài ba…”. Hình như họ phải học gì nữa, vì tôi thấy ngày nào cũng có người dạy, còn họ thì ghi chép. Lớp học của họ ở phía trong rạp. Ai nấy ngồi dưới đất học tập vì rạp hát đình không có ghế. Buổi tối họ cũng ngủ trong rạp.

Hồi ức thăm thẳm Sài Gòn xưa: Trường Đình - 5
(Ảnh: Pinterest)


Một hôm, có hai chú thanh niên đến đứng bên cửa chỗ tôi ngồi. Hai chú gợi chuyện nói với tôi, hỏi tôi “Trường này tên gì? Lớp này là lớp mấy? Tôi tên gì, mấy tuổi. Cô giáo tôi tên gì?” Vì còn bé quá, tôi rất sợ nói chuyện với người lạ. Nhưng lại cả nể người lớn nên hỏi tới đâu, tôi trả lời đến đó.

Hai chú đến nói chuyện với tôi mỗi ngày vài phút, khi nào cô giáo đi xuống gần bàn tôi thì hai chú bỏ đi. Có hôm tôi hỏi có phải hai chú là lính không. 

Vài tháng sau, hai chú đến chào tôi, bảo rằng đoàn của hai chú phải đổi đi nơi khác: “Hôm nay hai chú gặp cháu lần cuối, cháu ở lại mạnh giỏi, ráng học nghe cháu”. Tự dưng tôi thấy buồn quá, hỏi ngay: “Hai chú đi đâu?”. Các chú bảo chưa biết, nhưng chiều hôm đó phải đi rồi, ngày mai khi tôi đến trường, sẽ không thấy họ ở đây nữa. Rồi một chú nhét vào tay tôi một cuộn giấy bé xíu xiu, bảo là quà của hai chú cho tôi để tôi ăn quà. Tôi mở ra xem, thấy tờ giấy năm đồng. Tôi ngạc nhiên quá trả lại cho chú. Chú bảo tôi phải cầm lấy cho hai chú vui vì chẳng còn gặp lại hai chú đâu. Tôi cảm động quá, cám ơn hai chú mà rưng rưng nước mắt, vì nghĩ đến ngày mai sẽ không gặp lại các chú nữa.

Giờ ra chơi, bà Từ vợ ông Từ giữ đình luôn đặt sẵn cái gánh hàng của bà ở phía sân bên cạnh lớp nam sinh. Lũ học sinh bu vào mua các thứ, gọi bà ơi ới: “Cho tôi năm cắc me ngào; cho tôi miếng soài; cho tôi cây chùm ruột, cho tôi trái cóc, cho tôi cái bánh lá, củ khoai lang, khoai mì v.v.”.

Cả trăm đứa réo gọi khiến bà bán hàng không ngừng tay. Ông từ phải ra phụ vợ bán hàng. Ông bà Từ có hai đứa con trai, một đứa con gái. Đứa con trai lớn năm đó khoảng 12 hay 13 tuổi, đứa con gái thứ nhì khoảng 10 tuổi, bị sứt môi. Đứa con trai út, khoảng 7 tuổi. Chẳng thấy đứa nào đi học. Thấy chúng nó chạy lòng vòng quanh đình suốt ngày.

Khi nào bà Từ bán hàng thì chúng nó chạy chơi chung quanh gánh hàng của bà để thỉnh thoảng bà sai vặt. Bà từ bận nhất vào giờ ra chơi. Giờ tan trường, chỉ vài đứa ghé lại mua quà. Buổi chiều, có lớp chiều, bà sẽ bán tiếp.

Một hôm, có một bà khác gánh một gánh bắp và khoai đến sân đình. Lũ học trò khấp khởi mừng vì có thêm người bán, chắc là quà mới. Vừa bu lại quanh bà hàng mới thì bà Từ đã xấn lại đuổi bà kia đi chỗ khác. Bà kia cãi lại, không chịu đi, thế là hai bên lớn tiếng chửi nhau. Lúc này mới thấy bà Từ dữ chằng lắm, bà cầm ngay đòn gánh đòi phang bà kia nếu bà kia không chịu bỏ đi. Cả ông Từ và mấy đứa con của bà cũng hùa theo theo đe dọa, đuổi bà kia như đuổi cướp. Thế là bà kia lau nước mắt gánh hàng ra về, chẳng bán buôn được gì. Lũ học sinh đứng nhìn theo, thấy tội nghiệp mà không làm sao giúp được. Hết giờ chơi, thầy cô gọi học sinh vào lớp. Hôm đó bà Từ lo cãi nhau nên bán ế.

Trong những món quà của bà Từ bán, tôi chỉ thích có me ngào phết lên cái bánh tráng khoai, trên rắc tí mè rang. Bà Từ bỏ lên trên một cây tăm để khều me lên ăn. Bà tự làm me ngào, đựng trong cái thau nhôm lớn chiếm gần cả cái thúng. Tôi hay mua me ngào rồi ra sân trước đứng, vừa ăn vừa xem đám con gái nhẩy dây hay nhẩy cò cò.

Hồi ức thăm thẳm Sài Gòn xưa: Trường Đình - 6
(Ảnh: Flickr)


Một hôm đang cầm cái bánh tráng me ngào trong tay, một nam sinh đến nói chuyện với tôi. Tôi nhận ra nó, vì mỗi ngày có xe xích lô đạp đưa nó đến và đón nó về. Nó hỏi tôi:

– Ê bồ, cái ông hay cầm quạt đến đón bồ mỗi ngày là ai vậy?

Lúc đầu tôi hơi khó chịu vì con trai lại đi nói chuyện với con gái. Nhưng nghe nó nhắc đến ông tôi, tôi bớt thấy khó chịu. Tôi trả lời không do dự:

– Ông ngoại của tôi.

Nó lại hỏi tiếp:

– Ê, tại sao ông bồ hay cầm quạt vậy?

Tôi nhìn ông cầm quạt ra phố quanh năm đã quen nên không thắc mắc gì. Không ngờ nó lại để ý. Tôi trả lời:

– Để ông che nắng với quạt cho mát.

Nó lại nói:

– Tôi tên Minh. Bồ tên gì?

Sau vài câu trao đổi, tôi thấy nó cũng hiền. Hơn nữa, tôi không thấy nó chơi đánh bi, đánh đáo với lũ con trai vừa chơi vừa chửi thề. Tôi đoán có lẽ nó không dám chơi với những đứa dữ. Tôi trả lời tự nhiên:

– Tôi tên An.

Minh hỏi tôi:

– An muốn ăn gì nữa không? Minh mua cho.

Tôi không muốn nó trả tiền cho tôi. Hơn nữa, trong gánh quà của bà Từ, tôi chỉ thích có me ngào, những thứ khác chẳng hấp dẫn tôi tí nào. Vì thế, tôi từ chối. Nhưng nó bảo nó biết có thứ này ăn cũng ngon, thế nào tôi cũng thích. Rồi nó đi ngay ra gánh hàng của bà Từ mua một sâu cột bằng dây lạt, xỏ những cái bánh mầu cam có hình khoanh tròn. Xong trở lại đưa cho tôi. Tôi không muốn lấy. Phần là tôi chưa ăn thứ này bao giờ, phần là của nó mua. Nếu tôi muốn ăn thử, tôi có thể tự mua vì mỗi ngày mẹ cho tôi hai đồng ăn quà. Me ngào chỉ tốn có năm cắc. Tôi còn một đồng rưỡi trong túi. Nhưng thằng Minh đã đeo cái xâu này lên cổ tôi. Nó bảo trông giống như dây chuyền, chừng nào muốn ăn thì đưa lên cắn một cái. Tôi thấy cái món này cũng ngộ nghĩnh, vừa làm dây chuyền, vừa ăn được.

Thế là, tôi cứ đeo cái dây chuyền này vào lớp. Thằng Minh vui ra mặt, nó khoe nó còn nhiều tiền, tôi muốn ăn gì nó sẽ mua cho tôi. Rồi móc trong túi ra mấy tờ giấy một đồng, hai đồng. Nó bảo mẹ nó cho nó mỗi ba hay bốn đồng để ăn quà, nó không bao giờ ăn hết tiền nên còn dư hoài. Tôi hỏi nó:

– Sao mẹ Minh không đi đón Minh mà ông xích lô đón?

Nó có vẻ ngạc nhiên nhìn tôi, rồi hỏi:

– An thấy Minh đi xích lô hả?

Tôi trả lời:

– Ai mà không thấy. Cả trường có mỗi mình bồ đi xích lô. Bộ nhà Minh ở xa lắm hả?

Minh trả lời:

– Không xa lắm, nhà Minh ở gần trường Chánh Tâm, nhưng mẹ của Minh không thích đi bộ nên gọi bác xích lô đưa đi.

Hồi ức thăm thẳm Sài Gòn xưa: Trường Đình - 7
(Ảnh: Flickr)


Tôi biết trường Chánh Tâm của người Tàu ở ngã tư Nguyễn Minh Chiếu-Ngô Đình Khôi. Tôi hỏi ngay:

– Nhà Minh ở phía nào, phía trước hay cùng phía với trường Chánh Tâm?

Minh trả lời:

– Cùng phía, ở phía sau trường, cái nhà có cổng sắt sơn màu xanh lá cây đó.

À ra căn nhà đó! Tôi biết ngay căn nhà kín cổng cao tường, rộng lớn như một căn biệt thự. Tôi hỏi Minh:

– Minh đi học về có ra ngoài chơi với hàng xóm không?

Minh nói ngay:

– Không, mẹ không cho.

Tôi lại hỏi:

– Vậy Minh chơi với anh em trong nhà thôi sao?

Minh lại nói:

– Minh không có anh em. Chỉ có một mình Minh thôi. Minh có một con chó, Minh chơi với nó.

Tôi thấy tội nghiệp Minh nên nói:

– Buồn quá ha!

Thế là sau hôm đó, vào giờ ra chơi, Minh xuống sân trước đứng chờ tôi. Khi tôi vừa xuống khỏi bậc tam cấp, Minh nói ngay:

– Mình đi mua đồ ăn, An ăn me ngào phải không? Để Minh mua cho.

Tôi chỉ biết cười, không ngờ Minh biết tôi chỉ thích ăn me ngào. Mua quà xong, tôi và Minh lại ra đứng trước sân vừa ăn vừa nói chuyện. Chuyện lăng quăng của trẻ con, hỏi nhau xem biết chơi thứ gì. Minh không quen đánh bi ở trường, nhưng có rất nhiều bi ở nhà. Tôi không quen nhẩy dây ở trường, nhưng ở nhà thì nhẩy cò cò với mấy đứa con gái cùng xóm. Tôi không có chị em gái, nhưng tôi còn được ra đường chơi với những đứa khác. Tôi thấy tội nghiệp Minh thật.

Một hôm, ông tôi bận việc gì không đến đón tôi được. Ông dặn tôi phải đi bộ về cùng với mấy đứa đi chung đường để khỏi phải băng qua đường một mình nguy hiểm. Thế là hôm đó, tôi đi theo mấy đứa con gái đi về cùng đường. Khi đã băng qua đường Công Lý rồi, đang đi trên đường Tự Đức thì nghe tiếng Minh gọi sau lưng:

– An, An, lên đây, lên đây đi với Minh.

Vừa nói, Minh vừa ra hiệu cho bác xích lô dừng lại. Tôi quay lại, Minh nhảy xuống xe, hỏi ngay:

– Sao hôm nay ông của An không đến đón?

Tôi trả lời:

– Ông phải đi công việc. An đi với mấy đứa này được rồi. Minh đi về đi.

Minh nhất định bảo tôi lên xe đi chung cho vui. Tôi bảo không dám, vì xe đến nhà Minh, tôi phải băng qua đường Ngô Đình Khôi một mình, tôi sợ lắm. Minh nói ngay bác xích lô sẽ đưa Minh và tôi qua bên kia đường đề tôi xuống xe, rồi bác đưa Minh về. Nghe cũng được, thế là Minh bảo tôi lên xe trước ngồi sát vào trong. Minh lên sau, ngồi phía ngoài. Tôi không thấy thoải mái lắm vì phải ngồi chung xe với Minh như thế này. Nhưng tính cả nể, chẳng dám cãi thêm, sợ bạn buồn. Minh có vẻ hồn nhiên và tự tin. Tôi chỉ thấy dáng dấp hơi tròn trĩnh mũm mĩm của Minh làm cho Minh kém xinh trai một chút.

Xe đến gần nhà Minh, Minh đề nghị tôi ghé vào chơi, chút nữa Minh đưa tôi về. Tôi hoảng hốt bảo không được đâu, về trễ sẽ bị đòn. Minh bảo để Minh xin phép bố tôi cho. Tôi phì cười, nói ngay:

– Bố của An dữ lắm, Minh chưa nói hết đã bị bố quát cho rồi. An rất sợ nghe bố quát tháo.

Hồi ức thăm thẳm Sài Gòn xưa: Trường Đình - 8
(Ảnh: Mytour)


Minh nhìn tôi nói:

– Sao bố của An dữ quá vậy?

Tôi buồn buồn trả lời:

– An cũng Không biết tại sao nữa.

Ngày hôm sau vào lớp, có vài đứa đến nói với tôi:

– Tụi nó nói mày cặp với thằng Minh. Còn nói là mày còn nhỏ mà bày đặt có bồ.

Tôi hoảng hốt hỏi lại:

– Ai nói vậy?

– Thì con Nguyệt, con Cúc với con Xuân.

Thì ra mấy đứa đi chung đường hôm qua, thấy Minh rủ tôi lên xe xích lô đi chung nên đồn nhảm. Còn bé, nên tôi dễ bị xấu hổ vì tiếng đồn. Tôi ráng nín khóc, nhưng tự nhiên thấy giận Minh, tại sao rủ tôi lên xe làm gì để tôi bị mang tiếng. Tôi cũng tự trách mình sao lại cả nể lên xe ngồi với Minh để bây giờ mang tiếng!

Thế là hôm đó đến giờ ra chơi tôi không xuống sân. Tôi ngồi lại trong lớp để tránh gặp Minh. Minh vẫn đứng dười sân chờ tôi. Không thấy tôi xuống, Minh leo lên đứng ở cửa lớp gọi tôi. Tôi nhìn ra, nói với Minh đi xuống sân đi, đừng đến lớp gọi tôi, tôi không đi với Minh đâu. Minh ngạc nhiên lộ vẻ thất vọng, hỏi ngay:

– Tại sao vậy? Sao An không xuống sân chơi?

Tôi trả lời:

– Vì chúng nó nói An là bồ của Minh, làm An mang tiếng quá.

Minh sửng sốt hỏi tôi:

– Chúng nó nói thế mà An sợ à? Minh thấy có sao đâu!

Trời đất! Tôi thấy có sao nhiều quá chừng mà Minh thấy không có sao. Tôi lắc đầu bảo Minh đi đi, đừng kiếm tôi nữa. Minh cố năn nỉ, tôi cũng chẳng đi theo Minh xuống sân. Sắp hết giờ chơi, có nhiều đứa đã trở lại lớp nhìn Minh và tôi. Tôi lại càng bối rối, lòng thật buồn, năn nỉ Minh đi về lớp đi.

Thế là từ hôm đó, tôi không ra chơi để khỏi phải gặp Minh. Minh vẫn đứng dưới sân nhìn đám con trai chơi đánh bi, đánh đáo. Thỉnh thoảng Minh nhìn lên lớp tôi, chúng tôi bắt gặp nhau, tôi vội quay đi nơi khác.

Bãi trường, vào hè.

Sau hai tháng nghỉ hè, tôi trở lại trường để lên lớp Tư. Cái Hoa và Minh không trở lại trường. Không biết cha của Hoa có còn khỏe mạnh không. Có lẽ cha con nó dọn nhà về quê. Còn về Minh, có lẽ bố mẹ nó cho nó đi trường khác hay đã dọn nhà đi xa. Tôi buồn vì không còn thấy Minh dưới sân trường.

Giờ ra chơi năm đó, có cái Tâm ngồi trước tôi một bàn đem ra một xấp mấy cuốn sách nhỏ như bàn tay. Nó hỏi tôi:

– Mày ca vọng cổ với tao không?

Tôi hỏi lại:

– Ca ra làm sao?

Nó xòe ra mấy cuốn bìa mỏng, có hình chụp các nghệ sỹ cải lương hay những tranh vẽ. Có những tựa đề “Phạm Công Cúc Hoa, Gánh Nước Đêm Trăng, Con Tấm Con Cám” và vài tựa khác tôi không nhớ hết. Tôi hỏi nó mua mấy cuốn này ở đâu. Nó bảo của má nó mua, nó không biết mua ở đâu. Tôi nhặt cuốn Gánh Nước Đêm Trăng lên đọc, thấy không hợp với cái tuổi học lớp tư của chúng tôi. Nhưng vì nó có “Trăng” làm tôi nhớ đến bài “Thằng Cuội” mà tôi học ở lớp mẫu giáo nên bảo nó hát cho tôi nghe. Hát xong vài câu, nó bảo tôi hát lại cho nó nghe. Tôi còn nhớ mấy câu: “Sau ba năm tôi trở về quê cũ, gánh nước đêm trăng để tìm lại kẻ chung tình. Ngồi bên trăng tôi thờ thẫn một mình. Suối nước trong leo lẻo soi bóng hình tiều tụy của tôi… Ngồi bên gánh nước một mình, có ai dạy mối hận tình cho tôi?”

Nhờ cái Tâm mà tôi biết hát lõm bõm mấy câu vọng cổ. Nghe buồn quá!

Hồi ức thăm thẳm Sài Gòn xưa: Trường Đình - 9
(Ảnh: Canbiet.org)


Mấy ngày đầu không thấy Minh, tôi thấy buồn buồn thế nào. Giống như gã trai trẻ kia ngồi thẫn thờ bên gánh nước chờ người xưa. Tôi ngồi trong lớp nhìn xuống sân, chẳng còn thấy bóng Minh nữa. Chỉ khác là tôi không có gì để hận. Nếu biết trước Minh sẽ không trở lại trường năm nay, có lẽ tôi đã không sợ chúng nó chọc ghẹo, tôi đã xuống sân chơi với Minh suốt niên học trước. Tại sao tôi lại sợ chúng nó nói về tôi và Minh đến như thế nhỉ?

Bây giờ thì An thấy Minh nói đúng đấy “Minh thấy có sao đâu!”

Những khuôn mặt thân thương thời trường Đình còn ở lại trong tôi luôn có hai chú lính, cái Vân, cái Hoa, cái Tâm vọng cổ và nhất là … Minh.

TT-Thái An
08/08/2016

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art