Thứ Sáu, 08 Tháng Sáu, 2012

Ian Fleming, người dựng nên nhân vật James Bond

Thứ tư tuần trước, một đám đông hàng ngàn người đã tập trung hai bên bờ sông Thames của Luân Ðôn để xem nàng người mẫu xinh đẹp đứng trước một chiếc tiểu đĩnh của Hải Quân Hoàng Gia Anh đi ngược dòng sông đến khu trục hạm Exeter thả neo gần cây cầu Tower Bridge nổi tiếng của thành phố để quảng cáo cho một cuốn truyện gián điệp mới về chàng James Bond mà có lẽ hầu như ai cũng biết đến tên tuổi. Với số lượng thanh niên tình nguyện gia nhập quân đội càng ngày càng giảm sút, giúp đỡ quảng cáo cho cuốn truyện mới nhất về James Bond, Hải Quân Hoàng Gia Anh đã chỉ làm một việc tăng cường thêm trong những cố gắng dùng quan hệ chàng điệp viên tưởng tượng này, vốn đeo lon trung tá trong Hải Quân Hoàng Gia trước khi sang làm cho cơ quan tình báo MI 6 để chiêu dụ thanh niên nhập ngũ.

                Cuốn truyện mới nhất về James Bond không phải do tác giả sáng tạo ra nhân vật này viết. Ian Fleming, người tạo dựng ra nhân vật James Bond nếu còn sống thì tuần này vừa vặn đạt được đủ 100 tuổi và những truyện của ông viết ra đã được truyền đi khắp thế giới, dịch sang nhiều thứ tiếng và quay thành một loạt phim rất là ăn khách.

                Mặc dầu những chuyện về Bond rất là ăn khách nhưng về căn bản chúng chỉ là những thay đổi chung quanh một cốt truyện độc nhất: bao giờ cũng có một kẻ xấu, một hoặc nhiều cô gái đẹp và một âm mưu đe dọa đến thế giới. Và diễn biến câu chuyện nào cũng là chàng Bond đánh bại được kẻ thù, phá vỡ âm mưu đó, và cuối cùng là được người đẹp. Cố nhiên là trong lúc hành sự như vậy, chàng có thể bị đánh đập, bị tra tấn nhưng rồi cuối cùng cũng đều chiến thắng. Và các cuốn phim lại càng theo đúng bài bản đó hơn nữa. Ðiều làm hấp dẫn khán giả đến coi những phim này phần lớn là những phong cảnh và những màn giật gân qua những “special effects” cũng như là mức độ “sexy” của những nữ diễn viên mà điển hình nhất có lẽ là cảnh Ursula Andress giống như một nữ thần Venus từ dưới biển đi lên trong phim “Dr No”.

     Chàng gián điệp Bond không hoàn toàn là một nhân vật tưởng tượng. Trong một chừng mực nào đó, Bond là hóa thân của người sáng tạo ra chàng với một khác biệt là tác giả Ian Fleming là một nhân vật còn khó chơi hơn.

                Ian Fleming sinh tại Luân Ðôn năm 1908, là con thứ hai của dân biểu Quốc Hội giầu có. Bố chết sớm, tử trận trong Thế Chiến Thứ Nhất, ông sống với mẹ và suốt thời còn trẻ sống dong chơi lêu lổng. Giống như James Bond, Fleming cũng bị đuổi ra khỏi trường trung học nổi tiếng Eton College, một trường dành cho con cái những nhà quyền quý và thượng lưu trong xã hội Anh. Fleming sau đó lại bị đuổi ra khỏi trường võ bị Sandhurst. Trong những năm sau ông làm nhiều nghề từ phóng viên cho thông tấn xã Reuter đến làm mại bản buôn bán chứng khoán cho một ngân hàng đầu tư tại Luân Ðôn, nhưng không nơi nào ông thành công cả. Chiến Tranh Thứ Hai nổ ra là bước ngoặc cho cuộc đời của ông. Theo lời tự thuật của ông, với không có một bằng chứng nào về khả năng ngoại trừ quen biết, Fleming đã trở thành phụ tá cho ông giám đốc tình báo hải quân và dần dà leo lên đến cấp bậc trung tá (giống như Bond).

     Chiến tranh chấm dứt, ông bị giải ngũ và quay sang làm báo một thời gian trước khi quay sang viết truyện gián điệp, một công việc mà theo ông đã đem lại cho ông một mục tiêu cho cuộc sống, giúp ông thỏa mãn về tâm lý cũng như là mang lại cho ông một nguồn lợi về tài chánh đáng kể, nhất là sau khi ông lập gia đình vào năm 1952 với Lady Anne Rothmere, một cuộc hôn nhân nổi tiếng về tự do của cả hai phía. Ian Fleming chết vào năm 1964, tương đối khá trẻ mà nguyên nhân được coi là vì hai thói quen mà nhân vật James Bond của ông cũng mắc phải: 70 điếu thuốc và một chai rượu gin mỗi ngày.

     Fleming viết cuốn truyện đầu tiên “Casino Royal” vào năm 1952 với tốc độ nhanh kỷ lục chỉ có bốn tuần. Và từ đó cứ mỗi năm ông lại cho ra một cuốn truyện mới cho đến khi ông mất vào năm 1964. Về cốt truyện của các cuốn này, Fleming cho biết ông “rút ra từ những kinh nghiệm của thời chiến tranh, tô điểm thêm một chút, cho vào một người hùng và một kẻ xấu. Thế là xong”. Nhân vật M, cấp chỉ huy của Bond được Fleming lấy mẫu từ Phó Ðô Ðốc John Godfrey, giám đốc tình báo hải quân Anh trong thời Chiến Tranh Thứ Hai và là xếp cũ của ông. Còn Bond thì Fleming cho biết “là một tổng hợp của tất cả những nhân viên tình báo và lực lượng đặc biệt mà tôi được quen biết trong chiến tranh”, nhưng những thói quen và ưa thích - từ những cô gái tóc vàng, quần áo đắt tiền hợp thời trang, món cocktail martini “lắc chứ không quậy”, thực phẩm mua từ nhà hàng Fortnum&Mason, trứng bác chứ không phải là chiên, đều là những thói quen và ưa thích của riêng Fleming.

     Những truyện của Fleming khi xuất hiện đã đáp ứng được một nhu cầu giúp cho độc giả thoát khỏi những cái nhỏ nhoi tầm thường của cuộc sống tại Anh vào những năm 1950. Những câu chuyện không tưởng của giai đoạn Chiến Tranh Lạnh cho người đọc một cái ảo tưởng về tầm quan trọng và sức mạnh của nước Anh trong một giai đoạn mà cả hai yếu tố đó nước Anh đều không có bao nhiêu. Khi Fleming bắt đầu viết các truyện về Bond, dân chúng Anh còn phải dùng tem phiếu để mua thực phẩm và những nhu yếu phẩm khác, và Ðế Quốc Anh chỉ là một bóng mờ của thời xa xưa. Thành ra những cuốn truyện đó đã là những ảo ảnh đưa độc giả Anh đến những nơi như Haiti hoặc Jamaica vốn là những nơi mà họ hầu như không có bao giờ có hy vọng đi đến. Mãi đến đầu thập niên 60, các truyện của Fleming mới phổ biến tại Hoa Kỳ sau khi người dân Mỹ được biết rằng chúng là những cuốn truyện giải trí ưa thích của Tổng Thống John F. Kennedy. Cũng giống như tại Anh, chúng đã đáp ứng một phần nhu cầu trốn lánh thực tại của dân chúng Mỹ trong giai đoạn Chiến Tranh Lạnh trở nên căng thẳng hơn vào cuối năm 1961 với cuộc khủng hoảng Berlin.

     Fleming có một cái nhìn rất thực tế về tác phẩm của mình. Mặc dù thấy sách của mình bán chạy như tôm tươi, ông vẫn phủ nhận mọi tham vọng về văn học. Fleming diễn tả cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình “Casino Royal” là một “tác phẩm đần độn” và vào năm 1963 khi trả lời một cuộc phỏng vấn với đài BBC, ông nói ông chỉ là một tay “thợ viết”. Khi được hỏi phải chăng các truyện về Bond đã chặn không cho ông sáng tác ra những tác phẩm có tính văn học hơn thì ông đã thản nhiên trả lời, “Tôi không muốn cạnh tranh với Shakespeare. Tôi không có tham vọng.”

Lê Mạnh Hùng

Bài viết khác