Thứ Năm, 24 Tháng Năm, 2012

Hoàng Tử Oedipe

Oedipe là một nhân vật lớn trong thần thoại Hy Lạp. Chàng là con của Laius, vua thành Thebes và hoàng hậu Jocaste. Khi hoàng hậu sắp đến ngày mãn nguyệt khai hoa, nhà vua cho mời một nhà tiên tri đến với hy vọng được nghe những lời tốt đẹp về tương lai của hoàng tử. Ai ngờ lời tiên tri thật là kinh khủng: "Đưá bé này lớn lên sẽ phạm hai đại tội - giết cha và lấy mẹ".

Nhà vua vốn rất tin lời tiên tri nên khi đưá bé chào đời, vua không cần đặt tên mà sai lính ngự lâm mang nó ra khỏi cung điện và giết đi.

Nhưng người lính ngự lâm không đủ can đảm làm đổ máu đưá bé. Hắn dùng một vải luạ mềm cột hai chân hoàng tử rồi đem treo lên một cành cây trên núi Cytheron. May thay hôm ấy có ông vua xứ Corinthe là Phorbas dẫn một đoàn mục tử đi qua bắt gặp đưá bé liền cứu sống đem về làm con nuôi. Thấy đôi chân của đưá bé bị dây trói làm sưng phù, Phorbas đặt tên cho nó là Oedipe (tiếng Hy Lạp có nghiã là chân sưng vù).

Oedipe được nuôi nấng và lớn lên trong cung điện xứ Corinthe như một thái tử, chuẩn bị thưà kế ngôi vua. Theo thói quen của các bậc vua chuá, một hôm Oedipe tìm đến ngôi đền thánh của các nhà tiên tri để tìm hiểu hậu vận của mình. Lời tiên tri lần này cũng giống hệt lời tiên tri mà vua Laius đã được nghe: "Sau này, ngài sẽ phạm hai đại tội - giết cha và lấy mẹ".

Xưa nay Oedipe vẫn đinh ninh rằng đức vua và hoàng hậu xứ Corinthe là cha mẹ ruột của mình nên sau khi nghe lời tiên tri, Oedipe sợ hãi không dám trở về hoàng cung mà bỏ trốn qua xứ Thebes. Dọc đường chàng gặp phải một chuyện bất bình, gây gỗ và thách đấu danh dự với một nhà quí tộc. Kết quả, nhà quí tộc bị bỏ mạng dưới lưỡi kiếm của chàng, than ôi! Odipe đâu có biết rằng nhà qúi tộc ấy chính là vua Laius, cha ruột của chàng. Lời tiên tri đã bắt đầu ứng nghiệm.

Oedipe vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Một hôm đến địa đầu thành Thebes chàng bị cuốn hút vào một đám đông hoảng loạn. Hỏi ra mới biết mấy hôm rày có một con quái thú từ trên núi Cytherin xuất hiện, án ngự nơi cửa thành Thebes khiến dân chúng thành Thebes lâm vào cảnh khốn đốn, nột bất xuất, ngoại bất nhập. Quái thú này thuộc giống nhân sư, người Hy Lạp và người Ai Cập gọi tên nó là SPHINX.

Trong thần thoại Ai Cập, con nhân sư Sphinx có đầu người đàn ông, mình sư tử. Nó là con thần thú, tượng trưng cho oai lực của thần mặt trời Harmakhis và quyền uy của vua chúa. Người Ai Cập đã dựng trước Kim Tự Tháp của vua Chephren tượng một con nhân sư Sphinx khổng lồ cao 20m, dài 73m. Còn trong thần thoại Hy Lạp, nhân sư Sphinx là một quái vật mang đôi cánh thiên thần, đầu và ngực đàn bà, mình chó, vuốt sư tử, đuôi rồng. Nó được bà tiên ác Junon sai xuống thành Thebes để giáng họa cho dân chúng. Con Sphinx của thành Thebes nói được tiếng người. Nó đứng ngăn chặn cửa thành và đặt ra điều lệ: ai muốn ra vào thành phải trả lời một câu đố của nó. Trả lời đúng thì nó để cho đi qua. Trả lời sai lập tức nó vồ lấy ăn thịt. Từ lúc nó xuất hiện đến nay, chưa ai trả lời được câu nào đúng và số người bị Sphinx giết hại lên đến hàng trăm.

Lúc bấy giờ tình hình trong thành Thebes ngày càng rối loạn. Sau cái chết của vua Laius, người anh trai của hoàng hậu Jocaste là Creon lên kế vị. Creon sai con trai mình là Hemon đi đối phó với Sphinx nhưng Hemon thất bại, chết dưới móng vuốt sư tử. Creon truyền lệnh: bất cứ ai diệt được con quái vật Sphinx để trừ hại cho dân, người đó sẽ được quyền kết hôn với hoàng hậu Jocaste, người goá phụ cao sang và xinh đẹp nhất của thành Thebes. Oedipe không màng gì đến phần thưởng lớn lao này, nhưng vì muốn đi qua cưả thành, chàng mạnh dạn đối đầu với nhân sư.

Con quái vật đặt câu hỏi:

- Có một con quái vật buổi sáng thì đi bằng bốn chân, buổi trưa đi hai chân, buổi chiều thì đi ba chân. Đó là con thú gì vậy

Oedipe nhíu mày suy nghĩ một thoáng rồi trả lời trong tiếng quát giận dữ:

- Đấy chính là con người - sao dám gọi là con quái vật?

Câu hỏi trên đây của con nhân sư thật ra chẳng có gì khó phải không? Chắc chắn rất nhiều người có thể trả lời dễ dàng không cần đến trí không của Oedipe. Đó là vì câu hỏi và câu trả lời nổi tiếng này đã được nhắc đi nhắc lại hàng ngàn năm nay. Chứ nếu thưở ấy, bạn phải đối diện với con nhân sư và chỉ có vài phút để trả lời, liệu bạn có thể trả lời nổi câu hỏi mới đặt ra trong lần đầu tiên này không?

Nghe xong câu trả lời, con nhân sư gầm lên một tiếng thê thảm. Nó giang rộng cả hai cánh bay vút lên trời rồi lao xuống đất, đập đầu vào đá tự tử. Định mệnh cũng đã dành sẵn cho nó: hễ có ai trả lời đúng câu hỏi cuả nó thì nó phải chết.

Thế là chỉ cần một câu nói, Oedipe đã cứu được dân chúng thành Thebes chàng được đón rước như một vị anh hùng và không thể từ chối được cuộc hôn nhân tiền định với hoàng hậu Jocaste. Lời tiên tri về đại tội thứ hai đã ứng nghiệm.

Oedipe sau khi giết cha, đã kết hôn với mẹ và được dân chúng tôn vinh làm vua, thay thế Creon. Nhưng bà tiên Junon vẫn không ngớt giáng tai họa xuống thành Thebes. Một trận dịch hạch bùng nổ làm hàng loạt người và gia súc chết la liệt. Sông ngòi khô cạn. Núi và đất rung chuyển ngày đêm. Oedipe lại tìm đến nhà tiên tri Tiresias để cầu kế. Tiresias giải thích:

- Đây là cơn giận của thần thánh. Ở thành Thebes có kẻ phạm tội giết cha và lấy mẹ mà tội ác ấy chưa bị trừng phạt.

- Kẻ phạm tội này là ai, hãy cho ta biết, ta sẽ trừng trị ngay.

Tiresias ngập ngừng trả lời:

- Y là Oedipe, chính là nhà vua. Và hoàng hậu Jocaste đang đứng bên cạnh ngài đó, chính là mẹ của ngài.

Sau khi hiểu rõ sự thật kinh hoàng đó, hoàng hậu Jocaste thắt cổ tự tử. Còn Oedipe nhường ngôi lại cho Creon rồi tự móc đôi mắt trở thành mù lòa, rời khỏi cung đình, sờ soạng tìm đường lên núu Cytheron. Con gái út của Oedipe là công chúa Antigone cũng rời bỏ cung điện lang thang đi tìm cha. Khi Antigone lên đến núi Cytheron thì bắt gặp Oedipe ngồi dưới gốc cây chính là cây đại thụ mà Oedipe đã bị treo lên vào tuổi sơ sinh. Oedipe xoa đầu Antigone và bảo:

- Con hãy trở về một mình. Cha phải ngồi đây cho đến chết để sám hối.

Thần thoại Oedipe là một đề tài lớn trong văn học phương Tây. Ngày nay, nếu có người nào có tài giải đóan nhừng câu đố hiểm hóc, người ta gọi đó là một chàng "Oedipe". Zigmund Freud, nhà phân tâm học người Đức thì mượn thần thoại này để đưa ra một thuật ngữ phân tâm học gọi là mặc cảm Oedipe. Thuật ngữ này có mục đích lý giải một hiện tượng tâm lý khá quen thuộc ở một số bé trai thường có xu hướng tình cảm thiên về phiá người mẹ và chống đối lại với người cha. Zigmund Freud còn dùng thuật ngữ mặc cảm Oedipe để nói về hiện tượng cá biệt: một số nam nữ thanh niên thường chỉ tìm thấy sự hấp dẫn ở người lớn tuổi hơn mình.

Còn một điều đáng lưu ý. Điện ảnh phương Tây rất thích khai thác đề tài thần thoại trong Hy Lạp để dựng những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như Hercule, Ulysse, Sapartacus, Ngày tàn của thành phố Pompei, Nàng Helene thành Troie v.v... giá như có bộ phim về Oedipe, chắc chắn sẽ là phim ăn khách. Nhưng cho đến nay, chưa hề có phim về Oedipe. Vì sao?

Phải chăng tính cách vô luân và số phận bi thảm của chàng Oedipe đã khiến các nhà điện ảnh chùn tay, không dám thể hiện thành hình ảnh?

Bài viết khác