Thứ Sáu, 12 Tháng Năm, 2023

Lăng Ông Bà Chiểu – Sơn Nam

Thời Tự Đức, chung quanh chợ Bà Chiểu là nhà cửa thưa thớt của dân trồng bắp, trồng khoai, Miếu Ông (thờ Lê Văn Duyệt) bé xem cũng tương xứng, hài hòa. Nhưng khi thực dân xây dựng phố xá, dinh thự, Miếu Ông trở thành cơ ngơi lỗi thời. Chủ tỉnh Gia Định xuất công quỹ để trùng tu vòng rào; Kinh lược Bắc kỳ Hoàng Cao Khải dịp vào Nam năm 1894, đã dựng tấm bia đá nhằm ca ngợi sự chiếu cố của người Pháp, nay còn giá trị về kiểu thức hoa văn cổ truyền, do nghệ nhân miền Bắc thi công.
 
Lăng Ông Bà Chiểu – Sơn Nam - 1
(Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY-NC 2.0)
Lăng Ông Bà Chiểu – Sơn Nam - 2
(Ảnh: Fanpage Thú Chơi Sách)


Bấy giờ, chợ Bà Chiểu, tuy là tỉnh lỵ, hãy còn thu hẹp quanh nhà lồng chợ. Đèn điện chưa phổ biến. Đặng Lễ Nghi trong tập truyện “Đối cổ kỳ quan”, in năm 1910, đã ghi lời đồn đãi trong dân gian: “Ma quỷ thường hiện ra ở Cây da Ông Bổn, ngay đầu cầu Bông; gần lăng Tả quân, trên đường về cầu Bông, có anh chàng nọ một đêm bị ma nhát đến hai lần!”

Hương chức hội tề làng Bình Hòa (bấy giờ vẫn gọi là Bình Hòa xã, như thời Tự Đức) vẫn không xuất huê lợi đất tự điền để cúng tế cho lăng miếu. Huê lợi này được nhân lên nhanh chóng, vì đất ruộng trước kia lần hồi trở thành đất thổ cư, cất chợ phố. Nhân sĩ và đồng bào Gia Định không còn tin tưởng vào thiện chí của người Pháp. Năm 1914, Hội Thượng Công Quý Tế ra đời, do 20 hội viên sáng lập, đứng đầu là ông Trương Văn Trạch, đặt dưới sự chi phối của hương chức làng Bình Hòa và chủ tỉnh Gia Định. Tài sản lúc đầu gồm mấy dãy phố do hội viên mua và cho thuê để lấy huê lợi cúng tế.

Ta hiểu cuộc vận động thành lập hội đã bắt đầu từ đôi ba năm, trước 1914. Theo cơ chế thời Tự Đức, đình làng và miếu đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của ban hương chức hội tề khá đông, trong số này đặc trách về tế lễ là hương quan (hiểu là quan hôn tang tế), thêm hương văn, hương lễ. Thực dân tách ra, hương chức hội tề chỉ có phận sự lo việc đời (gồm hành chính, trị an, thuế vụ…); còn đình miếu thì giao cho một ban khác gọi “hương chức đình” lo thuần túy cúng tế. Danh sách hương chức đình do hương chức hội tề và các bộ lão lựa chọn, trình lên cai tổng, rồi chủ tỉnh duyệt y. Lắm khi, chính quyền gây khó khăn, e ngại hương chức đình là tổ chức trá hình của một hội kín với những điều huyền bí riêng mà nhà nước khó kiểm soát, lắm khi liên quan đến chuyện quốc sự.

Khi phong trào tôn quân ái quốc tan rã, xảy ra cơn khủng hoảng về hệ ý thức cứu nước thì phong trào cầu Tiên (hỏi tiên, cầu cơ bút) với những đàn tiên lại phổ biến khắp Nam bộ, thỉnh thoảng bà Triệu, tướng Trần Hưng Đạo hiện về, cho vài bài thơ kích thích lòng yêu nước. Hoặc vài anh hùng thời Cần Vương báo tin còn đang sống, rong chơi giữa chợ Bến Thành! (Trong thiên hồi ký “Nhớ nghĩ chiều hôm”, học giả Đào Duy Anh cũng ghi nhận phong trào Thiện Đàn ở đồng bằng sông Hồng, khá rầm rộ, tiên thánh Việt Nam giáng bút, nhắc nhở tinh thần tự cường, từ năm 1908).

Hội Thượng Công Quý Tế được thành hình, vì nằm trong cơ chế hương chức đình, mà nhà nước cho phép. Hơn nữa, Hội này chẳng dính dấp gì đến việc cầu Tiên, đồng bóng. Nó mang tính nghiêm túc, sau tám năm hoạt động mãn nhiệm kỳ. Ban Quản trị thứ nhì ra đời gồm những nhân sĩ thuộc giới trí thức, như Diệp Văn Cương (giáo sư trường Bổn Quốc, là thông ngôn khi vua Hàm Nghi bị bắt), Lê Văn Phát, Đốc phủ sứ (từng biên soạn vài công trình có chất lượng về cổ tích, phong tục Việt Nam), Nguyễn Kinh Đính, phụ trách Đông Pháp thời báo.

Lịch hội lễ không thay đổi, vẫn như lúc mới sáng lập gồm: lễ Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ (5 tháng 5), lễ Chánh Đán (Tết Nguyên Đán). Công tác lớn là xây dựng cơ ngơi Trung điện và Chánh điện nay còn thấy, vào năm 1925. Năm 1923, bà Nguyễn Kim Đính (Thạnh Thị Mậu) đứng ra lập Ban Công quả Phụ nữ, giới phụ nữ có thể vào Hội với danh nghĩa như là “cộng tác viên”. Cũng nhiệm kỳ này Hội Quý Tế mở trương mục riêng ở Đông Dương Ngân hàng. Với nguồn thu nhập khả quan, Hội góp phần cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Bắc và miền Trung. Năm 1931, dự trù làm lễ kỷ niệm “Đệ bách châu niên ngày tạ thế của Tả quân”, nhưng hoãn lại vì nạn khủng hoảng kinh tế ở Đông Dương và thế giới.

Sau thời kỳ khủng hoảng ấy, một Ban Quản trị khác ra mắt, với nhiệm kỳ khá dài, suốt 21 năm (1932-1953) công tác lớn là xây Nhà Hương (nơi khách hành lễ, nhận lễ vật), xây Đông Lang và Tây Lang (nay hãy còn thấy ghi số Ả Rập năm 1937). Thi công trong 6 tháng, sau đó tổ chức lễ lạc thành, hát bội suốt bảy ngày đêm; đúng là thời kỳ vàng son, “phú quý sinh lễ nghĩa”. Gần cuối nhiệm kỳ đã xây cổng tam quan độc đáo, nay hãy còn sống động, làm biểu tượng cho đất Gia Định – Sài Gòn, vào tháng 5 năm 1949, theo đồ án của kiến trúc sư Võ Văn Tần. Xây thêm phòng khánh tiết, trải đá tảng trên đường ra cổng tam quan. Công việc này tiến hành thời chống Pháp, lúc thực dân tăng cường viện trợ vật chất và tài chính. So với trước 1945 thì Sài Gòn – Gia Định đông dân hơn, hàng tiêu dùng sau 1945 bán với giá tương đối rẻ. Nhắc lại: Phủ Thống đốc Nam kỳ chuẩn y bản sửa đổi điều lệ Hội năm 1944, cũng năm này, Phủ Toàn quyền Đông Dương đã chấp thuận cho Hội có tư thế pháp nhân (capacité juridique) được quyền quản trị động sản và bất động sản.

Nhiệm kỳ 1953-1961, đánh dấu giai đoạn phát triển mới. Nghiêm túc kiểm soát tiền bạc do khách thập phương tự nguyện đóng góp, bỏ lệ cúng tam sanh (trâu hoặc bò, heo, dê) để tránh hình ảnh sát sinh, khuyên người cúng nên thắp nhang ở mức tối thiểu, tránh lãng phí, giữ vệ sinh cho miếu. Ta nhớ đây là giai đoạn chuyển tiếp, khi thực dân Pháp rút đi, Mỹ can thiệp vào, viện trợ tiền bạc, của cải, hàng tiêu dùng trội hẳn thời Pháp. Với ngân quỹ dồi dào, cụ Nguyễn Văn Cứng, giáo sư trường Mỹ thuật Gia Định đã dốc lòng điểm tô miếu Tả quân. Đây là mỹ nghệ lai tạp (baroque), duyên dáng và kiểu cách, phô trương dưới ánh nắng những mảng trang trí đắp sành sứ, khá hiện thực, dựa vào tư liệu sưu tập ở cố đô Huế do linh mục Cadière: quyển “L’Art à Huế” đã ghi lại vài kiểu thức long lân quy phụng, mai lan cúc trúc, thời nhà Nguyễn. Đối với Sài Gòn và cả Nam bộ, đây là tư liệu làm chuẩn mực. Ta thấy rực rỡ những thú, điểu, hồi văn, cổ đồ bát bửu. Nghệ nhân đã làm việc thận trọng, gắn và cắt hoàn chỉnh từng mảnh sành sứ. Dám tốn tiền, chú trọng chất lượng. Ở đây, chất lượng và khối lượng đều to lớn, rườm rà, khắp Nam bộ khó đình miếu nào sánh kịp. Ngoài ra còn những bộ cửa sổ bằng sắt, chạm thủng bình hoa, trúc, chim cò, dành riêng cho miếu, xem như những bản duy nhất. Ban Quản trị nhiệm kỳ sau cùng ra mắt từ năm 1961. Năm 1971, tổ chức đi thăm viếng phần mộ nội tổ đức Tả quân tận xã Hòa Khánh (nay tỉnh Tiền Giang). Và năm này, Chánh điện được nới rộng, cất thêm cơ ngơi cao ráo, so với toàn bộ; đồ án do kiến trúc sư người Ấn là Mohamed Hamime thiết lập, khánh thành vào tháng 8 năm 1973.

Về công tác xã hội, Hội tích cực cứu trợ khi xảy ra thiên tai, bão lụt; đem trái cây cúng quá nhiều vào dịp lễ hội tặng cho tù nhân nhà lao Gia Định. Thành tích lớn nhất là xây được một trường trung học, nay là trường Võ Thị Sáu, trên phần đất trước kia là tự điền.

Mặt bằng của lăng và miếu rộng rãi, cây to bóng mát, đã là một dạng công viên. Ngắm những phù điêu đắp sành sứ nhiều màu, khách tham quan hẳn nhìn nhận rằng mỹ thuật cổ truyền Việt Nam đã được đề cao, sáng láng, đầy vẻ mỹ lệ. Rất tiếc nhiều mảng phù điêu, đắp sành sứ, lại bố trí nơi quá cao, khó nhìn rõ chi tiết, ngoài tầm nhìn của đôi mắt bình thường.

Trước miếu là lăng, với kích thước dành cho đệ nhất công thần, theo cơ chế xưa. Lăng xây ô dước, đơn giản, như quả trứng bổ đôi, đầu người quá cố day vào miếu, mộ song hồn, bà bên cạnh ông. Còn hai phần mộ nhỏ, của hai cô hầu, lạc loài bên phía chợ Bà Chiểu và bên hông trường Phổ thông Trương Công Định. Mộ bia, có lẽ đã bị đập phá theo lệnh của Minh Mạng, không thấy dựng lại, sau khi phục hồi danh dự cho Tả quân thời Tự Đức; vì vậy không nơi nào ghi tên họ, ngày sinh, ngày mất. Bức tường vây quanh phần mộ, gọi Uynh Thành, rộng 12m, dài 14.5m, màu xám đen, xây vào dịp được giải oan thời Tự Đức (1849), theo cơ chế. Vòng tường bên ngoài, với những chấn song bằng gốm, men xanh, xây sau này, để phân biệt với bức tường xưa của phần mộ.

Tham quan lăng và miếu, người hiếu cổ thấy vui lên, tin vào văn hóa truyền thống, triển khai trong tình hình xứ thuộc địa, đất mới, không có thời Đinh-Lê-Lý-Trần. Nhưng ban Quản trị làm việc kế tiếp nhau và biểu lộ cụ thể trình độ thẩm mỹ của mình, vừa trọng vốn dân tộc, vừa hiện đại hóa, không giẫm chân tại chỗ. Ngân quỹ dồi dào là một việc, nhưng làm được và làm đúng lại là vấn đề khác. Hội Quý Tế đã từng tập họp được nhiều nhân sĩ Sài Gòn – Gia Định, có trình độ Hán học, Tây học, hàng ngày tiếp xúc với bao tác động kinh tế, văn hóa của “Hòn ngọc Viễn Đông”. Cảm tưởng chung của khách tham quan vẫn là khen ngợi. Người thiết kế và những nghệ nhân thực hiện đồ án đều có trình độ cao, khá đồng bộ, không như những tranh tượng, phù điêu ở vài đình chùa phía Lục tỉnh còn phảng phất chút gì gọi là “đồ mã”, của “thợ mã” làm ra tạm bợ, cho vui mắt nhưng thiếu chất lượng.

Lăng Ông Bà Chiểu – Sơn Nam - 3
(Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)
Lăng Ông Bà Chiểu – Sơn Nam - 4
(Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)
Lăng Ông Bà Chiểu – Sơn Nam - 5
(Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)


Các ban Quản trị thời trước đã lần lượt gởi gắm vào công trình kiến trúc mỹ thuật này chút gì gọi là quốc hồn, như là sự hiến dâng khiêm tốn của nhân dân Gia Định cho Tổ quốc, hướng về cố đô Huế và thủ đô Thăng Long. Có lẽ vì thông cảm được nỗi niềm ấy mà Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Vụ Bảo tồn Bảo tàng đã đề nghị lên Bộ Văn hóa, để rồi được công nhận, với danh xưng “Di tích Lịch sử – Văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt, phường 1, quận Bình Thạnh” (di tích số 318).

Sơn Nam

Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách

 

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art