Thứ Hai, 01 Tháng Tám, 2022

‘Nắng Đẹp Miền Nam’ ngợi ca ruộng đồng trù phú và cuộc sống an lành

SANTA ANA, California (NV) – “Nắng Đẹp Miền Nam” của Lam Phương và Hồ Đình Phương nằm trong số những ca khúc đáng yêu nói về vẻ tươi đẹp, sự phồn thịnh và nguồn sống đang vươn lên tại những vùng quê bao la và đầy ắp tình người khi hòa bình được tái lập trên quê hương Miền Nam Tự Do sau Hiệp Định Geneva 1954.

‘Nắng Đẹp Miền Nam’ ngợi ca ruộng đồng trù phú và cuộc sống an lành - 1
Nhạc phẩm “Nắng Đẹp Miền Nam” của Lam Phương và Hồ Đình Phương. (Hình: Tài liệu)


“Đây trời bao la ánh nắng mai hé đầu ghềnh lan dần tới đồng xanh/ Ta cùng chen vai đem tay góp sức tăng gia cho người người vui hòa / Đường cày hôm nay lên tràn bông lúa mới ôi duyên dáng đồng ơi/ Đến mai sẽ là ngày muôn hạt chín lả lơi/ Mình ngắm nhau cười.”

Dưới ánh nắng ban mai chan hòa, những cánh đồng xanh ngát đến tận chân trời trên quê hương miền Nam Việt Nam mến yêu chính là nguồn cảm hứng vô biên cho người người đang cùng chung tay góp sức tăng gia sản xuất để mang lại ấm no cho nhà nhà khi hòa bình lại trở về sau những ngày dài chinh chiến điêu linh.

Những luống cày hôm qua nay đã ngập tràn bông lúa mới, báo hiệu mối duyên lành về với quê ta. Rồi mai đây, muôn ngàn hạt lúa chín sẽ nằm phơi mình dưới ánh sáng trời bất diệt, đem lại no cơm, ấm áo và nguồn vui sống cho mọi người.

“Kìa đàn chim quê chim tung bay về đâu/ Mang tin rằng giờ đây ta sống với bình minh/ Tiếng ca trong lành tiếng hát lừng trời xanh/ Đẹp biết bao tâm tình/ Tình là tình nồng thắm/ Buộc lòng mình vào núi sông/ Tình mến quê hương/ Ngàn bóng đêm phai rồi/ Vầngdương lên soi đời làng ta nay rạng ngời.”

Từng đàn chim tung cánh bay về phía chân trời xa, rộn ràng báo tin vui được mùa, với những khúc ca ngày mùa qua giọng ca trong trẻo của bao thôn nữ thơ ngây, duyên dáng, đẹp biết bao tâm tình hương lúa đồng quê.

Đây là tình cảm đậm đà, gắn bó giữa con người và ruộng đồng, dẫn đến tình quê hương, sông núi dạt dào. Bóng đêm của những chết chóc, chia lìa vì chiến tranh trên quê hương nay đã rút lui để nhường chỗ cho ánh dương lên soi sáng cuộc đời của những người dân miền Nam hiền hòa.

“Khi người lính chiến đã đấu tranh hiến hòa bình cho Đồng Tháp Cà Mau/ Ta người nông thôn quên sương gió góp gian lao lo được mùa mong cầu / Nhờ tình quân dân gây bao niềm thương ấm cúng non sông đón bình minh/ Gắng lên với ngày này ta cùng tưới đồng xanh/ Rồi sống no lành.”

Hiểu được rằng bao người chiến sĩ Cộng Hòa đã ra sức gìn giữ nền hòa bình vừa mới có được từ Đồng Tháp cho tới Cà Mau, người dân lành chốn thôn trang tự thấy mình có bổn phận quên đi những sương gió, nhọc nhằn trong tăng gia sản xuất để đem lại no ấm cho dân mình.

Tình quân dân tha thiết, đậm đà đang là niềm hứng khởi giúp mọi người hớn hở đón chào bình minh về trên những cánh hoa ban mai lả lơi, để người nông phu hăng say cày cấy, tưới tiêu, tạo dựng đời sống ấm no và an lành.

“Đây quê hương thân yêu miền Nam/ Nắng lên huy hoàng đẹp mùa vui sang…”

Quê hương miền Nam mến yêu giờ đây tươi đẹp biết bao trong tâm trạng háo hức đón chào mùa lúa chín đầy đồng của người dân lành giữa mùa trăng no ấm, thanh bình…

***

Khoảng thời gian sau năm 1955, với những cảm xúc mạnh mẽ khi chứng kiến từng đoàn người di cư vào Nam sau Hiệp Định Geneva 1954 chia đôi đất nước, nhạc sĩ Lam Phương đã sáng tác những ca khúc như “Chuyến Đò Vĩ Tuyến,” “Nhạc Rừng Khuya,” “Đoàn Người Lữ Thứ,” “Nắng Đẹp Miền Nam”… để nói về quê hương miền Nam trù phú, tươi đẹp, tràn đầy lòng bác ái cùng tình người thương mến và đùm bọc lẫn nhau.

Đặc biệt, ca khúc “Nắng Đẹp Miền Nam,” lồng trong lời thơ của Hồ Đình Phương, còn vẽ nên một bức tranh thanh bình của một vùng thôn quê rực rỡ dưới ánh nắng chan hòa tại Miền Nam Tự Do.

“Nắng Đẹp Miền Nam” nằm trong số các nhạc phẩm mà nhạc sĩ Lam Phương đã dùng lời thơ của thi sĩ Hồ Đình Phương để phổ nhạc, một phương thức sáng tác nhạc khá phổ biến tại miền Nam Việt Nam hồi cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960.

“Nắng Đẹp Miền Nam” cũng là lời chúc mừng cho tình Bắc, duyên Nam, khi cả triệu đồng bào Bắc Việt di cư được ân cần đón nhận vào làm lại cuộc đời tại miền Nam Việt Nam, miền thân yêu bông lúa tràn ngập đầy đồng và cũng là miền xanh tươi đất rộng để mọi người cùng chung đời sống.

***

Nhà thơ Hồ Đình Phương, chánh quán tại quận Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, chào đời tại thành phố Huế vào năm 1927. Thời niên thiếu, chàng trai trẻ họ Hồ học tại các trường Trung Học Pellerin và Hồng Đức. Sau khi đỗ Tú Tài Pháp, ông được chỉ định làm Trưởng Văn Phòng Bệnh Viện Huế. Trong thời gian này, ông viết nhiều thơ, sách và có nhiều bài đăng báo. Xúc động trước cảnh đất nước tang thương sau chiến tranh, ông đã viết rất nhiều thi phẩm về tình yêu, về những khổ đau của quê hương chiến chinh và mơ ngày thanh bình trở lại trên đất nước.

Năm 1955, Hồ Đình Phương vào Nam để theo học rồi tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh vào năm 1958. Ông từng giữ chức vụ phó tỉnh trưởng Ninh Thuận. Sau năm 1963, ông có dạy tại trường Đại Học Thương Mại Đà Lạt một thời gian, sau đó làm giám đốc Công Ty Kỹ Nghệ Giấy Đồng Nai ở tỉnh Biên Hòa.

Hồ Đình Phương, dưới tên thật hoặc dưới bút hiệu Nhật Hồ hay Phương Nhật Hồ, đã cộng tác với nhiều báo chí, tập san, như Mùa Gặt Mới, Công Lý, Gió Lên… tại Huế, và Tin Mới, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Tiếng Chuông, Hòa Bình, Văn Nghệ Tiền Phong… tại Sài Gòn.

Sau Tháng Tư, 1975, nhà thơ Hồ Đình Phương phải đi “học tập cải tạo” khoảng hơn hai năm. Tháng Mười Một, 1979, ông cùng vợ và bốn người con vượt biển đi tìm tự do rồi mất tích luôn. Hồ Đình Phương có hai người con gái hiện vẫn còn sống.

Hồ Đình Phương đã viết lời cho nhiều bài hát nổi tiếng trước 1975. Thơ của ông cũng được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, trong đó có Lam Phương, Hoàng Trọng, Châu Kỳ, và Văn Giảng. Nhà thơ Hồ Đình Phương đã sáng tác với tất cả tâm hồn của một người nghệ sĩ để ca tụng quê hương miền Nam Việt Nam, cùng với cái đẹp của tình người qua lời nhạc sâu sắc và đầy xúc cảm.

Ngoài “Nắng Đẹp Miền Nam,” nhạc sĩ Lam Phương còn phổ nhạc một số bài thơ khác của thi sĩ Hồ Đình Phương, như “Bức Tâm Thư,” “Khúc Ca Ngày Mùa,” “Đoàn Người Lữ Thứ”…

Nhạc sĩ Hoàng Trọng cũng đã phổ nhạc một số bài thơ của Hồ Đình Phương, như “Bên Bờ Đại Dương,” “Gió Mùa Xuân Tới,” “Nhớ Về Đà Lạt”…

Nhạc sĩ Châu Kỳ thì phổ nhạc các bài thơ “Con Đường Xưa Em Đi,” “Đừng Nói Xa Nhau,” “Khuya Nay Anh Đi Rồi”…

Phần mình, nhạc sĩ Văn Giảng có các ca khúc phổ từ thơ của Hồ Đình Phương, như “Trăng Chờ,” “Quân Hành Ca,” “Quê Ngoại”…

***

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ra ở quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá, miền Nam Việt Nam, vào năm 1937, trong một gia đình không mấy khá giả. Năm lên 10 tuổi, cậu bé được mẹ gởi lên Sài Gòn sống với người bác ruột, nhờ đó mà có dịp học nhạc với các nhạc sĩ Hoàng Lang và Lê Thương.

Năm 1958, Lam Phương gia nhập Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và khi hết hạn quân dịch thì được lệnh tái ngũ, gia nhập đoàn văn nghệ Bảo An (tiền thân của Địa Phương Quân). Kế đó, Lam Phương hoạt động trong ban văn nghệ Hoa Tình Thương, và sau cùng là Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương cho đến ngày Sài Gòn sụp đổ vào tay quân Cộng Sản năm 1975.

Trong suốt khoảng thời gian dài này, Lam Phương đã sáng tác hàng trăm nhạc phẩm giá trị, hầu hết là các bản nhạc tình, trong đó có những bản “nhạc lính” cùng với những bản nhạc nền cho những vở kịch nổi tiếng của vợ ông, là Túy Hồng, một nữ diễn viên kịch cũng nổi tiếng chẳng kém gì người chồng nhạc sĩ lúc bấy giờ.

Ngày 30 Tháng Tư, Lam Phương cùng gia đình theo đoàn tàu di tản vượt thoát khỏi miền Nam Việt Nam. Gia đình Lam Phương đươc đưa đi định cư tại Virginia, Hoa Kỳ, rồi sau đó chuyển về Texas, và cuối cùng là California, nơi ông vừa lao động kiếm sống vừa tiếp tục sự nghiệp âm nhạc tại hải ngoại.

Sau khi ly dị với Túy Hồng, Lam Phương dời sang sống tại Pháp, nơi ông tiếp tục làm đủ thứ nghề để mưu sinh trong khi tiếp tục sự nghiệp âm nhạc của mình.

Năm 1995, Lam Phương quay trở lại Hoa Kỳ, nhưng chỉ bốn năm sau đó thì ông bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người.

‘Nắng Đẹp Miền Nam’ ngợi ca ruộng đồng trù phú và cuộc sống an lành - 2
Thi sĩ Hồ Đình Phương (trái) và nhạc sĩ Lam Phương. (Hình: Tài liệu)


Lần xuất hiện sau cùng của Lam Phương trước công chúng là vào Tháng Tám, 2016, khi ông cùng đoàn nghệ sĩ của Trung Tâm Thúy Nga sang Đông Nam Á thực hiện chương trình “Tình Ca Lam Phương tại Singapore.” Người nhạc sĩ tài danh và được người Việt khắp nơi mến mộ qua đời vào ngày 22 Tháng Mười Hai, 2020, tại California, thọ 83 tuổi.

Lam Phương rất nổi tiếng với các nhạc phẩm: “Biển Tình,” “Biết Đến Bao Giờ,” “Bức Tâm Thư,” “Buồn Chi Em Ơi,” “Chiều Hành Quân,” “Khúc Ca Ngày Mùa,” “Kiếp Nghèo,” “Kiếp Tha Hương,” “Lầm,” “Tan Vỡ,” “Thành Phố Buồn,” “Thiên Đàng Ái Ân,” “Thu Sầu,” “Tiễn Người Đi”…

Vann Phan/Người Việt

Bài viết khác

Kiếng đeo mắt: Một ổ vi trùng!

Kiếng đeo mắt: Một ổ vi trùng!

14/10/2024

Những người phải mang kiếng, dù là kiếng đeo hay kiếng áp tròng đều cần phải cẩn thận hơn trong việc bảo vệ sức khỏe “cửa sổ tâm hồn” của mình.

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

Những món ăn nhẹ làm bằng nồi chiên không dầu

03/10/2024

Thời gian gần đây, nồi chiên không dầu là thiết bị nấu ăn được rất nhiều người quan tâm bởi không chỉ tiện lợi, nhanh chóng mà còn tốt cho sức khỏe người sử dụng, hạn chế dùng dầu mỡ khi nấu ăn.

Art