Thứ Năm, 16 Tháng Ba, 2023

Màu thời gian của Kẻ Sở

Nhà thờ Kẻ Sở như tên gọi ban đầu, hay Vương cung thánh đường Sở Kiện (Duomo di Sở Kiện) như tên gọi về sau, thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội, tọa lạc ở thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, cách thị trấn Phủ Lý khoảng 5 km và cách Hà Nội khoảng 65 km về phía Nam.

Trước khi Nhà thờ chính tòa của giáo phận Hà Nội (trước đó là giáo phận Tây Đàng Ngoài) được dời sang Nhà thờ lớn Hà Nội, cùng với tòa giám mục và đại chủng viện của giáo phận, thì Sở Kiện từng đóng vai trò là Nhà thờ chính tòa của giáo phận này.

Giáo xứ Kẻ Sở xưa, nay gọi là Sở Kiện, bao gồm hai làng Sở và làng Kiện hợp lại, nằm dọc theo sông Đáy và bao quanh bởi những dãy núi đá vôi. Dân làng Sở làm nghề nông còn dân làng Kiện, với nghề buôn bán và chẻ đá nung vôi, sống ở thị trấn Kiện Khê. Sở Kiện từng là trung tâm giáo quyền và là nơi ẩn náu của giáo dân và giáo sĩ giáo phận Đàng Ngoài từ năm 1659, giáo phận Tây Đàng Ngoài từ năm 1858 đến 1892, thời nhà Nguyễn bách hại đạo Công giáo.

 

Màu thời gian của Kẻ Sở - 1

Màu thời gian của Kẻ Sở - 2

Màu thời gian của Kẻ Sở - 3

Nhà thờ Kẻ Sở, mang tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm, một trong những nhà thờ cổ kính và to lớn nhất, là Nhà thờ chính tòa của giáo phận Tây Đàng Ngoài từ năm 1882 đến 1936 (từ năm 1936 Nhà thờ chính tòa Tổng giáo phận Hà Nội được chuyển sang Nhà thờ Lớn Hà Nội). Cho đến nay, nhà thờ Sở Kiện là công trình duy nhất ở Việt Nam có khuôn viên được quy hoạch và xây dựng theo kiểu quần thể nhà thờ, duomo, của Ý.

Nhà thờ Kẻ Sở được khởi công xây dựng vào ngày 25 Tháng Mười 1877 và khánh thành vào Tháng Một 1883, dưới sự chỉ đạo của Giám mục Puginier Phước (1835-1892). Điểm đặc biệt là nhà thờ được xây trên một cái đầm, dưới móng nhà thờ là một nền kết bằng các phiến gỗ lim. Theo thời gian, do quá nặng nên nhà thờ đã lún dần và lún đều, nay trông như thấp hơn các nhà xung quanh khoảng 1 mét, theo trang web Nhà thờ Công giáo.

Nhà thờ Kẻ Sở có chiều dài 67m20, rộng 31m20, cao 23m20, bốn hàng cột, trần hình cung nhìn cao vút theo kiến trúc gothic, gồm chín gian; có các ô cửa kính màu (mosaics) vẽ các thánh hoặc các sự tích trong Kinh thánh. Bàn thờ sơn son thiếp vàng. Tường quanh cung thánh trang trí bằng gỗ chạm trổ rất tinh vi. Khuôn viên nhà thờ rộng khoảng 9 hecta. Hai ngọn tháp nhà thờ cao 27m, treo bốn quả chuông. Quả lớn nhất nặng 2,461 kg, quả nhỏ nhất là 318 kg. Vào ngày lễ, người ta phải huy động đến cả chục thanh niên đến kéo bốn quả chuông này. Quả chuông lớn được người dân ở đây gọi là chuông “Bồng” (từ tiếng Pháp: Bourdon).

Mặt tiền nhà thờ có đồng hồ với tiếng chuông điểm giờ. Trên cung thánh có mộ các vị giám mục: Retord Liêu (1803-1858), Theurel Chiêu (1829-1868), Puginier Phước (1835-1892) và Gendreau Đông (1850-1935).

Bên trong nhà thờ còn lưu giữ một cây đàn đại phong cầm cổ trên lầu hát; và trong ngôi nhà cạnh nhà thờ chính lưu giữ các hũ hài cốt, vải thấm máu của nhiều vị Thánh tử đạo Việt Nam và những xiềng xích mà nhà cầm quyền khi xưa đã dùng để tra tấn các vị tử đạo.

 

Màu thời gian của Kẻ Sở - 4

Màu thời gian của Kẻ Sở - 5

Màu thời gian của Kẻ Sở - 6

Màu thời gian của Kẻ Sở - 7

Màu thời gian của Kẻ Sở - 8

Kẻ Sở khi xưa không chỉ là thủ phủ về mặt hành chánh tôn giáo cho toàn Địa phận Tây Đàng Ngoài, với tòa giám mục và đại chủng viện, mà còn là một trung tâm văn hóa Công giáo cho cả Đàng Ngoài, với một nhà in.

Vào những năm 1934-1936, Nhà thờ chính tòa được chuyển tới Hà Nội, nên nhà thờ Sở Kiện không còn là Nhà thờ chính tòa và sau đó chỉ còn là nhà thờ của giáo xứ Sở Kiện. Đại chủng viện và Tòa Giám mục cũng dời về Hà Nội. Sở Kiện không còn đóng vai trò trung tâm của Tổng Giáo phận Hà Nội, và quần thể Sở Kiện không có ai coi sóc thường xuyên nên xuống cấp theo dòng thời gian.

Đến năm 1990, nhà thờ Sở Kiện được Tổng Giáo phận Hà Nội cho trùng tu lần đầu và năm 2008 Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt chỉ định Sở Kiện là Trung tâm Hành hương các Thánh Tử Đạo của Tổng Giáo phận Hà Nội và đệ trình văn thư xin Thánh Bộ Phụng tự nâng nhà thờ này lên bậc tiểu Vương cung Thánh đường.

Màu thời gian của Kẻ Sở - 9

Màu thời gian của Kẻ Sở - 10

Màu thời gian của Kẻ Sở - 11

Màu thời gian của Kẻ Sở - 12

Màu thời gian của Kẻ Sở - 13

Màu thời gian của Kẻ Sở - 14

Màu thời gian của Kẻ Sở - 15

Sở Kiện đã đi vào lịch sử của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Năm 2010, kỷ niệm 350 năm truyền giáo và 50 năm thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, Sở Kiện đã được chọn là nơi tổ chức Thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2010, diễn ra vào ngày 24 Tháng Mười Một 2009.

Màu thời gian của Kẻ Sở - 16

Màu thời gian của Kẻ Sở - 17

Màu thời gian của Kẻ Sở - 18

Đó là chỉ là ít nét lịch sử cô đọng của nhà thờ Kẻ Sở. Đến thăm Kẻ Sở bây giờ, người ta không thể không choáng ngợp trước vẻ đồ sộ của ngôi Nhà thờ Chính tòa và các công trình phụ cận, đặc biệt là trước sắc màu thời gian của ngôi Nhà thờ Chính tòa có lịch sử 140 năm và các công trình khác. Màu xám đen trầm mặc của thời gian trên mặt tiền, trên hai tháp và trên các bức tường của ngôi nhà thờ càng làm nổi bật lên sắc đỏ bầm của gạch – một thứ sắc đỏ khiến khách hành hương liên tưởng đến những giọt máu của các giáo sĩ và giáo dân đã đổ xuống để làm chứng cho đức tin trên mảnh đất này.

______

Bài và ảnh: Đoàn Khắc Xuyên

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art